Mỹ: Cứu dòng sông huyền thoại; Biden không thể thắng; Ứng viên Tổng thống 2024; So kè TQ ở Thái Bình Dương

Vượt qua cơn “khát nước” tưởng như vô tận, một loạt bang miền tây nước Mỹ bắt tay nhau cứu dòng sông huyền thoại

(Ảnh minh họa).

Bảy tiểu bang của nước Mỹ, vốn phụ thuộc vào việc sử dụng quá mức nước sông Colorado, vừa đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm cứu dòng sông huyền thoại đóng vai trò cung cấp nước uống cho 40 triệu người cùng một số vùng nông nghiệp trù phú nhất nước Mỹ.

Trong thỏa thuận được thúc đẩy bởi Chính quyền của Tổng thống Joe Biden, các bang hạ lưu sông Colorado là Arizona, California và Nevada cam kết giảm 3,7 tỷ m3 nước sử dụng cho tới cuối năm 2026. Cùng với họ là 4 bang ở vùng thượng lưu bao gồm Colorado, New Mexico, Utah và Wyoming cũng cam kết giảm lượng nước sông sử dụng.

Ở thời điểm hiện tại, sức khỏe của dòng sông huyền thoại Colorado đang là vấn đề được các bang nằm dọc lưu vực sông quan tâm đặc biệt. Nguồn nước từ sông đánh vai trò đặc biệt quan trọng đối với kinh tế các thành phố lớn Los Angeles, Las Vegas và Phoenix cũng như toàn bộ các vùng nông nghiệp trù phú xung quanh.

Việc các bang đạt được thỏa thuận tiết giảm lượng nước sông sử dụng cũng xóa bỏ một rào cản lớn trong kế hoạch phân phối quyền sử dụng nước, vốn có hiệu lực từ năm 2024, mà chính quyền liên bang đang theo đuổi. Đây là thành quả của hơn 1 năm đàm phán dù 2 lần lỡ hẹn.

Theo Reuters, một phần khiến thỏa thuận được đẩy nhanh là trận mưa lũ bất thường trong năm nay đã lấp đầy các hồ chứa và phủ đầy tuyết lên các ngọn núi ở thượng nguồn. Ngoài ra, khoản trợ cấp 1,2 tỷ USD mà Chính quyền Tổng thống Biden dành cho các địa phương và cộng đồng bị ảnh hưởng do việc cắt giảm nguồn nước cũng giúp nhanh tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên, 7 tiểu bang này vẫn còn nhiều việc phải làm. Để cứu dòng sông, họ sẽ phải bắt đầu đàm phán một thỏa thuận dài hơi hơn, dự kiến có hiệu lực từ năm 2027. Với thời hạn khoảng 20 năm, các bang sẽ phải tính toán rất kỹ bởi không phải năm nào cũng nhiều mưa hay có trợ cấp từ Chính phủ liên bang. Đó là chưa kể tới những tác động từ biến đổi khí hậu đang ngày càng khó lường.

Sức khỏe dòng sông Colorado trở nên nguy cấp do sự gia tăng dân số nhanh chóng cũng như một đợt hạn hán lịch sử vài tháng trước. Nước ở nhiều hồ chứa đã tụt xuống mức rất thấp, khiến thủy điện đình trệ còn nông nghiệp thiếu nước. Các quan chức cũng thừa nhận nước sông Colorado vào cuối thế kỷ 21 sẽ thấp hơn thời điểm cuối thế kỷ 20.

Ngoài ra, dù có ý nghĩa quan trọng nhưng thỏa thuận này vẫn bỏ sót 2 đối tượng phụ thuộc nhiều vào dòng sông là người Mỹ bản địa và người Mexico.

(Nguồn: CafeF)

Ông Biden không thể thắng trong cuộc chiến trần nợ

Dù có đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa hay không, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ đối mặt với phản ứng chính trị dữ dội.

Tổng thống Joe Biden dường như không có lựa chọn nào tốt trong cuộc chiến nâng trần nợ ở Washington, theo Wall Street Journal.

Bộ Tài chính Mỹ có thể mất khả năng trang trải các nghĩa vụ thanh toán sau ngày 1/6 nếu ông Biden và các nghị sĩ Cộng hòa không đạt được thỏa thuận, trong khi mọi con đường phía trước đều mang lại rủi ro chính trị cho vị tổng thống.

Việc chính phủ vỡ nợ có thể khiến nước Mỹ rơi vào suy thoái và gây hỗn loạn tài chính toàn cầu trong lúc ông Biden đang tìm cơ hội tái đắc cử. Các biện pháp trả nợ không cần thông qua Quốc hội cũng có thể gây thiệt hại kinh tế, buộc ông Biden đưa ra những lựa chọn chính trị đau đớn về việc ai sẽ được thanh toán trước.

Ngay cả việc tổ chức các cuộc đàm phán về trần nợ với đảng viên Cộng hòa cũng đang vấp phải phản ứng dữ dội từ nhóm các nhà lập pháp cấp tiến, những người cho rằng ông Biden đang quay lưng lại với cam kết ban đầu.

Chọc giận đảng Dân chủ nếu thỏa hiệp

Từ đầu năm nay, Nhà Trắng khẳng định sẽ không đàm phán tăng trần nợ vì các đảng viên Cộng hòa đã tuyên bố việc tăng trần nợ cần đi kèm cắt giảm chi tiêu liên bang.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Nhà Trắng đã đề xuất rút lại yêu cầu tăng chi tiêu để đổi lấy việc tăng trần nợ.

Song đảng Cộng hòa cho rằng điều đó là không đủ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đang tìm cách thay đổi các yêu cầu về việc làm đối với những người nhận trợ cấp liên bang, đồng thời cải cách quy trình cấp phép cho các dự án năng lượng.

Quyết định đàm phán với đảng Cộng hòa của ông Biden đã vấp phải phản ứng dữ dội từ một số đảng viên Dân chủ. Tuần trước, một nhóm gồm 66 hạ nghị sĩ Dân chủ đã viết thư cho tổng thống, kêu gọi ông từ bỏ các cuộc đàm phán với đảng Cộng hòa tại Hạ viện.

“Chúng tôi tin rằng việc nhượng bộ với các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội và đàm phán về cắt giảm mạnh ngân sách trái với các giá trị chung của đảng Dân chủ”, các nhà lập pháp viết.

Nếu tổng thống Mỹ chấp nhận giới hạn chi tiêu, điều đó có thể hạn chế các lựa chọn chính sách của ông trước cuộc bầu cử năm 2024. Việc thắt chặt yêu cầu đối với các chương trình như phiếu thực phẩm sẽ không được lòng nhiều đảng viên Dân chủ.

Trong khi đó, một số quan chức chính quyền Biden nói rằng thỏa thuận chi tiêu với đảng Cộng hòa vốn không thể tránh khỏi, sau khi đảng này giành được quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 11/2022.

Nhà Trắng có thể đưa ra một thỏa thuận lưỡng đảng như dẫn chứng về cách quản lý có trách nhiệm. Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa đã loại trừ phần lớn ưu tiên chính sách của ông Biden, bao gồm cả kế hoạch tăng thuế với nhóm người giàu để giảm thâm hụt.

Khó khăn đủ đường nếu không đạt thỏa thuận

Nếu không thể vay thêm, chính phủ Mỹ vẫn có doanh thu thuế và có khả năng tiếp tục thực hiện một số khoản thanh toán. Song nó không đủ để chi trả cho mọi nghĩa vụ.

“Sẽ có những lựa chọn khó khăn nếu không thể nâng trần nợ”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trên Meet the Press hôm 21/5.

Theo các tài liệu công khai từ năm 2011 và 2013, khi chính phủ Mỹ cũng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, nhân viên của Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang đã thảo luận về việc ưu tiên thanh toán lãi nợ chính phủ, nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.

Tuy nhiên, một số đảng viên Dân chủ nói rằng Washington không nên thanh toán cho Phố Wall hay các chính phủ nước ngoài mà bỏ qua những khoản như an sinh xã hội cho người Mỹ cao tuổi.

Đầu năm nay, ông Ron Klain, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng của Tổng thống Biden, cũng chỉ trích ý tưởng này là bảo vệ lợi ích của người nước ngoài giàu có hơn người Mỹ.

Biện pháp này cũng sẽ không ngăn chặn được tất cả hậu quả kinh tế do vi phạm giới hạn nợ.

Chẳng hạn, trì hoãn các khoản thanh toán cho Medicare có thể gây tổn hại đến các bệnh viện, trong khi hoãn chi cho an sinh xã hội có thể khiến các hộ gia đình rơi vào khủng hoảng tài chính. Bất kỳ quyết định ưu tiên nào cũng có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tương lai vô định nếu kích hoạt Tu chính án thứ 14

Ông Biden nhiều lần tiết lộ đang cân nhắc viện dẫn Tu chính án thứ 14 để bỏ qua giới hạn nợ nếu Quốc hội Mỹ không quyết định kịp thời.

Được thông qua sau khi nội chiến Mỹ chấm dứt, điều 14 của Hiến pháp Mỹ thường được biết đến với nội dung về quyền công dân và sự đối xử công bằng trước pháp luật. Tòa án Tối cao Mỹ từng dùng điều khoản này để xóa bỏ tình trạng trường học chỉ phục vụ một chủng tộc hay để công nhận hôn nhân đồng giới.

Nhưng Tu chính án 14 Mỹ còn một câu khác đang được các chuyên gia pháp lý săm soi từng chữ: “Tính hợp lệ của những khoản nợ công của Mỹ, vốn được luật pháp đảm bảo, [...], sẽ không thể bị nghi ngờ”, theo AP.

Những người ủng hộ, bao gồm một số chính trị gia cấp tiến, cho rằng ông Biden có thể viện dẫn điều khoản này và lập luận giới hạn nợ là vi hiến, sau đó tiếp tục vay tiền để tài trợ cho chính phủ.

Song ông Biden thừa nhận quyết định này có thể dẫn đến các vụ kiện. Bà Yellen cũng cho biết biện pháp này "có vấn đề về mặt pháp lý" và cảnh báo nguy cơ gây khủng hoảng hiến pháp.

Không những vậy, canh bạc này cũng có thể không giải quyết được vấn đề vì nếu các nhà đầu tư không chắc liệu nợ chính phủ mới phát hành có hợp pháp hay không, họ sẽ từ chối mua.

(Nguồn: Zing News)

Điểm danh những ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ 2024

(Ảnh minh họa).

Giới quan sát cho rằng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 nhiều khả năng sẽ là màn tái đấu giữa đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, mặc dù có nhiều ứng viên tiềm năng khác từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis là nhân vật mới nhất tuyên bố tham gia cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ năm 2024, nối dài thêm danh sách ứng viên tìm kiếm đề cử chính thức của đảng Cộng hòa thách thức đương kim Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Dưới đây là danh sách những ứng cử viên đã chính thức tuyên bố tham gia và những nhân vật tiềm năng khác cho cuộc đua tổng thống năm 2024 từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Đương kim Tổng thống Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/4 chính thức công bố chiến dịch tranh cử vào năm 2024 và kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông để "hoàn thành công việc".

Ông Biden, 80 tuổi và là tổng thống lớn tuổi nhất của Mỹ từ trước đến nay, sẽ phải thuyết phục cử tri rằng ông đủ sức tiếp tục công việc trong 4 năm nữa ở Nhà Trắng, trong bối cảnh nhiều cử tri lo ngại về tuổi tác của ông.

Các đồng minh của ông Biden nói rằng, ông tranh cử vì cảm thấy mình là ứng cử viên đảng Dân chủ duy nhất có thể đánh bại ông Donald Trump. Khi tuyên bố tranh cử, ông Biden nói rằng nhiệm vụ của ông là bảo vệ nền dân chủ Mỹ.

Với tư cách là đương kim tổng thống, ông Biden được xem là ứng viên “nặng ký” nhất và không phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các gương mặt khác trong đảng Dân chủ.

Tác giả Marianne Williamson

Marianne Williamson, 70 tuổi, tranh cử tổng thống 2024 với tư cách ứng viên đảng Dân chủ, sau khi thất bại trong chiến dịch năm 2020.

Bà Williamson là tác giả chuyên về dòng sách self-help, hướng dẫn độc giả cách giải quyết, xử lý vấn đề và hoàn thiện bản thân. Bà là cố vấn tinh thần cho Oprah Winfrey, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mỹ.

Bà Williamson khởi động chiến dịch mới nhất của mình vào ngày 23/3, nói rằng bà muốn cạnh tranh ông Biden để giành được đề cử chính thức của Đảng Dân chủ.

Nhà hoạt động Robert Kennedy Jr.

Robert Kennedy Jr., 69 tuổi, là con trai cựu Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy, và là cháu ruột của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, người bị ám sát năm 1963.

Ông Robert F. Kennedy Jr. ngày 5/4 đã nộp đơn lên Ủy ban Bầu cử Liên bang, trở thành ứng viên đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ năm 2024.

Ông Kennedy Jr. từng hứng chỉ trích từ phe Dân chủ do quan điểm hoài nghi về vaccine Covid-19. Ông đã bị cấm trên YouTube và Instagram vì phát tán thông tin sai lệch về vaccine và đại dịch COVID-19.

Cựu Tổng thống Donald Trump

Ở phía đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, 76 tuổi, là người đầu tiên tuyên bố chiến dịch tranh cử năm 2024. Chiến dịch được công bố vào tháng 11/2022.

Giống như ông Biden, ông Trump không nhận được sự ủng hộ ở nhiều khu vực bầu cử. Tuy nhiên cựu tổng thống vẫn giữ vững vị thế của mình trong các cuộc thăm dò sau khi ông bị các công tố viên New York truy tố liên quan đến khoản tiền bịt miệng ngôi sao phim người lớn. Ông Trump hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua của đảng Cộng hòa.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley

Bà Nikki Haley, 51 tuổi, tuyên bố tranh cử hồi tháng 2/2023. Cựu Thống đốc bang Nam Carolina và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời chính quyền Donald Trump đã nhấn mạnh rằng bà tương đối trẻ so với ông Biden và ông Trump, cũng như xuất thân của bà là con gái của 2 người Ấn Độ nhập cư.

Bà Haley nổi tiếng trong Đảng Cộng hòa với tư cách là một nhân vật bảo thủ, có khả năng giải quyết các vấn đề về giới tính và chủng tộc một cách đáng tin cậy hơn so với nhiều đồng nghiệp. Bà cũng tự cho mình là người bảo vệ kiên quyết cho lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Bà nhận được 4% cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ.

Cựu thống đốc Arkansas Asa Hutchinson

Cựu thống đốc bang Arkansas đã khởi động cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 4 vừa qua và kêu gọi cựu Tổng thống Trump nên bỏ cuộc để giải quyết các vấn đề pháp lý cá nhân.

Ông Hutchinson, 72 tuổi, nhấn mạnh kinh nghiệm lãnh đạo một bang bảo thủ sâu sắc như Arkansas là bằng chứng cho thấy ông có thể đưa ra các chính sách mà các cử tri đảng Cộng hòa quan tâm, đặc biệt trong vấn đề cắt giảm thuế và các sáng kiến tạo việc làm. Tuy nhiên, tên tuổi của ông không được biết đến nhiều bên ngoài Arkansas.

Thượng nghị sĩ Tim Scott

Ông Tim Scott phát động chiến dịch tranh cử vào ngày 22/5 vừa qua. Thượng nghị sĩ da màu duy nhất của đảng Cộng hòa (GOP) ít được biết đến bên ngoài bang Nam Carolina quê hương ông, nhưng sự lạc quan và tập trung vào việc thống nhất GOP đang bị chia rẽ đã giúp ông tạo ra sự tương phản với cách tiếp cận mang tính công kích của cựu Tổng thống Trump và Thống đốc Florida DeSantis.

Những người ủng hộ Thượng nghị sĩ Scott thừa nhận, mặc dù phong thái niềm nở của ông là một lợi điểm nhưng nó có thể không đủ để đánh bại những ứng viên đang dẫn đầu. Theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, ông Scott, 57 tuổi, chỉ được 1% thành viên đảng viên Cộng hòa ủng hộ.

Thống đốc Florida Ron Desantis

Thống đốc Florida Ron DeSantis sẽ tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024 trong buổi trò chuyện với tỷ phú Elon Musk vào lúc 18h ngày 24/5 (theo giờ Mỹ). Sự kiện sẽ được phát trực tiếp trên Twitter.

Việc ông DeSantis tuyên bố tranh cử trong buổi trò chuyện với tỷ phú Musk sẽ giúp ông xây dựng niềm tin với cộng đồng người ủng hộ đông đảo của ông chủ mạng xã hội Twitter. Nhà sáng lập tập đoàn vũ trụ SpaceX có khoảng 140 triệu người theo dõi trên Twitter.

Ông DeSantis, 44 tuổi, người đứng thứ hai sau ông Trump trong hầu hết các cuộc thăm dò, ủng hộ các dự luật áp đặt hạn chế mới đối với việc phá thai và nới lỏng hơn nữa luật súng đạn. Những quan điểm này có thể giúp ông DeSantis trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa nhưng có thể gây bất lợi cho ông trong số các cử tri độc lập và ôn hòa hơn trong cuộc bầu cử cuối cùng.

Doanh nhân Vivek Ramaswamy

Triệu phú, nhà đầu tư kiêm tác giả sách Vivek Ramaswamy, 37 tuổi đang dần nổi lên trong bộ phận cánh hữu Đảng Cộng hòa nhờ phản đối việc các doanh nghiệp tham gia thúc đẩy các phong trào chính trị, xã hội và môi trường.

Hồi tháng 2/2023, ông Ramaswamy thông báo sẽ tranh cử để trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Ramaswamy chưa từng có kinh nghiệm chính trị và ít được biết đến so với các ứng viên khác.

Những nhân vật tiềm năng khác

Cựu Phó tổng thống Mike Pence, 63 tuổi, vẫn chưa quyết định có tham gia cuộc đua tranh cử tổng thống 2024 hay không. Tuy nhiên, các đồng minh của ông Pence đã lập Siêu ủy ban hành động chính trị (Super PAC) mang tên "Cam kết với nước Mỹ" để ủng hộ ông ra tranh cử.

Theo các nguồn thạo tin, nếu tuyên bố tranh cử, cựu phó tổng thống Pence dự kiến xoáy sâu vào các sự kiện trong vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021 để chống lại ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ.

Mối quan hệ giữa ông Mike Pence và ông Donald Trump rạn nứt sau bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021. Hồi tháng 3 vừa qua, ông Pence lần đầu lên tiếng chỉ trích cựu tổng thống Mỹ đã sai lầm và phải chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn.

Ông Chris Christie (đảng Cộng hòa), 60 tuổi, cựu Thống đốc bang New Jersey được cho là đang cân nhắc ra tranh cử. Ông Christie từng tham gia cuộc đua năm 2016. Ông cũng từng ủng hộ ông Trump, nhưng đã quay lưng với cựu Tổng thống sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol năm 2021.

Thống đốc bang New Hampshire Chris Sununu đang cân nhắc tranh cử tổng thống năm 2024. Ông Sununu, 48 tuổi, từng giữ chức thống đốc bang New England, nói rằng Đảng Cộng hòa cần lãnh đạo mới và ông không tin ông Trump sẽ có thể đánh bại ông Biden.

Cựu Ngoại trưởng và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) dưới thời chính quyền Donald Trump, Mike Pompeo, được coi là một ứng cử viên tiềm năng, nhưng ông đã quyết định không tranh cử vì lý do cá nhân. Cựu nghị sĩ bang Kansas là một trong những phụ tá trung thành nhất của ông Trump và ban đầu ủng hộ những tuyên bố sai trái của ông về một cuộc bầu cử tổng thống bị đánh cắp vào năm 2020.

Thống đốc bang Virginia Glenn Youngkin cũng được coi là ứng cử viên tiềm năng giành đề cử của Đảng Cộng hòa sau khi ông tập trung vào quyền của phụ huynh trong trường học trong chiến dịch tranh cử thống đốc của mình. Tuy nhiên, một số nhân viên chủ chốt của ông Youngkin gần đây đã tham gia nhóm của ông DeSantis, cho thấy ông Youngkin sẽ không tranh cử vào năm 2024.

(Nguồn: Soha)

So kè Mỹ - Trung tăng nhiệt ở chuỗi đảo Thái Bình Dương

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới của Mỹ cho thấy Washington đang tăng tốc cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh ở các đảo quốc Thái Bình Dương.

Papua New Guinea (PNG) và Mỹ ngày 22/5 ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng cho phép quân đội Mỹ sử dụng sân bay và cảng tại quốc đảo. Đây là bước tiến mới nhất của Mỹ trong nỗ lực gia tăng hiện diện khu vực, giữa giai đoạn Washington ngày một lo ngại về sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các đảo quốc Nam Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá thỏa thuận với PNG này sẽ "củng cố hợp tác an ninh và quan hệ song phương, nâng cao năng lực cho quân đội PNG, đồng thời tăng cường ổn định và an ninh khu vực". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hai nước sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật, tham quan tàu và cùng tuần tra biển hiệu quả hơn.

Trong khi đó, nước chủ nhà nhận định thỏa thuận là bước tiến mới trong nỗ lực nâng cấp quan hệ với Mỹ. Thủ tướng James Marape tuần trước lý giải thỏa thuận sẽ cho phép PNG tiếp cận thông tin từ mạng lưới vệ tinh Mỹ để đối phó "hoạt động trái phép trên vùng biển quốc tế", đổi lại các lực lượng Mỹ có thể đi vào vùng biển nước này thuận lợi hơn.

Marape nhấn mạnh PNG không chịu ràng buộc chỉ được hợp tác với Mỹ. Ông vẫn có thể cân nhắc ký thỏa thuận tương tự với những nước khác, trong đó có Trung Quốc.

Gordon Peake, cố vấn cấp cao tại Viện Hòa bình Mỹ về khu vực các đảo quốc Thái Bình Dương, bình luận PNG "không còn là tiền đồn ngoại giao xa xôi" trong mắt của Washington. "Dù thỏa thuận không có dòng nào nhắc đến Trung Quốc, nước này là yếu tố quan trọng đằng sau bước tiến quan hệ Mỹ - PNG", ông bình luận.

Trước thỏa thuận hợp tác quốc phòng với PNG ngày 22/5, Bộ Ngoại giao Mỹ vào đầu tháng này đã khai trương đại sứ quán tại thủ đô Nuku'alofa của Tonga. Ngoại trưởng Tonga Samiu Vaipulu gọi đây là sự kiện lịch sử mà người dân hòn đảo đã mong chờ từ lâu.

Washington còn lên kế hoạch mở thêm đại sứ quán ở hai đảo quốc lân cận là Vanuatu và Kiribati, theo tuyên bố của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris khi bà đến thăm Fiji vào giữa năm 2022. Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Joe Biden công bố chiến lược quốc gia đầu tiên dành cho các đảo quốc Thái Bình Dương, với kế hoạch đầu tư 810 triệu USD vào khu vực.

Corey Bell, nhà nghiên cứu Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng việc Mỹ tăng hiện diện ngoại giao ở một loạt đảo quốc Thái Bình Dương là "tín hiệu rõ rệt về tầm quan trọng lẫn vị thế của khu vực" đối với giới hoạch định đối ngoại ở Washington.

Các đảo quốc Thái Bình Dương được chia thành ba nhóm gồm Micronesia, Melanesia và Polynesia. Chính sách đối ngoại Mỹ thường tập trung chủ yếu vào nhóm đảo đầu tiên, trong khi phụ thuộc vào hai đồng minh Australia và New Zealand để duy trì ảnh hưởng ngoại giao lẫn quân sự ở hai nhóm đảo còn lại.

Corey Bell nhận định quyết định mở sứ quán ở Tonga, nằm trong nhóm đảo Polynesia, cho thấy Mỹ hiện giờ muốn gia tăng hợp tác với những đối tác khác trên cả ba nhóm đảo. "Cú sốc từ thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon dường như đã trở thành động lực then chốt thúc đẩy chiến lược mới", ông phân tích.

Bắc Kinh hồi tháng 4/2022 công bố thỏa thuận hợp tác an ninh đầu tiên tại khu vực với quần đảo Solomon. Nước này cho phép Trung Quốc huấn luyện cảnh sát quốc gia, đồng thời tàu chiến Trung Quốc được phép thăm cảng và tiếp tế hậu cần. Một số chuyên gia cảnh báo hiện diện quân sự của Trung Quốc nếu mở rộng đến Tonga có thể thách thức lưu thông hàng hải, quân sự lẫn dân sự, của Mỹ và Australia.

Mihai Sora, nghiên cứu viên Chương trình Các đảo quốc Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy của Australia, đánh giá khu vực là "thành phần quan trọng" trong chiến lược của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những đảo quốc này có vị trí chiến lược để kiểm soát một vùng biển rộng lớn, chi phối hoạt động hàng hải khu vực.

Bell cho rằng Washington lẫn Canberra đều cần dè chừng rủi ro Bắc Kinh thu thập thông tin tình báo nhạy cảm, do Tonga nằm trên eo biển chiến lược giữa Mỹ và Australia. "Mỹ cần ưu tiên ngăn tái diễn trường hợp Solomon và chặn viễn cảnh Trung Quốc thiết lập hiện diện quân sự thường xuyên hoặc định kỳ trên đảo quốc", ông nhận định.

Trước những động thái của Mỹ tại khu vực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh "không phản đối hợp tác và trao đổi thông thường giữa các đảo quốc Thái Bình Dương với nước khác", song cảnh báo các cường quốc đừng biến khu vực thành "đấu trường cạnh tranh địa chính trị".

Bell dự báo các đảo quốc Thái Bình Dương sẵn sàng hoan nghênh viện trợ từ Trung Quốc lẫn hợp tác an ninh, song có thể sẽ dè dặt hơn trước những đề nghị mang nặng thiên hướng quốc phòng. "Tôi cho rằng Bắc Kinh không nên vội vã đưa ra những đề nghị hợp tác lớn về an ninh, vì điều đó có thể gây ra nhiều nghi ngờ hay gia tăng quan ngại ở khu vực", Bell nói.

Vương Nghĩa Nguy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, đánh giá rằng khu vực nam Thái Bình Dương cần "cạnh tranh lành mạnh" để phát triển, thay vì kẹt giữa những tính toán cân bằng chiến lược hay tranh giành ảnh hưởng.

Vương Huy Diệu, nhà sáng lập tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, đánh giá các đảo quốc Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược đối với mọi cường quốc, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. "Thế giới tự do. Nếu các đảo quốc muốn hợp tác với Trung Quốc, hoặc Mỹ, hoặc bất kỳ nước nào khác, họ có thể tự quyết định", ông nhấn mạnh.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang