Mỹ: Cuộc chiến Tesla & Toyota; 'Pháo đài' chặn xe điện TQ; 'Soi' quỹ tài sản Trung Đông; 'Đùa với lửa'; IPEF xoay trục châu Á

'Cuộc chiến' mới giữa Tesla và Toyota

Tham vọng xe chạy hoàn toàn bằng điện của Elon Musk đang bị thách thức bởi nỗ lực tăng tốc xe lai xăng - điện (hybrid) của Toyota.

Một năm trước, cuộc tranh luận giữa xe điện và xe hybrid dường như đã ngã ngũ. Nhưng giờ đây, tầm nhìn của Elon Musk về tương lai xe điện đang bị thách thức một lần nữa bởi kế hoạch xe hybrid của Toyota.

CEO Tesla Elon Musk muốn xe điện sẽ thay thế hẳn cho xe xăng, với mục tiêu sản lượng hàng năm vượt Toyota để thành nhà sản xuất ôtô bán chạy nhất thế giới năm 2030. Mặc dù mục tiêu đó còn xa vời nhưng ông đã đạt được một số thành công. Ở Mỹ, dòng sản phẩm cỡ nhỏ của Tesla đã vượt qua vài mẫu bán chạy nhất của Toyota.

Thực tế, Toyota đã giới thiệu mẫu sedan Prius cách đây hơn 20 năm, giúp phổ biến công nghệ hybrid, kết hợp pin với động cơ xăng để nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Nhưng công nghệ này dường như sắp bị quên lãng khi doanh số xe hybrid sụt giảm năm ngoái và doanh số bán xe điện tăng 65%, một dấu hiệu cho những người đặt cược rằng kỷ nguyên xe thuần điện đang bắt đầu. "Đã đến lúc chia tay xe hybrid", Musk viết trên Twitter vào năm ngoái.

Trong lúc xu hướng xe điện thịnh hành, được các nhà đầu tư ủng hộ thì rất ít người xem xe hybrid là một đối thủ thực sự của Tesla. Một số nhà đầu tư đã cố gắng lật đổ Chủ tịch Toyota Akio Toyoda vì chiến lược phòng ngừa rủi ro khi phân bổ đầu tư vào xe hybrid, xe điện và các công nghệ khác.

Tuy nhiên, họ không thành công và ông Akio Toyoda kiên quyết cảnh báo rằng cách tiếp cận hoàn toàn bằng xe điện - như vài đối thủ đang chạy đua để bắt kịp Tesla - không phải là điều mà nhiều khách hàng muốn hoặc đã sẵn sàng. Nhiều tháng sau, khi Ford và General Motors rút lại kế hoạch sản xuất xe điện, Toyoda có vẻ hả hê. "Mọi người cuối cùng cũng nhìn thấy thực tế", ông nói vào tháng trước.

Có lý do thực tế để ông Akio Toyoda đánh giá như vậy. Tại Mỹ, cả hai thương hiệu Toyota và Lexus cung cấp 26 lựa chọn xe điện - gồm xe hybrid, xe thuần điện và các xe công nghệ khác. Nhóm sản phẩm này chứng kiến doanh số tăng 20% trong 3 quý đầu năm nay, đạt 455.000 chiếc.

David Christ, Phụ trách thương hiệu Toyota ở Bắc Mỹ, cho biết xu hướng điện khí hóa trong ngành ôtô đã phần nào đưa xe hybrid trở thành xu hướng chủ đạo. "Nó thực sự đã bùng nổ", ông nhận xét.

Việc thuyết phục khách hàng mua xe hybrid cũng khá đơn giản. Những chiếc xe này thường rẻ hơn so với xe chạy hoàn toàn bằng điện. Xe lai cũng có hiệu suất tốt hơn so với một chiếc xe truyền thống mà không gặp những phiền phức về vấn đề sạc như xe thuần điện.

Theo đó, lượng người mua xe hybrid đã tăng vọt năm nay, một phần nhờ sự thành công của các sản phẩm mới từ Toyota và thương hiệu hạng sang Lexus.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh số xe điện ở Mỹ đã chậm lại đang thử thách canh bạc của Musk. Tesla không công bố kết quả bán hàng riêng lẻ tại Mỹ. Trong bối cảnh bán hàng nhìn chung khó khăn, Musk cam kết thúc đẩy doanh số năm nay. Tất nhiên, cái giá phải trả là lợi nhuận của công ty giảm 44% trong quý III.

Theo Strategic Vision, chuyên khảo sát những người mua mới, lượng khách hàng mới lớn nhất của Tesla đến từ Toyota. Tại Mỹ, 8% khách mua Tesla là chuyển từ người dùng xe Toyota. Alexander Edwards, Chủ tịch của Strategic Vision, cho biết Tesla đang "cướp" doanh số bán hàng từ Toyota nhưng họ phải giảm giá mạnh để làm được điều này. "Toyota thì vẫn giữ nguyên giá và cho phép các đại lý tăng giá sản phẩm", ông nói.

Tuyến đầu của cuộc chiến về giá này là ở California, nơi nỗ lực giảm giá của Tesla khiến giá của một chiếc sedan Model 3 cơ bản, đã bao gồm cả các khoản giảm thuế liên bang và bang, rẻ hơn giá khởi điểm đề xuất của một chiếc Camry. Nhờ vậy, Tesla đang vượt qua vị trí dẫn đầu của Toyota về thị phần tại bang này.

Trên toàn quốc, doanh số bán xe crossover Model Y của Tesla đã vượt qua Camry trong 9 tháng và chỉ kém chiếc xe bán chạy nhất của Toyota tại Mỹ - chiếc crossover RAV4 - chưa đến 7.000 xe, theo ước tính của Motor Intelligence.

Musk từ lâu đã không ưa xe hybrid - mặc dù Toyota đã giúp Tesla một khoản đầu tư và thỏa thuận cho nhà máy lắp ráp đầu tiên của hãng. Ông từng nhận định rằng xe thuần điện mới là con đường thực sự bền vững. Trong khi một chiếc xe lai cuối cùng sẽ không tối ưu bằng xe chạy xăng hay xe điện thuần túy.

Về phần mình, Toyota đang tăng cường gấp đôi chiến lược hybrid. Tháng này, tại một sự kiện ở Malibu, California, Toyota thông báo rằng lần đầu tiên Camry - mẫu sedan bán chạy nhất tại Mỹ - sẽ chỉ được cung cấp dưới dạng hybrid khi thế hệ tiếp theo có mặt tại các showroom vào mùa xuân tới.

David Christ của Toyota Bắc Mỹ cho biết trong vài năm qua khi công ty bán một mẫu xe nhưng có nhiều lựa chọn động cơ - đốt trong hoặc hybrid - thì trong hầu hết trường hợp động cơ hybrid được bán hết trước và khách hàng ưa chuộng hơn. "Điều đó khiến chúng tôi tin rằng khách hàng có xu hướng đã sẵn sàng và sẵn lòng sử dụng xe hybrid", ông nói.

Ngoài ra, lý do khác khiến Toyota hứng thú với xe hybrid là những cải tiến ngày nay giúp họ có thể cải thiện hơn về chi phí và hiệu suất.

Khi Toyota bắt đầu phổ biến công nghệ hybrid cho các loại xe ngoài Prius, chi phí còn rất cao. Ví dụ, năm 2005, mẫu xe hybrid Highlander có giá cao hơn gần 10.000 USD so với phiên bản xe xăng cơ bản. Đó là chưa kế nó còn phải hy sinh hiệu suất, tức khách hàng phải trả nhiều tiền hơn cho chiếc xe hiệu suất kém hơn.

Nhưng ngày nay, điều đó đã thay đổi. Toyota chưa cho biết Camry mới sẽ có giá bao nhiêu, nhưng phiên bản hybrid hiện tại có giá cao hơn phiên bản xe xăng cơ bản chỉ 2.500 USD. Trong khi, Toyota hứa hẹn mẫu hybrid mới sẽ có nhiều mã lực hơn phiên bản cơ bản hiện tại.

Mỹ dựng "pháo đài" chặn xe điện Trung Quốc

Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang chinh phục hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới bằng xe điện giá hợp túi tiền nhưng lại vắng bóng ở Mỹ.

Washington đã dựng pháo đài ngăn chặn xe điện từ Trung Quốc. Trong khi ông Trump áp thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Biden đi xa hơn với việc không cho đối phương hưởng ưu đãi có thể đem đến mức giảm giá hàng nghìn USD cho người tiêu dùng.

Những bước đi ấy khiến các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc gần như không thể cạnh tranh tại thị trường Mỹ, dù họ đã nhanh chóng thâm nhập các thị trường khác.

Nhưng một số quan chức Mỹ cho rằng ngay cả những rào cản thương mại ấy cũng chưa chắc đã đủ chặn đà tiến của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc. Quan chức Mỹ cho rằng những khoản trợ cấp lớn của chính phủ đã cho phép nhà sản xuất Trung Quốc bán xe điện ở mức giá thấp không công bằng.

"Trung Quốc quyết tâm thống trị thị trường xe điện bằng cách sử dụng các biện pháp thương mại không công bằng, nhưng tôi sẽ không để họ làm vậy", Ông Biden nói với các công nhân công đoàn ôtô ở Illinois hồi đầu tháng 11.

Gã khổng lồ Trung Quốc

Trung Quốc đang trên đà trở thành nước xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới trong năm nay, thay thế Nhật Bản.

Theo các công ty, Trung Quốc đã sản xuất khoảng 2/3 tổng số xe điện trên toàn cầu. BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc đã sản xuất 1,9 triệu xe vào năm ngoái, lớn hơn 1,4 triệu chiếc của Tesla.

"Hãy tưởng tượng con quái thú Godzilla thời hiện đại với sức mạnh có thể vượt qua và tiêu diệt bất cứ thứ gì cản đường nó", Michael Dunne, Giám đốc điều hành ZoZo Go, công ty tư vấn chuyên về ngành xe điện Trung Quốc.

Ông Dunne nói xe điện Trung Quốc đã thâm nhập vào hơn 100 quốc gia. "Thị trường duy nhất mà người Trung Quốc chưa thực sự phát động cuộc tấn công lớn là ngay tại Mỹ", ông nói.

Một số nhà lập pháp và nhà hoạch định chính sách Mỹ muốn hiện trạng được giữ nguyên như vậy. Họ đang kêu gọi chính quyền ông Biden đẩy mạnh thuế quan đối với ôtô Trung Quốc.

"Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nhà sản xuất Trung Quốc có thể chịu được mức thuế bổ sung 25%", các thành viên của Ủy ban Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc viết trong thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trong tháng 11.

Tuy nhiên, mức thuế quan cao hơn đối với xe điện Trung Quốc chưa chắc đã là điều tốt với các nhà sản xuất ôtô Mỹ.

Một mặt, họ muốn chính phủ Mỹ làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc. Nhưng họ cũng lo ngại khả năng Trung Quốc trả đũa vì nước này đại diện cho thị trường lớn thứ hai cho xe thương hiệu Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn thống trị chuỗi cung ứng cho pin xe điện toàn cầu, gồm cả các khoáng chất cần thiết cho hoạt động sản xuất pin. Các nhà sản xuất ôtô Mỹ chắc chắn sẽ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ấy khi tăng cường sản xuất xe điện, theo John Bozzella, người đứng đầu Liên minh Đổi mới Ôtô, một hiệp hội doanh nghiệp.

"Trung Quốc đã khởi đầu sớm hơn từ 10 đến 15 năm trong ngành công nghiệp xe điện", ông Bozzella nói.

Chỉ là vấn đề thời gian?

Một trong các mục tiêu nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc là châu Âu. Mẫu SUV Atto 3 nổi tiếng của BYD, mẫu xe bán chạy nhất toàn cầu, được chào bán với giá tương đương khoảng 43.000 USD. Trong khi đó giá bán xe điện trung bình tại Mỹ là 53.469 USD trong tháng 7, theo Cox Automotive.

Liu Pengyu, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết chính sách của Mỹ đã phân biệt đối xử với ngành công nghiệp xe điện của các nước khác, làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng.

Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang chuẩn bị lắp ráp xe điện ngay tại Mỹ hoặc ở các nước xung quanh để tránh thuế quan.

Polestar, thương hiệu xe điện hạng sang thuộc sở hữu của nhà sản xuất ôtô Geely của Trung Quốc và Volvo, dự định bắt đầu sản xuất tại Nam Carolina, Mỹ vào năm tới. Một nhà sản xuất ôtô khác của Trung Quốc, Chery, đang xây dựng nhà máy ở Mexico.

Giới phân tích đánh giá hoạt động xuất khẩu của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh hơn nữa vì các công ty này đã xây dựng được năng lực sản xuất xe và pin khổng lồ.

Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, chỉ ra rằng Trung Quốc có khả năng sản xuất khoảng 10 triệu ôtô sau khi đáp ứng nhu cầu 26 triệu ôtô mỗi năm của thị trường trong nước.

Nhưng liệu thế giới có thể hấp thụ hết lượng sản xuất đó hay không vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

"Tất cả các dấu hiệu cho thấy thị trường của chúng ta có khả năng bị nhấn chìm đều đã xuất hiện", bà Cutler nói.

Mỹ ‘soi’ các quỹ tài sản Trung Đông vì quan hệ với Trung Quốc

Các quỹ tài sản ở Trung Đông đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh Washington ngày càng cảnh giác với những khoản đầu tư liên quan đến Trung Quốc, Bloomberg dẫn lời những người nắm được tình hình cho biết.

Trong năm nay, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) kiểm tra một số khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la Mỹ vì lo ngại chúng có thể gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia. Những nguồn tin giấu tên cho biết, các quan chức trong nội các Mỹ đang xem lại gần chục thương vụ mua lại của các quỹ như Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi, Công ty Đầu tư Mubadala và Quỹ Đầu tư công của Ả-rập Xê-út.

Dù Mỹ vẫn là nơi thu hút đầu tư của các quỹ tài sản lớn nhất Trung Đông, nhưng Trung Quốc đang nổi lên như một điểm đến ngày càng hấp dẫn. Theo hãng tư vấn Global SWF, giá trị các thương vụ mua lại và đầu tư của các quỹ vùng Vịnh vào Trung Quốc năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng mạnh so với khoảng 100 triệu USD năm ngoái. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Trung Đông, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Riyadh vào tháng 12 năm ngoái.

“Một khu vực mà chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự nhạy cảm ngày càng lớn là các quốc gia vùng Vịnh. Chúng tôi thấy CFIUS bắt đầu đặt nhiều câu hỏi hơn”, Stephenie Gosnell Handler, đối tác của hãng luật đa quốc gia Gibson Dunn, trụ sở tại Washington, phát biểu tại một hội hội thảo trực tuyến gần đây.

Những người nắm được tình hình cho biết, trong những tháng gần đây, các quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại rằng công nghệ, cơ sở hạ tầng và dữ liệu quan trọng đến UAE có thể rơi vào tay Bắc Kinh. Mỹ đặc biệt chú ý đến Abu Dhabi, nơi những quyết định về an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và đầu tư quốc tế đều do một số ít thành viên của hoàng gia quyết định.

Các nguồn tin cho biết, CFIUS yêu cầu quyền tiếp cận sổ sách nội bộ của một số quỹ vùng Vịnh để xoa dịu lo ngại của Mỹ, nhưng các tổ chức ở Trung Đông không chấp nhận tiết lộ hồ sơ của họ cho chính phủ nước ngoài.

Theo tin của Bloomberg , kế hoạch của Mubadala về việc mua cổ phần của công ty quản lý đầu tư Mỹ Fortress là một trong những giao dịch đang bị giới chức “soi”. Vì thế, Mubadala định mời một nhà đầu tư Mỹ tham gia để có thể được Washington chấp thuận. Theo Financial Times , thỏa thuận của tập đoàn SoftBank với Fortress cũng bị CFIUS chú ý.

CFIUS là một ủy ban liên ngành do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen làm chủ tịch, với thành viên là nhiều người trong nội các của Tổng thống Biden. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, CFIUS thực hiện mọi hành động cần thiết trong thẩm quyền của mình để bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ.

CFIUS thường xem xét kỹ lưỡng những giao dịch trong các lĩnh vực mang tính chiến lược.

Là một trong những quỹ đầu tư nhà nước được Abu Dhabi hậu thuẫn, Mubadala đang tăng cường các hoạt động tại Trung Quốc. G42, công ty đi đầu trong nỗ lực của UAE nhằm theo đuổi trí tuệ nhân tạo (AI), đã chiêu mộ một cựu giám đốc điều hành của hãng thương mại điện tử Trung Quốc JD.com vào làm cho quỹ công nghệ trị giá 10 tỷ USD của mình và đã thành lập một chi nhánh ở Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.

Quỹ Mubadala của Abu Dhabi đóng vai trò cổ đông của G42 và thuộc quyền điều hành của Cố vấn an ninh quốc gia UAE Sheikh Tahnoon Bin Zayed Al Nahyan. Đế chế kinh doanh của ông Tahnoon Bin Zayed Al Nahyan bao gồm công ty đầu tư Royal Group, quỹ tài sản ADQ và tập đoàn đầu tư ADIA trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Các quan chức vùng Vịnh cho biết, nỗ lực của họ ở Trung Quốc không nhằm mục đích thay thế Mỹ trở thành đối tác đầu tư chính. Mặc dù vậy, mối quan hệ của những tổ chức này với Bắc Kinh khiến Washington lo ngại, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang siết chặt giám sát các khoản đầu tư đến và đi từ Trung Quốc.

Tháng trước, một uỷ ban của Hạ viện Mỹ về Trung Quốc tìm kiếm thông tin về những khoản đầu tư của quỹ mạo hiểm Sequoia Capital vào các công ty trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và điện toán lượng tử ở Trung Quốc. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng những mối quan hệ đối tác của Sequoia Capital ở Trung Quốc, bao gồm với ByteDance, là “có vấn đề”.

Lầu Năm Góc đang "đùa với lửa"?

Trí tuệ nhân tạo (AI) do Lầu Năm Góc phát triển đã được thử nghiệm trong máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm.

Sáng kiến AI của Mỹ còn được thử nghiệm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, giúp theo dõi thể lực binh sĩ, dự đoán thời điểm máy bay quân sự cần bảo trì cũng như hỗ trợ giám sát máy bay đối phương.

Theo AP, Lầu Năm Góc lên kế hoạch đến năm 2026 sẽ trang bị hàng ngàn phương tiện tự lái được điều khiển hoàn toàn bằng AI. Mục tiêu của Lầu Năm Góc, theo giới chức Mỹ, là "theo kịp Trung Quốc".

Sáng kiến ​​đầy tham vọng kể trên – có tên gọi là Replicator – được triển khai nhằm "thúc đẩy tiến trình đổi mới quân đội, vốn đang diễn ra quá chậm" - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks khẳng định hồi tháng 8. Theo bà Kathleen, mục tiêu cuối cùng của sáng kiến này là đẩy nhanh tốc độ phát triển cho nhiều nền tảng khác, đặc biệt là những nền tảng nhỏ, thông minh, ít tốn kém.

Hiện chưa có nhiều thông tin chính thức về Replicator, song giới chuyên gia nhận định sáng kiến này sẽ mang đến nhiều quyết định khó khăn, nhất là ở khía cạnh vũ khí hóa AI.

Giới khoa học, chuyên gia quân sự và quan chức Lầu Năm Góc đều có chung dự đoán rằng trong vài năm tới, Washington sẽ sở hữu nhiều loại vũ khí tự động hoàn toàn, có tính sát thương cao.

Mặc dù giới chức khẳng định con người sẽ luôn nắm quyền kiểm soát, không ít chuyên gia nhấn mạnh những tiến bộ về tốc độ xử lý dữ liệu và giao tiếp giữa máy móc với máy móc chắc chắn sẽ đẩy con người xuống vai trò giám sát.

Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra nếu vũ khí sát thương được triển khai hàng loạt trong các phi đội máy bay không người lái (UAV). Nhiều quốc gia đang nghiên cứu sử dụng AI theo hướng này và cả Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ lẫn Pakistan đều chưa ký cam kết do Mỹ khởi xướng về việc sử dụng AI trong quân sự một cách có trách nhiệm.

Cuộc cách mạng AI được dự đoán là sẽ làm thay đổi hoàn toàn các cuộc xung đột trong tương lai.

Một lĩnh vực mà AI đang hỗ trợ theo dõi các mối đe dọa tiềm ẩn là không gian, mặt trận mới nhất trong cạnh tranh quân sự.

Tại Ukraine, AI do Lầu Năm Góc và các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cung cấp đang hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

NATO chia sẻ thông tin tình báo từ dữ liệu thu từ vệ tinh, máy bay không người lái và con người, một số được tổng hợp bằng phần mềm của nhà thầu Mỹ Palantir.

AI cũng đã giúp Nhóm Hỗ trợ An ninh-Ukraine (do Mỹ thành lập) giải quyết thách thức hậu cần đến từ hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine.

Từ Tokyo đến San Francisco: IPEF giúp Mỹ xoay trục châu Á?

Kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017, thế giới băn khoăn về khả năng nước này từ bỏ chính sách “xoay trục châu Á” vốn biết đến rộng rãi kể từ thập niên 2000. Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ bảy trong “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng” (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity – IPEF) diễn ra tại San Francisco vào tháng 11-2023 một lần nữa tái khẳng định châu Á luôn là điểm đến hàng đầu của xứ sở cờ hoa.

IPEF – công cụ mới trong đại chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ

Mỹ được biết đến là một quốc gia hàng đầu trong việc “điều phối” nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập niên qua, bất chấp sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều cường quốc kinh tế khác trên thế giới. Vị trí siêu cường của Mỹ dường như khó có thể bị thay thế, bởi nước này luôn có những chính sách tức thời, phù hợp với từng giai đoạn kinh tế khác nhau.

Sau một khoảng thời gian dài lạnh nhạt, dường như Mỹ đã nhận thấy giá trị của lục địa lớn nhất hành tinh nên đã có những bước tiến quan trọng trong chính sách kinh tế, thương mại tại đây. Ngoài ra, Mỹ xem Trung Quốc là “đối thủ hàng đầu” cần “bao vây” để tầm ảnh hưởng cũng như lợi ích của Mỹ tại châu Á được bảo hộ một cách tối ưu nhất.

Tháng 5-2022, tại Tokyo (Nhật Bản), Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên công bố IPEF với sự tham gia của nhiều quốc gia như Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – chiếm khoảng 40% GDP và 28% thương mại toàn cầu. Có thể thấy, Mỹ sẽ không quay lại TPP (nay là CPTPP) vì nhiều lý do, trong đó phải chăng có lý do Trung Quốc xin gia nhập khối này nên khiến Mỹ không còn mặn mà và dè chừng. Do đó, IPEF xuất hiện “đúng lúc và đúng người” cũng như đúng phương hướng hoạt động của Mỹ trong thập niên thứ ba của thế kỷ 21.

Mỹ đã có những tính toán quan trọng khi “mời gọi” các quốc gia trên tham gia IPEF. Ấn Độ dường như đã kiểm soát hầu hết khu vực Ấn Độ Dương; eo biển Malacca do Singapore chi phối; Việt Nam có nhiều lợi thế tại khu vực Biển Đông; Nhật Bản và Hàn Quốc kiểm soát một phần khu vực Đông Á… Chính những yếu tố này đã tạo nên một trục kinh tế mới: trục Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đóng góp một phần quan trọng vào quá trình thực hiện đại chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ diễn ra từ nhiều năm qua.

Đây cũng có thể được xem là vành đai “bao vây” Trung Quốc đến từ xứ cờ hoa, hậu thương chiến Trung – Mỹ hồi năm 2018. IPEF là một loại “khí tài” khi hội tụ đầy đủ nhân lực và tài lực giúp Mỹ kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc. Mỹ có thể từng thờ ơ với châu Á nhưng Mỹ chưa bao giờ từ bỏ lục địa “đắt giá” này. Mỹ hiểu rằng Trung Quốc đã và đang thống trị mặt trận kinh tế châu Á cũng như dần xây dựng tầm ảnh hưởng ở một số khu vực khác trên thế giới, “đe dọa” soán ngôi cường quốc hàng đầu của Mỹ.

Chính vì vậy, IPEF một mặt nhằm thúc đẩy kinh tế các nước tham gia cùng nhau phát triển và hội nhập, một mặt là công cụ mới trong đại chiến lược “xoay trục châu Á” mà Mỹ thực thi trong nhiều năm qua nhằm kiểm soát và cạnh tranh với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ tại khu vực. Mỹ phải nắm thế thượng phong tại châu Á thì mới có thể ngăn cản bước tiến của đối thủ và bảo vệ chắc chắn ngôi vương của mình trên thương trường thế giới.

Có thể nói, châu Á là mặt trận kinh tế trọng điểm, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là phòng tuyến, IPEF là “khí tài” hỗ trợ tích cực cho Mỹ từng bước hoàn thành mục tiêu của đại chiến lược “xoay trục châu Á”.

Những trụ cột tạo nên IPEF

IPEF điều chỉnh các vấn đề mà trước đây tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các liên kết kinh tế khác chưa thể giải quyết triệt để. IPEF hoạt động dựa trên sự đổi mới, chấp nhận thay đổi tư duy cũ, hướng đến tư duy mới nhằm phát triển kinh tế cộng sinh một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Bốn trụ cột chính tại IPEF bao gồm: (1) Thương mại (Trade), (2) Chuỗi cung ứng (Supply Chains), (3) Kinh tế sạch (Clean Economy), (4) Kinh tế công bằng (Fair Economy). Theo quan điểm mà Mỹ đưa ra, mỗi trụ cột sẽ đáp ứng từng mục tiêu, hướng đến những giá trị nhất định của trục kinh tế mới.

Trụ cột “Thương mại” hướng đến mục tiêu xây dựng một nền “Kinh tế kết nối” (Connected Economy) từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương thông qua nhiều điểm dừng chân chiến lược. Thương mại là trụ cột không mới nhưng quan trọng đối với bất kỳ diễn đàn, FTA hay khối liên kết kinh tế nào giữa các nước trên thế giới. Thương mại bao gồm nhiều yếu tố quen thuộc: lao động, môi trường, thương mại kỹ thuật số…

Mỹ xem trụ cột thương mại là bàn đạp trong việc “kết nối” các quốc gia trong khuôn khổ IPEF thành một nền kinh tế thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ và kinh tế thế giới được nhận định là một “nền kinh tế kỹ thuật số”. Sự phát triển công nghệ kéo theo nhiều quan ngại về dữ liệu, do đó làm thế nào để bảo hộ dữ liệu, bảo hộ tài sản trí tuệ là một số vấn đề được Mỹ đề cao thông qua IPEF.

Trụ cột “Chuỗi cung ứng” hướng đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế kiên cường (Resilient Economy). Nói một cách đơn giản, Mỹ dùng trụ cột chuỗi cung ứng nhằm tránh “phá giá” và hạn chế “đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa” sau thương chiến Trung – Mỹ và đại dịch Covid-19. Mỹ cần tìm kiếm và kiểm soát lưu lượng cũng như giá thành hàng hóa từ châu Á đến Mỹ – một sự thay thế sau khi “cạch mặt” Trung Quốc.

Sự phát triển kinh tế gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, do đó, trụ cột về “Kinh tế sạch” được điều chỉnh tại khuôn khổ IPEF. Mỹ thông qua IPEF nhằm xây dựng một nền kinh tế sạch (Clean Economy), đặc biệt là giải quyết vấn đề khí thải carbon, năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trụ cột này đối với một số quốc gia trong khuôn khổ IPEF cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng vì tiềm lực có thể chưa đáp ứng đầy đủ để thực thi các yêu cầu trụ cột “Kinh tế sạch” đề ra, mà biến thành quốc gia chứa khí thải carbon cho nước khác thông qua cơ chế “mua bán carbon”.

Từ trước đến nay, Mỹ luôn đề cao một nền “Kinh tế công bằng” (Fair Trade) theo “quan điểm của Mỹ”. Có thể hiểu một nền kinh tế công bằng dưới góc nhìn của Mỹ là một nền kinh tế không xâm phạm lợi ích của nước này. Chẳng hạn như không lấy mất “việc làm” của Mỹ, người lao động của nước này phải được bảo hộ… (trường hợp tại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một minh chứng điển hình xoay quanh “Fair Trade” trong quan điểm của Mỹ). Khi tham gia vào một liên kết kinh tế có sự tham gia của nhiều quốc gia khác nhau thì việc đề cao sự công bằng là điều cần thiết, IPEF cũng hướng đến mục tiêu lý tưởng là xây dựng một nền kinh tế công bằng cho các thành viên.

Bốn trụ cột trên liệu có tạo nên một IPEF thành công hay không? Có bao vây được Trung Quốc hay không? Có giúp Mỹ hoàn thành mục tiêu trong đại chiến lược “xoay trục châu Á” hay không là những câu hỏi sẽ có đáp án trong thời gian sắp tới.

Từ Tokyo đến San Francisco: viễn cảnh cho Mỹ và IPEF

Người ta thường đặt ra câu hỏi tại sao Mỹ lại quan tâm nhiều đến những nền kinh tế bên kia bán cầu, cách nước Mỹ hàng ngàn cây số. Có thể thấy, từ sau Thế chiến thứ hai, Mỹ dường như thống lĩnh thế giới trên mặt trận quân sự và mặt trận kinh tế. Độ nhận diện của Mỹ trải dài từ Tây sang Đông, tầm ảnh hưởng về chính trị, quân sự và đặc biệt kinh tế là điều không cần bàn cãi. Châu Á cần Mỹ và Mỹ cũng cần châu Á cho những mục tiêu riêng của mình. Đây là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi, trước mắt Mỹ đã có những lợi ích (vì vốn dĩ nước này luôn đặt lợi ích quốc gia trên hết khi đưa ra những chính sách thương mại quốc tế).

Bên thềm APEC, Mỹ đăng cai tổ chức vòng đàm phán thứ 7 tại San Francisco từ ngày 5 đến 12-11-2023, một bước tiến mới của IPEF sau hơn một năm xuất hiện. Thương mại, kinh tế sạch và kinh tế công bằng là ba trụ cột sẽ được các bộ trưởng xem xét tiến độ đàm phán và cùng thảo luận một số tiêu chuẩn cao tại vòng đàm phán này.

Có thể thấy rằng, Mỹ dường như thực sự quan tâm và đề cao IPEF khi thúc đẩy nhanh chóng khuôn khổ kinh tế này để giải quyết những thách thức còn tồn tại trong thương mại Mỹ cũng như các nền kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (bề nổi) và kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực (bề chìm).

Đồng thời, hơn hết là hoàn thành mục tiêu “xoay trục châu Á” – một đại chiến lược mà Mỹ đặc biệt dành sự quan tâm hàng đầu trong những thập niên qua. Hy vọng rằng, sau vòng đàm phán San Francisco, IPEF sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nữa, đáp ứng đầy đủ các mục tiêu đề ra, vì sự thịnh vượng chung của các nền kinh tế.

Nguồn: Vnexpress; Dân Trí; CafeF; Soha; The Saigon Times

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang