Mỹ: Hàng không quá tải; Liệu USD có bị 'soán ngôi'; Ngân hàng rút khỏi TQ; Đạt thỏa thuận trần nợ; 'Không tha thứ' cho TQ

Hàng không Mỹ đối mặt nguy cơ quá tải mùa du lịch hè

(Ảnh minh họa).

Mùa hè năm ngoái các hãng hàng không Mỹ đã phải đối mặt với cơn ác mộng của sự quá tải khiến 2,5% chuyến bay trong 3 tháng hè bị hủy.

Vậy năm nay các hãng hàng không Mỹ đã có sự chuẩn bị như thế nào khi lượng hành khách được dự báo là gia tăng đột biến trong mùa du lịch hè mới đang bắt đầu?

Người dân Mỹ đang bước vào kỳ nghỉ cuối tuần kèm theo lễ tưởng niệm, vốn được coi là điểm khởi đầu của một mùa du lịch hè hàng năm ở nước này. Theo báo chí Mỹ thì đây cũng là thời điểm các hãng hàng không kiểm tra năng lực ứng phó của mình trước dự báo lượng hành khách gia tăng đột biến.

Theo Barron, hai hãng hàng không hàng đầu của Mỹ là United Airlines và American Airlines đã lên kịch bản chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ tưởng niệm bận rộn nhất trong hơn một thập kỷ qua với dự báo mỗi hãng sẽ vận chuyển khoảng 2,9 triệu lượt hành khách trong khoảng thời gian từ thứ năm tuần này đến thứ ba tuần sau. Hiệp hội hàng không Mỹ dự báo, đây sẽ là kỳ nghỉ lễ bận rộn nhất của các hãng hàng không kể từ năm 2005.

Cơ quan An ninh vận tải hàng không Mỹ ước tính, đã có 2,6 triệu lượt người đi qua các điểm kiểm tra an ninh sân bay hôm thứ sáu vừa qua, vượt cả mức trước đại dịch.

Vào thời điểm này năm ngoái đã có tổng cộng hơn 3.000 chuyến bay bị hủy, trong đó ngày thứ sáu trước kỳ nghỉ là tồi tệ nhất với gần 1.300 chuyến, tương đương 5% tổng số chuyến bay trong ngày bị hủy. Để hạn chế tình trạng này, năm nay các hãng hàng không và cơ quan quản lý của Mỹ đã triển khai nhiều giải pháp.

Tạp chí phố Wall cho biết, Bộ Giao thông Mỹ đang dự thảo quy định các hãng bay phải bồi thường cho hành khách khi để xảy ra tình trạng hủy hoặc trễ chuyến nghiêm trọng. Cơ quan quản lý không lưu Mỹ cũng cho biết, sẽ mở thêm tuyến đường bay ở tầm cao ven biển miền Đông để giảm thời gian bay và tránh tình trạng trễ chuyến.

Giám đốc điều hành các hãng bay cho biết đã rút ra nhiều kinh nghiệm nên lên lịch bay thận trọng hơn với nhiều phương án dự phòng hơn, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới để tăng khả năng dự báo và phục hồi sau sự cố. Lực lượng nhân sự của các hãng hiện đã vượt quá mức trước đại dịch.

Cụ thể hơn thì tờ Barron cho biết, trong năm nay hãng United Airlines sẽ duy trì 10% số lượng phi công cùng 25% máy bay dự phòng mỗi giờ. Hãng này năm nay cũng đã tuyển thêm 7.000 nhân viên sau khi đã bổ sung 15.000 nhân viên năm ngoái.

Theo báo chí Mỹ, nhu cầu đi máy bay trong mùa hè này là rất cao và vì thế sẽ là thách thức không chỉ với các hãng hàng không mà với cả hành khách. Lên kế hoạch sớm, linh hoạt về thời gian và kiên nhẫn là những yếu tố hết sức cần thiết đối với những ai đang ấp ủ một chuyến du lịch trong mùa hè này.

(Nguồn: CafeF)

Liệu đồng USD có bị 'soán ngôi'?

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch thương mại và dự trữ, đe dọa vị thế dẫn đầu của đồng bạc xanh...

Gần đây, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và những thay đổi địa chính trị sâu sắc, các nỗ lực nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD ngày càng gia tăng.

Nỗ lực giảm phụ thuộc

Theo tờ The Hindu (Ấn Độ) ngày 4/5, Ấn Độ và Malaysia đồng ý sử dụng đồng Rupee để thanh toán cho các giao dịch thương mại giữa hai nước. Trước đó, Brazil và Trung Quốc nhất trí tăng cường thanh toán bằng đồng bản tệ vào tháng 2/2023. Mới đây, Saudi Arabia và UAE tuyên bố chấp nhận các đồng tiền thay thế khác ngoài USD trong xuất khẩu dầu mỏ trong khi Iraq tuyên bố cấm thực hiện các giao dịch cá nhân hoặc kinh doanh bằng đồng USD ở trong nước...

Hiện nay, Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đi đầu trong nỗ lực phi USD hóa. Trong chuyến thăm Nga tháng Ba vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố nhất trí tăng cường hợp tác song phương trên lĩnh vực kinh tế, trong đó nổi bật là thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong giao dịch hai nước. Tổng thống Putin khẳng định ủng hộ “sử dụng đồng NDT trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh”.

Trước đó, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 14 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) diễn ra vào tháng 6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất nghiên cứu khả năng thành lập một loại tiền dự trữ quốc tế dựa trên các đồng tiền quốc gia của các nước BRICS. Ý tưởng của Tổng thống Putin được các thành viên của nhóm ủng hộ, đặc biệt là Trung Quốc và Brazil.

Theo tờ Bloomberg, trong tháng Hai và Ba vừa qua, NDT đã chính thức vượt qua USD trở thành đồng tiền được giao dịch chính tại Nga. Trước đó, tỷ lệ các khoản thanh toán bằng đồng Ruble và NDT đã tăng lên đáng kể, đạt 47% vào tháng 3/2023 trong các giao dịch giữa hai nước. Đồng NDT cũng được thúc đẩy trong các giao dịch tài chính giữa các nước ASEAN, khu vực là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng đồng NDT trên toàn cầu hiện nay còn thấp. Đồng tiền này chỉ chiếm 2,19% trong tổng các thanh toán toàn cầu; 3,5% trong các giao dịch ngoại hối; 2,69% dự trữ trong các ngân hàng trung ương, và 12,28% trong rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Từ USD đến "Petrodollars"

Dựa vào sức mạnh kinh tế, quân sự hùng mạnh và quyền sở hữu 80% dự trữ vàng thế giới, sau Thế chiến II, Mỹ đã thiết lập hệ thống Bretton Woods, gắn giá trị đồng USD với giá vàng. Từ đây, đồng USD bắt đầu thay thế đồng bảng Anh và trở thành loại tiền tệ có vị thế hàng đầu.

Sau đó, Mỹ tiến hành tái thiết châu Âu với Kế hoạch Marshall kéo dài trong bốn năm, viện trợ cho EU hơn 13 tỷ USD. Trong số đó, 90% được viện trợ dưới dạng “quà tặng” và chỉ 10% là các khoản vay khiến đồng USD bắt đầu bén rễ ở châu Âu rồi vươn ra toàn cầu.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 1960, do chi tiêu cho quân sự quá lớn, buộc chính phủ Mỹ phải in và phát hành đồng USD với số lượng lớn khiến nó bắt đầu mất giá. Để ngăn chặn thiệt hại, các nước sử dụng đồng USD lần lượt bán tháo USD dự trữ để mua vàng khiến đồng USD mất giá thảm hại. Mỹ bị thất thoát lượng vàng dự trữ lớn, từ hơn 20 tỷ ounce khi Bretton Woods ra đời năm 1944 xuống còn 250 triệu ounce năm 1971, khi Bretton Wood kết thúc.

Dưới áp lực kinh tế, chính phủ Mỹ phải đưa ra chính sách kinh tế mới, chấm dứt việc chính phủ hoặc ngân hàng trung ương nước ngoài có thể sử dụng đồng USD để đổi lấy vàng của Mỹ. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tách đồng USD khỏi bản vị vàng khiến hệ thống Bretton Woods chính thức sụp đổ. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Bretton Woods không đồng nghĩa với việc nước Mỹ từ bỏ vị thế hàng đầu thế giới của đồng USD.

Khi chiến tranh Trung Đông lần thứ tư nổ ra năm 1973 giữa Ai Cập, Sirya và Israel, cơ hội để Mỹ lấy lại vị thế bá chủ của đồng USD đã đến. Dưới ảnh hưởng của Mỹ, năm 1973, Saudi Arabia là nước đầu tiên ký thỏa thuận với Mỹ, nhất trí sử dụng đồng USD để thanh toán trong xuất khẩu dầu mỏ. Hai năm sau, tất cả các nước thành viên của OPEC đều đồng ý sử dụng đồng USD trong các giao dịch. Kể từ đó, đồng USD tách khỏi vàng và hình thành sự kết hợp mới với dầu mỏ, dựa trên giá trị giao dịch dầu mỏ, trở thành đồng "Petrodollars".

Để mua dầu mỏ, các nước buộc phải chuẩn bị dự trữ lượng lớn đồng USD, điều này khiến nhu cầu đối với đồng tiền này liên tục tăng. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ sử dụng Petrodollars để mua trái phiếu và các sản phẩm tài chính liên quan của Mỹ, khiến lượng lớn đồng USD lại quay về Mỹ. Chính phủ Mỹ không còn phải lo lắng việc đồng USD mất giá nhanh như trước.

Trên thực tế, ngoài việc Petrodollars và nợ công của Mỹ cùng hỗ trợ đồng USD, hai thể chế được giữ lại sau khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ là IMF và Ngân hàng thế giới (WB) cũng giúp đồng USD lấy lại vị trí thống trị trên thị trường quốc tế.

Trong rổ tiền tệ SDR được IMF xây dựng sau đó, đồng USD chiếm tỷ trọng lên đến 70%. Mỹ cũng là cổ đông lớn nhất của WB và có quyền phủ quyết về các vấn đề quan trọng của hai tổ chức này. Bên cạnh đó, các khoản cho vay thông qua cơ chế của IMF và WB đều sử dụng USD làm cơ sở để định giá. Điều này khiến đồng USD tiếp tục được các nước vay nợ ủng hộ rộng rãi.

Công cụ duy trì sức mạnh

Đồng "Petrodollar" dù gắn chặt với “bản vị dầu mỏ” nhưng nguồn tài nguyên này lại nằm trong nay nước khác. Để giám sát việc sử dụng đồng USD trong quá trình lưu thông, năm 1974, ba năm sau khi Bretton Woods kết thúc, Mỹ lập nên Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Mặc dù SWIFT là một tổ chức phi lợi nhuận trung lập, nhưng về cơ bản, các giao dịch qua hệ thống này đều sử dụng USD làm công cụ thanh toán. Trong khi các loại tiền giao dịch khác thông qua SWIFT với số lượng không nhiều, do đó trên thực tế dòng tiền lưu chuyển qua hệ thống này vẫn được Mỹ kiểm soát và chi phối.

Việc đồng USD được giao dịch rộng rãi và dự trữ chủ yếu trong các nền kinh tế cũng khiến nhiều quốc gia gặp phải vấn đề. Khi USD tăng giá đồng nghĩa với việc các đồng tiền khác mất giá, dẫn đến lạm phát. Ngược lại, khi đồng USD mất giá lại khiến đồng tiền khác tăng giá, có lợi cho sự quản lý ở các nền kinh tế khác. Do các mặt hàng chiến lược đều sử dụng đồng USD để định giá, nên khi đồng tiền này mất giá sẽ làm giá cả tăng lên, kéo theo lạm phát nhập khẩu lan rộng.

Việc Fed kiểm soát việc in tiền nhưng Bộ Tài chính Mỹ lại sử dụng đồng USD để cho vay khiến ngân hàng trung ương các nước vay nợ buộc phải mua trái phiếu Mỹ. Trong trường hợp đồng USD mất giá, các quốc gia vay nợ thông qua trái phiếu chính phủ Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận bị giảm sút tài sản dự trữ.

Mỹ có thể sử dụng SWIFT để ngăn cản các nước bị trừng phạt sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế, thậm chí loại các “quốc gia không thân thiện” ra khỏi SWIFT. Thêm vào đó là các yêu cầu cải cách chính sách, “viên thuốc đắng” đối với một số nước đang phát triển qua các khoản vay của IMF và cảnh báo thường xuyên đối với những nước này.

Vì những lý do trên, nhu cầu tìm kiếm cơ chế thanh toán không dựa trên USD ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với sức mạnh kinh tế và vai trò địa chính trị của nước Mỹ, ảnh hưởng và vị thế của đồng USD vẫn rất khó để thay thế. Hiện nay, Mỹ là nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trên thế giới, đứng đầu thế giới về lượng vàng dự trữ với hơn 8.000 tấn, có năng lực đổi mới công nghệ mạnh mẽ. Chức năng chi phối thị trường của đồng USD vẫn rất mạnh. Trong số 81 loại giá nguyên vật liệu do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố, chỉ có năm loại không được định giá bằng USD.

Về phương diện lưu thông, theo thống kê của SWIFT, trong thanh toán quốc tế hiện nay, thị phần của đồng USD là 41,1%; trong tài trợ thương mại xuyên biên giới, tỷ trọng đồng USD lên đến 84,32%; trong giao dịch ngoại hối toàn cầu, đồng USD chiếm 88%; trong hoạt động giao dịch tài chính, 47% nợ quốc tế được định giá bằng đồng USD và có tới 58% dự trữ quốc tế là tài sản được định giá bằng đồng USD. Xét về tỷ trọng các chỉ số trên, đồng USD đều đứng đầu.

Trong bối cảnh như vậy, mặc dù nhiều nền kinh tế đang nỗ lực “phi USD hóa”, nhưng chừng nào các nền kinh tế phát triển còn sử dụng đồng USD trong đầu tư và thương mại song phương, thì nỗ lực này của các nước, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vẫn gặp phải những hạn chế. Chắc chắn, trong một thời gian dài nữa, đồng USD vẫn là đồng tiền có vị trí hàng đầu trong thương mại và dự trữ của thế giới.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Các ngân hàng Mỹ sắp rút khỏi Trung Quốc?

(Ảnh minh họa).

Đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh cùng triển vọng kinh tế ảm đạm hơn kỳ vọng của Trung Quốc khiến nhiều ngân hàng Mỹ bắt đầu thu hẹp quy mô tại thị trường tỷ dân.

Trung Quốc, thị trưởng 1,4 tỷ dân từng được coi là miền đất hứa mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, đã không còn là mảnh đất màu mỡ trong mắt các ngân hàng lớn của Mỹ. Từ khi xung đột giữa Washington và Bắc Kinh leo thang, các ngân hàng Mỹ ngày càng lo sợ rủi ro khi đầu tư kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Nikkei Asia.

Cắt giảm hiện diện

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Trump và được tiếp nối dưới thời Tổng thống Joe Biden, đã khiến cả Washington và Bắc Kinh siết chặt các quy định và tăng cường trừng phạt lẫn nhau.

Hệ quả là hàng loạt ngân hàng lớn của Mỹ đã bắt đầu xem xét cắt giảm nhân lực tại Trung Quốc nói riêng cũng như khu vực Đông Á nói chung.

"Ý tưởng trước đây là tìm chỗ đứng chân và xây dựng công việc làm ăn. Ngay cả nếu phải đầu tư lớn, bạn vẫn có thể kiếm rất nhiều lợi nhuận về sau. Nhưng các tính toán giờ đã thay đổi", David Williams, cựu giám đốc ngân hàng Merrill Lynch chi nhánh Hong Kong, nói.

Hai ngân hàng lớn của Mỹ là Goldman Sachs và Morgan Stanley đang bắt đầu cắt giảm quy mô nhân lực ở châu Á - Thái Bình Dương, theo Bloomberg. Riêng trong mảng ngân hàng đầu tư, Morgan Stanley sẽ sa thải 7% nhân viên trên toàn khu vực.

Quyết định thu hẹp quy mô nhân sự được các ngân hàng Mỹ đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bước sang năm thứ 5.

Trung Quốc từng có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở quy mô chưa từng có, mang tới lợi nhuận khổng lồ cho các ngân hàng. Đó là lý do các ông lớn ngành ngân hàng Mỹ có thời "hối hả" rót tiền vào đại lục.

Nhưng dưới sức ép ngày càng gia tăng từ chính sách pháp luật bị thắt chặt, nguy cơ hứng chịu trừng phạt từ cả Washington và Bắc Kinh vì kinh doanh ở Trung Quốc, các ngân hàng có chung nhận định đánh đổi giữa mức độ rủi ro và lợi nhuận thu được ngày càng mất cân bằng.

Hỗ trợ các công ty Trung Quốc hoàn thiện thủ tục pháp lý để niêm yết trên sàn giao dịch New York đã có thời là mảnh đất kiếm tiền béo bở của các ngân hàng Mỹ.

Nhưng năm 2021, chính quyền Trung Quốc ngăn công ty công nghệ Didi niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Hàng loạt công ty Trung Quốc sau đó chịu sức ép của Bắc Kinh, buộc phải hủy niêm yết ở Mỹ và quay về các sàn giao dịch đại lục.

Những xung đột trong giám sát kế toán theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, cũng như việc Bắc Kinh đang gây sức ép yêu cầu công ty Trung Quốc sử dụng các công ty kế toán nội địa, có thể khiến thêm nhiều công ty Trung Quốc phải hủy niêm yết ở Mỹ.

Lúc này, chính quyền Tổng thống Biden đang tiến gần hơn tới việc đưa ra sắc lệnh hành pháp nhằm rà soát các khoản đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt với một số ngành nghề ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh Bắc Kinh được coi là đối thủ chiến lược nặng ký nhất, các chính trị gia Mỹ hầu như không có lý do để giảm bớt thái độ diều hâu, bởi vậy Washington ngày càng tỏ ra hoài nghi với các khoản đầu tư vào Bắc Kinh.

Vấn đề nội tại của Trung Quốc

Ngoài các xung đột chính trị, các ngân hàng Mỹ cũng đang nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc.

Các dữ liệu kinh tế đáng thất vọng công bố hồi đầu tháng 5 là cơ sở để các ngân hàng Mỹ, cũng như giới chuyên gia kinh tế thế giới, xem xét lại triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn hậu Covid-19.

Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 4 cho thấy sự tăng trưởng trong giai đoạn 12 tháng, nhưng ở mức thấp so với dự báo. Sản lượng công nghiệp chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, được đánh giá là con số đáng thất vọng khi mức kỳ vọng ban đầu là 11%.

Barclays, một trong các ngân hàng lớn nhất của Anh, miêu tả nền kinh tế Trung Quốc là "chiếc động cơ đã hết động lực".

"Chúng tôi tin rằng sự giảm tốc nhanh hơn kỳ vọng trong các chỉ số chính đã cho thấy dự báo tăng trưởng 5,6% của năm nay sẽ không đạt được", Barclays nhận định, đồng thời hạ mức tăng trưởng dự báo của Trung Quốc xuống 5,3%.

Trong khi đó, Citigroup cho rằng những dữ liệu đáng thất vọng vừa qua sẽ khiến những con số lạc quan hồi đầu năm trở nên vô nghĩa, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, càng khiến tốc độ tăng trưởng khó bật tăng trở lại.

"Đây có thể là rủi ro hàng đầu cho nền kinh tế Trung Quốc", Citigroup cho biết.

Những vấn đề mà nền kinh tế số hai thế giới đang đối mặt, đi kèm rủi ro pháp lý khó lường trước, không chỉ hạn chế các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh mà còn đe dọa hàng tỷ USD mà các ngân hàng Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc.

Đầu năm 2023, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ là JP Morgan Chase, Bank of America và Citigroup có tổng cộng 45 tỷ USD đầu tư ở Trung Quốc. Con số trên thấp hơn 9 tỷ USD so với năm ngoái. Các ngân hàng Mỹ nhìn chung đã cảnh giác hơn rất nhiều so với thời gian trước, khi tăng trưởng kinh tế tạo ra những cơ hội không giới hạn.

Khi ông Williams bắt đầu điều hành ngân hàng ở Hong Kong, ngay sau khi thành phố được trao trả về đại lục cuối thập niên 1990, Trung Quốc được giới đầu tư nước ngoài coi như "chén thánh".

"Trung Quốc vẫn đầy hứa hẹn như vậy nếu chúng ta có thể kinh doanh ở quy mô như tại Mỹ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần", ông Williams nói.

(Nguồn: Zing News)

Có gì trong thỏa thuận trần nợ mà Mỹ vừa đạt được?

Sau nhiều tuần tranh luận gay gắt, các nhà đàm phán của Nhà Trắng và đảng Cộng hòa cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận để nâng trần nợ của Mỹ vào cuối ngày 27/5.

Kêt thúc cuộc điện đàm kéo dài 90 phút hôm 27/5, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã chốt được một thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ.

Giờ đây, cả 2 vị đại diện đảng Dân chủ và đảng Cộng hòasẽ phải thuyết phục các đồng minh của mình ở cả Thượng viện và Hạ viện để thông qua thỏa thuận trước ngày 5/6, ngày mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng Mỹ sẽ mất khả năng thanh toán các hóa đơn.

Chấm dứt bế tắc

Nếu thỏa thuận cuối cùng được Quốc hội thông qua và được ông Biden ký thành luật trước ngày X (ngày Mỹ dự kiến vỡ nợ, tức 5/6), thì Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Bế tắc kéo dài đã khiến thị trường tài chính hoảng sợ, đè nặng lên cổ phiếu và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt bán tháo trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng, việc Mỹ vỡ nợ sẽ đẩy quốc gia vào suy thoái, làm chấn động nền kinh tế thế giới, và dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến.

Tổng thống Biden đã từ chối đàm phán với ông McCarthy về việc cắt giảm chi tiêu trong nhiều tháng, và yêu cầu các nhà lập pháp thông qua mức tăng trần nợ mà không kèm theo điều kiện nào. Các cuộc đàm phán hai chiều giữa ông Biden và ông McCarthy bắt đầu từ ngày 9/5, nhưng thật sự trở nên nghiêm túc vào ngày 16/5.

Dù đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, nhưng công cuộc nâng trần nợ còn tốn nhiều thời gian. Ông McCarthy đã tuyên bố sẽ cho các thành viên Hạ viện 72 giờ để đọc dự luật trước khi đưa ra bỏ phiếu. Dự luật này cần ít nhất 9 phiếu bầu của đảng Cộng hòa mới được thông qua tại Thượng viện.

“Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin rằng đây là một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ”, ông McCarthy nói với các phóng viên tại Điện Capitol hôm 27/5. Vị lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết, ông dự kiến ​​sẽ viết xong dự luật vào ngày 28/5, sau đó nói chuyện lại với ông Biden trong cùng ngày và sắp xếp một cuộc bỏ phiếu vào ngày 31/5.

Một phụ tá của đảng Dân chủ cho biết, Nhà Trắng có kế hoạch họp báo với các đảng viên đảng Dân chủ vào ngày 28/5, CNN đưa tin.

Mặc dù đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, nhưng các vấn đề mới vẫn có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện, và mỗi bước đều tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, các nhà quan sát dự kiến sẽ có sự phản đối gay gắt từ cả cánh tả và cánh hữu. Do đó, cần có sự hỗ trợ tích cực từ cả hai phía để thực sự tìm được tiếng nói chung.

Vướng mắc cuối cùng

Thỏa thuận về nguyên tắc sẽ nâng trần nợ hiện ở mức 31,4 nghìn tỷ USD trong 2 năm, đồng thời giới hạn chi tiêu phi quốc phòng ở mức hiện tại trong năm tài chính 2024, sau đó tăng thêm 1% trong năm tài chính 2025.

Nhà Trắng dường như cũng đã nhượng bộ các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa tại Hạ viện về các yêu cầu công việc đối với những người nhận phiếu thực phẩm.

Ngoài ra, thỏa thuận này cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với một số người nhận viện trợ của chính phủ, bao gồm phiếu thực phẩm và chương trình hỗ trợ tạm thời cho các gia đình nghèo. Chương trình hỗ trợ thực phẩm cho những người từ 54 tuổi trở xuống không có con sẽ kết thúc vào năm 2030, mở rộng khả năng tiếp cận cho cựu chiến binh và người vô gia cư.

Yêu cầu hiện tại đối với chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP) sẽ chỉ áp dụng cho một số người nhất định trong độ tuổi 18-49.

Thỏa thuận dự kiến cũng sẽ lấy lại số tiền chưa sử dụng cho dự luật cứu trợ đại dịch trước đó và giảm 10 tỷ USD (từ 80 tỷ USD xuống còn 70 tỷ USD) nguồn tài trợ thực thi mới cho Đạo luật giảm lạm phát nhằm kiểm soát gian lận thuế.

Theo CNN, các yêu cầu mới đối với một số chương trình mạng lưới an sinh xã hội vẫn là điểm vướng mắc cuối cùng.

Đảng Cộng hòa cho rằng những người thụ hưởng các chương trình như hỗ trợ thực phẩm và những người không có người phụ thuộc nên buộc phải tuân theo các quy tắc mới. Tuy nhiên, các đảng viên Đảng Dân chủ đã coi ý tưởng này là một cuộc tấn công vào những người nghèo.

Nhiều tháng qua, đảng Cộng hòa đã nhất quyết phản đối ý tưởng tăng trần nợ trừ khi ông Biden đồng ý cắt giảm chi tiêu. Thỏa thuận cuối cùng hoàn thành mục tiêu của họ, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn.

Một phân tích của New York Times về giới hạn chi tiêu trong thỏa thuận này cho thấy, Quốc hội Mỹ sẽ chỉ giảm chi tiêu liên bang khoảng 650 tỷ USD. Những khoản cắt giảm này chắc chắn là quá ít để giành được phiếu bầu của những người bảo thủ trong Hạ viện.

Ông McCarthy đã nhiều lần bày tỏ sự tin tưởng rằng đa số thành viên đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu đảng viên Cộng hòa thực sự ủng hộ nó, và cần bao nhiêu thành viên đảng viên Dân chủ bỏ phiếu để bù lại con số phản đối bên đảng Cộng hòa

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Mỹ tuyên bố ‘không tha thứ’ việc Trung Quốc ra đòn với chip Micron

(Ảnh minh họa).

Ngày 27/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố sẽ “không tha thứ” việc Trung Quốc cấm cửa chip thẻ nhớ của hãng Micron và đang hợp tác với các đồng minh để xử lý hành vi “chèn ép kinh tế” đó.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị với bộ trưởng thương mại các nước thuộc Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), bà Raimondo nói rằng Mỹ “kiên quyết phản đối” những hành động của Trung Quốc đối với Micron .

Bà Raimondo cho rằng đây là việc “tấn công một công ty Mỹ mà không có cơ sở thực tế nào. Chúng tôi coi đây là hành vi chèn ép kinh tế đơn thuần và chúng tôi sẽ không tha thứ, và cũng không nghĩ họ sẽ thành công”.

Ngày 21/5, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc cho biết, hãng thẻ nhớ lớn nhất của Mỹ không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng và sẽ cấm các đơn vị vận hành hạ tầng quan trọng mua sản phẩm của hãng này.

Tuyên bố được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi các lãnh đạo G7 đồng ý với những sáng kiến mới nhằm đối phó với điều mà họ coi là kiểu chèn ép kinh tế của Trung Quốc.

“Như chúng tôi nói tại G7 và nhiều lần khẳng định, chúng tôi đang trao đổi chặt chẽ với các đối tác để xử lý thách thức cụ thể này và tất cả những thách thức liên quan đến cách làm phi thị trường của Trung Quốc”, bà Raimondo nói.

Bà Raimondo cũng nêu vấn đề của Micron trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào ngày 25/5.

Bà cho biết, thoả thuận của IPEF về các chuỗi cung ứng và những trụ cột khác sẽ nhất quán với các khoản đầu tư của Mỹ vào Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất thiết bị bán dẫn tại Mỹ.

Bà cho biết, các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore dự kiến sẽ tham gia chương trình này.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang