Mỹ: Nhiệm kỳ thứ 2 của Trump; J.D.Vance chiến thắng; ‘Ván cược’ của Elon Musk; Bất mãn di sản của Biden; Trật tự thế giới thay đổi?

BỨC TRANH NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG THỨ 2 CỦA DONALD TRUMP

Đối với một số nhà bình luận, nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump có thể cho thấy dấu hiệu tương đối rõ ràng về cách ông sẽ lãnh đạo lần này, khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ.

Họ tin rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục từ nơi ông đã dừng lại vào năm 2020 khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình.

Một dự án còn dang dở là đóng cửa biên giới phía nam Hoa Kỳ và xây dựng bức tường biên giới - chính sách chủ chốt trong nhiệm kỳ đầu của ông; ông đã không nhận được sự chấp thuận của Quốc hội để tài trợ cho dự án, điều mà ông cần để xây dựng bức tường như đã hình dung.

Ông được kỳ vọng sẽ giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là hoàn thành việc xây dựng bức tường.

Trục xuất hàng loạt

Tổng thống Trump cũng nhiều khả năng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc hội cho kế hoạch trục xuất hàng loạt người không có giấy tờ hợp pháp đang cư trú tại Mỹ.

Theo số liệu ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có khoảng 11 triệu người nhập cư trái phép ở Mỹ năm 2022, dù Trump và chiến dịch của ông khẳng định có thêm nhiều triệu người nữa.

Các chuyên gia cảnh báo rằng bất cứ một cuộc trục xuất hàng loạt nào cũng rất tốn kém và khó để thực hiện, và có thể để lại hệ quả xấu lên một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế - nơi các lao động không giấy tờ đóng vai trò quan trọng.

Khi Donald Trump chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa để ra tranh cử tổng thống vào tháng Bảy, ông đã thề "sẽ chấm dứt lập tức cuộc khủng hoảng lạm phát đang tàn phá nền kinh tế, hạ lãi suất và giảm chi phí năng lượng".

Ông muốn gia hạn các đợt cắt giảm thuế mà ông đã thực hiện vào năm 2017, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm sau.

Đây là một đợt cải tổ thuế lớn nhất trong nhiều thập kỷ, nhằm mục đích đơn giản hóa luật thuế và thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư.

Đợt cắt giảm thuế lớn nhất là cho các doanh nghiệp và người giàu, mà Đảng Dân chủ đã kêu gọi đảo ngược.

Trump cũng được kỳ vọng sẽ hạ thuế suất doanh nghiệp thậm chí nhiều hơn nữa, xuống mức 15%, và xóa bỏ thuế đối với tiền boa và thanh toán an ninh xã hội cho người về hưu.

Một cuộc chiến thương mại khác?

Ông cũng muốn khoan thêm nhiều mỏ dầu vì ông tin rằng giá dầu cao góp phần gây ra lạm phát, và rằng làm vậy sẽ giúp giảm giá năng lượng, dù các nhà phân tích nghi ngờ điều này.

Ông cũng nói rằng ông có kế hoạch áp 10%-20% thuế lên hầu hết các hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, riêng hàng nhập khẩu Trung Quốc chịu mức thuế 60%. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học đã cảnh báo rằng các biện pháp như vậy sẽ phải trả giá bằng chính người tiêu dùng Mỹ trong hình thức giá cả tăng cao.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc có các thực hành thưong mại không công bằng và trộm cắp các tài sản trí tuệ.

Tuy nhiên, các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ chắc chắn sẽ quyết định liệu ông có thể thực hiện các chính sách của mình theo cách mà ông mong muốn hay không.

Cũng đáng để lưu ý rằng trong các năm 2017-2019, Đảng Cộng hòa đã kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.

Nhưng vào thời điểm đó, với tư cách là người mới nhập cuộc, Trump bị coi là không quen thuộc với hoạt động của Quốc hội và điều đó đã cản trở khả năng tận dụng lợi thế của Đảng Cộng hòa khi vào Nhà Trắng và nắm đa số tại Quốc hội để đạt được những chiến thắng lớn về chính sách, các nhà phân tích chính trị vào thời điểm đó nhận định.

Khi Đảng Cộng hòa đã tái kiểm soát cả hai viện trong cuộc bầu cử này, chính quyền Trump có khả năng theo đuổi các chính sách luật bao gồm việc chi ngân sách cho an ninh biên giới, việc hoàn thiện bức tường biên giới, cắt giảm thuế, và các vấn đề khác.

Cấm phá thai

Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã giám sát việc bổ nhiệm ba chánh án Tòa án Tối cao - những người đóng vai trò then chốt trong việc bãi bỏ quyền phá thai được hiến định, một phán quyết được đưa ra năm 1973, còn gọi là vụ Roe v Wade. Do đó nhiều người tự hỏi tân tổng thống có thể làm gì trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Tuy nhiên, hồi tháng Chín, trong cuộc tranh luận truyền hình với Kamala Harris, ông đã nói rằng ông sẽ không ký một lệnh cấm phá thai liên bang khi "không có lý do gì để ký lệnh cấm bởi vì chúng ta đã có cái mà mọi người mong muốn," ông nói.

'Chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa đơn phương'

Về chính sách ngoại giao, nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump có thể giống nhiệm kỳ đầu - đưa nước Mỹ thoát khỏi các cuộc xung đột trên thế giới.

Ông nói rằng ông sẽ kết thúc cuộc chiến Ukraine "trong vòng 24 giờ" qua một thỏa thuận đàm phán với Nga, một động thái mà Đảng Dân chủ cho rằng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Tổng thống Vladimir Putin.

Trump đã định vị bản thân như một người ủng hộ kiên định của Israel, nhưng nói rất ít về việc ông sẽ kết thúc cuộc chiến ở Gaza như thế nào.

"Tôi cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của Trump được ghi dấu bằng chủ nghĩa cô lập và đơn phương chẳng mang lại gì ngoài làm sâu sắc thêm sự bất ổn toàn cầu," Martin Griffiths, một nhà đàm phán xung đột kỳ cựu, người mới đây là điều phối viên nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nói.

Jamie Shea, cựu quan chức NATO và hiện là giáo sư về chiến lược và an ninh tại Đại học Exeter, cho rằng phong cách của Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu gây bất ổn, "nhưng về bản chất, đã có một sự ổn định lớn".

"Ông ấy không rút khỏi NATO, ông ấy không rút quân đội Mỹ khỏi châu Âu và ông đã là tổng thống Mỹ đầu tiên gửi vũ khí sát thương cho Ukraine."

Donald Trump là tổng thống thứ hai trong lịch sử nước Mỹ phục vụ hai nhiệm kỳ không liên tiếp.

Tổng thống đầu tiên là Grover Cleveland, nhiệm kỳ 1885-1889, thất bại trong cuộc tái đấu và bốn năm sau đó tái đắc cử, nhiệm kỳ 1893-1897.

"Nước Mỹ trao cho chúng ta sự ủy thác mạnh mẽ chưa từng có," ông Trump phát biểu trước đám đông sôi nổi tại trụ sở chiến dịch của mình ở Florida và tuyên bố ông đã giành "chiến thắng vang dội".

 

 

CHIẾN THẮNG CỦA J.D. VANCE

Donald Trump đã trở lại đầy ngoạn mục trên chính trường sau những biến động chính trị và tranh cãi không ngừng suốt bốn năm qua. Nhưng chiến thắng đích thực thuộc về J.D. Vance - người sẽ trở thành Phó Tổng thống thứ 47 của Mỹ.

“Thái tử” của phong trào MAGA

Ông Trump đã vượt qua vô vàn thử thách – từ những vấn đề pháp lý dẫn đến việc bị kết án hồi đầu năm, những đối thủ trẻ và năng động hơn trong cuộc đua giành tấm vé tranh cử của Đảng Cộng hòa, những đòn tấn công từ phía Dân chủ, cho đến hai âm mưu ám sát – để rồi giành chiến thắng vang dội, trở lại Nhà Trắng với tư cách là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Tuy vậy, nhìn về tương lai của nền chính trị Mỹ, danh hiệu này có lẽ không thuộc về ông Donald Trump, người đã 78 tuổi và gần như chắc chắn sẽ rời khỏi vũ đài chính trị sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2028.

Thay vào đó, chiến thắng của ông Trump đã giúp đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo thủ tại Mỹ, với người dẫn dắt chính là người bạn đồng hành tranh cử của ông, người sắp trở thành Phó Tổng thống trẻ thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ – Thượng nghị sĩ J.D. Vance.

Nhà phân tích chính trị Yuval Levin chia sẻ với tờ The New Yorker: "Nếu bạn nhìn vào xuất thân và tuổi 40 của anh ấy, thì J.D. Vance là người thành công nhất trong thế hệ của mình trên chính trường Hoa Kỳ".

Phong trào MAGA (Make America Great Again: Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) là một hiện tượng chính trị do ông Donald Trump dẫn đầu, với mục tiêu khôi phục vị thế và sự vĩ đại của nước Mỹ thông qua chủ nghĩa dân tộc và chống lại các xu hướng toàn cầu hóa. Chiến thắng của Trump có thể được coi là sẽ củng cố cho phong trào này trong xã hội Mỹ.

Một số nhà bình luận đã gọi J.D. Vance là "thái tử" của phong trào MAGA, người không chỉ kế thừa di sản của ông Donald Trump mà còn có khả năng khởi xướng một phong trào chính trị mới, nhằm đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội Mỹ dưới ngọn cờ dân túy.

J.D. Vance là một trong số ít những người tại Mỹ có thể kết nối tầng lớp lao động vùng Trung Tây với các cử tri trẻ ở thành thị đang bất mãn về hiện trạng xã hội Mỹ, đồng thời kết nối giới tinh hoa ở thung lũng Silicon với tầng lớp trí thức tại các trường đại học hàng đầu.

Trong khi ông Donald Trump có phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, gây tranh cãi và thường xuyên chỉ trích giới truyền thông và các đối thủ, thì J.D. Vance được biết đến với phong cách điềm tĩnh và khả năng tiếp cận đa dạng đối tượng cử tri, từ giới lao động đến trí thức. Sự khác biệt này không chỉ nằm ở tuổi tác hay nền tảng, mà còn cho thấy Vance có thể dẫn dắt phong trào MAGA theo hướng hòa nhã và tinh tế hơn, phù hợp với thế hệ trẻ bảo thủ.

Xuất thân nghèo khó

Lợi thế Vance có được là hoàn cảnh xuất thân khác hoàn toàn với ông Donald Trump. J.D. Vance sinh ra trong tình cảnh nghèo khó, và dành phần lớn thời thơ ấu trong một thành phố công nghiệp nhỏ, Middletown, Ohio, toạ lạc ở chính giữa Vành đai rỉ Sét – một mảnh đất dường như bị nước Mỹ bỏ quên trong thời đại toàn cầu hoá.

Anh lớn lên cùng một người mẹ nghiện ma tuý, nhưng ghi nhận công lao nuôi dạy thuộc về người bà ngoại yêu quý của mình, được anh gọi trìu mến là Mamaw.

Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, Vance nhập ngũ vào Thuỷ quân lục chiến, và đón sinh nhật lần thứ 20 của mình trong vai trò phóng viên chiến trường tại Iraq. Là cựu chiến binh đầu tiên của thế hệ hậu 11/9 có mặt trong danh sách ứng cử viên của một chính đảng Mỹ, Vance thường phê bình mạnh mẽ về “những cuộc chiến tranh bất tận” và chính sách can thiệp của Mỹ trên khắp thế giới.

Sau khi xuất ngũ, anh học bậc Cử nhân tại Đại học Tiểu bang Ohio – một ngôi trường không mấy danh tiếng – đúng vào thời điểm xảy ra cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu, và sau đó vươn lên tầng lớp thượng lưu và quyền lực nhờ tấm bằng của Trường Luật Yale. Sau đó, Vance dành một thời gian làm việc tại Thung lũng Silicon như một nhân viên cấp cao tại Mithril Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm do Peter Thiel sáng lập.

Năm 2016, anh trở thành tác giả của cuốn sách bán chạy “Hillbilly Elegy” – đem lại cho anh biệt danh là “ông hoàng của tầng lớp da trắng nghèo” bởi những người theo Đảng Dân chủ. Chính trong hoàn cảnh này, J.D. Vance chưa từng biết đến một nước Mỹ tự tin và đoàn kết, mà chỉ biết đến một nước Mỹ hỗn loạn, bất bình đẳng, chia rẽ giữa các giai cấp ngày nay.

Ban đầu, Vance đã lên tiếng chỉ trích ông Donald Trump, gọi ông là “độc hại” và “kẻ lừa đảo”. Lập trường này sớm thu hút sự chú ý của Đảng Cộng hoà đến Vance như một tiếng nói bảo thủ có lý trí, dám chỉ trích luận điệu dân tuý của ông Trump.

Tuy nhiên, Vance dần trở nên đồng tình với quan điểm của Trump, một phần do anh nhận thấy sức hút của ông Trump đối với các cử tri thuộc tầng lớp lao động. Những lời chỉ trích của Vance nhắm vào Trump dịu đi, và anh bắt đầu tiếp thu và khuếch trương những chủ đề trọng tâm trong đường lối chính trị của ông Trump như chủ nghĩa chống tinh hoa, chủ nghĩa dân tộc, và chính sách nhập cư cứng rắn.

Quan điểm về bộ lạc chính trị

Một khía cạnh đáng chú ý khác là sự thay đổi trong quan điểm của J.D. Vance những năm gần đây. Ban đầu, anh phản đối chủ nghĩa bộ lạc chính trị, cho rằng việc chia xã hội Mỹ thành các nhóm khác biệt dựa trên sắc tộc và văn hóa đang làm trầm trọng thêm sự chia rẽ và bất bình đẳng.

Tại Yale, J.D. Vance đã kết thân với Giáo sư Amy Chua, tác giả cuốn sách gây tranh cãi "Battle Hymn of the Tiger Mother" (Khúc chiến ca của Mẹ Hổ) và là một trong những học giả có ảnh hưởng đến các nghiên cứu về sắc tộc và chủ nghĩa bộ lạc.

Vance tin rằng nước Mỹ cần tìm ra giải pháp cho sự chia rẽ - nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của ông Donald Trump – bằng cách khôi phục bản sắc chung của người Mỹ, vượt qua những rào cản sắc tộc và văn hóa.

Tuy nhiên, Vance dần nhận ra rằng chủ nghĩa bộ lạc không chỉ mang ý nghĩa tiêu cực, mà còn có thể là công cụ hữu hiệu để xây dựng cộng đồng và gìn giữ những giá trị cốt lõi.

Ông Donald Trump dường như đã chứng minh rằng các tầng lớp xã hội khác nhau có thể tạo nên sức mạnh tập thể, miễn là có sự thống nhất về mục tiêu và niềm tin – trong trường hợp này là phong trào MAGA. Vance đã tiếp thu quan điểm này và bắt đầu có một cách nhìn khác về chủ nghĩa bộ lạc – thay vì gây chia rẽ, nó còn có thể là nền tảng cho sự đoàn kết và thấu hiểu trong xã hội Mỹ.

Bước vào chính trường

Có lẽ bằng chứng tốt nhất cho niềm tin của Vance vào sự thống nhất này là cách anh bước chân vào chính trường vào năm 2022, khi tranh cử làm Thượng nghị sĩ bang Ohio.

Vance đã tìm cách tập hợp các tầng lớp bảo thủ và lao động quanh những vấn đề như tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương, và bảo vệ các giá trị truyền thống. Anh thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt và thảo luận với cử tri để truyền tải thông điệp rằng sự đoàn kết giữa các tầng lớp, chứ không phải sự phân chia sắc tộc, mới là nền tảng của một nước Mỹ vững mạnh.

Mặc dù anh xây dựng hình ảnh chiến dịch tranh cử như một “người ngoài cuộc” chính trị, chỉ trích mạnh mẽ giới tinh hoa Mỹ, nhưng lại nhận được ủng hộ tài chính từ những người thuộc tầng lớp này tại Thung lũng Silicon, đặc biệt là với những khoản đóng góp của Peter Thiel. 

Mối quan hệ của J.D. Vance với Peter Thiel và những nhân vật có ảnh hưởng khác ở Thung lũng Silicon như Elon Musk cũng góp phần tạo nên một nền tảng tư tưởng bảo thủ mới, tập trung vào chủ nghĩa dân tộc kinh tế và sự hoài nghi đối với truyền thông chính thống.

Thông điệp "Cánh hữu mới" mà J.D. Vance tiếp thu chứa đựng những giá trị phù hợp với nhiều cử tri bảo thủ, từ việc phản đối văn hóa "thức tỉnh" (woke culture) đến sự mất lòng tin vào chính trị truyền thống.

Điều này cho phép J.D. Vance kết nối sâu sắc với những người bảo thủ đang thất vọng với cả hai đảng phái chính trị lớn, và thu hút họ tham gia vào phong trào MAGA, góp phần dẫn đến thành công lớn của tấm vé Trump-Vance trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Có lẽ chính sự xuất hiện của J.D. Vance trong liên danh tranh cử đã giúp Donald Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới bảo thủ ở Thung lũng Silicon, đặc biệt là từ Elon Musk.

Tài hùng biện và khả năng bảo vệ Trump

Quyết định lựa chọn Vance đã thể hiện rõ mong muốn của ông Trump để tìm một người bạn đồng hành, cả về quan điểm chính trị lẫn tư duy. Khi xem qua hàng loạt cuộc trò chuyện, tiếp xúc với báo chí của Vance trong suốt thời gian tranh cử, có lẽ cần nhận định rằng Vance là người thông minh, hùng biện nhất trong số các nhân vật đã và đang nỗ lực kế thừa di sản của Trump.

Thái độ thoải mái tự nhiên, và khả năng bày tỏ sự cảm thông của Vance khi nói chuyện với công chúng cho thấy anh cũng rất phù hợp để xuất hiện trên TV – điều mà đối với Trump, từng là một ngôi sao truyền hình, luôn coi trọng.

Vance cũng thể hiện khả năng xuất sắc trong việc bảo vệ Donald Trump trên các kênh tin tức thường chống lại ông như New York Times và CNN. Anh nhiều lần tham gia các chương trình phỏng vấn vào sáng Chủ nhật trong suốt 16 tuần đồng hành trong chiến dịch tranh cử của Trump.

Một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo thủ Mỹ?

Cách tốt nhất để xác định con đường của Vance sẽ không nằm trong những hành động công khai của ông trong bốn năm tới như Phó Tổng thống Mỹ, do vị trí này phần lớn mang tính biểu tượng, và Vance sẽ chỉ là một “cánh tay nối dài” của những chính sách và quan điểm của Trump.

Thay vào đó, những bước đi thầm lặng, những chiến lược dài hơi mà anh chuẩn bị trong hậu trường sẽ phục vụ làm nền tảng cho tham vọng chính trị lâu dài của Vance như người kế thừa phong trào MAGA. Đây cũng là một thứ có thể quan sát trong cách anh đã chứng minh mình là ứng viên sáng giá nhất trong mắt Trump.

Có lẽ đối thủ đích thực của anh vào năm 2028 sẽ là không ai khác ngoài Vivek Ramaswamy, người bạn đồng cấp với Vance tại Trường luật Yale, nay cũng đã trở thành một trong những tiếng nói hàng đầu của Đảng Cộng hoà. Ramaswamy đã có chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình trước khi rút lui và ủng hộ Trump. Trong một bài phỏng vấn với Ezra Klein, phóng viên kỳ cựu của New York Times, Ramaswamy nói rằng phong trào MAGA đang chia tách đôi, với J.D. Vance đứng về phía chủ nghĩa bảo hộ dân tộc (national protectionism), trong khi anh đứng về chủ nghĩa tự do cá nhân định hướng dân tộc (national libertarianism).

Định hướng của di sản Trump trong những năm tới sẽ còn là một diễn biến đáng quan sát, và Vance đã chứng tỏ mình hoàn toàn sẵn sàng.

 

 

"CƯỢC TẤT TAY" VÀO ÔNG DONALD TRUMP, ELON MUSK THẮNG GÌ?

Trong 24 giờ qua, tài sản của vị tỷ phú này đã tăng thêm gần 5 tỷ USD.

Trưa 6/11 (theo giờ Việt Nam), báo chí Mỹ đưa tin, theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính tới 13h30 ngày 6/11, ông Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã giành 277 số phiếu đại cử tri, vượt ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết và theo đó đánh bại bà Kamala Harris, ứng cử viên đảng Dân chủ để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Với chiến thắng này, đây sẽ là nhiệm kỳ thứ 2 mà ông Donald Trump giữ cương vị Tổng thống Mỹ, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016 - 2020. Đồng thời ông Trump trở thành vị tổng thống thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ không liên tiếp.

Theo AP , tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, Florida, phát biểu trước người ủng hộ, ông Donald Trump tuyên bố chiến thắng và đã "làm nên lịch sử", cũng như cam kết đem tới thời kỳ huy hoàng cho nước Mỹ.

Ông Trump đề cập về phong trào MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại): " Đây là phong trào chưa từng có và thật lòng mà nói, tôi tin đây là phong trào chính trị vĩ đại nhất mọi thời đại. Chưa từng diễn ra điều tương tự ở đất nước này và có thể là cả sau này cũng không có chuyện tương tự ".

Ngoài ra, ông Trump cũng nhắc tới chuyện khắc phục những vấn đề của nước Mỹ, trong đó có vấn đề về người nhập cư và biên giới. Ông nói thời khắc này sẽ giúp "chữa lành" đất nước và cam kết sẽ chiến đấu mỗi ngày vì người dân.

Sự trở lại Nhà Trắng một cách ngoạn mục của ông Donald Trump cũng là "chiến thắng" đối với nhiều người ủng hộ ông, trong đó có Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay.

Với chiến thắng của ông Donald Trump, tỷ phú Elon Musk sẽ được gì?

Dù ban đầu tuyên bố trung lập về chính trị nhưng sau đó tỷ phú Elon Musk đã chính thức ủng hộ ông Trump, đồng thời trở thành nhân vật chủ chốt trong chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên đảng Cộng hoà. Fortune ước tính, kể từ khi công khai ủng hộ ông Donald Trump vào Nhà Trắng, tháng 7/2024 tính đến 26/10, Elon Musk đã quyên góp ít nhất 132 triệu USD cho chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, vị tỷ phú này cũng vấp phải những thách thức về mặt pháp lý, khi bị nhiều người đệ đơn kiện khoản tiền thưởng trị giá 1 triệu USD của ông cho chữ ký ủng hộ ông Donald Trump là vi phạm luật pháp.

Theo RT , khi trả lời phỏng vấn ở cuộc vận động tranh cử tại Arizona vào ngày 31/10 về việc liệu ông Kennedy hay Elon Musk có thể trở thành nhân vật chủ chốt trong chính quyền nếu ông tái đắc cử hay không, ông Donald Trump khẳng định rằng, ông có ý định như vậy.

Tuy nhiên, ông Trump lưu ý rằng, tỷ phú Elon Musk, ông chủ của Tesla và SpaceX không muốn nhận một ghế bộ trưởng nào đó trong chính phủ. Thay vào đó, tỷ phú này muốn tập trung tìm cách giảm lãng phí trong chi tiêu của chính phủ.

" Elon Musk nghĩ có thể cắt giảm 2.000 tỷ USD mỗi năm mà không ảnh hưởng đến bất kỳ ai và tôi tin rằng cậu ta làm được điều đó. Elon Musk muốn cắt giảm chi phí, cậu ta muốn cứu đất nước này ", ông Trump chia sẻ

Ông Donald Trump nói sẽ thành lập một ủy ban "hiệu quả chính phủ" đặc biệt, được gọi là DOGE, do tỷ phú Elon Musk đứng đầu.

Tờ Politico cũng đưa ra nhận định rằng, nếu ông Trump tái đắc cử, Elon Musk có thể trở thành một nhà tài phiệt quyền lực và kỳ vọng vào việc gia tăng các đơn hàng chính phủ cho SpaceX và chính sách ưu đãi cho Tesla.

Elon Musk có thêm gần 5 tỷ USD chỉ sau 24 giờ

Theo Fortune , ngay từ khi cuộc bầu cử Mỹ dần ngã ngũ, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới hiện tại. Bởi Elon Musk là một trong những người ủng hộ lớn nhất cho ông Trump. Trong vòng 24 giờ qua, khối tài sản của Elon Musk đã tăng 4,8 tỷ USD, nhờ đà tăng của cổ phiếu Tesla cũng như các công ty mà vị tỷ phú này đang nắm giữ.

Tính đến khoảng nửa đêm theo giờ miền Đông Mỹ, giá cổ phiếu của Tesla ở mức khoảng 272 USD/cổ phiếu trên Robinhood. Trong phiên giao dịch muộn trên Nasdaq, cổ phiếu hãng xe này đã tăng 2,9% lên 258,7 USD/cổ phiếu.

Theo thống kê của Forbes, ông Elon Musk cũng là vị tỷ phú kiếm được nhiều tiền nhất trong 24 giờ qua, với khối tài sản ròng tăng 4,8 tỷ USD, đạt 264,7 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, việc ông Elon Musk công khai ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay càng làm cho nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng tăng giá của cổ phiếu Tesla. Điều này khiến họ đổ xô mua vào.

 

 

DI SẢN CỦA BIDEN BỊ CHỈ TRÍCH

Người Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 5/11 với tâm trạng bất mãn và chia rẽ, khi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy gần 2/3 cử tri tin rằng đất nước đã đi sai hướng dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Trong khi nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi giai đoạn COVID-19 với tăng trưởng việc làm và tăng lương mạnh mẽ, nhiều người dân nước này phàn nàn rằng những thành quả đó đã bị nuốt chửng bởi giá nhà và hàng tiêu dùng cao.

Lời hứa của Tổng thống Biden về việc thiết lập cơ chế nhập cư nhân đạo hơn so với thời chính quyền ông Trump đã sớm vấp phải thực tế là tình trạng vượt biên trái phép gia tăng.

Tòa án Tối cao đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade, làm bùng lên một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Mỹ.

Và bất chấp cam kết của Tổng thống Biden rằng Mỹ sẽ đóng vai trò là lực lượng ổn định trên thế giới, các cuộc chiến tranh và xung đột lớn trên thế giới làm lu mờ nhiệm kỳ của ông.

Bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay - ông Trump hay Phó Tổng thống Kamala Harris - sẽ thừa hưởng di sản của chính quyền Biden. Dưới đây là cách ông Biden giải quyết những vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Nhập cư

Ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống bằng cách đảo ngược nhiều chính sách hạn chế nhập cư của chính quyền tiền nhiệm. Ông dừng việc xây dựng bức tường biên giới; hủy lệnh cấm nhắm vào người từ một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi và các quốc gia khác; và thu hẹp chương trình buộc những người xin tị nạn phải chờ đợi ở Mexico trong khi chờ thủ tục xét duyệt ở Mỹ.

Vài tháng sau khi ông nhậm chức, tình trạng vượt biên trái phép tăng vọt, đặc biệt là trẻ em không có người đi kèm từ Trung Mỹ, khiến các trung tâm xử lý người tị nạn ở biên giới bị quá tải.

Tình trạng vượt biên trái phép đã đạt mức kỷ lục vào các năm 2022 và 2023.

Trước tình trạng này, Thống đốc Texas Greg Abbott, một thành viên đảng Cộng hòa, đưa người di cư đến đến các thành phố của đảng Dân chủ như New York và Chicago, khiến những nơi này chật vật cung cấp chỗ ở cho họ.

Tháng 1 năm nay, Tổng thống Biden ủng hộ một dự luật lưỡng đảng nhằm thắt chặt an ninh biên giới. Sau khi dự luật bị bác bỏ tại Thượng viện vì ông Trump phản đối, Tổng thống Biden đã cấm tị nạn đối với hầu hết những người di cư vượt biên trái phép.

Số lượng người di cư bị bắt khi vượt biên trái phép đã giảm mạnh.

Bất chấp áp lực chính trị xung quanh vấn đề di cư, Tổng thống Biden đã mở ra những con đường hợp pháp mới cho hàng trăm nghìn người di cư và cho phép khôi phục chương trình tị nạn của Mỹ, tiếp nhận hơn 100.000 người tị nạn trong năm nay, mức cao nhất trong 30 năm.

Phá thai

Thay đổi lớn nhất về quyền phá thai trong nhiều thập kỷ đã diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, nhưng là do quyết định của Tòa án Tối cao.

Tháng 6/2022, phe đa số bảo thủ mà ba thành viên trong đó được ông Trump bổ nhiệm đã xóa bỏ quyền phá thai liên bang trong gần 50 năm, dựa trên phán quyết Roe kiện Wade.

Quyết định này mở ra giai đoạn mà các bang đặt ra luật riêng của họ về quyền phá thai. Hơn chục bang cấm phá thai trong tất cả hoặc hầu hết trường hợp.

Tổng thống Biden lên án phán quyết của Tòa án Tối cao. Chính quyền của ông, thông qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Bộ Tư pháp, đã đưa ra các hướng dẫn để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ phá thai khẩn cấp và bảo vệ việc sử dụng thuốc phá thai.

Chính quyền cũng thúc đẩy việc mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thông qua Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng.

Kinh tế

Ông Biden có thể đi vào lịch sử với tư cách là người giám sát nền kinh tế tốt nhất theo cách mà mọi người đều ghét.

Kể từ năm 2021, khi nước Mỹ thoát khỏi đại dịch COVID-19, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm gần 16,5 triệu việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình chỉ 4,2%.

Tăng trưởng GDP trung bình đạt 3,2% mỗi quý, cao hơn dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế. Thu nhập và tiền lương cũng tăng trưởng tốt. Giá trị tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 163,8 nghìn tỷ USD nhờ thị trường chứng khoán bùng nổ và giá nhà tăng.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy ít người Mỹ hài lòng về những chỉ số này, bởi vì lạm phát tăng lên mức tồi tệ nhất trong một thế hệ.

Công lý chủng tộc

Trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh nhằm giải quyết nạn phân biệt chủng tộc, hành vi tàn bạo của cảnh sát, đói nghèo và bất bình đẳng mà người da đen và các cộng đồng da màu khác phải đối mặt.

Tuy nhiên, quá trình cải cách diễn ra chậm chạp. Đạo luật Công lý George Floyd nhằm ngăn chặn các hành vi lạm quyền của cảnh sát vì phân biệt chủng tộc đã bị kẹt ở Quốc hội.

Dù Bộ Tư pháp đã khôi phục các cuộc điều tra về hành vi vi phạm quyền công dân, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả rõ ràng nào để làm rõ những hành vi của cảnh sát vi phạm quyền công dân.

Về kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp của người da đen đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm ngoái. Trong năm nay, chính quyền chỉ đạo triển khai các khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD cho doanh nghiệp do người da đen làm chủ.

Chính quyền cũng đã đầu tư hơn 16 tỷ USD vào các trường cao đẳng và đại học dành cho người da đen và hỗ trợ 2,2 tỷ USD cho hơn 43.000 nông dân da đen và những người khác bị phân biệt đối xử. Năm 2023, chính quyền Biden chi 470 triệu USD để cải thiện sức khỏe bà mẹ.

Đối ngoại

Từ xung đột ở Ukraine và Dải Gaza đến đổ máu ở Sudan, các cuộc xung đột ở nước ngoài đã chi phối chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.

Tổng thống Biden nhậm chức với lời hứa khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trên thế giới và quyết tâm đẩy lùi một Trung Quốc ngày càng quyết liệt.

Chính quyền của ông đã làm được điều đó theo một số cách. Sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan năm 2021, Tổng thống Biden đã tập hợp các đồng minh của Mỹ để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trong khi khôi phục các liên minh trên khắp châu Á để gây sức ép lên Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Mỹ vật lộn trong nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột dai dẳng và không thể ngăn chặn mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã sang năm thứ ba, dù Mỹ viện trợ quân sự nhiều tỷ USD và cả hai bên đều chịu tổn thất lớn.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza đã “di căn” thành xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Li-băng, dẫn đến các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa Israel và Iran.

Sự ủng hộ kiên định của Tổng thống Biden dành cho Israel gây chia rẽ nội bộ đảng Dân chủ và vấp phải nhiều chỉ trích về vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Chuyển đổi năng lượng

Ông Biden bước vào Nhà Trắng với tham vọng to lớn về chống lại biến đổi khí hậu, bằng cách chuyển nền kinh tế Mỹ khỏi nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn và tái tạo, đồng thời tạo ra các công việc mới trong mảng phát triển xanh và đưa sản xuất quay lại Mỹ.

Ông đã ký thành luật 3 đạo luật thúc đẩy đầu tư lớn vào nền kinh tế năng lượng sạch: Đạo luật Giảm lạm phát, luật cơ sở hạ tầng và Đạo luật CHIPS, nhằm thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước để tránh các cú sốc.

Theo đó, các công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào năng lượng mặt trời, gió, xe điện và cơ sở hạ tầng mới, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và tạo ra việc làm.

Về mặt hạn chế, các chính sách của Tổng thống Biden đã không ngăn chặn được sự gia tăng mạnh mẽ trong sản lượng dầu khí của Mỹ, chủ yếu ở các vùng đất tư nhân ở Texas và New Mexico, đưa Mỹ trở thành nước khai thác dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Dự báo của hãng Rhodium Group cho thấy lượng khí thải nhà kính của Mỹ sẽ giảm 32-43% vào năm 2030 từ kết quả của các chính sách hiện tại, thấp hơn mục tiêu 50-52% mà Tổng thống Biden đặt ra.

 

 

VIỄN CẢNH TRẬT TỰ THẾ GIỚI THAY ĐỔI SẮP THÀNH HIỆN THỰC

Dù kết quả chính thức chưa được công bố, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã có thể coi như kết thúc với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump - cựu tổng thống thứ 45 và sẽ là tổng thống thứ 47 của Mỹ. Ông D.Trump được coi là nhân vật đặc biệt, đã mang lại cho nước Mỹ nhiều thay đổi. Với suy nghĩ và tính cách của một doanh nhân, nhiệm kỳ thứ hai của ông hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi cho nước Mỹ và tác động nhiều đến trật tự thế giới.

Đối với cử tri trong nước, ông Trump hứa hẹn giảm lạm phát, tăng mức sống cho người dân, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Ông D.Trump cũng tuyên bố sau khi đắc cử sẽ thay đổi chính sách năng lượng hiện hành, hỗ trợ mạnh ngành sản xuất dầu khí, giảm giá năng lượng, nhằm đạt được sự tự chủ về năng lượng và nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp Mỹ.

Về chính sách đối ngoại, một chuyên gia Trung Quốc nhận định: “Mô hình thế giới sẽ trải qua những thay đổi sâu sắc khi ông D.Trump trở lại Nhà Trắng. Nhưng có lẽ đây không phải là điều tồi tệ, miễn là chúng ta có sự chuẩn bị tốt”.

Trong nhiều tuyên bố của mình, ông D.Trump hy vọng sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine và xung đột Palestine - Israel càng sớm càng tốt, đồng thời không loại trừ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô Nga để đổi lấy sự nhượng bộ của nước này.

Sắp tới đây, Mỹ có thể thay đổi trong giọng điệu, cách tiếp cận, và cả những ý đồ đối với vấn đề Israel và Dải Gaza. Tháng 3-2018, ông D.Trump đã khởi xướng thương chiến Mỹ - Trung. Từ đó tới nay, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc vẫn trong quỹ đạo tách rời nhau.

Shiu Sin-por, Chủ tịch của New Paradigm Foundation Company Limited, cho rằng nếu ông D.Trump trở lại Nhà Trắng, những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn và khó dự đoán hơn. Quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan cũng sẽ thay đổi. EU vốn từng bị ông D.Trump coi là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ trên bình diện kinh tế, nên mối quan hệ song phương với Washington dự báo ngày càng mất cân bằng hơn.

Đối với Đông Nam Á, ông D.Trump đe dọa sẽ áp đặt mức thuế cao lên tới 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 20% đối với hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ các nước khác. Điều đó khiến cho các nước, các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất khẩu sang Mỹ giảm, do mối đe dọa thuế quan 20% của ông D.Trump.

Ngoài ra, với việc Đông Nam Á đang duy trì thặng dư thương mại gần 200 tỷ USD với Mỹ, khả năng cao là ông D.Trump sẽ yêu cầu giảm mức thâm hụt này. Về vấn đề Biển Đông, TS Benjamin Sacks, chuyên gia về địa chính trị từ Tập đoàn Rand, dự báo: Bất kể đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa lên nắm quyền, Biển Đông vẫn sẽ là một trong những mặt trận ưu tiên của Chính phủ Mỹ.

Cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-11 cũng là cuộc trưng cầu ý dân về vai trò của Mỹ trên thế giới. Theo giới quan sát, đó là cuộc bỏ phiếu về các giá trị và lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, sự hình thành các trục đặc biệt, trong đó có cả các tổ chức thay thế như nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hay Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), đã thu hút các cường quốc đang lên cũng như những nước tìm cách tự bảo vệ trước những trật tự đa cực bất đối xứng mới nổi. Do vậy, đây cũng là thách thức cho mô hình của một trật tự của phương Tây hoặc cụ thể là Mỹ trong tương lai.

 

Nguồn: BBC; Vietnamnet; CafeF; Soha; Sài Gòn Giải Phóng

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang