Mỹ: Khi đất nước sắp vỡ nợ; FED tăng lãi suất lần 10; Trấn áp Dark Web; Chỉ trích TQ ở biển Đông; Cạnh tranh toàn diện với TQ

Khi Mỹ sắp vỡ nợ: Quả bom hơn 31 nghìn tỷ USD treo trên đầu người dân tại nền kinh tế số 1 thế giới

(Ảnh minh họa).

Kinh tế Mỹ liên tục vượt qua các cuộc khủng hoảng dù nợ công tăng chóng mặt từ 3 nghìn tỷ USD năm 1989 lên hơn 31 nghìn tỷ USD hiện nay đã khiến mọi người quên đi rủi ro đang cận kề.

Trên một bức tường tại Manhattan cách không xa quảng trường thời đại là một chiếc đồng hồ khổng lồ đo lường số nợ của nước Mỹ. Có điều con số này đang ở mức đáng báo động khi tăng chóng mặt từ 3 nghìn tỷ USD năm 1989 lên hơn 31 nghìn tỷ USD hiện nay.

Điều trớ trêu hơn nữa là sau nhiều năm gia tăng số nợ nhưng nền kinh tế vẫn vượt qua được các chu kỳ khủng hoảng, người dân cũng dần quên mất chiếc đồng hồ này cho đến gần đây khi những con số dần chạm ngưỡng trần nợ.

Nghị viện Mỹ đã đặt ra ngưỡng trần nợ này để khiến chính phủ hoạt động có trách nhiệm hơn trong vấn đề chi tiêu, từ những khoản liên quan đến bảo hiểm y tế cho đến các nguồn tiền đầu tư quốc phòng. Hiện mức trần nợ của Mỹ được ấn định ở 117% GDP, tương đương 31,4 nghìn tỷ USD và sắp bị vượt qua.

Vào ngày 1/5/2023 vừa qua, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo lại một lần nữa rằng nền kinh tế ố 1 thế giới đang sắp hết tiền mặt dự trữ và có khả năng cạn ngân sách vào đầu tháng 6/2023.

Nếu kịch bản này diễn ra, Mỹ buộc phải cắt giảm hàng loạt chi tiêu, tạm dừng nhiều dịch vụ công để có tiền tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi Nghị viện nới lỏng trần nợ, bằng không nền kinh tế số 1 thế giới sẽ chính thức vỡ nợ kỹ thuật.

Tuy nhiên theo tờ The Economist, dù là trường hợp nào thì cũng là một thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu. Bỏ qua chuyện Mỹ vỡ nợ với hậu quả quá rõ ràng cho hệ thống tài chính, việc chính quyền Washington phải tạm dừng nhiều dịch vụ công sẽ càng khiến thách thức suy thoái cận kề hơn.

Thậm chí ngay cả khi Nghị viện Mỹ nới trần nợ công thì cũng chỉ là giải pháp uống thuốc độc giải khát khi các con số vẫn cứ ngày một tăng lên. Mức trần nợ này theo Economist mang tính chính trị nhiều hơn là một chỉ số có ảnh hưởng thực tế đến nền kinh tế.

Một số chính trị gia như nghị sĩ Kevin McCarthy đã đệ trình việc cắt giảm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu trong 10 năm tới cho các dự án chống biến đổi khí hậu để giảm áp lực nợ công năm 2024. Thế nhưng như đã nói, câu chuyện trần nợ, ngân sách mang hơi hướng chính trị và lợi ích nhiều hơn là các yếu tố cơ bản của nền kinh tế nên mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng đàm phán và trao đổi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời lãnh đạo cả Đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đến họp ở Nhà Trắng ngày 9/5 để bàn phương án giải quyết.

100 nghìn tỷ USD

Trong hơn nửa thế kỷ qua, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ thường ở vào khoảng bình quân 3,5% GDP mỗi năm. Tuy nhiên theo báo cáo tháng 2/2023 của Văn phòng ngân sách nghị viện (CBO), con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1% trong 10 năm tới.

Dẫu vậy, Economist cho rằng con số này thậm chí vẫn là quá thấp bởi CBO chưa tính đến khả năng kinh tế suy thoái. Sau đại dịch Covid-19, nỗi lo suy thoái sẽ khiến tiền thu thuế giảm vì người dân hạn chế chi tiêu, doanh nghiệp giảm đầu tư và thất nghiệp gia tăng khi các công ty tiết kiệm chi phí nhân lực.

Thậm chí chính CBO cũng gặp khó khăn khi dự đoán dựa trên những chương trình của chính phủ. Theo kế hoạch, các gói ngân sách hỗ trợ xe điện, năng lượng xanh sẽ tốn khoản 400 tỷ USD trong 10 năm tới. Điều trớ trêu là rất nhiều khoản hỗ trợ lại nằm dưới dạng ưu đãi thuế không giới hạn và theo Goldman Sachs, chúng có thể khiến ngân sách tốn tới 1,2 nghìn tỷ USD so với kế hoạch ban đầu.

Bên cạnh đó, CBO mới chỉ dự đoán tỷ lệ thâm hụt dựa trên luật hiện hành. Vào năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã ban hành một loạt điều chỉnh cắt giảm thuế có hiệu lực đến năm 2025. Điều này có nghĩa là CBO sẽ phải tính toán đến những điều chỉnh thuế mới sau thời hạn đó.

Tờ The Economist nhận định nếu tính thêm những khoản hỗ trợ thừa ra từ ưu đãi thuế cũng như yếu tố hết hạn giảm thuế vào năm 2025 thì con số thâm hụt ngân sách thực tế có thể lên đến 7% trong 10 năm tới và đạt 8% vào đầu thập niên 2030.

Với đà tăng nợ công như hiện nay, CBO dự đoán tổng nợ liên bang Mỹ có thể tăng gấp đôi lên 250% GDP vào giữa thế kỷ này. Điều này có nghĩa là chiếc đồng hồ nợ tại Manhattan sẽ phải gia tăng thêm 2 con số nữa mới đủ chỗ khi nợ quốc gia vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ USD.

(Nguồn: Soha)

Những lập luận trái chiều xung quanh quyết định tăng lãi suất của Fed

Bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa của Fed đều có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, theo chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s.

Hôm 3/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa lãi suất cho vay cơ bản của Mỹ lên mức 5-5,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022, và là động thái gây tranh cãi do lo ngại rằng nó có thể kìm hãm nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quyết định của Fed được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngân hàng First Republic sụp đổ và được JPMorgan Chase mua lại. Cũng giống như ngân hàng Thung lũng Silicon và ngân hàng Signature, sự thất bại của First Republic bắt nguồn từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài cả năm của ngân hàng trung ương Mỹ.

Bên cạnh những người ủng hộ Fed trong cuộc chiến chống lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng phản đối quyết định tăng lãi suất mới đây vì lo ngại động thái này có thể góp phần đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Công cụ chống lạm phát

Năm 2022, Fed tập trung vào một mục tiêu trọng tâm là chế ngự lạm phát bằng cách tăng lãi suất, khiến việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Suy nghĩ đằng sau cách tiếp cận này là khi lãi suất cao hơn, nhu cầu đi vay cũng như tiêu dùng sẽ giảm xuống, dẫn đến giá cả giảm theo.

Quyết định tăng lãi suất một lần nữa của Fed chỉ đơn giản là sự tiếp tục của phương án này. Theo các nhà kinh tế cũng như những người theo dõi thị trường, đây có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng trong vài tháng tới.

“​​Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp duy nhất có thể để giảm lạm phát”, chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào đầu năm nay. Những bình luận mà ông đưa ra hôm 3/5 cũng báo hiệu rằng Fed có thể sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất thời gian tới, mặc dù ông không hoàn toàn loại bỏ phương án này.

Lạm phát ở Mỹ đã giảm đáng kể từ mức 9% vào tháng 6/2022 xuống còn 5% vào tháng 3, nhưng đây vẫn là mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và cao hơn so với mức lý tưởng 2% do Fed đặt ra. Trong khi đó, lạm phát lõi (không bao gồm giá của những sản phẩm dễ biến động như thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,1% trong tháng 2 lên 5,6% trong tháng 3.

Theo New York Times, sự gia tăng này được thúc đẩy bởi chi phí dịch vụ như vận chuyển, chăm sóc trẻ em và khách sạn ngày càng tăng, nhưng cũng cho thấy lạm phát vẫn là một vấn đề tại Mỹ. Đây là lý do những người ủng hộ Fed cho rằng cơ quan này cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ.

Sau khi tuyên bố tăng lãi suất hôm 3/5, ông Powell cho biết, ông hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn trong năm nay. Mặc dù lãi suất có thể đã ở mức đủ để hạn chế lạm phát, nhưng con đường đạt được mức lạm phát 2% vẫn sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Nguy cơ suy thoái

Thất bại của nhiều ngân hàng, bao gồm ngân hàng Thung lũng Silicon, ngân hàng Signature và ngân hàng First Republic đã cho thấy, lãi suất cao hơn chứng tỏ việc tăng lãi suất của Fed có thể gây ra những tác động lan tỏa không mong muốn.

“Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm và hậu quả có thể xảy ra. Bên cạnh việc các ngân hàng bị phá sản, suy thoái kinh tế ở quy mô rộng lớn hơn có thể là cái giá cuối cùng họ phải trả để kiểm soát lạm phát”, ông Greg McBride, trưởng nhóm phân tích tài chính của công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate nhận định.

Sau các vụ phá sản ngân hàng thời gian gần đây, các tổ chức tài chính khác đã hạn chế cho vay, làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một biện pháp hạ nhiệt nền kinh tế với tác động tương tự như một đợt tăng lãi suất khác.

Bên cạnh đó, tác động của việc tăng lãi suất đối với nền nền kinh tế không phải là điều có thể nhìn thấy trong một sớm một chiều, nên một số nhà kinh tế cảnh báo rằng Fed không nên hành động nhiều hơn vào lúc này.

Ngoài ra, còn có những lo ngại rằng việc giảm chi tiêu do lãi suất tăng cũng có thể làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Hiện tại, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,5%, gần mức thấp nhất trong 5 thập kỷ. Tỉ lệ thất nghiệp của người da màu ở quốc gia này cũng ở mức 5%, mức thấp nhất từng có.

Theo một số nhà lập pháp, một đợt tăng lãi suất khác có thể tước đi việc làm của 2 triệu người Mỹ, đặc biệt là những người lao động thu nhập thấp.

Những người phản đối hành động của Fed lập luận rằng các cơ quan quản lý nên dành thêm thời gian để xem mức tăng lãi suất hiện tại và những tác động của việc thay đổi hành vi của ngân hàng đến nền kinh tế Mỹ trước khi đưa ra thêm một quyết định nào nữa liên quan đến lãi suất

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Đợt trấn áp Dark Web 'chưa từng có' của Mỹ và châu Âu

(Ảnh minh họa).

Cảnh sát Mỹ và nhiều nước châu Âu bắt gần 300 người, tịch thu hơn 53 triệu USD trong chiến dịch SpecTor trấn áp hoạt động trên Dark Web .

CNBC dẫn lời ông Merrick Garland, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, rằng chiến dịch SpecTor có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan luật pháp Mỹ cùng quốc tế, trong đó có cảnh sát châu Âu. "Chúng tôi đã trấn áp thành công hoạt động giao dịch tiền điện tử phạm pháp cũng như các chợ trực tuyến đã tham gia hỗ trợ cho hành vi trái pháp luật này", ông Garland nói.

SpecTor được đánh giá là chiến dịch tấn công tội phạm trên Dark Web chưa từng có về quy mô cũng như thành quả. Cơ quan hành pháp thu giữ nhiều súng, 850 kg ma túy, hơn 53 triệu USD tiền mặt và tiền điện tử (quy đổi giá trị). Đợt truy quét có sự tham gia của đông đảo lực lượng đặc vụ, điều tra viên từ Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Lực lượng Chống ma túy (DEA) cùng nhiều đơn vị khác tại Mỹ, phối hợp với lực lượng hành pháp tại Áo, Brazil, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Anh...

Người đứng đầu Bộ Tư pháp cho biết đã có hơn 100 hoạt động và lệnh truy tố liên bang được ban hành trên đất Mỹ, 153 nghi phạm bị bắt, trong đó có một người sống tại California bị cáo buộc bán số fentanyl và methamphetamine trị giá gần 2 triệu USD trên Dark Web.

Chiến dịch bắt đầu triển khai từ tháng 10/2021 và tới tháng 12 cùng năm. Cảnh sát Đức lần đầu chiếm giữ cơ sở hạ tầng chợ đen trực tuyến Monopoly Market. Sau đó, họ phối hợp cùng cảnh sát châu Âu và đơn vị thực thi pháp luật quốc tế.

Theo CNBC, SpecTor là hoạt động tiếp nối những nỗ lực đánh sập chợ Darknet Hydra năm 2022 và chợ đen trực tuyến chuyên buôn bán danh tính bị đánh cắp tên Genesis Market đầu năm 2023.

Dark Web là tập hợp những trang web chỉ có thể được truy cập qua trình duyệt đặc biệt Tor. Trình duyệt này được Hải quân Mỹ tạo ra năm 2002 với mục đích liên lạc trực tuyến ẩn danh, mã hóa. Sau này, nó được sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp, trong đó có mua bán dữ liệu, vũ khí, ma túy... trái phép.

(Nguồn: Vnexpress)

Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Quan chức Mỹ tuyên bố phản đối hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, sau các căng thẳng mới đây giữa Trung Quốc và Philippines.

"Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về việc (Trung Quốc) tiếp tục đe dọa và quấy rối các tàu Philippines khi họ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra thường kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nói trong một cuộc họp báo qua điện thoại hôm 3/5.

Theo nhà ngoại giao Mỹ, "những hành động và cách cư xử như vậy của Bắc Kinh thực sự không thể chấp nhận được".

Ông Kritenbrink cũng cho biết, Mỹ và các đối tác nhận thấy tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan.

Ông Kritenbrink nói rằng, chuyến thăm của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tới Mỹ trong tuần này đã nhấn mạnh sức mạnh và sự bền vững của quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Philippines tuần trước cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc thực hiện "các hành động nguy hiểm" và "chiến thuật hung hăng" ở Biển Đông trong một cuộc đối đầu gần đây giữa tàu của hai nước. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết các tàu Philippines đã thực hiện "các động thái khiêu khích có chủ ý".

Trong cuộc gặp với Tổng thống Marcos ở Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ vẫn khẳng định cam kết không thể lay chuyển về việc bảo vệ Philippines, kể cả ở Biển Đông.

Philippines gần đây liên tục có những chính sách thể hiện sự xoay trục của chính phủ nước này trong việc nối lại mối quan hệ hợp tác quốc phòng truyền thống với Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ được phép sử dụng 9 căn cứ ở Philippines, trong đó có 3 căn cứ đặt ở miền Bắc Philippines, gồm một căn cứ hải quân và một căn cứ không quân ở tỉnh Cagayan, một doanh trại ở tỉnh Isabela lân cận. Một căn cứ hải quân đặt ở Santa Ana, tỉnh Cagayan cách Đài Loan khoảng 400km. Cơ sở còn lại nằm trên đảo Balabac, gần Biển Đông.

(Nguồn: Dân Trí)

Thượng viện Mỹ đề xuất dự luật cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cùng với thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ hôm 3/5 công bố một "dự luật cạnh tranh toàn diện đối với Trung Quốc".

South China Morning Post dẫn tuyên bố của Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đưa tin dự luật sẽ tập trung vào 5 vấn đề chính, bao gồm hạn chế việc chuyển giao công nghệ hiện đại cho Bắc Kinh, hạn chế dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc, củng cố những ngành công nghiệp trong nước, tăng cường phối hợp với các đồng minh, củng cố quan hệ với các đối tác thương mại và kinh tế.

Schumer, chính trị gia đại diện bang New York, cho biết ông muốn hoàn thành dự luật trong "một vài tháng tới" với sự phối hợp của các quan chức đảng Cộng hòa. Theo vị thượng nghị sĩ này, dự luật đã nhận được sự quan tâm của nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa.

"Tôi đã yêu cầu các đồng nghiệp đảng Dân chủ phối hợp với các thành viên đảng Cộng hòa để soạn thảo từng thành phần nhỏ, trước khi chúng ta hợp nhất những yếu tố này thành một dự luật cạnh tranh toàn diện đối với chính phủ Trung Quốc", Thượng nghị sĩ Schumer phát biểu.

Sự ủng hộ của các chính trị gia Cộng hòa là không thể thiếu để thông qua dự luật khi đảng này đang chiếm thế đa số tại Hạ viện Mỹ.

"Chúng ta có nghĩa vụ đảm bảo nước Mỹ không trở thành huyết mạch tài chính hỗ trợ chính phủ Trung Quốc và những tiến bộ trong công nghệ quân sự của nước này", nhà lãnh đạo đảng Dân chủ khẳng định.

Cho đến nay, Quốc hội mới của Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2022 đã đề xuất khoảng 250 dự luật có liên quan đến Trung Quốc. Dự luật cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc được ông Schumer đề xuất sẽ là sự bổ sung cho Đạo luật Chip và Khoa học được thông qua vào năm 2022, cung cấp 170 tỷ USD trong 5 năm tới để hỗ trợ quá trình nghiên cứu khoa học tại Mỹ.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang