Mỹ: Luật dừng đại dịch; 'Tấn công' Huawei; Tăng hiện diện ở Philippines; Tăng trừng phạt Myanmar; Biden-Trump tình thế đảo ngược

HẠ VIỆN MỸ THÔNG QUA DỰ LUẬT CHẤM DỨT ĐẠI DỊCH COVID-19

(Ảnh minh họa).

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chấm dứt lập tức tình trạng y tế công cộng khẩn cấp về Covid-19, dù Nhà Trắng thông báo tình trạng này sẽ kết thúc vào tháng 5.

Dự luật mang tên "Đại dịch đã Kết thúc" được thông qua hôm 31/1 tại Hạ viện Mỹ với 220 phiếu thuận từ các nghị sĩ Cộng hòa, trong khi 210 nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống. Dự luật dài hai trang này tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng do Covid-19 sẽ chấm dứt ngay vào ngày luật có hiệu lực.

Tuy nhiên, dự luật khó có thể được thông qua tại Thượng viện để trở thành luật, do đảng Dân chủ đang kiểm soát cơ quan này.

Động thái của Hạ viện Mỹ được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo tình trạng khẩn cấp về Covid-19 sẽ kết thúc vào ngày 11/5. Nhà Trắng cho biết thêm tình trạng khẩn cấp toàn quốc về đại dịch cũng sẽ chấm dứt vào ngày này.

Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) giải thích rằng việc bãi bỏ ngay lập tức tình trạng khẩn cấp về Covid-19, như dự luật phe Cộng hòa thông qua, sẽ "ảnh hưởng đáng kể tới hệ thống y tế quốc gia cùng hoạt động chính phủ".

Theo OMB, một trong những điều khiến họ lo ngại nhất là việc tuyên bố chấm dứt lập tức tình trạng khẩn cấp về Covid-19 sẽ khiến chính sách Title 42 có từ thời Donald Trump cũng hết hiệu lực. Chính sách này cho phép lực lượng biên phòng từ chối tiếp nhận dòng người xin tị nạn ở biên giới, với lý do đề phòng nguy cơ sức khỏe cộng đồng liên quan đến Covid-19.

Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa lập tức phản bác, cho rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nên kết thúc lập tức và dẫn lại những bình luận của Tổng thống Biden từ hồi tháng 9/2022 rằng "đại dịch đã qua". Ông chủ Nhà Trắng đã rút lại phát ngôn này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó nhận định giai đoạn khẩn cấp về đại dịch vẫn chưa kết thúc, chỉ ra rằng số người chết vẫn gia tăng, phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng còn nhiều khó khăn.

Các ca nhiễm nCoV đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc hồi tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn cầu. Mỹ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19 với hơn 100 triệu ca nhiễm và hơn 1,1 triệu người chết. Nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng do Covid-19 từ đầu năm 2020 và đã nhiều lần gia hạn cho đến nay.

(Nguồn: Vnexpress)

“TẤN CÔNG” HUAWEI - LIỆU MỸ CÓ BỊ “PHẢN ĐÒN”?

Washington đang xem xét một động thái lớn hơn nhằm cắt đứt hoàn toàn sợi dây liên hệ giữa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc và các nhà cung cấp công nghệ Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đã ngừng phê duyệt giấy phép cho các công ty Mỹ bán hầu hết các mặt hàng cho Huawei Technologies và đang cân nhắc cấm hoàn toàn việc bán các mặt hàng công nghệ như 4G, Wi-Fi 6/7, trí tuệ nhân tạo cũng như các hạng mục điện toán và đám mây hiệu năng cao khác cho công ty này.

Theo một nguồn tin, các quan chức Mỹ đang thảo luận một chính sách mới nhằm cấm bán hoàn toàn các mặt hàng công nghệ cho Huawei, bao gồm các công nghệ như 4G, Wi-Fi 6/7, trí tuệ nhân tạo cũng như các hạng mục điện toán và đám mây hiệu năng cao khác.

Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch của Washington nhằm kiềm chế công ty công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến. Các quan chức an ninh Mỹ tin rằng Huawei có liên hệ với quân đội Trung Quốc và giúp quốc gia này thực hiện hoạt động gián điệp. Tuy nhiên, cả chính phủ Trung Quốc lẫn Huawei đều kịch liệt phủ nhận cáo buộc này.

Mục đích có đạt được?

Việc Mỹ nhắm mục tiêu vào Huawei, một công ty trong lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển của Trung Quốc, không phải là một bước phát triển mới, vì gã khổng lồ công nghệ đã được thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ từ 4 năm trước do lo ngại về an ninh quốc gia.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc do đó đã mất đi sự hỗ trợ của Google cũng như quyền tiếp cận các xưởng đúc chip lớn cho các bộ vi xử lý nội bộ cao cấp của mình. Hơn nữa, công ty chỉ được phép sử dụng các phiên bản 4G của bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon trong điện thoại của mình.

Một nguồn tin mới đây cho biết giấy phép xuất khẩu chip 4G cho Huawei hiện đã bị từ chối. Điều này gây thiệt hại lớn cho Huawei vì công ty sử dụng các phiên bản 4G của chipset Snapdragon trong các sản phẩm gần đây như Mate 50 hay P50.

Lệnh cấm mới cũng được cho là sẽ có những tác động nhất định đến mảng kinh doanh điện thoại thông minh và máy tính xách tay của Huawei, nhưng công ty Trung Quốc có thể thay thế các nhà cung cấp Mỹ bằng các công ty khác như MediaTek.

Mặc dù vậy, với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm của mình, Huawei vẫn sản xuất và bán điện thoại thông minh cho người tiêu dùng cũng như nhiều loại sản phẩm cần thiết để xây dựng mạng di động 5G cho các công ty và chính phủ trên khắp thế giới, đồng thời đầu tư mạnh vào chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn dọc, dịch vụ đám mây và thậm chí cả các dự án năng lượng sạch.

Huawei vẫn là một công ty khổng lồ trị giá 100 tỷ USD đang dẫn đầu việc mở rộng mạng 5G lớn nhất thế giới tại quê nhà, đồng thời hỗ trợ xây dựng băng thông rộng quan trọng từ Châu Phi đến Trung Đông. Công ty vẫn thu được doanh thu “khủng” từ các nhà mạng không dây địa phương như China Mobile và các doanh nghiệp nhà nước khác.

Vào tháng 12/2022, công ty tuyên bố “hoạt động kinh doanh như bình thường” sau khi vượt qua thành công lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ.

“Gậy ông đập lưng ông”

Một số người trong ngành mô tả lệnh cấm hoàn toàn việc bán công nghệ Mỹ cho Huawei chứng tỏ Mỹ đã sử dụng tất cả các công cụ có thể để kiềm chế Trung Quốc nhưng không đạt được kết quả như mong muốn.

“Logic của Washington như thế này: Nếu Mỹ có thể đánh bại Huawei, một biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, thì họ có thể làm tê liệt động lực đi lên của ngành công nghệ Trung Quốc và phá vỡ niềm tin đang phát triển của các doanh nhân. Nhưng chiến lược đó rõ ràng là không hiệu quả”, ông Ma Jihua, một nhà phân tích viễn thông kỳ cựu nhận định.

Kể từ khi đưa Huawei vào danh sách thực thể vào tháng 5/2019, Mỹ đã phát động cuộc chiến công nghệ toàn diện chống lại Trung Quốc. Hơn 100 gã khổng lồ công nghệ và công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đã bị rơi vào tầm ngắm, bao gồm TikTok, ZTE, SMIC, Yangtze Memory và DJI, với lý do các mối đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các động thái này không ngăn được đà phát triển cũng như nỗ lực tự chủ về công nghệ của các công ty Trung Quốc.

“Sự trừng phạt của Mỹ đối với Huawei đã khá nghiêm trọng, và bên bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong chính sách mới này sẽ là các công ty Mỹ”, ông Paul Triolo, người đứng đầu Nhóm Chiến lược và Chính sách Công nghệ tại Công ty cố vấn toàn cầu Denton nhận định.

“Động thái này cũng diễn ra vào thời điểm thị trường công nghiệp bán dẫn đang trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, vì vậy các hành động của chính quyền ông Biden sẽ gây thêm áp lực lên lợi nhuận của các nhà cung cấp Mỹ đang làm ăn với Huawei”, ông Triolo cho biết.

Tổ chức Đổi mới và Công nghệ Thông tin có trụ sở tại Washington DC cũng cho rằng việc tách hoàn toàn Huawei khỏi các nhà cung cấp của Mỹ có thể sẽ có tác dụng ngược lại.

“Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với các nhà cung cấp công nghệ Mỹ với 36% doanh số bán hàng bán dẫn của nước này tính đến năm 2019. Mỗi USD mà một công ty công nghệ Mỹ kiếm được ở thị trường Trung Quốc là một đồng mà các đối thủ Trung Quốc mất đi. Chính vì vậy, lệnh cấm xuất khẩu sang Huawei giúp các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc và gây tổn hại cho các đối tác Mỹ của họ”, tổ chức này cho biết trong một thông cáo báo chí

(Nguồn: Người Đưa Tin)

NHẮM ĐẾN TRUNG QUỐC, QUÂN ĐỘI MỸ TÌM CÁCH MỞ RỘNG HIỆN DIỆN Ở PHILIPPINES

(Ảnh minh họa).

Quân đội Mỹ đang tìm cách mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines, để có thể để mắt nhiều hơn đến Trung Quốc.

Nhiều quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, thông báo mới sẽ được đưa ra trong tuần này, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Carlito Galvez Jr.

Được tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự của Philippines sẽ tạo cho lực lượng Mỹ chỗ đứng chiến lược ở rìa Đông Nam Biển Đông , nơi cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) chỉ khoảng 200 dặm.

Hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines chịu sự ràng buộc của Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký năm 2014, cho phép Mỹ luân chuyển lực lượng đến các căn cứ cụ thể và xây dựng cơ sở cho cả hai bên sử dụng.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, hai bên đã bàn bạc về việc bổ sung số lượng căn cứ mà lực lượng Mỹ được tiếp cận, và vấn đề này sẽ là “chủ đề quan trọng trong các cuộc gặp” diễn ra khi ông Austin thăm Philippines.

Tháng 11 năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Manila và thảo luận về khả năng tăng số lượng căn cứ Mỹ được tiếp cận. Dịp đó, bà Harris đến thăm một căn cứ quân sự ở Palawan, một dải đất hẹp ở rìa phía Tây của Philippines. Chuyến thăm của bà Harris được đánh giá là đã gửi một thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh, rằng Philippines đang xích lại gần Mỹ, đảo ngược chính sách của chính quyền Duterte tiền nhiệm.

Ngoài khả năng mở rộng phạm vi của EDCA, Mỹ còn đang giúp Philippines hiện đại hóa quân đội và đưa quốc gia Đông Nam Á này vào sáng kiến nắm bắt tình hình trên biển. Gần đây, hai quốc gia đồng ý sẽ triển khai hơn 500 hoạt động cùng nhau trong năm nay.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng đang thực hiện kế hoạch thay đổi thế trận lực lượng ở khu vực.

Đầu tháng này, Mỹ thông báo sẽ đặt một đơn vị mới điều chỉnh ở Okinawa, Nhật Bản, với năng lực tình báo và trinh sát tiên tiến, cùng khả năng phóng tên lửa diệt hạm. Một quan chức Mỹ gọi đó là một trong những điều chỉnh đáng kể nhất đối với thế trận của Mỹ ở khu vực trong những năm gần đây.

Okinawa nằm cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 200 dặm, tương đương khoảng cách từ mũi cực Nam của Philippines đến hòn đảo tự trị.

Tuần trước, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ khai trương một căn cứ mới trên đảo Guam, hòn đảo nằm ở phía Đông Philippines và đóng vai trò quan trọng về chiến lược. Trại Blaz là căn cứ mới đầu tiên của thủy quân lục chiến Mỹ trong suốt 70 năm qua và dự kiến sẽ tiếp nhận 5.000 lính thủy đánh bộ.

(Nguồn: Soha)

SẮP TRÒN 2 NĂM SAU ĐẢO CHÍNH Ở MYANMAR, MỸ VÀ ĐỒNG MINH TĂNG TRỪNG PHẠT

Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Myanmar hôm thứ Ba 31/1, đánh dấu hai năm ngày xảy ra cuộc đảo chính, với các biện pháp hạn chế đối với các quan chức về năng lượng và các thành viên của chính quyền quân sự, cùng với những người khác.

Theo một tuyên bố của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban Bầu cử Thống nhất, các doanh nghiệp khai thác mỏ, các quan chức năng lượng, các quan chức quân đội hiện tại và trước đây của Mynamar.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ nhắm mục tiêu vào các quan chức của Doanh nghiệp Dầu khí Myanma (MOGE) theo chương trình trừng phạt hiện tại đối với Myanmar, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.

Canada, Úc và Vương quốc Anh cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt vào thứ Ba.

Các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar đã lãnh đạo một cuộc đảo chính vào tháng 2/2021 sau 5 năm chia sẻ quyền lực căng thẳng dưới một hệ thống chính trị gần như dân sự do quân đội tạo ra, dẫn đến một thập niên cải cách chưa từng có.

Đất nước Myanamar đã rơi vào hỗn loạn kể từ đó, với một phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận, sau một cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào những người chống đối, khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây được tái áp đặt.

Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, động thái hôm thứ Ba của Hoa Kỳ nhắm vào giám đốc điều hành và phó giám đốc điều hành của MOGE thuộc sở hữu nhà nước, là doanh nghiệp nhà nước tạo ra doanh thu lớn nhất cho chính quyền quân sự.

Những người ủng hộ nhân quyền từng kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với MOGE, nhưng Washington vẫn chưa chỉ định trừng phạt doanh nghiệp nhà nước này cho tới nay.

Ngoài ra, trong số những người bị Washington trừng phạt còn có Bộ trưởng Bộ Năng lượng Myo Myint Oo. Bộ Tài chính Mỹ nói rằng ông này đại diện cho chính phủ Myanmar trong các cam kết của ngành năng lượng trong nước và quốc tế, đồng thời quản lý các pháp nhân thuộc sở hữu nhà nước liên quan đến sản xuất và xuất khẩu dầu khí.

Doanh nghiệp khai thác số 1 và Doanh nghiệp khai thác số 2, đều là doanh nghiệp nhà nước, cũng như Ủy ban Bầu cử Thống nhất, cũng bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Quân đội đã cam kết tổ chức bầu cử vào tháng 8 năm nay. Hôm 27/1, chính quyền Myanmar công bố những yêu cầu khó khăn đối với các đảng tham gia cuộc bầu cử, bao gồm cả việc tăng mạnh tiêu chuẩn về số lượng đảng viên của họ, một động thái có thể loại bỏ các đối thủ của quân đội và củng cố quyền lực của họ.

Các quy định đó có lợi cho Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển, một ủy ban quân sự có nhiều cựu tướng lĩnh, đã bị đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đánh bại trong các cuộc bầu cử năm 2015 và 2020.

NLD đã bị đè bẹp bởi cuộc đảo chính, với hàng ngàn thành viên của đảng này bị bắt hoặc bỏ tù, bao gồm cả bà Suu Kyi, và nhiều người khác đang lẩn trốn.

NLD hồi tháng 11/2023 mô tả cuộc bầu cử năm nay là “giả hiệu” và tuyên bố sẽ không thừa nhận kết quả. Cuộc bầu cử cũng đã bị các chính phủ phương Tây coi là nguỵ tạo.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Washington cũng nhắm mục tiêu vào các quan chức quân sự trước đây và hiện tại của Myanmar, cáo buộc Lực lượng Không quân tiếp tục tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay do Nga sản xuất đánh vào các lực lượng ủng hộ dân chủ và giết hại dân thường.

Hôm thứ Ba, Canada cũng nhắm mục tiêu vào 6 cá nhân và cấm xuất khẩu, bán, cung cấp hoặc vận chuyển nhiên liệu hàng không cho Myanmar, trong khi Úc nhắm mục tiêu vào các thành viên của chính quyền và một công ty do quân đội điều hành.

Vương quốc Anh trừng phạt hai công ty và hai cá nhân vì đã giúp cung cấp cho lực lượng không quân của Myanmar nhiên liệu hàng không được sử dụng để thực hiện các chiến dịch ném bom vào chính công dân Myanmar.

(Nguồn: VOA)

TÌNH THẾ ĐÃ ĐẢO NGƯỢC GIỮA ÔNG BIDEN VÀ ÔNG TRUMP

(Ảnh minh họa).

"Ánh đèn sân khấu" đang chiếu rọi vào Tổng thống Biden sau bê bối tài liệu mật. Trong khi đó, ông Trump tạm thời không còn thu hút chú ý như trước.

Vị thế chính trị của Tổng thống Biden đã được tạo điều kiện thuận lợi trong vài năm qua, dường như do người tiền nhiệm Donald Trump không biết cách nhường lại ánh đèn sân khấu, CNN đánh giá.

Đó là một phần lý do khiến đảng Dân chủ của ông Biden đã có kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ khá tốt đối với một đảng kiểm soát Nhà Trắng, bất chấp tỷ lệ ủng hộ của vị tổng thống Mỹ còn thấp.

Nhưng vào tháng đầu tiên của năm 2023, ông Biden đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi các tài liệu mật được phát hiện tại nhà riêng của ông ở Wilmington (Delaware) và văn phòng cũ ở Washington D.C. - nơi ông từng sử dụng định kỳ khi giữ chức phó tổng thống.

Ánh đèn sân khấu đổ dồn vào ông Biden

Kể từ đó, vị thế chính trị của ông Biden đã phải chịu tác động. Dù ở mức nhỏ, tác động này lại rất đáng chú ý trong các cuộc thăm dò ý kiến.

Trong khi đó, ông Trump dường như đã có thể làm chậm đà tụt dốc trong các cuộc khảo sát sơ bộ của đảng Cộng hòa, sau thành tích không như kỳ vọng của đảng này trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Một điểm thú vị trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden là việc nhiều người Mỹ dường như vẫn yêu thích ông Trump, mặc dù ông không còn là tổng thống nữa.

Cây bút Harry Enten của CNN chỉ ra rằng nhiều người từng tìm kiếm ông Trump hơn ông Biden trên Google. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra trong nửa cuối tháng một.

Trong số người từng tìm kiếm ông Biden hoặc ông Trump, khoảng 60% đã tìm kiếm ông Biden trong hai tuần qua. Đây là tỷ lệ cao nhất đối với ông Biden khi so sánh với ông Trump kể từ cuối mùa hè và mùa thu năm 2021.

Số lượt tìm kiếm ông Biden so với ông Trump đạt đỉnh vào đầu tháng 9/2021, ngay sau khi Mỹ rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan.

Dấu mốc đó cũng rất đáng chú ý, vì nó trùng hợp với thời điểm tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm dần. Vị tổng thống tới nay vẫn chưa thể kéo tỷ lệ ấy lên cao trở lại.

Tuần trước, sau khi có nhiều người tìm kiếm tên của ông Biden trên Google, một số cuộc thăm dò đã được thực hiện để xác nhận sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ của vị tổng thống. Trong cuộc thăm dò của Trường Luật Đại học Marquette, tỷ lệ ủng hộ ông Biden trong số cử tri đăng ký đã giảm từ 47% xuống 44%.

Cuộc khảo sát của CNN/SSRS đưa ra tỷ lệ ủng hộ ông ở mức 46% trong số cử tri đã đăng ký, giảm từ 48% vào tháng 12/2022.

Cả hai đều không phải là mức giảm lớn và đều nằm trong phạm vi sai số của cuộc thăm dò. Tuy nhiên, chúng rất đáng chú ý khi được đặt cạnh nhau và trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ trung bình của ông Biden giảm khoảng 2,5 điểm % so với hai tuần trước (khi nó ở mức cao nhất kể từ năm 2021).

Ông Trump lùi một bước

Bên cạnh đó, ông Trump đã dẫn trước Tổng thống Biden 3 điểm trong trận tái đấu giả định vào năm 2024, Hill dẫn kết quả cuộc thăm dò mới của Đại học Emerson - được công bố hôm 24/1.

Trong khi ông Trump vẫn là người duy nhất tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024, những đối thủ tiềm năng dự kiến ​​​bắt đầu chiến dịch tranh cử của họ trong những tháng tới.

CNN nhận định tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm không nhất thiết là do việc phát hiện ra các tài liệu mật và việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra vấn đề này. Giá xăng tăng cũng là một vấn đề trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.

Tuy nhiên, theo Guardian, việc phát hiện ra các tài liệu mật liên quan đến Tổng thống Biden dường như đã mang đến chiến thắng chính trị cho ông Trump.

Khi "ánh đèn sân khấu" chiếu vào ông Biden, cựu Tổng thống Trump dường như đang lùi lại một bước và rời xa tâm điểm chú ý.

Ngay cả sau khi tuyên bố tái tranh cử vị trí ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào tháng 11/2022, ông Trump chỉ thực sự bắt đầu chiến dịch vận động vào cuối tuần qua, với các điểm dừng chân ở New Hampshire và Nam Carolina hôm 27/1.

Theo CNN, lượng người tìm kiếm ông Trump trên Google có thể nói lên sự im hơi lặng tiếng của vị cựu tổng thống. Đây là tháng có ít người tìm kiếm ông nhất kể từ khi ông bắt đầu tranh cử để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2015.

Điều này dường như không ảnh hưởng đến nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 của ông Trump và thậm chí còn có thể có lợi cho ông.

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong các cuộc thăm dò quy mô quốc gia đã rơi tự do vào tháng 11/2022, sau màn thể hiện không như kỳ vọng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Bên cạnh đó, ông Trump đã trở thành tâm điểm công kích của phe Dân chủ.

Tuy số điểm dẫn trước của ông Trump so với Thống đốc Florida Ron DeSantis từng giảm mạnh gần như chỉ sau một đêm, vị thế của ông dần ổn định trở lại. Ông vẫn dẫn trước Thống đốc DeSantis hai con số trong cuộc thăm dò quốc gia, khi bao gồm các ứng cử viên khác.

Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra khi ông Trump trở lại với ánh đèn sân khấu, như ông đã làm vào cuối tuần này. Liệu nó có nhắc nhở các cử tri đảng Cộng hòa nhớ lại những điều khiến họ đã yêu hoặc ghét ông Trump hay không?

Nếu là trường hợp thứ hai, ứng cử viên được hưởng lợi nhiều nhất sẽ không phải là người thuộc đảng Cộng hòa. Theo CNN, đó có thể là Tổng thống Biden - người kế nhiệm ông Trump và phải đối mặt với thông tin tiêu cực trên mặt báo trong vài tuần qua.

Ông Biden từng dự định tái tranh cử và nhiều nguồn tin cho biết ông đang chuẩn bị cho chiến dịch này.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Xả súng như phim; Hỗ trợ người chết vì Covid; Cách mạng CN ăn uống; Chiến lược về Trung-Triều; Vấn đề khó của Biden ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang