Mỹ: Chạy đua tránh vỡ nợ; Áp lực với Biden; Hỗ trợ mới Ukraine; Thiếu nhân lực nhà máy chip; Thỏa thuận với quốc đảo TBD

Chính giới Mỹ chạy đua với thời gian để tránh vỡ nợ

(Ảnh minh họa).

Chính giới Mỹ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận nâng trần nợ công, nhằm tránh cho nền kinh tế số 1 thế giới lần đầu vỡ nợ. Trên đường trở về từ Nhật Bản, Tổng thống Joe Biden vừa có cuộc điện đàm “hiệu quả” với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và hai người đã hẹn gặp lại nhau vào chiều nay.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm qua tiếp tục kêu gọi Nhà Trắng và đảng Cộng hòa nhanh chóng đạt được thỏa thuận về trần nợ công, nếu không nước Mỹ sẽ không thể “trụ được” đến ngày 15/6 – thời điểm mà một số tiền thuế khá lớn sẽ được trả. Nước Mỹ sẽ vỡ nợ trước thời điểm đó.

Dẫu vậy, trước khi rời Nhật Bản sau thượng đỉnh G7, Tổng thống Joe Biden vẫn còn chỉ trích các đề xuất của đảng Cộng hòa liên quan cuộc khủng hoảng nợ công là “không thể chấp nhận được”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo, chính quyền không thể đảm bảo tránh được kịch bản nước Mỹ vỡ nợ.

Trên Không lực số Một bay về Mỹ, Tổng thống Mỹ đã có cuộc trao đổi qua điện thoại ngay lập tức với Chủ tịch Hạ viện Mỹ – thành viên Đảng cộng hòa McCarthy về vấn đề nợ công này.

Trao đổi với báo chí về kết quả cuộc thảo luận, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết: “Tôi vừa kết thúc cuộc điện thoại với Tổng thống. Ông ấy vẫn đang bay trở lại Mỹ. Đầu tiên, chúng tôi nói rất nhiều về chuyến đi của ông ấy tại Nhật Bản và một số điều tích cực đã diễn ra. Sau đó, chúng tôi dành nhiều thời gian để nói về trần nợ công Mỹ và những gì chúng tôi đang có ở thời điểm hiện tại. Tôi tin rằng đó là một cuộc điện thoại hữu ích. Những gì tôi đang xem xét là sự khác biệt của chúng tôi đang ở đâu và cách chúng tôi có thể giải quyết những điều đó. Tôi cảm thấy phần đó rất hiệu quả”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng cho biết, đại diện đảng cộng hòa và phía chính phủ hôm qua đã có cuộc gặp đàm phán nợ công, kéo dài hơn 2 tiếng và họ sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay. Theo ông, mọi thứ đang tốt hơn và Tổng thống đã hẹn ông một cuộc gặp vào chiều nay (theo giờ Mỹ).

Tuy nhiên, ông Mc Carthy cũng cho biết, hai bên vẫn đang cách xa một thỏa thuận. Trong trường hợp hai bên không đạt được điều đó, Tổng thống Mỹ có thể xem xét một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14, trong đó quy định “không được phép nghi ngờ tính hợp lệ đối với khoản nợ công của Mỹ” cùng khả năng cho phép tổng thống quyền tự nâng mức trần nợ công.

Hiện đảng Cộng hòa đang muốn Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu, để ứng phó với việc thâm hụt ngân sách. Theo họ, các biện pháp này bao gồm cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận của chương trình trợ cấp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Biden đã chấp nhận cắt giảm chi tiêu, nhưng phản đối các biện pháp mà đảng Cộng hòa đưa ra; thay vào đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu khác và tăng thuế đối với những người giàu nhất cùng các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Tuy nhiên Đảng Cộng hòa đã từ chối chấp nhận biện pháp tăng thuế này. Tổng thống Mỹ cáo buộc một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang sẵn sàng chứng kiến ​​việc nước Mỹ vỡ nợ, để gây khó khăn cho ông trong cuộc đua tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ vào năm tới./.

(Nguồn: VOV)

Áp lực với ông Biden trước nguy cơ Mỹ vỡ nợ

Tổng thống Biden từng tuyên bố không đàm phán với phe Cộng hòa về trần nợ công, nhưng áp lực từ chính đảng Dân chủ đang thúc đẩy ông làm như vậy.

Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập, buộc Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội không giải quyết được bài toán nâng trần nợ công.

Quốc hội Mỹ đã nhiều lần nâng trần nợ, hay giới hạn vay nợ của chính phủ, để thanh toán các chi phí phát sinh. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden lần này gặp nhiều khó khăn sau khi phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện. Các thành viên Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố chỉ chấp thuận nâng trần nợ với điều kiện chính phủ phải thực hiện các khoản cắt giảm chi tiêu lớn.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nếu trần nợ công không được nâng lên khiến nước Mỹ vỡ nợ, nhiều hệ quả nghiêm trọng sẽ xảy ra với kinh tế cũng như an sinh xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ, thị trường tài chính bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính có thể phải hoãn chi trả cho khoảng 66 triệu người thuộc diện nhận trợ cấp hàng tháng.

Dù vậy, trong nhiều tháng qua, Tổng thống Biden giữ lập trường cứng rắn rằng trần nợ không phải lá bài để mặc cả và đảng Dân chủ sẽ không cho phép phe Cộng hòa coi nguy cơ Mỹ vỡ nợ làm công cụ gây sức ép.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 12/5 tái khẳng định "chúng tôi sẽ không đàm phán về giới hạn nợ".

Theo giới quan sát, lập trường cứng rắn của ông Biden về trần nợ bắt nguồn từ kinh nghiệm quá khứ, khi đảng Cộng hòa năm 2011 kéo các cuộc đàm phán nợ công với chính quyền tổng thống Barack Obama đến bờ vực sụp đổ, dẫn tới hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Biden lần này tỏ ra không thực tế và không bền vững, đặc biệt sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tháng trước thúc đẩy phe Cộng hòa ở Hạ viện thông qua dự luật nâng trần nợ công đi kèm cắt giảm chi tiêu chính phủ.

Trước khi dự luật được Hạ viện thông qua, đảng Dân chủ đã hy vọng có thể thuyết phục các thành viên Cộng hòa có quan điểm trung lập chống lại McCarthy và giúp thông qua tăng trần nợ. Song những nghị sĩ đó lại bị thuyết phục bởi Chủ tịch Hạ viện. Họ chỉ trích ông Biden đã từ chối đàm phán về trần nợ công.

Khi các thành viên trung lập của đảng Cộng hòa tại Hạ viện không thay đổi lập trường, nhiều thành viên phe Dân chủ cũng bắt đầu mất kiên nhẫn với cách tiếp cận của Tổng thống Biden và tiến hành các cuộc đàm phán lưỡng đảng của riêng họ.

"Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là cả hai bên ngồi xuống và cố tìm cách giải quyết vấn đề", nghị sĩ Josh Gottheimer, nghị sĩ Dân chủ giữ chức đồng chủ tịch nhóm lưỡng đảng Problem Solvers, nói hồi đầu tháng 5. "Điều này không thể trở thành một phần của cuộc đấu đá chính trị và đẩy đất nước vào cảnh nguy hiểm".

Sau áp lực từ chính các thành viên đảng Dân chủ, Tổng thống Biden bắt đầu thay đổi quan điểm. Từ đầu tháng 5, ông đã tổ chức hai cuộc họp với McCarthy và các lãnh đạo hàng đầu của quốc hội Mỹ tại Nhà Trắng để thảo luận về các điều khoản nâng trần nợ công.

Trong cuộc đàm phán ngày 17/5, Tổng thống Biden đã để ngỏ khả năng chấp nhận một số yêu cầu hạn chế hoặc cắt giảm chi tiêu để đạt được thỏa thuận nâng trần nợ, thay vì bác bỏ hoàn toàn như trước đây. Ông chỉ còn phản đối các khoản cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng tới những chương trình chăm sóc sức khỏe của người dân.

Việc ông Biden sẵn sàng thảo luận cởi mở về các biện pháp cắt giảm chi tiêu mà đảng Dân chủ thường phản đối cho thấy cuộc đàm phán đang dần thu hẹp về các chính sách cụ thể. Nó cũng cho thấy Nhà Trắng dường như cảm thấy thoải mái hơn với một số nhượng bộ với phe Cộng hòa tại Hạ viện.

Trước khi lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, ông Biden đã chỉ định ba trợ lý hàng đầu tiếp tục các cuộc đàm phán trần nợ, nói rằng ông sẽ giữ liên lạc thường xuyên với họ trong suốt chuyến đi.

"Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ đạt thỏa thuận về ngân sách và nước Mỹ sẽ không vỡ nợ. Chúng tôi sẽ tìm được tiếng nói chung vì không còn lựa chọn nào khác", ông Biden nói, nhấn mạnh coi đây là đàm phán về ngân sách thay vì trần nợ, điều mà ông nhiều lần tuyên bố không phải là vấn đề để mặc cả.

Trong thời gian ông Biden dự hội nghị G7 ở Nhật, cuộc đàm phán trần nợ giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa tiếp tục lâm vào bế tắc khi cả hai bên chỉ trích lẫn nhau.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 20/5 nói những đề nghị mà đảng Cộng hòa đưa ra trong cuộc thảo luận mới nhất mang tính cực đoan đảng phái và không bao giờ có thể được thông qua ở lưỡng viện Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cáo buộc Nhà Trắng "đi lùi" trong các cuộc đàm phán.

Các nguồn tin nói với WP rằng Nhà Trắng sẵn sàng chấp nhận cắt giảm chi tiêu quốc phòng và một số khoản phi quốc phòng, nhưng phe Cộng hòa không chấp nhận, với lý do đề xuất này chưa cắt giảm đúng mức nợ quốc gia dài hạn.

Dù vậy, Tổng thống Biden vẫn tỏ ra lạc quan. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Hiroshima trước khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 và lên đường trở về Mỹ, ông Biden cho hay ông "không lo ngại chút nào" về các cuộc đàm phán trần nợ. "Tôi vẫn tin rằng chúng tôi có thể tránh được nguy cơ vỡ nợ và làm được điều gì đó đúng đắn", ông nói.

Giới quan sát cho rằng đàm phán nợ công cũng là cơ hội để tạo cú hích cho ông Biden trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm sau, khi đảng Dân chủ lo ngại kịch bản vỡ nợ có thể tác động tiêu cực với vị thế của ông trong công chúng Mỹ.

"Nếu Tổng thống Biden tiếp tục cố gắng tránh vỡ nợ và không để tầng lớp trung lưu Mỹ phải trả giá cho điều đó, ông ấy sẽ được lòng đa số cử tri", Jesse Ferguson, chiến lược gia lâu năm của đảng Dân chủ, nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Tổng thống Biden công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Joe Biden công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh G7.

“Mỹ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để củng cố khả năng tự vệ của Ukraine" , ông Biden nói, viện dẫn quyết định gần đây của Mỹ đồng ý để các nước cung cấp máy bay chiến đấu F16 cho Ukraine và huấn luyện các phi công Ukraine lái máy bay này tại Mỹ.

Ông Biden cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga cho thấý "Mỹ và đồng minh đang gây áp lực lên Nga". Ông cũng lên tiếng ủng hộ giải pháp hoà bình, song nhấn mạnh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là "không thể thương lượng".

"Cùng với toàn bộ G7, chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine", ông Biden cho hay.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã trình bày công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine " với thế giới" khi ông gặp các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản.

Ông Zelensky nói "thế giới có đủ sức mạnh để buộc Nga từng bước khôi phục hòa bình". "Thế giới của chúng ta rộng lớn, nhưng tất cả chúng ta đều ở cùng nhau. Từ Nhật Bản đến các nước Ả Rập, từ châu Âu đến châu Mỹ Latinh, chúng tôi tìm thấy sự hỗ trợ cho công thức hoà bình của mình" , ông Zelensky nói.

Ngay khi đến Hiroshima, Tổng thống Zelensky cho rằng các cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ đưa "hòa bình đến gần hơn" với Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng chuyến đi tới Nhật Bản mang lại cho ông Zelensky cơ hội để tham vấn với các đồng minh cũng như tranh thủ sự ủng hộ của những cường quốc không liên kết chủ chốt góp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G7.

Trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, ông Zelensky cũng đã đến thăm Italy, Đức, Pháp và Anh để vận động thêm vũ khí và hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.

(Nguồn: Soha)

Mỹ thiếu nhân lực để lấp đầy các nhà máy chip mới

Với hàng chục tỉ đô la trợ cấp của chính quyền liên bang, các hãng chip trong nước và nước ngoài đang lên kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà máy mới ở Mỹ, hứa hẹn tạo ra hàng chục ngàn việc làm mới. Tuy nhiên, giới chức trách và lãnh đạo trong ngành chỉ ra rằng hiện tại, nước Mỹ không có đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhà máy đó.

Ồ ạt công bố dự án nhưng chưa tính đến bài toán nhân sự

Nước Mỹ đang trong cơn bùng nổ xây dựng nhà máy sản xuất chip mới nhờ chương trình trợ cấp và ưu đãi thuế hào phóng mà mà chính phủ liên bang đang rót vào lĩnh vực bán dẫn. Tổng thống Joe Biden đã nói rằng nguồn vốn trợ cấp sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm được trả lương cao. Nhưng một một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời là liệu có đủ nhân lực để lấp đầy không gian sản xuất của các nhà máy chip này hay không.

“Nỗi lo lớn nhất của tôi là nguồn lực đầu tư dồn tất cả vào hạ tầng sản xuất chip nhưng không có đủ nhân sự trong ngành này. Tác động có thể thực sự lớn nếu chúng ta không tìm ra cách tạo ra sự phấn khích và sự quan tâm của người lao động đối với ngành này”, Shari Liss, CEO của SEMI Foundation, chi nhánh phi lợi nhuận của SEMI (Mỹ), một hiệp hội đại diện cho các công ty sản xuất điện tử toàn cầu, bày tỏ.

Các nhà lập pháp Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học hồi năm 2022 với tham vọng biến Mỹ thành một cường quốc bán dẫn. Điều này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng ở châu Á đối với những con chip nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ máy rửa bát, máy tính cho đến ô tô. Đạo luật bao gồm khoản trợ cấp 39 tỉ đô la dành cho các dự án nhà máy chip mới cũng như dự án mở rộng những nhà máy hiện có. Các hãng chip muốn nhận được một phần từ khoản trợ cấp này đã nhanh chóng công bố dự án mới trên toàn quốc.

Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA), có trụ sở ở Washington, có hơn 50 dự án bán dẫn mới đã được công bố kể từ khi Đạo luật CHIPS và Khoa học có hiệu lực với các công ty tư nhân cam kết đầu tư tổng cộng hơn 210 tỉ đô la.

Nhưng khoản đầu tư đó chưa tính đến đến trường lao động Mỹ đang thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều năm, với nhiều doanh nghiệp đang “đỏ mắt” tìm kiếm nhân công

Các nhà sản xuất chất bán dẫn từ lâu đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng vì quá ít sinh viên theo học các lĩnh vực học thuật liên quan và mối quan tâm đến ngành bán dẫn còn thấp. Các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất bán dẫn thừa nhận việc tuyển dụng các vị trí quan trọng như kỹ thuật viên vận hành thiết bị và kỹ sư thiết kế chip, sẽ còn khó khăn hơn,

Theo báo cáo của Deloitte, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 70.000-90.000 nhân sự trong vài năm tới. Hãng tư vấn quản lý McKinsey cũng dự đoán ngành bán dẫn của Mỹ sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 kỹ sư và 90.000 kỹ thuật viên lành nghề vào năm 2030.

Các hãng chip phải vật lộn tuyển dụng một phần là vì không có đủ nhân công lành nghề. Bên cạnh đó, họ phải cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn để tuyển dụng kỹ sư.

Ronnie Chatterji, điều phối viên triển khai Đạo luật CHIPS và Khoa học của Nhà Trắng, nói rằng tuyển dụng đủ số lượng công việc cho các nhà máy chip mới là thách thức lớn. Tuy nhiên, ông tin rằng người Mỹ sẽ muốn làm các công việc này khi họ nhận thức rõ hơn về sự trỗi dậy của ngành công nghiệp bán dẫn.

Chạy đua đào tạo nhân lực

Trong tháng này, Nhà Trắng cho biết sẽ thành lập 5 “trung tâm nhân lực” ban đầu ở các thành phố như Phoenix ở bang Arizona và Columbus ở bang Ohio, để đào tạo thêm phụ nữ, người da màu và những người lao động thiểu số khác trong các ngành công nghiệp như sản xuất chip bán dẫn.

Các quan chức liên bang cho biết nguồn tài trợ trong Đạo luật CHIPS và Khoa học cũng có thể được sử dụng để phát triển lực lượng lao động.

Hãng chip TSMC của Đài Loan đang xây dựng nhà máy chip trị giá 12 tỉ đô la ở Phoenix, bang Aziona. Nikkei Asia dẫn các nguồn tin cho biết hãng dự kiến sẽ tuyển dụng nhân sự ở Đài Loan để đưa sang làm việc ở nhà máy này sau khi nhận thấy khó tìm đủ nhân sự lành nghề ở Mỹ.

Intel đã công bố kế hoạch đầu tư 20 tỉ đô la cho hai nhà máy sản xuất chip mới ở Arizona và hơn 20 tỉ đô la cho một tổ hợp sản xuất chip mới ở Ohio. Hãng chip này đã đầu tư hàng triệu đô la vào quan hệ đối tác với các trường đại học để đào tạo kỹ thuật viên vàmở rộng chương trình giảng dạy có liên quan đến bán dẫn.

Gabriela Cruz Thompson, Giám đốc hợp tác nghiên cứu đại học của Intel Labs, đơn vị nghiên cứu của Intel, lo ngại số lượng nhân viên lành nghề và tài năng hiện có không thể lấp đầy tất cả các vị trí mới của Intel.

Tại hạt Maricopa, bang Arizona, ba trường đại học cộng đồng đã hợp tác với Intel để cung cấp chương trình đào tạo nhanh chỉ trong 10 ngày nhằm chuẩn bị cho sinh viên muốn trở thành kỹ thuật viên sơ cấp ở các nhà máy chip. Trong các buổi học kéo dài bốn giờ, sinh viên sẽ tìm hiểu kiến thức cơ bản về cách tạo ra chip, thực hành sử dụng các dụng cụ cầm tay và mặc thử áo choàng từ đầu đến chân mà các kỹ thuật viên phải mặc khi làm việc.

Nhiều trường đại học đang mở rộng các chương trình kỹ thuật đại học và sau đại học. Chẳng hạn, Đại học Purdue ở bang Indiana khởi động chương trình cấp bằng bán dẫn vào năm ngoái. Đại học Syracuse ở New Yok đang hợp tác với Micron và 20 tổ chức khác để tăng cường chương trình giảng dạy liên quan. Đại học này có kế hoạch tăng 50% lượng tuyển sinh kỹ thuật trong vòng 3 -5 năm tới.

Hãng chip nhớ Micron của Mỹ cũng cam kết đầu tư 100 tỉ đô la trong hai thập niên tới để xây dựng một tổ hợp nhà máy sản xuất chip khổng lồ ở New York. Hãng đã triển khai các chương trình lực lượng lao động mới, bao gồm các chương trình đào tạo các nhân viên công nghệ hiện tại và dạy học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông về nghề nghiệp STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) thông qua các khóa đào tạo chip.

Để được xem xét nhận trợ cấp của liên bang, các hãng chip phải nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ, trong đó, trình bày kế hoạch chi tiết về cách họ sẽ tuyển dụng và giữ chân người lao động. Các hãng chip muốn nhận hơn 150 triệu đô la trợ cấp có thể được yêu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cao với chi phí hợp lý cho người lao động.

(Nguồn: The Saigon Times)

Mỹ ký thỏa thuận quốc phòng với quốc đảo Thái Bình Dương

(Ảnh minh họa).

Papua New Guinea đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, cho phép Washington tiếp cận các sân bay và hải cảng của quốc đảo Thái Bình Dương.

"Một thỏa thuận hợp tác quốc phòng đã được ký kết", Thủ tướng Papua New Guinea James Marape phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hôm 22/5, đồng thời cho biết quốc đảo Thái Bình Dương đang "nâng cấp" quan hệ với Mỹ.

Thỏa thuận được Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea Win Bakri Daki ký với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Theo Ngoại trưởng Blinken, thỏa thuận mới cho phép hai nước đưa nhân sự lên tàu của nhau, chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và phối hợp "tuần tra tốt hơn" trên biển.

"Chúng tôi đang làm việc cùng nhau để định hình tương lai. Chúng tôi rất mong muốn đưa mối quan hệ đối tác của hai nước lên một tầm cao mới", ông Blinken nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington sẽ cung cấp cho Papua New Guinea 45 triệu USD để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh, bao gồm thiết bị bảo hộ cho lực lượng phòng vệ Papua New Guinea, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề tội phạm xuyên quốc gia và HIV/AIDS.

Thỏa thuận hợp tác của Mỹ và Papua New Guinea được công bố trong bối cảnh Washington lo ngại Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương. Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo các quốc gia trong khu vực bằng hàng loạt ưu đãi ngoại giao và tài chính để đổi lấy sự hỗ trợ chiến lược.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang