Mỹ: Làn sóng nghỉ hưu; Hậu quả đóng băng tài sản Nga; FED làm gì tiếp; Biên giới đường bộ chết chóc; Đối đầu TQ mặt trận khí hậu

Làn sóng nghỉ hưu trong nhiều ngành nghề ở Mỹ

(Ảnh minh họa).

Các nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong tìm nhân lực cho các hãng hàng không, nhà sản xuất máy bay và cửa hàng sửa chữa ở Mỹ.

Hầu hết các thợ máy đã có tuổi trong khi nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, ngành hàng không có hơn 1/3 thợ cơ khí trong nhóm tuổi từ 55 đến 64, còn tỷ lệ người dưới 30 tuổi thì cứ 10 người mới có chưa được một người.

Ông Mike Myers, giám đốc bảo trì của Piedmont Airlines, cho biết: “Mọi người đều sẵn sàng nghỉ hưu và không có đủ người đến nhận việc”.

Phó chủ tịch điều hành nhân sự của United Airlines là bà Kate Gebo cho biết một nửa trong số thợ máy của hãng hàng không này đã đủ điều kiện nghỉ hưu.

Trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ, các ngành khác cũng phải đối mặt với thách thức tương tự: Bổ sung lực lượng lao động suy giảm do số lượng người nghỉ hưu gia tăng bắt đầu trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Đó cũng là vấn đề nhức nhối trong các ngành nghề như xây dựng, sản xuất, điều dưỡng, kế toán…

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, kể từ năm 2019, tỷ lệ người về hưu trong dân số Mỹ đã tăng từ 18% lên gần 20% - tương đương với việc giảm khoảng 3,5 triệu lao động. Và xu hướng này dường như chắc chắn sẽ gia tăng. Tỷ lệ người lao động từ 55 tuổi trở lên là gần 24%, tăng từ mức chỉ khoảng 15% vào hai thập niên trước.

Tình trạng tăng số người nghỉ hưu, cùng với nhập cư chậm lại trong thời kỳ đại dịch, là những yếu tố chính dẫn đến thiếu lao động, gây khó khăn cho một số nhà tuyển dụng. Các công ty có xu hướng tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động. Điều này thúc đẩy lạm phát vì những công ty này thường tăng giá sản phẩm, dịch vụ để trang trải chi phí lao động cao hơn.

Theo chính phủ Mỹ, ngành xây dựng có tỷ lệ lao động từ 55 tuổi trở lên tăng gấp đôi trong giai đoạn từ 2003 đến năm 2020. Nhóm tuổi này hiện chiếm 1/4 tổng số lao động của ngành.

Nhà kinh tế học Anirban Basu tại Hiệp hội Nhà thầu và Xây dựng, cho biết ngoài vấn đề lao động có tuổi, các ngành như bảo trì hàng không và xây dựng còn phải đối mặt với một thách thức khác là ngày càng ít thanh niên muốn nhận công việc trong những lĩnh vực thường được coi là kém an toàn, ô nhiễm môi trường.

Có quan điểm rằng để trở thành một phần của tầng lớp trung lưu Mỹ, cần phải có bằng cử nhân. Kết quả là nền kinh tế thiếu các lao động nhà máy, thợ điện, thợ hàn và các công nhân lành nghề khác.

Tuy nhiên, hiện tại, lực lượng lao động già hóa cũng là vấn đề với một số công việc văn phòng, đặc biệt là kế toán. Khoảng 3/4 kế toán viên gần 60 tuổi và sắp nghỉ hưu. Ngành nghề này đang gặp khó khăn trong thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học. Nhiều người trong số họ thích khoa học dữ liệu hoặc tài chính hơn.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Mỹ bắt đầu nhận hậu quả vì đóng băng tài sản của Nga

Mỹ nhanh chóng bị lãnh hậu quả vì đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga, ý kiến trên được đưa ra bởi nhà phân tích tài chính Christian Dehemer.

Chính quyền Tổng thống Biden đang ngày càng sử dụng đồng đô la Mỹ như một vũ khí chống lại các đối thủ cạnh tranh. Cụ thể, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính sâu rộng đối với Nga và đóng băng một phần dự trữ ngoại hối của nước này.

Theo chuyên gia Christian Dehemer trong bài phân tích đăng trên tờ Energy and Capital, Washington đã nhanh chóng phải trả giá cho hành động của mình.

Trong bối cảnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga, nhiều quốc gia bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thay thế cho USD. Đặc biệt, gần đây báo chí đã biết về việc Saudi Arabia đang đàm phán với các nước BRICS để tham gia vào loại tiền tệ mới đang được phát triển trong khối.

Nền kinh tế thế giới hoạt động dựa trên đô la Mỹ và sử dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT để thực hiện các nghĩa vụ của mình, nhưng sau khi Washington đưa ra hạn chế tài chính đối với Liên bang Nga, đã có những thay đổi trên phạm vi toàn cầu.

Thế giới đang nghĩ về sự cần thiết phải đa dạng hóa tài sản của mình. Như chuyên gia của tờ Energy and Capital cho biết, bản ghi nhớ do chính quyền Tổng thống Biden trình bày có ảnh hưởng rất lớn khi nói rằng bất kỳ tổ chức tài chính nào của Liên bang Nga đều có thể trở thành đối tượng của các biện pháp trừng phạt.

“Sau khi Nhà Trắng đưa ra thông điệp này, có thể được mô tả là một sai lầm lớn, mọi quốc gia trên Trái đất chợt bừng tỉnh và nhận ra rằng hầu hết nguồn dự trữ của họ đang bị đe dọa đóng băng", ông Dehemer cho biết.

Cộng đồng quốc tế đã nhận ra rằng bất kỳ nước nào khác cũng có thể rơi vào tình trạng của Nga. Do đó, họ bắt đầu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ và tiền tệ của nước này.

Mọi thứ đã đi xa đến mức các thành viên của BRICS do Nga - Trung Quốc đứng đầu đã bắt tay phát triển một loại tiền tệ mới, dự kiến sẽ thay thế đồng đô la.

Và khi Saudi Arabia - nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới muốn tham gia vào các quá trình này, triển vọng đồng tiền chung của Nhóm các nền kinh tế mới nổi càng trở nên rõ ràng, đây là đòn giáng mạnh vào vị thế của Mỹ.

(Nguồn: CafeF)

Fed sẽ làm gì tiếp theo

(Ảnh minh họa).

Một quan chức Fed vừa tiết lộ về khả năng "bỏ quãng" tăng lãi suất, tức giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 rồi đánh giá dữ liệu để tiếp tục điều chỉnh sau đó.

Reuters đưa tin các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu về việc tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6. Điều này khiến các thị trường nhanh chóng thay đổi dự báo. Trước đó, đa số nhà đầu tư nghiêng về kịch bản Fed tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo.

Cụ thể, ông Philip Jefferson - Thống đốc kiêm ứng viên Phó chủ tịch Fed - cho rằng bất cứ quyết định ổn định lãi suất nào cũng không được coi là dấu chấm hết của chu kỳ thắt chặt.

"Việc bỏ quãng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới sẽ cho phép Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) có thêm thời gian quan sát các dữ liệu, trước khi đưa ra những chính sách thắt chặt tiếp theo", vị quan chức tiết lộ.

"Bỏ quãng" tăng lãi suất

Ông Jefferson nghiêng về kịch bản "tạm dừng diều hâu", tức giữ nguyên lãi suất ở thời điểm hiện tại nhưng bỏ ngỏ khả năng tăng thêm.

Ông nhấn mạnh rằng việc giữ nguyên lãi suất chính sách trong cuộc họp sắp tới không có nghĩa là lãi suất đã đạt đỉnh.

Giữa tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã đề cử ông Jefferson làm Phó chủ tịch ngân hàng trung ương. Đề cử này vẫn đang chờ sự chấp thuận từ Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, nhận xét của ông được coi là tín hiệu quan trọng cho động thái chính sách tiếp theo của Fed.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 là 66,8%, tăng mạnh từ 38,1% hôm 30/5.

Trong khi đó, khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo đang được định giá là 33,2%, giảm mạnh từ 61,9% vào cuối tháng 5.

"Chúng tôi chắc chắn rằng thông điệp này đã được thống nhất với Chủ tịch Jerome Powell từ trước đó. Chúng đại diện cho quan điểm chung của các lãnh đạo ngân hàng trung ương", Reuters dẫn lời ông Krishna Guha - Phó chủ tịch Evercore ISI - nhận định.

Kể từ cuộc họp tháng 5, các thị trường đã cố gắng phán đoán xem Fed có tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 6 hay không. Trước đó, thị trường trở nên thận trọng hơn vì những dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy lạm phát vẫn ở xa mức mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Nhưng phát ngôn của ông Jefferson đã một lần nữa thắp lên hy vọng cho các nhà đầu tư về việc Fed tạm dừng "diều hâu".

Vẫn còn phụ thuộc vào dữ liệu

Mới đây, ông Patrick Harker - Chủ tịch Fed Philadelphia - cũng tiết lộ ông nghiêng về khả năng tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. "Nhưng dữ liệu sắp được công bố về thị trường việc làm của Mỹ có thể thay đổi suy nghĩ của tôi", ông thận trọng.

Việc "bỏ quãng" tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 đã trở thành biệt ngữ mới trong giới quan chức và đầu tư. Fed phải cùng lúc giải quyết hai mối lo ngại. Đó là lạm phát dai dẳng và nguy cơ nền kinh suy yếu nghiêm trọng vì hoạt động tín dụng lao dốc.

Ở chiều ngược lại, nói với Financial Times, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho rằng "không thấy lý do thuyết phục nào để tạm dừng” tăng lãi suất.

Theo báo cáo mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý I cao hơn ước tính trước đó. GDP nước này ghi nhận tốc độ tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính ban đầu là 1,1%.

Trong khi đó, Fed muốn hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát vốn đã vọt lên mức cao nhất nhiều thập kỷ.

(Nguồn: Zing News)

Biên giới đường bộ chết chóc nhất trên thế giới

Trong khi mọi người tập trung chú ý tới làn sóng di dân tràn vào biên giới Mỹ-Mexico tại các cửa khẩu, Quận Brooks (bang Texas), cách Rio Grande khoảng 130 km về phía bắc đang đối mặt với một thực trạng di trú khác.

Các di dân vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ, không được xác định lai lịch danh tính hoặc không bị giam giữ thường tận dụng khu vực rừng cây rậm rạp hiểm trở làm hành lang để đi tới điểm đến tiếp theo.

“Năm ngoái, chúng tôi phát hiện tổng cộng khoảng 5 thi thể hoặc hài cốt. Một số là mới chết, một số đã chết nằm đây một thời gian”, ông Fernando Cervantes, quản lý một trang trại bên ngoài Falfurrias - thị trấn lớn nhất ở Quận Brooks, cho biết.

Mặt đất là cát. Nhiệt độ nóng bức trên 38 độ C. Rất ít cột mốc và di dân rất dễ bị lạc và đi lòng vòng. Kể từ năm 2009, Quận Brooks đã thu hồi được thi thể của 943 di dân bất hợp pháp.

“Chúng ta đang đứng giữa bụi rậm này, không một chút gió. Cho dù có gió nhẹ ngoài kia thì ở đây cũng không thể cảm thấy gì,” ông Cervantes nói và chỉ cho VOA xem vòng quanh trang trại, bao gồm cả các khu vực mà di dân thường dừng chân.

Falfurrias có đặt một trong số hơn 30 trạm kiểm soát của tuần tra Biên giới. Các trạm kiểm soát này thường cách Rio Grande từ 40 đến 160 km về phía bắc. Để tránh trạm kiểm soát gần Falfurrias, di dân phải lội bộ nhiều ngày băng qua các trang trại hẻo lánh. Một số chết vì kiệt sức do nóng, mất nước hoặc hạ thân nhiệt.

Ông Cervantes nhớ lại một số cuộc gặp gỡ của ông với những di dân bị lạc. Họ thường bỏ lại quần áo, ba lô, chai nước bẩn, sạc điện thoại và giấy tờ.

“[Năm ngoái], chúng tôi phát hiện khoảng 6 người lang thang, cận kề cái chết. May mắn thay, chúng tôi phát hiện kịp thời để giải cứu, giúp đỡ và lấy nước cho họ,” ông Cervantes nói.

Ông Cervantes cho biết những người được tìm thấy còn sống sẽ nhận được sự giúp đỡ và được chuyển giao cho cơ quan Biên phòng. Biên phòng sẽ xử lý họ theo luật di trú Hoa Kỳ.

“Nhưng mùa hè mới bắt đầu. Trời đang rất nóng. Sẽ còn nóng hơn trong vài tháng tới, và đó là lúc chúng tôi bắt đầu để mắt. Đó là lúc có những phát hiện,” ông nói.

Biên giới đường bộ chết chóc nhất thế giới

Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ từ năm 1998 tới nay đã ghi nhận hơn 8.000 di dân tử vong dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Quận Brooks là nơi có nhiều di dân tử vong hơn bất kỳ quận nào khác ở Nam Texas từ năm 2012 đến 2019, được mệnh danh là ‘cánh đồng chết’, theo một phúc trình năm 2020 của Trung tâm Luật và An ninh Quốc tế Robert Strauss tại Đại học Texas ở Austin.

Đáp yêu cầu của VOA dựa trên Đạo luật Tự do Thông tin, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ CBP cho biết trong năm tài chính 2022, các quan chức biên giới đã tìm thấy hài cốt của 858 di dân dọc theo biên giới phía nam của Hoa Kỳ. Năm 2021, con số đó là 657. Năm 2020 là 255. Và năm 2019, họ tìm thấy 295 xác người.

Tuy nhiên, một phúc trình năm 2022 của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ cho thấy “CBP đã không thu thập và ghi lại, hoặc báo cáo trước Quốc hội, dữ liệu đầy đủ về cái chết của di dân”, khiến các con số được báo cáo thấp hơn thực tế.

Trên thực tế, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã phân loại biên giới Hoa Kỳ-Mexico này là “biên giới đường bộ chết chóc nhất trên thế giới”.

Giải cứu di dân

Theo cảnh sát trưởng Quận Brooks, Benny Martinez, khi di dân gặp rắc rối, đôi khi họ gọi 911. Những cuộc gọi đó được văn phòng của ông hồi đáp, ông cho biết.

Ông Martinez ước tính rằng số người chết gấp 10 lần số thi thể được tìm thấy, đồng thời cho biết thêm rằng số di dân chết ở Quận Brooks nhiều hơn dọc theo Rio Grande. Văn phòng cảnh sát trưởng làm việc cùng với Biên phòng để giải cứu di dân.

Ông Martinez nói: “Mỗi kịch bản đều khác nhau, tùy thuộc vào cuộc gọi.”

“Vào những ngày nắng nóng, vốn thường xuyên ở đây, thì trong vòng 72 giờ đồng hồ là họ đã tiêu rồi. Bây giờ, Lực lượng Tuần tra Biên giới đang hoạt động tốt. Họ có những kỹ thuật viên y tế khẩn cấp. Họ ra ngoài đó và truyền dịch IV nhanh chóng, và họ bắt đầu cuộc giải cứu ngay tại đó,” ông nói với VOA.

Còn những người không sống sót thì sao?

“Tôi có một nhà xác dưới quyền kiểm soát của tôi,” ông Martinez nói. “Quận Brooks có nhà xác riêng, và thông qua Lực lượng Tuần tra Biên giới và một số sĩ quan, họ đã được đào tạo để làm mất nước dấu vân tay để chúng tôi có thể lấy dấu vân tay chính xác. Và sau khi xác định được những người này, chúng tôi sẽ đưa đến tòa lãnh sự. Họ sẽ tìm kiếm thân nhân các nạn nhân.”

Thi thể vô thừa nhận được gửi đến trường đại học Tiểu bang Texas.

Tổ chức phi lợi nhuận địa phương

Ông Eduardo Canales là giám đốc của Trung tâm Nhân quyền Nam Texas ở Falfurrias, một tổ chức phi lợi nhuận điều hành chương trình thu hồi xác người mất tích với sự hợp tác của Lực lượng Tuần tra Biên giới.

Các gia đình gọi đến đường dây nóng của trung tâm dành cho di dân mất tích với hy vọng tìm thấy người thân của họ. Nhân viên tại trung tâm thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, bao gồm cả thời điểm người thân nghe tin lần cuối về những di dân mất tích. Thông tin đó sau đó được chuyển đến chính quyền địa phương, rồi chính quyền địa phương sẽ gửi các đội tìm kiếm và cứu nạn.

Ông Canales cho biết trong hai năm qua, hơn 200 thi thể đã được phát hiện chỉ riêng ở Quận Brooks và việc tìm kiếm những người mất tích rất khó khăn.

“Rất nhiều người bị mắc kẹt. Họ bị bỏ lại phía sau. Họ bị ốm. Họ không biết địa hình. … Trừ khi chúng tôi có tọa độ GPS [từ những di dân hoặc gia đình của họ], chúng tôi mới có thể chuyển họ đến Biên phòng hoặc chuyển tới lực lượng tìm kiếm,” ông nói.

Trung tâm này là một phần của Liên minh Pháp y Biên giới, một nhóm các học giả, nhà khoa học pháp y và các tổ chức nhân quyền làm việc cùng nhau để xác định hài cốt của di dân được tìm thấy ở khu vực phía nam Texas. Trung tâm đang thúc đẩy một hệ thống giám định y tế khu vực để phục vụ Quận Brooks cũng như Hidalgo, Cameron, Starr và các quận khác của Texas.

Ông Canales cũng đã thành lập và duy trì hơn 144 trạm cấp nước cho di dân trên khắp Quận Brooks. Một số đã bị phá hoại trong những năm qua.

Ông thường kiểm tra các trạm nước ở giao lộ của Xa lộ 285 và 281, một trong những tuyến đường hướng tới San Antonio và Dallas.

(Nguồn: VOA)

Đối đầu Mỹ - Trung tăng nhiệt trên mặt trận khí hậu

(Ảnh minh họa).

Chống biến đổi khí hậu thành mặt trận mới trong cạnh tranh Mỹ - Trung, khi hai bên đều muốn gây áp lực lên nhau để giảm phát thải.

Kể từ khi các cuộc đàm phán giữa đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry với Bắc Kinh bị đình trệ vào tháng 8 năm ngoái, nhiều địa phương Trung Quốc đã rầm rộ phê duyệt nhiều dự án nhà máy điện than mới, làm dấy lên lo ngại nước này đang rời xa các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, khi cạnh tranh siêu cường với Washington tăng nhiệt.

Tình trạng đối đầu giữa hai nước tăng lên khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách gây áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề khí hậu, khi các cuộc đối thoại cấp cao song phương trở nên bế tắc vì căng thẳng địa chính trị.

Làm thế nào để kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc là trọng tâm thảo luận chính của các lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra ở Nhật. Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo G7 đưa ra nhiều ngôn từ cứng rắn với Bắc Kinh, kêu gọi những nước "có khả năng và chưa nằm trong số các nhà tài trợ ứng phó vấn đề khí hậu quốc tế hiện nay" làm nhiều hơn nữa để giúp các quốc gia đang phát triển đầu tư những dự án liên quan đến khí hậu.

Thông điệp này không chỉ hướng đến các quốc gia dầu mỏ giàu có ở Trung Đông, mà còn nhắm tới Trung Quốc, nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, theo giới quan sát.

Lượng khí thải hàng năm của Trung Quốc đang cao gấp đôi Mỹ. Bắc Kinh cũng được đánh giá là tác nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc xác định liệu thế giới có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu hay không, bởi nước này không chỉ là bên phát thải lớn nhất, mà còn là nơi cung cấp quan trọng pin điện, tấm quang năng và các thành phần quan trọng khác phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới.

"Chúng ta không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nếu thiếu Trung Quốc", Joanna Lewis, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Georgetown, Mỹ, bình luận. "Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội tương tác với họ một cách xây dựng, điều đó không giúp ích gì cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu".

Những người ủng hộ đối thoại với Trung Quốc về vấn đề khí hậu trong chính quyền Mỹ lập luận rằng các cuộc đàm phán sẽ giúp xây dựng lòng tin và cho phép hai quốc gia cùng hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi.

Cam kết chung mà Mỹ và Trung Quốc đạt được tại hội nghị COP26 ở Glasgow năm 2021 về hợp tác khí hậu đã giúp thúc đẩy các nhà đàm phán hướng tới một thỏa thuận tham vọng hơn, các nhà ngoại giao lúc bấy giờ cho biết.

Nhưng khi các chính trị gia, quan chức ở Washington có quan điểm ngày càng cứng rắn với Bắc Kinh do cạnh tranh siêu cường gay gắt, không gian hợp tác đã bị thu hẹp đáng kể.

Trước thời chính quyền tổng thống Donald Trump, Trung Quốc và Mỹ thường không để hợp tác về khí hậu bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ở những khía cạnh khác trong mối quan hệ. Nhưng gần đây, khí hậu đã trở thành mặt trận nóng bỏng không kém trong cuộc đối đầu giữa hai nước, theo Kelly Sims Gallagher, giáo sư tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, cố vấn cấp cao về các vấn đề khí hậu với Trung Quốc dưới thời tổng thống Obama.

Ở phía bên kia, Trung Quốc đang sử dụng khí hậu như một quân bài thương lượng nhằm đạt được những lợi ích khác trong mối quan hệ tổng thể với Mỹ, Gallagher nói thêm. "Trung Quốc hiểu khí hậu là điều mà Mỹ muốn và họ đang sử dụng nó như một đòn bẩy trong mối quan hệ nhiều mặt", ông nhận định.

Quan hệ song phương trở nên đặc biệt căng thẳng hồi tháng hai, sau khi một khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ và bị bắn hạ, khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến công du đã lên kế hoạch tới Bắc Kinh. Đặc phái viên Kerry hồi giữa tháng cho biết ông đã được mời đến Trung Quốc để tiếp tục thảo luận về các vấn đề khí hậu, nhưng chưa có thời gian biểu cụ thể.

Trong lúc đó, chính quyền các tỉnh Trung Quốc trong hơn trong ba tháng đầu năm nay đã phê duyệt số dự án nhiệt điện than hơn cả năm 2021, theo tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace Đông Á. Một số vùng của Trung Quốc gần đây đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng và chính phủ dường như coi việc phát triển những dự án này là cách để kích thích kinh tế.

Trung Quốc vẫn có khả năng hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030 và đưa mức phát thải ròng xuống 0 vào năm 2060. Nước này đã triển khai số nhà máy điện mặt trời kỷ lục vào năm ngoái và riêng năm nay sẽ lắp đặt nhiều hơn toàn bộ công suất điện mặt trời hiện có của Mỹ.

Nhưng các nhà phê bình vẫn cho rằng kế hoạch khí hậu của Bắc Kinh không đủ tham vọng và không thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ từ tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trước tình trạng đình trệ trên mặt trận ngoại giao, chính quyền Biden đã bắt đầu tìm kiếm những công cụ quyết liệt hơn để thúc đẩy Trung Quốc giảm phát thải và đặt ra mục tiêu tham vọng hơn về vấn đề khí hậu. Một trong những công cụ đó có phương án áp đánh thuế carbon với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ đã bắt đầu thực hiện một dự án thí điểm, hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp thuế toàn cầu đối với thép và nhôm Trung Quốc, về cơ bản sẽ đánh thuế các sản phẩm thải ra nhiều carbon trong quá trình sản xuất.

Đề xuất này được thảo luận trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Washington và Brussels về thuế quan thời tổng thống Trump đối với thép và nhôm châu Âu đang diễn ra. Tổng thống Biden đã đình chỉ các suất thuế này vào năm 2021 nhưng chưa hủy bỏ và những hàng rào thuế quan đó nhiều khả năng sẽ được áp dụng trở lại vào cuối năm nay nếu không có giải pháp thay thế nào được đưa ra.

Philippe Benoit, học giả tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, Đại học Columbia, Mỹ, nhận định đánh thuế khí thải có thể là một động lực hiệu quả để thúc đẩy các nhà sản xuất Trung Quốc đầu tư vào công nghệ sạch hơn và nghiên cứu để giảm lượng khí thải trong quá trình sản xuất thép, nhôm hay các mặt hàng xuất khẩu khác.

Nhưng tương lai của dự án thí điểm này vẫn chưa chắc chắn. Giới lãnh đạo EU có rất ít lựa chọn ngoài việc đàm phán với Mỹ, nhưng nhiều người đang hoài nghi về cách tiếp cận của Washington, cho rằng nó quá tập trung vào Trung Quốc.

Châu Âu đang nghiên cứu một bộ thuế quan liên quan đến khí thải của riêng mình mà họ dự định áp dụng dần dần trong vài năm tới. Họ tự tin rằng cách tiếp cận này sẽ thành công hơn và tương thích hơn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các mức thuế liên quan đến khí thải cũng sẽ là bài toán khó với những nhà hoạch định chính sách ở Washington, vì không giống như EU, không có mức giá rõ ràng cho khí thải phát sinh bên trong Mỹ.

"Chúng ta cần đánh thuế nhiều hơn đối với các hoạt động gây ô nhiễm, nhưng điều đó nên được thực hiện theo cách không phân biệt đối xử", Bas Eickhout, thành viên đảng GreenLeft của Hà Lan đồng thời là đại diện nước này tại Nghị viện châu Âu, lưu ý. "Đề xuất của Mỹ rõ ràng chỉ nhằm vào Trung Quốc".

Bắc Kinh cũng hoài nghi về các biện pháp áp thuế tiềm tàng mà Washington theo đuổi, lập luận rằng chúng không nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, mà chỉ là một công cụ trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế thương mại Trung Quốc.

Nếu được triển khai, biện pháp đánh thuế đó sẽ chỉ "phủ bóng đen" lên triển vọng hợp tác về khí hậu giữa hai nước, đồng thời gây tổn hại lòng tin khi Mỹ cố tình đặt ra những thách thức đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, Sun Yongping, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Khí hậu Toàn cầu thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, nhấn mạnh.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ, Trung Quốc "sẽ không chấp nhận chúng dễ dàng, đặc biệt nếu mức thuế carbon tăng thêm mà họ phải chịu không được áp dụng tương ứng với các nhà sản xuất Mỹ", Li Shuo, cố vấn khí hậu cấp cao của Greenpeace Đông Á, nhận xét.

Đến nay, rất ít người trong chính quyền Biden dường như sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn nỗ lực đàm phán về khí hậu với Trung Quốc, trong khi một số người nuôi hy vọng rằng lời mời đàm phán mới nhất gửi tới đặc phái viên Kerry là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang dần quan tâm trở lại việc thực hiện các thỏa thuận khí hậu.

"Trong bối cảnh đối đầu trên nhiều mặt trận tăng nhiệt, Mỹ sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn nếu không tham gia vào một trong số ít lĩnh vực mà họ có thể thảo luận mang tính xây dựng với Trung Quốc", chuyên gia Lewis từ Đại học Georgetown nhận định.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang