Mỹ: Người da đen bị kẹp cổ chết; FED không thể cứu vỡ nợ; Sóng gió ngân hàng; Tranh giành trạm sạc xe; Cải tổ di trú

Dân Mỹ bức xúc về vụ người da màu bị kẹp cổ chết trên tàu

(Ảnh minh họa).

Nhiều người Mỹ nổi giận sau khi người da màu Neely bị cựu lính thủy đánh bộ kẹp cổ chết trên tàu, gọi đây là hành vi phân biệt chủng tộc.

"Người da trắng không coi chúng tôi là con người, họ muốn loại bỏ chúng tôi", Diango Cici, cư dân da màu 53 tuổi ở Manhattan, chia sẻ sau sự việc người đàn ông vô gia cư Jordan Neely, 30 tuổi, bị một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ kẹp cổ tới chết trên chuyến tàu ở New York hôm 1/5.

Sự việc của Neely gợi nhớ lại người đàn ông da màu Eric Garner bị cảnh sát New York kẹp cổ tới chết năm 2014, bất chấp người này liên tục van xin "Tôi không thể thở được". Câu nói này sau đó cũng thành khẩu hiệu quen thuộc trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở New York và khắp nước Mỹ.

Trước nguy cơ chết người từ động tác kẹp cổ, thành phố New York đã cấm cảnh sát sử dụng biện pháp này với nghi phạm. Trang web của Bộ Tư pháp Mỹ cũng gọi đây là hành động nguy hiểm, có thể dẫn tới bi kịch.

Theo tài liệu hướng dẫn quân sự Mỹ năm 2020, lính thủy đánh bộ nước này thường được huấn luyện về đòn kẹp cổ, có thể khiến đối phương bất tỉnh chỉ trong vòng 8 giây. Trong sự việc hôm 1/5, cựu binh này đã kẹp cổ Neely ít nhất ba phút.

Cảnh sát sau đó đã thẩm vấn cựu lính thủy đánh bộ Mỹ 24 tuổi, nhưng không quyết định bắt cũng như công bố danh tính người này. Tuy nhiên, văn phòng công tố Manhattan hôm 3/5 cho biết sẽ xem xét các báo cáo khám nghiệm tử thi, đánh giá các video tại hiện trường, thu thập thêm lời kể nhân chứng về sự việc.

Thống đốc bang New York Kathy Hochul mô tả sự việc của người đàn ông da màu Neely là "khủng khiếp", tuyên bố gia đình của anh này xứng đáng nhận được công lý.

"Không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác. Trong hoàn cảnh này, tôi luôn kiên định với cam kết giúp đỡ những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần", Thống đốc Hochul nói.

Neely có tiền sử bệnh tâm thần và trước khi bị cựu lính thủy đánh bộ Mỹ kẹp cổ, anh đã có những hành vi bất thường trên tàu như la hét lớn, than vãn không có đồ ăn thức uống và nói bản thân sẵn sàng vào tù hoặc thậm chí là chết.

Neely được cho là gặp vấn đề tâm lý sau khi mẹ qua đời vào năm 2007. Trong nhiều năm qua, cảnh sát New York nhận hàng chục cuộc gọi phản ánh về các hành vi quá khích của Neely.

Tuy nhiên, Thống đốc Hochul cho rằng Neely không có ý làm hại mọi người và cách phản ứng của cựu lính thủy đánh bộ với người đàn ông da màu này "rất cực đoan".

Hàng chục người New York tối 4/5 tập trung tại Trung tâm Barclay biểu tình đòi công lý cho Neely. Trước đó, hàng chục người kéo tới ga tàu nơi Neely bị kẹp cổ chết, yêu cầu cảnh sát bắt cựu lính thủy đánh bộ.

"Tôi không thể tin rằng điều này lại xảy ra trên tàu điện ngầm ở thành phố nơi tôi lớn lên", Kyle Ishmael, cư dân 38 tuổi ở khu Harlem, New York, nói, thêm rằng sự việc của Neely khiến anh ghê sợ.

(Nguồn: Vnexpress)

Kịch bản nước Mỹ vỡ nợ, Fed cũng không thể cứu

Nếu Mỹ phá sản, thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh và GDP sẽ giảm khoảng 6%.

Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Joe Biden (CEA) hôm 3/5 phát đi thông điệp đáng sợ một khi nước Mỹ không tăng trần nợ công dẫn tới kịch bản vỡ nợ có thể xảy ra vào tháng 6 tới, theo CNBC.

Theo đó, Nhà Trắng đã liệt kê 3 kịch bản cho nền kinh tế Mỹ, bao gồm kịch bản tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ không phải đối mặt với tình huống vỡ nợ, khoảng 200.000 người vẫn có nguy cơ mất việc làm, và GDP của năm vẫn giảm 0,3%.

Trong trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,3%.

Nếu tình huống tồi tệ nhất xảy ra và nợ kéo dài, các chuyên gia kinh tế tại Nhà Trắng cho rằng sẽ có tới 8,3 triệu người mất việc làm, GDP giảm 6,1% và thị trường chứng khoán sẽ giảm gần một nửa giá trị ban đầu. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này cũng sẽ tăng lên đến 5%.

Báo cáo còn nhấn mạnh rằng, với kịch bản vỡ nợ kéo dài, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng bế tắc trong ít nhất 3 tháng.

CEA lưu ý rằng "nếu không có khả năng chi tiêu cho các biện pháp ngược chu kỳ như bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, chính phủ liên bang và tiểu bang sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với tình trạng hỗn loạn này và không thể hỗ trợ các hộ gia đình khỏi các tác động."

Trong kịch bản này, "các hộ gia đình sẽ không thể vay thông qua khu vực tư nhân vì lãi suất trên các công cụ tài chính mà các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng - trái phiếu kho bạc, thế chấp và lãi suất thẻ tín dụng - sẽ tăng vọt do rủi ro của một tương lai không chắc chắn ."

Chính quyền Biden muốn Quốc hội nâng trần nợ mà không kèm theo các đề xuất chính sách kinh tế khác.

Vài ngày trước đây, bà Janet Yellen, người đang giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính, đã cảnh báo rằng nếu Quốc hội không thực hiện các biện pháp kịp thời, Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ vỡ nợ ngay sau ngày 1/6.

Theo lời ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Fed không thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước những rủi ro do việc không nâng trần nợ công.

"Đừng tin rằng Fed có thể cứu vớt nền kinh tế, hệ thống tài chính, và danh tiếng của Mỹ trên toàn cầu khỏi những thiệt hại do sự kiện này gây ra", tuyên bố ông Powell nhấn mạnh.

Theo ông, chính phủ Mỹ không nên tự đẩy mình vào thế khó. Việc giải quyết mâu thuẫn về trần nợ công giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ là vấn đề thuộc trách nhiệm của Quốc hội và chính quyền Tổng thống Biden.

Tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarth đề xuất một kế hoạch giảm chi tiêu 4.500 tỷ USD và chỉ tăng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD. Tuy nhiên, đề xuất này bị phản đối bởi Thượng viện Mỹ, đang được kiểm soát bởi đảng Dân chủ.

Trong khi đó, Tổng thống Biden cho biết ông sẵn sàng bàn bạc về các biện pháp giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những biện pháp này phải được xem xét một cách độc lập với vấn đề trần nợ.

(Nguồn: Soha)

Sóng gió bủa vây lĩnh vực ngân hàng Mỹ: Nỗi lo mất trắng tiền gửi tiết kiệm đang tương đương khủng hoảng tài chính 2008 ở xứ "cờ hoa"

(Ảnh minh họa).

Theo một cuộc khảo sát, chuỗi sự kiện gần đây có thể làm giảm niềm tin vào hệ thống tài chính của Mỹ và đẩy lo ngại của người dân lên cao nhất kể từ khủng hoảng năm 2008.

CNBC dẫn cuộc khảo sát mà Gallup thực hiện với 1.013 người trưởng thành ở Mỹ đã cho ra một kết quả khiến nhiều người chú ý. Theo đó, có 19% số người được hỏi nói rằng họ “rất lo lắng” cho khoản tiền gửi tiết kiệm. 29% khác nói rằng họ lo lắng vừa phải về sự an toàn của khoản tiền họ để tại ngân hàng và các tổ chức tài chính. 20% nói rằng họ không có gì phải lo lắng còn 30% cho biết họ không quá lo lắng.

Quan điểm và sự an tâm của người Mỹ với các khoản tiền gửi tiết kiệm của họ hiện nay tương tự như kết quả cuộc thăm dò mà Gallup thực hiện sau khi Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008. Tuy nhiên, do Gallup không thực hiện cuộc khảo sát này thường xuyên nên không thể xác định sự thay đổi trong quan điểm của người gửi tiền.

Khi cuộc thăm dò này được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 25/4, Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature đã sụp đổ. Tuy nhiên, sóng gió vẫn chưa kết thúc. Gần đây, Ngân hàng First Republic cũng đã sụp đổ và phải bán tài sản cho JPMorgan Chase.

Hiện tại, cổ phiếu 2 ngân hàng khác đang liên tiếp bị bán tháo, với biên độ lên tới hàng chục % trong phiên. Hôm 4/5, cổ phiếu của Ngân hàng PacWest có trụ sở tại Los Angeles đã giảm tới 46%. Kể từ đầu năm tới nay, cổ phiếu ngân hàng này đã mất tới 86% giá trị.

Sau những vụ sụp đổ của các ngân hàng Mỹ trong năm nay, người ta đã thấy Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang của Mỹ đã ra tay đảm bảo mọi người gửi đều sẽ nhận lại tiền. Được thành lập năm 1933 trong thời kỳ Đại suy thoái, tổ chức này bảo hiểm cho các khoản tiền gửi dưới 250.000 USD. Tuy nhiên, Mỹ đã ra tay đảm bảo tất cả các khoản gửi có giá trị trên 250.000 USD cũng sẽ được bảo hiểm trọng vụ SVB sụp đổ.

(Nguồn: CafeF)

Nhiều chủ xe điện ở Mỹ bất lực vì bị giành trạm sạc

Nhiều người đi xe điện (EV) tại Mỹ đang cảm thấy bất tiện và khó chịu về ý thức của một số tài xế khác khi lưu trú ở khách sạn.

Ngày càng nhiều người Mỹ mua, thuê xe điện và tính toán đến các điểm dừng sạc khi lập kế hoạch di chuyển. Tại nhiều khách sạn, khách đặt phòng mong muốn có bộ sạc xe điện.

Khách du lịch bằng EV thường lập hành trình rất chi tiết. Nhưng ngay cả kế hoạch tốt nhất cũng có thể vỡ lở khi bộ sạc của khách sạn không hoạt động, hoặc khi những vị khách khác không để ý đến các phép lịch sự cơ bản liên quan tới chuyện sạc pin, theo Wall Street Jounal.

Những tài xế không tinh ý

Nhiều khách lưu trú tại khách sạn cho biết một số tài xế để ôtô của họ cắm sạc hàng giờ liền sau khi đã sạc đầy.

Sergio Rodriguez (42 tuổi), đến từ Monterey, California, cho biết đã thực hiện sáu chuyến đi xuyên quốc gia bằng bốn chiếc EV mà anh sở hữu, trong đó có một chiếc Tesla.

Anh nói mình từng tấp vào khách sạn lúc 16h với 5% pin còn lại trên chiếc Mustang Mach-E 2021 và thấy một chiếc Tesla đang cắm sạc. Chiếc Tesla đã ở đó suốt đêm.

Thức dậy lúc 4h sáng hôm sau để kiểm tra, Rodriguez thấy chiếc Tesla kia vẫn đang cắm sạc dù pin đã đầy. Anh quyết định tự mình rút bộ sạc ra để sử dụng chứ không chờ chủ nhân chiếc xe kia tự giác.

“Một số người nói rằng chạm vào xe của người khác là không phù hợp. Nhưng đó là điểm sạc sử dụng chung”, anh nói.

Brian McGuinness, Phó chủ tịch về trải nghiệm khách hàng toàn cầu của IHG Hotels & Resorts, cho biết nhân viên khách sạn được hướng dẫn nhắc nhở khách di chuyển xe điện của họ khi sạc xong. Họ cũng có thể gợi ý khách để lại số điện thoại để nhân viên nhắn tin nhắc khi xe sạc xong.

Bill Ferro, người sáng lập EVSession, một công ty phần mềm theo dõi độ tin cậy của bộ sạc nhanh, đã lái xe điện trong 12 năm.

Anh thường lên kế hoạch lưu trú tại các khách sạn có sạc EV miễn phí. Anh nói mình sẽ cảm thấy tội lỗi nếu cắm sạc cả đêm trong khu vực sạc của các khách sạn, nếu quãng đường đi tới điểm dừng tiếp theo chỉ cần thêm 20% pin.

“Nếu ai đó yêu cầu tôi dậy lúc 2h sáng để di chuyển xe của mình, tôi sẽ làm”, anh nói.

Nhưng dù là tài xế EV nào cũng đều nhất trí về điều gây khó chịu tột cùng đối với họ: Đó là những người đi xe động cơ đốt trong nhưng lại đậu tại chỗ dành cho xe điện.

Thiếu phương án dự phòng

Theo Trung tâm Dữ liệu Nhiên liệu Thay thế, có hơn 50.000 địa điểm sạc ở Mỹ, bao gồm các điểm sạc ở khách sạn.

Nick Nigro, người sáng lập nhóm nghiên cứu Chính sách công Atlas, cho biết việc tiếp cận đáng tin cậy với bộ sạc tại các khách sạn là điều cần thiết khi thị trường xe điện đang ngày càng phổ biến.

“Nhưng một hoặc hai bộ sạc sẽ không đủ”, ông Nigro nói.

Matt Schuyler, Giám đốc thương hiệu của chuỗi khách sạn Hilton, cho biết hơn 20% chi nhánh toàn cầu của Hilton hiện có sạc EV, tăng hơn 10% so với một năm trước, và con số đó đang tăng nhanh chóng.

IHG gần đây đã ra mắt bộ lọc tìm kiếm trên ứng dụng của họ cho phép khách tìm khách sạn có sạc EV, cho biết hơn 1.000 khách sạn của họ có cung cấp dịch vụ này.

Người lái xe điện nói rằng họ thường tìm chọn khách sạn có sẵn sạc EV, nhưng nhiều ứng dụng khách sạn không hiển thị số lượng hoặc loại sạc mà họ có.

Rob Miller (61 tuổi) ở Oakland, California, chủ sở hữu một chiếc Chevrolet Bolt EUV 2022, đã đặt phòng tại một khu nghỉ dưỡng ở Rockaway Beach, bang Oregon cho kỳ nghỉ đông vừa qua, vì nơi này có sạc xe điện.

Khi đến nơi, ông nhận ra bộ sạc tại khu nghỉ dưỡng không tương thích với ôtô của mình. Ông phải lái xe 24 km từ đó để kiếm trạm sạc với cảnh báo sắp hết pin.

Khi ông và vợ trở lại, bồn tắm nước nóng và hồ bơi đã đóng cửa.

Giám đốc điều hành của Hilton và IHG cho biết họ sẽ mở thêm tính năng nói rõ loại sạc EV mà họ có trên ứng dụng của mình trong tương lai.

(Nguồn: Zing News)

Quốc hội Mỹ chuẩn bị cải tổ di trú giữa ‘cơn bão’ di dân

(Ảnh minh họa).

Một nỗ lực mới nhằm thúc đẩy cải cách di trú của lưỡng đảng Hoa Kỳ, cùng với tăng cường an ninh biên giới, đang nổi lên tại Quốc hội giữa lúc hàng ngàn di dân tập trung đông đảo bên kia biên giới Mexico giáp ranh với Mỹ trong lúc điều khoản luật 42 của Mỹ sắp kết thúc vào ngày 11/5.

Đã 37 năm kể từ khi Quốc hội thông qua cải cách di trú quan trọng, nhưng số di dân ngày càng lớn và tình trạng thiếu lao động trầm trọng đã khiến các nhà lập pháp phải bận tâm. Đồng thời, nhiều đảng viên Cộng hòa cho rằng dòng ma túy bất hợp pháp vào Hoa Kỳ thông qua các cửa khẩu là lý do để kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới.

Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có kế hoạch thông qua một gói các biện pháp an ninh biên giới vào tuần tới nhằm đặt ra những hạn chế cứng rắn hơn đối với những người xin tị nạn, tiếp tục xây dựng bức tường dọc biên giới phía tây nam với Mexico và mở rộng việc thực thi pháp luật liên bang.

Điều khoản luật 42 được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump khi bắt đầu đại dịch COVID, cho phép chính quyền Hoa Kỳ trục xuất di dân trở lại bên kia biên giới Mexico mà không cho họ có cơ hội xin tị nạn.

Ngày 2/5, chính quyền Biden tuyên bố sẽ tạm thời triển khai thêm 1.500 binh sĩ tới biên giới Hoa Kỳ-Mexico trước khả năng di dân bất hợp pháp gia tăng.

Cho dù một số người cho rằng kế hoạch của Hạ viện mang tính “chống người nhập cư”, nhưng một số thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cho biết họ nóng lòng chờ đợi một đạo luật như vậy.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Thom Tillis cho biết phần cuối của Điều 42 “đặt nền tảng” cho Quốc hội xây dựng luật kiểm soát biên giới mới khi đảng Cộng hòa dự đoán một làn sóng những người mới đến.

Ông Tillis, người đang làm việc với Thượng nghị sĩ độc lập Krysten Sinema của Arizona và những người khác, cho biết một dự luật được Hạ viện thông qua là “điều mà chúng ta có thể dựa vào”. “Nó mang lại cho chúng ta một số cơ hội để đạt được sự hỗ trợ mà chúng ta cần tại Thượng viện” cho đạo luật rộng lớn hơn.

Ông Tillis nói có thể mất hai đến ba tháng để đạt được thỏa hiệp. Các thượng nghị sĩ không ảo tưởng rằng đây sẽ là một nhiệm vụ dễ dàng.

Ông Dick Durbin, nhân vật số 2 của đảng Dân chủ tại Thượng viện, cho biết dự luật của Hạ viện sẽ cung cấp manh mối về ý định của đảng Cộng hòa. Ông nói thêm rằng trong các cuộc thảo luận với các thượng nghị sĩ đồng nghiệp, “một trong những điều đầu tiên họ nói là ‘tốt nếu Hạ viện bắt đầu cuộc thảo luận, tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được một kết quả nào đó.’ Hãy chờ xem.”

Kể từ khi ban hành các cải cách di trú năm 1986 dẫn đến khoảng 3 triệu di dân giành được tình trạng hợp pháp, Quốc hội đã nhiều lần thất bại trong việc cập nhật các chính sách của quốc gia.

Khoảng 11 triệu di dân trái phép ở Hoa Kỳ có thể có lợi ích trong kết quả của nỗ lực mới nhất này, cùng với các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang khao khát nguồn lực lao động.

Để thành công, tất cả 48 thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện và 3 thành viên độc lập phải bỏ phiếu cho một thỏa thuận di trú - đồng thời lưu ý đến triển vọng bầu cử lại vào năm 2024 - cộng với việc giành được sự ủng hộ từ ít nhất 9 thành viên đảng Cộng hòa và sự ủng hộ của Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

“Một hành động rủi ro cao” là cách Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn từ tiểu bang biên giới Texas miêu tả nó, đồng thời nói thêm rằng đó là “con đường duy nhất để tiến lên.”

Phòng Thương mại Hoa Kỳ, hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất quốc gia, đã phát động một chiến dịch kêu gọi Quốc hội hành động. Nỗ lực này được tán thành bởi 400 tổ chức, từ Liên đoàn Văn phòng Nông trại Hoa Kỳ đến Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ.

Một số áp lực bên ngoài khác ngoài điều khoản luật 42 có thể thúc đẩy triển vọng cho một sáng kiến mới.

Trong số những vấn đề đè nặng lên các nhà lập pháp bao gồm tình trạng tử vong do fentanyl, chủ yếu được vận chuyển qua các cảng của Hoa Kỳ. Đảng Cộng hòa cho rằng đó là nơi mà thành phần an ninh biên giới xuất hiện.

Trong khi đó, các tiểu bang do đảng Cộng hòa kiểm soát thấy các nông trại, trại chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm của họ đang phải nài xin nhân công, một khoảng trống mà di dân có thể lấp đầy nếu không có hệ thống visa rắc rối của Washington.

Cuối cùng, việc thông qua dự luật di trú cùng với tăng cường an ninh biên giới có thể thúc đẩy chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden và cũng mang lại cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa điều gì đó để cổ vũ.

Dự luật của Hạ viện sẽ giải quyết một vài trong số năm yếu tố trong nỗ lực Tillis-Sinema, theo một nguồn tin của Thượng viện quen thuộc với công việc của họ.

Nhìn chung, chúng bao gồm việc hiện đại hóa hệ thống tị nạn chậm chạp, những cải tiến về cách thức cấp visa và các biện pháp cho phép di dân hiệu quả hơn, dù họ là lao động và nhân viên y tế hay bác sĩ và kỹ sư, để lấp đầy công ăn việc làm tại Mỹ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Lankford nói yếu tố tị nạn là mấu chốt. “Chúng ta sẽ không có được tất cả mọi thứ, nhưng chúng ta phải có phần đó”, ông nói. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons nhấn mạnh đến nhu cầu lực lượng di dân lao động.

Ngoài ra còn có số phận của 580.000 Dreamers đã ghi tên vào chương trình Hoãn hành động trục xuất đối với trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ (DACA), những trẻ vị thành niên được đưa vào Hoa Kỳ trái phép mà không phải do lỗi của chúng.

Đảng Cộng hòa đã chặn con đường trở thành công dân của thành phần này trong hai thập niên, lập luận rằng điều đó sẽ khuyến khích nhiều di dân đi con đường nguy hiểm để đến biên giới.

Các thượng nghị sĩ thừa nhận một số mục tiêu của họ có thể phải từ bỏ để đạt được “điểm lý tưởng”. Nhưng cái nào?

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy đã làm như vậy một phần nhờ nhận ra rằng một dự luật quá tham vọng sẽ là công thức dẫn đến thất bại.

Ông Murphy khi được hỏi khó khăn như thế nào để thắng được luật nhập cư chồng lên các trận chiến khác gần đây, chẳng hạn như việc kiểm soát súng, hôn nhân đồng tính và đầu tư cơ sở hạ tầng, ông nói:

“Đó là điểm 11 trên thang điểm 10.”

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang