Mỹ: Black Friday bớt điên cuồng; Mừng lễ Tạ ơn; Trump bị kiện tội rất nặng; Rạn nứt quan hệ với Pháp; Chạy đua hạt nhân

BLACK FRIDAY ĐÃ BỚT ĐIÊN CUỒNG

(Ảnh minh hoạ).

Nhiều thập niên qua, hàng trăm nghìn người Mỹ sẽ đổ xuống phố, chen chúc nhau để mua sắm trong ngày Black Friday. Nhưng ngày mua sắm lớn nhất năm đã thay đổi.

Cảnh tượng đám đông ùn ùn đến các siêu thị mua đồ giảm giá vốn là đặc sản của ngày Black Friday. Theo The Guardian, thứ sáu ngay sau Lễ Tạ ơn từ lâu đã được coi là ngày bắt đầu cho mùa mua sắm nghỉ lễ ở Mỹ.

Khi bình minh ló rạng sau Lễ Tạ ơn, hàng dài người cố giành giật những chương trình ưu đãi tốt nhất tại các cửa hiệu và trung tâm thương mại.

Nhưng vài năm trở lại đây, đại dịch Covid-19, sự bùng nổ của thương mại điện tử và lạm phát kỷ lục tại Mỹ đã thay đổi mọi thứ.

Ngày giảm giá lớn nhất năm

Theo Huffington Post, từ “black” trong Black Friday từng được dùng để chỉ một ngày tệ hại. Vào một ngày thứ sáu trong năm 1869, người ta sử dụng từ "Black Friday" để mô tả ngày giá vàng giảm mạnh, dẫn đến sự sụp đổ thị trường và ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm.

Đến những năm 1950 và 1960, thuật ngữ này được cảnh sát giao thông ở Philadelphia (bang PennsyIvania) sử dụng để mô tả tình trạng kẹt xe khủng khiếp tại trung tâm thành phố. Khi đó, hàng trăm nghìn người Mỹ đổ xuống các con phố, chen chúc nhau để mua sắm, sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.

Giới kinh doanh Mỹ sau đó đã sử dụng thuật ngữ Black Friday để quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng loạt giảm giá với ưu đãi lớn để thu hút khách hàng. Nhiều cửa hàng thậm chí mở cửa từ nửa đêm hoặc bán hàng từ Lễ Tạ ơn.

Trong ngày Black Friday, hầu hết mặt hàng, kể cả những mặt hàng đắt khách và ít giảm giá nhất, cũng giảm trung bình 10-30%. Các thương hiệu từ bình dân đến nổi tiếng đều có ưu đãi lớn. Người mua phải xếp hàng, chen lấn, giành giật để mua những món hàng ưng ý với mức giá hời.

Nhưng giới quan sát nhận định ngày Black Friday ngày càng bớt điên cuồng. "Ngày hội mua sắm lớn nhất nước Mỹ đã chuyển từ 'điên cuồng' sang 'văn minh' nhưng nhạt nhẽo hơn", Bloomberg bình luận.

Cảnh tượng tại các cửa hàng và trung tâm thương mại không còn quá hỗn loạn. Một phần nguyên nhân là không ít nhà bán lẻ bắt đầu chương trình giảm giá từ vài tuần trước ngày Black Friday nhằm kéo dài dịp lễ.

Cùng với đó là sự xuất hiện của thương mại điện tử. "Bạn đang nhìn thấy bước chuyển thế hệ thông qua Black Friday", chuyên gia Jennifer Bartashus của Bloomberg bình luận.

"Những người 20-30 tuổi chỉ mua một vài món đồ mà họ đã nghiên cứu trên mạng trong Black Friday. Điều đó trái ngược với thế hệ cũ. Tại sao phải đến cửa hàng? Tại sao phải lòng vòng tìm chỗ đậu xe?", cô nói thêm.

Với sự ra đời của thương mại điện tử, người mua hàng có thể ngồi ở nhà, so sánh giá cả của các mặt hàng bằng cách lướt ngón tay trên màn hình điện thoại. Không còn cảnh chen lấn, xếp hàng ngoài trời lạnh hay thậm chí bỏ mạng vì bị chen lấn, xô đẩy.

Kể từ đầu năm 2020, có một lý do đặc biệt khiến người tiêu dùng sợ đám đông chen lấn ngày Black Friday hơn. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen mua sắm của người Mỹ.

Lạm phát kỷ lục

Trong ngày Black Friday năm nay, người Mỹ có một mối lo khác. Đó là lạm phát ở mức cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ.

Dù đã hạ nhiệt phần nào, lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn nhiều mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước và 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, CPI cốt lõi tăng 0,3% so với tháng 9 và 6,3% so với năm 2021.

Thước đo lạm phát yêu thích của Fed cũng vẫn ở mức cao trong tháng 9. Báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế (BEA) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tăng 0,5% so với tháng 8 và 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

PCE đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác. Fed được cho là yêu thích thước đo này hơn CPI của Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Theo một báo cáo được công bố hôm 11/11, ngày càng nhiều người Mỹ tin rằng lạm phát sẽ đi lên trong cả ngắn và dài hạn, đè nặng lên niềm tin tiêu dùng.

Để hạ nhiệt lạm phát, kể từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, cơ quan này đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.

Lãi suất quỹ liên bang - do Fed ấn định - là lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, các động thái của Fed sẽ tác động tới người tiêu dùng thông qua lãi suất thẻ tín dụng, vay mua xe và mua nhà.

(Nguồn: Zing News)

NGƯỜI MỸ ĐÓN MỪNG LỄ TẠ ƠN GIỮA BÓNG ĐEN CỦA HAI VỤ XẢ SÚNG CHẾT NGƯỜI

Nước Mỹ đánh dấu ngày Lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm với các bữa ăn truyền thống, diễu hành và bóng bầu dục Mỹ, dành một ngày để ăn mừng trong một tuần lễ ảm đạm vì bạo lực súng ống.

Ngày lễ năm nay đến trong không khí đau buồn sau hai vụ xả súng chết người. Vào thứ Bảy, một kẻ tấn công nổ súng trong một hộp đêm mà những người LGBTQ thường hay lui tới ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado, giết chết năm người. Ngày thứ Ba, một nhân viên Walmart bắn chết sáu đồng nghiệp rồi tự sát ở thành phố Chesapeake, bang Virginia.

Đó chỉ là hai trong số hơn 600 vụ xả súng trong năm nay, theo Gun Violence Archive, sử dụng định nghĩa bốn người trở lên bị bắn hoặc bị giết, không bao gồm người bắn.

Tổng thống Joe Biden ngày thứ Năm gọi điện thoại cho hai chủ sở hữu hộp đêm Club Q ở Colorado Springs, Nic Grzecka và Matthew Haynes, để gửi lời chia buồn và cảm ơn họ vì những đóng góp của họ cho cộng đồng, Nhà Trắng cho biết.

Khi đến thăm một nhà cứu hỏa trên đảo Nantucket, bang Massachusetts, để cảm ơn những người ứng cứu đầu tiên nhân dịp Lễ Tạ ơn, ông Biden nói với các phóng viên rằng ông sẽ cố gắng thông qua một số hình thức kiểm soát súng trước khi Quốc hội mới bắt đầu nghị họp vào tháng 1, có thể tiếp tục nỗ lực của ông cấm vũ khí tấn công.

Đợt nghỉ cuối tuần dài thường là lúc mọi người ồ ạt du hành khi các gia đình rải rác từ khắp đất nước tụ tập cùng nhau dùng bữa.

Nửa đêm sau Lễ Tạ ơn đánh dấu thời điểm bắt đầu không chính thức của mùa mua sắm Giáng sinh, cho thấy bức tranh tổng quan về tình trạng của nền kinh tế Mỹ.

Nhiều người Mỹ theo dõi các trận đấu bóng bầu dục trên truyền hình trong khi ăn bữa tối với gà tây.

Lễ Tạ ơn cũng là dịp nhiều người quyên góp tặng đồ cho người nghèo và người thiếu ăn, một nhiệm vụ đã trở nên phức tạp do dịch cúm gia cầm đã tiêu diệt khoảng 8 triệu con gà tây, khiến chúng trở nên khan hiếm hơn và do đó đắt đỏ hơn trong năm nay. Sản lượng thịt gà tây năm nay được dự báo sẽ giảm 7% so với năm 2021, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.

(Nguồn: VOA)

ÔNG DONALD TRUMP LẠI BỊ KIỆN “TỘI RẤT NẶNG”

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lần thứ hai bị nữ nhà báo E. Jean Carroll khởi kiện tội “phỉ báng và bạo hành” mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ vụ cáo buộc hiếp dâm 27 năm trước.

Đơn kiện đã được cựu nhà báo của tạp chí Elle gửi đến tòa án liên bang ở Manhattan hôm 24-11 (giờ Mỹ) theo một luật mới được thông qua tại New York.

Luật mới này cho phép các nạn nhân bị tấn công tình dục kiện người tấn công họ dù vụ việc xảy ra rất lâu về trước và đã hết thời hiệu để khởi kiện. Hãng thông tấn Reuters cho hay Ngày Lễ Tạ ơn là ngày đầu tiên mà nạn nhân ở Mỹ có thể khởi kiện theo luật mới nói trên.

Bà E. Jean Carroll (78 tuổi) cáo buộc ông Trump (76 tuổi) đã cưỡng hiếp bà tại một cửa hàng bán đồ xa xỉ tại Manhattan, New York vào giữa những năm 1990.

Tuy nhiên, cựu tổng thống Mỹ phủ nhận cáo buộc khi nhấn mạnh không quen nữ nhà báo vào thời điểm đó và ông còn nói rằng bà E. Jean Carroll "không phải mẫu người của tôi".

Những lời lẽ phủ nhận hồi tháng 6-2019 nói trên đã khiến bà E. Jean Carroll tức giận, nên 5 tháng sau bà tiếp tục kiện ông Trump tội phỉ báng.

Vị tổng thống thứ 45 của Mỹ tiếp tục lặp lại lời phủ nhận đó trong một bài đăng trên tài khoản cá nhân Truth Social hôm 12-10-2022 và gọi cáo buộc của bà Carroll là "dối trá" khiến bà đưa ra đơn kiện phỉ báng thứ hai.

Cả hai bên đang chờ phán quyết của tòa phúc thẩm trong vụ kiện đầu tiên. Trong đó, tòa đang xem xét liệu ông Trump có được miễn trừ truy cứu trách nhiệm tội phỉ báng hay không vì lúc đó ông là tổng thống đương nhiệm. Nếu điều này được xác lập thì đơn kiện của bà E. Jean Carroll sẽ thất bại.

Phiên xét xử cho vụ kiện này dự kiến diễn ra vào ngày 6-2-2023 nhưng có thể bị trì hoãn thêm vì quá trình kháng cáo.

Tuy nhiên, dù kết quả ra sao thì cũng không ảnh hưởng đến đơn kiện thứ hai vì lúc đưa ra tuyên bố phủ nhận mới, ông Trump không còn là tổng thống Mỹ khi đã rời Nhà Trắng vào tháng 1-2021.

Trong đơn kiện, bà Carroll yêu cầu bồi thường một khoản không được nêu rõ. Bà nói rằng ông Trump đã gây ảnh hưởng tâm lý kéo dài và khiến bà không thể duy trì một mối quan hệ tình cảm nào.

Thẩm phán Lewis Kaplan, người thụ lý vụ việc, cho biết có thể vào đầu tuần sau sẽ quyết định về việc sắp lịch cho cả hai đơn kiện của bà E. Jean Carroll đối với ông Donald Trump.

(Nguồn: Người Lao Động)

ĐỒNG MINH MỸ - PHÁP RẠN NỨT?

Là một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, Pháp dường như đang nghiêng về Trung Quốc thay vì Washington khi Tổng thống Emmanuel Macron (ảnh) khởi động lại chiến lược của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đầu tháng 12 tới, Tổng thống Macron sẽ tới Mỹ trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chuyến thăm sẽ chứng minh mối quan hệ “có chiều sâu và đầy sức sống” giữa Mỹ với đồng minh truyền thống.

Năm ngoái, ngoại giao hai nước trở nên xấu đi khi Úc đơn phương hủy thương vụ mua tàu ngầm của Pháp để chuyển sang đóng tàu ngầm hạt nhân theo hợp đồng với Mỹ hoặc Anh dựa trên hiệp ước quân sự ba bên AUKUS. Kể từ đó đến nay, Washington liên tục có động thái xoa dịu nhằm hàn gắn quan hệ với Paris cũng như những đồng minh phương Tây khác, nhất là khi Nhà Trắng cần thiết lập mặt trận thống nhất đối phó Trung Quốc.

Theo giới phân tích, cạnh tranh Mỹ - Trung là vấn đề địa chính trị then chốt của thời đại này. Việc Washington có tiếp tục duy trì trật tự quốc tế thiết lập sau năm 1945, hay Bắc Kinh sẽ thay thế bằng quy tắc do họ khởi xướng đều mang tính quyết định đối với tự do và thịnh vượng toàn cầu. Hiện Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc và sự hỗ trợ của các đồng minh đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhưng động thái gần đây của Pháp tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cho thấy, Paris dường như không muốn làm hài lòng các nhà lãnh đạo bên kia Đại Tây Dương.

Cụ thể, Tổng thống Macron trong bài phát biểu ở hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã bác bỏ nỗ lực chia rẽ thế giới thành các khối cạnh tranh. Nhấn mạnh nhu cầu về một “trật tự toàn cầu duy nhất”, ông Macron cho biết đối đầu gia tăng giữa Mỹ - Trung Quốc đã buộc một số quốc gia phải chọn phe. Với cách tiếp cận “cân bằng” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Macron tuyên bố Pháp tin vào sự ổn định và kêu gọi hợp tác hơn nữa với Bắc Kinh. Theo giới phân tích, lời kêu gọi “chấm dứt đối đầu” của lãnh đạo Pháp có vẻ đang bảo vệ trật tự quốc tế dân chủ hiện có. Nhưng so sánh với nhận định trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng thế giới nên cùng nhau loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, các khối đối đầu và xây dựng một cấu trúc an ninh châu Á - Thái Bình Dương, giới chuyên môn cho rằng bài phát biểu của ông Macron là sự bác bỏ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ về Trung Quốc.

Tiếp nối chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Biden đang thúc đẩy các nước phương Tây cứng rắn hơn trước hành vi của Trung Quốc liên quan vấn đề Đài Loan, tài sản trí tuệ và nhân quyền. Tất cả đều nhằm củng cố thông điệp đến nay hết sức rõ ràng của Mỹ, đó là Bắc Kinh đang muốn thay thế trật tự dân chủ do Washington lãnh đạo. Và Mỹ cần sự hỗ trợ của đồng minh để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Phương Tây hiểu rõ điều này, nên có thể nói bài phát biểu của Tổng thống Macron tại APEC rõ ràng không có lợi cho Mỹ. Nhưng với Pháp, ủng hộ Trung Quốc có thể giúp họ tăng cường triển vọng xuất khẩu sang thị trường tỉ dân.

Diễn biến này đặt ra thách thức cam go với Mỹ. Nó phản ánh thực tế, đó là khi đối mặt với vấn đề Trung Quốc, ngay cả các đồng minh lâu đời và thân cận nhất của Washington cũng không còn đáng tin cậy. Theo đó, các nước này có thể nói về ổn định trật tự toàn cầu, nhưng chỉ khi nó phù hợp với lợi ích của họ.

(Nguồn: Báo Cần Thơ)

ĐỊA ĐIỂM MỚI CHO CHẠY ĐUA HẠT NHÂN MỸ - TRUNG

Trung Quốc mới đây đã tiết lộ chi tiết kế hoạch thám hiểm không gian trong thập kỷ tới, bao gồm sử dụng năng lượng hạt nhân cho các căn cứ trên Mặt Trăng.

“Chúng tôi đang phát triển một hệ thống mới sử dụng năng lượng hạt nhân để giải quyết nhu cầu năng lượng cao, dài hạn của trạm Mặt Trăng", Wu Weiren, kiến trúc sư cho Chương trình Thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, nói với đài CCTV hôm 22/11.

Dự án trạm Mặt Trăng được Trung Quốc phát triển cùng Nga và dự kiến được xây dựng vào năm 2028 trên cực nam của Mặt Trăng. Trong khi đó, dự án Artemis 3 của Mỹ cũng được lên kế hoạch vào năm 2025 để đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng.

Năm 2021, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc nói rằng năng lượng hạt nhân "là giải pháp đáng trông đợi nhất", khi năng lượng hóa thạch hay năng lượng Mặt Trời không đủ để đáp ứng nhu cầu cho các sứ mệnh thám hiểm không gian, South China Morning Post cho hay.

Theo báo cáo, Trung Quốc đang phát triển lò phản ứng hạt nhân dự kiến ​​sẽ tạo ra một megawatt (MW) điện, tương đương lượng điện đáp ứng cho 1.000 hộ dân trong một năm.

Kế hoạch này đặt Bắc Kinh vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, nước cũng dự kiến lập tiền đồn trên Mặt Trăng trong thập kỷ tới.

Hồi tháng 6, NASA và Bộ Năng lượng Mỹ đã cung cấp 5 triệu USD cho 3 công ty để thiết kế một lò phản ứng phân hạch "bền bỉ, năng lượng cao, không phụ thuộc vào Mặt Trời", mà Washington kỳ vọng có thể hoàn thành vào năm 2031.

Theo Vice, Trung Quốc vốn đi sau Mỹ trong cuộc đua hạt nhân ở không gian, nhưng dần bắt kịp Washington vào những năm gần đây.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Bạo lực súng đạn; Kinh tế mất 2 tỷ đô/ngày; Động thái lạ của Trump; Cài đặt lại quan hệ đồng minh; Tăng viện trợ Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang