Mỹ: Chưa nâng trần nợ; Khủng hoảng đất hiếm; Trump hứng chỉ trích; Ngăn TQ mua đất nông nghiệp; Tăng quân ở Trung Đông

Mỹ vẫn chưa nâng trần nợ, điều gì sẽ xảy ra nếu 'vị cứu tinh' duy nhất cũng 'cạn sạch tiền'?

Câu hỏi cấp bách nhất trong những cuộc thảo luận thời gian gần đây ở Washington về trần nợ lại là điều mà Bộ Tài chính Mỹ từ chối trả lời: Điều gì sẽ xảy ra nếu họ hết tiền?

Các nhà lập pháp và nhà quản lý của Mỹ từng có lần “suýt” không thể giải quyết thời hạn nâng trần nợ vào năm 2011. Song, họ vẫn đạt được thoả thuận trước thời điểm ngân sách thực hiện các khoản thanh toán liên bang đến hạn của Bộ Tài chính tụt xuống mức quá thấp.

Một số nhà quan sát cho biết, ở lần này, mọi thứ có thể sẽ khác. Goldman Sachs đã đưa ra dự báo về một thoả thuận được đưa ra vào “ngày X” - tức là muộn hoặc sớm hơn 1 ngày chính phủ Mỹ cạn tiền. Nói 1 cách khác, những bế tắc hiện tại trong các cuộc thảo luận có thể sẽ kéo dài 1 ngày sau thời điểm đó.

Còn Morgan Stanley cho biết, khi “ngày X” trôi qua, nước Mỹ sẽ đối diện với rủi ro lớn. Thậm chí, CEO Jamie Dimon của JPMorgan cho biết ngân hàng này đã thành lập “phòng chiến tranh” để xem xét các tình huống bất ngờ.

Giống như những người tiền nhiệm, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã không nói chính xác về việc cơ quan này sẽ làm gì trong trường hợp xấu nhất là Quốc hội không thể tăng trần nợ kịp thời.

Tuy nhiên, trong tuần này, bà Yellen phát biểu rằng cơ quan này sẽ đưa ra một số lựa chọn nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời. Bà cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 8/5 với CNBC: “Nếu Quốc hội không tăng trần nợ, Tổng thống sẽ phải quyết định về việc phải làm gì với nguồn lực mà chúng tôi có.”

Chính quyền Tổng thống Biden có thể tiếp tục thanh toán các khoản nợ bằng cách viện dẫn Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, trong đó nêu rõ “không ai nên nghi ngờ” tính hợp lệ của các khoản nợ công. Song, hành động này có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý căng thẳng như ông Biden cảnh báo vào đầu tháng này.

Nếu Bộ Tài chính không lựa chọn cách giải quyết trên, cơ quan này có thể sẽ sử dụng tiền mặt và doanh thu họ có để đảm bảo các khoản nợ của chính phủ được thanh toán kịp thời.

“Bảo vệ” trái phiếu chính phủ

Nếu trái phiếu chính phủ Mỹ - thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới và là tiêu chuẩn cho chi phí đi vay trên toàn thế giới, gặp bất kỳ vấn đề nào, nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư cho rằng một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra. Và đây sẽ là mối rủi ro mà các quan chức sẽ không chấp nhận.

Giả định này được đưa ra một phần dựa theo nội dung của các cuộc họp khẩn cấp của Fed vào năm 2011 và 2013, khi Quốc hội Mỹ cũng đang gặp bế tắc trong việc điều chỉnh trần nợ. Một quan chức Fed đã nói với các nhà hoạch định chính sách hồi tháng 8/2011 rằng, Bộ Tài chính nên “trả tiền gốc và lãi đúng hạn đối với chứng khoán Kho bạc.”

Bà Yellen - đã tham gia các cuộc họp năm 2011 và 2013, đã bày tỏ quan điểm nghi ngại về giả định trên. Bà cho biết trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 1 rằng, kế hoạch đó chưa từng được thông qua và các cuộc thảo luận đó cũng cho thấy phương án này “không chắc sẽ hiệu quả”.

Quốc hội Mỹ vẫn cần đưa ra quyết định quan trọng

Khi được hỏi về những kế hoạch dự phòng, Bộ Tài chính đã đề cập đến bình luận mới nhất của bà Yellen về trần nợ. Bà nhắc lại trong chuyến thăm Nhật Bản rằng hành động càng sớm càng tốt là “điều cấp bách” đối với Quốc hội Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho hay: “Điều tôi muốn nói là, ai nghĩ rằng Mỹ có thể tránh kịch bản vỡ nợ mà không cần Quốc hội hành động, thì họ đã sai lầm.”

Hôm thứ Năm, ông Dimon cũng nhấn mạnh rằng việc Mỹ ngày càng tiến gần đến “ngày X” sẽ mang đến những rủi ro không thể lường trước. Ông cho hay: “Chúng tôi phải rất cẩn trọng trước tình huống như vậy vì tâm lý hoảng sợ sẽ xảy ra. Sự hoảng loạn là điều duy nhất khiến mọi người sợ hãi và đưa ra những quyết định phi lý.”

Dẫu vậy, giả sử Bộ Tài chính sẽ thanh toán những nghĩa vụ nợ, thì chính quyền ông Biden cần quyết định xem cơ quan này có phải tiếp tục thanh toán một lượng lớn những khoản khác không, từ an sinh xã hội, quốc phòng, tiền lương liên bang đến các cơ quan chính phủ như Cục Hàng không Liên bang.

An sinh xã hội

Bà Yellen cảnh báo hồi tháng 2: “Chính phủ liên bang khó có thể cung cấp các khoản thanh toán cho hàng triệu người Mỹ, bao gồm cả các gia đình quân nhân và người cao tuổi, nhóm sống dựa vào an sinh xã hội.”

Song, không phải ai cũng cho rằng điều đó sẽ thành sự thật. Một cựu trợ lý kinh tế của Nhà Trắng nhận định, khi đối diện với tình huống cực đoan, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên các khoản thanh toán cho những người sống dựa vào an sinh xã hội. Mỹ có gần 52 triệu người hưởng lương hưu tính đến tháng 3.

Theo Alec Phillips, nhà kinh tế chính trị cấp cao về Mỹ của Goldman, các khoản thanh toán an sinh xã hội được chi trả 4 lần/tháng, với khoảng 25 tỷ USD mỗi lần. Vì vậy, nếu nào Bộ Tài chính thực hiện vào đúng "ngày X", thì có lẽ “chỉ còn vài ngày nữa” là khoản chi đó sẽ đến hạn. Ông dự đoán vấn đề nhạy cảm chính trị sẽ giúp thúc đẩy một thỏa thuận ở Quốc hội Mỹ.

(Nguồn: CafeF)

Mỹ đối mặt khủng hoảng trong lĩnh vực mà Trung Quốc thống trị

Các quốc gia kiểm soát khả năng tinh chế nguyên tố đất hiếm sẽ có thể định hình môi trường, kinh tế và quân sự trong tương lai của quốc gia họ và các đồng minh.

Từ tua-bin gió đến xe điện, các nguyên tố đất hiếm - gọi tắt là đất hiếm - đều cần thiết cho các công nghệ then chốt để chuyển đổi sang một cuộc cách mạng năng lượng bền vững. Ngoài ra, đất hiếm cung cấp năng lượng cho công nghệ quân sự hiện đại, chẳng hạn như hệ thống radar và đạn dược dẫn đường chính xác. Hơn nữa, khi những tiến bộ công nghệ tiếp tục phát triển trong các lĩnh vực này, các công ty sẽ cần nhiều đất hiếm hơn để các công nghệ trong tương lai hoạt động.

Các nguyên tố đất hiếm đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia kiểm soát khả năng tinh chế nguyên tố đất hiếm sẽ có thể định hình môi trường, kinh tế và quân sự trong tương lai của quốc gia họ và các đồng minh. Năm 1992, khi đến thăm Viện nghiên cứu đất hiếm Trung Quốc ở Bao Đầu, Đặng Tiểu Bình đã có câu nói nổi tiếng rằng “nếu Trung Đông có dầu mỏ, thì Trung Quốc có đất hiếm".

Từ đó, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư nguồn tài chính và chính trị lớn để kiểm soát thị trường nguyên tố đất hiếm toàn cầu. Những hành động này đã mang lại lợi ích khổng lồ cho nền kinh tế Trung Quốc, hiện đang kiểm soát 85% thị trường xử lý đất hiếm thế giới. Với nhiều thập kỷ hỗ trợ về tài chính và thể chế, các doanh nghiệp Trung Quốc đã phát triển công nghệ và kỹ thuật tinh chế đất hiếm với mức giá thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước khác.

Điều đáng báo động là Trung Quốc sẵn sàng tận dụng thế độc quyền đất hiếm để thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình. Sau khi chính phủ Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc do tranh chấp trên biển, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu nguồn cung đất hiếm của nước này cho Nhật Bản.

Nhật Bản, quốc gia đã nhập khẩu 30% nguyên tố đất hiếm từ Trung Quốc, cuối cùng buộc phải nhượng bộ để có nguồn cung mặt hàng này. Trong cuộc cạnh tranh thương mại đang diễn ra, Trung Quốc đã đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.

Để chống lại mối đe dọa trên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường sản xuất đất hiếm trong nước cho công nghệ quân sự. Chính quyền Biden hiên nay cũng lưu ý trong Đánh giá mối đe dọa thường niên năm 2023 rằng sự thống trị của Trung Quốc trong thị trường đất hiếm quan trọng “có thể gây rủi ro đáng kể cho các ngành sản xuất và tiêu dùng của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây nếu Chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng sự thống trị của mình cho mục đích chính trị hoặc kinh tế".

Do đó, chính quyền Biden đã nghiên cứu một số chính sách nhằm giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đầu tư 10 triệu USD cho MP Materials Inc, một trong những mỏ đất hiếm của Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp để đảm bảo dự trữ đủ đất hiếm cho các mục đích an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, những chính sách này không đủ để giải quyết sự thống trị hiện tại của Trung Quốc. Cụ thể, các khoản đầu tư hiện tại của Mỹ vào khai thác và tinh chế đất hiếm sẽ mất quá nhiều thời gian để biến mục tiêu của Washington thành hiện thực. Một nghiên cứu cho thấy các mỏ đất hiếm được phát hiện từ năm 2010 đến 2019 phải mất hơn 16 năm từ khi phát hiện ban đầu đến khi sản xuất.

Quá trình này mất nhiều thời gian vì thông thường phải mất hàng chục năm để tiến hành các nghiên cứu khả thi về các địa điểm khai thác tiềm năng, sau đó là bốn năm xây dựng nhà máy. Sự thiếu hụt khẩn cấp các nguyên tố đất hiếm có nghĩa là Mỹ không thể dựa vào việc mở các mỏ mới và ngay lập tức giải quyết được các thách thức hiện tại.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Biden có lẽ cần tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp để giảm sự phụ thuộc vào các nguyên tố đất hiếm một cách hiệu quả. Sau sự cố trên biển với Trung Quốc năm 2010, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu đầu tư vào tái chế đất hiếm và sản xuất pin xe điện không cần đất hiếm để hoạt động.

Tóm lại, đất hiếm rất quan trọng vì không có chúng thì không thể sản xuất những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống con người, và càng không thể thiếu trong chế tạo vũ khí, khí tài quân sự. Đất hiếm được gọi là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại" vì là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng đất hiếm, lĩnh vực mà Trung Quốc đang thống trị trên thế giới. Mỹ đã và đang khôi phục sản xuất khoáng sản đất hiếm trong nước, nhưng vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc trong hầu hết quá trình xử lý hậu kỳ và thiếu chuỗi cung ứng độc lập. Việc xây dựng một chuỗi cung ứng mới có thể mất tới một thập kỷ và hầu hết các dự án được đề xuất đều thất bại.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Loạt nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích ông Trump vì đề xuất 'để Mỹ vỡ nợ'

Hàng loạt thượng nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích ông Trump vì cựu tổng thống kêu gọi "để Mỹ vỡ nợ", cho rằng kịch bản này quá rủi ro.

"Tôi không nghĩ 'chúng ta phải vỡ nợ' là chính sách khôn ngoan cho đất nước", thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski, bang Alaska, nói ngày 11/5. "Lúc này, các cuộc thương lượng đang diễn ra, giữa các nghị sĩ hàng đầu và Nhà Trắng. Điều chúng tôi muốn làm là khuyến khích từng bước tiến một".

Bà Murkowski bình luận sau khi cựu tổng thống Donald Trump ngày 10/5 kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa từ chối nâng trần nợ công để chính phủ Mỹ vỡ nợ, nếu phe Dân chủ không nhượng bộ. Theo ông Trump, phe Dân chủ cuối cùng sẽ phải thay đổi thái độ bởi họ không muốn kịch bản đó xảy ra.

Bà Murkowski cho rằng thúc đẩy Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cùng phối hợp để đạt thỏa thuận sẽ hiệu quả hơn nhiều so với coi vỡ nợ là một lựa chọn khả thi.

Ông McCarthy cũng tỏ ý giữ khoảng cách với ông Trump. "Phe Cộng hòa không coi vỡ nợ là một lựa chọn. Chúng tôi từng tăng trần nợ", ông McCarthy nói, nhắc đến dự luật được phe Cộng hòa tại Hạ viện thông qua tháng 4 để nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD, cắt giảm chi tiêu 4.800 tỷ USD.

Thượng nghị sĩ John Thune, bang South Dakota, nói "hầu hết mọi người đều cho rằng chúng ta cần đạt thỏa thuận". Ông nhận định những bình luận từ ông Trump sẽ không tác động nhiều đến các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

"Không ai coi vỡ nợ là một ý tưởng hay. Không ai cả", thượng nghị sĩ John Cornyn, bang Texas, cố vấn ban lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện, bình luận.

Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập, buộc Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội không giải quyết được bài toán nâng trần nợ công.

Nâng trần nợ, hay giới hạn vay nợ của chính phủ để thanh toán chi phí phát sinh, thường xuyên diễn ra. Phe Cộng hòa, đã giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, tuyên bố chỉ chấp thuận nâng trần nợ nếu đi kèm các điều khoản cắt giảm chi tiêu lớn của chính phủ.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo vỡ nợ sẽ tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đến kinh tế cũng như an sinh xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ, thị trường tài chính bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính có thể phải hoãn chi trả cho khoảng 66 triệu người thuộc diện nhận trợ cấp hàng tháng.

"Cả thế giới gặp rắc rối nếu Mỹ vỡ nợ", Tổng thống Biden nói ngày 10/5, thêm rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, khoảng 8 triệu người mất việc làm, hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuộc họp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell cùng một số thành viên lưỡng đảng tại Nhà Trắng ngày 9/5 đã không đạt được đột phá. Các bên vốn có kế hoạch họp vào ngày 12/5, nhưng Nhà Trắng đã thông báo lùi sang đầu tuần sau để trợ lý hai bên tiếp tục các trao đổi được mô tả là "hiệu quả".

(Nguồn: Vnexpress)

Giới lập pháp Mỹ tìm cách hạn chế Trung Quốc mua đất nông nghiệp

Tiểu bang Illinois miền Trung Tây là một trong những nơi sản xuất ngô và đậu nành hàng đầu ở Hoa Kỳ, và đó là nơi ông Wendell Shauman có trang trại mà gia đình ông đã sở hữu qua nhiều thế hệ gần thành phố Galesburg.

Trong khi trồng trọt vụ xuân, ông lo lắng về việc các nhà đầu tư Trung Quốc mua đất nông nghiệp như của ông.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, từ năm 2019 đến 2020, các công ty có cổ đông liên kết với Trung Quốc đã tăng tổng diện tích đất đai nắm giữ tại Hoa Kỳ lên gần 30%.

“Thật không thoải mái khi có đối thủ cạnh tranh lớn — một tập đoàn lúc nào cũng đe dọa — sở hữu đất đai ở đây. Điều đó khiến mình lo lắng,” ông Shauman nói với VOA.

Nhưng ông thừa nhận rằng ông không biết bất kỳ trang trại nào gần đó có liên kết với Trung Quốc.

Tại Jacksonville, Illinois, công ty của ông Luke Worrell quản lý các giao dịch đất đai trên toàn vùng.

“Trong 15 năm, tôi thậm chí chưa bao giờ liên lạc với một nhóm đầu tư nào mà tôi biết là người Trung Quốc,” ông nói.

Hầu hết các giao dịch ông tham gia đều ở địa phương.

“Trong 15 năm sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ bán một trang trại cho bất kỳ khách hàng quốc tế nào.”

Thượng nghị sĩ Iowa, Joni Ernst, một đảng viên Cộng hòa, nằm trong nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng gọi quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các trang trại của Mỹ là một mối đe dọa.

“Nếu cộng tất cả các mẫu đất nông nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc, thì nó gần bằng diện tích của tiểu bang Iowa quê hương tôi,” bà nói với phóng viên trong một cuộc họp báo ở Điện Capitol vào tháng Ba vừa qua. “Người Trung Quốc ở khắp mọi nơi,” “và chúng ta cần phải cảnh giác với những gì họ đang làm ở đây tại Hoa Kỳ.”

Trong khi các nhà lập pháp ở cả hai đảng xem xét luật nhằm hạn chế việc bán đất nông nghiệp của Hoa Kỳ cho một số thực thể nước ngoài, Trung Quốc đứng thứ 18 trong số 109 quốc gia có đầu tư vào đất đai của Hoa Kỳ.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ báo cáo rằng các nhà đầu tư có liên hệ với Trung Quốc sở hữu dưới 162.000 ha đất ở Hoa Kỳ - chỉ một phần nhỏ trong số đó là đất nông nghiệp. Số này là 1,12% tổng diện tích của Iowa.

Ông Bruce Sherrick, giáo sư nông nghiệp và kinh tế tiêu dùng tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, nói: “Trung Quốc hầu như không sở hữu đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ.”

Trong số hàng triệu ha đất nông nghiệp của Hoa Kỳ thuộc sở hữu của các thực thể nước ngoài, ông Sherrick nói rằng quyền sở hữu của Trung Quốc hầu như không được đăng ký.

Những nỗ lực gần đây của các nhà đầu tư có liên hệ với Trung Quốc nhằm mua đất gần các cơ sở quân sự ở Texas và Bắc Dakota đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ an ninh quốc gia. Nhưng ông Sherrick nói rằng các tài sản thuộc sở hữu nước ngoài thường được quản lý hoặc chăm sóc bởi các thực thể địa phương, thường là nông dân Mỹ.

Ông Sherrick nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại văn phòng của ông trong khuôn viên trường: “Đất sản xuất không biết nó thuộc sở hữu của ai.” “Vì vậy, tôi nghĩ về vấn đề chính sách nông nghiệp, việc ai sở hữu nó có lẽ không phải là vấn đề lớn.”

Ông Sherrick nói rằng đất nông nghiệp vẫn là một khoản đầu tư hấp dẫn đối với bất kỳ người mua tiềm năng nào.

“Đó là mối tương quan tích cực giữa lợi nhuận với lạm phát bất kể chúng ta phân tích dữ liệu theo thời gian như thế nào. Lợi nhuận trung bình rất cao, theo thời gian, và rủi ro hệ thống rất thấp.”

Ở Streator, Illinois, nông dân David Isermann cũng không biết có mảnh đất nào gần mình thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

“Đối với tôi, đó không phải là vấn đề,” ông nói.

Mặc dù ông thích quyền sở hữu địa phương hơn đầu tư của Trung Quốc, nhưng ông Isermann không thấy cần phải có luật mới.

Ông Shauman không có kế hoạch bán bất kỳ mảnh đất nào của mình, mà một ngày nào đó sẽ trở thành của cháu gái ông, khi cô giúp ông quản lý công việc kinh doanh nông nghiệp. Ông hoan nghênh luật hạn chế việc Trung Quốc mua đất tại Hoa Kỳ

“Ở vùng nông thôn nước Mỹ, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều sự hỗ trợ cho việc này,” ông nói. “Tôi chỉ muốn Trung Quốc không đến đây ném tiền khắp nơi, ai biết được họ làm cái gì. Tôi không phải là người hâm mộ Trung Quốc.”

Ngoài Quốc hội, một số cơ quan lập pháp tiểu bang cũng đang xem xét các hạn chế mới về quyền sở hữu nước ngoài đối với đất đai của Hoa Kỳ.

(Nguồn: VOA)

Mỹ tăng lực lượng ở Trung Đông để đối phó với Iran

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby tuyên bố Mỹ sẽ củng cố thế trận phòng thủ ở Trung Đông và cáo buộc Iran tăng cường tấn công vào các tàu thương mại trong thời gian qua.

“Hôm nay, Bộ Quốc phòng sẽ có một loạt động thái để củng cố thế trận phòng thủ ở vùng vịnh Arab (tức vịnh Ba Tư - PV)”, ông Kirby nói với báo giới ngày 12/5, theo Reuters.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Bộ tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ - lực lượng phụ trách Trung Đông - sẽ cung cấp thông tin chi tiết trong những ngày tới. Quân đội Mỹ chưa phản hồi đề nghị bình luận của Reuters về thông tin trên.

Động thái của Mỹ được đưa ra sau khi Iran bắt giữ hai tàu chở dầu - treo cờ Quần đảo Marshall và Panama - ở vùng Vịnh chỉ trong vòng một tuần hồi cuối tháng 4 - đầu tháng 5.

Phía Iran tuyên bố con tàu treo cờ Quần đảo Marshall đã va chạm với một tàu Iran ở khu vực rồi bỏ chạy.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Iran thả các con tàu này. Ông Kirby tuyên bố Mỹ lên án các hành động đe dọa hoạt động hàng hải thương mại và sẽ không để các quốc gia khác gây nguy hại đến các tuyến hàng hải ở Trung Đông.

Iran đã quấy nhiễu, tấn công và cản trở các quyền hàng hải của 15 con tàu thương mại treo cờ nước ngoài trong hai năm qua, ông Kirby cáo buộc.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang