Mỹ: Đưa sản xuất về nước; Đảng CH loại bớt ứng viên; Biden ổn sau cũ ngã; Tăng trừng phạt Nga; Giám đốc CIA đến TQ

Doanh nghiệp Mỹ sốt sắng đưa sản xuất về nước

Chiến tranh ở Ukraine, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trì trệ và hiệu ứng TikTok đang thúc đẩy các công ty Mỹ đưa hoạt động sản xuất về nước với tốc độ nhanh hơn.

Trung Quốc, trung tâm sản xuất toàn cầu đang mất dần vị thế thống trị. Hoạt động sản xuất của nước này suy giảm trong tháng 4 và tháng 5. Trong khi đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine và hậu quả từ đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động vận chuyển, khiến nhiều công ty đa quốc gia xem xét lại phương pháp tìm nguồn cung ứng.

Mỹ đang thúc đẩy các ưu đãi cho sản xuất chip và linh kiện xe điện ở trong nước. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã công bố gói trợ cấp 43 tỉ euro để khuyến sản xuất chip trong khối này.

Theo phân tích của ngân hàng Bank of America (BofA), các đề cập đến “reshoring” (đưa sản xuất về nước) trong các cuộc họp báo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trong chỉ số S&P 500 đã tăng 128% trong quí đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, các đề cập đến “trí tuệ nhân tạo” tăng 85% so với năm trước, theo nhà chiến lược Savita Subramanian của BofA.

Ngân hàng UBS cũng xem xét xu hướng này thông qua cuộc khảo sát với hơn 1.600 lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp.trong các lĩnh vực khác nhau. Cuộc khảo sát cho thấy 78 % lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Âu và 70% ở lãnh đạo doanh nghiệ Mỹ có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất về gần thị trường quê nhà.

Trong khi đó, Công ty môi giới Strategas Securities cũng phân tích nội dung các cuộc họp báo về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có có cổ phiếu trong chỉ số S&P 1500 ( bao gồm 1.500 công ty có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ). Kết quả cho thấy sự gia tăng đáng chú ý của các đề cập đến “reshoring” và “nearshoring” (đưa hoạt động sản xuất về gần các nước gần thị trường quê nhà)

Ryan Grabinski, CEO của Strategas Securities, cho biết điều này hoàn toàn trái ngược với trước đây khi các thuật ngữ đó không được đến trong suốt thập niên 2010 trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển mạnh mẽ.

Theo Bill McRaith, cựu giám đốc chuỗi cung ứng của PVH, chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger (Mỹ), mô hình sản xuất hàng hóa ở nước ngoài và vận chuyển đến thị trường tiêu thụ đã bị phá vỡ.

“Thông thường, một nhà máy, một địa điểm trên thế giới tạo ra một sản phẩm cuối cùng mà chúng tôi đặt hàng trước 3-5 tháng và hy vọng sẽ tiêu thụ được. Nhưng chúng ta chưa bao giờđ ạt được đúng mục tiêu”, McRaith nói tại hội nghị về chuỗi cung ứng do công ty phần mềm o9 Solutions tổ chức hồi tháng 4.

Theo ông, ngành công nghiệp may mặc gặp phải hai vấn đề là đôi lúc đặt hàng qua mức, đôi lúc đặt hàng thiếu. Quá nhiều hàng tồn kho dẫn đến bán thanh lý, trong khi có quá ít hàng dẫn đến mất mát lợi nhuận

“Mô hình mà chúng ta đã sử dụng trong 30 năm qua đã trở nên không phù hợp vào thời điểm này và nên bị phá bỏ”, ông nói tại hội nghị.

Theo McRaith, giải pháp cho vấn đề này là tạo ra một mạng lưới cung ứng. Trong đó, một số hàng hóa tiếp tục gia công ở nước ngoài, một số khác được mua từ các nước láng giềng và 1/3 được sản xuất tại thị trường tiêu thụ.

Trong ngành may mặc, doanh số bán các mặt hàng phổ biến như áo sơ mi trắng khá dễ dự đoán. Vì vậy, sản xuất và vận chuyển những mặt hàng thời trang đó từ nước ngoài là điều hợp lý, McRaith cho biết. Tuy nhiên, việc sản xuất trong nước có thể phù hợp với nhiều mặt hàng thời trang theo xu hướng, có nhu cầu tăng cao chỉ sau một đêm nhờ quảng bá trên TikTok. Điều này cho phép các doanh nghiệp phản ứng nhanh để sản xuất các mặt hàng này ngay trong nước.

Tháng trước, gã khổng lồ thời trang nhanh Shein của Trung Quốc đã công bố khoản đầu tư 150 triệu đô la để sản xuất áo quần tại Brazil cho thị trường Mỹ Latinh. Đây là một động thái mà McRaith kỳ vọng Shein sẽ nhân rộng ở Mỹ và châu Âu.

McRaith cho rằng đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh một số xu hướng kinh doanh lên 5 năm.

“Không còn chuyện các thương hiệu nói với người tiêu dùng nên mua gì. Giờ đây, thực sự là người tiêu dùng nói với các thương hiệu những gì họ muốn mua nhưng chuỗi cung ứng hiện có được xây dựng cho mô hình cũ”, ông nói.

Theo nhóm vận động hành lang Reshoring Initiative, nằm ngoái, các công ty ở Mỹ đã thông báo tuyển dụng khoảng 360.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất, tăng 53% so với năm 2021.

Tại Anh, theo khảo sát của Make UK, 40% nhà sản xuất đã tìm nguồn cung ứng cho nhiều hàng hóa hơn ở trong nước hơn trong năm qua và có kế hoạch tương tự cho năm tới. Sản xuất hàng hóa gần thị trường tiêu thụ có thể giảm chi phí nhưng lý do chính để tìm nguồn cung ứng tại địa phương là để tránh sự gián đoạn kéo dài có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như do tác động của Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine, theo khảo sát của Make UK.

Đối với nhà sản xuất thiết bị âm thanh BishopSound của Anh, việc chuyển một số chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Yorkshire, miền bắc nước Anh đã gúp cải thiện dòng tiền vì số lượng đặt hàng tối thiểu trong nước thấp hơn.

Andrew Bishop, người sáng lập BishopSound, cho biết các lợi ích khác của việc sản xuất trong nước bao gồm khả năng sản phẩm bị sao chép thấp hơn cũng như kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn và tác động môi trường nhỏ hơn.

(Nguồn: The Saigon Times)

Đảng Cộng hòa tìm cách loại bớt ứng viên tổng thống

Đảng Cộng hòa công bố tiêu chuẩn ứng viên tổng thống cần đáp ứng để tham gia tranh luận, nhằm tránh hỗn loạn khi quá đông người tham gia.

"Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) cam kết có quy trình bầu cử sơ bộ minh bạch, trung lập và công bằng. Các tiêu chuẩn được đưa ra sẽ giúp đảng và ứng viên đại diện có vị thế tốt nhất để giành lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2024", chủ tịch RNC Ronna McDaniel cho biết ngày 2/6.

Bầu cử sơ bộ là các vòng bỏ phiếu nội bộ của đảng Cộng hòa để chọn ra người đại diện cho đảng tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Các ứng viên của đảng cũng sẽ tham gia tranh luận với nhau để cử tri chọn ra người sáng giá nhất.

RNC tổ chức vòng tranh luận nội bộ lần đầu vào ngày 23/8 ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, và dự kiến được phát sóng trên Fox News. Đảng Cộng hòa có thể tổ chức thêm buổi tranh luận thứ hai vào ngày 24/8 ở bang California nếu có nhiều ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn.

Theo tiêu chuẩn vừa được công bố, để tham gia vòng tranh luận đầu tiên, ứng viên Cộng hòa cần nhận được tỷ lệ ủng hộ tối thiểu 1% trong ít nhất ba khảo sát toàn quốc, hoặc hai khảo sát toàn quốc và một trong 4 bang bầu cử sớm Iowa, New Hampshire, Nevada, South Carolina.

Các khảo sát cần thực hiện trên ít nhất 800 cử tri Cộng hòa, tính từ ngày 1/7, kết quả khảo sát sẽ không được chấp nhận nếu do đơn vị có liên kết với ứng viên thực hiện. Ứng viên cần nhận được tài trợ, quyên góp từ ít nhất 40.000 người, với hạn chót là 48 giờ trước khi bắt đầu tranh luận.

RNC cũng sẽ yêu cầu người tham gia tranh luận ký cam kết sẽ ủng hộ ứng viên chiến thắng và đại diện đảng ra tranh cử.

Các quan chức Cộng hòa nắm rõ quy trình cho biết họ xây dựng bộ tiêu chuẩn này nhằm ngăn các cuộc tranh luận nội bộ biến thành "rạp xiếc", khi các ứng viên công kích lẫn nhau như năm 2016. Tiêu chuẩn về nhà tài trợ sẽ được nâng lên cho các vòng tranh luận sau đó.

Các tiêu chuẩn mới được cho là sẽ khiến một số ứng viên Cộng hòa gặp khó khăn.

Đảng Cộng hòa hiện có 6 người nhận sự ủng hộ trên 1% trong các khảo sát là cựu tổng thống Donald Trump, thống đốc Florida Ron DeSantis, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, doanh nhân Vivek Ramaswamy, thượng nghị sĩ Tim Scott và cựu phó tổng thống Mike Pence, theo RealClearPolitics.

Ông Pence chưa tuyên bố tranh cử, nhưng được cho là có kế hoạch làm vậy vào ngày 7/6. Các ứng viên ít được biết đến như cựu thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson và phát thanh viên Larry Elder khả năng cao không đạt tiêu chuẩn tối thiểu về tỷ lệ ủng hộ.

Ông Trump cuối tháng 4 dọa tẩy chay các cuộc tranh luận vòng sơ bộ của đảng Cộng hòa, nói ông đang là ứng viên hàng đầu và không muốn bị phỉ báng. Việc giảm số lượng người tham gia tranh luận có thể có lợi cho ông DeSantis, người được coi là đối thủ chính và đang ở vị trí số hai sau cựu tổng thống Mỹ trong các khảo sát.

(Nguồn: Vnexpress)

Tổng thống Joe Biden ‘ổn’ sau cú ngã trên sân khấu ở Colorado

Tổng thống Joe Biden ‘ổn’ sau khi vấp và ngã tại một sự kiện ở Colorado, giới chức Nhà Trắng cho hay.

Ông vấp phải một bao cát khi phát bằng tốt nghiệp cho học viên Học viện Không quân Mỹ.

Ông Biden, 80 tuổi, là vị tổng thống đương nhiệm cao tuổi nhất của Mỹ. Ông được phụ tá đỡ dậy và dường như không bị đau sau khi ngã.

“Tôi bị bao cát ngáng chân!” vị tổng thống đùa với các phóng viên khi ông trở về Nhà Trắng tối qua.

Trước khi ngã, ông đã đứng khoảng một tiếng rưỡi để bắt tay với tất cả 921 học viên tốt nghiệp.

Hình ảnh cho thấy ông Biden dường như chỉ vào hai bao cát được dùng để đỡ máy nhắc chữ (teleprompter) khi ông được một sỹ quan Không quân và hai nhân viên Đặc nhiệm đỡ dậy.

Ông trở về ghế ngồi mà không cần trợ giúp và sau đó đi bộ tới nơi đoàn xe đỗ khi lễ tốt nghiệp kết thúc.

"Có một túi cát trên sân khấu khi ông ấy bắt tay [học viên]”, giám đốc truyền thông Nhà Trắng Ben Labolt viết trên Twitter. “Ông ấy ổn.”

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói ông Biden bước lên máy bay với một “nụ cười tươi”, tuy nhiên một phóng viên bình luận rằng ông không nhận câu hỏi của báo giới trước khi lên máy bay.

Ông Joe Biden bị ngã khi phát bằng trong lễ tốt nghiệp Học viện Không quân Mỹ ở Colorado

Có ý kiến chỉ trích nói ông Biden quá già để tranh cử vào Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đại đa số cử tri Mỹ lo ngại về tuổi cao của ông.

Nếu ông thắng cử, ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai ở tuổi 82.

Cú ngã này, cùng với lần ông ngã xe đạp và lần vấp khi lên cầu thang chiếc Air Force One, làm gia tăng những lo ngại đó.

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa để đối đầu với ông Biden trong kỳ bầu cử 2024, có phản ứng về cú ngã của ông Biden. Từ một sự kiện vận động ở Iowa, ông nói “tất cả thật là điên rồ”.

“Tôi hy vọng ông ta không bị đau,” ông Trump, 76 tuổi, người thường chễ nhạo tuổi của ông Biden. “Cũng không có gì ngạc nhiên”.

“Bạn phải cẩn thận vì nếu bạn không cẩn thận – bạn không muốn chuyện đó xảy ra. Ngay cả khi bạn phải đi rón rén xuống cầu thang,” ông Trump đùa, nhắc tới lần chính ông phải cẩn thận xuống sân khấu hồi 2020 khiến báo chí đưa tin.

Ông Trump nói khi đó cầu thang tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, New York, rất trơn, và trả lời các câu hỏi của báo chí về sức khỏe của chính ông, nói rằng đó là tin giả.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, một ứng viên đảng Cộng hòa khác cho 2024, cũng có bình luận sau cú ngã của ông Biden từ một sự kiện vận động ở New Hampshire: “Chúng tôi mong và chúc ông Biden phục hồi nhanh chóng từ bất kỳ chấn thương nào ông có thể đã gặp.

“Nhưng chúng tôi cũng mong Hoa Kỳ phục hồi nhanh chóng từ những chấn thương mà đất nước gặp do ông Joe Biden và các chính sách của ông ấy.”

Ông Biden có lần kiểm tra sức khỏe hồi tháng Hai.

Bác sỹ Nhà Trắng Kevin O’Connor viết khi đó: “Tổng thống vẫn đủ khỏe để làm việc, và thực hiện đầy đủ tất cả các trách nhiệm mà không có bất kỳ miễn trừ hay ngoại lệ nào.”

BS O’Connor nói thêm rằng ông Biden đi lại cứng nhắc chủ yếu là vì cột sống của ông xuống cấp và đau thần kinh ở bàn chân, nhưng những chứng này không thay đổi gì kể từ lần khám sức khỏe trước hồi tháng 11/2021.

Ông Biden không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên vấp ngã trước ống kính.

Tổng thống Barack Obama vấp khi bước lên cầu thang hồi 2021, còn Tổng thống Gerald Ford ngã xuống cầu thang phi cơ Air Force One hồi 1975.

(Nguồn: BBC)

Mỹ thực hiện một loạt biện pháp trả đũa việc Nga đình chỉ hiệp ước START Mới

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đang trả đũa việc Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân START Mới. Họ thông báo hôm thứ Năm 1/6 sẽ thu hồi visa của các thanh sát viên hạt nhân Nga, từ chối duyệt đơn xin visa đã nộp của các giám sát viên mới và hủy các giấy phép về tiêu chuẩn để máy bay Nga được vào không phận Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ thực hiện các bước đó và các bước khác để đáp trả "những vi phạm liên tục" của Nga đối với START Mới, là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa hai nước. Mỹ và Nga đang mâu thuẫn nghiêm trọng về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

“Hoa Kỳ cam kết thực thi hiệp ước START Mới đầy đủ và song phương”, bộ nói. “Phù hợp với cam kết đó, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp đối trọng hợp pháp để đáp lại những vi phạm liên tục của Liên bang Nga đối với hiệp ước START Mới”.

Bộ cho biết việc thu hồi visa và từ chối duyệt đơn xin visa, cũng như quyết định của Hoa Kỳ ngừng chia sẻ thông tin về tình trạng hoặc vị trí của tên lửa và dữ liệu đo từ xa về các vụ phóng thử với Nga, là phù hợp với luật pháp quốc tế khi xét đến các hành động của Nga.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thông báo cho Nga khi tiến hành các vụ phóng thử, đồng thời Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng các bước mà họ đang thực hiện có thể được đảo ngược với điều kiện Moscow tuân thủ hiệp ước trở lại.

Nga đã đình chỉ việc tham gia START Mới hồi tháng 2 trong một động thái mà Hoa Kỳ cho là “không có giá trị pháp lý”. Ngay sau đó, Moscow đã thu hẹp sự tuân thủ hiệp định.

Cho phép thanh tra các địa điểm vũ khí và cung cấp thông tin về việc bố trí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm cũng như các vụ phóng thử nghiệm là những thành phần quan trọng của START Mới, đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký kết vào năm 2010.

Hồi tháng 3, Hoa Kỳ thông báo rằng họ và Nga đã ngừng chia sẻ dữ liệu về vũ khí hạt nhân 6 tháng một lần. Hoa Kỳ đã nói rằng họ muốn tiếp tục chia sẻ như vậy nhưng đã dừng lại sau khi Moscow thông báo cho Washington rằng họ sẽ không chia sẻ dữ liệu của phía họ.

Mặc dù được gia hạn không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, START Mới gặp thử thách nghiêm trọng vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine và rơi vào tình trạng mong manh kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ không tuân thủ các quy định về phía họ nữa.

Hiệp ước này đặt ra giới hạn là mỗi quốc gia không có nhiều hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và 700 tên lửa và máy bay ném bom được triển khai. Thỏa thuận có điều khoản về việc thanh tra trên thực địa để kiểm chứng về sự tuân thủ.

Các cuộc thanh tra không diễn ra vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19. Hai bên lẽ ra đã họp bàn về việc nối lại hoạt động đó vào tháng 11/2022, nhưng Nga đã đột ngột hủy bỏ cuộc họp với lý do Hoa Kỳ ủng hộ Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Nga đã được thông báo trước về các biện pháp đối trọng và cũng cho biết là Washington vẫn quan tâm đến việc duy trì hiệp ước.

“Mỹ vẫn sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với Nga để nối lại việc thực thi Hiệp ước START Mới”, bộ nói.

(Nguồn: VOA)

Giám đốc CIA của Mỹ bí mật đến thăm Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử Giám đốc CIA William Burns đến Bắc Kinh vào tháng trước để gặp gỡ các quan chức tình báo Trung Quốc, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) hôm qua (2/6) trích dẫn các nguồn tin giấu tên của Mỹ đưa tin.

Tờ báo miêu tả ông Burns là "một trong những quan chức đáng tin cậy nhất của Tổng thống Biden" và tuyên bố chuyến thăm cho thấy "Nhà Trắng đã trở nên lo ngại như thế nào về mối quan hệ đang xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington".

Mặc dù cả Nhà Trắng và CIA đều chưa chính thức lên tiếng xác nhận về chuyến thăm nói trên, nhưng tờ Thời báo Tài chính đã có được thông tin nhờ dựa vào "năm nguồn tin nắm rõ vấn đề". Một trong các nguồn tin được xác định là một quan chức Mỹ. Ông này đã nói rằng Giám đốc CIA Burns "đã gặp gỡ các đối tác Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở trong các kênh tình báo".

Không rõ ông Burns đến Bắc Kinh trước hay sau cuộc gặp ngày 10/5 giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc Vương Nghị, ở Vienna. Nhà Trắng chỉ thông báo về cuộc họp sau khi nó đã kết thúc.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Tài chính chỉ ra rằng giám đốc CIA đã đến thăm Trung Quốc trước hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 19/5 ở Hiroshima, tại đó Tổng thống Biden đã bày tỏ mong đợi về một sự "tan băng" ngay lập tức trong quan hệ Trung-Mỹ.

Tính đến thời điểm này, không có dấu hiệu nào về sự tan băng trong quan hệ Trung-Mỹ, ít nhất là trong lĩnh vực quân sự. Lầu Năm Góc đã phàn nàn vào ngày 25/5 rằng Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ một đề nghị của Mỹ về việc tổ chức một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang