Mỹ: Cú sốc đầu đời; Thị trường việc làm khốc liệt; Biden trấn an thế giới; Đàm phán trần nợ công; 'Mỏ vàng' mới của Apple

Cú sốc đầu đời của một phần nước Mỹ: Thiếu TikTok, nhiều người mất 70% thu nhập, bị cô lập với phần còn lại của thế giới

(Ảnh minh họa).

Cám cảnh cuộc sống các KOLs Montana sau lệnh cấm TikTok.

Isaac, KOLs có tầm ảnh hưởng trên TikTok ở Montana, vừa có lời bộc bạch với 456.300 người theo dõi:

“Năm 2023 có thể là năm cuối cùng các bạn nhìn thấy tôi trên TikTok. Nếu vẫn thích kênh của tôi, đừng lo, tôi đã liên kết với Youtube và bắt đầu xây Instagram vào mùa hè này”.

Isaac chỉ là một trong rất nhiều những KOLs gặp cám cảnh sau lệnh cấm TikTok đường đột của thống đốc Greg Gianforte - người mới đây vừa ký ban hành luật (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2024) đưa Montana trở thành bang đầu tiên ở Mỹ cấm toàn diện ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc.

Lệnh cấm Montana sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1, cấm TikTok hoạt động trong Treasure State và loạt các cửa hàng ứng dụng, chẳng hạn như Google Play và Apple Store. TikTok và các cửa hàng ứng dụng sẽ phải chịu phạt 10.000 USD/ngày nếu vi phạm luật. Người dùng TikTok cá nhân sẽ không bị phạt.

Quá bức xúc, một nhóm người dân Montana đã đệ đơn kiện, cho rằng lệnh cấm vi phạm quyền theo Hiến pháp. “Ông Gianforte đã ký một dự luật vi phạm quyền của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp”, một phát ngôn viên của TikTok cho biết trong một tuyên bố.

“Với lệnh cấm này, Thống đốc Gianforte và cơ quan lập pháp Montana đã chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người Montana, những người sử dụng TikTok để thể hiện bản thân, lấy thông tin và điều hành doanh nghiệp nhỏ của họ”, Giám đốc chính sách địa phương của ACLU, Keegan Medrando, cho biết trong một tuyên bố.

Trên TikTok, rất nhiều người cũng bày tỏ sự bối rối trước lệnh cấm của Montana, cho rằng nó đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận của họ và không tôn trọng thời gian, công sức mà những người sáng tạo nội dung đã bỏ ra cho nền tảng. Một số cho rằng lệnh cấm sẽ không giải quyết được các vấn đề an ninh của Mỹ bởi Montana không phải là bang đông dân, cũng không nhiều nhân vật quan trọng dễ bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc.

“Khối lượng công việc, thời gian, nỗ lực mà mọi người đã bỏ ra khiến lệnh cấm như kiểu tiến 1 bước lùi 2 bước vậy”, Lilxlunatic, một người có tầm ảnh hưởng với 20.000 lượt theo dõi TikTok cho biết. “Tôi hiểu TikTok được tạo ra bởi Trung Quốc, nhưng thực tế là tất cả thông tin của chúng tôi đều đã được sàng lọc qua nhiều lớp lang ở Mỹ. TikTok của chúng tôi hoàn toàn khác với TikTok của Trung Quốc”.

“Tôi nghĩ thống đốc của chúng tôi hơi ngớ ngẩn”, Christian Poole, một người có ảnh hưởng với 418.500 người theo dõi, cho biết.

Sự “ngớ ngẩn” đã khiến những KOLs kiếm tiền nhờ TikTok phải “ngẩn ngơ” bởi với họ, mất TikTok đồng nghĩa với mất thu nhập. Câu chuyện về Nelson là ví dụ điển hình.

Được biết TikTok đã trở thành công việc toàn thời gian của Nelson trong khoảng 1 năm kể từ khi cô bỏ công việc huấn luyện viên thể hình. Hiện tại, cô gái này đã có hơn 200.000 người theo dõi.

“Có lẽ 70% thu nhập của tôi đến từ TikTok”, Nelson nói, sau đó ước tính mình kiếm được từ 30.000 đến 40.000 USD/năm nhờ nền tảng. Hàng chục nghìn USD đầu tư cho các khóa học và huấn luyện giúp phát triển công việc kinh doanh đã hóa mây bụi ngay sau khi lệnh cấm có hiệu lực. “TikTok là một nền tảng khám phá có thuật toán mạnh mẽ”.

Ashley và Brittany Luly - cặp song sinh có hơn 500.000 người theo dõi trên TikTok cùng chung quan điểm. Đây không phải công việc toàn thời gian, song cũng giúp hai chị em kiếm được khoản tiền kha khá mỗi tháng, thường là 6.000 USD/video.

Còn đối với Nicole O’Shea, mất TikTok gần như đồng nghĩa với mất việc làm. Cô chuyên được các thương hiệu trả tiền để sáng tạo video quảng cáo sản phẩm.

“Tôi phải xây dựng lại mọi thứ từ đầu. Tôi sẽ không thể kiếm tiền dễ dàng nếu không có TikTok”, Nicole nói, đồng thời cho biết trung bình cô kiếm được khoảng 3.500 USD/tháng khi làm nội dung cho TikTok. “Tôi là một người Montana tuân thủ luật pháp và việc không dùng TikTok nữa khiến tôi mất rất nhiều thu nhập, mất cả khả năng chu cấp cho các con”.

Crissy Thomas, 38 tuổi, ban đầu nghĩ TikTok chỉ là một ứng dụng dành cho các video hài hước, song sau đó nhanh chóng nhận ra giá trị của nền tảng trong cuộc sống. Chủ trang trại chăn nuôi bò thịt này hiện có một lượng khán giả nhỏ dưới 5.000 người theo dõi, không sử dụng TikTok để kinh doanh, song hiểu rằng lệnh cấm vẫn sẽ tác động phần nào đó đến mình.

“Chúng tôi bị cô lập với phần còn lại của thế giới”, Crissy Thomas nói.

Trước đó, luật pháp Montana viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia làm cơ sở để cấm TikTok. Một số quan chức chính quyền ông Joe Biden và các thành viên Quốc hội cũng n ói rằng chính phủ Trung Quốc có thể ra lệnh cho công ty mẹ của TikTok, ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ hoặc phát tán tuyên truyền sai lệch. Đáp lại, TikTok khẳng định kịch bản trên chưa bao giờ xảy ra, đồng thời đề xuất một kế hoạch trị giá 1,5 tỷ USD nhằm ngăn chặn các hoạt động tại Mỹ khỏi Trung Quốc.

(Nguồn: Đọc Báo)

Thị trường việc làm khốc liệt tại Mỹ: Nhân viên văn phòng điêu đứng, nghề lao động tay chân lại gặp thời

Có được một vị trí “tạm ổn định” tại một tập đoàn Mỹ là ước mơ của nhiều người trong thời gian này.

Trong vài năm qua, rất nhiều nhân viên văn phòng bị sa thải do tình trạng tuyển dụng ồ ạt hậu Covid và lãi suất tăng. Theo các giám đốc điều hành và các nhà kinh tế tại Mỹ, có thể sẽ không còn ai muốn tuyển lại vị trí của họ nữa, hay nói cụ thể hơn là công việc của họ sẽ “biến mất” luôn.

Robot bắt đầu đảm nhận các công việc sản xuất tay chân, còn trí tuệ nhân tạo thì được tận dụng trong các công việc lao động trí óc. Và những công cụ này cần sự điều hành của các chuyên viên cao cấp, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn hơn.

Mark Zuckerberg đã nói với các nhân viên sau đợt sa thải mới gần nhất rằng nhiều công việc sẽ không còn nữa vì công nghệ mới đã cho phép Meta hoạt động hiệu quả hơn mà không cần tốn nhiều nhân lực.

Giám đốc điều hành của International Business Machines, Arvind Krishna, gần đây cho biết công ty có thể tạm dừng một số hoạt động tuyển dụng để xem xét, đánh giá loại công việc nào có thể dùng AI hỗ trợ. AI có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân sự nhưng cũng cho phép những nhân viên ở lại có thời gian tập trung vào các đầu việc khác.

Cuối tháng 3, số lượng nhân viên văn phòng thất nghiệp tại Mỹ đã tăng khoảng 150.000 người, theo một phân tích từ Employ America, bao gồm cả những người làm quản lý thuộc ngành nghề về máy tính, kỹ thuật và khoa học.

Các nhà lãnh đạo công ty nói rằng có nhiều lớp quản lý cồng kềnh, vừa quá tải, vừa làm chậm tiến trình ra quyết định. Giám đốc điều hành mới của Lyft, David Risher, dự định trong tháng 5 sẽ cắt giảm số lượng cấp quản lý từ tám xuống còn năm để tinh giản bộ máy. Đối với nhà quản lý cấp trung, rất có thể họ phải từ bỏ đội nhóm của mình và quay trở lại làm một nhân viên bình thường. Đồng thời trong thời gian tới công ty cũng giảm bớt khoảng 1.000 công việc văn phòng trong đợt sa thải mới nhất.

Giai đoạn trước đây, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái do lãi suất cao, tình trạng mất việc làm thường diễn ra ở ngành nhạy cảm nhất với sự thay đổi lãi suất, chẳng hạn như sản xuất và xây dựng.

Sau 14 tháng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất, cơ hội việc làm đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây. Dữ liệu cho thấy số lượng sa thải trong lĩnh vực thông tin đã tăng 88% trong tháng 3 so với một năm trước đó và tăng 55% trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm.

Theo các nhà kinh tế và chuyên gia nhân sự, các công ty hiện đang tập trung vào việc giữ chân nhân viên lao động tay chân, như nhân viên phục vụ nhà hàng, nhân viên kho hàng, tài xế. Ví dụ như Walt Disney dù có sa thải nhân viên nhưng vẫn giữ lại các nhân viên làm dịch vụ như nhân viên tập hóa, nhân phiên phục vụ tài các công viên giải trí.

Theo LinkedIn, nhân viên bán lẻ, bao gồm nhân viên bán hàng và thu ngân, là một trong những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong quý đầu tiên của năm, cùng với y tá và tài xế.

Lật ngược cán cân

Nhân viên văn phòng, hay nhân viên cổ áo trắng (White-collar) được hiểu là những người làm việc có trình độ học vấn cao, có bằng cao đẳng, cử nhân trở lên. Còn nhân viên cổ áo xanh (Blue-collar) thì được xếp vào nhóm lao động tay chân, kiếm được thu nhập thấp hơn. Trước khi Covid bùng nổ, nhu cầu tuyển dụng nhân viên có trình độ đại học vẫn rất cao, vì thế khoảng cách kinh tế ngày một tăng lên.

Tình thế xoay chuyển 180 độ sau Covid, các nghề văn phòng trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm giảm sâu chưa từng thấy, còn tiền lương của những người có thu nhập thấp tăng nhanh nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, xây dựng, giải trí. Sự tăng vọt lần đầu tiên kể từ năm 1980 đã đảo ngược tình trạng mất cân bằng về tiền lương, theo một nghiên cứu của các nhà kinh tế Viện Công nghệ Massachusetts.

Bộ Lao động Hoa Kỳ dự đoán rằng trong số 20 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất cho đến năm 2031, có đến 2/3 sẽ là các công việc lao động tay chân, mức lương của họ rơi vào khoảng 32.000 đô một năm. Các công việc này bao gồm trợ lý chăm sóc sức khỏe tại nhà, trợ lý chăm sóc cá nhân, đầu bếp nhà hàng, nhân viên bán đồ ăn nhanh, nhân viên phục vụ và vận chuyển hàng hóa.

Các ngành nghề văn phòng có triển vọng phát triển tốt nhất gồm nhà phát triển phần mềm, trưởng phòng vận hành, với mức lương 100.000 đô một năm.

(Nguồn: Soha)

Tổng thống Joe Biden trấn an thế giới về bế tắc nợ công của Mỹ

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/5 đã cố gắng gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo thế giới rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ khi ông tham gia cuộc họp với lãnh đạo các nước Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Mang theo hy vọng có thể ngăn chặn được một kết quả có thể làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, Tổng thống Biden đã bắt đầu ngày thứ ba trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản bằng một cuộc họp ngắn thảo luận về các mức nâng giới hạn nợ liên bang.

Các thành viên trong nhóm Bộ tứ ban đầu dự định gặp nhau ở Sydney vào tuần tới. Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi. Thay vào đó, họ đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 để Tổng thống Biden có thể quay lại Washington sớm hơn vào ngày 21/5 với hy vọng hoàn tất thỏa thuận tăng giới hạn vay của Mỹ trước khi chính phủ đến hạn thanh toán các khoản nợ.

Tổng thống Biden tiết lộ bản thân ông cảm thấy có tiến triển trong các cuộc đàm phán với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa.

Phát biểu trước cuộc gặp với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Biden chia sẻ: “Các vòng đàm phán đầu tiên không tiến triển mấy, các vòng thảo luận thứ hai và thứ ba đều như vậy. Nhưng tôi vẫn tin rằng chúng tôi sẽ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ nếu như đưa ra một phương án phù hợp”.

Chuyến công du bị rút ngắn lịch trình đã phản ánh rõ những mối đe dọa đang định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Khi ông nỗ lực để báo hiệu với thế giới rằng Mỹ đang giành lại vai trò lãnh đạo toàn cầu, thì các vấn đề trong nước tiếp tục cản đường trong những giờ phút quan trọng.

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh, đến ngày 20/5, Tổng thống Biden hầu như không xuất hiện trước công chúng. Ông không xuất hiện để phát biểu tuyên bố quan trọng và rời bữa tối sớm trong ngày 19/5. Thay vào đó, ông dành thời gian trong phòng khách sạn, nơi các phụ tá ở Washington liên tục thông báo cho ông về các cuộc đàm phán về giới hạn nợ.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan thừa nhận các nhà lãnh đạo thế giới đã tạo áp lực lên Tổng thống Biden về thực trạng bế tắc nợ ở Washington. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng tình hình vẫn chưa đến mức phải hoảng loạn.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Albanese thay cho chuyến thăm Australia bị hủy bỏ. Các quan chức Mỹ cho biết chuyến đi sẽ được lên lịch lại và Tổng thống Biden đã mời ông Albanese đến thăm cấp nhà nước tại thủ đô Washington, D.C

Trong cuộc họp đầy đủ vào buổi tối với tất cả các nhà lãnh đạo Bộ tứ, Tổng thống Biden đã lên tiếng xin lỗi vì chuyển cuộc họp sang Nhật Bản.

Trong cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận cam kết tăng cường quan hệ đối tác trong việc phát triển các nguyên liệu thô sử dụng trong công nghệ năng lượng sạch. Họ cũng đưa ra một tuyên bố chung phác thảo các lĩnh vực hợp tác mới trong không gian, thương mại và quốc phòng.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Đàm phán trần nợ công Mỹ: Nhà Trắng, đảng Cộng hòa nói không có tiến triển

Cuộc họp thứ nhì vào ngày thứ Sáu 19/5 giữa các nhà đàm phán của Nhà Trắng và của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ về việc tăng trần nợ 31,4 nghìn tỷ đô la của chính phủ liên bang đã kết thúc mà không có tiến triển nào, hai bên cũng không xác định khi nào sẽ họp tiếp.

Tuy Nhà Trắng thừa nhận rằng vẫn còn có "những khác biệt sâu sắc" với đảng Cộng hòa, hiện đang kiểm soát Hạ viện, song Tổng thống Joe Biden nói ông vẫn tin rằng có thể tránh được một vụ vỡ nợ.

“Tôi vẫn tin rằng chúng tôi sẽ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ và chúng tôi sẽ làm được một việc tốt”, ông Biden nói với các phóng viên ở Hiroshima, Nhật Bản, nơi ông đang tham dự hội nghị của các nhà lãnh đạo khối 7 quốc gia giàu có.

Đảng Cộng hòa đến nay vẫn nói rằng họ sẽ không chấp thuận việc tăng giới hạn vay nợ của chính phủ liên bang mà không có thỏa thuận cắt giảm mạnh chi tiêu.

Trưởng đoàn đàm phán của đảng Cộng hòa cho hay đã không đạt được tiến triển nào hôm 19/5.

“Chúng tôi đã thảo luận rất, rất thẳng thắn”, Dân biểu đảng Cộng hòa Garret Graves nói với các phóng viên sau cuộc họp ngắn lần thứ nhì tại Điện Capitol với các quan chức Nhà Trắng.

Ông nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy rằng cần phải đạt được tiến bộ về thay đổi "quỹ đạo" chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ gây ra thâm hụt và nợ tăng nhanh. Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy việc phải cắt giảm mạnh chi tiêu.

Nhà đàm phán số 2 của đảng Cộng hòa, Dân biểu Patrick McHenry, nói ông không tin rằng hai bên có thể đạt được mục tiêu mà ông McCarthy đề ra là đạt được thỏa thuận trong cuối tuần này.

Một cuộc họp trước đó trong cùng ngày 19/5 đã kết thúc đột ngột và ông McCarthy nói với các phóng viên rằng không có bất kỳ "động thái" nào của Nhà Trắng về các yêu sách của đảng Cộng hòa.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với số ghế chênh lệch là 222-213, trong khi đảng Dân chủ của ông Biden chiếm thế đa số ở Thượng viện với tỷ lệ 51-49, điều này làm cho khó soạn ra một bản thỏa thuận có thể nhận được đủ các lá phiếu để cả hai viện thông qua.

Các đảng viên Dân chủ cố đề nghị duy trì mức chi tiêu ổn định bằng mức của năm nay, trong khi đảng Cộng hòa muốn quay trở lại mức của năm 2022. Một kế hoạch được Hạ viện thông qua vào tháng trước sẽ cắt giảm 8% chi tiêu của chính phủ vào năm tới.

Kế hoạch đó không nêu cụ thể các khoản chi tiêu nào sẽ bị cắt giảm, nhưng một số đảng viên Cộng hòa nói rằng họ sẽ bảo vệ các chương trình về quân sự và cựu chiến binh. Đảng Dân chủ nói rằng làm như vậy sẽ buộc phải cắt giảm trung bình ít nhất 22% ngân quỹ cho các chương trình trong nước như giáo dục và thực thi pháp luật.

(Nguồn: VOA)

Những 'mỏ vàng' mới của Apple

(Ảnh minh họa).

Apple đã khai trương gian hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam hôm 18/5 - động thái cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các thị trường mới nổi đối với nhà sản xuất iPhone.

Các thị trường như Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia dần trở nên quan trọng hơn với Apple khi tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển chậm lại, khiến công ty phải tập trung vào những khu vực trước đây từng thờ ơ, CNN nhận định.

Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc là trung tâm quá trình phát triển vượt trội của Apple, đóng vai trò xương sống cho cả sản xuất và tiêu dùng giúp thương hiệu này trở thành công ty có giá trị nhất Trái Đất.

Bắc Kinh hiện vẫn là chìa khóa cho các hoạt động của hãng. Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ đang phòng ngừa rủi ro với những ván cược khác, theo CNN.

Siêu thị trường

Giám đốc điều hành Apple (AAPL) Tim Cook đã chỉ ra triển vọng của công ty tại các nền kinh tế mới nổi, gọi đó là những điểm sáng trong kết quả tài chính.

Trong một cuộc họp vào tháng 5, ông Tim Cook chia sẻ “đặc biệt hài lòng” với hiệu suất của Apple tại các thị trường mới nổi trong ba tháng đầu năm.

“Apple đạt được các kỷ lục mọi thời đại ở Mexico, Indonesia, Philippines, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cũng như một số kỷ lục trong quý 3 ở Brazil, Malaysia và Ấn Độ”, ông nói với các nhà phân tích.

Những thành tích này được ghi nhận dù Apple đã báo cáo mức giảm doanh thu quý lần thứ hai liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu rộng hơn trong bối cảnh kinh tế nhiều rủi ro.

“Rõ ràng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trên toàn cầu, gây thêm áp lực (lên Apple) trong việc tích cực theo đuổi các thị trường mới nổi”, ông Daniel Ives, giám đốc điều hành của Wedbush Securities, cho biết.

Ông dự đoán “trong những năm tới, Apple sẽ chiếm thị phần lớn hơn tại Indonesia, Malaysia và Ấn Độ nhờ những nỗ lực của hãng tại các quốc gia này”.

Ông Ives cho rằng Apple thường khai trương gian hàng trực tuyến trước khi tung ra các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Chẳng hạn, chiến lược này đã được áp dụng tại Ấn Độ, nơi chào đón các cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Apple tại Mumbai và Delhi vào tháng 4. CEO Tim Cook cũng cam kết đầu tư nhiều hơn vào quốc gia này.

Theo Chiew Le Xuan, nhà phân tích điện thoại thông minh ở Đông Nam Á của Canalys, sự kiện khai trương của Apple tại Việt Nam hôm 18/5 cho thấy thương hiệu này đang “củng cố hơn nữa” sự hiện diện của mình tại các thị trường mới nổi.

Vị chuyên gia cho rằng gã khổng lồ công nghệ đã “tích cực gia tăng” sự hiện diện trong khu vực suốt những tháng gần đây, tăng cường phân phối và củng cố mạng lưới đại lý ủy quyền, đặc biệt là ở Malaysia.

Cơ hội của Apple ở những thị trường này cũng rất lớn. Hiện tại, công ty chỉ điều hành một số cửa hàng bán lẻ ở các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan và Singapore, theo Canalys.

Ngay cả Indonesia, quần đảo rộng lớn và là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ sáu thế giới, cũng chưa có một cửa hàng bán lẻ nào của Apple. Theo dữ liệu của Canalys, thị phần của Apple tại nước này rất nhỏ, chỉ 1% vào năm 2022.

“Chúng tôi đang nỗ lực (khai thác) một số thị trường và thực sự nhận thấy cơ hội tuyệt vời”, CEO Tim Cook cho biết trong cuộc họp của Apple.

Tiềm năng tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á cũng đầy hứa hẹn, với số lượng hộ gia đình có thu nhập trung bình và khá ở Việt Nam, Indonesia và Philippines dự kiến tăng khoảng 5% mỗi năm cho đến năm 2030, theo Boston Consulting Group.

Công ty tư vấn này đã gọi nhóm người tiêu dùng trên là “siêu thị trường tiếp theo”.

Ông Ives cũng nhận định sức hấp dẫn của tầng lớp trung lưu đang lên ở Đông Nam Á “đã thay đổi cách hoạt động ở những quốc gia này, điều trước đây Apple từng tránh xa”.

“Đây là một cơ hội vàng cho Apple”, ông nói thêm.

Thách thức

Trong nhiều năm, các thương hiệu cao cấp như Apple thường phải dựa vào đại lý địa phương để cạnh tranh tại các thị trường mới nổi, vì giá sản phẩm cao.

Theo ông Chiew, iPhone có giá 470-1.100 USD, đắt đỏ với người tiêu dùng ở các nền kinh tế Đông Nam Á kém phát triển, nơi phần lớn lô hàng điện thoại thông minh có giá dưới 200 USD.

Ông cho biết sự vắng mặt của Apple ở những nơi như Campuchia hay Việt Nam thường rõ ràng hơn vào dịp ra mắt iPhone mới, vì người mua từ những quốc gia đó thường bay đến Singapore hoặc Malaysia để mua thiết bị và mang về bán lại.

Điều này có thể thay đổi trong những năm tới, đặc biệt là khi Apple tiếp tục tăng cường khai thác khu vực này.

Ông Ives dự đoán Apple có thể “mở rộng hơn nữa hệ sinh thái và ‘xúc tu’ của mình sang các thị trường mới nổi từ kinh nghiệm ở Trung Quốc”. Điều đó có nghĩa hãng có thể thu hút khách hàng thông qua “các chiến lược định giá khác nhau”.

Ông cũng chỉ ra rằng khi người dùng chuyển sang hệ điều hành iOS của Apple, họ có xu hướng gắn bó và trở thành khách hàng trung thành.

“Đây là một phần cốt lõi trong thành công của hãng ở Trung Quốc mà giờ đây có thể được nhân rộng ở Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam cùng nhiều nước khác”, ông Ives cho biết.

Tuy nhiên, Apple có thể phải đối mặt với nhiều rào cản ở một số quốc gia Đông Nam Á, nơi đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp nước ngoài, theo ông Chiew.

Chẳng hạn, ít nhất 35% linh kiện hàng điện tử bán ở Indonesia phải được sản xuất trong thị trường nội địa. Các quy định tương tự cũng từng ngăn Apple mở cửa hàng ở Ấn Độ cho đến khi chúng được nới lỏng vào năm 2019.

Và trong khi người tiêu dùng đang trở nên giàu có hơn, mức giá của Apple vẫn được coi là cao ở nhiều thị trường mới nổi, ông Ives lưu ý. “Chúng tôi tin rằng tăng trưởng sẽ khó khăn”, ông kết luận.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang