Mỹ: Bức tranh trái ngược; Khôi phục đội bắn tử hình; Trump thoát truy tố; Xung đột chính trị; Triển khai vũ khí hạt nhân ở EU

Bức tranh trái ngược ở Mỹ

(Ảnh minh họa).

Mỹ chứng kiến mô hình bất thường khi ​giá nhà tại 12 thị trường nhà ở lớn phía tây Texas, cùng với Austin giảm, trong khi tình trạng trái ngược diễn ra ở phần còn lại đất nước.

Mỹ là một quốc gia có hai thị trường nhà ở. Một bên, giá nhà đang giảm so với năm trước. Bên còn lại thì chứng kiến tình cảnh trái ngược.

Tại tất cả 12 thị trường nhà ở lớn phía tây Texas, cộng với Austin, giá nhà giảm vào tháng 1, theo chỉ số của công ty dữ liệu thế chấp Black Knight Inc.

Trong khi đó, tại 37 khu vực đô thị lớn nhất phía đông Colorado, ngoại trừ Austin, giá nhà tăng hàng năm.

Các chuyên gia phân tích nhà ở cho biết mô hình chênh lệch địa lý này rất bất thường, nếu không muốn nói là chưa từng có, theo Wall Street Journal.

“Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự thế này, khi sự cách biệt lộ rõ từ đông sang tây”, Andy Walden, phó chủ tịch chiến lược nghiên cứu doanh nghiệp tại Black Knight cho biết.

Tình cảnh trái ngược

Sau hơn hai năm bùng nổ nhà ở do đại dịch và tỷ lệ thế chấp thấp đẩy giá tăng khắp mọi nơi trên nước Mỹ, từ các thành phố lớn đến thị trấn nhỏ, thị trường nhà ở của nước này đang ngày càng chia rẽ, phụ thuộc vào các yếu tố địa phương như khả năng chi trả, cung ứng và tăng trưởng việc làm.

Một số thị trường nhà đất ở phía tây nước Mỹ đã trải qua khoảng thời gian dài liên tục tăng giá, kể từ những năm 1990, khi sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thúc đẩy sự bùng nổ thị trường nhà đất. Thế nhưng, giờ đây, các thành phố gắn liền với công nghệ nhất lại có giá nhà giảm nhanh nhất.

Giá nhà ở San Jose, California, và San Francisco đã giảm hơn 10% so với một năm trước đó vào tháng 1, trong khi giá ở Seattle giảm 7,5%.

Ở nửa phía đông của Mỹ, Florida và những thị trường khác vẫn đang thu hút các công ty và tạo thêm việc làm. Giá nhà ở Orlando tăng 9,3%, trong khi giá ở Miami tăng 12% - mức tăng cao nhất trong số 50 khu vực đô thị lớn nhất.

Judy Zeder, một đại lý của Tập đoàn Jills Zeder tại Coldwell Banker Realty ở Miami, cho biết hàng loạt công ty tài chính đã chuyển đến Miami vào năm 2021 và 2022, kéo theo đội ngũ nhân viên.

“Vẫn còn rất nhiều người mua mà chúng tôi chưa thể tìm được nhà cho họ”, cô nói.

“Việc tăng lãi suất dường như không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến thị trường của chúng tôi", Lisa Barall-Matt của Berkshire Hathaway HomeServices New England Properties ở West Hartford, Connecticut cho biết.

Alison và Dylan Conway, mong đợi đón chào đứa con đầu lòng vào tháng 5, đang chuyển từ Maryland đến Connecticut để gần gia đình hơn.

Họ đã 3 lần hụt mất đề nghị mua nhà ở khu vực Hartford trước những người trả giá cao hơn. Phải đến lần thứ 4, họ mới đàm phán được để mua một ngôi nhà 3 phòng ngủ ở East Hampton, Connecticut.

“Chúng tôi thực sự không nghĩ rằng nó sẽ cạnh tranh đến vậy”, Conway nói. “Chúng tôi từng tới một số ngôi nhà được rao bán ở Connecticut, và có 20 chiếc ôtô đỗ chật cứng bên ngoài ngôi nhà thứ hai chúng tôi đến. Thật điên rồ".

Thay đổi

Doanh số bán nhà hiện tại tăng trong tháng 2, chấm dứt chuỗi 12 tháng sụt giảm, Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia cho biết vào tuần trước. Trong khi đó, giá bán nhà hiện tại trung bình đã giảm 0,2% trong tháng 2 xuống còn 363.000 USD.

Việc giảm lãi suất vay thế chấp trong tháng 12/2022 và tháng 1 đã thúc đẩy hoạt động gia tăng, nhưng một số động lực đã dừng lại vào tháng 2 khi lãi suất bắt đầu tăng trở lại.

Theo Freddie Mac, lãi suất trung bình của khoản vay thế chấp cố định 30 năm là 6,42% vào tuần trước, giảm trong tuần thứ hai liên tiếp nhưng tăng từ 6,09% vào đầu tháng 2.

Các khu vực có mức giảm lớn nhất thường rơi vào hai loại. Thứ nhất, những thị trường có giá tăng chóng mặt trong thời gian gần đây khi nhiều người chuyển đến từ các tiểu bang khác, chẳng hạn Phoenix và Austin. Thứ hai, thị trường mà giá không tăng đột biến trong thời kỳ bùng nổ nhưng vốn đã quá đắt đỏ, chẳng hạn San Francisco và Los Angeles.

Các thị trường California từ lâu đã trở thành một trong những thị trường đắt đỏ nhất quốc gia. Chi phí nhà ở Bờ Tây tăng vọt trong những năm 2010 khi sự bùng nổ công nghệ tạo ra những công việc mới được trả lương cao và khối tài sản kếch xù.

Giá nhà ở San Francisco đã tăng 112% trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 1/2020, vượt xa mức tăng 58% trên toàn quốc trong khoảng thời gian đó, theo Chỉ số S&P Dow Jones.

Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã khác. Giá bán nhà trung bình dành cho một gia đình hiện nay ở San Francisco là 1,465 triệu USD trong tháng 2, giảm so với mức cao nhất là 2,06 triệu USD vào tháng 3/2022, theo Hiệp hội Môi giới California.

Laura Johnson, một nhà quản lý dự án công nghệ 59 tuổi, đã rao bán ngôi nhà ở Seattle của mình vào tháng 9/2022 với giá 800.000 USD. Vào tháng 10/2022, sau khi giảm giá xuống còn 745.000 USD và không nhận được lời đề nghị nào, bà đã dừng lại.

“Ở Seattle, doanh số bán hàng đã giảm hoàn toàn”, bà nói. Bà Johnson đã rao bán lại căn nhà của mình vào tháng 2 với giá 750.000 USD.

“Tôi đã rất thận trọng khi rao bán nó trở lại”, bà nói.

Bà đã giảm giá xuống còn 740.000 USD vào tuần trước. Nếu bán nhà, bà Johnson dự định chuyển đến Florida.

Ngoài ra, những khu vực có tốc độ giá giảm nhanh nhất khi lãi suất vay thế chấp tăng vào năm 2022 là “Zoomtowns” - khu vực đô thị có tốc độ dân số tăng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch, khi người lao động ở xa và người về hưu chuyển đến thị trường nhà ở giá rẻ hơn.

Thị trường nhà đất ở các thành phố như Boise, Idaho, Phoenix và Austin từng ăn nên làm ra nhờ những người mua ngoài tiểu bang. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, nhu cầu giảm mạnh, gây áp lực lên giá cả.

Năm ngoái, gần như tất cả thị trường nhà ở sôi nổi nhất diễn ra ở phía tây sông Mississippi. Vào tháng 1/2022, phân tích từ Đại học Florida Atlantic và Đại học Quốc tế Florida đã gọi Boise, Austin và Ogden, Utah là những thị trường nhà ở được định giá cao nhất ở Mỹ.

Năm nay, những thị trường có mức giá nhất cao nhất được tìm thấy ở xa hơn về phía đông.

Vào tháng 1, phân tích cho thấy Atlanta, Cape Coral (Florida), và Charlotte (Bắc Carolina), được định giá cao nhất.

Một số nhà kinh tế dự đoán giá nhà có thể giảm vào mùa xuân hoặc mùa hè này.

Dù vậy, ngay cả khi ​​giá dự kiến giảm nhiều hơn, nguồn cung nhà để bán thấp hơn mức bình thường là lý do khiến một số người cho rằng tình trạng sụt giảm thị trường nhà ở hiện tại sẽ không gây ra sự sụp đổ giá cả sau cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn.

“Giá nhà chắc chắn sẽ giảm” ở nhiều thị trường, Matthew Gardner, nhà kinh tế trưởng của công ty môi giới Windermere Real Estate, cho biết. Nhưng "lần duy nhất bạn thấy giá trị nhà sụt giảm đáng kể là khi bạn thấy nguồn cung nhiều hơn đáng kể so với nhu cầu, và điều đó sẽ không xảy ra".

Joe Stanich và Cait Peltyszyn bắt đầu tìm mua một căn nhà ở phía bắc New Jersey vào tháng 12/2022.

Anh Stanich cho biết cặp vợ chồng đã nhận được lời đề nghị mua một căn nhà hai phòng ngủ trong tháng này, nhưng người bán đã rút lại để chấp nhận mức giá cạnh tranh cao hơn từ người khác.

“Thật bực bội”, anh nói. “Bất kỳ cuộc nói chuyện nào về thị trường đều sẽ khiến người ta vỡ mộng, hoặc ít nhất cụm từ hạ nhiệt, đi xuống, sẽ không diễn ra trong lĩnh vực này”.

(Nguồn: Zing News)

Thiếu thuốc độc, Mỹ có thể khôi phục đội bắn tử hình

Hình ảnh đội súng đứng dàn hàng hành quyết tử tù có thể gợi lên một giai đoạn đã qua. Tuy nhiên, lực lượng đó có thể sắp trở lại.

Tuần trước, các nghị sĩ bang Idaho, Mỹ, thông qua dự luật cho phép sử dụng đội bắn súng hành quyết.

Bước đi này diễn ra khi bang Idaho đang vất vả tìm biện pháp thay thế hình thức tiêm thuốc độc, sau khi các hãng dược cấm sử dụng thuốc của họ để hành quyết tù nhân chịu án tử hình.

Nhiều người, trong đó có một số thẩm phán của Tòa án tối cao Mỹ, cho rằng hình thức bắn tử hình ít tàn bạo hơn tiêm thuốc độc.

Ronnie Lee Gardner là tù nhân cuối cùng ở Mỹ bị xử tử bằng hình thức bắn, vào ngày 18/6/2010, vì tội giết hại luật sư trong phòng xét xử để chạy trốn. Gardner thụ án bằng cách ngồi trên một chiếc ghế, xung quanh là những bao cát. Năm nhân viên nhà tù được chọn từ nhóm tình nguyện viên đã nổ súng ở khoảng cách 8m. Gardner được tuyên bố chết sau 2 phút.

Theo dự luật của Idaho, các đội bắn tử hình chỉ được sử dụng nếu không tìm được thuốc độc.

Từ khi tiêm thuốc độc trở thành phương pháp tử hình chủ yếu trong những năm 2000, các công ty dược phẩm bắt đầu cấm sử dụng thuốc của họ, nói rằng họ làm ra thuốc để cứu người, không phải để lấy mạng người.

Các bang của Mỹ bắt đầu khó tiếp cận những loại thuốc họ cần, như natri thiopental, pancuronium bromide và kali clo-rua. Một số bang chuyển sang những loại thuốc có thể mua được, như pentobarbital hoặc midazolam, nhưng các ý kiến chỉ trích cho rằng cả hai loại thuốc này gây đau đớn dữ dội. Một số bang cho phép dùng lại hình thức ghế điện và phòng hơi ngạt.

(Nguồn: Tiền Phong)

Bồi thẩm đoàn hoãn họp, ông Trump tạm thời thoát bị truy tố

(Ảnh minh họa).

Một nguồn tin từ lực lượng hành pháp Mỹ cho biết, bồi thẩm đoàn trong vụ việc cựu Tổng thống Trump bị nghi trả tiền bịt miệng sao khiêu dâm sẽ không tiến hành thêm cuộc họp nào nữa trong tuần này.

Reuters dẫn một nguồn tin từ lực lượng hành pháp Mỹ hôm 28/3 cho biết, đại bồi thẩm đoàn ở quận Manhattan, New York sẽ không tiến hành thêm bất cứ cuộc họp nào khác trong tuần này để xem xét khả năng truy tố cựu Tổng thống Donald Trump trong nghi án trả tiền để đổi lấy sự im lặng của cựu sao khiêu dâm Stormy Daniels. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump nhiều khả năng sẽ chưa bị truy tố trong tuần này.

Trước đó, David Pecker, một cựu biên tập viên của báo National Enquirer, đã ra điều trần trước đại bồi thẩm đoàn vào hôm 27/3. Một số nguồn tin cho rằng ông Pecker có thể từng hỗ trợ ông Trump che giấu vụ việc trước giới truyền thông.

Stormy Daniels, tên khai sinh là Stephanie Clifford, tuyên bố từng có quan hệ tình dục với ông Trump ở Nevada vào năm 2006, thời điểm ông Trump đã kết hôn với bà Melania.

Để bịt miệng Stormy nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử vào năm 2016, cựu Tổng thống Trump được cho là đã trả khoảng 130.000 USD để đổi lấy sự im lặng từ cựu sao khiêu dâm. Thông tin này đã bị Michael Cohen, người từng là luật sư riêng của ông Trump, khai với cơ quan chức năng. Các công tố viên quận Manhattan được cho là đã thu thập được một số tấm séc làm bằng chứng cho việc chuyển tiền của ông Trump cho bà Daniels.

Thời điểm của cuộc họp tiếp theo từ đại bồi thẩm đoàn tại New York hiện chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, việc đại bồi thẩm đoàn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng sau nhiều tuần họp liên tục có thể xem là một tín hiệu tích cực cho cựu Tổng thống Trump.

Trong thời gian qua, đội ngũ pháp lý cùng các đồng minh chính trị của ông Trump cũng đã hoạt động tích cực để hỗ trợ cựu Tổng thống.

Hôm 20/3, 3 nghị sĩ cao cấp của đảng Cộng hòa là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Comer và Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hạ viện Bryan Steil đã gửi một bức thư cho công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg, yêu cầu ông ra điều trần vì "những quyết định công tố được đưa ra vì mục đích chính trị".

Việc điều trần này nhằm đảm bảo các công tố viên tại New York đã làm tròn trách nhiệm và không "lạm dụng quyền lực" trong quá trình điều tra cựu Tổng thống. Đảng Cộng hòa hy vọng cuộc điều trần này có thể gây sức ép, thậm chí là tìm ra những sai phạm để có thể hủy bỏ quyết định truy tố ông Trump.

Công tố viên Bragg sau đó lên tiếng chỉ trích lá thư trên, đồng thời cho rằng đây là một sức ép chính trị nhằm "giải vây" cho ông Trump.

(Nguồn: Dân Trí)

Nguy cơ nước Mỹ rơi vào xung đột chính trị

Cựu Tổng thống Donald Trump khởi động chiến dịch tranh cử của mình vào Nhà Trắng ở thời điểm khó khăn trong sự nghiệp khi rất nhiều cáo buộc hướng vào ông, đặc biệt liên quan đến khoản tiền bịt miệng diễn viên phim người lớn. Tuy nhiên những căng thẳng pháp lý xoay quanh những cáo buộc này có nguy cơ đẩy nước Mỹ rơi vào xung đột chính trị.

CĂNG THẲNG PHÁP LÝ LEO THANG

Hôm 25/3, ông Trump đã thẳng thừng thách thức chính quyền ông Biden tại cuộc vận động đầu tiên cho chiến dịch tranh cử chính thức vào năm 2024 ở Waco, Texas. Vị cựu tổng thống cho biết những cáo buộc này có thể làm ảnh hưởng xấu đến đảng Cộng hòa và sẽ làm mọi cách để chứng minh sự trong sạch của mình.

Điều này đã dấy lên lo ngại rằng nước Mỹ có thể rơi vào xung đột chính trị nếu vị cựu tổng thống này bị truy tố trong bất kỳ cuộc điều tra hình sự nào. Ông Trump sẽ làm mọi cách để cứu lấy bản thân mình, bất chấp việc đặt nước Mỹ vào những rủi ro pháp lý nhất.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ Cộng hòa James Comer ngày 26/3 cho rằng cuộc điều tra của Công tố quận Manhattan (New York) Alvin Bragg đối với cựu Tổng thống Donald Trump nên được để cơ quan điều tra liên bang tiếp quản và nếu ông Trump có tội thì Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan tiếp tục đứng ra xét xử. Khi cuộc điều tra này được tiến hành, nó có thể nảy sinh một số vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của Văn phòng công tố viên cấp quận. Do đó, văn phòng công tố viên Manhattan chỉ nên tập trung vào tình hình tội phạm tại New York.

Trước đó, ông Comer và 2 hạ nghị sỹ Cộng hòa khác là Jim Jordan và Bryan Steil đã gửi thư đến Công tố Bragg, đề nghị ông tới điều trần tại Quốc hội cũng như nộp tất cả các văn bản liên quan đến cuộc điều tra cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, văn phòng của ông Bragg đã từ chối lời đề nghị này.

THẾ KHÓ CỦA CÔNG TỐ VIÊN ALVIN BRAGG

Theo nhà phân tích Cheryl Bader bất kể kết quả ra sao, công tố viên quận Manhattan của New York Alvin Bragg đang ở một vị thế khó khi tất cả con mắt của cả nước đang theo dõi ông.

Sau khi cựu Tổng thống Trump thông báo ông có thể bị bắt giữ liên quan đến cáo buộc trả tiền bịt miệng một ngôi sao phim người lớn trước cuộc bầu cử năm 2016, các đồng minh của ông đã sử dụng ưu thế đa số trong Hạ viện để yêu cầu chứng thực từ công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg và tìm cách ngăn chặn một cuộc điều tra.

Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg Bragg, thành viên đảng Dân chủ, cùng đội ngũ công tố viên hồi đầu năm nay đã gửi bằng chứng điều tra cho đại bồi thẩm đoàn để xem xét có nên truy tố ông Trump ra tòa hay không. Cựu tổng thống Mỹ Trump tuần trước tuyên bố ông nhận được tin mình sẽ "bị bắt vào ngày 21/3" và kêu gọi người ủng hộ tổ chức biểu tình để phản đối. Tuy nhiên, giới chức New York không có động thái pháp lý nào với ông Trump trong tuần qua. Các nguồn thạo tin cho hay bản cáo trạng nhằm vào ông Trump có thể được công bố vào tuần này.

(Nguồn: Quốc Hội TV)

Vì sao Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu?

(Ảnh minh họa).

Khi thông báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ.

Việc Nga mới đây bất ngờ thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược trên lãnh thổ Belarus vấp phải phản ứng mạnh từ các nước phương Tây. Ukraine cũng kêu gọi tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc này.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, không có gì bất thường khi Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus. Mỹ đã làm như vậy trong nhiều thập kỷ bằng cách giữ vũ khí hạt nhân của họ ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Từ lâu họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các đồng minh. Chúng tôi sẽ làm điều tương tự mà không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Tổng thống Putin tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Nga cho hay, bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được chuyển đến Belarus sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Vì sao Mỹ đưa vũ khí hạt nhân tới châu Âu?

Kể từ giữa những năm 1950, vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được triển khai tại nhiều địa điểm quân sự ở châu Âu. Tổng thống Mỹ, khi đó là Dwight D.Eisenhower, đã cho phép lưu trữ các loại vũ khí này tại châu Âu trong bối cảnh có những cáo buộc về mối đe dọa bắt nguồn từ Liên Xô.

Hiện nay, cần phải lưu ý rằng bản thân liên minh an ninh gồm 30 quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu không “sở hữu” bất kỳ vũ khí hạt nhân nào. Theo cái gọi là nguyên tác chia sẻ hạt nhân của NATO, các đầu đạn hạt nhân được lưu trữ trên khắp châu Âu tại các căn cứ không quân ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington.

Theo đó, bom hạt nhân cũng như tên lửa trang bị hạt nhân đã được Washington triển khai tới các quốc gia đồng minh ở châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh (từ năm 1954) và Hy Lạp. Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí cho biết, kể từ năm 2008, Vương quốc Anh đã không lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ. Athens cũng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hy Lạp như một phần của thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO.

Các căn cứ của Mỹ ở Hy Lạp cất giữ một số vũ khí hạt nhân dưới dạng đạn pháo, một số khác ở dạng bom và một số trên tên lửa Lance. Tuy nhiên, sau khi Hy Lạp tuyên bố muốn hủy bỏ thỏa thuận, Mỹ đã đưa vũ khí hạt nhân cuối cùng khỏi đây vào năm 2001.

Có bao nhiêu vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu?

Mỹ và các đồng minh NATO rất kín tiếng về số lượng chính xác vũ khí hạt nhân được lưu trữ trong các kho của châu Âu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, ước tính có khoảng 100 vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại 6 căn cứ của NATO trên lãnh thổ của 5 quốc gia thành viên - Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn nữa, “bí mật mà ai cũng biết” về sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ trên lục địa châu Âu đã vô tình bị rò rỉ vào năm 2019. Các chi tiết xuất hiện trong một tài liệu tham khảo được đưa vào tài liệu đánh giá chính sách răn đe hạt nhân. Với tiêu đề “Kỷ nguyên mới cho răn đe hạt nhân? Hiện đại hóa, kiểm soát vũ khí và các lực lượng hạt nhân đồng minh”, tài liệu này được một thượng nghị sĩ Canada thực hiện cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Nghị viện NATO. Mặc dù sau đó đã bị xóa, nhưng tài liệu tham khảo này vẫn nhanh chóng đến tay các phương tiện truyền thông châu Âu. Một loạt bài báo sau đó tiết lộ rằng châu Âu đang lưu trữ khoảng 150 vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Vũ khí hạt nhân của Mỹ cất giữ ở châu Âu chủ yếu bao gồm bom trọng lực B61-3 và B61-4. Máy bay có khả năng kép có thể được sử dụng để mang vũ khí hạt nhân như vậy. Hơn nữa, là một phần trong Kế hoạch kéo dài tuổi thọ của bom B61-12 của Cơ quan quản lý an ninh hạt nhân quốc gia, các đầu đạn nâng cấp dự kiến triển khai tới các quốc gia tiếp nhận vào năm 2024.

Vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu được cất giữ trong các hầm ngầm của Hệ thống An ninh và Lưu trữ Vũ khí (WS3). Chỉ Mỹ mới có thể sử dụng mã bảo mật Liên kết cho phép hoạt động vũ khí hạt nhân (PAL), sau đó chúng sẽ được triển khai trên máy bay được chỉ định của NATO.

Vũ khí hạt nhân của Mỹ được lưu trữ ở những căn cứ nào?

Theo báo cáo năm 2019 của cơ quan trực thuộc NATO, vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại 6 căn cứ ở châu Âu: căn cứ Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi-Torre ở Italy, Volkel ở Hà Lan và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bản báo cáo không đề cập cụ thể loại máy bay nào “có thể mang vũ khí hạt nhân”.

“Các đồng minh châu Âu vận hành những máy bay như vậy là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ” tài liệu cho hay.

WikiLeaks từng trích dẫn một bức điện tín ngoại giao của Đại sứ Mỹ tại Đức lúc bấy giờ là Philip Murphy vào tháng 11/2009, dường như xác nhận sự hiện diện của vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đất Hà Lan.

Bức điện có đoạn: “Việc rút vũ khí hạt nhân khỏi Đức, có thể cả Bỉ và Hà Lan sẽ gây khó khăn về mặt chính trị cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc duy trì kho lưu trữ tại nước này”.

Đức, quốc gia chưa ký hay phê chuẩn Hiệp ước cấm Vũ khí Hạt nhân (TPNW), là một trong 5 thành viên NATO lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của mình theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của khối.

Theo dữ liệu từ Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN), ước tính có khoảng 10-15 quả bom hạt nhân B61 được cho là cất giữ tại Căn cứ Không quân Buchel của Không quân Đức.

Tương tự, Italy là một bên tham gia thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO. Khoảng 40 quả bom hạt nhân B61 được giao cho Lực lượng Không quân Italy, triển khai tại Căn cứ Aviano và Ghedi./.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang