Mỹ: Kinh tế sa vào khủng hoảng; Cú hích để FED quay xe; Vụ SVB sụp đổ; Lập toà án truy tố Nga; 'Sửa lỗi' chậm chân ở Phi

USD mất thế độc tôn, kinh tế Mỹ sa vào khủng hoảng nghiêm trọng?

(Ảnh minh họa).

Theo giới chuyên gia, Mỹ sẽ phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế có quy mô chưa từng thấy, khi đồng USD mất địa vị thống lĩnh thị trường toàn cầu

Đồng USD mất địa vị thống trị toàn cầu

Quan sát viên Farid Zakaria mới đây đã đưa ra một dự đoán mà Washington không hề mong muốn trên kênh truyền hình CNN rằng, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế có quy mô chưa từng thấy, khi đồng USD mất địa vị thống lĩnh thị trường toàn cầu.

Theo ông, cuộc khủng hoảng Ukraine dẫn đến quan hệ với Nga đã “chạm đáy”, song hành cùng lối tiếp cận ngày càng đối đầu của Washington với Trung Quốc, đã khơi dậy cơn bão táp hoàn hảo, trong đó cả Moscow và Bắc Kinh đều đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa tách khỏi đồng USD.

Ông Zakaria dẫn lời nhà đầu tư Ruchira Sharma nhận xét rằng, điều bất thường là trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, đồng USD đang suy yếu thay vì mạnh lên như trước đây.

Như vậy, người dân Mỹ nên lo lắng dần là vừa, bởi các chính trị gia ở Washington không sửa soạn từ bỏ những “tất xấu cố hữu” về địa - chính trị vốn đã hình thành từ lâu do niềm tin và sự ỷ lại vào sức mạnh vượt trội của thế giới đơn cực, đã dần trở thành dĩ vãng.

Các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng đã quen với tình trạng bội chi mà không quan tâm đến thâm hụt ngày càng lớn. Nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã tăng gần gấp 5 lần trong 20 năm qua, còn Cục Dự trữ Liên bang đã nhiều lần cứu trợ nền kinh tế Mỹ bằng con đường thao túng không lành mạnh.

Chuyên gia Zakaria nhắc nhở rằng, tất cả những điều đó cũng dựa trên nền tảng là vị thế độc tôn của đồng USD trong mấy thập kỷ qua, nhưng nếu đồng dollars Mỹ mất đi sức mạnh thao túng toàn cầu thì Hoa Kỳ ắt phải đối mặt với đòn trừng phạt chưa từng thấy về kinh tế.

Nga-Trung loại bỏ dollars Mỹ trong thanh toán

Trước ông Farid Zakaria, giáo sư Robert Rabil, nhà khoa học chính trị tại Đại học Florida Atlantic (FAU) viết trong bài báo đăng trên cổng thông tin Brunobertez của Pháp rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm suy yếu vị thế của đồng dollars Mỹ và củng cố nhận thức toàn cầu rằng hệ thống đa cực phù hợp hơn với thế giới hiện nay.

Hiện nay, USD là loại tiền tệ chủ yếu, phần lớn các giao dịch tài chính trên thế giới đều được thực hiện bằng đồng tiền này. Tuy nhiên kể từ năm 2000 nhiều quốc gia đã cố gắng “thoát khỏi” việc sử dụng nó trong thanh toán quốc tế.

Những nỗ lực này gần đây đã tăng tốc độ khi nhiều quốc gia NATO hỗ trợ Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với Nga, dẫn đến việc Nga, Trung Quốc và một số nước khác đã chuyển sang thanh toán bằng các đồng tiền khác, chủ yếu là nội tệ của họ.

Nghiêm trọng hơn, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 vào tháng 6/2022 đã thảo luận việc phát triển một loại tiền dự trữ quốc tế mới. Vào tháng 3/2022, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng đã đạt được thỏa thuận về nhu cầu phát triển loại tiền quốc tế mới.

Ông Rabil cho biết, hiện nay, Nga đã biến đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc thành đồng tiền dự trữ trên thực tế, còn Iran bắt đầu sử dụng đồng Rial và đồng Rúp của Nga trong trao đổi thương mại với Moskva.

Ngoài ra, Trung Quốc đã phát triển chiến lược đưa hợp đồng giao dịch dầu thô giao sau trên cơ sở Nhân Dân Tệ và thanh toán hàng nhập khẩu bằng đồng tiền của mình, thay vì USD.

Trên thực tế, Trung Quốc và Saudi Arabia đang tích cực đàm phán để Riyadh định giá một phần lượng dầu của mình bán cho Bắc Kinh bằng đồng Nhân Dân Tệ.

Đây là một trong những mục tiêu chính trong chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Riyadh, giáo sư cho biết.

Gần đây, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Mỹ Bloomberg phỏng vấn đã thừa nhận rằng, các nhà đầu tư hàng đầu thế giới đang đặt cược vào cửa đồng dollars Mỹ sẽ tiếp tục suy yếu hơn, bắt đầu từ nửa cuối năm 2003, đồng USD sẽ bắt đầu suy yếu mạnh.

Theo họ, đợt tăng giá của đồng tiền Mỹ gần như đã kết thúc, USD đang suy yếu do chu kỳ tăng lãi suất chính của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã kết thúc.

Các nền kinh tế khác trên thế giới cũng đang dần bắt kịp Mỹ, dẫn đến việc các loại tiền tệ quốc gia khác sẽ mạnh lên, nên đồng tiền của Mỹ sẽ tiếp tục yếu đi.

(Nguồn: Soha)

Cú hích thúc đẩy Fed ‘quay xe’

Bất chấp sự can dự của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn chưa lắng dịu, ngược lại còn lan sang Thuỵ Sỹ, đe doạ cả ngân hàng lớn nhất nước Đức, gây ra khó khăn lớn cho kinh tế. Cho nên, việc Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng dường như chỉ là vấn đề thời gian.

Bài học lớn sau sự phi lý

Ngày 24/3, cổ phiếu Deutsche Bank của Đức bất ngờ lao dốc, có lúc giảm tới 15%, là mức giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu xảy ra đại dịch COVID-19, trở thành cổ phiếu giảm sâu nhất trong nhóm ngân hàng ở châu Âu. Chi phí bảo hiểm vỡ nợ của Deutsche Bank vì thế đã tăng mạnh. Điều lạ lùng là “cú sụt hầm” xảy ra khi Deutsche Bank báo cáo lãi 10 quý liên tiếp và có khoảng 70% tiền gửi cá nhân của ngân hàng này được bảo hiểm.

Thậm chí năm 2022, Deutsche Bank lãi kỷ lục 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD), tăng 159% so với năm 2021. Cũng trong năm 2022, tỷ lệ CET1 – đơn vị đo lường khả năng thanh toán, đánh giá sức mạnh vốn của ngân hàng - của Deutsche Bank ở mức 13,45; tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán ở mức 142% và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng đạt 119%. Deutsche Bank cũng thông báo kế hoạch mua lại nợ - động thái được coi là phát đi tín hiệu tốt về doanh nghiệp. Tất cả cho thấy Deutsche Bank không hề để khách hàng phải lo lắng về khả năng thanh toán cũng như tính thanh khoản.

Chính vì thế, ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng trấn an rằng “không có lý do gì để lo ngại" về Deutsche Bank. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, các chuyên viên phân tích tại Citigroup cũng cho rằng, tới nay, chưa có lý do nào đủ lớn để giải thích cho làn sóng bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank. Về phần mình, các chuyên gia phân tích của Autonomous Research khẳng định Deutsche Bank “không phải là Credit Suisse tiếp theo”. Rõ ràng, Deutsche Bank khác hẳn Credit Suisse bởi sự sụp đổ của Credit Suisse liên quan tới việc kinh doanh thua lỗ, phải đối mặt với rủi ro pháp lý và gần như tất cả các khoản tiền gửi của họ đều không được bảo hiểm.

Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi lại có thể thấy từ làn sóng rút tiền như đối với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ (chỉ trong ngày 9/3, khách hàng rút 42 tỷ USD), tới sự cuộc khủng hoảng của Credit Suisse và khó khăn của Deutsche Bank, tin đồn trong thời đại công nghệ số là điều cần tính đến trong quản trị. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ, tin đồn lan truyền chóng mặt và xuất hiện trên mặt báo, thậm chí cũng bắt đầu từ báo mạng. Sau đó, các bài báo với tiêu đề tiêu cực liên quan tới ngân hàng “có vấn đề” xuất hiện, tác động tới tâm lý của người gửi tiền, dẫn tới làn sóng rút tiền, khiến ngân hàng “có vấn đề” mất thanh khoản đột ngột.

Những gì đang diễn ra, theo ông Ulrich Urbahn, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đa tài sản ở Berenberg, là “các nhà đầu tư chỉ đang cố gắng tìm ngân hàng sắp gặp rắc rối, chẳng hạn như những ngân hàng có dính dáng tới bất động sản thương mại”. Khi “càng nhiều người nghĩ ngân hàng đang gặp vấn đề thì sẽ có càng nhiều người rút tiền và rủi ro cho các ngân hàng lại càng lớn”. Nhưng dù thế nào, theo JPMorgan, sau cùng thì niềm tin vẫn là yếu tố then chốt - niềm tin vào bối cảnh thị trường nói chung, vào năng lực của bộ máy quản lý trong việc thể hiện sự minh bạch hay các biện pháp xử lý vấn đề thanh khoản.

Lựa chọn khó khăn của Fed

Từ việc Credit Suisse tới Deutsche Bank gặp khó khăn, phản ánh cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan rộng và đã ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng châu Âu. Trong khi đó, cổ phiếu của hai ngân hàng này được niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ, cho nên, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ. Trên thực tế, sau vụ sụp đổ của SVB, cổ phiếu ngân hàng ở Thung lũng Silicon và San Francisco vẫn chưa ổn định trở lại. Đến ngày 24/3, sau khi xảy ra vụ Deutsche Bank, cổ phiếu một loạt ngân hàng ở đây tiếp tục giảm. Ngay cả Ngân hàng Đệ nhất Cộng hoà, dù ngày 16/3 đã được 11 ngân hàng bắt tay bơm tiền cứu trợ, nhưng giá cổ phiếu vẫn không ngừng giảm từ mức 115 USD ngày 8/3 xuống 31 USD ngày 13/3 và tới ngày 24/3 chỉ còn 12 USD, cho thấy khách hàng tiếp tục rời đi và tiền gửi tiếp tục được rút.

Trên phương diện vĩ mô, dưới tác động kép của cuộc khủng hoảng ngân hàng và lãi suất cao, nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay. Đáng lưu ý là tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể vượt ra ngoài hệ thống, chẳng hạn như các khoản cho vay bất động sản thương mại. Thống kê cho thấy các ngân hàng nhỏ ở Mỹ hiện có 270 tỷ USD cho vay bất động sản thương mại. Do việc thắt chặt cho vay, các khoản vay này có khả năng trở thành vấn đề. Ngoài ra, giá thuê nhà, chiếm 25% trong chỉ số giá tiêu dùng, chỉ tăng 2% trong năm qua, giảm mạnh so với mức 18% của năm trước. Thị trường nhà ở và sản xuất cũng dự kiến ​​sẽ giảm trong nửa cuối năm, phản ánh khả năng suy giảm của nền kinh tế.

Tại cuộc họp chính sách ngày 22/3, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, cho thấy lạm phát vẫn là lo ngại hàng đầu. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng việc thắt chặt cho vay do khủng hoảng ngân hàng gây ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, tín dụng ngân hàng sẽ chịu áp lực và hoạt động cho vay thương mại cũng như cho vay cá nhân sẽ gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng tới kết quả kinh tế. Rõ ràng, Fed đã bớt “diều hâu” hơn sau diễn biến của những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây. Hơn nữa, theo nghiên cứu của Bank of America, cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra sẽ khiến lạm phát giảm 1,8%, tác động đến giá cả sẽ lớn hơn so với việc tăng lãi suất. Như vậy, trong trường hợp này, Fed có thể lựa chọn ngừng tăng lãi suất.

Ngoài Fed, các ngân hàng trung ương khác cũng đang cân nhắc thận trọng hơn với các động thái chính sách tiếp theo khi xuất hiện dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế. Dưới áp lực của cuộc khủng hoảng ngân hàng, có thể những động thái tăng lãi suất sắp tới là lần cuối cùng của ngân hàng trung ương nhiều nước. Tuy nhiên, chu kỳ tăng lãi suất kết thúc có thể dẫn tới quan ngại về suy thoái kinh tế. Khi đó, bức tranh tăng trưởng kinh tế cũng như tâm lý nhà đầu tư trên thị trường có thể bị tác động tiêu cực...

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Vụ ngân hàng SVB sụp đổ: 5 "báo động đỏ” đã bị phớt lờ

(Ảnh minh họa).

Nếu các nhà điều hành SVB sớm nhận ra 5 cảnh báo bên dưới thì có lẽ ngân hàng sẽ không phải rơi vào kết cục như hôm nay.

Cách đây khoảng hai tuần, có lẽ rất ít người ngoài ngành công nghiệp công nghệ biết đến cái tên Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), một ngân hàng cho vay tầm trung ở California mà sự sụp đổ nhanh chóng của nó đã làm rung chuyển nền tảng của toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.

Vào ngày 10/3, sau khi khách hàng ồ ạt rút 42 tỷ USD chỉ trong vòng một ngày, các nhà quản lý tiểu bang và liên bang Mỹ đã phải vào cuộc để cứu vãn SVB và ngăn tình trạng hỗn loạn này trở thành một cuộc khủng hoảng lớn.

Thế nhưng chỉ trong vài giờ đồng hồ sau đó, SVB trở thành cái tên được biết đến toàn cầu theo cách mà có lẽ người sáng lập của nó không hề mong muốn: Đây chính là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ Washington Mutual vào năm 2008.

Các nhà phân tích và giới chức ngân hàng giờ đây bắt đầu tìm hiểu "nguyên căn” của sự đổ bất ngờ của SVB.

Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là các lỗ hổng dẫn tới việc SVB buộc phải đóng cửa lại không quá phức tạp. Việc "khám nghiệm tử thi” SVB đã chỉ ra những dấu hiệu rõ ràng về sự quản lý yếu kém cơ bản của ngân hàng, kết hợp với tâm lý hoảng loạn của khách hàng đã dẫn tới sự thất bại trên.

Sự thất bại của SVB rõ ràng không phải lỗi của một người nào, hệ thống hay tài sản nào mà đúng hơn đó là những "báo động đỏ” đã bị bỏ lỡ.

Báo động 1: Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng

Thành lập vào năm 1983, SVB vừa là một tổ chức tài chính, vừa là biểu tượng địa vị của các doanh nghiệp và cá nhân giàu có tại Bay Area. Ngân hàng này phục vụ thế giới của những nhà đầu tư mạo hiểm, được biết đến bởi sự giàu có và tính can đảm, chấp nhận rủi ro. Giao dịch với SVB đồng nghĩa với việc bạn trở thành một thành viên của câu lạc bộ tinh hoa với những nhà đầu tư đề cao sự táo bạo, tăng trưởng và đột phá.

Cũng giống như những doanh nghiệp khởi nghiệp mà nó phục vụ, SVB chứng kiến sự tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Trong giai đoạn 2018-2021, tài sản của SVB tăng gấp bốn lần và trở thành ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ với tài sản trị giá 209 tỷ USD.

Điều đó đáng lẽ ra nên được xem là một hồi chuông cảnh báo vì theo Giám đốc điều hành Dennis M. Kelleher của Better Markets, khi các ngân hàng phát triển nhanh chóng, sẽ có những dấu hiệu cảnh báo ở khắp mọi nơi. Đó là bởi vì năng lực quản trị và hệ thống tuân thủ của ngân hàng hiếm khi phát triển cùng với phần còn lại của hoạt động kinh doanh.

Trên thực tế, ngay từ năm 2019, 4 năm trước khi SVB sụp đổ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cảnh báo ngân hàng về hệ thống quản trị rủi ro còn thiếu sót. Tuy nhiên không rõ liệu FED có hành động sau lời cảnh báo đó hay không. Hiện, cơ quan này đang rà soát quy trình giám sát đối với SVB.

Báo động 2: Dòng tiền nóng

Hầu như tất cả tiền gửi tại SVB không được bảo hiểm bởi Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC). Giáo sư Kairong Xiao thuộc Trường Kinh doanh Columbia cho biết thông thường các ngân hàng Mỹ tài trợ 30% bảng cân đối kế toán của họ bằng các khoản tiền gửi không được bảo hiểm nhưng ở SVB thì con số này là khoảng 97%. Do đó ông gọi tỉ lệ này là "một số lượng điên rồ".

"Điên rồ” là vì khi một cá nhân hay doanh nghiệp gửi quá nhiều tiền không được bảo hiểm trong một ngân hàng, họ sẽ nhanh chóng rút số tiền đó nếu nghi ngờ ngân hàng đang gặp vấn đề.

Chính vì phụ thuộc quá nhiều vào dòng tiền gửi trên, SVB trở nên vô cùng thiếu ổn định. Khi một vài thành viên trong cộng đồng khách hàng gắn bó chặt chẽ với ngân hàng bắt đầu lo lắng về khả năng trụ vững của ngân hàng, sự hoảng loạn nhanh chóng lan rộng.

Báo động 3: Đối tượng khách hàng

SVB chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ non trẻ mà các ngân hàng khác từ chối. Khi những doanh nghiệp này phát triển, SVB cũng phát triển theo. SVB cũng quản lý tài sản cá nhân của những người sáng lập các công ty khởi nghiệp đó, những người không có nhiều tiền mặt vì tài sản của họ gắn với vốn của công ty.

Báo động 4: Quản trị rủi ro

Nếu quan sát tình hình tài chính của SVB vào một tháng trước thì có rất ít lý do để trở nên lo lắng về sức khỏe của ngân hàng này. Theo giáo sư tài chính John Sedunov thuộc Đại học Villanova, ngân hàng “trông có vẻ rất khỏe mạnh nếu nhìn vào vị thế vốn, tỉ lệ thanh khoản thì chúng đều ổn cả. Những yếu tố truyền thống và quan trọng đều ổn”.

Tuy nhiên, giáo sư Sedunov cho rằng quả bom hẹn giờ nằm ẩn sâu một lớp, trong việc xây dựng danh mục đầu tư của ngân hàng và xây dựng các khoản nợ..

Một tỉ lệ lớn bất thường (55%) tiền gửi của khách hàng được SVB gửi vào kho bạc Mỹ dài hạn. Đây là những tài sản siêu an toàn và SVB không phải là ngân hàng duy nhất trong việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ trong kỷ nguyên lãi suất gần bằng không. Nhưng những trái phiếu này đã mất giá khi lãi suất tăng.

Thông thường, một ngân hàng phòng ngừa rủi ro lãi suất bằng cách sử dụng các công cụ tài chính gọi là hợp đồng hoán đổi. Hợp đồng này là một công cụ tài chính phái sinh, cho phép trao đổi một cách hiệu quả lãi suất cố định lấy lãi suất thả nổi trong một khoảng thời gian để giảm thiểu tác động của lãi suất tăng. Không may là SVB dường như không có biện pháp phòng ngừa rủi ro nào như vậy trong danh mục đầu tư trái phiếu của mình.

Báo động 5: Thiếu giám đốc quản trị rủi ro

Trong một năm qua, FED đã tăng lãi suất theo một tốc độ chưa từng có trong lịch sử hiện đại của cơ quan này. Cũng trong khoảng thời gian đó, SVB hoạt động mà thiếu vắng vị trí giám đốc quản trị rủi ro (CRO).

Giáo sư Art Wilmarth thuộc Đại học George Washington nói rằng, việc thiếu vắng vị trí CRO giống như không có giám đốc điều hành hoặc giám đốc kiểm toán.

Ngân hàng nào có quy mô như SVB đều phải có một uỷ ban quản trị rủi ro và CRO là người đứng ra báo cáo lên ủy ban đó. Do đó, ông cho rằng việc thiếu đi CRO trong vòng 8 tháng như của SVB là "điều vô cùng kinh ngạc".

Về lý thuyết, CRO có thể phát hiện ra rủi ro do giá trị trái phiếu dài hạn của ngân hàng giảm dần, kết hợp với rủi ro tiền gửi quá lớn, từ đó sẽ đề xuất lộ trình điều chỉnh. Nhưng thậm chí thiếu vắng CRO, vẫn có rất ít lý do để SVB không có biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với danh mục đầu tư trái phiếu của họ.

Một số chuyên gia khẳng định, có khả năng một số người của SVB đã biết về rủi ro trên, song phớt lờ nó vì sau cùng, ngân hàng đã được vốn hóa và có lãi.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Mỹ hỗ trợ thành lập tòa án quốc tế truy tố Nga xâm lược

Chính quyền Biden đề nghị hỗ trợ thành lập một tòa án quốc tế để truy tố các tội ác xâm lược của Nga đối với Ukraine.

Trong các bình luận tuần này, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết chính quyền Mỹ tin rằng đó sẽ là cách tốt nhất để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược kéo dài một năm của mình. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng triển vọng tòa án thực sự tạm giữ bất kỳ quan chức Nga nào để xét xử là rất mong manh.

“Mỹ ủng hộ việc thành lập một tòa án đặc biệt xét xử tội ác xâm lược Ukraine dưới hình thức một tòa án quốc tế bắt nguồn từ hệ thống tư pháp của Ukraine, với các yếu tố quốc tế,” Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một bình luận gửi qua email cho các phóng viên.

Các quan chức nói họ hình dung một tòa án hỗn hợp dựa trên hệ thống tư pháp Ukraine nhưng với các thành phần quốc tế — tương tự như các tòa án tội phạm chiến tranh đặc biệt trước đây được thành lập ở Campuchia, Chad, Cộng hòa Trung Phi và Bosnia — và có thể có trụ sở tại The Hague, Hà Lan.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Loại mô hình này - một tòa án quốc gia được quốc tế hóa - sẽ tạo điều kiện hỗ trợ quốc tế rộng rãi hơn và thể hiện vai trò lãnh đạo của Ukraine trong việc đảm bảo trách nhiệm đối với tội ác xâm lược”. “Nó cũng được xây dựng dựa trên ví dụ về các cơ chế tư pháp thành công khác.”

The Hague sẽ là nơi đặt trụ sở của Trung tâm Quốc tế Truy tố Tội phạm xâm lược, một đơn vị điều tra tập trung vào Ukraine, dự kiến sẽ hoạt động đầy đủ vào mùa hè này. Các văn phòng và nhân viên của trung tâm có thể được kết hợp vào bất kỳ tòa án nào cuối cùng được thành lập, các quan chức Hoa Kỳ cho biết.

The Hague cũng là trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC và Tòa án Công lý Quốc tế. Công tố viên ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và một phụ tá của ông Putin vào đầu tháng này vì các vụ bắt cóc trẻ em Ukraine.

Nhưng Hoa Kỳ không phải là thành viên của ICC, điều này làm phức tạp khả năng hỗ trợ của Mỹ bằng chứng cứ hoặc bằng các thông tin khác có thể được dùng trong các vụ truy tố.

(Nguồn: VOA)

Mỹ "sửa lỗi" chậm chân ở châu Phi

(Ảnh minh họa).

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đang có chuyến công du kéo dài một tuần đến 3 nước châu Phi gồm Ghana, Tanzania và Zambia. Biết là chậm chân hơn các cường quốc khác, nước Mỹ muốn dùng tốc độ bù lại quãng thời gian đã mất.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của bà tới lục địa này kể từ khi nhậm chức, với mục tiêu tập trung vào các vấn đề dân chủ, biến đổi khí hậu, an ninh, kinh tế, cũng như những tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Dư luận quốc tế đánh giá, nhiệm vụ của bà Harris khá nặng nề khi Washington đang gắng chứng minh cho các quốc gia châu Phi thấy Mỹ thực lòng muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư với một lục địa nhiều tiềm năng, chứ không phải coi các quốc gia trong lục địa này là những con tốt trên bàn cờ chiến lược địa chính trị của Washington.

Theo AP, bà Harris là người thứ 5 trong giới quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ đến thăm châu Phi chỉ trong 3 tháng. Mới một tuần trước, ông Antony Blinken đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Niger và công bố 150 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho khu vực Sahel của châu Phi và 331 triệu USD cho Ethiopia.

Vào tháng 2, đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden cũng đã đến Namibia và Kenya trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, tập trung vào vấn đề mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi cũng như những thách thức mà thanh niên và phụ nữ châu Phi phải đối mặt.

Sau chuyến thăm này, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp hơn 126 triệu USD viện trợ lương thực cho Kenya. Trước đó, hồi tháng 1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã có chuyến công du 10 ngày tới Senegal, Nam Phi và Zambia, trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã tới Ghana, Kenya và Mozambique.

Trong chuyến đi lần này, bà Harris công bố khoản hỗ trợ trị giá 100 triệu USD cho Benin, Ghana, Guinea, Côte d'Ivoire và Togo, nhằm giúp những quốc gia này giải quyết các vấn đề an ninh, quản trị và phát triển. Tháng 12 năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết đầu tư 55 tỷ USD cho lục địa này trong 3 năm tới.

Chuyến thăm của bà Harris diễn ra vào thời điểm hầu hết các quốc gia châu Phi đang vật lộn để phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và tác động của xung đột Nga-Ukraine. Ghana, một trong những quốc gia an toàn và ổn định về chính trị nhất lục địa, đang quay cuồng với lạm phát tăng vọt hơn 50% và khủng hoảng nợ quốc gia.

Đất nước 34 triệu dân này cũng phải đối mặt với các mối đe dọa bất ổn khi các nước trong khu vực như Burkina Faso và Mali trải qua hai cuộc đảo chính trong những năm gần đây. Các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tại khu vực Sahel, phía Bắc Ghana đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng gây ra nhiều hệ lụy, từ việc thiếu hụt nhân công, sụt giảm hiệu quả kinh tế, gánh nặng an sinh xã hội... thì châu Phi lại đang chiếm lợi thế nhờ dân số trẻ và tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất toàn cầu, tạo ra tiềm năng to lớn về nguồn nhân lực. Cùng với tài nguyên khoáng sản phong phú, nơi đây dần trở thành điểm thu hút đầu tư và cạnh tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga.

Tuy nhiên, theo nhận định của trang Africa News, Mỹ đã chậm chân trong việc tiếp cận châu Phi bởi trước đó, Bắc Kinh đã chi những khoản tiền lớn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng mạng lưới viễn thông ở nhiều nước trong khu vực.

Đổi lại, Trung Quốc được quyền khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản tại các quốc gia này. Thí dụ như Ghana đã có một thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỷ USD với một công ty Trung Quốc giúp phát triển đường sá và các dự án khác để đổi lấy quyền khai thác quặng nhôm.

Còn Nga-quốc gia kế thừa Liên Xô-trong bối cảnh chịu nhiều sức ép từ các lệnh trừng phạt bủa vây từ Mỹ và phương Tây, đã tận dụng tốt mối quan hệ lịch sử với châu Phi để tăng cường trao đổi thương mại và tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực. Những nền tảng quan hệ mà Trung Quốc và Nga đã gây dựng được chính là một trở ngại lớn đối với nỗ lực của Washington nhằm lấy lại niềm tin của châu Phi, bởi lâu nay, Mỹ dường như ngày càng ít quan tâm đến châu lục này, có chăng chỉ là sự đánh giá thấp khu vực này như một lục địa nghèo đói với xung đột triền miên.

“Chậm còn hơn không”, dĩ nhiên Washington không dễ dàng từ bỏ nỗ lực kiềm chế sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh và Moscow tại lục địa giàu tài nguyên này. Chuyến thăm của bà Harris gợi nhắc lại dư âm chuyến thăm Kenya và Ethiopia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2015, vốn được nồng nhiệt đón nhận không chỉ từ các nhà lãnh đạo khu vực mà còn cả của những người dân châu Phi, bắt nguồn từ việc nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới có chung dòng máu từ khu vực này. Song có lẽ bầu không khí địa chính trị hiện nay đã khác nhiều so với 8 năm trước.

Các nhà lãnh đạo châu Phi dường như không còn đặt nhiều niềm tin vào thiện chí của Washington, bất chấp những lời có cánh của Phó tổng thống Mỹ: “Chúng tôi mong chờ chuyến đi này như một minh chứng về mối quan hệ và tình bằng hữu quan trọng và lâu dài giữa người dân Mỹ và người dân châu Phi”, rằng, bà hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực ở châu Phi, đồng thời hoan nghênh cơ hội được “tận mắt chứng kiến sự đổi mới và sáng tạo phi thường đang diễn ra trên lục địa này”.

(Nguồn: Quân Đội Nhân Dân)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang