Mỹ: 11 ngày hỗn loạn; Kết nghĩa với quốc gia hư cấu; Trump trở lại MXH; Di sản chiến tranh Iraq; Cuộc chạm trán ở Biển Đen

11 ngày hỗn loạn của ngành ngân hàng Mỹ

Khi các đợt tăng lãi suất dồn dập theo sau một giai đoạn tiền rẻ kéo dài, những lỗ hổng trong ngành ngân hàng Mỹ đã được phơi bày.

Ngày 6/3 diễn ra bình thường như bất cứ thứ hai nào khác. Các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đa số đều tin rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Câu hỏi đặt ra là lãi suất sẽ tăng bao nhiêu, 25 hay 50 điểm cơ bản.

Ngày 6/3: Khoảng lặng trước bão

Trước cuộc họp chính sách tháng 3, Mỹ sẽ lần lượt công bố dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp. Các con số có thể ảnh hưởng tới quyết định của Fed.

Chỉ số S&P đã tăng gần 1% trong phiên giao dịch trước khi điều chỉnh giảm, và đóng cửa ở mức gần như không đổi so với phiên liền trước.

Ngày 7/3: Một Fed diều hâu

Nhưng ngày sau đó, Phố Wall đón tin dữ. Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra những bình luận diều hâu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh quyết tâm chống lạm phát.

Ông cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất điều hành 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3. Và điều này đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống mức thấp mới.

Ván cược của các nhà đầu tư đã thay đổi. Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất 107 điểm cơ bản trong 4 cuộc họp tiếp theo lên 5,6%.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã tăng lên 104 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 1981. Đó cũng là tín hiệu cho những rắc rối của ngành ngân hàng Mỹ.

Ngày 8/3: Nhen nhóm khủng hoảng

Ông Powell tiếp tục phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, nhưng những bê bối trong ngành ngân hàng đã chiếm trọn chú ý.

Silvergate Capital - một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Sau khi kết thúc phiên giao dịch, nhà băng này công bố kế hoạch ngừng hoạt động và bắt đầu thanh lý tài sản.

Thời điểm đó, nhiều người tin rằng đó là rắc rối của riêng mình Silvergate Capital, vốn đã dấn thân quá sâu vào lĩnh vực tiền mã hóa.

Trong khi đó, SVB Financial Group bắt đầu chào bán cổ phiếu, bán gần như toàn bộ chứng khoán có trong danh mục đầu tư và cập nhật dự báo năm.

Lúc này, Silicon Valley Bank (SVB) đang đối mặt với bài toán nan giải. Để hỗ trợ bảng cân đối kế toán, ngân hàng phải bán phần lớn các khoản đầu tư trái phiếu thua lỗ để tăng thanh khoản.

Động thái này sẽ khiến khách hàng lo ngại, nhưng việc nằm im chờ bị hạ cấp cũng không mang lại kết quả khả quan hơn. Cùng ngày, Moody's đã hạ cấp tín nhiệm ngân hàng này.

Cơn bão đã tới, nhưng chứng khoán Mỹ vẫn tăng nhẹ trong ngày.

Ngày 9/3: Nỗi sợ lây lan

Cổ phiếu nhóm ngân hàng trải qua ngày tệ hại nhất trong gần 3 năm. Giá cổ phiếu của SVB rớt 60%. Gần 10 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bị thổi bay. Đây là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, tập trung vào dòng vốn đầu tư mạo hiểm, nhất là lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm như Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.

Chiều ngày 9/3, SVB liên hệ với các khách hàng lớn nhất, nhấn mạnh rằng họ được định giá cao, có bảng cân đối kế toán lành mạnh, thanh khoản dồi dào và linh hoạt.

Trong cuộc họp qua điện thoại của mình, ông Greg Becker - CEO SVB Financial Group - trấn an các khách hàng của mình: "Hãy bình tĩnh". Nhưng nước lúc này đã dâng tới chân.

Thời điểm đó, một số nhà đầu tư đã bắt đầu tin rằng Fed sẽ khó tăng lãi suất hơn, nhưng chủ yếu do tỷ lệ thất nghiệp vượt dự báo.

Ngày 10/3: Vụ sụp đổ ngân hàng đầu tiên

Giữa buổi sáng, SVB bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa. Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã họp khẩn để thảo luận về tình hình. Còn chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định rằng các cơ quan quản lý "có những công cụ hiệu quả" để giải quyết các diễn biến.

Chứng khoán Mỹ xóa sạch mức tăng kể từ đầu năm 2023, dù lợi suất trái phiếu kho bạc 2 năm đã giảm 28 điểm cơ bản.

Ngày 13/3: Khủng hoảng nối khủng hoảng

Đồi Capitol và Phố Wall không nghỉ cuối tuần. Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã chuẩn bị những biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ hệ thống ngân hàng. Người gửi tiền của SVB được giải cứu, nhưng các cổ đông và ban lãnh đạo của nhà băng này thì không.

Giữa bê bối của SVB, thêm một ngân hàng nữa bị đóng cửa. Đó là Signature Bank, sau khi các khách hàng ồ ạt rút 20% tiền gửi.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá cổ phiếu của First Republic Bank lao dốc 62%, chỉ số KBW - theo dõi nhóm cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ - giảm thêm 12%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm ghi nhận mức giảm lớn nhất trong vòng 41 năm. Đồng USD xóa sạch mức tăng kể từ đầu năm. Giới đầu tư tin rằng Fed sẽ lỏng tay hơn trong việc tăng lãi suất.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group tin rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo. Đội ngũ chuyên gia kinh tế của Nomura nhận định Fed nên cắt giảm lãi suất mục tiêu, còn thị trường đặt cược vào khả năng ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất vào cuối năm.

Ngày 14/3: Lạm phát vẫn nóng

Thị trường nhận thấy trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 tháng. Tuy nhiên, dữ liệu quan trọng này vẫn bị lấn át bởi thông tin Moody’s Investors Service hạ triển vọng của hệ thống ngân hàng Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực.

Đến cuối phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đón thêm một tin xấu. Credit Suisse Group cho biết đã xác định được những điểm yếu quan trọng trong báo cáo tài chính của mình.

Ngày 15/3: Báo động đỏ từ Credit Suisse

Cổ phiếu của Credit Suisse rớt thảm trong phiên sau khi Ngân hàng Trung ương Saudi (SNB) - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - từ chối cung cấp thêm vốn cho nhà băng Thụy Sĩ này vì không muốn vi phạm quy định hạn chế tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu.

Rắc rối của Credit Suisse khiến các thị trường châu Âu và toàn cầu run rẩy. Nhà băng này là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, làm ăn với nhiều đối tác trên toàn cầu.

Ủy ban Ổn định Tài chính - một cơ quan giám sát hệ thống tài chính quốc tế - phân loại Credit Suisse là "ngân hàng quan trọng với hệ thống toàn cầu", cùng với 30 nhà băng khác bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Bank of China.

Tối đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết sẵn sàng cho Credit Suisse vay 54 tỷ USD.

Ngày 16/3: 30 tỷ USD giải cứu

Chỉ vài giờ sau khi Credit Suisse được ném phao cứu sinh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu thông báo tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.

Nhưng chỉ vài phút sau, sự chú ý chuyển sang First Republic Bank của Mỹ. Các đợt bán tháo ồ ạt đẩy giá cổ phiếu của ngân hàng này tụt dốc 83% trong 2 tuần.

Giới chức Mỹ đã thuyết phục 12 ngân hàng lớn gửi 30 tỷ USD vào First Republic Bank. Động thái này giúp chứng khoán Mỹ bật tăng.

Nhưng Phố Wall lại vừa đón thêm tin xấu. Các ngân hàng đã vay khoản tiền kỷ lục 152,85 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu (discount window) trong vòng 7 ngày.

Đây là công cụ cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn.

Kỷ lục cũ là 111 tỷ USD, diễn ra trong khủng hoảng tài chính toàn cầu.

(Nguồn: Zing News)

Chuyện động trời: Một thành phố lớn của Mỹ bị lừa kết nghĩa với... quốc gia hư cấu

Tờ New York Post nhận định, đó là một trường hợp lừa đảo xuyên biên giới có thể đưa vào sách giáo khoa - ngoại trừ nạn nhân là một thành phố của Mỹ.

Thành phố Newark thuộc bang New Jersey của Mỹ đã thừa nhận rằng họ đã bị lừa để trở thành "Thành phố kết nghĩa" của một quốc gia không tồn tại.

Quốc gia được đề cập ở đây là "Hợp chúng quốc Kailasa", được cai trị bởi vị thần tự xưng Swami Nityananda. Người đứng đầu quốc gia cũng được gọi là "quốc gia Ấn Độ giáo" này đã bị buộc tội cưỡng hiếp, tấn công tình dục, và bằng cách nào đó đã tìm cách chạy trốn khỏi Ấn Độ.

Theo kênh tin tức CBS News (Mỹ), thành phố của Mỹ chỉ phát hiện ra vụ lừa đảo sau khi chính quyền địa phương tổ chức một buổi lễ kết nghĩa chính thức.

Tháng 1/2023, thành phố Newark đã tổ chức một buổi lễ kết nghĩa với đoàn đại biểu đến từ cái gọi là "Hợp chúng quốc Kailasa". Tại sự kiện này, Thị trưởng Newark Ras Baraka đã mời phái đoàn Kailasa ký kết một thỏa thuận về thương mại văn hóa. Tuy nhiên, tất cả những thỏa thuận này cuối cùng hóa ra là vô giá trị.

Theo CBS News, quan chức Newark khẳng định rằng, thỏa thuận kết nghĩa chỉ kéo dài trong 6 ngày và cuối cùng bị coi là "vô căn cứ và vô hiệu". Các quan chức cũng nói rõ rằng, không có khoản tiền nào được trao đổi trong buổi lễ.

Người phát ngôn của thành phố cho biết: "Mặc dù đây là một sự cố đáng tiếc, nhưng thành phố Newark vẫn cam kết hợp tác với những người đến từ các nền văn hóa đa dạng để làm giàu cho nhau bằng sự kết nối, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau."

Kênh tin tức CBS nhận định, điều làm cho toàn bộ sự việc càng trở nên xấu hổ là thành phố Newark là thành phố lớn nhất của bang New Jersey.

Chương trình 'Thành phố kết nghĩa' là gì?

Theo trang tin Republic World (Ấn Độ), Chương trình 'Thành phố kết nghĩa' được ra đời sau Thế chiến II, đề cập đến một hình thức thỏa thuận pháp lý và xã hội giữa hai địa phương khác biệt về địa lý và chính trị, nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ hợp tác về văn hóa và thương mại. Mối quan hệ giữa hai thực thể được thiết lập và chính thức công nhận sau khi quan chức cao nhất được bầu hoặc được bổ nhiệm của cả hai địa phương ký thỏa thuận trở thành "Thành phố kết nghĩa".

Thành phố Newark của Mỹ có nhiều "Thành phố kết nghĩa" như vậy. Theo trang web của chính quyền địa phương, một số "Thành phố kết nghĩa" bao gồm Aveiro (Bồ Đào Nha), Belo Horizonte (Brazil), Rio de Janeiro (Brazil)...

Ngày 12/1, trong buổi lễ ký kết thỏa thuận kết nghĩa, Thị trưởng Newark Ras Baraka nói với các phóng viên rằng, ông cầu nguyện cho mối quan hệ bền chặt hơn giữa thành phố Newark và "Hợp chúng quốc Kailasa".

"Tôi cầu nguyện rằng mối quan hệ của chúng ta sẽ giúp chúng ta hiểu được sự phát triển về văn hóa, xã hội và chính trị, đồng thời cải thiện cuộc sống của mọi người ở cả hai nơi", Thị trưởng Ras Baraka nói với các phóng viên.

Tin tức về vụ việc này cũng gây bối rối cho cư dân thành phố Newark. "Không ai trong Tòa thị chính, không một ai tìm kiếm trên Google, vì vậy có lẽ chúng tôi cần Tòa thị chính thay đổi, vì không ai nói: 'Hãy để tôi lên Google và tìm ra đây là một thành phố giả", cư dân Shakee Merritt nói với phóng viên kênh CBS News.

Theo tờ New York Post, tìm kiếm với từ khóa "Kailasa" trên Google Maps chỉ cho thấy một loạt các ngôi đền ở phía nam của đất nước Ấn Độ, và thậm chí là một trung tâm thiền ở bang Connecticut của Mỹ, chứ không có thành phố hay quốc gia nào.

Tuy nhiên, thứ đầu tiên xuất hiện trên Google là một liên kết đến một trang web quảng bá quốc gia giả mạo như một "nền văn minh khai sáng cổ đại, quốc gia Ấn Độ giáo không biên giới vĩ đại tầm vũ trụ".

Trang web này cũng gọi Nithyananda là "Người hồi sinh", tuyên bố rằng Nithyananda được hơn 20 triệu người ở 196 quốc gia trên thế giới tôn thờ.

Trên thực tế, Nithyananda là một kẻ lừa đảo khét tiếng, tự nhận mình có sức mạnh siêu nhiên và đã trốn chạy các tội danh hiếp dâm và bắt cóc trẻ em kể từ năm 2019, theo thông tin từ New Indian Express.

Kẻ lừa đảo này cũng là đối tượng được nhắc tới trong bộ phim tài liệu "Con gái tôi tham gia một giáo phái" trên kênh Discovery vào năm 2022.

Cùng với việc quảng bá những thành tựu được cho là của chính Nithyananda và "quốc gia" của y, trang web về Kaisala còn cung cấp quyền công dân điện tử cho người truy cập thông qua mã QR.

Những nỗ lực của Kailasa để được công nhận là một quốc gia vẫn tiếp tục

Theo trang tin Republic World, đầu tháng này, "Hợp chúng quốc Kailasa" - đất nước hư cấu của y - đã tham dự hội nghị của Liên hợp quốc ở Geneva. Hai đại diện của quốc gia hư cấu thậm chí còn đi ở hàng đầu và phát biểu trong cuộc thảo luận chung về phát triển bền vững do Ủy ban về Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) của Liên hợp quốc tổ chức. Tuy nhiên, Kailasa không nằm trong số 193 quốc gia được Liên hợp quốc công nhận. Sau vụ việc, Nithyananda thậm chí còn khoe khoang về vụ việc trên Twitter.

Trang tin Republic World nhận định, với vụ lừa đảo "Thành phố kết nghĩa", đây là lần thứ hai trong năm nay, thực thể hư cấu này cố gắng được công nhận là một quốc gia.

(Nguồn: CafeBiz)

Ông Trump trở lại Facebook, YouTube

Cựu tổng thống Mỹ Trump đăng video trên Facebook và YouTube thông báo quay trở lại các nền tảng này sau hơn hai năm bị khóa tài khoản.

"Tôi đã trở lại!", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Facebook ngày 17/3, kèm video ông nói trước người ủng hộ vào năm 2016 rằng "xin lỗi vì để quý vị chờ lâu, có chút phức tạp". Kênh YouTube của ông Trump cũng đăng video này với tiêu đề tương tự.

Bài đăng Facebook đầu tiên của cựu tổng thống Trump sau hơn hai năm nhanh chóng thu hút hơn 65.000 lượt tương tác, hơn 17.000 bình luận và 14.000 lượt chia sẻ. Tài khoản Facebook của ông hiện có 34 triệu người theo dõi.

Meta, công ty mẹ của Facebook, hồi tháng 1 thông báo khôi phục tài khoản của ông Trump trên mạng xã hội này và Instagram "với các biện pháp bảo vệ mới".

Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, nói rằng công chúng có thể nghe những chính trị gia lên tiếng, trong đó có cả điều tốt và điều xấu, để từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất cho phiếu bầu.

YouTube ngày 17/3 mở lại kênh của ông Trump, cho biết họ đã "đánh giá cẩn thận nguy cơ bạo lực tiếp diễn trong thế giới thực, đồng thời cân bằng với cơ hội để cử tri được tiếp cận bình đẳng với các ứng viên lớn của quốc gia" trước khi ra quyết định.

Facebook được đánh giá vừa là nền tảng mạng xã hội lớn để ông Trump nêu quan điểm, vừa là nguồn doanh thu gây quỹ quan trọng cho cả hai chiến dịch tranh cử trước đây của cựu tổng thống.

Trong khi đó, YouTube không phải nền tảng được cựu tổng thống Trump sử dụng nhiều. Kênh của ông Trump có hơn 2,6 triệu người theo dõi.

Sau khi tiếp quản Twitter hồi năm ngoái, tỷ phú Elon Musk thông báo khôi phục tài khoản cho ông Trump. Tuy nhiên, tới nay ông Trump chưa đăng bài viết mới trên nền tảng này. Tài khoản Twitter của ông Trump có hơn 87 triệu người theo dõi.

(Nguồn: Vnexpress)

Di sản nặng nề của Chiến tranh Iraq đối với nước Mỹ và bài học rút ra

Chiến tranh Iraq 2003 đã gắn chặt với lịch sử nước Mỹ, gây ra nhiều tổn hại cho nước này. Cái bóng của cuộc chiến ấy vẫn đeo bám nước Mỹ cho tới tận ngày nay, khi nhiều người Mỹ ghi nhận đất nước họ đã mắc sai lầm.

Cuộc chiến Iraq và học thuyết “phòng ngừa” của Mỹ

Mỹ biện minh cho việc họ tấn công quân sự Iraq vào tháng 3/2003 (cách đây đúng 20 năm) bằng lý do để bảo vệ Mỹ khỏi một đối thủ nước ngoài nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không hoàn toàn như mong muốn của Mỹ. Mỹ sau đó rơi vào một cơn lốc địa chính trị mà các đời tổng thống Mỹ thấy dường như không thể thoát ra nổi. Chi phí của Mỹ về mặt máu xương và tiền bạc cho vấn đề liên quan đến cuộc chiến đó trong 20 năm là vô cùng to lớn. Ngoài ra, tổn thất đối với quyền lực mềm của Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi, ít có thể khắc phục được.

Các học giả rồi sẽ còn tranh cãi trong thời gian dài sắp tới về nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc Chiến tranh Iraq 2003.

Theo cái cớ do Mỹ đưa ra khi ấy, việc Mỹ đưa quân vào Iraq là do Tổng thống Saddam Hussein từ chối trao cho các thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc quyền tiếp cận không giới hạn đối với các địa điểm nhạy cảm ở Iraq. Trong thế giới hậu sự kiện 11/9/2003, Mỹ và các đồng minh không thể chấp nhận rủi ro vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể rơi vào tay lực lượng khủng bố. Theo logic đó của Mỹ và phương Tây, việc tiến quân vào Iraq để tước vũ khí và lật đổ chế độ của ông Saddam là sự lựa chọn duy nhất.

Trên thực tế, đây là học thuyết “chiến tranh phòng ngừa” của Tổng thống Mỹ George W. Bush và đội ngũ cố vấn của ông.

Nhà Trắng khăng khăng rằng Mỹ có quyền sử dụng vũ lực để vô hiệu hóa các mối đe dọa nước ngoài thậm chí cả khi thiếu vắng thông tin tình báo nói rằng một cuộc tấn công vào các lợi ích Mỹ là cận kề.

Khi ấy, hầu hết người Mỹ chấp nhận logic của “chiến tranh phòng ngừa”. Thăm dò dư luận sau đó cho thấy nhiều công dân Mỹ vẫn ủng hộ ý tưởng tấn công phủ đầu để phòng ngừa ngay cả khi Chiến tranh Iraq đã trở thành một bãi lầy đối với Mỹ. Tuy nhiên, với nhiều người trong giới tinh hoa Mỹ, vấn đề Iraq mau chóng đồng nghĩa với sai lầm. Sau này, khi tranh cử tổng thống Mỹ, ông Obama và ông Trump đều phản đối cuộc chiến này. Thậm chí cả những nhân vật tân bảo thủ như Max Boot bây giờ cũng hối tiếc đã ủng hộ việc Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003. Quan điểm ổn định ở Washington hiện nay không xem vũ lực quân sự là công cụ đúng đắn để mang lại những thay đổi lớn đối với chính quyền, nền chính trị và xã hội của các đất nước khác.

Nhưng đồng thời, kinh nghiệm chiến sự ở Iraq cho thấy hệ thống chính trị Mỹ có mức độ khoan dung cao đến mức báo động đối với chiến tranh kéo dài. Nghĩa là chiến tranh có thể kéo dài miễn sao xung đột được duy trì ở phía bên bé nhỏ hơn và được che giấu khỏi con mắt của công chúng. Đây chính là vấn đề. Nó chứng tỏ Washington không chỉ cần từ bỏ học thuyết chiến tranh ngăn ngừa. Nếu Mỹ muốn hưởng thành quả của an ninh quốc gia thực sự, giới lãnh đạo của họ phải từ bỏ cả học thuyết “chiến tranh mãi mãi”.

Mỹ vẫn chưa thoát khỏi Iraq trên thực địa

Người ta thường quên rằng từ năm 1991 đến năm 2003, máy bay Mỹ thực hiện hàng trăm ngàn phi vụ trên bầu trời miền Bắc và miền Nam Iraq với mục tiêu làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Saddam Hussein và làm xói mòn khả năng của ông thực hiện các biện pháp cứng rắn với một số bộ phận dân chúng Iraq. Trong 12 năm ròng, các lực lượng quân sự Mỹ đã bắn tên lửa, thả bom và phá hủy cơ sở hạ tầng của Iraq. Cũng trong thời gian ấy, họ hứng chịu hỏa lực mạnh từ quân đội Iraq. Nhìn từ góc độ này, việc Mỹ tiến đánh Iraq vào năm 2003 không hẳn là sự khởi đầu của một cuộc xung đột mới như giải thích hiện nay của Mỹ về cuộc chiến này, mà cuộc chiến đó đã âm ỉ từ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991.

Năm 2011, quân Mỹ chấm dứt hoạt động tác chiến ở Iraq và rút khỏi nước này theo yêu cầu của chính quyền Baghdad. Việc Tổng thống Mỹ Obama rút quân Mỹ khỏi Iraq đánh dầu sự chấm dứt 2 thập kỷ Mỹ dính líu quân sự vào Iraq.

Tuy nhiên, 3 năm sau đó, chính Tổng thống Obama lại ra lệnh đưa quân Mỹ trở lại Iraq dưới danh nghĩa ngăn chặn các chiến binh tổ chức khủng bố Hồi giáo IS khỏi lan ra và chiếm toàn bộ khu vực xung quanh. Hàng ngàn lính Mỹ được triển khai để chiến đấu chống phiến quân IS - nhiệm vụ này phải đến tháng 12/2017 mới chấm dứt.

Kể từ đó, các lực lượng Mỹ vẫn đồn trú ở Iraq, chủ yếu trong vai trò cố vấn và huấn luyện cho quân đội Iraq. Bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 2.500 nhân viên Mỹ cư trú ở Iraq. Sự hiện diện này không hề vặt vãnh chút nào và tiềm ẩn gây ra xung đột lớn giữa Mỹ và Iran - láng giềng của Iraq. Hồi tháng 1/2020, Iran đã phóng hàng loạt quả tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Iraq để trả đũa cho việc Mỹ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani.

Tính tổng cộng, Mỹ đã tham chiến ở Iraq trong 32 năm - khoảng thời gian này chiếm khoảng 13% lịch sử Mỹ với tư cách một quốc gia độc lập. Và hiện tại, Mỹ không có dấu hiệu nào sẽ rút khỏi quốc gia Tây Á này. Trái lại, cam kết của Mỹ dùng quân sự để giám sát Iraq dường như lặp lại ở các nơi khác, từ Syria đến Libya, Somalia, Niger. Tính mạng của lính Mỹ tại các quốc gia này vẫn bị đặt trong hiểm nguy.

Di sản của Chiến tranh Iraq đối với Mỹ là phức tạp và vẫn tiếp tục mở ra./.

(Nguồn: Soha)

CUỘC CHẠM TRÁN Ở BIỂN ĐEN THỔI BÙNG CĂNG THẲNG NGA - MỸ

Vụ va chạm giữa tiêm kích Nga và máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Mỹ ở Biển Đen là lời cảnh báo nguy cơ khu vực này thành một điểm nóng, có thể kéo theo những tính toán sai lầm.

Ngày 14/3, một máy bay không người lái (UAV) trinh sát MQ-9 Reaper của Mỹ rơi xuống Biển Đen trong khi đang làm nhiệm vụ như thường lệ ở không phận quốc tế.

Theo giới chức Mỹ, hai máy bay chiến đấu của Nga đã va chạm với MQ-9 Reaper, buộc Lực lượng Không quân Mỹ phải điều khiển nó lao xuống biển. Tuy nhiên, Nga bác bỏ cáo buộc này, nói rằng không có bất cứ va chạm nào và chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ rơi là do mất lái khi chuyển hướng đột ngột.

Đây là cuộc chạm trán trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

"ÁC ĐIỂU" MQ-9 REAPER

MQ-9 Reaper được Lực lượng Không quân Mỹ sử dụng để thu thập thông tin tình báo và thực hiện các nhiệm vụ giám sát, tìm kiếm cứu nạn và tấn công chính xác vào các mục tiêu có giá trị cao và mục tiêu cần phản ứng nhanh.

Những chiếc UAV này từng làm nhiệm vụ ở Iraq, Afghanistan, Syria, và các quốc gia khác. Trong đó, MQ-9 là một phần quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Chúng được điều khiển từ xa bởi một nhóm gồm hai trong số 20 căn cứ ở 17 tiểu bang của Mỹ. Một căn cứ đưa ra nhiệm vụ và điều khiển máy bay, trong khi căn cứ còn lại vận hành thiết bị cảm biến và điều khiển vũ khí.

MQ-9 Reaper có thể mang tới 8 tên lửa dẫn đường bằng laser, 16 tên lửa Hellfire và gần 600kg nhiên liệu. UAV này có thể di chuyển quãng đường gần 2.000km và bay ở độ cao lên đến 15.000m. Trong năm 2018, MQ-9 Reaper đã bay tổng cộng 325.000 giờ, với tốc độ tối đa là 444 km/h.

Không quân Mỹ đã ký hợp đồng với General Atomics để chế tạo hơn 360 chiếc Reaper kể từ khi chúng được đưa vào sản xuất năm 2007. Hiện nay, một chiếc UAV Reaper có giá khoảng 30 triệu USD, tức là đắt hơn cả một chiếc trực thăng tấn công AH-64E Apache và thậm chí đắt hơn một số loại máy bay chiến đấu F-16 Falcon biến thể cũ.

MQ-9 Reaper dài gần 10m, với sải cánh 20m và tải trọng 1,8 tấn. MQ-9 là phiên bản cập nhật của MQ-1 Predator, được ra mắt vào những năm 1990. Reaper có động cơ mạnh hơn khoảng 8 lần và dài hơn 4m, với sải cánh dài hơn 5m so với "người tiền nhiệm".

Tuy nhiên, thời gian hoạt động của Reaper nếu mang đầy đủ vũ khí giảm xuống chỉ còn 14 giờ so với 24 giờ của Predator. Nếu không mang vũ khí, Reaper có thể hoạt động trong 42 giờ.

UAV này cũng được trang bị một bộ cảm biến hoàn chỉnh với bộ chỉ định mục tiêu bằng laser, camera hồng ngoại và camera quang điện xoay bên dưới mặt trước của máy bay để giúp nhận biết khung cảnh bên dưới và cung cấp hình ảnh, video thời gian thực.

Trong thiết kế của Bộ Quốc phòng, chữ "M" có nghĩa là đa năng, chữ "Q" có nghĩa là hệ thống máy bay được điều khiển từ xa và số "9" cho thấy nó là mẫu thứ 9 trong loạt dòng máy bay được điều khiển từ xa. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, quân đội nước này đã ký hợp đồng mua 366 chiếc Reaper kể từ năm 2007, với chi phí trung bình là 28 triệu USD mỗi chiếc.

Năm ngoái, truyền thông địa phương đưa tin, Không quân Mỹ đang xem xét bán UAV Reaper cũ cho Ukraine. Tuy nhiên, việc thảo luận bị đóng băng vì lo ngại vấn đề chuyển giao công nghệ nhạy cảm và UAV này có nguy cơ bị bắn hạ cao.

NGA - MỸ ĐẤU KHẨU

Theo video được Bộ Tư lệnh ở châu Âu của Mỹ công bố ngày 16/3, một máy bay tiêm kích Su-27 được cho là của Không quân Nga đã tiếp cận từ phía sau bên phải MQ-9 Reaper. Camera của chiếc MQ-9 hướng về phía đuôi ghi lại cảnh Su-27 Nga bắt đầu xả nhiên liệu rồi bay vượt qua phía trên UAV Mỹ. Video cũng cho thấy động cơ cánh quạt của chiếc MQ-9 quay chậm dần và bị hư hại một phần sau khi máy bay chiến đấu Nga xả nhiên liệu.

"Nhiều lần trước khi va chạm, Su-27 đã bay phía trước MQ-9 một cách liều lĩnh, không thân thiện và thiếu chuyên nghiệp", Tướng James B. Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, cho hay.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder của Lực lượng Không quân Mỹ nói với các phóng viên rằng, hai chiếc Su-27 đầu tiên được phát hiện ở gần chiếc MQ-9 khoảng 30 đến 40 phút trước khi các phi công Mỹ điều khiển chiếc Reaper lao xuống biển.

Trước đó, ngày 15/3, một phi công của Nga cũng đăng tải đoạn video được quay từ buồng lái của tiêm kích Su-27.

Trong đoạn video này, tiêm kích của Nga bay gần UAV MQ-9 Reaper của Mỹ. Hai máy bay của Nga và Mỹ bay song song nhau, không có động tác nào đe dọa tới an toàn bay. Quá trình hai máy bay chạm trán ở khoảng cách gần cũng chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, bởi tiêm kích Su-27 có tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với UAV MQ-9.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, UAV MQ-9 Reaper của Mỹ lúc đó đang bay gần Crimea và hướng tới các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát. "Vào khoảng 9h30 theo giờ Moscow, máy bay không người lái MQ-9 đột ngột chuyển hướng và thực hiện một chuyến bay không có hướng dẫn, sau đó, mất độ cao và lao xuống nước", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Theo cơ quan này, UAV của Mỹ đã tắt bộ tiếp sóng khi bay, vi phạm ranh giới không phận tạm thời được thiết lập cho chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đã thông báo với tất cả những người sử dụng không phận quốc tế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này buộc Moscow huy động các máy bay quân sự để điều tra làm rõ. "Máy bay chiến đấu của Nga đã không sử dụng vũ khí trên không, không tiếp xúc với UAV và trở về căn cứ an toàn", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Mỹ nên ngừng điều khiển UAV bay quá gần biên giới của Nga.

"GIỌT NƯỚC TRÀN LY"

Vụ va chạm giữa MQ-9 và Su-27 là sự cố trên không đầu tiên giữa Nga và một thành viên NATO kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hơn một năm trước. Giới quan sát cho rằng, vụ việc làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến leo thang căng thẳng là rất lớn.

"Đó là một diễn biến rất nhạy cảm trong xung đột Ukraine, bởi vì đây là lần chạm trán trực tiếp đầu tiên mà công chúng biết đến giữa phương Tây và Nga", Elisabeth Braw, nhà nghiên cứu về các mối đe dọa hỗn hợp và vùng xám tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở ở Washington, nhận định.

Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cảnh báo, hành động của Nga liên quan tới vụ UAV của Mỹ rơi có thể khiến căng thẳng leo thang ngoài ý muốn, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.

Tất nhiên, đây không phải vụ chạm trán đầu tiên giữa Nga và Mỹ ở Biển Đen. "Điều này không mới. Các cuộc đối đầu của Nga và Mỹ ở Biển Đen đã diễn ra được một thời gian. Nó đã từng xảy ra gần như thường xuyên", Philip Breedlove, một tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho biết.

Năm 2020, máy bay chiến đấu của Nga đã bay cắt mặt oanh tạc cơ B-52 Mỹ hoạt động trên Biển Đen, áp sát ở khoảng cách 30m, gây nhiễu động với máy bay Mỹ. Năm 2021, cường kích Nga bay sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ đang diễn tập ở Biển Đen.

Khi đó, căng thẳng nhanh chóng lắng xuống, những chỉ trích không quá gay gắt do hậu quả không quá lớn. Tuy nhiên, lần này, mức độ nghiêm trọng dường như lớn hơn trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham, thành viên có quan điểm cứng rắn của Đảng Cộng hòa, thậm chí bình luận: "Nếu là Tổng thống Ronald Reagan, ông ấy sẽ làm gì vào hoàn cảnh này? Ông ấy sẽ lập tức ra lệnh bắn rơi máy bay Nga nếu họ đe dọa khí tài của chúng ta. Chính sách đối ngoại của Mỹ đang lao dốc không phanh. Nếu máy bay Nga còn áp sát khí tài Mỹ hoạt động trên vùng trời quốc tế, nó sẽ bị bắn hạ".

Đáp lại, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng Moscow không muốn tìm kiếm đối đầu trực tiếp với Washington, nhưng một cuộc tấn công có chủ ý vào một máy bay Nga trong không phận trung lập sẽ là một lời tuyên chiến công khai chống lại cường quốc hạt nhân.

"Một cuộc tấn công có chủ ý vào máy bay Nga trong không phận trung lập là lời tuyên chiến công khai chống lại cường quốc hạt nhân. Một cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Mỹ sẽ hoàn toàn khác với cuộc chiến ủy nhiệm", ông Antonov cảnh báo.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện tại không có liên hệ cấp cao nào giữa Nga và Mỹ, chỉ còn các "kênh liên lạc kỹ thuật" giữa hai nước. "Do đó, tất nhiên, các mối quan hệ đang ở mức thấp nhất", TASS dẫn lời ông Peskov.

Vụ va chạm giữa tiêm kích Nga và UAV trinh sát của Mỹ hôm 14/3 là lời cảnh báo đối với nhiều quốc gia đang hoạt động trong và xung quanh Biển Đen về nguy cơ khu vực này trở thành một điểm nóng, cho dù là vô tình hay cố ý. "Mọi thứ luôn phức tạp và vẫn đang phức tạp, nhưng nguy cơ hiện nay cao hơn nhiều so với trước đây. Xung đột ở Ukraine càng kéo dài, nguy cơ mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát càng cao", ông Ian Lesser, Phó Chủ tịch Quỹ Marshall Đức có trụ sở tại Mỹ đánh giá.

Biển Đen có diện tích lớn hơn bang California của Mỹ, với 6 quốc gia ven biển, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria là thành viên NATO. Biển Đen cũng có vai trò rất lớn đối với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Nga. Mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược nà của Nga là sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, trao cho Moscow quyền kiểm soát cảng Sevastopol.

Kể từ năm 2014 đến nay, Nga không ngừng tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí từng nói rằng vùng biển này "gần như đã trở thành hồ của Nga". Sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, cả Nga và phương Tây tiếp tục mở rộng hoạt động ở Biển Đen. Các thành viên NATO thường xuyên thực hiện chuyến bay giám sát, Mỹ và Anh cũng nhiều lần điều động tàu chiến tới khu vực này.

"Căng thẳng ở Biển Đen rõ ràng đã gia tăng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra", ông Arda Mevlutoglu, chuyên gia phân tích quốc phòng độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho rằng: "Mỹ liên tục nói rằng họ không tham gia vào xung đột ở Ukraine nhưng vụ UAV mới đây là một xác nhận nữa cho thấy Mỹ có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột này".

Trong khi đó, Mỹ và NATO luôn khẳng định rằng, họ không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, mà chỉ trang bị vũ khí cho Ukraine cũng như cung cấp thông tin tình báo thường xuyên cho Kiev.

Ông James Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, tuyên bố Mỹ và các đồng minh dự kiến duy trì hoạt động giám sát trong không phận quốc tế, bất chấp lời cảnh báo từ Moscow.

"Mỹ sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Nga có trách nhiệm vận hành máy bay quân sự của mình một cách an toàn và chuyên nghiệp", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ngày 15/3 cũng cho biết.

Trong khi nhiều người lo ngại vụ va chạm mới nhất ở Biển Đen có thể trở thành "giọt nước tràn ly" kéo theo cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ hay rộng hơn là NATO, một số chuyên gia đưa ra quan điểm ngược lại.

Becca Wasser, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung tâm An ninh mới của Mỹ, lập luận: "Máy bay bị rơi là loại không người lái. Đây là tình tiết khiến hai bên khó thổi bùng căng thẳng".

Trước đây, nhiều UAV Reaper cũng từng bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không triển khai trên mặt đất, từ các hệ thống SA-6 KUB thời Liên Xô cho đến hệ thống Pantsir hiện đại do Nga sản xuất.

Vào năm 2009, MQ-9 Reaper từng bị chính không quân Mỹ bắn hạ. Đội lái đã mất kiểm soát một chiếc MQ-9 Reaper ở Afghanistan, vì vậy một máy bay chiến đấu đã chủ động bắn hạ nó trước khi nó lao xuống một quốc gia khác. Vào năm 2017 và 2019, lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen đã bắn hạ những chiếc Reaper của Mỹ bay qua nước này.

Bruno Lete, một thành viên cao cấp về an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Mỹ tại Brussels, cũng cho rằng NATO sẽ phản ứng thận trọng với vụ việc. "NATO sẽ không can dự vào, vì đây là vụ việc giữa UAV của Mỹ và máy bay chiến đấu của Nga", chuyên gia Lete lý giải. Theo ông, vụ việc xảy ra trong "vùng xám" đối với NATO, do đó họ sẽ không kích hoạt Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang