Mỹ: Biden tin không vỡ nợ; Đàm phán trần nợ công; Quyết cấm TikTok; Suy giảm ảnh hưởng; Khủng hoảng đối nội, thiệt đối ngoại

Ông Biden tin Mỹ sẽ không vỡ nợ

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Mỹ Biden tin rằng có thể đạt được thỏa thuận với các lãnh đạo đảng Cộng hòa, ngăn kịch bản nước này vỡ nợ.

"Các lãnh đạo đều nhất trí rằng chúng ta sẽ không vỡ nợ", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hôm 17/5 ngay trước khi lên đường tới Nhật Bản dự hội nghị G7.

Ông chủ Nhà Trắng và các lãnh đạo quốc hội Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đã tổ chức hai vòng đàm phán trực tiếp nhằm đạt được thỏa thuận nâng giới hạn vay nợ của chính phủ, song không đạt được tiến bộ nào. Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói còn "rất nhiều việc phải làm" để phá vỡ thế bế tắc trần nợ.

Phe Cộng hòa, đã giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng chỉ chấp thuận nâng trần nợ nếu đi kèm các điều khoản cắt giảm chi tiêu lớn của chính phủ.

Đảng Dân chủ trong khi đó cáo buộc đảng Cộng hòa đang sử dụng những chiến thuật cực đoan để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.

Tổng thống Biden hôm 17/5 thông báo rút ngắn chuyến công du châu Á để về Mỹ giải quyết vấn đề trần nợ. Sau khi tới Hiroshima, Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 dài ba ngày, ông sẽ bỏ qua hai điểm dừng chân Papua New Guinea và Australia. Thủ tướng Australia sau đó thông báo hủy cuộc họp của nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) tại nước này.

Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập, buộc Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội không giải quyết được bài toán nâng trần nợ công.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo vỡ nợ sẽ tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đến kinh tế cũng như an sinh xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ, thị trường tài chính bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính có thể phải hoãn chi trả cho khoảng 66 triệu người thuộc diện nhận trợ cấp hàng tháng.

(Nguồn: Vnexpress)

Bước đột phá trong đàm phán trần nợ công của Mỹ

Sau một thời gian dài đình trệ, các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ hiện đang chuyển sang giai đoạn mới và có khả năng cao mang về một thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Kevin McCarthy hôm 17/5 đã nhấn mạnh quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận nhằm nâng trần nợ 31.400 tỷ USD của chính phủ liên bang và tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc về kinh tế.

Sau một tháng bế tắc kéo dài, Tổng thống đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện đã đồng ý đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận hôm 16/5. Một thỏa thuận cần phải đạt được và được cả 2 đảng thông qua trước khi chính phủ Mỹ hết tiền để thanh toán các hóa đơn của mình, ngay sau ngày 1/6.

“Chúng tôi sẽ đạt được sự thống nhất vì không có lựa chọn nào khác. Rõ ràng, cuộc đàm phán này là về ngân sách, không phải về việc liệu chúng ta có trả các khoản nợ hay không. Các nhà lãnh đạo (của Quốc hội) đều đã nhất trí rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ”.

Thỏa thuận trong tầm tay

Trong nhiều tháng qua, Đảng Cộng hòa, những người kiểm soát Hạ viện đã nhất quyết yêu cầu đảng Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu để đổi lấy một thỏa thuận nâng trần nợ. Cả hai bên đã đổ lỗi cho nhau về tình trạng bế tắc trần nợ. Trên thực tế, trần nợ này cần phải được nới thường xuyên, vì chính phủ chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được từ thuế.

Tuy nhiên, sau cuộc họp mới nhất tại Nhà Trắng, ông Biden nói rằng “Tôi nghĩ mọi người đã đến cuộc họp với thiện chí”. Vị Tổng thống cho biết, các cuộc đàm phán về ngân sách vẫn tách biệt với vấn đề trần nợ, nhưng theo ông McCarthy, ông Biden “cuối cùng đã rút lại” việc từ chối đàm phán.

Khi được các phóng viên tại Điện Capitol hỏi liệu có thể đạt được thỏa thuận trần nợ vào thời điểm ông Biden trở về từ châu Á vào ngày 21/5 hay không, ông McCarthy trả lời “Có thể”. “Chúng tôi sẽ làm việc cho đến khi chúng tôi có thể đi đến sự thống nhất”, ông McCarthy chia sẻ.

Những bình luận tích cực của ông Biden và ông McCarthy cho thấy, cả hai đều tin rằng họ có thể nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp của đảng mình.

Nợ quốc gia hiện ở mức 31,4 nghìn tỷ USD. Việc tăng giới hạn nợ sẽ không cho phép chi tiêu liên bang mới mà chỉ cho phép trả những khoản chi mà Quốc hội đã thông qua.

Các đường nét của một thỏa thuận đã bắt đầu hình thành, nhưng chi tiết về cắt giảm chi tiêu và thay đổi chính sách mới là nhân tố quyết định liệu Quốc hội đang bị chia rẽ có thể đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng với Nhà Trắng hay không.

Vướng mắc về hạn mức chi tiêu

Các đảng viên Cộng hòa đã đề xuất giới hạn tăng trưởng chi tiêu ở mức dưới 1%/năm trong 10 năm tới để đổi lấy việc tăng trần nợ lên 1.500 tỷ USD.

Các nhà đàm phán cũng đang chuẩn bị thu lại khoảng 30 tỷ USD viện trợ Covid-19 chưa sử dụng. Hiện tại, chính phủ Mỹ đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp do đại dịch và đang thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng cho những thay đổi về giấy phép nhằm tăng tốc độ phát triển các dự án năng lượng mà cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều muốn, mặc dù các chi tiết vẫn còn khó khăn.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ không sẵn sàng chấp nhận giới hạn chi tiêu 10 năm mà đảng Cộng hòa đã thông qua trong dự luật của Hạ viện, mà họ muốn rút ngắn khoảng thời gian đó.

Hôm 17/5, ông Biden cũng từ chối các yêu cầu công việc mới đối với các chương trình phúc lợi mà đảng Cộng hòa mong muốn trong gói nâng trần nợ.

Các yêu cầu công việc mở rộng đối với những người nhận chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung, chương trình hỗ trợ tạm thời cho các gia đình nghèo khó và trợ cấp y tế đã trở thành điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về trần nợ giữa Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện.

“Tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu công việc nào ảnh hưởng đến nhu cầu sức khỏe y tế của mọi người”, ông Biden khẳng định trước khi lên đường tới Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

Trong khi đó, ông McCarthy đã bảo vệ lời kêu gọi của phe bảo thủ về các yêu cầu công việc, nói rằng chúng sẽ giúp ích cho nền kinh tế và thúc đẩy lực lượng lao động.

Nếu Mỹ vỡ nợ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này sẽ giảm 4% và hơn 7 triệu công nhân sẽ mất việc làm, theo ước tính của cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s. Theo dữ liệu của Moody’s, ngay cả một vụ vỡ nợ ngắn hạn cũng sẽ dẫn đến 2 triệu việc làm bị xóa bỏ

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Vì sao Mỹ quyết cấm TikTok

(Ảnh minh họa).

Montana hôm 17/5 trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ "cấm cửa" TikTok, giữa lúc các chính phủ bày tỏ lo ngại ứng dụng có thể gây nguy hiểm đối với dữ liệu nhạy cảm của người dùng.

Viện dẫn mối đe dọa bảo mật, trong những tháng gần đây, các nhà lập pháp ở Mỹ, châu Âu và Canada đã tăng cường nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào TikTok - ứng dụng video dạng ngắn phổ biến, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance.

Hôm 27/2, Nhà Trắng nói với các cơ quan liên bang rằng họ có 30 ngày để xóa ứng dụng trên khỏi thiết bị của chính phủ. Ngày càng có nhiều quốc gia và cơ quan chính phủ khác - bao gồm Anh, Canada, Pháp, Quốc hội New Zealand và Ủy ban châu Âu - gần đây cũng cấm TikTok trên thiết bị chính thức.

Vào ngày 4/4, Australia trở thành quốc gia mới nhất thông báo cấm ứng dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ theo lời khuyên từ các cơ quan tình báo và an ninh.

Trước đó, vào hôm 1/3, một ủy ban Hạ viện Mỹ thậm chí còn ủng hộ biện pháp quyết liệt hơn - bỏ phiếu thông qua luật cho phép Tổng thống Joe Biden cấm TikTok trên tất cả thiết bị toàn quốc.

Các lệnh cấm ở Mỹ

Thống đốc Greg Gianforte ngày 17/5 đã ký luật cấm TikTok trên tất cả thiết bị cá nhân, biến Montana trở thành bang đầu tiên ở Mỹ có động thái này. Trước đó, vào tháng 4, các nhà lập pháp Montana đã thông qua dự luật để chặn TikTok.

Theo đó, Montana sẽ quy định việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp ứng dụng TikTok trong biên giới bang này là bất hợp pháp. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Ngoài ra, khi luật có hiệu lực, Montana sẽ phạt các đơn vị 10.000 USD/ngày nếu vi phạm lệnh cấm. Mức phạt không áp dụng với người dùng.

Kể từ tháng 11/2022, hơn 24 bang ở Mỹ đã cấm TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp. Nhiều trường, như Đại học Texas ở Austin, Đại học Auburn và Đại học Boise State, cũng chặn ứng dụng này khỏi mạng Wi-Fi của khuôn viên trường.

Trên thực tế, TikTok đã bị cấm trong 3 năm trên các thiết bị của chính phủ Mỹ được sử dụng bởi quân đội, thủy quân lục chiến, không quân và cảnh sát biển. Nhưng các lệnh cấm, về cơ bản, không mở rộng sang các thiết bị cá nhân. Sinh viên thường chỉ cần chuyển sang dữ liệu di động để sử dụng ứng dụng.

Điều gì xảy ra nếu có TikTok trên điện thoại khi lệnh cấm được ban hành?

Cơ chế chính xác để cấm một ứng dụng trên điện thoại thuộc sở hữu tư nhân không rõ ràng.

Caitlin Chin - thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - nói rằng Mỹ có thể chặn TikTok bán quảng cáo hoặc cập nhật hệ thống, về cơ bản là khiến nó không hoạt động.

Apple và các công ty khác vận hành kho ứng dụng chặn tải xuống ứng dụng không còn hoạt động. Justin Cappos, giáo sư tại Trường Kỹ thuật Tandon thuộc Đại học New York, cho biết họ cũng cấm các ứng dụng mang nội dung không phù hợp hoặc bất hợp pháp.

Ngoài ra, họ có khả năng xóa ứng dụng được cài đặt trên điện thoại của người dùng. “Nhưng điều đó thường không xảy ra”, ông nói.

Giáo sư Cappos cho biết người dùng có thể chống lại lệnh cấm bằng cách từ chối cập nhật điện thoại của họ. Nhưng "đó là ý tưởng tồi", ông nhấn mạnh.

Tại sao các chính phủ cấm TikTok?

Các nhà lập pháp và cơ quan quản lý ở phương Tây ngày càng bày tỏ lo ngại TikTok và công ty mẹ ByteDance có thể đưa dữ liệu nhạy cảm của người dùng - như thông tin về vị trí - cho chính phủ Trung Quốc.

Họ chỉ ra luật cho phép chính phủ Trung Quốc bí mật yêu cầu dữ liệu từ các công ty và công dân Trung Quốc, nhằm phục vụ các hoạt động thu thập thông tin tình báo. Họ cũng lo lắng Bắc Kinh có thể sử dụng tính năng đề xuất nội dung của TikTok để cung cấp thông tin sai lệch.

TikTok từ lâu đã phủ nhận những cáo buộc như vậy và cố gắng tạo khoảng cách với ByteDance.

Quốc gia nào cấm TikTok?

Ấn Độ đã áp lệnh cấm trên toàn quốc với TikTok và hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, vào năm 2020. Theo đó, 150 triệu người dùng của Ấn Độ buộc phải ngừng sử dụng ứng dụng, theo Forbes.

Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Việc Ấn Độ cấm nền tảng này khiến ByteDance mất một trong những thị trường lớn nhất của mình.

Jordan cũng đã cấm TikTok từ tháng 12/2022 vì ứng dụng này không xóa những bài đăng “kích động bạo lực và hỗn loạn” sau các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng cao ở nước này.

Chính quyền Taliban ở Afghanistan cũng cấm TikTok và trò chơi PUBG vào năm 2022 với lý do ngăn những người trẻ “lầm đường lạc lối”.

Indonesia từng cấm TikTok vào tháng 7/2018 do có nội dung khiêu dâm, tuy nhiên lệnh cấm được bãi bỏ sau 6 ngày khi nền tảng đồng ý kiểm duyệt một số nội dung.

Pakistan cũng nhiều lần chặn TikTok do chứa nội dung không phù hợp nhưng gỡ bỏ ngay sau đó. Một số lệnh cấm chỉ có hiệu lực trong vài giờ, theo Washington Post.

Chính quyền Biden đang làm gì?

TikTok gần đây cho biết chính quyền Biden muốn ByteDance bán cổ phần trong TikTok, nếu không có thể đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ.

Cho đến nay, Nhà Trắng phần lớn giữ im lặng, nhưng thông tin về một cuộc đánh giá đang diễn ra, để trả lời các câu hỏi liên quan đến TikTok.

TikTok đã có các cuộc đàm phán bí mật kéo dài nhiều năm với hội đồng đánh giá của chính quyền Biden, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), để giải quyết câu hỏi về mối quan hệ của TikTok và ByteDance cùng chính phủ Trung Quốc, cũng như việc xử lý dữ liệu người dùng.

TikTok cho biết vào tháng 8/2022, họ đã đệ trình đề xuất dài 90 trang nêu chi tiết cách thức hoạt động tại Mỹ, trong khi giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia. Vào ngày 23/3, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ “kiên quyết phản đối” việc bán ứng dụng này.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang điều tra việc TikTok theo dõi các nhà báo Mỹ, theo ba người quen thuộc với vấn đề. ByteDance cho biết vào tháng 12/2022 rằng nhân viên của họ đã thu thập dữ liệu của hai người dùng TikTok ở Mỹ một cách không phù hợp.

Liệu chính phủ Mỹ có thể cấm ứng dụng?

Hầu hết lệnh cấm TikTok trên thiết bị của chính phủ đã được thực hiện và các trường đại học có quyền ngăn ứng dụng khỏi thiết bị hoặc mạng của họ.

Tuy nhiên, bà Chin nhận định một lệnh cấm rộng hơn do chính phủ áp đặt, ngăn người Mỹ sử dụng ứng dụng cho phép họ chia sẻ quan điểm của mình, có thể gặp phải thách thức pháp lý liên quan đến quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất.

Trước đây, những nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm cấm tải TikTok và WeChat vào năm 2020 đều bị tòa án chặn và không bao giờ có hiệu lực.

Sau động thái mới của Montana, TikTok đã tuyên bố dự luật trên "vi phạm các quyền trong Tu chính án thứ nhất của người dân trong bang bằng cách cấm TikTok bất hợp pháp".

Xét cho cùng, một số lượng lớn người Mỹ, bao gồm cả các quan chức được bầu và các tổ chức tin tức lớn như New York Times hay Washington Post, đều đang sản xuất video trên TikTok.

“Trong các chính phủ dân chủ, chính phủ không thể cấm tự do ngôn luận hoặc biểu đạt mà không có cơ sở mạnh mẽ và phù hợp để làm như vậy”, bà Chin nói.

Hàng triệu người Mỹ, những người sáng tạo kỹ thuật số và nhà tiếp thị, sẽ không muốn thấy nền tảng này biến mất và việc chặn một ứng dụng phổ biến có thể tạo ra phản ứng chính trị dữ dội trong giới trẻ.

(Nguồn: Zing News)

Ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới đang suy yếu

Quyết định của Liên đoàn Ả-rập trong tháng này về việc tái kết nạp Syria sau gần 12 năm nước này bị loại khỏi liên đoàn được mọi quốc gia coi là một bước phát triển tích cực. Chỉ duy nhất có nước Mỹ là khó chịu với diễn biến này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đồng thời lập luận rằng sự hòa giải giữa Liên đoàn Ả-rập về Syria báo hiệu sự suy yếu quyền lực của Washington trong khu vực.

“Từ bất kỳ góc độ nào, việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập là điều đáng mừng, ngoại trừ một quốc gia nào đó không cảm thấy như vậy,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết trong một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh. Ông này nói thêm rằng các quan chức Mỹ "không ngần ngại chỉ trích" động thái tích cực nói trên và gây sức ép buộc các đồng minh của họ không được bình thường hóa quan hệ với Syria. “Thực tế, chính vì sức ép và lệnh trừng phạt của Mỹ mà Syria đã phải hứng chịu 12 năm chiến tranh với những hậu quả thảm khốc kéo dài cho đến tận bây giờ”.

Bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên Liên đoàn Ả-rập tuần trước đã đồng ý tái kết nạp Syria, chấm dứt tình trạng đình chỉ bắt đầu vào năm 2011, khi Damascus từ chối chấp nhận kế hoạch của nhóm nhằm chấm dứt nội chiến ở nước này. Một số quốc gia từng cùng với Mỹ tìm cách thúc đẩy thay đổi chế độ ở Syria thì giờ đây đã thực hiện các bước để hòa giải với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad trong những tháng gần đây. Cuộc chiến đã khiến hơn 13 triệu người phải sơ tán và khoảng 300.000 người thiệt mạng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho hay: “Việc dỡ bỏ lệnh đình chỉ của Liên đoàn Ả Rập đối với Syria sẽ mang lại hòa bình và ổn định hơn cho Trung Đông và sẽ phục vụ lợi ích lâu dài của các quốc gia Ả Rập. “Mỹ và một số quốc gia gọi cách chơi của họ là 'luật chơi' và sự thay đổi chế độ ở các quốc gia khác là 'mùa xuân'. Và [họ] lên án mọi hành động không phục vụ lợi ích bá quyền ích kỷ của họ. Kiểu chính trị méo mó này sẽ không đưa họ đến đâu nữa.”

“Việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập một lần nữa chứng minh rằng khi cái bóng của Mỹ thu nhỏ lại thì ánh sáng hòa bình sẽ lan tỏa”, ông Wang nhấn mạnh.

Lực lượng của ông Assad đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ Syria trong những năm gần đây, đánh bại phiến quân do Mỹ hậu thuẫn và các chiến binh nước ngoài với sự giúp đỡ của Nga và Iran. Chính quyền của Tổng thống Assad cáo buộc, các lực lượng Mỹ đã chiếm đóng bất hợp pháp các khu vực giàu dầu mỏ ở đông bắc Syria kể từ năm 2014, vi phạm chủ quyền của quốc gia này.

Quyết định khôi phục Syria của Liên đoàn Ả-rập được đưa ra hai tháng sau khi Trung Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Ả-rập Xê-út và Iran - hai quốc gia có sự cạnh tranh gay gắt, gây căng thẳng địa chính trị trong khu vực trong nhiều thập kỷ. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton cùng với một số các nhà quan sát khác đã nhận định rằng thỏa thuận trên cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đang giảm dần trên toàn thế giới.

(Nguồn: Soha)

Khủng hoảng đối nội, tổn thất đối ngoại?

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số lãnh đạo quốc hội hôm 16-5 họp bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng trần nợ công. Cuộc gặp diễn ra chưa đến 1 giờ và không dẫn đến kết quả đột phá gì nhưng cả hai bên đều bày tỏ hy vọng ít nhiều về con đường đi đến thỏa thuận sắp tới.

Trong lúc ông chủ Nhà Trắng gọi cuộc gặp diễn ra tốt đẹp và hữu ích, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thậm chí còn nói đến khả năng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công vào cuối tuần này để ngăn nguy cơ nước Mỹ sắp vỡ nợ.

Chuyện Mỹ vỡ nợ chưa từng xảy ra và nguy cơ vỡ nợ đe dọa đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào khủng hoảng. Trước đó, Bộ Tài chính đã gia tăng áp lực lên các bên liên quan về việc nhanh chóng tìm được tiếng nói chung bằng cảnh báo chính phủ có thể hết tiền thanh toán các hóa đơn vào ngày 1-6 nếu trần nợ công (hiện ở mức 31.400 tỉ USD) không được nâng lên.

Dù lạc quan nhưng hai bên vẫn còn khoảng cách khá xa về lập trường. Hạ viện Mỹ, hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, hồi cuối tháng 4 thông qua dự luật nâng trần nợ công nhưng kèm theo là một loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, dự luật này không có cơ hội qua được ải Thượng viện, hiện trong tay Đảng Dân chủ. Các cuộc đàm phán về vấn đề này cho đến giờ vẫn chưa đạt tiến triển dù thời gian đang cạn dần.

Để tránh kịch bản xấu xảy ra, ông Biden buộc phải rút ngắn chuyến công du châu Á sắp tới để có thêm thời gian gặp các lãnh đạo quốc hội. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21-5 rồi trở về nước, không đến Úc và Papua New Guinea như kế hoạch ban đầu.

"Tổng thống phải ưu tiên vấn đề thanh toán tài chính của Mỹ hơn là công du nước ngoài. Ai hiểu về chính trị Mỹ sẽ hiểu quyết định của ông ấy (Biden)" - ông Patrick Cronin, chuyên gia tại Viện Hudson (Mỹ), giải thích.

Dù vậy, giới phân tích nhận định bằng cách tập trung xử lý các vấn đề ưu tiên trong nước, quyết định trên có thể tác động tiêu cực đến uy tín của Mỹ ở nước ngoài, nhất là nỗ lực xác lập vai trò lãnh đạo toàn cầu trong dài hạn.

Ông Zack Cooper, chuyên gia của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định thêm rằng việc cắt ngắn lịch trình công du nói trên của ông Biden phát đi thông điệp các nước G7 "được ưu tiên hơn" nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Diễn biến trên cũng nêu bật thách thức dài hạn hơn đối với ông Biden và nước Mỹ nói chung: Sự chia rẽ trong nước đang gây hại cho họ ở nước ngoài, từ đó "tạo ra khoảng trống nơi những người khác có thể bước vào". Các chính phủ trước đây của Mỹ cũng phải đối mặt nhiều thách thức khi tìm cách xem khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Giờ đây, ông Cronin cảnh báo một số sáng kiến được đánh giá cao của Washington, nhất là tại châu Á - Thái Bình Dương và liên quan đến nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) có nguy cơ gặp trở ngại dưới thời Tổng thống Biden.

(Nguồn: Người Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang