- Thời sự
- Thế giới
Hàng nghìn người Mỹ từ Seattle đến New York đã đổ xuống đường biểu tình phản đối ông Donald Trump, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ thứ 47.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra vào ngày 9/11 (giờ địa phương) ở cả Bờ Đông và Bờ Tây của nước Mỹ. Người biểu tình bày tỏ sự thất vọng về việc ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump tái đắc cử tổng thống, theo Guardian.
Hàng nghìn người ở các thành phố lớn như New York và Seattle thể hiện sự phản đối về đường lối chính sách mà ông Trump đã cam kết sẽ thực hiện khi quay lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng, đặc biệt là các vấn đề tự do sinh sản và trục xuất hàng loạt người nhập cư.
Tại New York, người biểu tình tụ tập bên ngoài Khách sạn và Tòa nhà Trump International trên Đại lộ số 5. Họ cầm những tấm biển có dòng chữ "Chúng tôi bảo vệ chính mình" và "Thưa tổng thống, phụ nữ phải chờ đợi tự do bao trong lâu nữa?" Một số khác cầm biểu ngữ "Chúng tôi sẽ không lùi bước". Họ hô vang: "Chúng tôi sẽ không rời đi".
Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở thủ đô Washington. Thành viên tổ chức Women's March tập hợp bên ngoài Quỹ Di sản (Heritage Foundation), tổ chức tư vấn cánh hữu đứng sau Dự án 2025.
Dự án 2025 được Quỹ Di sản và các đồng minh của ông Trump soạn thảo. Kế hoạch này gồm hơn 900 trang, hướng tới việc hình sự hóa các ấn phẩm khiêu dâm, giải tán Bộ Thương mại và Bộ Giáo dục, phủ nhận hoạt động phá thai khỏi phạm trù chăm sóc sức khỏe, đồng thời hạn chế các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Những bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội hôm 9/11 (giờ địa phương) cho thấy người biểu tình ở Washington cầm những tấm biển có dòng chữ "Phụ nữ ngoan ngoãn không làm nên lịch sử" và "Các bạn không bao giờ đơn độc". Những người biểu tình cũng hô vang: "Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng!".
Cùng ngày, đám đông biểu tình cũng tập hợp bên ngoài tòa tháp Space Needle ở Seattle để phản đối "chiến tranh, đàn áp và nạn diệt chủng", Guardian dẫn lời người biểu tình tại đây cho biết.
Trước đó, hôm 8/11 (giờ Mỹ), những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa thị chính ở Portland, Oregon với những biểu ngữ như "Chống chủ nghĩa phát xít" và "Biến nỗi sợ hãi thành sự phản kháng".
"Chúng tôi ở đây vì chúng tôi đã đấu tranh trong nhiều năm cho các vấn đề y tế, nhà ở và giáo dục. Dù là ông Trump hay Joe Biden, chúng tôi vẫn chưa nhận được những gì mà họ cam kết nên chúng tôi muốn thúc đẩy những lời hứa đó thành sự thực", Cody Urban, Chủ tịch chi nhánh Mỹ của Liên đoàn Đấu tranh Nhân dân Quốc tế, nói.
Theo tờ Financial Times, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến cả châu Âu và châu Á lo ngại.
Theo tờ Financial Times, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến cả châu Âu và châu Á lo ngại, khi các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp giờ đây phải đối mặt với sự chuyển dịch sang hướng bảo hộ thương mại do Mỹ dẫn đầu.
Các quốc gia xuất khẩu của châu Âu, dẫn đầu là Đức, sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu ông Trump thắt chặt các hạn chế thương mại như đã tuyên bố. Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), Moritz Schularick, mô tả nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ là “thời khắc kinh tế khó khăn nhất” trong lịch sử hậu chiến của Đức.
Ông Moritz Schularick cho rằng, Đức đã không chuẩn bị để đối phó với những thách thức về chính sách thương mại mà nước này sẽ sớm phải đối mặt. Tuy nhiên, những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu không đến ngay lập tức và cũng không đơn giản.
Nhiều nhà phân tích kỳ vọng, tuyên bố của ông Trump về việc giảm kéo dài vĩnh viễn Đạo luật Giảm thuế năm 2017 đối với các tập đoàn và người giàu sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ông Innes McFee - tổ chức nghiên cứu và dự báo kinh tế Oxford Economics (Anh), các biện pháp kích thích tài khóa có thể chiếm ưu thế và là một điểm tích cực nhỏ trong tương lai gần. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt trong ngày sau chiến thắng quyết định của ông Trump khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng giảm thuế doanh nghiệp và bãi bỏ quy định.
Nếu ông Trump thực hiện kế hoạch áp mức thuế 20% đối với các nhà xuất khẩu ngoài Trung Quốc, quốc gia có thể bị áp mức thuế 60%, điều này sẽ làm tăng khả năng về các biện pháp thương mại đáp trả và có thể làm chệch hướng thương mại.
Tuy nhiên, sẽ mất nhiều tháng nữa trước khi các chi tiết về chính sách thương mại của ông Trump được công bố. Ông McFee nhận định, tác động tới phần còn lại của thế giới sẽ phụ thuộc vào quyết định cuối cùng về chế độ thuế quan của Mỹ.
Sáu năm trước, ông Trump tự nhận là “người đàn ông thuế quan” - Tariff Man. Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông đề xuất mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Vì vậy, chính sách này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu ở châu Á.
Theo tổ chức Hinrich (Singapore), 10 thành viên của ASEAN có tỷ lệ thương mại trên tổng sản phẩm quốc nội (trade-to-GDP ratio) là 90%, gấp đôi trung bình toàn cầu. Theo Viện Brookings (Washington DC), tỷ lệ này ở các nền kinh tế Đông Á mới nổi cao hơn, đạt 105%. Tỷ lệ thương mại trên GDP là chỉ số đo lường mức phụ thuộc vào thương mại quốc tế của một nền kinh tế.
“Chúng ta có thể dự đoán động thái chuyển hướng chính sách sang bảo hộ nhiều hơn của Mỹ, điều không có lợi cho châu Á. Bởi hầu hết các nền kinh tế khu vực này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài, đặc biệt từ Mỹ”, ông Nick Marro - kinh tế trưởng châu Á tại Economist Intelligence Unit nói với Al Jazeera.
Trong khi đó, Alex Holmes - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Economist Intelligence trấn an rằng, hầu hết các thị trường và nhà hoạch định chính sách đều đặt giả định ông Trump sẽ không áp đặt toàn bộ thuế quan đã đề xuất.
Tuy nhiên, với tiền lệ khó đoán của ông, giới chuyên gia cho rằng, châu Á có thể cân nhắc những biện pháp để giảm thiểu tác động trước cú sốc thuế quan. Theo nhà khoa học chính trị Chong Ja Ian từ Đại học Quốc gia Singapore, đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines sẽ phải chú ý đến các tác động dây chuyền từ thuế quan của Mỹ với Trung Quốc. Bởi, đây là quốc gia láng giềng và đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Sự “thiên vị” của người giàu nhất hành tinh và là người đứng đầu mạng xã hội có ảnh hưởng toàn cầu là đòn bẩy vô giá trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Theo nhận định của một số nhà quan sát, thành công của ông Trump có sự đóng góp không nhỏ của tỷ phú Elon Musk – nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe điện Tesla và CEO của nền tảng mạng xã hội X. Tỷ phú Musk đã công khai ủng hộ ông Trump. Sự “thiên vị” của người giàu nhất hành tinh và là người đứng đầu mạng xã hội có tầm ảnh hưởng toàn cầu – mạng X được hơn 100 triệu người ở Mỹ sử dụng và theo dõi - là đòn bẩy vô giá trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
Là đồng minh quan trọng và rõ ràng nhất của ông Trump trong giới kinh doanh, sự ủng hộ công khai của ông Musk dành cho ứng cử viên đảng Cộng hòa hứa hẹn sẽ đem về những phần thưởng lớn khi ông Trump đắc cử. Tỷ phú Musk có thể sẽ trở thành người đứng đầu Ủy ban “tiết kiệm” của Chính phủ Mỹ trong thời gian tới.
Những gì đã và đang xảy ra cho thấy, tỷ phú Musk biết cách đưa ra lời hứa tốt hơn bất kỳ chính trị gia dày dạn kinh nghiệm nào. Vì vậy, trước khi kết thúc chiến dịch bầu cử, ông đã tuyên bố rằng có thể tiết kiệm được 2.000 tỷ USD cho ngân sách liên bang. Vậy tỷ phú Musk muốn tiết kiệm số tiền gần bằng 1/3 chi tiêu của Chính phủ Mỹ hiện tại bằng cách nào?
Câu trả lời có thể được tìm thấy trong tuyên bố của nhà tỷ phú này tại một cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Quảng trường Madison vào cuối tháng 10/2024. Theo đó ông Musk nhấn mạnh ông sẽ có cách để “chính phủ không làm phiền cũng như không lấy tiền từ túi của người dân”. Khi ông Howard Lutnick, một tỷ phú khác của Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, hỏi về cách tiết kiệm ngân sách, ông Musk đưa ra một ý kiến mang tính đột phá. Đó là, tiền của người dân đang bị lãng phí và Ủy ban “tiết kiệm” của Chính phủ cần phải khắc phục điều này. Cường điệu và đưa ra những lời hứa vô căn cứ là điều thường thấy trong những giai đoạn “cao trào” của các chiến dịch tranh cử, nhưng ông Musk đã thể hiện đặc biệt xuất sắc trong vấn đề này. Lời hứa cắt giảm thuế mạnh mẽ của ông Trump, theo các phân tích độc lập, sẽ làm tăng khoản nợ của Mỹ thêm 10.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Mức thâm hụt lớn như vậy làm tăng lo ngại của một số cử tri vốn đã khá nản lòng về khoản nợ liên bang trị giá 36.000 tỷ USD hiện tại. Nếu tỷ phú Musk có thể cắt giảm chi tiêu chính phủ khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm, thì cử tri Mỹ sẽ không có gì phải lo lắng và nguồn tài chính liên bang sẽ đạt thặng dư.
Vấn đề là hơn một nửa chi tiêu liên bang là bắt buộc, tức là chắc chắn được đưa vào ngân sách. Do đó, việc cắt giảm đáng kể sẽ đòi hỏi một cuộc cách mạng về lập pháp. Và nếu điều đó xảy ra, chắc chắn Chính phủ Mỹ cũng sẽ phải cắt giảm những khoản mà cử tri không muốn, trong đó có khoảng 4.000 tỷ USD dành cho lương hưu, người lớn tuổi và người khuyết tật, cũng như chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ. Theo quan điểm của ông Trump, nước Mỹ không nên cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Do đó, việc giảm chi tiêu 2.000 tỷ USD theo như những gì mà tỷ phú Musk hứa hẹn sẽ chỉ là điều viển vông.
Ông Trump đã khôn khéo không đi sâu vào chi tiết khi chỉ nhắc lại rằng ông Musk rất giỏi trong việc cắt giảm chi phí. Điều đó đúng, nếu không thì các công ty của vị tỷ phú này đã không thành công như vậy. Thực tế, ông Musk đã chứng minh khả năng giảm chi phí hiệu quả nhất tại X, tức là Twitter trước đây, bằng cách sa thải một loạt nhân viên sau khi chính thức lên nắm quyền kiểm soát. X đã tinh gọn hiệu quả, nhưng cái giá phải trả là nền tảng này không thể đáp ứng một số điều kiện mà các chính quyền địa phương nơi mạng xã hội này có sự hiện diện yêu cầu. Sau chiến thắng của ông Trump, có lẽ X sẽ không gặp rắc rối về quy định tại Mỹ, nhưng công ty vẫn không thể tránh khỏi gặp rắc rối ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới.
Không thể chối cãi rằng việc cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu mà tỷ phú Musk mơ ước sẽ ảnh hưởng đến chức năng của bộ máy Chính phủ Mỹ cũng như toàn bộ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cách vận hành một doanh nghiệp tư nhân và nghĩa vụ của nhà nước do pháp luật quy định là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau và đó có thể là lý do chính dẫn đến sự thất bại trong nỗ lực của tỷ phú Musk.
Mới đây Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không khởi động chiến tranh và sẽ ngừng các cuộc chiến tranh. Câu nói ngắn này đã gây chấn động trong giới đồng minh Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, khiến họ phải tập trung giải mãi ý tứ của ông Trump.
Nhiều đồng minh Mỹ “toát mồ hôi” vì câu nói của ông Trump về chiến tranh
Donald Trump ít nói về chính trị thế giới sau khi đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 ngoại trừ một câu ngắn trong phát biểu chiến thắng: “Tôi sẽ ngừng các cuộc chiến tranh”.
Câu nói ngắn đó có thể làm hài lòng một số đối thủ dài hạn của Mỹ như Nga, nhưng lại làm lo lắng nhiều bạn bè của Mỹ.
Tại Ukraine, mối lo ngại về việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có lẽ là cao nhất. Tại đây, người ta sợ rằng ông Trump có kế hoạch ép Kiev thực hiện một thỏa thuận hòa bình bằng cách giảm viện trợ quân sự của Mỹ. Điện Kremlin của Tổng thống Nga Putin chỉ mong chờ đúng như vậy.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã bước đầu cảm nhận hương vị của một trật tự thế giới mới khi ông Trump đưa tỷ phú Elon Musk cùng tham gia một cuộc điện đàm hậu bầu cử.
Tại Israel, có nhiều bài báo nhận định rằng chính trị gia Trump đã bắn tín hiệu cho Thủ tướng Netanyahu bằng câu nói ngắn ở trên với hàm ý, ông Netanyahu chỉ còn 10 tuần nữa (cho đến ngày ông Trump nhậm chức - 20/1/2025) để các binh sĩ Ukraine kết thúc chiến dịch quân sự của họ tại Gaza và Lebanon.
Một số nhà lãnh đạo khác có thể lại phân vân về định nghĩa “chiến tranh” của ông Trump. Đối với Iran, chính ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình đã đẩy Trung Đông tới tình trạng hỗn loạn hiện nay bằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và ra lệnh ám sát viên tướng hàng đầu của nước này. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, “chiến tranh” sẽ là “chiến tranh thương mại”. Họ có thể đang gồng mình đón chờ một cuộc chiến thương mại chưa từng có tiền lệ sau khi ông Trump hứa áp thuế quan 60% lên tất cả hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Đối với những nước như Canada, “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” có thể gặp phải những thách thức mới. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, Tổng thống Trump đã đưa Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về đấu tranh chống biến đổi khí hậu, đồng thời cũng đe dọa rút Mỹ khỏi khối liên minh quân sự NATO.
Các khuôn mẫu về luật pháp dường như không có nhiều sức ràng buộc đối với ông Trump - vị tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án khi đang đương chức. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng công nhận việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan, đồng thời ông hạ lệnh ám sát tướng Soleimani của Iran vào năm 2020 - vụ tấn công này về sau bị một báo cáo viên chuyên trách của Liên Hợp Quốc xác định là bất hợp pháp.
Tuy nhiên nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump (bắt đầu từ năm 2017) tương đối bình yên trước khi nổ ra các trận “bão chính trị, quân sự” lớn như xung đột Ukraine (bắt đầu vào đầu năm 2022 dưới thời Tổng thống Mỹ Biden) hay xung đột ở Gaza (khởi phát vào năm 2023).
Trong diễn văn chiến thắng hôm 6/11, ông Trump khẳng định: “Trong 4 năm, chúng ta đã không có cuộc chiến tranh nào cả, ngoại trừ việc đánh bại tổ chức khủng bố Hồi giáo IS”… Tôi sẽ không khởi động cuộc chiến nào cả, tôi sẽ ngừng các cuộc chiến tranh”.
Nỗi bất an tại Đông Á và EU
Những đồng minh khác của Mỹ thì ít chắc chắn hơn về những gì ở phía trước. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, người ta e sợ yếu tố Triều Tiên có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực để thu hút sự chú ý của chính quyền ông Trump.
Việc ông Trump không ưa chi tiền cho hoạt động phòng thủ của những nước khác khiến sự kiện ông đắc cử không được hoan nghênh lắm tại hầu hết trong số 31 nước thành viên của khối quân sự NATO.
Trước đó, khi vận động tranh cử trong năm 2024, ông Trump thậm chí đã tuyên bố rằng ông sẽ khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với bất cứ nước NATO nào không đáp ứng yêu cầu chi ít nhất 2% GDP của nước đó cho quốc phòng. Canada nằm trong số những nước NATO không đáp ứng được đòi hỏi này.
Khi chiến thắng của ứng cử viên Trump đã trở nên rõ ràng dù hoạt động kiểm phiếu vẫn còn, Marko Mihkelson - chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Estonia, đã viết trên mạng X như sau: “Chào buổi sáng, châu Âu ơi! Chúng ta hãy sẵn sàng chiến đầu cho bản thân và bạn bè của mình”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski viết vài tiếng đồng hồ sau đó: “Châu Âu cần khẩn cấp gánh thêm trách nhiệm về an ninh của chính mình. Những trận gió của lịch sử đang thổi mạnh hơn”.
Những cơn cuồng phong đang quất mạnh nhất vào Kiev, nơi mà chỉ vài tiếng và vài ngày sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, tiếng còi báo động phòng không vang lên nhiều hơn để cảnh báo về những cuộc tập kích của Nga. Lực lượng vũ trang Nga tiếp tục tiến công mãnh liệt ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Giới chuyên gia dự báo chiến dịch tiến công của Nga sẽ tăng tốc trước ngày 20/1/2025 (khi ông Trump nhậm chức) bất chấp mùa đông. Giới phân tích tin rằng Nga sẽ tranh thủ chiếm thêm nhiều lãnh thổ, tạo thế đã rồi thuận lợi cho đàm phán trong tương lai trước thời điểm lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump.
Phe hữu tại Israel vẫn đặt hy vọng vào ông Trump
Đội ngũ trợ lý đầu tiên của Tổng thống Trump gồm các nhân vật kỳ cựu về an ninh quốc gia và đối ngoại như James Mattis, H.R. McMaster và John Bolton - những người nỗ lực giữ cho hoạt động của ông Trump trong sự chừng mực. Tất cả những người này về sau đều mô tả “sếp” cũ của mình là không phù hợp cho vị trí tổng thống.
Tuy vậy tại Israel, người ta vẫn kỳ vọng nhiều vào nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump. Tại thành phố Tel Aviv, các tấm áp phích ăn mừng việc ông Trump trúng cử, đăng những dòng chữ như “Chúc mừng ngài Trump, hãy làm cho Israel vĩ đại!”. Phe hữu của Israel tin rằng ông Trump sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến của Israel chống lại các tổ chức chiến binh Hồi giáo như Hamas và Hezbollah.
Hôm 6/11, một người dẫn chương trình trên kênh 12 của Israel hỏi phát ngôn viên của đảng Cộng hòa (Mỹ) Elizabeth Pipko rằng liệu cam kết của ông Trump về chấm dứt chiến tranh có nghĩa là Israel sẽ phải kết thúc sớm chiến dịch quân sự của họ ở Gaza và Lebanon hay không. Bà Pipko trả lời như sau: “Tôi cho rằng ông ấy kỳ vọng Israel kết thúc cuộc chiến của mình trong chiến thắng, 100%. Đó là cách ông ấy nói về chấm dứt chiến tranh”.
Trong khi đó, một phân tích của Viện nghiên cứu An ninh quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv nhận xét rằng ông Trump kêu gọi chấm dứt chiến tranh mà không vạch ra bất cứ kế hoạch nào để đạt được điều đó ở Gaza và Lebanon. Viện này kết luận rằng ông Trump ít khả năng sẽ sử dụng viện trợ quân sự của Mỹ đề kiềm chế Israel.
Trước cuộc bầu cử Mỹ vào thứ Ba, các cáo buộc về gian lận cử tri tràn ngập trên mạng xã hội - nhưng khi chiến thắng của Donald Trump dần rõ ràng, những lời bàn tán này phần lớn lắng xuống.
Tuy nhiên, các cáo buộc không hoàn toàn chấm dứt.
Một số nhân vật và tổ chức có ảnh hưởng thuộc cánh hữu, tiếp tục lan truyền các câu chuyện về 'gian lận' và một cuộc bỏ phiếu bị 'dàn xếp', chỉ ra các số liệu bỏ phiếu chưa hoàn tất và lặp lại các thuyết âm mưu đã bị bác bỏ về cuộc bầu cử năm 2020.
Những người ủng hộ Đảng Dân chủ thất vọng cũng đã phát triển các thuyết gian lận cử tri chưa được chứng minh, một số trong đó đã lan truyền rộng rãi trên X và các nền tảng khác.
Mức độ lan tỏa của các bài đăng này không sánh được với lượng nội dung khổng lồ đã xuất hiện sau khi Trump thua cuộc bầu cử năm 2020.
Và khi không có sự ủng hộ từ ứng cử viên thất bại Kamala Harris hay các quan chức khác của Đảng Dân chủ, khả năng hình thành một phong trào quy mô lớn tương tự như chiến dịch 'Ngăn chặn Đánh cắp' cách đây bốn năm, vốn đã dẫn đến cuộc bạo loạn tại Điện Capitol Hoa Kỳ, dường như rất mong manh.
Những cáo buộc về gian lận diễn ra như thế nào vào ngày bầu cử?
BBC đã theo dõi một làn sóng lớn các cáo buộc gian lận trước bầu cử, kéo dài từ ngày bầu cử cho đến đêm bầu cử hôm 6/11.
Các cáo buộc này bao gồm việc cho rằng phiếu bầu đã bị 'đánh cắp' ở một số bang chiến trường quan trọng, trong đó có những trường hợp phóng đại quan điểm về các sự kiện có thật để củng cố những lời buộc tội
Ngay từ đầu ngày bầu cử ở Cambria County, Pennsylvania, một khu vực thành trì của Đảng Cộng hòa, đã có sự cố khi các máy bỏ phiếu bị trục trặc.
Các vấn đề này đã được khắc phục và giờ bầu cử ở các khu vực bị ảnh hưởng được kéo dài thêm.
Tuy nhiên, nhiều người trên mạng ngay lập tức đã dùng câu chuyện này để nói rằng có những hoạt động mờ ám đang diễn ra.
Một bài đăng lúc 08:45 giờ địa phương vào thứ Ba 5/11 viết: 'Cuộc bầu cử đang bị đánh cắp!'
Các tin đồn khác cũng được lan truyền trong các bài đăng xuất hiện suốt cả ngày, bao gồm một bài vào khoảng 14:00, tuyên bố rằng các lá phiếu ở Delaware County, Pennsylvania, đã được đánh dấu sẵn cho Kamala Harris.
Tại Milwaukee, thành phố lớn nhất ở bang chiến trường Wisconsin, các quan chức phụ trách bầu cử đã quyết định kiểm lại khoảng 30.000 lá phiếu vì lý do 'thận trọng tối đa', sau khi cửa sau của các máy bỏ phiếu bị mở.
Sau khi việc kiểm phiếu hoàn tất, kết quả cho thấy sự ủng hộ đối với Harris đã giảm so với Joe Biden bốn năm trước.
Giống như nhiều người ủng hộ Trump, những người ủng hộ Harris đã chỉ ra các sự kiện có thật nhưng không phổ biến - như các vụ hỏa hoạn tại các thùng bỏ phiếu ở Washington và Oregon, cùng một loạt các mối đe dọa bom giả đã làm gián đoạn bầu cử tại một số điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử - như là bằng chứng của gian lận cử tri trên diện rộng.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các sự cố này đã thay đổi đáng kể kết quả bỏ phiếu hoặc làm thay đổi kết quả chung cuộc.
Một số bài đăng từ các nhà hoạt động của Đảng Dân chủ bày tỏ sự nghi ngờ kết quả đã lan truyền và được hàng triệu người xem trên X và các nền tảng khác.
Pam Keith, một người ủng hộ Harris ở Florida, đã đăng dòng: 'Liệu các máy bỏ phiếu có bị hack để chuyển các con số từ Harris sang Trump không?'
Tin nhắn của bà đã được xem hơn một triệu lần trên X, theo số liệu từ trang này.
BBC đã liên hệ với bà để đề nghị bình luận về việc này.
Tuy nhiên, khác với chiến dịch của Trump vào năm 2020, chiến dịch của Harris và các quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ không ủng hộ các cáo buộc gian lận phiếu bầu hay gian lận cử tri.
Vào ngày bầu cử, các tin đồn về gian lận cũng xuất phát từ chính Tổng thống đắc cử Trump, người đã nhiều lần, ngay từ đầu sự nghiệp chính trị của mình, nói rằng hệ thống bỏ phiếu đã bị dàn xếp không công bằng nhằm gây bất lợi cho ông.
Ngay sau 16:30, Trump đã đăng trên mạng xã hội của mình, Truth Social: 'Có rất nhiều lời bàn tán về gian lận trên diện rộng ở Philadelphia. Lực lượng thực thi pháp luật đang đến!!!'
Tổng thống đắc cử hiện tại không đưa ra chi tiết nào và Sở Cảnh sát Philadelphia đã thông báo với BBC Verify rằng họ không biết ông Trump đang ám chỉ điều gì.
Seth Bluestein, Ủy viên Thành phố của Đảng Cộng hòa ở Philadelphia, đã đăng trên X: "Không có chút sự thật nào về cáo buộc này. Đây lại là một ví dụ khác của thông tin sai lệch. Việc bỏ phiếu ở Philadelphia đã diễn ra an toàn và bảo mật."
Trump không tiếp tục nhắc lại các cáo buộc gian lận kể từ ngày bầu cử.
Chúng tôi đã liên hệ với một số tài khoản có ảnh hưởng lớn thường xuyên đăng tải về các cáo buộc gian lận bầu cử trong suốt quá trình vận động bầu cử, nhưng không ai trong số họ phản hồi.
Cùng với công ty dữ liệu NodeXL, BBC đã theo dõi các tài khoản tương tác với Donald Trump, Donald Trump Jr, Eric Trump, Lara Trump và Elon Musk trên X quanh ngày bầu cử.
Các bài đăng đề cập đến gian lận bầu cử đạt đỉnh vào lúc 15:00 EST ngày 5/11 (tức 3 giờ sáng giờ Việt Nam ngày 6/11) - nhưng sau đó giảm mạnh vào buổi tối và vào ngày hôm sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc và kết quả bắt đầu được công bố
Các cáo buộc vẫn tiếp tục lan truyền
Tuy nhiên, một số tổ chức và nhà hoạt động trước đây từng thúc đẩy các cáo buộc gian lận bầu cử vẫn tiếp tục lặp lại các tin đồn đã bị bác bỏ, ngay cả sau khi kết quả trở nên rõ ràng.
Emerald Robinson, một cựu phóng viên của các đài truyền hình cánh hữu, một người có ảnh hưởng ủng hộ Trump với hơn 750.000 người theo dõi trên X, khẳng định rằng Đảng Dân chủ đang 'gian lận ngay lúc này' và đăng bài: 'Tôi luôn nói với mọi người rằng các máy bỏ phiếu đã bị dàn xếp!'
Nhìn chung, phản ứng từ các nhóm và người có ảnh hưởng ủng hộ Trump, những người trước đây đã phóng đại các cáo buộc gian lận bầu cử, thay đổi từ im lặng về vấn đề này cho đến việc tiếp tục khẳng định rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị gian lận.
BBC đã liên hệ với bà Robinson để hỏi bình luận của bà.
Các thuyết âm mưu dựa trên số lượng phiếu bầu
Trong một trường hợp khác, một biểu đồ được lan truyền rộng rãi trên mạng chỉ ra rằng có sự sụt giảm mạnh trong tổng số phiếu bầu năm 2024 so với năm 2020.
Nhiều người dựa vào các con số này như là 'bằng chứng' của gian lận.
Nhà bình luận bảo thủ Dinesh D'Souza, một người ủng hộ Trump và đã đưa ra các lý thuyết gian lận bầu cử, đã đăng bài vào ngày sau cuộc bầu cử: "Kamala nhận được 60 triệu phiếu bầu vào năm 2024. Liệu có ai thật sự tin rằng Biden nhận được 80 triệu phiếu bầu vào năm 2020 không? Những cử tri Dân chủ 20 triệu đó đi đâu? Sự thật là, họ chưa bao giờ tồn tại."
Tuy nhiên, biểu đồ và các con số đang lan truyền trên mạng dựa trên tổng số phiếu sơ bộ. Con số vẫn tiếp tục tăng lên khi kết quả cuối cùng vẫn đang được tính toán.
Hiện tại, Harris đã nhận được hơn 69 triệu phiếu bầu, trong khi Trump có hơn 73 triệu phiếu.
Tính đến thứ Sáu, vẫn còn dưới hai triệu phiếu bầu chưa được đếm trên toàn quốc, ở các bang bao gồm Arizona và California, theo Reuters.
BBC đã liên hệ với ông D'Souza để đề nghị bình luận về bài đăng nói trên của ông.
Các con số này cũng đang thúc đẩy các thuyết âm mưu từ những người ủng hộ Harris, những người đang tự hỏi các cử tri 'mất tích' của họ đâu - và bỏ qua thực tế rằng tỷ lệ cử tri và sự ủng hộ của họ thường thay đổi, đôi khi là một sự thay đổi đáng kể, giữa các cuộc bầu cử.
Những người ủng hộ trung thành từ hai đảng cũng đang nhắm vào sự khác biệt trong tổng số phiếu bầu của Harris và các đảng viên Dân chủ khác chạy đua vào các ghế Thượng viện.
Tuy nhiên, cử tri Mỹ không bị bắt buộc phải ủng hộ các ứng cử viên của chỉ một đảng, và việc 'chia phiếu' - bỏ phiếu cho các ứng cử viên từ các đảng khác nhau trong các cuộc bầu cử khác nhau - mặc dù ngày càng ít, nhưng vẫn khá phổ biến trong chính trị Mỹ.
Công cụ theo dõi tỷ lệ cử tri của Đại học Florida cho thấy tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp hơn một chút vào năm 2024 so với năm 2020 - 62,5% so với hơn 66%.
Nguồn: Zing News; CafeF; Bnews; Soha; BBC
Các tập đoàn lớn cắt giảm lao động; Thảm họa rượu độc ở Lào; Truy nã ông Netanyahu; Israel chiếm toàn bộ Bờ Tây; Putin làm gì tiếp theo?
Mỹ: Người nhập cư ‘nháo nhào’; Nợ quốc gia phá kỷ lục; ‘Đế chế’ Trump & ảnh hưởng; Trump hoàn tất nội các; Chính sách TQ thời Trump 2.0
Mỹ: Lý giải hiện tượng ‘bão bom’; Thế hệ 1 con nở rộ; Musk & kế hoạch giảm biên chế; Tour du lịch ‘trốn’ Trump; Sự tương phản với TQ
Ngành sữa TQ gặp rủi ro; Nga giáng đòn vào Mỹ; Bộ trưởng ngoại giao họp G7; Ukraine ‘khó chồng khó’ ở Kursk; Trận chiến giành Kurakhovo
Mỹ: Nội các mới bị đe dọa; Thỏa thuận chuyển giao Nhà Trắng; Tương lai thời Trump; Chính sách thuế mới; ‘Chiến tranh tiền tệ’ tái diễn
Chính trường Philippines dậy sóng; Nội chiến Syria bùng phát; Kiev gặp khó vì ATACMS, vũ khí ồ ạt đổ về; Putin tăng ngân sách quốc phòng
Mỹ: Bão tuyết tấn công; Chi 10,8 tỷ đô cho Black Friday; Tham vọng siêu cường bitcoin; Bán vũ khí cho Đài Loan; Trump đe dọa BRICS
Mỹ: ‘Ngày thứ Ba trao tặng’; Di sản Biden bị hoen ố; Trump ‘giải cứu’ các nhà bán lẻ; ‘Vương quốc’ Elon Musk; Trump muốn gì từ Canada?
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá