Mỹ: Biden dùng TikTok; Đế chế kinh doanh của Trump; Ngành dầu khí ủng hộ Trump; Chọc giận NATO; Tấn công Houthi

Ông Biden lập kênh TikTok ở tuổi 81 để hút cử tri trẻ

Tổng thống Mỹ Joe Biden thu hút được hơn 10.000 người theo dõi ngay ngày đầu khi ông mở kênh TikTok trong một nỗ lực nhằm thu hút cử tri trẻ tuổi trong cuộc bầu cử sắp tới.

Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mở tài khoản TikTok vào ngày 11/2, nhằm tiếp cận các cử tri trẻ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Đến tối 11/2, tài khoản đã có 10.900 người theo dõi.

Việc ra mắt chiến dịch trên TikTok rất đáng chú ý vì ứng dụng này thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance và nó đang trong "tầm ngắm" ở Mỹ vì những lo ngại tiềm ẩn về an ninh quốc gia.

Một số nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã kêu gọi cấm ứng dụng này vì lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng hoặc tác động đến những nội dung hiển thị trên ứng dụng.

Vào năm 2023, chính quyền ông Biden đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ loại bỏ TikTok khỏi điện thoại và thiết bị điện tử thuộc sở hữu của chính phủ liên bang.

TikTok khẳng định sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc và đã thực hiện các biện pháp đáng kể để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Các cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Biden cho biết họ sẽ "tiếp tục tiếp xúc các cử tri", bao gồm cả trên các ứng dụng truyền thông xã hội khác như Instagram và kể cả Truth Social thuộc sở hữu của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chiến dịch của ông Biden đang thực hiện "các biện pháp đảm bảo an toàn nâng cao" cho các thiết bị của mình khi cài đặt TikTok.

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua tới Nhà Trắng, không có tài khoản chính thức trên TikTok.

Đế chế kinh doanh của Trump gây lo ngại về xung đột lợi ích

Việc Trump là chủ của một đế chế kinh doanh khổng lồ, có nhiều dự án ở nước ngoài khiến không ít người lo ngại có xung đột lợi ích nếu ông đắc cử tổng thống.

Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên và 4 năm Donald Trump ở Nhà Trắng, các hoạt động kinh doanh nước ngoài của ông luôn bị giám sát chặt chẽ vì những xung đột lợi ích tiềm ẩn.

Giờ đây, khi cơ hội trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống của Trump đang rộng mở, mọi ánh mắt một lần nữa đổ dồn về đế chế kinh doanh hải ngoại đang mở rộng mà ông là người đứng đầu.

Thời điểm Trump tuyên bố tranh cử tổng thống vào năm 2015, công ty của ông đã mở rộng đáng kể ra nước ngoài với các dự án ở Ấn Độ, Ireland, Philippines và nhiều quốc gia khác tại châu Á, châu Âu hay Nam Mỹ. Nhiều dự án cũng được lên kế hoạch ở các nước như Israel và Arab Saudi. Những tài sản này gồm khách sạn, sân golf, khu nghỉ dưỡng và chung cư.

Trong những năm ông ở Nhà Trắng, Trump Organization đã quyết định không tiếp tục các dự án mà họ đang xem xét ở những nơi như Israel, Arab Saudi và Philippines.

Nhưng từ năm 2021, Trump Organization đã khôi phục các nỗ lực mở rộng toàn cầu. Công ty bắt tay vào xây dựng sân golf thứ hai ở Scotland và có các thỏa thuận xây dựng thương hiệu với những dự án khu dân cư ở Ấn Độ và phát triển khu nghỉ dưỡng tại Indonesia.

Cuối năm 2022, Trump Organization đồng ý quản lý và xây dựng thương hiệu cho một dự án sân golf kết hợp khu nghỉ dưỡng trị giá 1,6 tỷ USD ở Oman, hợp tác với Dar Al Arkan, công ty bất động sản của Arab Saudi. Trump báo cáo thu nhập hơn 5 triệu USD từ mối quan hệ hợp tác đó trong bản kê khai tài chính năm 2022. Ông cũng có các sân golf, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chung cư cao tầng và dự án kinh doanh khác tại hơn 10 quốc gia trên 4 châu lục.

Danh mục đầu tư hiện tại của Trump Organization có ít nhất 17 dự án khu dân cư, 12 sân golf và 12 khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng.

Trump lâu nay vẫn phủ nhận việc ông lợi dụng quyền lực để thu lợi cá nhân. Ông và các thành viên khác trong gia đình luôn nhấn mạnh Trump Organization đã tham gia vào các dự án bất động sản toàn cầu và hoạt động kinh doanh ở nước ngoài từ rất lâu trước khi ông bước chân vào chính trường.

Eric Trump, con trai cựu tổng thống, phó chủ tịch điều hành Trump Organization, cho biết sau khi Trump rời Nhà Trắng, ông không còn phải chịu ảnh hưởng bởi các quy định pháp lý và đạo đức liên quan tới tổng thống nữa, vì thế, công ty tiếp tục tìm kiếm các dự án mới.

"Chúng tôi đã làm việc trong lĩnh vực bất động sản qua 4 thế hệ", Eric Trump nói. "Liệu chúng tôi có nên ngồi một chỗ và từ chối làm việc không?".

Việc Trump đang dẫn đầu đường đua của đảng Cộng hòa đặt ra câu hỏi liệu ông có cam kết chấm dứt các thỏa thuận kinh doanh nước ngoài nếu tái đắc cử hay không. Một nguồn tin thân cận với Trump Organization cho biết điều này có khả năng xảy ra.

Nhưng đế chế kinh doanh của Trump được cho là vẫn sẽ tạo ra vấn đề với ông vì những lý do khác. Trump Organization đã bị kết án vào cuối năm 2022 về tội gian lận thuế trong một vụ án do công tố viên quận Manhattan đưa ra.

Trump hiện phải đối mặt với phiên tòa xét xử vụ án dân sự do Tổng chưởng lý New York Letitia James đệ trình, cáo buộc ông thổi phồng giá trị tài sản cá nhân nhằm thu lợi tài chính. Trump phủ nhận, chỉ trích công tố viên có động cơ chính trị.

Hiện tại, cựu tổng thống vẫn sở hữu phần lớn cổ phần của nhiều thực thể trực thuộc Trump Organization. Tuy nhiên, hoạt động hàng ngày của công ty do hai con trai ông, Eric và Donald Trump Jr., điều hành.

Các nhà phê bình cho rằng trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2017 đến 2021, Trump đã không thực sự cố gắng tách biệt giữa quyền lực lãnh đạo và lợi ích kinh doanh của mình. Họ lo ngại điều tương tự sẽ xảy ra nếu ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

"Để một tổng thống Mỹ bị ảnh hưởng bởi tiền ở nước ngoài nắm quyền là điều cực kỳ nguy hiểm", Richard Painter, luật sư trưởng về đạo đức của Nhà Trắng dưới thời tổng thống George W. Bush, bình luận. "Nếu thực sự nghiêm túc trong việc tránh xung đột lợi ích, họ lẽ ra phải bán toàn bộ đế chế Trump".

Painter cũng nói rằng các thỏa thuận nước ngoài của Trump kể từ khi rời Nhà Trắng đặt ra câu hỏi nếu tái đắc cử, liệu những quyết sách ông đưa ra trên cương vị tổng thống có bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng về hoạt động kinh doanh hay không.

Kathleen Clark, giáo sư luật tại Đại học Washington ở St. Louis, chỉ ra rằng chính phủ các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ hay Oman có thể sử dụng quyền lực đối với các dự án Trump Organization đang thực hiện ở những nước này để tác động đến chính sách Mỹ dưới chính quyền Trump.

"Quyết định không thực hiện các dự án mới để giải quyết những mối lo về xung đột lợi ích là chưa đủ thỏa đáng", bà nói.

Đảng Dân chủ và một số chuyên gia đạo đức còn cáo buộc Trump nhận các lợi ích tài chính vi hiến từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên thông qua quyền sở hữu các doanh nghiệp trực thuộc Trump Organization, như Khách sạn Quốc tế Trump trong tòa nhà Bưu điện Cũ ở Washington. Trong khoảng thời gian này, nhiều quan chức nước ngoài, nhà vận động hành lang cũng như người có ảnh hưởng đã lưu trú tại khách sạn hay tiêu tiền tại những cơ sở kinh doanh khác của ông.

Eric Trump khẳng định Trump Organization tuân thủ mọi quy định trong Hiến pháp, giám sát chặt chẽ số tiền nhận được từ nước ngoài và sẽ không giữ bất kỳ lợi nhuận nào từ hoạt động kinh doanh này.

"Cuối năm, chúng tôi viết một tấm séc lớn cho Bộ Tài chính", ông nói.

Gần đây, hồ sơ tài chính nội bộ mà đảng Dân chủ tại Hạ viện có được cho thấy nhiều quốc gia đã chi tiêu mạnh tay tại các tài sản của Trump, với giá trị ít nhất 7,8 triệu USD, trong thời gian ông nắm quyền.

Những tài liệu này bắt nguồn từ vụ kiện về việc liệu Trump có vi phạm điều khoản về thù lao hay không, vốn ngăn các quan chức Mỹ nhận bất cứ thứ gì có giá trị từ nước ngoài khi chưa được quốc hội cho phép.

Eric Trump cho hay việc mở rộng ra nước ngoài gần đây của Trump Organization không khác gì các thương vụ mà những công ty kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng và bất động sản lớn khác đang theo đuổi.

"Đó là những nơi có ý nghĩa đối với chúng tôi với tư cách một thương hiệu 5 sao", anh nói.

Ngành dầu khí Mỹ ủng hộ ông Trump làm tổng thống

Các nhà tài trợ trong ngành dầu mỏ bắt đầu quyên góp nhiều tiền hơn cho ông Trump kể từ nửa cuối năm 2023.

Ngành dầu khí Mỹ đã quyên góp 7,36 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump, rõ ràng ủng hộ ông hơn đối thủ cạnh tranh trong Đảng Cộng hòa Nikki Haley và hơn Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, người đã khiến ngành này tức giận với hầu hết các chính sách năng lượng của ông Biden kể từ khi nhậm chức.

Theo dữ liệu do OpenSecrets thu thập, các nhóm ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên đã quyên góp 7.365.208 USD cho ông Trump, so với chỉ 807.233 USD cho bà Haley và chỉ 634.736 USD cho chiến dịch của Tổng thống Biden.

Tờ Bloomberg lưu ý rằng một số nhà tài trợ trong ngành dầu khí, ví dụ như nhà tiên phong về dầu đá phiến Harold Hamm, năm ngoái đã quyên góp cho cả bà Haley và Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, vì họ không tin ông Trump có cơ hội thắng cử.

Tuy nhiên, các nhà tài trợ trong ngành dầu mỏ bắt đầu quyên góp nhiều tiền hơn cho ông Trump kể từ nửa cuối năm 2023.

Trong khi đó, ngành dầu khí Mỹ không tăng cường quyên góp cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden, dù sản lượng dầu khí của Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong nhiệm kỳ của ông.

Sản xuất dầu khí và xuất khẩu xăng dầu và LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) của Mỹ đã bùng nổ trong năm ngoái, nhưng đa số người trong ngành đều cho rằng điều này không phải do các chính sách của chính quyền Biden. Các quy định về phát thải khí mê-tan, việc tạm dừng cấp giấy phép mới cho các dự án xuất khẩu LNG là một số vấn đề gần đây nhất mà ngành dầu khí Mỹ đã chỉ trích chính quyền Biden.

Các hiệp hội ngành dầu mỏ thường xuyên cáo buộc các chính sách năng lượng của Tổng thống Biden là “thù địch” với ngành dầu khí Mỹ và làm suy yếu nền kinh tế cũng như việc làm của Mỹ.

Trong cuộc khảo sát năng lượng mới nhất của Fed ở Dallas, một giám đốc điều hành của công ty E&P cho biết: “Chính quyền Biden liên tục gây chiến với ngành dầu khí, nhưng thế giới thực vẫn cần ngành của chúng tôi”.

Ông Trump chọc giận NATO

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có những phát ngôn gây tranh cãi khi lên tiếng dọa không bảo vệ NATO trước Nga nếu các thành viên của khối không đóng góp tài chính như cam kết.

Phát biểu của ông Trump được đưa ra khi tranh cử tại bang Nam Carolina hôm 10/2. Theo đó, cựu Tổng thống Mỹ đã kể lại cuộc họp với các nhà lãnh đạo NATO.

"Nếu chúng tôi không đóng góp đầy đủ và Nga tấn công chúng tôi, Mỹ có bảo vệ chúng tôi không?". – một nhà lãnh đạo NATO hỏi ông Trump.

Ông Trump trả lời: "Các bạn không đóng góp đủ? Các bạn làm không đúng nghĩa vụ. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ không bảo vệ các bạn. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Bạn phải đóng góp".

Những phát biểu của ông Trump đã khiến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nổi giận. Ông Stoltenberg nói: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào NATO đều sẽ phải hứng chịu sự đáp trả thống nhất và mạnh mẽ”.

Đồng thời người đứng đầu NATO tuyên bố bất kỳ ý kiến nào cho rằng các thành viên của khối không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu sức mạnh của liên minh quân sự này, đẩy các binh lính vào tình cảnh nguy hiểm.

Tổng thống Mỹ Biden cũng lên tiếng phản đối phát ngôn của ông Trump. Ông Biden cảnh báo, nếu ông Trump quay trở lại Nhà trắng thì Mỹ sẽ “cho phép” Nga “làm bất kỳ điều gì”.

Đối thủ còn lại của ông Trump ở đảng Cộng hòa là Nikki Haley cũng công kích ông Trump về phát ngôn này và bà khẳng định đứng về phía NATO nếu được bầu làm tổng thống.

Mỹ tấn công loạt vị trí của Houthi

Quân đội Mỹ thông báo tấn công vị trí Houthi đặt xuồng tự sát và tên lửa chống hạm chuẩn bị tập kích tàu thuyền trên Biển Đỏ.

“Lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thực hiện thành công các đợt tấn công tự vệ nhằm vào hai phương tiện mặt nước không người lái (USV) và ba tên lửa hành trình chống hạm ở phía bắc thành phố Hodeidah, Yemen, chuẩn bị phóng vào tàu thuyền trên Biển Đỏ”, CENTCOM ngày 11/2 thông báo.

CENTCOM cho biết số USV và tên lửa nói trên nằm ở khu vực do Houthi kiểm soát tại Yemen, nhận định chúng “là mối đe dọa sắp diễn ra đối với chiến hạm Mỹ và tàu hàng trong khu vực”. Cơ quan này tuyên bố đợt tấn công nhằm “bảo vệ quyền tự do hàng hải” và làm vùng biển quốc tế an toàn hơn với tàu hàng, chiến hạm Mỹ.

Kênh al-Masirah của Houthi ngày 10/2 đưa tin ba vụ tập kích xảy ra ở khu vực cảng Salif, phía bắc thành phố Hodeidah ở bờ biển miền tây Yemen, song không nêu chi tiết thiệt hại liên quan. Phóng viên AFP tại khu vực cho biết nghe thấy những tiếng nổ lớn ở vị trí bị tập kích.

Quân đội Mỹ ngày 8/2 thông báo tấn công vị trí Houthi đặt 4 USV và 7 tên lửa diệt hạm. Houthi ngày 10/2 cho biết 17 thành viên của lực lượng thiệt mạng trong các đợt tập kích gần đây của Mỹ.

Houthi kiểm soát nhiều địa phương tại Yemen. Lực lượng này bắt đầu tấn công tàu hàng liên quan tới Israel đi qua khu vực từ tháng 11/2023, tuyên bố đây là hành động bày tỏ đoàn kết với người dân Palestine ở Dải Gaza.

Mỹ và Anh mở nhiều đợt tập kích nhằm vào Houthi, song chưa ngăn được hoạt động tấn công tàu hàng do lực lượng này thực hiện. Houthi ngày 6/2 tấn công các tàu Mỹ và Anh trên Biển Đỏ, hai đợt tập kích này gây một số thiệt hại nhưng không có thương vong.

Các đợt tập kích nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ làm tăng phí bảo hiểm và buộc nhiều hãng vận tải phải tránh tuyến đường đi qua Biển Đỏ, nơi 12% lượng thương mại hàng hải toàn cầu đi qua.

Nguồn: Dân Trí; Vnexpress; Báo Tin Tức; Soha; Việt Nam

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang