
CUỘC ĐUA HẠ GIÁ SẢN PHẨM NÓNG LÊN
Lạm phát bóp nghẹt tiêu dùng, khiến Amazon Fresh, Walmart hay Target gần đây đều phải giảm giá để hút người mua.
Hệ thống cửa hàng thực phẩm Amazon Fresh (thuộc Amazon) vừa gia nhập danh sách các chuỗi bán lẻ tại Mỹ giảm giá sản phẩm. Hôm 23/5, hãng này thông báo hạ giá hàng nghìn sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng.
Amazon Fresh cho biết mỗi ngày sẽ giảm giá lên tới 30% với 4.000 mặt hàng. Chính sách này áp dụng với cả mua tại cửa hàng và mua trực tuyến.
Trên CNN, Amazon cho biết nhiều sản phẩm, từ thịt, hải sản, đồ đông lạnh, sữa đến snack đều sẽ rẻ hơn trước. "Tăng số khuyến mãi trong tuần với hàng nghìn sản phẩm là cách chúng tôi cạnh tranh và giúp khách hàng tiết kiệm", Claire Peters - Phó giám đốc phụ trách toàn cầu tại Amazon Fresh cho biết.
Vài tuần gần đây, nhiều hãng bán lẻ lớn của Mỹ đồng loạt giảm giá, như Target và Walmart. Họ muốn lôi kéo khách hàng chi tiêu nhiều hơn vào cả nhu yếu phẩm, như thực phẩm và đồ không thiết yếu, như quần áo, đồ trang trí.
Target tuần này thông báo giảm giá với hơn 1.500 sản phẩm, từ bơ đến nước giặt. Hãng cho biết hè này, hàng nghìn sản phẩm nữa cũng sẽ được hạ giá, nhằm giúp người tiêu dùng "tiết kiệm hàng triệu USD".
Tuần trước, Walmart cũng cho biết đã giảm giá với 7.000 sản phẩm trong cửa hàng. Họ giải thích một số hàng thiết yếu gần đây đã hạ nhiệt.
Vài năm qua, các hãng bán lẻ Mỹ phải tăng giá do lạm phát. Tuy nhiên, gần đây họ bắt đầu gặp khó, khi người tiêu dùng không mua sắm nhiều như trước. Giá tăng buộc họ lựa chọn giữa thứ mình muốn và thứ mình cần. Cuối cùng, các hãng bán lẻ đã phải nhượng bộ.
Đây không chỉ là vấn đề với người tiêu dùng và các hãng bán lẻ lớn, mà còn là của cả nền kinh tế Mỹ. Khoảng hai phần ba GDP nước này đến từ tiêu dùng.
Một năm qua, người Mỹ bắt đầu giảm chi, khi giá cả tăng 20-30% so với 3 năm trước. Trong khi đó, thu nhập lại không theo kịp, Sarah Wyeth - Giám đốc nghiên cứu bán lẻ và tiêu dùng tại S&P Global Ratings nhận định.
Việc này khiến người tiêu dùng ở mọi phân khúc, từ thu nhập thấp đến cao, đều tìm hàng giảm giá. "Thách thức với các hãng bán lẻ hiện tại là xóa bỏ tâm lý tiết kiệm của người tiêu dùng", Wyeth nói.
Tại Mỹ, hãng đồ nội thất Thụy Điển Ikea gần đây cũng hạ giá hàng trăm đồ nội thất và trang trí nhà cửa. Chuỗi cửa hàng thực phẩm Aldi cũng áp dụng khuyến mãi với hơn 250 đồ thiết yếu mùa hè. "Khi ngày càng nhiều chuyên gia cảnh báo về lạm phát, thời điểm hiện tại là thích hợp để giảm giá mạnh tay hơn nữa", Dave Rinaldo - Giám đốc Aldi Mỹ cho biết trong thông báo.
KINH TẾ MỸ PHÁT ĐI TÍN HIỆU TÍCH CỰC
Các đơn đặt hàng mới cho tư liệu sản xuất của Mỹ đã tăng trở lại mạnh hơn dự kiến trong tháng 4/2024 và hoạt động xuất khẩu các mặt hàng này cũng khởi sắc.
Các đơn đặt hàng mới cho tư liệu sản xuất của Mỹ đã tăng trở lại mạnh hơn dự kiến trong tháng 4/2024 và hoạt động xuất khẩu các mặt hàng này cũng khởi sắc, cho thấy xu hướng cải thiện trong chi tiêu của doanh nghiệp cho máy móc thiết bị vào đầu quý II/2024.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư vào máy móc thiết bị tiếp tục bị cản trở do chi phí vay mượn cao hơn. Thêm vào đó, đồng USD mạnh và nhu cầu toàn cầu suy yếu cũng đang khiến lĩnh vực chế tạo, vốn chiếm 10,4% nền kinh tế Mỹ, gặp khó khăn.
Ông Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets, nhận định mặc dù chi phí đi vay tăng cao và tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ có thể tăng trong quý II/2024. Tuy nhiên, toàn bộ lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ vẫn trì trệ cho đến khi lãi suất giảm, đồng USD suy yếu và nền kinh tế toàn cầu mạnh lên.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các đơn đặt hàng về tư liệu sản xuất phi quốc phòng ngoại trừ máy bay, đã tăng 0,3% trong tháng trước. Trong khi đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Anh Reuters dự báo lượng đơn đặt hàng này chỉ tăng 0,1% trong tháng 4.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã nâng ước tính tăng trưởng GDP trong quý II/2024 của Mỹ lên 3,2%, từ mức dự báo trước đó là 3,1%.
Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Ngân hàng này đã giữ lãi suất ở mức 5,25% -5,50% kể từ tháng 7/2023. Triển vọng nới lỏng chính sách của Fed vào cuối quý III/2024 đã nhận được sự thúc đẩy từ cuộc khảo sát mới đây của Đại học Michigan cho thấy, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đã được cải thiện vào cuối tháng 5/2024.
CÁC NHÀ ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU LO NGẠI VÌ GÁNH NẶNG NỢ

Các nhà đầu tư đang chuẩn bị ứng phó với xu hướng gia tăng phát hành trái phiếu chính phủ của Mỹ, điều mà theo thời gian có thể hạn chế sự phục hồi được kỳ vọng về thị trường này.
Trong khi các thị trường trái phiếu kể từ đầu năm tới nay chủ yếu chịu tác động từ những dự đoán về mức hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), những lo ngại về tài chính có thể sẽ nổi lên khi cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/11 đến gần. Các nhà phân tích và giới đầu tư cho rằng giảm thâm hụt ngân sách dường như không phải là ưu tiên chính sách của Tổng thống Joe Biden và ứng cử viên của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump.
Một số nhà đầu tư đã phân bổ nguồn vốn để tránh thua lỗ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ bắt đầu tăng. Cũng có tâm lý lo ngại rằng sự không chắc chắn về số nợ cần phát hành có thể làm mất ổn định thị trường trái phiếu trị giá 27.000 tỷ USD, vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.
Người phụ trách thu nhập cố định tại Newton Investment Management, Ella Hoxha, cho rằng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức khoảng 4,4% có thể tăng lên 8-10% trong vài năm tới. Về dài hạn, điều này là không bền vững.
Trong các thông báo mới nhất trong tháng này, Bộ Tài chính Mỹ có kế hoạch tiếp tục duy trì ổn định quy mô phát hành trái phiếu trong vài quý tới. Tuy nhiên, các đợt phát hành lớn hơn đối với trái phiếu dài hạn dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nợ của liên bang có thể tăng 21.000 tỷ USD, lên 48.000 tỷ USD vào năm 2034. Trong khi đó, các nguồn cầu truyền thống đối với trái phiếu chính phủ Mỹ đang chậm lại. Mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không theo kịp quy mô gia tăng của thị trường và Fed tiếp tục giảm lượng trái phiếu nắm giữ.
TỐ CÁO CHÍNH MÌNH
Tuần rồi, nhóm bảo vệ cựu Tổng thống Donald Trump có vẻ hụt hơi. Một trong hai nhân chứng chủ chốt của bên bào chữa không hoàn thành nhiệm vụ bôi xấu kẻ thù của bị cáo, và suýt bị đuổi khỏi phòng xử án. Tò mò ở chỗ, càng lớn tiếng theo kịch bản, bên bị dường như càng làm tăng sức nặng tố cáo thân chủ của mình.
Để biện hộ bị cáo vô tội, bên bào chữa phải hạ bệ nhân chứng ngôi sao của bên công tố, cựu luật sư Micheal Cohen. Họ khăng khăng Cohen bịa đủ thứ, trong đó có chuyện đã nộp 11 hóa đơn cho bị cáo và bị cáo đã ký 12 mục sổ cái cùng 11 tờ séc cho Cohen. Nhưng làm gì để bôi đen tuyệt đối Cohen thành kẻ nói dối toàn triệt?
Tuần tới, Cohen có tác động quyết định để hội thẩm đoàn, các công dân ở New York, trả lời bị cáo có tội hay không. Làm suy yếu niềm tin về ông “có thể gieo rắc nghi ngờ hợp lý trong tâm trí hội thẩm nhân dân”, theo The Hill . “Đó chính xác là những gì chúng tôi muốn”, Todd Blanche – luật sư trưởng của bị cáo – nói thẳng.
Hạ bệ Cohen được bên bị giao cho Robert Costello, từng là luật sư của Cohen trong vụ xử Cohen năm 2018 ba năm tù về tội nói dối. Costello mở màn bằng cách “liên tục chọc tức” quan tòa, theo AP. Tòa liền hành xử theo “cách chưa từng có” (lời của Trump), mời toàn bộ hội thẩm đoàn và báo chí ra ngoài, rồi nghiêm khắc chỉnh đốn Costello trước khi mời họ trở lại.
Hôm sau, Costello – còn từng là công tố liên bang – liên tục dồn ép Cohen. Ông chứng minh Cohen từng thề chủ nhân Trump “không hề biết gì” vụ dùng 130.000 USD bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels, nhưng nay đã lật kèo, đồng nghĩa mọi bằng chứng Cohen nêu đều giả. Nhưng, lạ ở chỗ, thầy cãi chính của bị cáo “cầu xin thẩm phán” (từ của AP) “đừng đưa vụ án ra hội thẩm đoàn dựa trên lời khai của Cohen”.
Bên bào chữa bất ngờ khi Cohen thừa nhận nói dối. Trả giá bằng ba năm tù, lời khai của Cohen lúc này thành bom tấn khi ông thú nhận đã trộm 30.000 USD của Trump Organization. Ông thú nhận rằng ông Trump biết và chỉ đạo toàn bộ vụ bịt miệng Daniels, rằng ông nhận huấn thị trực tiếp từ chủ nhân 20 lần.
Niềm hy vọng Costello và bản thân Blanche, luôn kè kè bị cáo, thế là hụt một bước. Sau bốn tuần với lời khai của nhân chứng cuối cùng, Costello, bên bào chữa “đã thành công trong tố cáo chính mình ”, James Sample, giáo sư luật tại Đại học Hofstra tổng kết như vậy với The Atlantic. Số phận cựu tổng thống, tuy thế, tùy thuộc tiếng nói quyết định của hội thẩm nhân dân New York tuần tới.
JOE BIDEN KHẲNG ĐỊNH KHÔNG ĐƯA QUÂN ĐẾN UKRAINE

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, ông không có ý định điều quân đội đến Ukraine mặc dù một số nước châu Âu để ngỏ phương án này.
"Không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine. Tôi quyết tâm giữ nguyên điều đó, nhưng chúng tôi vẫn luôn sát cánh cùng Ukraine. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Học viện Quân sự West Point ngày 25/5.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng cho rằng, Nga sai lầm khi cho rằng NATO sẽ tan vỡ do xung đột ở Ukraine. "Thay vào đó, liên minh quốc phòng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết", ông Biden nói.
Đầu năm nay, sau cuộc họp với hơn 20 lãnh đạo thế giới ở Paris về tình hình Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay, họ đã bàn đến kịch bản đưa quân vào Ukraine. Ông nhấn mạnh, mặc dù chưa đạt được đồng thuận về ý tưởng đó, song phương Tây không loại trừ bất cứ kịch bản nào.
Tuy vậy, Mỹ và một số nước đồng minh như Đức đã lập tức bác bỏ ý tưởng đưa lực lượng quân sự vào Ukraine do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Giới chức chính quyền Tổng thống Biden nêu rõ, Mỹ sẽ duy trì cách tiếp cận trước đây, nghĩa là tập trung hỗ trợ vũ khí và huấn luyện quân sự cho quân đội Ukraine.
Hôm 20/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết, Washington sẽ tiếp tục chuyển vũ khí cho Ukraine. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, vũ khí được bố trí sẵn ở châu Âu đã bắt đầu được chuyển vào Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ phủ nhận việc giúp Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói: "Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép các cuộc tấn công bằng hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp nhằm vào bên trong lãnh thổ Nga. Đó là chính sách không thay đổi".
Nguồn: Vnexpress; CafeF; Báo Tin Tức; Soha; Dân Trí
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá