Mỹ: Kinh tế ‘không như mơ’; Cháy rừng như tận thế; Tranh cãi kiểm duyệt thông tin; Toan tính sáp nhập của Trump; Kế hoạch cải cách của Musk

KINH TẾ MỸ 'KHÔNG NHƯ MƠ': LÀN SÓNG VỠ NỢ DÂNG CAO, SỐ DOANH NGHIỆP PHÁ SẢN KỶ LỤC

Số doanh nghiệp Mỹ phá sản đã đạt mức cao chưa từng có kể từ thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau khi lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Financial Times trích dẫn số liệu từ S&P Global Market Intelligence, ít nhất 686 công ty Mỹ đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2024, tăng khoảng 8% so với năm 2023 và cao nhất kể từ khi có 828 doanh nghiệp nộp đơn vào năm 2010.

Ngoài ra, số lượng đơn gửi đến toà án nhằm ngăn chặn tình trạng phá sản cũng tăng vào năm ngoái, vượt xa số vụ phá sản khoảng 2 lần, theo Fitch Ratings. Do đó, các bên phát hành nợ có tổng nợ ít nhất 100 triệu USD chứng kiến tỷ lệ thu hồi thấp nhất kể từ năm 2016.

Sự sụp đổ của hãng bán lẻ đồ tổ chức tiệc Party City là một trường hợp điển hình tại Mỹ vào năm ngoái. Cuối tháng 12, công ty này nộp đơn xin phá sản lần thứ 2 trong nhiều năm, sau khi đệ đơn theo Chương 11 vào tháng 10/2023.

Party City cho biết họ sẽ đóng cửa 700 cửa hàng trên toàn nước Mỹ sau khi chật vật trong “môi trường vô cùng khó khăn, do áp lực lạm phát đè nén lên chi phí và chi tiêu của người tiêu dùng, cùng các yếu tố khác.”

Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu khi khoản tiền hỗ trợ từ đại dịch đã dần được “tiêu hết”, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các công ty phụ thuộc vào khoản chi tiêu không thiết yếu. Các vụ phá sản lớn khác vào năm ngoái nhận được nhiều chú ý bao gồm hãng sản xuất đồ lưu trữ thực phẩm Tupperware, chuỗi nhà hàng Red Lobster, Spirit Airlines và hãng bán lẻ mỹ phẩm Avon Products.

Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY, cho biết: “Giá hàng hoá và dịch vụ tiếp tục tăng cao đang gây áp lực cho người tiêu dùng. Gánh nặng này đặc biệt gây khó khăn cho những gia đình có thu nhập thấp. Nhưng ngay cả nhóm thu nhập trung bình cũng chi tiêu thận trọng hơn.”

Áp lực đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đã giảm bớt phần nào khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, dù các quan chức cho biết họ có thể chỉ giảm thêm 0,5% vào năm 2025.

Năm 2021 và 2022, Mỹ chỉ có 777 doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản. Khi đó, chi phí đi vay thấp hơn nhiều do Fed liên tục hạ lãi suất. Con số đó đã tăng lên 636 vào năm 2023 và tiếp tục tăng vào năm ngoái, ngay cả khi lãi suất bắt đầu giảm. Theo dữ liệu của S&P, ít nhất 30 trong số các công ty nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái có ít nhất 1 tỷ USD nợ phải trả ở thời điểm nộp đơn.

Nhìn chung, số vụ phá sản thường tương đương với số vụ kiện ngoài toà án nhằm giảm nguy cơ mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp. Joshua Clark, giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings, giải thích những động thái này được gọi là “bài tập quản lý nợ phải trả” và đang ngày càng trở nên phổ biến, chiếm phần lớn trong các trường hợp vỡ nợ doanh nghiệp ở Mỹ trong những năm gần đây.

Clark cho biết, có thể lợi nhuận của các doanh nghiệp đó sẽ tăng lên, hoặc lãi suất giảm xuống, hoặc cả 2 đều diễn ra, tất cả là để ngăn chặn tình trạng phá sản. Ông nói thêm rằng, việc giải quyết các khoản nợ như vậy có thể tác động xấu đến nhà cho vay khi họ phải chịu cảnh “nợ chồng nợ”.

KINH HOÀNG: CHÁY RỪNG NHƯ 'NGÀY TẬN THẾ'

Tình hình cháy rừng ở Los Angeles, miền nam bang California của Mỹ, đang diễn biến nghiêm trọng. Đến nay đã có 5 người được xác nhận thiệt mạng trong khi hàng vạn người phải sơ tán.

Hàng chục nghìn người nhận được yêu cầu sơ tán trong tình trạng khổ sở, khi khói dày đặc và bụi bao trùm khu vực. Tại Altadena, một trong nơi bùng phát cháy rừng, khói dày đến mức người dân phải dùng đèn pin mới nhìn được đường đi.

Hơn 1.000 công trình đã bị phá hủy do hỏa hoạn, khi đám cháy được tiếp sức bằng những trận gió mạnh, độ ẩm thấp và tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Cháy rừng cũng bùng phát ở khu vực Hollywood Hills của Los Angeles. Hollywood Hills là nơi có nhiều điểm tham quan nổi tiếng, như biển báo Hollywood, hồ chứa nước Hollywood và công viên Griffith, nơi có đài thiên văn Griffith.

Người mẫu, diễn viên Hollywood Paris Hilton cho biết cô cũng là nạn nhân của vụ cháy rừng. Trong bài đăng trên Instagram tối 8/1, cô chia sẻ việc ngôi nhà nơi gia đình cô có nhiều kỷ niệm quý giá đã bị đám cháy thiêu rụi. Cô cho biết các thành viên trong gia đình vẫn an toàn, đồng thời gửi lời chia buồn đến những người bị ảnh hưởng.

Một người dân California kịp sơ tán khi đám cháy tàn phá khu phố của mình đã mô tả cảnh tượng giống như “ngày tận thế”.

“Tôi về nhà để kiểm tra lúc 5h30 sáng, chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy trước đây. Đó hoàn toàn là thảm họa và tôi không biết đám cháy bắt đầu từ đâu. Thật đáng sợ", Angel Castellanos chia sẻ, và cho biết anh quyết định rời khỏi nhà ở Eaton Canyon từ tối 7/1, sau khi khu phố mất điện.

Theo cơ quan lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy California, ít nhất 5 vụ cháy rừng đã xảy ra, thiêu rụi nhiều héc-ta. Khói đen bao trùm trung tâm thành phố Los Angeles và lan sang các cộng đồng ở phía đông và phía nam.

Theo các chuyên gia y tế, khói cháy rừng gây ra đau tim và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Những ngôi nhà bị cháy có thể giải phóng xyanua và carbon dioxide.

Một số bệnh viện ở khu vực bị ảnh hưởng cũng phải sơ tán, trong bối cảnh các phòng cấp cứu vốn đã quá tải vì bệnh nhân cúm.

TRANH CÃI VỀ KIỂM DUYỆT THÔNG TIN

Nước Mỹ đang đứng trước một bước ngoặt mới về kiểm duyệt thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, khi gã khổng lồ truyền thông Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và Threads thông báo sẽ chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba tại Mỹ, thay vào đó, cho phép người dùng tự góp ý xác minh thông tin.

Thay đổi này không chỉ ảnh hưởng tới hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới, mà còn làm dấy lên nhiều tranh cãi về quyền tự do ngôn luận cũng như nguy cơ xuất hiện nhiều nội dung gây hại và thông tin sai lệch trên các mạng xã hội hiện nay.

Trong tuyên bố qua video được chia sẻ trên Facebook, tỷ phú Mark Zuckerberg, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Meta thừa nhận hệ thống kiểm duyệt phức tạp của tập đoàn này đã gây ra nhiều vấn đề. Quá nhiều nội dung không vi phạm đã bị gỡ bỏ khỏi nền tảng một cách không cần thiết, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Với quyết định giải thể đội ngũ kiểm duyệt, Meta được cho là đang theo gương mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk, khi triển khai một hệ thống kiểm duyệt thông tin do chính cộng đồng người dùng mạng xã hội điều hành. Mô hình này sẽ chính thức ra mắt trong vài tháng tới.

Giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ Meta, ông Mark Zuckerberg cho biết: “Tôi bắt đầu xây dựng phương tiện truyền thông xã hội để mọi người có tiếng nói. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tại Mỹ gần đây giống như một bước ngoặt văn hóa hướng đến việc ưu tiên quyền tự do ngôn luận một lần nữa. Vì vậy, chúng tôi sẽ quay trở lại với mục tiêu ban đầu của mình, tập trung vào việc giảm lỗi kiểm duyệt, đơn giản hóa các chính sách và khôi phục quyền tự do ngôn luận trên các nền tảng của chúng tôi”.

Meta lần đầu tiên ra mắt chương trình kiểm duyệt thông tin năm 2016, nhằm ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch, gây chia rẽ người dân Mỹ. Đến năm 2023, chương trình này đã được mở rộng hoạt động tới gần 100 tổ chức với hơn 60 ngôn ngữ trên toàn cầu.

Thay đổi mới của Meta được xem là cuộc cải tổ lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ này trong việc quản lý nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là các nội dung chính trị. Nhiều chuyên gia theo quan điểm bảo thủ đã ủng hộ sự thay đổi của Meta, khẳng định các nền tảng truyền thông xã hội cần tạo điều kiện, chứ không phải hạn chế các cuộc trò chuyện.

Ông Jon Schweppe, Giám đốc chính sách tại American Principles Project, cho hay: “Tôi thích ý tưởng dân chủ hóa việc kiểm duyệt nội dung trên thực tế. Mọi người nên được tự do trò chuyện và nền tảng mạng xã hội chỉ đóng vai trò là trọng tài công bằng, bạn biết đấy, xác định điều gì nên được ưu tiên và điều gì không”.

Trong khi đó, một số ý kiến lo ngại về nguy cơ lan truyền các thông tin sai lệch trên mạng xã hội, bất chấp việc Meta khẳng định hệ thống mới sẽ tập trung vào các hành vi bất hợp pháp và có mức độ nghiêm trọng cao, trong đó có khủng bố và ma túy.

Bà Jillian York, giám đốc phụ trách quyền tự do ngôn luận quốc tế tại Electronic Frontier Foundation, cho biết: “Tôi luôn ủng hộ quyền tự do ngôn luận hơn trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng chúng ta đang ở một kỷ nguyên khác trước kia rất nhiều. Mọi người có kỳ vọng về sự an toàn trên các nền tảng này. Tôi cho là thông tin sai lệch sẽ tràn lan trên mạng xã hội”.

Theo hãng tin CNN, sự thay đổi trên xuất hiện trong bối cảnh ban lãnh đạo Meta đang nỗ lực cải thiện đường lối theo hướng trung dung hơn, nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trước thềm lễ nhậm chức cuối tháng này.

TOAN TÍNH SÁP NHẬP LÃNH THỔ CỦA ÔNG TRUMP

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không hề có dấu hiệu từ bỏ mong muốn mua Greenland và giành lại Kênh đào Panama và cả sáp nhập Canada thành bang thứ 51 của Mỹ.

Khi phóng viên hỏi liệu ông có dùng tới quân sự hoặc kinh tế để chiếm quyền kiểm soát hòn đảo tự trị thuộc Đan Mạch hay Kênh đào Panama hay không, ông Trump trả lời:

"Tôi không thể nói chắc về cả hai điều đó."

"Nhưng tôi có thể nói rằng chúng ta cần các khu vực đó để đảm bảo an ninh kinh tế," ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida.

Không rõ các phát biểu đó có bao nhiêu phần nghiêm túc cũng như chưa rõ liệu đó phải chăng là một chiến thuật đàm phán hay không.

Cả Đan Mạch lẫn Panama đều khẳng định sẽ không từ bỏ các phần lãnh thổ mà ông Trump đòi hỏi.

Chưa hết, ông Trump cũng tuyên bố sẽ sử dụng "sức mạnh kinh tế" khi được hỏi liệu ông có cố gắng sáp nhập Canada vào Mỹ hay không. Ông Trump đã gọi biên giới hai nước là "ranh giới được vẽ một cách giả tạo".

Biên giới này là đường biên giới dài nhất thế giới giữa hai quốc gia và được thiết lập trong các hiệp ước có từ thời thành lập Mỹ vào cuối thế kỷ 18.

Vị tổng thống đắc cử nói Mỹ đang chi hàng tỷ đô la để bảo vệ Canada đồng thời chỉ trích việc nhập khẩu ô tô, gỗ và các sản phẩm từ sữa của Canada.

"Họ nên là một bang [của Mỹ]," ông Trump nói với phóng viên.

Tuy nhiên, vị thủ tướng mới từ chức của Canada - Justin Trudeau - nói không đời nào để hai nước sáp nhập.

Hôm 10/12, ông Trump viết đùa trên mạng xã hội rằng ông Justin Trudeau là "thống đốc" của "Tiểu bang Canada vĩ đại".

Giữa tháng 12, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland tuyên bố từ chức, đề cập sự thất bại được cho là của ông Trudeau khi không coi trọng các mối đe dọa đến từ ông Trump. Đây được coi là giọt nước tràn ly khiến các thành viên trong đảng của ông Trudeau không còn tin tưởng ông nữa.

Khi ông Justin Trudeau tuyên bố từ chức vào tối ngày 6/1, ông Trump lại vẫn tiếp tục ý định sáp nhập Canada thành bang thứ 51 của Mỹ khi ông bình luận trên mạng xã hội Truth Social.

Sáng hôm nay 8/1 giờ Việt Nam, ông Trump đã đăng trên các tài khoản mạng xã hội của mình bức hình mô phỏng sự sáp nhập của Canada và Mỹ.

Sự kiện họp báo ở Mar-a-lago ban đầu nhằm mục đích để công bố khoản đầu tư 20 tỷ đô la của nhà phát triển Dubai Damac Properties cho việc xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Mỹ.

Nhưng tổng thống đắc cử, tại họp báo, vẫn chỉ trích các quy định về môi trường, hệ thống bầu cử Mỹ, các vụ kiện tụng khác chống lại ông và cả Tổng thống Joe Biden.

Ông thậm chí còn đề xuất đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Hoa Kỳ" và tái khẳng định sự phản đối của mình đối với năng lượng gió, cho rằng các tua bin gió "khiến cá voi phát điên".

Thời điểm ông đang phát biểu thì người con trai cả - Donald Trump Jr - đang có chuyến đi đến Greenland.

Trước khi tới thủ phủ Nuuk của Greenland, ông Trump Jr nói mình thực hiện "chuyến đi cá nhân trong ngày" để nói chuyện với người dân và không lên bất kỳ kế hoạch gặp gỡ quan chức chính quyền nào.

Khi được hỏi về chuyến thăm Greenland của Trump Jr, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói với truyền hình Đan Mạch rằng "Greenland thuộc về người Greenland" và chỉ có người dân địa phương mới có thể quyết định tương lai của họ.

Bà khẳng định "Greenland không phải để bán" nhưng cũng nhấn mạnh Đan Mạch cần hợp tác chặt chẽ vớivới Mỹ - một đồng minh NATO.

Greenland nằm trên tuyến đường ngắn nhất nối Bắc Mỹ với châu Âu. Hòn đảo này có một căn cứ không gian lớn của Mỹ và một số mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất thế giới, vốn rất quan trọng cho việc sản xuất pin và các thiết bị công nghệ cao.

Ông Trump cho rằng hòn đảo này đóng vai trò quan trọng đối với các nỗ lực quân sự nhằm theo dõi tàu Trung Quốc và Nga, những phương tiện mà ông cho rằng đang "có mặt khắp nơi".

"Tôi đang bàn cách bảo vệ thế giới tự do," ông Trump nói với phóng viên.

Hôm 25/12, chính phủ Đan Mạch đã công bố tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể cho hòn đảo Greenland chỉ vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhắc lại mong muốn mua hòn đảo này.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết gói quốc phòng này ít nhất "10 tỷ krone Đan Mạch", tức ít nhất 1,5 tỷ USD.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng động thái tăng chi tiêu quốc phòng cho Greenland từng được thảo luận trong một thời gian dài và không nên xem đó là phản ứng lại tuyên bố của ông Trump.

Kể từ khi tái đắc cử, ông Trump đã nhiều lần trở lại với ý tưởng mở rộng lãnh thổ của Mỹ - kể cả việc lấy lại Kênh đào Panama.

Trong cuộc họp báo ở Mar-a-lago, vị tổng thống đắc cử nói rằng kênh đào này "rất quan trọng đối với đất nước chúng ta" và khẳng định "Trung Quốc đang điều hành kênh đào".

Trước đó, ông cũng nói rằng Panama tính phí quá cao đối với tàu thuyền Mỹ khi sử dụng tuyến đường thủy nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương này.

Tổng thống Panama José Raúl Mulino đã bác bỏ tuyên bố của ông Trump và cho hay "hoàn toàn không có sự can thiệp của Trung Quốc" vào kênh đào này.

Một công ty có trụ sở tại Hong Kong, CK Hutchison Holdings, quản lý hai cảng ở cửa kênh đào.

Kênh đào này được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và Mỹ duy trì quyền kiểm soát khu vực kênh đào cho đến năm 1977 - thời điểm Tổng thống Jimmy Carter đàm phán các hiệp ước để dần trao trả lại cho Panama.

"Việc trả Kênh đào Panama cho Panama là một sai lầm rất lớn," ông Trump nói.

"[Carter] là một người tốt... Nhưng đó là một sai lầm lớn."

"Chúng ta đang bị lừa," ông Trump nói gần đây, ám chỉ đến khoản phí mà tàu thuyền Mỹ phải trả để sử dụng kênh đào.

Ông Trump nói bóng gió rằng nếu điều này không thay đổi, "chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama được trả lại cho Mỹ một cách đầy đủ, nhanh chóng và không cần phải hỏi bất kỳ câu nào."

Không rõ tổng thống đắc cử nghiêm túc tới đâu trong việc mở rộng lãnh thổ của Mỹ, đặc biệt khi ông nhắc đến Canada, đất nước có 41 triệu dân và là quốc gia có diện tích lớn thứ hai thế giới.

Trong cuộc họp báo, ông Trump cũng nhắc lại một số thông tin sai lệch và thuyết âm mưu kỳ quặc, bao gồm cả việc ám chỉ rằng Hezbollah, nhóm chiến binh Hồi giáo, có liên quan đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol năm 2021.

KẾ HOẠCH CẢI CÁCH CHÍNH PHỦ CỦA “BỘ TRƯỞNG” ELON MUSK

Chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã khởi động một trong những sáng kiến táo bạo nhất: cải cách hành chính liên bang. Nổi bật trong kế hoạch này là việc bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk, một doanh nhân nổi tiếng với tư tưởng đổi mới, làm Bộ trưởng Bộ hiệu quả chính phủ.

Kế hoạch gây sốc

Ngay từ khi vận động tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết giảm thiểu lãng phí, tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan liên bang cũng như ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa hệ thống hành chính. Tuy nhiên, đến khi ông Trump công bố tên của tỷ phú Elon Musk trong nội các mới của mình, hẳn vẫn không ít người ngỡ ngàng. Lý do là bởi dù rất nổi tiếng nhưng tỷ phú Elon Musk vẫn quá xa lạ với các hoạt động chính trị.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm quản lý các công ty công nghệ hàng đầu như Tesla và SpaceX, ông Musk vẫn được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới cho bộ máy hành chính cồng kềnh của nước Mỹ. Nhưng, dường như, những gì ông Musk định làm còn có thể tạo nên cả một “cơn bão”.

Theo tiết lộ mới đây, Bộ Hiệu quả Chính phủ đã đề xuất một chương trình 3 bước gửi lên tân Tổng thống Donald Trump để cải cách triệt để chính phủ mới đúng như mong đợi của tổng thống. Đầu tiên, ông Musk sẽ tập trung vào việc loại bỏ tình trạng quan liêu của chính phủ, tức giảm số nhân viên và tăng hiệu quả. Các bộ phận và nhân sự kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm, đồng thời đặt ra các yêu cầu cao hơn về hiệu quả đối với các nhân viên.

Bước thứ hai, ông sẽ cắt giảm các chương trình và chi tiêu lãng phí, chẳng hạn như “Dự án nghiên cứu chuyển đổi giới tính loài khỉ” do Bộ Nông nghiệp lập ra, đồng thời cắt giảm trên quy mô lớn các chương trình không thực sự cần thiết khác. Ở bước thứ ba, ông Musk muốn tái cơ cấu các cơ quan liên bang và hợp nhất các bộ phận tương tự để loại bỏ các cơ quan có chức năng chồng chéo không cần thiết, đồng thời giảm bớt gánh nặng ngân sách cho bộ máy.

Theo chương trình dự kiến được thực hiện trong 2 năm này thì hệ thống hành chính của Mỹ sẽ trải qua một cuộc “cắt gọt” rất khủng khiếp. Từ 428 cơ quan liên bang hiện tại sẽ được sắp xếp “tinh gọn” lại còn 99. Số lượng biên chế bị sa thải có thể lên tới 77%. Đó chắc chắn là một “cú sốc” với hệ thống hành chính của nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Elon Musk rất quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình.

Theo vị “tân bộ trưởng” của chính quyền mới thì “nhiều cơ quan liên bang hiện nay rất xa lạ với công chúng, trong đó nhiều cơ quan thậm chí người dân cũng không thể hiểu được sự cần thiết tồn tại của chúng”. Ông Musk đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các cơ quan này đang hoạt động không hiệu quả, quan liêu và thậm chí là không cần thiết nên cần phải được chỉnh đốn triệt để. Cùng với việc tính gọn bộ máy, ông Musk còn đề xuất phân bổ lại khối lượng công việc cho những nhân viên chính phủ vẫn đang làm việc để gánh vác nhiều nhiệm vụ hơn.

Lý do khiến ông Musk quyết tâm với kế hoạch của mình như vậy là bởi theo nghiên cứu mới công bố của Viện Brookings thì khoảng 30% nguồn lực trong các cơ quan liên bang bị lãng phí vào các thủ tục hành chính không cần thiết trong khi năm 2024, mức độ tín nhiệm của người dân dành cho chính phủ liên bang cũng chỉ còn 20%, mức thấp nhất trong lịch sử.

Thách thức lớn

Mặc dù nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng kế hoạch của ông Musk đề ra chắc chắn sẽ gặp phải nhiều thách thức. Trước tiên là sự kháng cự từ chính hệ thống hiện tại. Hệ thống hành chính Mỹ đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ với các quy định phức tạp và cấu trúc liên kết với nhau. Việc thay đổi hệ thống này sẽ đụng chạm tới nhiều bên và đòi hỏi sự hợp tác từ Quốc hội, các cơ quan chính phủ cũng như công đoàn công chức. Theo báo cáo của Pew Research năm 2023, hơn 60% nhân viên chính phủ liên bang phản đối các biện pháp thay đổi mạnh tay vì lo ngại mất việc làm hoặc quyền lợi bất chấp việc họ nhận thức được sự quan liêu của bộ máy.

Khi giới công chức phản kháng thì cuộc cải cách sẽ rất dễ bị chính trị hóa và trở thành mục tiêu công kích từ phe đối lập. Ngay cả việc triển khai công nghệ tiên tiến vào quản lý công có thể bị coi là thiên vị cho các công ty chuyên về công nghệ có gắn bó lợi ích với ông Musk. Khi đó, một cuộc đối đầu chính trị sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Giáo sư về hành chính công tại Trường Kinh doanh Harvard, ông James Peterson đánh giá: "Elon Musk có thể là một người giỏi sáng tạo, nhưng để đối phó với sự kháng cự từ bộ máy quan liêu, ông ấy cần nhiều hơn những ý tưởng táo bạo".

Lý do thứ hai khiến cho chương trình của ông Musk gặp khó là vì hạn chế ngân sách. Nước Mỹ đang sở hữu khối nợ công khổng lồ hơn 33 nghìn tỷ USD khiến cho bất cứ chương trình mới nào cũng đều sẽ bị đánh giá hiệu quả từ lúc khởi đầu. Bất chấp chương trình của ông Musk hướng đến sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách trong tương lai nhưng ngay lúc này, với những vấn đề bức thiết khác vẫn sẽ phải được ưu tiên hơn đối với chính phủ của ông Trump.

Hạ tầng yếu kém cũng làm vấn đề trở nên phức tạp. Hệ thống quản lý hiện tại của Chính phủ Mỹ chủ yếu dựa trên các phần mềm cũ kỹ, một số thậm chí có từ những năm 1980. Ông Musk đã đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, nhưng việc triển khai công nghệ mới trên một hệ thống lỗi thời sẽ mất nhiều thời gian, đó là chưa nói đến rủi ro về tính tương thích. Theo báo cáo của McKinsey năm 2024, chỉ khoảng 30% các dự án chuyển đổi số trong khu vực công thành công trong lần thử đầu tiên.

Thêm vào đó, lĩnh vực hành chính công vốn khác xa với môi trường kinh doanh tư nhân mà ông Musk quen thuộc bấy lâu. Ông Musk nổi tiếng vì sẵn sàng chấp nhận thất bại và phá bỏ cái cũ để xây mới khi điều hành doanh nghiệp, song nó khó có thể xảy ra trong thế giới chính trị. Giờ đây, tỷ phú giàu nhất thế giới phải đối mặt với những cơ quan có vị trí ngang hàng trong chính phủ và họ đều có quyền lực độc lập cũng như lợi ích riêng cần phải bảo vệ. Đó sẽ không còn là câu chuyện một giám đốc làm việc với nhân viên của mình mà giờ đây mỗi quyết định của ông Musk sẽ ảnh hưởng tới những ngách nhỏ nhất của đời sống xã hội Mỹ.

Triển vọng từ tầm nhìn của ông Elon Musk

Bất chấp những thách thức, kế hoạch cải cách của ông Musk cũng có những thuận lợi đáng kể. Thành công kinh doanh của tỷ phú Elon Musk đến từ đột phá công nghệ một lần nữa được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi căn bản trong nhiệm vụ mới của ông. Với tầm nhìn táo bạo, ông Musk muốn xây dựng một nền tảng quản lý liên bang dựa trên AI có thể xử lý nhanh chóng các yêu cầu và cung cấp dịch vụ công một cách hiệu quả. Nếu thành công, hệ thống này không chỉ tiết kiệm hàng tỷ USD ngân sách mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm của người dân. Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu Gartner, việc ứng dụng AI trong quản lý công có thể giúp giảm tới 25% thời gian xử lý giấy tờ vào năm 2030.

Một góc độ khác, với danh tiếng của mình, ông Musk có khả năng thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và quản lý. Ông cũng đề xuất xây dựng một môi trường làm việc linh hoạt và sáng tạo, tương tự như ở SpaceX hay Tesla, để thúc đẩy hiệu quả công việc. Sức hút cá nhân đến từ người giàu nhất thế giới chắc chắn sẽ đem đến lợi thế đáng kể.

Cuối cùng, việc mạnh tay cải cách hành chính thành công sẽ củng cố niềm tin của người dân vào chính phủ và gia tăng sức ảnh hưởng của ông Musk cũng như chính phủ mới, từ đó giúp ông tiến hành những bước tiếp theo của kế hoạch. Mark Reynolds, nhà phân tích tại Rand Corporation, cho rằng: "Nếu ông Musk có thể vượt qua các rào cản về chính trị và kỹ thuật, ông ấy sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong quản lý công không chỉ ở Mỹ mà còn là hình mẫu cho các quốc gia khác”.

Nhiệm vụ cải cách hành chính của “tân bộ trưởng” Elon Musk là một con đường đầy chông gai nhưng cũng mở ra nhiều triển vọng. Thành công hay thất bại của ông không chỉ phụ thuộc vào tầm nhìn và khả năng lãnh đạo, mà còn vào sự hợp tác từ các bên liên quan và khả năng vượt qua các rào cản chính trị. Nhưng, như ông Musk từng nói: "Rủi ro lớn nhất là không dám thử". Cải cách hành chính có thể trở thành một trong những dấu mốc lịch sử của nước Mỹ hoặc chỉ là một tham vọng lớn lao chưa thành hiện thực.

Nguồn: Soha; Tiền Phong; Hà Nội Online; BBC; CAND

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang