Mỹ: Chấn động vụ án Diddy; Biden lộ ‘phát ngôn kín’; Thất bại của Mật vụ; Trump & trò lừa tiền mã hóa; ‘Lá bài’ kinh tế của Trump

TOÀN CẢNH VỤ BẮT RAPPER DIDDY GÂY CHẤN ĐỘNG NƯỚC MỸ: HÀNG LOẠT SAO BỊ NGHI NGỜ CÓ LIÊN QUAN?

Ông trùm hip hop P. Diddy bị tòa án liên bang Mahhattan buộc tội điều hành tổ chức tội phạm khổng lồ trong giới giải trí Mỹ hôm 24-9, với nhiều tội danh như mại dâm, tống tiền... nạn nhân gồm cả nghệ sĩ non trẻ mới tham gia showbiz

Trước đó, P. Diddy (tên thật: Sean Combs) bị bắt vào hôm 17-9, đây là kết quả của cuộc điều tra kéo dài nhiều năm của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, bắt nguồn từ những vụ tố tụng liên quan đến bạo lực tình dục xuyên suốt sự nghiệp của nam rapper.

Vậy P. Diddy thực chất có thế lực như thế nào mà vụ án này lại khiến giới giải trí Mỹ chấn động lớn đến như vậy?

Những ai là nạn nhân của những tội ác mà P. Diddy gây ra nhiều thập kỷ qua?

Sự sụp đổ của đế chế P. Diddy

Rapper, ca sĩ, diễn viên, nhà sản xuất, giám đốc thu âm P. Diddy vốn là một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn bậc nhất nước Mỹ, từng được ca ngợi vì nhiều đóng góp cho văn hóa hip hop. Chỉ tính riêng thành tích cá nhân, Diddy sở hữu 14 lần đề cử và 3 lần đoạt giải Grammy.

Tuy nhiên, di sản âm nhạc đồ sộ của P. Diddy lại đi song song với hàng loạt cáo buộc tình dục, tống tiền, sử dụng chất cấm...

Theo The New York Times, các công tố viên tòa án liên bang ở Manhattan cho biết P. Diddy điều hành đế chế tội phạm của mình ít nhất từ năm 2008.

P. Diddy phải đối mặt với tội danh âm mưu tống tiền với mức án cao nhất là chung thân; một tội danh buôn bán tình dục bằng vũ lực với mức án tối thiểu 15 năm và một tội danh vận chuyển người để phục vụ hành vi mại dâm với mức án tối đa là 10 năm.

Đây chỉ là phần nổi của những gì P. Diddy phải giải quyết, luật sư của hắn hiện đang lao đao với hàng loạt vụ kiện từ sáu nạn nhân nữ khác nhau.

Ngay sau khi P. Diddy bị bắt giữ hôm 17-9, thêm một phụ nữ đệ đơn kiện P. Diddy vì tội chuốc thuốc và cưỡng hiếp cô tại phòng thu âm vào năm 2001.

Trong buổi họp báo sau vụ bắt giữ P. Diddy, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng công bố nhiều tang vật gây sốc thu được từ lần đột kích căn hộ của P. Diddy hồi tháng 3-2024 như: ma túy; 1.000 lọ dầu mát xa cho trẻ em (baby oil); hơn 700 món "đồ chơi người lớn"; nhiều vũ khí phi pháp...

Tổ chức của nam rapper sử dụng vũ lực, đe dọa và nhiều phương thức khác nhau để thao túng nhiều người vào những buổi tiệc thác loạn, ngập trong chất cấm.

P. Diddy và đồng bọn đặt tên những bữa tiệc này là freak offs, Diddy Party, White Party... những nạn nhân của P. Diddy bị chuốc thuốc để "ngoan ngoãn" tham dự các bữa tiệc.

Các công tố viên cũng tiết lộ thêm sở dĩ các nạn nhân đều "kín miệng" suốt nhiều năm qua là do thế lực của P. Diddy trong ngành giải trí quá lớn.

Đồng thời hắn ta cũng thường xuyên đe dọa sẽ phá hoại sự nghiệp của nạn nhân hoặc sẽ tra tấn họ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Rất nhiều người nổi tiếng biết đến những tội ác của P. Diddy nhiều năm qua nhưng không ai dám lên tiếng vì lo sợ cho sự nghiệp và mạng sống của mình.

Những rapper như Eminem, 50 Cents đều có tư thù với P. Diddy nhưng chỉ dám nhắc về mặt tối của hắn qua những lời rap đầy ẩn ý.

Lo ngại của họ là hoàn toàn có cơ sở vì mới đây tòa án cũng tiết lộ P. Diddy có dính líu đến vụ đánh bom xe của Kid Cudi hồi năm 2012. Trước đó, giới hip hop Mỹ cũng nhiều lần nghi ngờ ông trùm hip hop dính líu đến cái chết của hai huyền thoại Biggie và Tupac.

Cái tên nào trong showbiz có liên quan?

Sau khi P. Diddy vào tròng, cư dân mạng ngay lập tức "đào" lại danh sách những người từng tham gia những buổi thác loạn do hắn tổ chức và bất ngờ khi những cái tên hàng đầu showbiz Mỹ xuất hiện: Leonardo DiCaprio, Lebron James, Paris Hilton, Jennifer Lopez, Jay-Z, Beyonce, Mariah Carey...

Hiện vẫn chưa rõ những nhân vật này dính líu thế nào đến P. Diddy hay họ có biết gì đến những hoạt động phạm pháp của hắn hay không.

Ngoài ra, hai cái tên thường xuyên nhắc tới nhất những ngày qua là Justin Bieber và Usher, cả hai đều từng tham gia trại sáng tác Puffy Flavor Camp của P. Diddy khi còn vị thành niên và được cho là đã chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những tội ác.

00:02:13

Video khi xưa của Diddy và Justin Bieber được cư dân mạng chú ý sau lùm xùm, lúc bấy giờ cậu bé chỉ mới 15 tuổi và vừa trở thành hiện tượng trong showbiz

Đặc biệt là với Justin Bieber, một video có tựa đề "48 giờ cùng Diddy" đăng 14 năm trước bỗng nổi lên trên YouTube, cư dân mạng cho rằng hành xử của Diddy trong video rất biến thái, ẩn chứa ý đồ xấu với Justin Bieber khi đó mới 15 tuổi.

Các fan của Justin Bieber còn chỉ ra rằng anh từng cố gắng để lại thông điệp trong những bài hát để chia sẻ những trải nghiệm kinh hoàng.

 

 

SỰ CỐ ÔNG BIDEN LỘ "PHÁT NGÔN KÍN"

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, nhóm Quad đang đóng "vai trò có hại là kích động đối đầu và kích động căng thẳng địa chính trị ở Châu Á - Thái Bình Dương".

Tờ Asia Times (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin, trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần cuối cùng đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ (Quad) lần thứ tư với sự tham dự của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại tiểu bang Delaware - quê nhà của ông Biden.

Ông Biden cáo buộc Trung Quốc hành xử hung hăng

Theo Asia Times, nhà lãnh đạo Mỹ đã tập trung vào việc thể chế hóa hợp tác và các mối đe dọa được cho là do Trung Quốc gây ra. Phát ngôn của ông Biden về Trung Quốc trong cuộc họp kín hôm 21/9 của các lãnh đạo Quad đã vô tình bị lộ tiếng qua micro.

“Trung Quốc tiếp tục hành xử hung hăng, thách thức chúng ta trên khắp khu vực, và điều đó đúng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Nam Trung Quốc, Nam Á và Eo biển Đài Loan”, ông Biden nói với các nhà lãnh đạo Quad khác.

“Ít nhất là theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi tin rằng [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình đang tìm cách tập trung vào các thách thức kinh tế trong nước và giảm thiểu sự hỗn loạn trong các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc, và ông ấy cũng đang tìm kiếm cho mình một số không gian ngoại giao, theo quan điểm của tôi, để mạnh mẽ theo đuổi lợi ích của Trung Quốc”, ông Biden phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh.

Theo Asia Times, mặc dù bản tuyên bố chung của các lãnh đạo Quad sau đó có sự tiết chế hơn, nhưng 4 lãnh đạo đã công bố một loạt các sáng kiến mới với trọng tâm ngày càng tăng là phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, an ninh mạng, chất bán dẫn và quan trọng nhất là an ninh hàng hải.

Đặc biệt, Quad công bố các hoạt động chung đầu tiên của lực lượng bảo vệ bờ biển vào năm 2025, bất kể ai sẽ tiếp quản Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11 và cam kết sẽ tăng cường phối hợp hậu cần quân sự bằng cách mở rộng Quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (IPMDA) trước đó.

Dù các lãnh đạo Quad cố gắng mô tả sự kiện này như một cuộc họp toàn diện và mang tính xây dựng hơn, Bắc Kinh đã nhanh chóng chỉ trích các khía cạnh của cuộc họp.

Ấn phẩm nhà nước Trung Quốc Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) đã nỗ lực phủ nhận Quad khi cho rằng nhóm này quá "lỏng lẻo" và không chính thức để tạo ra bất kỳ tác động nào đến cán cân quyền lực toàn cầu và khu vực.

Đồng thời, tờ này cũng đưa tin về các chuyên gia Trung Quốc cáo buộc Quad kích động "đối đầu khối" và áp dụng tư duy theo kiểu Chiến tranh Lạnh gây tổn hại đến an ninh khu vực ở Châu Á.

Trong một cuộc họp báo hồi đầu năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian nói rằng 4 thành viên Quad "gây hoang mang, kích động sự đối kháng và đối đầu, và kìm hãm sự phát triển của các quốc gia khác".

Quad quan ngại tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông

Theo Asia Times, Trung Quốc dường như đặc biệt tức giận trước sự tập trung ngày càng tăng của Quad vào an ninh hàng hải và những lời chỉ trích gia tăng của nhóm này đối với các động thái của Bắc Kinh ở vùng biển lân cận.

Trong một thông điệp được cho là chỉ trích ngầm nhằm vào Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã nêu lên "mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông".

Đặc biệt, Mỹ và các đồng minh lo ngại về "trạng thái bình thường mới" nguy hiểm khi các vụ đụng độ và suýt đụng độ xảy ra liên tục giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông trong những tháng gần đây.

Asia Times đưa tin, mặc dù không phải là quốc gia có yêu sách trong khu vực cũng như không phải là đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, Ấn Độ đã tham gia nhiều hơn vào các tranh chấp hàng hải ở đó bằng cách công khai đứng về phía Philippines và trang bị cho nước này các hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm cả tên lửa siêu thanh BrahMos mạnh mẽ.

Đối với Nhật Bản, nước này có tranh chấp lâu năm với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quan trọng hơn, Tokyo cũng đang mở rộng hợp tác an ninh với Manila - gần đây nhất là bằng cách ký Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (RAA) với trọng tâm ngày càng tăng là các tình huống bất ngờ ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Đối với Úc, đây là đồng minh theo hiệp ước của Mỹ với sự hợp tác an ninh chặt chẽ với cả Nhật Bản và Philippines theo Thỏa thuận về Quy chế Lực lượng (SOFA). Cả Nhật Bản và Úc cũng đã tham gia vào các cuộc tuần tra hải quân bốn bên gần đây cùng với Philippines và Mỹ ở Biển Đông.

Nhưng theo Asia Times, tình hình leo thang đặc biệt đáng báo động đối với Mỹ - quốc gia có Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) với Philippines mà nhiều người lo ngại có thể sớm bị thử thách trước Trung Quốc.

Sau nhiều lần suýt đụng độ và đụng độ trực tiếp giữa lực lượng hải quân Trung Quốc và Philippines trong những tháng gần đây, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) đã lần đầu tiên đề nghị hỗ trợ trực tiếp trong các nhiệm vụ tiếp tế chung với Philippines cho các thực thể đang tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn theo đuổi nghiêm ngặt các chiến thuật vùng xám phi sát thương, bao gồm cả việc thường xuyên đâm va và phun vòi rồng vào các tàu nhỏ hơn của Philippines. Bất kỳ "cuộc tấn công vũ trang" nào nhằm vào quân đội hoặc tàu thuyền của Philippines đều tự động kích hoạt sự can thiệp quân sự của Mỹ theo hiệp ước phòng thủ chung.

Đối thủ thực sự của Trung Quốc

Asia Times đưa tin, theo quan điểm của Bắc Kinh, đối thủ thực sự của họ không phải là các quốc gia có yêu sách nhỏ hơn như Philippines – nước có hạm đội tàu chiến hiện đại nhưng hạn chế, mà là Mỹ và nhóm Quad lớn mạnh hơn.

Trung Quốc tin rằng họ đang phải đối mặt với một chiến lược "kiềm tỏa" do Washington dàn dựng cùng với một mạng lưới các đồng minh hiệp ước khu vực và các đối tác chiến lược, đáng chú ý nhất là Ấn Độ.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, Quad đang đóng "vai trò có hại là kích động đối đầu và kích động căng thẳng địa chính trị ở Châu Á - Thái Bình Dương".

"'Nhắm mục tiêu vào Trung Quốc' không chỉ ở cấp độ chiến lược mà còn liên quan đến các sắp xếp chiến thuật và kế hoạch cụ thể", Ding Duo - Phó giám đốc Viện Luật và Chính sách Hàng hải tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông - nói với tờ Global Times.

Giáo sư Li Haidong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ (CFAU) thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nói với Global Times rằng nhóm Quad "do Mỹ lãnh đạo và đóng vai trò là một công cụ chiến lược để hậu thuẫn cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu".

Theo Asia Times, ngay cả các quan chức Trung Quốc cũng đưa ra những phát ngôn gay gắt tương tự đối với Quad, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng ở Bắc Kinh về cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" với phương Tây.

“[Quad] đi ngược lại xu hướng chủ đạo là theo đuổi hòa bình, phát triển, hợp tác và thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian phát biểu tại một cuộc họp báo đầu năm nay.

Trung Quốc “kiên quyết phản đối cuộc đối đầu giữa các khối mà họ [Quad] kích động dưới danh nghĩa ‘chống cưỡng ép’, và việc áp đặt các quy tắc nội bộ của họ dưới danh nghĩa duy trì trật tự”, ông Lin tuyên bố.

 

 

SỰ THẤT BẠI CỦA MẬT VỤ MỸ TRONG VỤ TRUMP BỊ ÁM SÁT

Nhiều thất bại của Mật vụ trước cuộc mít tinh của cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 7, nơi một nghi phạm nổ súng vào ông là “có thể lường trước, phòng ngừa được và liên quan trực tiếp đến các sự kiện dẫn đến âm mưu ám sát vào ngày hôm đó”, theo một cuộc điều tra lưỡng đảng của Thượng viện được công bố ngày 25/9.

Tương tự như cuộc điều tra nội bộ của chính cơ quan này và cuộc điều tra lưỡng đảng đang diễn ra ở Hạ viện, phúc trình tạm thời từ Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện phát hiện ra nhiều thất bại ở hầu hết mọi cấp độ trước vụ xả súng ở Butler, Pennsylvania, bao gồm cả trong khâu lập kế hoạch, truyền thông, an ninh và phân bổ nguồn lực.

“Hậu quả của những thất bại đó thật khủng khiếp”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Gary Peters, chủ tịch của Ủy ban Nội địa, cho biết.

Các nhà điều tra phát hiện ra rằng không có chuỗi chỉ huy rõ ràng nào giữa Mật vụ và các cơ quan an ninh khác và không có kế hoạch bảo vệ tòa nhà nơi tay súng trèo lên để hành động. Các viên chức đã hoạt động trên nhiều kênh radio riêng biệt, dẫn đến việc mất liên lạc và một người điều khiển máy bay không người lái thiếu kinh nghiệm đã bị kẹt trên đường dây trợ giúp sau khi thiết bị của ông ta không hoạt động bình thường.

Ông Peters nói, liên lạc giữa các viên chức an ninh là một “trò chơi điện thoại nhiều bước”.

Phúc trình phát hiện ra rằng Mật vụ đã được thông báo về một cá nhân trên mái tòa nhà khoảng hai phút trước khi nghi phạm Thomas Matthew Crooks nổ súng, bắn tám phát về phía ông Trump cách nơi cựu tổng thống đang phát biểu chưa đầy 137 mét. Ông Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024, đã bị đạn sượt qua tai trong âm mưu ám sát này, một người tham gia cuộc mít tinh đã thiệt mạng và hai người khác bị thương trước khi nghi phạm bị một tay súng bắn tỉa của Mật vụ tiêu diệt.

Phúc trình phát hiện ra rằng khoảng 22 giây trước khi Crooks nổ súng, một nhân viên địa phương đã gửi cảnh báo qua radio rằng có một cá nhân có vũ trang trên tòa nhà. Nhưng thông tin đó đã không được chuyển tiếp đến các nhân viên Mật vụ chủ chốt mà các nhà điều tra của Thượng viện đã thẩm vấn.

Hội đồng cũng phỏng vấn một lính bắn tỉa của Sở Mật vụ, người này cho biết đã nhìn thấy các sĩ quan rút súng chạy về phía tòa nhà nơi kẻ bắn súng đang nằm, nhưng người này cho biết họ không nghĩ đến việc thông báo cho bất kỳ ai để đưa ông Trump ra khỏi sân khấu.

Phúc trình của Thượng viện được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Sở Mật vụ công bố một tài liệu dài năm trang tóm tắt các kết luận chính từ báo cáo sắp hoàn thiện của Sở Mật vụ về những gì đã xảy ra sai sót và trước phiên điều trần vào ngày 26/9 do lực lượng đặc nhiệm lưỡng đảng của Hạ viện điều tra vụ nổ súng tổ chức. Ủy ban Hạ viện cũng đang điều tra một vụ mưu sát thứ nhì nhắm vào ông Trump vào đầu tháng này khi các nhân viên Sở Mật vụ bắt giữ một người đàn ông có súng trường đang trốn tại sân golf ở câu lạc bộ Florida của ông Trump.

Mỗi cuộc điều tra đều tìm ra những chi tiết mới phản ánh những sai sót nghiêm trọng trong an ninh của cựu tổng thống và các nhà lập pháp cho biết họ muốn tìm hiểu thêm nhiều điều nữa để tránh tái diễn các cuộc mưu sát.

“Đây là kết quả của nhiều thất bại về nhân lực trong Sở Mật vụ”, Thượng nghị sĩ Rand Paul, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban, nói.

Các thượng nghị sĩ khuyến nghị rằng Mật vụ nên xác định rõ hơn các vai trò và trách nhiệm trước bất kỳ sự kiện bảo vệ nào, bao gồm cả việc chỉ định một cá nhân duy nhất chịu trách nhiệm phê duyệt tất cả các kế hoạch an ninh. Các nhà điều tra phát hiện ra rằng nhiều người phụ trách đã phủ nhận rằng họ có trách nhiệm lập kế hoạch hoặc thất bại về an ninh và đổ lỗi.

Các nhân viên mật vụ tiên phong mà Ủy ban thẩm vấn cho biết “các quyết định về lập kế hoạch và an ninh được đưa ra chung chung, không có cá nhân cụ thể nào chịu trách nhiệm chấp thuận”, phúc trình cho biết.

Việc giao tiếp với chính quyền địa phương cũng kém. Cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã nêu lên mối lo ngại hai ngày trước về phạm vi bảo vệ an ninh của tòa nhà nơi kẻ xả súng ẩn náu, nói với các nhân viên Mật vụ rằng họ không có đủ nhân lực để kiểm soát tòa nhà. Sau đó, các nhân viên Mật vụ đã đưa ra các báo cáo mâu thuẫn với các nhà điều tra về việc ai chịu trách nhiệm phạm vi bảo vệ an ninh đó, phúc trình nói.

Đánh giá nội bộ do Mật vụ công bố vào tuần trước cũng nêu chi tiết nhiều sự cố liên lạc, bao gồm việc không có hướng dẫn rõ ràng cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương và không khắc phục được các lỗ hổng tầm nhìn tại địa điểm diễn ra cuộc mít tinh khiến ông Trump dễ bị bắn tỉa và tâm lý “tự mãn” trong một số nhân viên mật vụ.

“Đây là một thất bại của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ. Điều quan trọng là chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về những thất bại của ngày 13 tháng 7 và chúng ta sử dụng những bài học kinh nghiệm để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không có một thất bại nào như thế này nữa”, ông Ronald Rowe Jr., quyền giám đốc của cơ quan này, cho biết sau khi phúc trình được công bố.

Ngoài việc xác định rõ hơn trách nhiệm đối với các sự kiện, các thượng nghị sĩ khuyến nghị rằng cơ quan này nên chấn chỉnh hoàn toàn các hoạt động truyền thông của mình tại các sự kiện bảo vệ và cải thiện việc chia sẻ thông tin tình báo. Họ cũng khuyến nghị rằng Quốc hội đánh giá xem có cần thêm nguồn lực hay không.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã không đồng ý về việc có nên cấp thêm tiền cho Sở Mật vụ sau những thất bại của cơ quan này hay không. Một dự luật chi tiêu đang trên đường thông qua trước cuối tháng bao gồm thêm 231 triệu đô la cho cơ quan này, nhưng nhiều đảng viên Cộng hòa cho biết trước tiên cần phải chấn chỉnh nội bộ.

“Đây là vấn đề quản lý đơn giản và dễ hiểu”, Thượng nghị sĩ Ron Johnson, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong tiểu ban điều tra của Ủy ban Nội địa, nói.

 

 

TRUMP VÀ TRÒ LỪA ĐẢO TIỀN MÃ HÓA: CƠN ÁC MỘNG MÀ NƯỚC MỸ KHÓ CÓ THỂ CHẤP NHẬN!

Cựu Tổng thống Donald Trump đang công khai quảng bá cho một dự án tiền mã hóa tai tiếng, World Liberty Financial, chỉ vài tuần trước thềm bầu cử tổng thống, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Giữa một mùa tranh cử đầy bất an, thật dễ để chúng ta phớt lờ những hành động gây sốc. Nhưng việc cựu Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục quảng bá cho một dự án tiền mã hóa mờ ám chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống là điều không thể không bàn luận.

Thật đáng ngạc nhiên khi Trump, người từng mỉa mai rằng tiền mã hóa “mỏng manh như một làn gió,” giờ đây lại chuyển hướng hoàn toàn. Đây không chỉ là một sự thay đổi chính sách bình thường, mà là việc một ứng cử viên hàng đầu biến chiến dịch của mình thành bệ phóng cho một doanh nghiệp sẽ thụ hưởng chính sách của chính quyền tương lai của ông.

Doanh nghiệp này sẽ thật sự đáng sợ! Trong khi cả ngành công nghiệp tiền mã hóa đã đầy rẫy lừa đảo và tin tặc, World Liberty Financial vẫn nổi bật với những trò lừa đảo vô tiền khoáng hậu. Một trong những người đứng đầu, Chase Herro, tự gọi mình là “kẻ lừa đảo của internet” và đã có một sự nghiệp quảng bá những sản phẩm đáng ngờ, từ kế hoạch giảm cân cho đến một dự án tiền mã hóa đã mất hàng triệu USD vì bị hack. Còn Zachary Folkman, người từng điều hành doanh nghiệp có tên “Date Hotter Girls,” cũng là một nhân vật trong trò chơi này. Bạn có thể nghĩ rằng những người này không phù hợp với một ứng cử viên tổng thống, nhưng hãy nhớ rằng Trump cũng đã dành cả sự nghiệp để quảng bá cho những trò lừa đảo tầm thường.

Những thông tin ít ỏi về hoạt động của World Liberty Financial không hề khiến ai cảm thấy yên tâm. Có vẻ như đây là một nền tảng tài chính phi tập trung sẽ phát hành một token kỹ thuật số mới có tên WLFI, và sẽ được bán trong một đợt chào bán không đăng ký. Bất kỳ ai đã theo dõi thế giới tiền mã hóa trong vài năm qua đều hiểu rằng khoảng một phần tư số token mới là những kế hoạch lừa đảo.

Thế nhưng, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử mà Trump cho là “cơ hội duy nhất để cứu đất nước,” cựu tổng thống đã dành gần 40 phút để livestream quảng bá cho World Liberty Financial, nói về những ưu điểm vượt trội của sản phẩm này. “Tiền mã hóa là một trong những điều chúng ta phải làm,” ông tuyên bố. “Dù có thích hay không, tôi phải làm điều đó.”

Chúng ta không cần điều đó, và ông cũng không cần! Trump đang đánh đồng lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia. Việc làm cho giá trị của các token kỹ thuật số tăng vọt không có lợi cho đại đa số người dân, mà chỉ cho các hacker, kẻ lừa đảo và một số ít tín đồ thực thụ. Cũng chẳng ích gì nếu Trump tích trữ Bitcoin hay bổ nhiệm những người “yêu thích ngành này” vào việc viết quy định tiền mã hóa như ông đã hứa.

Dĩ nhiên, Trump có quyền bán những sản phẩm mang thương hiệu của mình, dù chúng có tầm thường đến đâu. (Bạn vẫn có thể mua đôi giày vàng Trump giá 399 USD, Kinh thánh Trump giá 59.99 USD hay thẻ giao dịch kỹ thuật số Trump giá 99 USD, tất cả đều có thời gian giới hạn!) Nhưng điều không thể chấp nhận là ông ấy lại biến chính sách công thành công cụ phục vụ cho các đối tác kinh doanh của mình hoặc bán đứng lợi ích quốc gia để cứu vãn công ty đang gặp khó khăn.

Có lẽ không thể tránh khỏi việc gia đình Trump lại mời gọi những người ủng hộ dễ bị lừa nhất vào kế hoạch tiền mã hóa này. Không bao giờ được chấp nhận việc lợi dụng chức vụ tổng thống để thúc đẩy những trò lừa đảo như vậy!

 

 

TRUMP & LÁ BÀI KINH TẾ

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh tuyên truyền các cam kết về kinh tế trước thềm bầu cử, kèm những lời cảnh báo mạnh miệng.

Vận động tranh cử tại TP.Savannah (bang Georgia, Mỹ) ngày 24.9, cựu Tổng thống Donald Trump cam kết rằng nếu đắc cử, ông sẽ đưa công việc sản xuất từ nước ngoài đến Mỹ, nhằm tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế. "Chúng ta sẽ lấy việc làm từ các nước khác. Chúng ta sẽ lấy những nhà máy của họ", Đài Fox News dẫn lời ông phát biểu và tuyên bố rằng "phục hưng sản xuất" sẽ là trọng tâm trong kế hoạch kinh tế của ông.

Thu hút đầu tư

Cụ thể, ông Trump cho biết mình sẽ ưu đãi thuế và cắt giảm các quy định, dẫn đến "sự đổ xô" đầu tư từ các nước đồng minh như Đức, Hàn Quốc hay đối thủ kinh tế là Trung Quốc.

"Tôi muốn các công ty xe hơi Đức trở thành các công ty xe hơi Mỹ. Tôi muốn họ xây dựng các nhà máy tại đây", ông phát biểu và dọa áp thuế suất cao đối với hàng nhập khẩu. Trước đó hôm 23.9, ông tuyên bố sẽ áp thuế suất 200% đối với các sản phẩm nhập khẩu của Tập đoàn John Deere nếu tập đoàn sản xuất thiết bị nông nghiệp này của Mỹ chuyển việc sản xuất sang Mexico theo kế hoạch. Chưa hết, ông còn dọa áp thuế suất 100% đối với mọi xe hơi nhập khẩu từ Mexico. "Cách duy nhất để họ xóa bỏ thuế suất đó là xây dựng một nhà máy ngay tại Mỹ", ông phát biểu.

Đối với các công ty tại Mỹ, ông nhắc lại cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 15% từ mức 21% và lập những khu vực thuế suất ưu đãi trên đất liên bang.

Cảnh báo mạnh mẽ

Không chỉ hứa hẹn, cựu tổng thống còn đưa ra nhiều đe dọa về những viễn cảnh đáng lo ngại đối với người dân nếu ông thất cử.

Vận động tại thị trấn Indiana (Pennsylvania) hôm 23.9, ông cho rằng giá điện sẽ tăng vọt và làm phá sản các doanh nghiệp nông nghiệp nếu đối thủ tranh cử là Phó tổng thống Kamala Harris chiến thắng. "Khi đó, các bạn sẽ không còn giữ được trang trại lâu lắm đâu", ông cảnh báo.

Theo CNN, đây là tông giọng điệu cảnh báo quen thuộc, khi ông thường gợi lên một viễn cảnh đất nước bị tàn phá bởi tội phạm, suy thoái kinh tế và "cuộc xâm lấn" của người nhập cư. Trong khi đó, hầu hết chính trị gia đều thuyết phục cử tri bằng những viễn cảnh lạc quan, thôi thúc niềm hy vọng và cam kết về những thay đổi. Bà Harris đang tìm cách xóa bỏ bức tranh tương lai ảm đạm của ông Trump bằng viễn cảnh "nền kinh tế của cơ hội". Bà cam kết giảm thuế cho các gia đình trung lưu và thu nhập thấp, cũng như giảm chi phí thuốc men.

Giới quan sát cho rằng thông điệp của ông Trump vẫn có hiệu quả đối với một bộ phận cử tri, khi chi phí cao và vấn đề việc làm là nỗi lo của nhiều người. Sau buổi vận động tranh cử, ông Trump ghé một cửa hàng ở thị trấn Kittanning (Pennsylvania) và trả tiền thực phẩm cho một phụ nữ. "Tại đây, nó chỉ là 100 USD. Chúng tôi sẽ làm điều đó cho các bạn từ Nhà Trắng", ông cam kết.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ; Soha; VOA; Dự Báo Tiền Tệ; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang