Mỹ: Nhập khẩu giảm; ‘Vật lộn’ với chính mình; Cuộc biểu tình ở Los Angeles; Musk đang trả giá đắt; Chuyển gói viện trợ sang Trung Đông

NHẬP KHẨU GIẢM, GIÁ CẢ LEO THANG

Hiện vẫn đang trong thời hạn 90 ngày hoãn áp thuế, tuy nhiên nhiều loại hàng hoá mà nước Mỹ nhập khẩu vẫn đang bị tăng giá đáng kể.

Ở một cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại New York, nhân viên Ahmed Gray đang lo lắng cho từng đồng tiết kiệm của mình.

"Giá cả hàng hóa tăng vọt. Cửa hàng thì càng ngày càng vắng khách. Sắp tới những nhân viên như tôi còn bị cắt giảm 30% giờ làm. Tôi sợ mình sẽ bị mất việc trong vài tháng tới", anh Ahmed Gray - Nhân viên cửa hàng vật liệu xây dựng tại New York chia sẻ.

Những lo ngại của anh Ahmed phản ánh một bức tranh rộng hơn trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ - các doanh nghiệp chật vật thích ứng với làn sóng chi phí tăng đột ngột do thuế quan, trong khi người lao động phải gánh chịu hệ quả qua việc bị cắt giảm giờ làm, mất an toàn việc làm và chi phí sinh hoạt leo thang.

Trong tháng Tư, nhập khẩu đã giảm 16,3% - là mức giảm tháng mạnh nhất từ trước tới nay, theo Bộ Thương mại Mỹ. Chỉ riêng kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng, dược phẩm, vật tư công nghiệp và linh kiện ô tô đã giảm hàng chục tỷ USD.

Theo phân tích trên New York Times, cú giảm sốc này diễn ra sau khi các doanh nghiệp Mỹ tranh thủ nhập hàng trước thông báo tăng thuế của Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 4. Nhưng làn sóng nhập khẩu mới chưa thể sớm quay trở lại.

Ông Gene Seroka - Giám đốc cảng Los Angeles, Mỹ cho biết: "Tôi không cho rằng sẽ có nhiều đơn hàng mới cho các nhà máy cho tới khi đạt được một thỏa thuận thương mại nào đó. Do đó, sẽ không có sự gia tăng đáng kể nào về lượng hàng nhập khẩu trong thời gian tới, có chăng chỉ là một phần nhỏ hàng hoá được sản xuất dở dang đang được đưa vào hoàn thiện".

Không chỉ thận trọng với tồn kho và giá đầu vào, nhiều doanh nghiệp cũng đang đợi tín hiệu rõ hơn từ chính sách.

Ông Kent Kedl - Nhà sáng lập Blue Ocean Advisors, Mỹ cho biết: "Đây sẽ là khoảng lặng tạm thời. Chúng ta đã rất lạc quan sau thỏa thuận Geneva và sau đó mọi chuyện lại hơi bấp bênh một chút. Bây giờ chúng ta chỉ có thể chờ xem mọi chuyện có thể ổn định lại hay không".

Trong lúc các nhà nhập khẩu chờ đợi các tín hiệu từ đàm phán thương mại, người tiêu dùng Mỹ và người lao động như anh Ahmed Gray phải cắt giảm chi tiêu từng ngày. Câu hỏi lớn đặt ra: Sức cầu nội địa Mỹ sẽ chống chịu được bao lâu trong bối cảnh giá hàng hoá cao và tâm lý bất ổn hiện nay.

 

 

'VẬT LỘN' VỚI CHÍNH MÌNH!

Donald Trump không phải là một hiện tượng nhất thời trong chính trị Mỹ. Sự trỗi dậy và sức hút bền bỉ của ông phản ánh những chuyển động sâu sắc và dai dẳng trong lòng xã hội Mỹ – từ bất bình đẳng, phân cực đến xung đột văn hóa.

Đối với nhiều người trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia từng coi Hoa Kỳ là biểu tượng của dân chủ, văn minh và lý trí - sự trỗi dậy của ông Donald Trump có thể là điều khó tin, thậm chí khó hiểu. Làm sao một xã hội từng được xem là hình mẫu của tự do, nhân quyền và pháp quyền lại có thể chấp nhận một nhân vật thẳng thừng, gây tranh cãi và thường xuyên vi phạm các chuẩn mực chính trị – pháp lý như vậy?

Tuy nhiên, trong chính trị không điều gì xảy ra một cách ngẫu nhiên. Sự xuất hiện của Trump cũng như sự ủng hộ mà ông nhận được từ một bộ phận lớn cử tri Mỹ cần được nhìn nhận trong bối cảnh xã hội và lịch sử rộng lớn hơn, phản ánh chính bản chất của nước Mỹ và những chuyển động toàn cầu hiện nay.

Hai dòng tư tưởng trong “gen” văn hoá chính trị - xã hội nước Mỹ

Nước Mỹ chưa bao giờ là một khối thống nhất về tư tưởng. Một mặt, nước Mỹ đại diện cho tự do, quyền công dân và nền dân chủ hiến định. Mặt khác, cũng chính nước Mỹ là nơi sản sinh ra chủ nghĩa cá nhân cực đoan, thực dụng, và một truyền thống nghi ngờ quyền lực (anti-establishment) ăn sâu trong xã hội. Đây là cái “gen” của xã hội Mỹ mà nhà khảo sát chính trị-xã hội nổi tiếng người Pháp Alexis de Tocqueville đã ghi lại trong cuốn sách kinh điển “Democracy in America” của ông, xuất bản từ năm 1840.

Hai dòng tư tưởng này luôn song hành và nhiều lần xung đột trong lịch sử Hoa Kỳ. Mỗi khi xã hội rơi vào khủng hoảng hoặc biến động mạnh do toàn cầu hóa, chuyển đổi công nghệ, hay sự bất bình đẳng gia tăng thì các phong trào dân túy (populist) lại nổi lên như phản ứng từ những nhóm dân cư cảm thấy bị bỏ lại phía sau.

Toàn cầu hóa và cảm giác bị gạt ra bên lề

Trong vài thập kỷ qua, toàn cầu hóa đã đem lại của cải lớn cho giới tinh hoa tài chính và tầng lớp chuyên gia thành thị. Ngày nay, 1% người Mỹ giàu nhất sở hữu đến 34% tổng tài sản quốc gia, trong khi 50% dân số dưới đáy chỉ nắm giữ 2,4%. Với hàng triệu công nhân Mỹ, đặc biệt tại các vùng công nghiệp cũ - quá trình này không mang lại sự thịnh vượng mà là mất việc, mất vị thế và sự bất mãn ngày càng tăng.

“Giấc mơ Mỹ” (The American Dream) đang dần trở nên xa vời. Giới lãnh đạo ở Washington, New York và Silicon Valley bị xem là không còn đại diện cho những người dân thường. Trong bối cảnh đó, một nhân vật như Trump xuất hiện như tiếng nói mạnh mẽ đại diện cho những người bị lãng quên.

Những lãnh đạo “ngược dòng”

Trump không phải là người đầu tiên thể hiện tư tưởng chống lại hệ thống chính trị truyền thống. Trong nhiều giai đoạn khủng hoảng, nước Mỹ đã chứng kiến sự trỗi dậy của những lãnh đạo “ngược dòng” từ cả hai đảng chính trị.

Điểm khác biệt ngày nay là sự cộng hưởng từ truyền thông xã hội và hệ thống truyền thông phân cực, đã biến chính trị thành một cuộc chiến của cảm xúc, bản sắc và sự giận dữ thay vì tranh luận chính sách.

Trump không phải là một lỗi hệ thống, mà là biểu hiện rõ ràng của một hệ thống đang tiệm cận giới hạn. Để hiểu nước Mỹ ngày nay, không thể chỉ nhìn vào các nhân vật chính trị, mà phải phân tích sâu vào các nền tảng xã hội, văn hóa và lịch sử đang phân rã nội bộ quốc gia này.

Lịch sử đang trở lại

Lịch sử có thể không lặp lại từng chi tiết, nhưng nó thường có “vần điệu”. Donald Trump không phải là một ngoại lệ, mà là một phần trong chu kỳ chính trị và xã hội lặp lại của nước Mỹ. Hiểu hiện tượng này là hiểu được bản chất của chính nước Mỹ và thế giới đang thay đổi quanh nó.

Ông Trump khiến thế giới sửng sốt không chỉ bởi phong cách chính trị gây chia rẽ trong nước, mà còn qua chính sách đối ngoại cứng rắn: rút khỏi các hiệp định quốc tế, đe dọa rời NATO, và áp thuế lên hàng hóa từ các đồng minh thân cận như châu Âu, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đối với những ai luôn xem Mỹ là trụ cột của trật tự toàn cầu, hành vi này dường như là một cú sốc. Nhưng trên thực tế, nước Mỹ từng hành xử như vậy nhiều lần trước đây - đặc biệt khi cảm thấy vị thế kinh tế hoặc địa chính trị của mình bị đe dọa.

Ngay từ thế kỷ 19, Tổng thống thứ 5 James Monroe (1817-1825) và sau đó là Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt (1901-1909), nổi tiếng với “chính sách ngoại giao tàu chiến” (“gun boat diplomacy”), đã thể hiện chủ nghĩa đơn phương cứng rắn dưới danh nghĩa “lợi ích quốc gia” (national interest) và “Nước Mỹ trước tiên” (America First). Trong 50 năm gần đây, Nixon những năm 1970 và Reagan những năm 1980 tiếp tục thể hiện những phản ứng tương tự khi nước Mỹ đối mặt với khủng hoảng.

Bước rút lui tính toán của Nixon

Đầu thập niên 1970, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính sau nhiều năm tiêu tốn cho Chiến tranh ở Việt Nam và các chương trình xã hội “Great Society” của Tổng thống Lyndon Johnson. Khi Nixon đắc cử năm 1968, ông phải lựa chọn: giảm bớt can thiệp quân sự, điều chỉnh chính sách kinh tế, và tái cấu trúc liên minh toàn cầu. Ông quyết định mở cửa ngoại giao với Trung Quốc, và trên thực tế, hy sinh vai trò của Đài Loan trong các cuộc đàm phán.

Năm 1972, Mỹ thừa nhận chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Đây là cú sốc chiến lược lớn với Đài Loan, khi một đồng minh thân thiết đơn phương thay đổi lập trường mà không hề tham khảo hay báo trước với họ. Các đồng minh như châu Âu và Nhật Bản cũng buộc phải chấp nhận khi Mỹ đơn phương từ bỏ chế độ bản vị vàng để Mỹ có thể tùy tiện in tiền trả nợ.

Khi các nước đồng minh phản đối việc Mỹ phá vỡ hệ thống tài chính quốc tế, Nixon cử Bộ trưởng Tài chính John Connally - một chính khách kiểu Texas, thẳng thừng và quyết đoán - đi đàm phán. Thông điệp của ông rất rõ: “Đồng đô la là tiền của chúng tôi, nhưng lại là vấn đề của các anh đó”. Ông Connally phát biểu câu này trong một cuộc họp với các Bộ trưởng tài chính châu Âu, khi họ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của việc Mỹ phá giá đồng USD và không còn cam kết chuyển đổi USD sang vàng. Nói cách khác, Mỹ hành động vì lợi ích quốc gia của mình, còn hậu quả thì phần còn lại của thế giới phải gánh chịu.

Cuộc chiến thương mại giữa các đồng minh

Trong thập niên 1980, dưới thời Tổng thống Reagan, Mỹ đối mặt với suy thoái kinh tế và chi phí leo thang của cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Afghanistan. Cùng lúc đó, Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ với thặng dư thương mại khổng lồ.

Điều khiến nhiều người Mỹ “nóng mặt” là hình ảnh những doanh nhân Nhật Bản giàu có mua lại các bất động sản biểu tượng như tòa nhà Rockefeller ở New York, Câu lạc bộ Golf nổi tiếng nhất của Mỹ là Pebble Beach ở thành phố Carmel gần San Francisco, với giá cao ngất ngưởng.

Dưới áp lực của Mỹ, Hiệp định Plaza năm 1985 buộc Nhật Bản phải nâng giá đồng yên và giảm xuất khẩu. Đây là 1 trong những lý do dẫn đến hệ quả là hơn một thập kỷ tăng trưởng trì trệ mà ngày nay gọi là “thập niên mất mát” (“the lost decade”) của Nhật.

Nhìn lại, khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Trump là một sự lập lại của lịch sử chỉ có điều ồn ào và kịch tính hơn khi người Mỹ đối mặt với nỗi lo suy thoái, bất bình với đối thủ thương mại, và xu hướng đơn phương khi Mỹ cảm thấy bị đe dọa.

Điểm khác biệt ngày nay là tốc độ biến động, cường độ cảm xúc trong xã hội, tính sân khấu hóa của chính trị thời mạng xã hội, và đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nước Mỹ đang 'vật lộn' với chính mình

Sự trỗi dậy của Trump không chỉ là câu chuyện về một cá nhân, mà phản ánh cuộc khủng hoảng nhận thức của cả một quốc gia. Một nước Mỹ đang hoài nghi về vai trò toàn cầu của mình và bị chia rẽ sâu sắc từ bên trong.

Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập và sự phân cực chính trị không phải là những hiện tượng lạ lẫm, mà là biểu hiện lặp lại mỗi khi nước Mỹ bước vào giai đoạn chuyển mình.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà lịch sử không chỉ lặp lại, mà còn tăng tốc và lan rộng toàn cầu. Câu hỏi lớn không còn là: “Ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử sắp tới tại Hoa Kỳ?”, mà là: liệu nước Mỹ và thế giới có thực sự hiểu được giai đoạn lịch sử mà chúng ta đang bước vào? Và quan trọng hơn: liệu thế giới có học cách thích nghi với nó, trước khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn đến chiến tranh quân sự? Hai Thế chiến trong đầu thế kỷ thứ 20 đều bắt đầu từ chiến tranh thương mại.

 

 

TỔNG QUAN CUỘC BIỂU TÌNH Ở LOS ANGELES

Hàng chục người đã bị bắt sau nhiều ngày biểu tình bạo lực ở Los Angeles bùng phát vì các cuộc truy quét người nhập cư.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điều động 2.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia tới thành phố này – hành động gây ra tranh cãi chính trị.

Ông cũng lên án điều mà ông gọi là "những đám đông nổi loạn, bạo lực".

Người dân bắt đầu tụ tập sau khi các nhân viên liên bang phụ trách vấn đề nhập cư bắt giữ một số lượng lớn người nhập cư không có giấy tờ tại các khu vực có đông dân cư gốc Latinh.

Mặc dù các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra trong hòa bình, năm chiếc xe tự lái đã bị phóng hỏa, người biểu tình chặn một tuyến đường cao tốc chính, và có tin tức về tình trạng cướp bóc ở một số khu vực bị ảnh hưởng tại thành phố lớn thứ hai nước Mỹ.

Tới ngày 9/6, Lầu Năm Góc xác nhận ông Trump sẽ triển khai thêm 2.000 lính Vệ binh Quốc gia và 700 lính Thủy quân Lục chiến tại Los Angeles để ứng phó với các cuộc biểu tình.

Vì sao mọi người biểu tình ở Los Angeles?

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào thứ Sáu 6/6, sau khi có tin các nhân viên của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) đang tiến hành truy quét những khu vực đông dân cư gốc Latinh ở thành phố.

Các đợt truy quét đã gia tăng sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng và cam kết mạnh tay với vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

CBS News – đối tác của BBC tại Mỹ – đưa tin rằng các chiến dịch gần đây đã diễn ra ở khu Westlake cũng như ở Paramount, phía nam Los Angeles – nơi có hơn 82% dân số là người gốc Tây Ban Nha.

Cũng có thông tin ICE bố ráp cửa hàng Home Depot ở Paramount – điều mà các quan chức đã xác nhận với BBC là không đúng sự thật.

ICE sau đó nói với CBS rằng 44 người nhập cưu trái phép đã bị bắt trong một chiến dịch tại một công trường vào hôm 6/6.

Cùng ngày, có thêm 77 người khác cũng bị bắt trong khu vực đại đô thị Los Angeles.

Biểu tình ở đâu và như thế nào?

Các cuộc biểu tình phần lớn chỉ diễn ra ở khu trung tâm Los Angeles, nơi cảnh sát đã tuyên bố là "khu vực tụ tập bất hợp pháp" sau nhiều ngày xảy ra đụng độ.

Nhiều phương tiện bị đốt cháy vào Chủ nhật 8/6. Cảnh sát cáo buộc người biểu tình đã sử dụng thiết bị gây cháy nhằm vào lực lượng tuần tra kỵ mã. Trong khi đó, các sĩ quan cảnh sát chống bạo động đã dùng lựu đạn choáng và bình xịt hơi cay để trấn áp đám đông. Tình trạng bất ổn đã khiến tuyến đường cao tốc 101 tạm thời tê liệt, và có báo cáo về các vụ cướp bóc.

Tòa nhà Liên bang ở khu trung tâm đã trở thành điểm nóng sau khi có thông tin cho rằng những người mà ICE đã bắt giữ đang bị giam giữ tại đây. Vào ngày 7/6, ICE cáo buộc "hơn 1.000 kẻ gây rối" đã bao vây và tấn công tòa nhà này.

Một cửa hàng Home Depot ở Paramount, cách trung tâm Los Angeles khoảng 32 km về phía nam, cũng đã trở thành một điểm biểu tình quan trọng khác. Khí gas và lựu đạn choáng đã được sử dụng để trấn áp đám đông biểu tình tụ tập vào ngày 7/6, và binh sĩ Vệ binh Quốc gia có vũ trang đã bảo vệ một khu công nghiệp gần đó vào ngày 8/6.

Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) cho biết đã bắt giữ 29 người vào ngày 7/6. Thêm 27 người nữa bị bắt vào ngày 8/6.

Tại một diễn biến riêng biệt, cảnh sát San Francisco cho biết khoảng 60 người đã bị bắt và ba sĩ quan bị thương trong các vụ hỗn loạn xảy ra tại Los Angeles vào ngày 8/6.

Ở những nơi khác trong thành phố Los Angeles rộng lớn, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Một số khu vực thậm chí còn bị phong tỏa vào cuối tuần qua để tổ chức cuộc diễu hành LA Pride – một sự kiện thường niên dành cho cộng đồng LGBT+.

Vệ binh Quốc gia là gì? Vì sao Trump huy động?

Vào thứ Bảy 7/6, ông Trump đã điều động 2.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia đến khu vực Los Angeles, làm nảy sinh một cuộc tranh cãi chính trị với các chính trị gia bang California.

Vệ binh Quốc gia là một lực lượng "lai", phục vụ cả lợi ích cấp bang lẫn cấp liên bang. Thông thường, lực lượng Vệ binh Quốc gia của một bang chỉ được huy động khi có yêu cầu từ thống đốc bang đó.

Tuy nhiên, ông Trump đã bỏ qua bước đó bằng cách viện dẫn một đạo luật liên bang hiếm khi được sử dụng, lập luận rằng các cuộc biểu tình là "một hình thức nổi loạn chống lại uy quyền của chính phủ Hoa Kỳ".

Đây được cho là lần đầu tiên lực lượng Vệ binh Quốc gia được huy động mà không có yêu cầu từ thống đốc bang kể từ năm 1965.

Động thái này đã bị Thống đốc bang California Gavin Newsom và Thị trưởng Los Angeles Karen Bass lên án. Cả hai đều cho rằng lực lượng cảnh sát địa phương có thể kiểm soát tình hình.

Ông Newsom cáo buộc hành động của ông Trump là "bất hợp pháp" và "đổ thêm dầu vào lửa". Sau đó ông đã đệ đơn kiện chính quyền Trump.

Trong đơn kiện nộp vào hôm 9/6, bang California lập luận rằng ông Trump đã vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ khi triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia trái với ý kiến của thống đốc bang. Tu chính án thứ 10 quy định rằng mọi quyền lực không được Hiến pháp trao cho chính quyền liên bang đều thuộc về các bang.

Tổng Chưởng lý California Rob Bonta gọi việc triển khai lực lượng này là "một sự leo thang khiêu khích không phản ánh đúng tình hình thực tế" và "vượt quá thẩm quyền của chính phủ liên bang".

Sau phát biểu của ông Bonta, ông Trump lại tiếp tục điều động thêm 2.000 lính Vệ binh Quốc gia và 700 lính Thủy quân Lục chiến tại Los Angeles.

Những cơ quan nào khác có liên quan?

Vai trò của Vệ binh Quốc gia là bảo vệ các nhân viên liên bang, bao gồm các nhân viên của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) và Bộ An ninh Nội địa (DHS), khi họ thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng này sẽ không trực tiếp tham gia vào các cuộc truy quét nhập cư hay thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giữ trật tự – những công việc vẫn do Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) đảm nhiệm.

Nhìn chung, luật pháp ở Mỹ cấm việc sử dụng quân đội liên bang cho các hoạt động thực thi pháp luật dân sự trong nước, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như theo Đạo luật Khởi nghĩa (Insurrection Act).

Mặc dù ông Trump trước đây từng đe dọa viện dẫn đạo luật này — ví dụ khi các cuộc biểu tình cho quyền của người da màu Black Lives Matter diễn ra vào năm 2020 — nhưng ông đã không làm như vậy.

Các đồng minh của ông Trump đã lên tiếng bảo vệ quyết định điều động Vệ binh Quốc gia. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cũng cho biết lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đóng tại doanh trại Camp Pendleton gần đó cũng đã được đặt trong tình trạng "báo động cao" và sẽ được triển khai nếu cần thiết.

ICE đã làm gì ở Los Angeles?

Những cuộc bố ráp gần đây là nỗ lực nằm trong mục tiêu thực hiện "chiến dịch trục xuất quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ" của ông Trump.

Thành phố Los Angeles – với một phần ba dân số là người sinh ra ở nước ngoài – đã trở thành một mục tiêu trọng điểm.

Đầu tháng Năm, ICE thông báo đã bắt giữ 239 người nhập cư không có giấy tờ trong một chiến dịch kéo dài một tuần tại khu vực Los Angeles, trong bối cảnh tổng số vụ bắt giữ và trục xuất vẫn chưa đạt mức mà ông Trump kỳ vọng.

Vào tháng sau đó, Nhà Trắng nâng mục tiêu, yêu cầu ICE thực hiện ít nhất 3.000 vụ bắt giữ mỗi ngày.

Giới chức đã mở rộng phạm vi truy quét, nhằm vào cả những nơi làm việc như nhà hàng và các cửa hàng bán lẻ.

Một số người nhập cư khác đã bị trục xuất đến một nhà tù quy mô lớn ở El Salvador, trong số đó có ít nhất một người có tình trạng cư trú hợp pháp tại Mỹ.

Nhiều hành động của ông Trump đang bị thách thức tại các vụ kiện ở tòa.

 

 

ELON MUSK ĐANG PHẢI TRẢ GIÁ ĐẮT CHO MỐI QUAN HỆ VỚI ÔNG TRUMP

Chỉ trong vài tháng sau khi dốc gần 300 triệu USD hậu thuẫn ông Trump tái đắc cử, tỉ phú Musk đang đứng trước nguy cơ đánh mất cả đế chế công nghệ lẫn ảnh hưởng chưa từng có ở Washington.

Sau màn đấu khẩu công khai trên mạng với Tổng thống Trump những ngày gần đây, tỉ phú Musk đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất không chỉ tài sản cá nhân, mà cả vị thế chưa từng có tiền lệ ở Washington.

Tài sản bốc hơi hàng chục tỉ USD

Ngay sau khi hỗ trợ ít nhất 288 triệu USD để giúp ông Trump và Đảng Cộng hòa giành lại Nhà Trắng, ông Elon Musk đã hái "quả ngọt" ngay lập tức: cổ phiếu Tesla tăng mạnh, tài sản cá nhân phình to và ảnh hưởng chính trị của ông ở Washington lên đến đỉnh điểm.

Theo phân tích của báo Washington Post ngày 9-6, tỉ phú Elon Musk và các công ty của ông đã nhận được ít nhất 38 tỉ USD từ chính phủ dưới dạng hợp đồng, khoản vay, trợ cấp và ưu đãi thuế trong những năm qua - nền tảng giúp ông trở thành người giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng sau, mọi chuyện thay đổi. Số người không hài lòng với Elon Musk gia tăng khi ông có những hình ảnh, phát ngôn và chính sách gây tác động ngược. Hình ảnh xe Tesla bị đốt, phá hoại hay bị chê bai xảy ra thường xuyên.

Mới đây, một cuộc đối đầu gay gắt với ông Trump đã khiến mọi thứ thay đổi chóng mặt.

Theo Bloomberg, vụ đấu khẩu công khai giữa ông Musk và Tổng thống Trump trong tuần qua đã khiến tài sản của tỉ phú này bốc hơi đến 34 tỉ USD, đánh dấu mức thiệt hại cá nhân lớn thứ hai trong lịch sử chỉ số tỉ phú Bloomberg.

Không chỉ mất mát về giá trị tài sản, Tesla - nguồn thu chính của ông Musk - cũng đang tụt dốc. Lợi nhuận quý gần nhất của hãng xe này giảm tới 71%, trong khi doanh số xe điện sụt giảm hai con số, còn cổ phiếu công ty thì lao dốc hơn 20% từ đầu năm đến nay.

Một yếu tố khiến giới đầu tư lo lắng là dự luật chi tiêu và thuế mới do ông Trump đề xuất, dự kiến sẽ xóa bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD dành cho người mua xe điện - một trong những động lực quan trọng giúp Tesla phát triển suốt nhiều năm qua.

Theo các nhà phân tích của JPMorgan, nếu điều này xảy ra, lợi nhuận cả năm của Tesla có thể giảm thêm 1,2 tỉ USD.

"Vấn đề là ông Trump muốn gây đau đớn đến mức nào", ông Gene Munster, chuyên gia phân tích tại Deepwater Asset Management, nhận định.

Đáng chú ý nhiều cổ đông lớn bắt đầu tỏ rõ sự thất vọng. Tuần trước một nhóm cổ đông đã chủ động gửi thư yêu cầu CEO Tesla cam kết dành ít nhất 40 giờ mỗi tuần cho hãng xe điện này, sau thời gian dài ông tập trung vào chính trị và các công ty khác.

Đe dọa toàn bộ đế chế kinh doanh

Không chỉ Tesla bị ảnh hưởng, mâu thuẫn với Tổng thống Trump còn đe dọa tới cả những công ty công nghệ khác trong đế chế kinh doanh của ông Musk.

SpaceX - công ty hiện cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh cho Lầu Năm Góc và là đối tác duy nhất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) trong việc đưa phi hành gia lên trạm ISS - đang bị ông Trump đe dọa hủy hợp đồng, gây chấn động bộ máy liên bang.

Dù khả năng này được đánh giá là khó xảy ra, giới chức liên bang đã bắt đầu thúc đẩy các đối thủ của SpaceX tăng tốc đầu tư để giảm sự phụ thuộc vào công ty của ông Musk.

Trong nhiều năm qua, SpaceX đã tận dụng nguồn tài trợ hàng tỉ USD từ chính phủ để xây dựng một mô hình kinh doanh thương mại mạnh mẽ. Tuy nhiên, công ty này vẫn lệ thuộc lớn vào ngân sách từ NASA và Bộ Quốc phòng.

Theo nhà đầu tư Ross Gerber, người từng ủng hộ ông Musk, nếu chính phủ cắt giảm hỗ trợ, giá trị của SpaceX có thể mất đi một nửa.

Ngoài ra, các công ty như xAI (đối thủ của OpenAI) và Neuralink (chuyên phát triển chip cấy não) của ông Musk cũng đang hoạt động trong các lĩnh vực chịu sự giám sát chặt chẽ và có thể gặp khó nếu vị tỉ phú công nghệ mất đi sự hậu thuẫn chính trị.

Suốt gần nửa năm nay, ông Musk đã luôn là cánh tay phải đắc lực của Tổng thống Trump, khi giữ vị trí quan trọng trong Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) và phụ trách giám sát việc cắt giảm nhân sự, ngân sách quy mô lớn. Giờ đây, chính ông lại là người bị chính quyền Washington đe dọa.

Từ vị trí "người trong cuộc", tỉ phú Musk đang đối mặt nguy cơ bị đẩy ra ngoài cuộc chơi - kéo theo những thiệt hại khổng lồ cho cả hệ sinh thái doanh nghiệp mà ông xây dựng suốt hơn một thập kỷ qua.

 

 

MỸ CHUYỂN GÓI VIỆN TRỢ CỦA KIEV SANG TRUNG ĐÔNG

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuyển một gói viện trợ quân sự lớn (mà chính quyền tiền nhiệm của Mỹ từng hứa với Kiev) cho các lực lượng Mỹ ở Trung Đông - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ với ABC News.

Trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 8/6, khi được hỏi về tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận quân đội Ukraine đang phải nỗ lực để tự mình đối phó với các máy bay không người lái (UAV) của Nga.

"Chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề với những chiếc UAV này", ông nói, ám chỉ các máy bay không người lái tầm xa Geran-2. Trong khi đó, Kiev vẫn chưa nhận được gói viện trợ lớn mà họ "đang trông đợi" từ Mỹ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hứa cung cấp cho Ukraine 20.000 tên lửa chống máy bay không người lái dựa trên một "công nghệ đặc biệt". Ukraine rất cần gói viện trợ này để đối phó với UAV tầm xa của Nga.

“Nhưng sáng nay, bộ trưởng quốc phòng của tôi nói với tôi rằng Mỹ đã chuyển số tên lửa đó đến Trung Đông", ông Zelensky nói, cho biết thêm rằng nếu không có sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, Nga "có nhiều cơ hội hơn" để giành chiến thắng trong cuộc xung đột và Ukraine sẽ phải chịu "nhiều tổn thất hơn".

Đầu tuần này, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa ra thông tin tương tự, cho biết Lầu Năm Góc đang "chuyển hướng một công nghệ chống máy bay không người lái quan trọng dành riêng cho Ukraine” sang các lực lượng Mỹ ở Trung Đông.

Tổng thống Trump thường xuyên đặt câu hỏi về việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine và đã thúc đẩy Mátxcơva - Kiev đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth - người không ủng hộ sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột ở Ukraine - đã bỏ qua một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tuần trước. Cuộc họp tập trung vào việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo WSJ, chính quyền Tổng thống Trump "thừa hưởng" thẩm quyền cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá 3,85 tỷ đô la, nhưng đã kiềm chế không làm điều đó.

Mátxcơva từng nhiều lần lên án các chuyến hàng viện trợ vũ khí nước ngoài tới Kiev, lập luận rằng chúng không thay đổi tiến trình của cuộc xung đột, mà chỉ dẫn đến leo thang và kéo dài sự đau khổ.

Cơ hội hàn gắn với Tổng thống Trump

Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, cuộc gặp riêng kéo dài 15 phút của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vatican đã giúp cải thiện mối quan hệ của họ.

Trước đó, ông Zelensky đã có một cuộc tranh cãi công khai với ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Tổng thống Ukraine thừa nhận cuộc gặp này “rất khó khăn”.

Nhưng sau đó vào tháng 4, ông đã có một “cuộc trao đổi ngắn, rất tốt và hiệu quả” với ông Trump tại Vatican.

Tổng thống Zelensky nói thêm, rằng ông muốn có nhiều cơ hội hơn để giao lưu với tổng thống Mỹ. "Cần có thời gian và cơ hội. 15 phút gặp mặt riêng tại Vatican có ý nghĩa hơn một cuộc gặp đông người tại Phòng Bầu dục”, ông Zelensky nói.

Văn phòng Tổng thống Ukraine hiện đang kỳ vọng có thể sắp xếp một cuộc gặp khác giữa ông Zelensky và ông Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 15-17/6.

Kêu gọi tăng cường trừng phạt Nga

Theo Tổng thống Zelensky, Nga chỉ có thể giành chiến thắng nếu cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm và phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

“Với tình hình hiện tại, Nga không thể giành chiến thắng, chừng nào thế giới vẫn đoàn kết và sát cánh cùng chúng tôi. Điều đó là không thể”, ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn.

Ông nhấn mạnh nền kinh tế của Nga phụ thuộc vào dầu mỏ và năng lượng, do đó, lệnh trừng phạt trong các lĩnh vực này phải được áp dụng càng sớm càng tốt.

Lãnh đạo Ukraine tin rằng, Nga đang tiến gần đến thời điểm bị buộc phải chấm dứt xung đột hoặc tạm ngừng bắn. “Nhưng Mỹ cần đoàn kết với châu Âu và tiếp tục gây áp lực lên Nga. Điều đó sẽ mang lại cho chúng tôi cơ hội”, ông Zelensky nói.

 

Nguồn: VTV; Vietnamnet; BBC; Tuổi Trẻ; Tiền Phong

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

YOUTUBE: Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-CHLB Đức

Trong hai ngày 17 và 18/5, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Leipzig đã phối hợp với Sở thú Leipzig tổ chức “Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig ” kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức (1975 – 2025).

Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ đa văn hóa do chính quyền thành phố Leipzig tổ chức nhằm tạo không gian để các cộng đồng sinh sống trên địa bàn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, ẩm thực... của đất nước mình.

Nguồn: TTX VIỆT NAM

Đức Việt Online

YOUTUBE: Lễ Trao tặng Huy hiệu Danh dự, tôn vinh ông Bùi Quang Huy & 8 nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất

Lễ vinh danh chín nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất Leipzig trong những năm qua, được tổ chức trang trọng tại Hội trường, Tòa Thị chính Thành phố Leipzig.

Trước sự chứng kiến ​​của các nhân vật trọng yếu, các phó thị trưởng, hội đồng thành phố, ban đối ngoại, sở văn hóa, đặc trách ngoại kiều, các ban nghành thành phố, Thị trưởng Burkhard Jung, cổ đeo vòng dây chuyền vàng Goldketten uy nghi, trịnh trọng trao tặng huy hiệu, bảng vàng danh dự, bằng khen của Thành phố Leipzig cho 9 nhà hoạt động cộng đồng  xuất sắc nhất trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị.

Tác giả Đức Thúy

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Lên đầu trang