Mỹ: Nguy cơ vỡ nợ; Người nhập cư cứu kinh tế; Thêm 'khí cầu bí ẩn'; Lấy lại vị thế ở châu Á; Cam kết bảo vệ Philippines

Chính phủ Mỹ nguy cơ vỡ nợ vào tháng 6

(Ảnh minh họa).

Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội nước này không thông qua dự luật nâng trần nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 1/5 cho biết trong thư gửi quốc hội rằng cơ quan này sẽ khó đáp ứng tất cả nghĩa vụ thanh toán của chính phủ vào ngày đầu tiên của tháng 6 nếu các nghị sĩ không có hành động liên quan đến trần nợ công.

Theo dự báo trước đó, chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào khoảng ngày 5/6, nhưng bà Yellen cho rằng điều này có thể xảy ra sớm hơn do một số yếu tố biến động trong các khoản thu chi ngân sách liên bang, khiến "không thể dự đoán chính xác thời điểm Bộ Tài chính không có khả năng thanh toán hóa đơn của chính phủ". Bộ trưởng Yellen cũng hối thúc quốc hội hành động nhanh chóng để nâng trần nợ công.

Sau khi Mỹ chạm giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD vào ngày 19/1, Bộ trưởng Yellen nói với quốc hội rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh toán nợ, trợ cấp liên bang và thực hiện các khoản chi tiêu khác bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Cảnh báo mới của Bộ trưởng Tài chính buộc Tổng thống Joe Biden kêu gọi tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo hàng đầu của quốc hội vào 9/5, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa.

Ông Biden đã gọi cho ông McCarthy, người đang ở Jerusalem, cũng như lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell để sắp xếp cuộc họp.

Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đang bất đồng về dự luật nâng trần nợ công, đặc biệt là các điều kiện kèm theo mà phe Cộng hòa muốn chính phủ Mỹ phải thực hiện để tránh tình cảnh vỡ nợ.

Hạ viện Mỹ tuần trước thông qua dự luật tăng 1,5 nghìn tỷ USD trong trần nợ công, nhưng kèm các điều khoản cắt giảm chi tiêu 4,5 nghìn tỷ USD. Dự luật sẽ cắt giảm ngân sách chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và các khoản khác, trong đó có ưu đãi thuế đối với năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng xanh.

Tuy nhiên, Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã tuyên bố sẽ không thông qua dự luật này. Nếu lưỡng viện quốc hội không thể đàm phán để thông qua một dự luật chỉnh sửa trước ngày 1/6, chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ chưa từng có khi không thể thanh toán được một số hóa đơn.

Ông Biden tuyên bố không chấp nhận đàm phán điều kiện để tăng trần nợ công, nhưng sẽ thảo luận về việc cắt giảm ngân sách sau khi trần nợ mới được thông qua. Quốc hội Mỹ thường kết hợp việc tăng trần nợ với các biện pháp chi tiêu và ngân sách khác.

Hồi năm 2011, cuộc chiến trần nợ tương tự đã đưa nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ và khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước bị hạ bậc. Lần này, các cuộc đàm phán được cho là có thể còn khó khăn hơn.

Nhà phân tích ngân sách Shai Akabas tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng cho rằng nguy cơ vỡ nợ trong vòng vài tuần "không phải tình cảnh phù hợp với quốc gia được coi là nền tảng của hệ thống tài chính và chỉ làm tăng thêm sự bất định với nền kinh tế vốn đã trải qua nhiều biến động".

Cuộc chiến trần nợ của Mỹ có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới, với các chương trình phúc lợi như an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe chiếm phần lớn nhất trong ngân sách và dự kiến tăng lên đáng kể khi dân số già đi.

(Nguồn: Vnexpress)

Người nhập cư đang cứu nền kinh tế Mỹ

Mặc dù nhiều chính trị gia sẽ không bao giờ thừa nhận, nhưng nền kinh tế Mỹ hiện đang hoạt động tốt hơn nhiều so với dự đoán của hầu hết các nhà phân tích. Vậy làm thế nào mà nước Mỹ thực hiện được điều này?

Số lượng người nhập cư ròng trong năm 2022 đã tăng vọt lên hơn một triệu người, mức cao nhất kể từ năm 2017. Lực lượng lao động này thực sự hữu ích và có thể nói rằng dân nhập cư đang cứu kinh tế Mỹ.

Hiện nay, nhiều gián đoạn do đại dịch Covid-19 đã được giải quyết; các nút thắt trong chuỗi cung ứng hầu hết đã được xử lý. Dù vậy, nhiều người vẫn tranh luận rằng đại dịch đã gây thiệt hại lâu dài cho năng lực sản xuất của nền kinh tế Mỹ mà phần lớn là do giảm nguồn cung lao động tiềm năng.

Vào tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, trong một bài phát biểu, đã cho biết vẫn còn hàng triệu “công nhân thiếu khuyết” so với kỳ vọng trước dịch Covid-19. Covid-19 đã trực tiếp làm giảm nguồn cung lao động, làm biến mất khoảng 400.000 lao động tiềm năng; các triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể khiến nhiều người khác không thể làm việc được. Cuối cùng, ông nhấn mạnh sự sụt giảm mạnh lượng nhập cư ròng.

Nhưng số người nhập cư đã tăng trở lại. Người nhập cư gần đây chủ yếu là những người trưởng thành trong độ tuổi lao động; Theo dữ liệu điều tra dân số, 79% cư dân sinh ra ở nước ngoài đến Mỹ sau năm 2010 ở độ tuổi từ 18-64, so với chỉ 61% đối với dân số nói chung. Vì vậy, gia tăng nhập cư có lẽ là một yếu tố đóng góp đáng kể vào khả năng tiếp tục tăng trưởng việc làm nhanh chóng của nền kinh tế mà không gây ra lạm phát mất kiểm soát.

Những lo ngại dài hạn về tài chính của Mỹ phần lớn được thúc đẩy bởi tỷ lệ người già phụ thuộc ngày càng tăng, nghĩa là tỷ lệ người cao tuổi tăng lên so với người trong độ tuổi lao động. Nếu xác định độ tuổi lao động là từ 18-64, thì tỷ lệ người già phụ thuộc nói chung của Mỹ là 27,5%.

Đối với những cư dân sinh ở nước ngoài đến Mỹ sau năm 2010, tỷ lệ này chỉ là 5,8%. Về cơ bản, những người mới nhập cư đóng góp cho hệ thống lương hưu, nhưng họ sẽ không rút nhiều để gây ảnh hưởng đến phúc lợi của quỹ hưu trí trong nhiều năm tới.

Vì vậy, việc hồi phục số người nhập cư, từ quan điểm kinh tế, là điều tốt về mọi mặt. Và một hệ thống chính trị nhìn xa trông rộng sẽ chào đón sự phục hồi nhập cư bền vững.

(Nguồn: The Saigon Times)

Thêm 'khí cầu bí ẩn' bay qua Mỹ

(Ảnh minh họa).

Quân đội Mỹ đang theo dõi vật thể bay bí ẩn trên Thái Bình Dương, một “khí cầu bí ẩn” đã bay qua Hawaii và hiện đang hướng tới Mexico.

Theo RT dẫn tin từ NBC News , quân đội Mỹ đang theo dõi một vật thể bay khác trên Thái Bình Dương, được mô tả là “khí cầu bí ẩn” đã bay qua Hawaii và hiện đang hướng tới Mexico.

Các quan chức giấu tên nói với NBC rằng chưa rõ vật thể đó chính xác là gì hoặc thuộc về ai. Đường bay của vật thể qua quần đảo Hawaii cũng không đi qua bất kỳ khu vực quân sự “nhạy cảm” nào.

Lầu Năm Góc đã theo dõi vật thể này từ cuối tuần trước và quân đội Mỹ tin rằng nó không gây ra mối đe dọa nào đối với giao thông hàng không hoặc an ninh quốc gia. "Khinh khí cầu" cũng được cho là không phát đi bất kỳ tín hiệu nào.

Hiện Mỹ vẫn đang xác định vật thể và chủ sở hữu của nó. Vào thời điểm này, quân đội Mỹ chưa cho rằng vật thể có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Thông tin về một khinh khí cầu khác trong không phận Mỹ xuất hiện gần ba tháng sau khi họ bắn hạ một “khinh khí cầu do thám Trung Quốc” ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Vật thể này lần đầu tiên được phát hiện ở phía bắc Montana, làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh do thám các hầm chứa hạt nhân của Mỹ. Lệnh bắn hạ vật thể chỉ được đưa ra sau khi nó đã bay qua toàn bộ lục địa Mỹ và hạ cánh xuống nơi mà các máy bay không quân có thể tiếp cận được.

Bắc Kinh mô tả khinh khí cầu là một thiết bị thăm dò thời tiết đi chệch hướng, bác bỏ mọi cáo buộc do thám và yêu cầu Washington trả lại bất kỳ mảnh vỡ nào của khinh khí cầu mà họ thu hồi được. Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ "phản ứng thái quá" với vật thể bay.

Sự lo lắng về “khí cầu do thám” đã dẫn đến việc Mỹ và Canada bắn hạ thêm một số vật thể trên không vào tháng Hai. Một chiếc hóa ra là một khí cầu đồ chơi ở Michigan, thiết bị trị giá 200 USD được gửi đi vòng quanh thế giới cho vui. Tên lửa Sidewinder dùng để bắn hạ có giá ít nhất 470.000 USD.

(Nguồn: Soha)

"Phao cứu sinh" nào cho Mỹ lấy lại vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương?

Trung Quốc đang gia tăng tầm ảnh hưởng và đẩy Mỹ ra khỏi những khu vực từng được coi là "sân nhà" của mình. Mỹ còn lựa chọn nào để vớt vát lại vị thế của mình?

Quyền lực đang xói mòn ở châu Á – Thái Bình Dương

Theo báo cáo mới đây của Viện Lowy (Australia), Trung Quốc đã gần đuổi kịp Mỹ về mức độ ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Xét trên 4 yếu tố trụ cột, gồm kinh tế, quốc phòng, ngoại giao và văn hóa, tổ chức này cho rằng không lâu nữa Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ về tầm ảnh hưởng tại khu vực từng được coi là thế mạnh truyền thống của Washington.

Thống kê mới nhất chỉ tiếp tục khẳng định một thực tế rằng quyền lực Mỹ đang dần xói mòn tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở những khu vực tranh chấp ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Được coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại, Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã khởi động một số chương trình can dự đáng chú ý vào khu vực này, như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, IPEF hay các hoạt động hợp tác riêng rẽ với ASEAN, Ấn Độ, Australia. Thế nhưng, sau những màn ra mắt ồn ào, kết quả đạt được dường như khá trầm lắng.

Là một thành viên trong liên minh Bộ Tứ (QUAD) nhưng cho tới nay, Ấn Độ vẫn chưa cho thấy họ là một đồng minh đáng tin cậy của Washington. Hợp tác kinh tế chưa có nhiều đột phá, trong khi Mỹ lại thất bại trong lôi kéo New Delhi chống lại Nga.

Tại ASEAN, Mỹ chỉ cam kết chi hơn 100 triệu USD vào một loạt các lĩnh vực hợp tác, quá ít ỏi so với những “củ cà rốt” khổng lồ mà Trung Quốc đưa ra. Thương mại trở thành điểm nhấn trong hợp tác giữa Đông Nam Á và Bắc Kinh, với quy mô khoảng 669 tỷ USD - gấp đôi so với Hoa Kỳ.

Đầu tư là một trong số ít các lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế cho tới lúc này. Mỹ vẫn là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN lũy kế là 328,5 tỷ USD tính đến thời điểm năm 2020.

Tuy nhiên, theo các số liệu, khoảng cách giữa hai nước không quá xa. Chưa kể, trong khi các doanh nghiệp Mỹ ưu tiên lĩnh vực tài chính, năng lượng thì doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư đủ hạng mục, từ cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất cho tới các CNTT, dịch vụ. Đặc biệt, với "Vành đai và Con đường" (BRI), Trung Quốc đang đặt dấu ấn lớn về chính trị nhờ các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ như bến cảng hay đường sắt cao tốc - điều mà Mỹ sẽ không thể sánh kịp.

An ninh trở thành "cứu cánh" để đối trọng với Trung Quốc

Thất thế về kinh tế, chính quyền Biden còn rất ít lựa chọn để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương. Một trong số đó là vấn đề an ninh.

Trong tháng 5 này, Tổng thống Joe Biden dự định sẽ thăm quốc đảo Papue New Guinea – lần đầu tiên kể từ năm 1901 có một tổng thống Mỹ đến đây. Động thái lạ này cho thấy Mỹ muốn củng cố lại quan hệ với một loạt các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm siết lại vòng vây an ninh của mình xung quanh Trung Quốc.

Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Port Moresby với quy mô hoành tráng. Chuyến thăm kéo theo hàng loạt thỏa thuận hàng chục tỷ USD gây tranh cãi, cũng như ý tưởng về một tiền đồn quân sự của Bắc Kinh khiến Mỹ ngày càng lo lắng.

Lịch trình dừng chân của Tổng thống Mỹ ở Port Moresby sẽ nằm giữa hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản và hội nghị thượng đỉnh QUAD ở Sydney, Úc – hai sự kiện mà kiềm chế Trung Quốc chắc chắn sẽ là một chủ đề thảo luận sôi nổi.

Như Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu, hội nghị lần này sẽ thảo luận về cách thức nhóm bộ tứ “hợp tác” với ASEAN và Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) trên nhiều vấn đề của khu vực, bao gồm an ninh tại Châu Á – Thái Bình Dương.

Trước đó, Mỹ đã ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia nhiều hơn vào vấn đề Nga – Ukraine thông qua việc tăng cường viện trợ vũ khí cho Kiev. Nhưng nhìn xa hơn, đây không khác gì một cách bật đèn xanh của Washington để hai quốc gia này gia tăng năng lực công nghiệp quốc phòng để phòng ngừa các nguy cơ từ Trung Quốc trong tương lai.

Vấn đề an ninh mà Mỹ thúc đẩy nhận được sự hưởng ứng của các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương bởi nó đúng vào giai đoạn Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự và cứng rắn hơn trong các tranh chấp – thứ gây ra nhiều quan ngại cho các nước láng giềng.

Dù vậy, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu về kinh tế, các quốc gia đang phải ưu tiên hài hòa giữa các lợi ích. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều quốc gia chọn chiến lược hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc – kể cả các cường quốc như Pháp, Đức - bởi lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh là quá lớn để từ bỏ.

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ khi chính quyền Mỹ có thể tìm ra cách gỡ các nút thắt để mở rộng đầu tư kinh tế vào khu vực, thì Washington mới có thể nghĩ về việc lấy lại tầm ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Tổng thống Biden: Cam kết của Mỹ bảo vệ Philippines là ‘sắt đá’

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Tòa Bạch Ốc hôm 1/5 rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ đồng minh là “sắt đá” kể cả ở Biển Đông nơi Manila đang chịu áp lực từ Trung Quốc.

Ông Marcos, trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Philippines sau 10 năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines trong một khu vực có “tình hình địa chính trị được cho là phức tạp nhất trên thế giới hiện nay.”

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết lãnh đạo Mỹ-Philippines sẽ nhất trí các hướng dẫn mới về hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn, cũng như đẩy mạnh hợp tác kinh tế, nhấn mạnh sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Hoa Kỳ-Philippines trong năm qua.

“Hoa Kỳ vẫn kiên định với cam kết bảo vệ Philippines, bao gồm cả Biển Đông,” ông Biden nói với ông Marcos tại Phòng Bầu dục, tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 kêu gọi Hoa Kỳ hành động trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang vào quân đội Philippines.

Quan chức Mỹ cho biết các hướng dẫn mới tập trung vào sự phối hợp quân sự trên bộ, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, trong khi chính quyền Mỹ cũng sẽ chuyển giao ba máy bay C-130 và tìm cách gửi thêm tàu tuần tra tới Philippines.

“Việc Philippines tìm đến đối tác hiệp ước duy nhất trên thế giới để củng cố và xác định lại mối quan hệ mà chúng ta có và vai trò của chúng ta trước những căng thẳng gia tăng mà chúng ta thấy xung quanh Biển Đông, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là điều tự nhiên,” ông Marcos nói.

Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm của ông Marcos, các mối quan hệ với Hoa Kỳ trở nên xấu đi vì ông đưa Philippines quay lưng lại với quốc gia cai trị thuộc địa cũ và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Philippines lần này là trọng tâm chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài bốn ngày của ông Marcos bắt đầu từ ngày 30/4.

Ông Biden đã đầu tư vào việc ve vãn ông Marcos, người vẫn đang phải đối mặt với phán quyết của tòa án Hoa Kỳ liên quan đến 2 tỷ đô la tài sản bị cướp đoạt dưới sự cai trị của cha mình.

Washington đã giúp thân phụ của ông Marcos lưu vong ở Hawaii trong cuộc nổi dậy “quyền lực nhân dân” năm 1986 và với tư cách là nguyên thủ quốc gia, con trai ông được miễn trừ khỏi sự truy tố của Hoa Kỳ.

Ông Biden lưu ý với ông Marcos rằng “đã lâu rồi bạn mới đến đây”, trước khi nói thêm rằng ông Marcos Jr. đã đi cùng cha mình đến Hoa Kỳ khi ông gặp cựu Tổng thống Ronald Reagan.

Ông Marcos trở thành tổng thống vào năm ngoái và đã tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, những nước đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Washington coi Philippines là chìa khóa cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình. Manila gần đây đã đồng ý cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao, nhưng hai bên chưa cho biết lực lượng nào của Hoa Kỳ sẽ đóng quân tại những căn cứ đó.

Các chuyên gia cho rằng Washington coi Philippines là một địa điểm tiềm năng để triển khai rốc-két, phi đạn và hệ thống pháo nhằm chống lại một cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc vào Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Marcos nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về quyền đánh bắt cá ở Biển Đông và ông cũng sẽ không cho phép Philippines trở thành một “sân khấu” cho hành động quân sự.

Trước khi khởi hành đến Washington vào ngày 30/4, ông Marcos cho biết ông sẽ tái khẳng định cam kết của Manila “trong việc thúc đẩy liên minh lâu đời của chúng ta như một công cụ hòa bình và là chất xúc tác phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Lập trường cứng rắn hơn

Khi nhiều người Philippines phẫn nộ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc quấy rối các tàu và ngư dân Philippines ở các vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, sự ủng hộ của người dân về việc có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh đã tăng lên.

Sự cảnh giác về Trung Quốc chỉ mới gia tăng trong thời gian gần đây.

Phát biểu hồi tháng trước của đại sứ Bắc Kinh tại Manila rằng Philippines chớ nên ủng hộ nền độc lập của Đài Loan “nếu quan tâm đến 150.000 công nhân nước ngoài” gốc Philippines sống ở đó bị xem là “lời đe dọa ngấm ngầm”, một quan chức Mỹ cho biết.

Ông Biden coi việc tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình.

Trước hội nghị thượng đỉnh, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi một lá thư lưỡng đảng tới ông Biden kêu gọi ông nêu ra điều mà họ gọi là “cuộc khủng hoảng” nhân quyền ngày càng trầm trọng ở Philippines.

Trong một tuyên bố, họ nói rằng có những vi phạm được ghi nhận đầy đủ dưới thời ông Duterte nhưng các báo cáo gần đây cho thấy “sự miễn trừ đang diễn ra”. Họ trích dẫn các báo cáo từ Liên minh Nhân quyền Karapatan về 17 vụ giết người phi pháp, 165 vụ bắt giữ bất hợp pháp từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái và tổng cộng 825 tù nhân chính trị.

Các căn cứ mới của Philippines mà Hoa Kỳ đã tiếp cận vào tháng trước bao gồm ba căn cứ đối diện với Đài Loan và một căn cứ gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc nói đây là “đổ thêm dầu vào lửa.”

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói: “Một số bước mà Trung Quốc đã thực hiện đã khiến (Marcos) lo ngại, thậm chí có thể khiến ông ấy ngạc nhiên”. “Ông ấy có mong muốn mạnh mẽ được hợp tác chặt chẽ với cả hai nước nhưng thấy mình đang ở trong một tình huống mà các bước đi mà Trung Quốc đang thực hiện rất đáng lo ngại.”

Một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi đang kề vai sát cánh ở Biển Đông, nơi mà sự liên kết của chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế”.

Ông Biden cũng sẽ thực hiện các bước hợp tác kinh tế, bao gồm cử phái đoàn thương mại và đầu tư tới Manila, hỗ trợ triển khai công nghệ viễn thông 5G, phát động tài trợ công-tư cho các khoáng sản quan trọng và phát triển lưới điện “thông minh”, thảo luận song phương mới về các vấn đề lao động và hỗ trợ an ninh sân bay, an toàn hàng hải và ngành y tế của Philippines.

Chuyến thăm của ông Marcos là một phần trong chính sách ngoại giao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được đẩy mạnh của Hoa Kỳ.

Ông Biden đã tiếp đón tổng thống Hàn Quốc vào tuần trước và sẽ tới Nhật Bản trong tháng này để tham dự cuộc họp của Nhóm 7 nước và tới Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh Quad với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Cả hai cuộc họp dự kiến sẽ tập trung nhiều vào Trung Quốc.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang