Mỹ: Người nhập cư ‘nháo nhào’; Nợ quốc gia phá kỷ lục; ‘Đế chế’ Trump & ảnh hưởng; Trump hoàn tất nội các; Chính sách TQ thời Trump 2.0

NGƯỜI NHẬP CƯ MỸ ĐỔ XÔ TÌM KIẾM TƯ VẤN VÀ BẢO VỆ

Những tuyên bố về việc sẽ trục xuất hàng loạt của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã khiến nhiều người nhập cư ở Mỹ đổ xô đi tìm kiếm sự tư vấn và bảo vệ.

Các văn phòng luật sư di trú ở Mỹ đang làm việc hết công suất trong bối cảnh nhiều người nhập cư lũ lượt kéo tới tìm kiếm sự trợ giúp do lo ngại về đợt trục xuất hàng loạt sắp tới của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump, theo New York Times.

"Những người nằm trong diện có nguy cơ bị trục xuất đang kéo đến trung tâm tư vấn pháp lý, trong khi những người đã có thẻ xanh thậm chí còn tìm đến chúng tôi một cách vội vã hơn", Inna Simakovsky, một luật sư di trú tại Columbus, Ohio, cho biết. "Ai cũng sợ cả".

Những người đã có thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) muốn trở thành công dân Mỹ càng sớm càng tốt, trong khi những người cư trú có điều kiện hoặc nhập cư bất hợp pháp đang phải vật lộn để nộp đơn xin tị nạn.

Bởi lẽ, theo các quy định hiện hành, người nhập cư sẽ khó bị trục xuất khỏi Mỹ khi đang trong quá trình chờ phán định của tòa di trú.

Bên cạnh đó, những người có mối quan hệ với công dân Mỹ đang tiến hành thủ tục kết hôn nhanh chóng, điều này giúp họ đủ điều kiện để nộp đơn xin thẻ xanh.

Tranh thủ kết hôn

Theo số liệu từ New York Times, Mỹ hiện có khoảng 13 triệu thường trú nhân hợp pháp. Vào năm 2022, khoảng 11,3 triệu người cư trú tại Mỹ không có giấy tờ.

"Kết quả bầu cử khiến tôi lo sợ và buộc lòng phải tìm ngay một giải pháp lâu dài", Yaneth Campuzano (30 tuổi), kỹ sư phần mềm tại Houston, Texas, nói.

Được đưa đến Mỹ từ Mexico khi mới 2 tháng tuổi, Campuzano đủ điều kiện tham gia chương trình bảo vệ người nhập cư đến Mỹ bất hợp pháp thời thơ ấu (DACA), vốn từng cho phép hàng trăm nghìn người nhập cư ở lại Mỹ với giấy phép lao động dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, ông Trump đã từng cố gắng loại bỏ DACA trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Hiện chương trình này đang đối mặt với các thách thức pháp lý và có thể bị chấm dứt, theo New York Times.

Với tình trạng bấp bênh hiện tại của DACA, Campuzano vị hôn phu của cô, một nhà khoa học thần kinh người Mỹ, đã đẩy nhanh kế hoạch kết hôn. Họ sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 12 - trước khi ông Trump nhậm chức.

"Chỉ khi tình trạng pháp lý của tôi được đảm bảo, tôi mới có thể thở được", Campuzano nói.

Chiến dịch trục xuất hàng loạt

Cử tri của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều bày tỏ sự thất vọng về tình trạng hỗn loạn ở biên giới dưới thời Tổng thống Joe Biden, theo New York Times. Trên cơ sở đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã đưa ra lời cam kết sẽ tiến hành trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, qua đó dành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Vào giữa tháng 11, ông Trump đã xác nhận ý định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng lực lượng vũ trang cho mục đích trục xuất hàng loạt.

Stephen Miller, cố vấn chính sách nhập cư hàng đầu của ông, đã nói rằng "các cơ sở tạm giam rộng lớn" sẽ đóng vai trò là "trung tâm trung chuyển" cho chiến dịch trục xuất.

Giới chức bang Texas đã đề nghị cho chính quyền liên bang sử dụng hơn 4 triệu mét vuông đất gần biên giới để xây dựng các trung tâm giam giữ, theo New York Times.

Theo phân tích của Viện Chính sách Di cư, ông Trump và ông Biden đã trục xuất khoảng 1,5 triệu người trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Con số này dưới thời Tổng thống Biden cũng là 1,5 triệu, trong khi cựu Tổng thống Obama đã trục xuất 3 triệu người trong nhiệm kỳ đầu.

Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ thập niên 1950, nước Mỹ tìm cách trục xuất hàng loạt người nhập cư, đặt ra thử thách cho bộ máy vận hành quá trình này.

Bên cạnh cố vấn Miller, Tổng thống đắc cử Trump đã bổ nhiệm một số nhân sự chủ chốt để chuẩn bị cho chiến dịch trục xuất hàng loạt sắp tới, trong đó có Thomas D. Homan - một lãnh đạo kỳ cựu của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ.

Ông Homan cho biết chính quyền tương lai sẽ tập trung vào việc loại bỏ những người vi phạm luật pháp Mỹ hoặc chưa tuân thủ lệnh trục xuất. "Ông trùm biên giới" cũng nói rằng chính quyền sẽ tiến hành các đợt "đột kích" ở nơi làm việc nhằm truy quét những người nhập cư không có giấy tờ.

Ngay cả ở California, nơi giới chức lãnh đạo đã hạn chế hợp tác với các cơ quan di trú trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và cam kết sẽ làm điều tương tự trong tương lai, những người nhập cư vẫn lo ngại về việc chiến dịch trục xuất sẽ được đẩy mạnh.

"Lần này, chúng tôi cảm thấy lo sợ hơn vì những tuyên bố mà ông Trump đã đưa ra", Silvia Campos, người nhập cư không có giấy tờ gốc Mexico, nói với New York Times.

Bà Campos sống cùng chồng và 3 người con ở Riverside (California), 2 trong số này là công dân Mỹ. Bà đã cùng chồng vượt biên vào Mỹ vào năm 2006.

"Mọi người đều nói về chuyện này", bà Campos nói. "Chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".

Trong khi một số ít nhà lãnh đạo của các trường đại học lên tiếng về chiến lược nhập cư của chính quyền Trump, nhiều trường đã âm thầm cân nhắc các bước đi để bảo vệ sinh viên quốc tế, theo New York Times.

Hơn 1.700 quản trị viên và nhân viên các trường đại học đã tham dự một hội thảo trực tuyến vào ngày 15/11 về cách hỗ trợ sinh viên quốc tế và những sinh viên không có giấy tờ lưu trú tại Mỹ.

Mối quan ngại đổ dồn về kỳ nghỉ đông khi các sinh viên quốc tế có thể trở về quê nhà để nghỉ lễ. Vào năm 2017, ngay trong ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã cấm công dân của các quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay. Lệnh này đã bị bác tại tòa song một phiên bản sau đó của lệnh này vẫn được duy trì.

Đại học Massachusetts, Amherst, đã đưa khuyến cáo cho toàn bộ sinh viên, giảng viên và nhân viên quốc tế, kêu gọi họ "cân nhắc kỹ lưỡng" về việc quay trở lại Mỹ trước Ngày nhậm chức 6/1/2025 và cho biết sinh viên có thể chuyển đến ký túc xá sớm.

 

 

NỢ QUỐC GIA PHÁ KỶ LỤC, VƯỢT MỐC 36 NGHÌN TỶ USD

Nợ quốc gia của Mỹ đạt đến "cột mốc đáng báo động", lập kỷ lục mới với mức 36 nghìn tỷ USD.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, nợ quốc gia của nước này vượt mốc 36 nghìn tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong lịch sử và trở thành khoản nợ quốc gia lớn nhất thế giới tính theo giá trị danh nghĩa.

Nợ quốc gia của Mỹ là số tiền mà chính quyền liên bang nợ chủ nợ. Chủ nợ có thể là cá nhân như công dân Mỹ hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhỏ cũng như tiểu bang và quỹ tài trợ lớn.

Nợ quốc gia được chia thành hai phần: nợ nội bộ chính phủ và nợ công. Nợ nội bộ chính phủ là nợ của nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, trong đó có các khoản như quỹ hưu trí. Khoản nợ nội bộ chiếm khoảng 20% tổng nợ và tính đến ngày 21/11 khoản nợ đạt 7,3 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, nợ công là khoản nợ của thực thể tư nhân, cá nhân và quốc gia nước ngoài. Phần nợ này chiếm 80% còn lại của nợ, tương đương 28,7 nghìn tỷ USD tính đến ngày 21/11.

Vào ngày 3/1, nợ quốc gia của Mỹ vượt quá 34 nghìn tỷ USD lần đầu tiên. Về mặt danh nghĩa, nợ quốc gia của Mỹ là lớn nhất thế giới.

Nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm là Tổng thống Donald Trump, người nhiều lần cam kết giảm nợ trong chiến dịch tranh cử vào năm 2016.

Thời điểm ông Donald Trump rời nhiệm sở, khoản nợ tăng từ 8,4 nghìn tỷ USD lên 27,7 nghìn tỷ USD, hơn một nửa số tiền vay liên quan đến phục vụ cho các chi phí liên quan đến chống dịch COVID-19. Xu hướng này tiếp tục duy trí đến thời ông Joe Biden.

Mặc dù lãi suất vay có chậm lại đôi chút trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden so với thời ông Donald Trump, song hiện đã tăng tốc, với việc Mỹ tăng thêm 1 nghìn tỷ USD nợ chỉ trong năm nay.

Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ trích gay gắt "sự mất cân bằng" dai dẳng của chính sách tài khóa Mỹ, gọi thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ của Washington là " rủi ro ngày càng tăng" đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

"Những khoản thâm hụt và nợ cao như vậy tạo ra rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, có khả năng dẫn đến chi phí tài chính tài chính cao hơn và rủi ro ngày càng tăng đối với các nghĩa vụ đáo hạn", IMF cho biết, đồng thời nhấn mạnh "những khoản thâm hụt tài khóa kinh niên này đại diện cho sự mất cân bằng chính sách đáng kể và dai dẳng cần được giải quyết khẩn cấp".

 

 

“ĐẾ CHẾ” DONALD TRUMP 2.0 VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG

Nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump có thể ủng hộ lập trường thương mại "Nước Mỹ trên hết", do đó một số quốc gia sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng phức tạp.

Nhà kinh tế Samirul Ariff Othman của Đại học Teknologi Petronas (Malaysia), Cố vấn cấp cao của Global Asia Consulting, cho rằng nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Donald Trump với cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" được đánh dấu bằng sự hoài nghi sâu sắc đối với các hiệp định thương mại toàn cầu, mà ông chỉ trích là không tốt cho lợi ích của Mỹ.

Theo bài viết trên trang New Straits Times (Malaysia), quan điểm này bao gồm những lời chỉ trích trực tiếp đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO, tuyên bố tổ chức này thiên vị và chống lại lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông Trump coi cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là không hiệu quả và thường gây hại cho các chính sách thương mại của Mỹ, báo hiệu rằng chính quyền của ông thà bỏ qua hoặc thậm chí từ bỏ tổ chức này nếu họ tiếp tục phản đối các cải cách phục vụ lợi ích của Mỹ.

Chương trình nghị sự thương mại của ông Trump cũng dẫn đến việc ông rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017 (sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), mà ông cho rằng sẽ gây tổn hại đến việc làm của người Mỹ. Bên cạnh đó, ông đặc biệt cảnh giác với các hiệp định thương mại đa phương, ủng hộ các thỏa thuận song phương mà ông tin rằng mình có thể đàm phán các điều khoản thuận lợi hơn.

Cũng theo logic này, ông đã đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), mà ông gọi là "thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từ trước đến nay", đổi tên thành Hiệp định Mỹ -Mexico-Canada (USMCA). Thỏa thuận mới nhằm tăng cường bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, lĩnh vực mà ông cho rằng đã bị tổn hại do việc chuyển giao việc làm cho Mexico theo NAFTA.

Khi nói đến châu Âu, ông Trump tỏ ra không mấy quan tâm đến việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đề xuất với Liên minh châu Âu (EU), mà thích đàm phán lại các điều khoản thương mại với từng quốc gia châu Âu. Ông thường xuyên phàn nàn về những gì ông coi là chính sách bảo hộ của châu Âu, mà ông cho rằng đã hạn chế không công bằng hoạt động xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp và công nghệ. Ông thậm chí còn áp thuế đối với hàng hóa châu Âu như thép và nhôm, gây ra các biện pháp trả đũa và bế tắc thương mại ảnh hưởng đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump rất có thể sẽ ủng hộ lập trường thương mại "Nước Mỹ trên hết" được tăng cường, do đó một số quốc gia, ví dụ như Malaysia, phải đối mặt với một hành động cân bằng phức tạp.

Để giảm thiểu phản ứng dữ dội tiềm ẩn, những quốc gia này có thể thực hiện các bước chủ động bằng cách tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các hướng dẫn rõ ràng hơn về nguồn gốc hàng hóa, nhấn mạnh các yêu cầu về hàm lượng nội địa và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý của Mỹ để đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, các quốc gia này có thể tăng cường nỗ lực thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển lực lượng lao động trong nước có tay nghề cao hơn, tạo ra sự khác biệt rõ ràng hơn giữa họ và các nhà sản xuất Trung Quốc.

Cách tiếp cận này không chỉ phù hợp với mục tiêu phát triển của họ mà còn chứng minh với Mỹ rằng họ cam kết xây dựng nền kinh tế độc lập, đa dạng. Việc tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong ASEAN và với các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể là một phần của chiến lược phục hồi.

Bằng cách tham gia vào một mạng lưới rộng hơn các hiệp định thương mại, các quốc gia có thể báo hiệu với Mỹ rằng lợi ích kinh tế của họ vừa mang tính khu vực vừa mang tính toàn cầu. Những động thái này sẽ tăng cường tính hợp pháp của họ như những trung tâm đầu tư độc lập, trong khi bảo vệ họ trước bất kỳ sự thay đổi bảo hộ tiềm tàng nào từ Mỹ.

Tóm lại, các chính sách thương mại của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên được bao phủ bởi sự hoài nghi mạnh mẽ về các hiệp định thương mại đa phương và ưu tiên các thỏa thuận song phương. Điều này thách thức các khuôn khổ thương mại hiện có như WTO và để lại những tác động lâu dài đến động lực thương mại quốc tế.

 

 

NỘI CÁC MỚI CỦA ÔNG TRUMP ĐÃ HOÀN TẤT!

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã bổ nhiệm đồng minh lâu năm Brooke Rollins làm Bộ trưởng Nông nghiệp, hoàn thiện danh sách nội các mới của ông.

Theo BBC, ông Trump đưa ra thông báo trên vào cuối buổi chiều ngày 23/11, chỉ định người đứng đầu Viện Chính sách nước Mỹ trên hết cho vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp.

Ông Donald Trump tuyên bố: "Là Bộ trưởng Nông nghiệp, bà Brooke sẽ đi đầu trong nỗ lực bảo vệ nông dân Mỹ, những người thực sự là xương sống của đất nước chúng ta".

Việc đề cử bà Brooke Rollins đánh dấu sự kết thúc của một loạt đề cử chóng vánh và đôi khi rất kịch tính cho vị trí đứng đầu các cơ quan quan trọng của Mỹ.

Bà Brooke Rollins là đồng minh hàng đầu của ông Trump trong nhiều năm. Bà là người đồng sáng lập và Chủ tịch Viện Chính sách nước Mỹ trên hết - một nhóm nghiên cứu cánh hữu ủng hộ ông Trump và từng giữ chức Giám đốc văn phòng đổi mới Mỹ, quyền giám đốc của Hội đồng chính sách nội địa. Bà Rollins tốt nghiệp Đại học Texas với bằng cử nhân khoa học về phát triển nông nghiệp và sau đó làm luật sư.

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà Rollins sẽ giám sát các khoản trợ cấp trang trại, các chương trình dinh dưỡng liên bang, kiểm tra thịt và các khía cạnh khác của ngành nông nghiệp, thực phẩm và lâm nghiệp của Mỹ. Bộ trưởng được bổ nhiệm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico.

Việc chỉ định bà Rollins làm Bộ trưởng Nông nghiệp đánh dấu việc ông Trump đã hoàn tất bổ nhiệm nội các mới. Mỗi người được ông Trump chỉ định vẫn phải được Thượng viện xác nhận. Các nhân vật được chọn khá đa dạng, từ những người trung thành đến các đối thủ chính trị trước đây của ông.

 

 

CHÍNH SÁCH TRUNG QUỐC DƯỚI THỜI TRUMP 2.0 SẼ RA SAO?

Với những tuyên bố mạnh mẽ của cựu Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tái tranh cử về Trung Quốc, cùng với những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ đầu, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng được dự báo sẽ là một thách thức lớn, nặng nề và phức tạp đối với quan hệ song phương trong 4 năm tới.

Quan hệ Mỹ - Trung được ông Trump tiếp quản

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát và ổn định hóa quan hệ sau giai đoạn căng thẳng dưới thời ông Trump.

Chính quyền của ông Biden đã theo đuổi chính sách Trung Quốc là "cạnh tranh có trách nhiệm", với 3 trụ cột là duy trì đối thoại cấp cao (đỉnh điểm là gặp gỡ giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ở San Francisco tháng 11/2023), tìm kiếm hợp tác trong những lĩnh vực cùng có lợi, quản lý bất đồng có kiểm soát, qua đó vừa duy trì áp lực lên Bắc Kinh trong các vấn đề then chốt, vừa tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực có thể như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu.

Tuy nhiên, bất đồng vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghệ đến địa chính trị.

Trên thực tế, mô hình "Chimerica" - thuật ngữ do sử gia Niall Ferguson đặt ra để chỉ mối quan hệ cộng sinh kinh tế Mỹ - Trung, dường như đang dần tan rã trên thực tế. Thay vào đó là một hình thái quan hệ mới với đặc điểm vừa hợp tác vừa cạnh tranh, trong đó yếu tố cạnh tranh ngày càng nổi trội.

Nhân sự mới, sóng gió mới

Tổng thống tái đắc cử Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Bộ trưởng Ngoại giao và Hạ nghị sỹ Mike Waltz làm Cố vấn An ninh Quốc gia. Cả hai đều có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Ông Trump cũng dự kiến đưa trở lại cựu Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, người có quan điểm rắn với Trung Quốc. Với những nhân sự nổi tiếng cứng rắn với Bắc Kinh như trên, quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ đối mặt với hai loại thách thức mới chủ yếu như sau:

Một là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế 60% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và sẽ siết lại việc xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, nhất là chip bán dẫn nhằm hạn chế sự phát triển của Trung Quốc.

Không chỉ vậy, bản thân cựu Tổng thống cũng đã nói rất thẳng rằng "Trung Quốc đã lấy đi 31% ngành sản xuất ôtô của chúng ta" - điều đó cho thấy Mỹ sẽ tăng cường bảo hộ ngành sản xuất trong nước, kèm theo những biện pháp trả đũa khó lường từ phía Bắc Kinh. Bên cạnh đó, giữa hai nước cũng còn tồn tại nhiều bất đồng về trợ giá công nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ.

Hai là những bất ổn mới về an ninh khu vực. Mỹ có thể sẽ tăng cường ủng hộ Đài Loan, bao gồm việc mở rộng hợp tác quân sự và tăng cường các hoạt động tuần tra ở eo biển Đài Loan.

Tại Biển Đông, Mỹ có thể sẽ thực hiện nhiều hơn các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) và tăng cường hiện diện quân sự. Không chỉ vậy, Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh hợp tác quân sự với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và mở rộng cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc sang cả các khu vực khác như châu Phi, châu Mỹ La-tinh.

Sự phụ thuộc lẫn nhau không thể tránh khỏi

Mặc dù căng thẳng gia tăng, thực tế cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau khá sâu rộng trên nhiều phương diện.

Về thương mại và đầu tư: Số liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 690 tỷ USD trong năm 2023.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc, chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại có thể khiến thu nhập quốc dân GDP của cả hai nước giảm từ 1-2%.

Về đầu tư, dữ liệu từ Rhodium Group cho thấy tổng vốn đầu tư trực tiếp tích lũy giữa hai nước đạt xấp xỉ 240 tỷ USD vào cuối năm 2023, trong đó có nhiều dự án quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch và sản xuất tiên tiến.

Về chuỗi cung ứng và công nghệ: Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều ngành công nghiệp quan trọng. Theo báo cáo của McKinsey, khoảng 80% linh kiện điện tử, 70% thiết bị y tế và 60% nguyên liệu dược phẩm toàn cầu có nguồn gốc hoặc đi qua Trung Quốc. Điều này tạo ra thách thức lớn cho nỗ lực "tách rời Trung Quốc của Mỹ".

Trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là AI, cả hai nước đều đang dẫn đầu toàn cầu với những ưu thế riêng. Mỹ vượt trội về nghiên cứu cơ bản và phát triển phần mềm, trong khi Trung Quốc mạnh về ứng dụng thực tế và dữ liệu lớn. Sự phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực này khiến chủ trương tách rời hoàn toàn Trung Quốc của Mỹ là điều khó khả thi.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tương lai quan hệ Mỹ - Trung

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Trump 2.0 dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau sâu rộng buộc cả hai bên phải duy trì một mức độ hợp tác nhất định. Tuy nhiên, diễn biến trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trước hết là sự chuẩn bị của phía Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc càng chuẩn bị tốt thì Mỹ càng phải thận trọng và các biện pháp kiềm chế càng phải chọn lọc hơn. Trên thực tế, Trung Quốc đã có những chuẩn bị khá toàn diện ở 3 điểm đáng chú ý như sau:

Một là triển khai chiến lược "Tuần hoàn kép" nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và công nghệ nước ngoài. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của Trung Quốc đã giảm từ 36% năm 2006 xuống còn khoảng 20% năm 2023.

Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, với ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2023 đạt 372 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP.

Hai là tập trung vào việc phát triển năng lực nội địa, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, AI và công nghệ lượng tử. Theo báo cáo của CSIS, số lượng bằng sáng chế AI của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua, vượt qua Mỹ về số lượng.

Ba là tích cực đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế, đặc biệt với các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển; nâng cấp quan hệ với Nga lên "đối tác chiến lược toàn diện", trong khi hợp tác với các nước BRICS và Tổ chức Thượng Hải được tăng cường, mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới.

Tiếp theo, việc chính quyền Trump 2.0 "quyết đấu" Trung Quốc mạnh đến đâu cũng còn phụ thuộc vào một số yếu tố.

Thứ nhất là các yếu tố nội bộ bên trong nước Mỹ. Theo khảo sát của Pew Research Center năm 2023, 82% người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, mức cao nhất trong lịch sử.

Đồng thời, các nghị sĩ lưỡng đảng ở Mỹ cũng đang thúc đẩy nhiều dự luật nhằm siết chặt kiểm soát đầu tư và chuyển giao công nghệ với Trung Quốc. Việc đảng Cộng hòa giành lại được quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội cũng có thể tác động đến việc Tổng thống Trump trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong triển khai các chủ trương, chính sách đối với Trung Quốc của mình.

Thứ hai là khả năng hai nước kiểm soát các điểm nóng địa chính trị, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Theo đánh giá của các chuyên gia từ Viện Brookings, khả năng duy trì ổn định trong vấn đề này sẽ là chìa khóa quyết định mức độ căng thẳng tổng thể trong quan hệ song phương Mỹ - Trung.

Thứ ba là hiệu quả của các kênh đối thoại cấp cao Mỹ-Trung đã có lâu nay. Kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump cho thấy việc duy trì các cơ chế đối thoại thường xuyên, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa xung đột và quản lý bất đồng.

Thứ tư là ảnh hưởng của các nước thứ ba. Lập trường của EU và các nước đồng minh phương Tây của Mỹ trong các vấn đề như kiểm soát xuất khẩu công nghệ hay chuỗi cung ứng sẽ có tác động lớn đến hiệu quả của các biện pháp kinh tế mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine nói chung và sự hợp tác Nga - Trung cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến mối quan hệ Mỹ - Trung.

Tóm lại, quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Trump 2.0 được dự đoán tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau sâu rộng buộc cả hai bên phải duy trì một mức độ hợp tác nhất định. Với tính cách và khả năng đàm phán đặc biệt của "doanh nhân Trump", không loại trừ khả năng Mỹ - Trung sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện.

Tuy nhiên, đây vẫn là mối quan hệ đầy mâu thuẫn và phức tạp nhất thế giới, bởi ở đó không chỉ có các yếu tố thuần túy kinh tế-thương mại, mà đằng sau đó còn là cuộc cạnh tranh âm ỉ nhưng quyết liệt để giành vị thế số một toàn cầu với những tác động sâu rộng đến cục diện thế giới và quan hệ quốc tế.

 

Nguồn: Zing News; CafeF; Bnews; Vietnamnet; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang