Mỹ: 'Bệnh nổ súng vội'; Phố Wall rung chuyển; 90 ô tô đâm liên hoàn; Kịch bản vỡ nợ ngày 1/6; Điều binh sĩ tới biên giới Mexico

'Bệnh nổ súng vội' cắm sâu trong lòng nước Mỹ

(Ảnh minh họa).

Các vụ nổ súng chỉ vì nhầm lẫn trong thời gian gần đây một lần nữa đặt ra câu hỏi về luật súng đạn ở quốc gia có số súng còn nhiều hơn cả số dân.

Waldes Thomas và Diamond Darville lái xe giao hàng cho Instacart gần Miami (Mỹ) vào giữa tháng 4, khi họ gửi đơn hàng đến nhầm địa chỉ.

Thomas (19 tuổi) và Darville (18 tuổi), khai với nhà chức trách rằng họ đang lùi xe ra khỏi thì chủ nhà - Antonio Caccavale - xuất hiện cùng con trai. Ông chộp lấy cửa sổ phía tài xế và bắn ba phát súng vào xe của họ.

Caccavale sau đó khai với cảnh sát điều tra rằng ông nổ súng vì lo sợ cho tính mạng của mình cùng con trai khi xe của Thomas cán qua chân ông và tông vào tảng đá.

Cuối cùng, cảnh sát kết luận các bên - bao gồm cả Caccavale - đã hành động "chính đáng dựa trên hoàn cảnh mà họ nhận thấy", và không có vụ bắt giữ nào.

Tuy nhiên, công tố viên hạt Broward Harold Pryor nói với ABC News rằng văn phòng của ông sẽ đánh giá liệu có nên khởi tố hay không.

Vụ việc trên, cùng với một loạt vụ xả súng gần đây trên khắp nước Mỹ do nhầm lẫn, minh họa một cách sinh động việc nước Mỹ tràn ngập súng đạn, theo Guardian.

Nó cũng cho thấy một số người tin rằng họ có thể sử dụng súng mà không bị trừng phạt nhờ luật súng đạn và các đạo luật tự vệ thoải mái ở nhiều bang, các chuyên gia nhận định.

Số súng còn nhiều hơn số dân

“Những vụ giết người bằng súng hiện nay chỉ là cách chúng ta giải quyết cảm xúc khó chịu, nỗi thất vọng của mình. Đây là điều tiêu cực… mà chúng ta đã chọn cho chính mình”, Chris Murphy, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Connecticut, nói.

Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard từ năm 2016, “không có bằng chứng xác đáng” cho thấy việc sử dụng súng với mục đích tự vệ giúp làm giảm khả năng bị thương.

Có một số bằng chứng cho thấy việc sở hữu một khẩu súng có thể làm giảm tổn thất về tài sản, “nhưng việc sở hữu vũ khí khác, chẳng hạn (bình xịt hơi cay) hoặc gậy bóng chày, cũng làm giảm khả năng xảy ra tổn thất về tài sản”, tác giả của nghiên cứu, David Hemenway, cho biết.

Dù vậy, các nhà sản xuất súng của Mỹ vẫn có thể bán sản phẩm của họ một cách nhanh chóng. Một số chuyên gia ước tính có hơn 400 triệu khẩu súng lưu hành trên khắp nước Mỹ - nơi có dân số khoảng 332 triệu người.

Các chuyên gia cho biết nhà sản xuất súng làm điều đó bằng cách thuyết phục người mua rằng sở hữu súng vừa là quyền hiến định, vừa là công cụ hiệu quả giúp họ tránh khỏi nguy cơ tiềm ẩn, giải quyết tình huống xấu nhất mà ít người có khả năng gặp phải theo thống kê.

“Câu chuyện được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp súng và nhiều chính trị gia (là) một người cần phải được trang bị vũ khí mọi lúc, mọi nơi nếu không họ sẽ bị sát hại bởi ông kẹ”, Allison Anderman, cố vấn cấp cao của Trung tâm Luật Giffords cho biết.

Hầu hết tiểu bang của Mỹ hiện cho phép cư dân mang theo một khẩu súng được giấu kín mà không cần giấy phép. Theo bà Paxton Quigley, tác giả của loạt sách bán chạy nhất về cách tự vệ bằng súng dành cho phụ nữ, điều này thường yêu cầu đi kèm với một mức độ đào tạo nhất định.

“Có những khóa học rất hay giải thích… khi nào bạn có thể bắn súng và liệu bạn có nên bắn nó trong một số trường hợp nhất định hay không”, Quigley nói. Đồng thời, bà cho biết thêm bà bắt đầu mang súng sau khi bạn mình bị cưỡng hiếp.

“Nhưng nhiều người sẽ chỉ đến một cửa hàng súng, nói rằng 'khẩu súng dễ thương đó', cầm nó lên, xem cách họ có thể sử dụng nó và rời đi", bà cho hay.

Hai tuần kinh khủng

Theo National Conference of State Legislatures, ít nhất 28 tiểu bang của Mỹ, cùng với Puerto Rico, cho phép người dân quyền sử dụng vũ lực khi gặp kẻ tấn công, không bị yêu cầu phải cố gắng trốn, rút lui, miễn là họ ở nơi đó hợp pháp.

Đối với nhiều chuyên gia, kết quả không thể tránh khỏi là một nền văn hóa vội vã hành động, được phơi bày ra bên ngoài qua hai tuần kinh khủng, bắt đầu bằng vụ bắn Ralph Yarl vào ngày 13/4.

Yarl (16 tuổi) bị bắn và bị thương ở thành phố Kansas, Missouri, sau khi bấm chuông nhầm nhà khi đang đi đón em trai.

Kaylin Gillis (20 tuổi), bị bắn chết hai ngày sau đó ở ngoại ô New York khi bị nhầm đường và trót đi vào khu đất mà nghi phạm sở hữu. Ba ngày sau đó, hai hoạt náo viên trường trung học - Payton Washington và Heather Roth - bị bắn ở Elgin, Texas, sau buổi tập khi Roth vô tình suýt vào nhầm xe của hung thủ.

Cùng ngày xảy ra vụ việc, Kinsley White (6 tuổi) và cha mẹ bị một người hàng xóm ở Gastonia, Bắc Carolina bắn sau khi quả bóng mà cô bé chơi lăn vào sân của kẻ tấn công.

Tại Illinois, hôm 25/4, cảnh sát cũng buộc tội một người đàn ông bắn chết hàng xóm của mình, William Martys (59 tuổi), khi Martys sử dụng máy thổi lá trong sân nhà.

Theo Mike Lawlor, giáo sư tư pháp hình sự tại Đại học New Haven, các cơ quan lập pháp tiểu bang và chính phủ liên bang Mỹ có thể hạn chế khả năng xảy ra trường hợp trên nếu họ ban hành biện pháp “tách những người không phải chủ sở hữu súng có trách nhiệm ra khỏi súng của họ”.

Vào năm 2012, sau khi một kẻ đột nhập vào trường tiểu học Sandy Hook bắn chết 20 trẻ em và 6 người lớn, Lawlor cho biết bang Connecticut đã ban hành luật sử dụng súng hạn chế hơn. Nó bao gồm cấm các băng đạn có sức chứa lớn, yêu cầu giấy phép mua súng và đạn, cấm mang theo súng trường đã nạp đạn.

Ông Anderman nói thêm sẽ hiệu quả hơn nếu Quốc hội Mỹ thông qua kiểm soát súng liên bang đáng kể vì thực tế là một số người có thể đến nhiều tiểu bang khác để tránh những hạn chế trên.

Dù vậy, Lawlor cho biết ông tin rằng luật pháp là lý do tại sao Connecticut và các tiểu bang tìm cách xây dựng hệ thống tương tự - như New York, New Jersey và Massachusetts - luôn có tỷ lệ tử vong do súng được xếp vào hàng thấp nhất ở Mỹ.

“Chừng nào số lượng súng được lưu hành ở nước Mỹ còn nhiều hơn số người sở hữu súng có trách nhiệm, thì chính sách công… phải thu hẹp khoảng cách đó”, Lawlor nhấn mạnh.

(Nguồn: Zing News)

Cổ phiếu của hai ngân hàng lao dốc và tạm ngừng giao dịch, Phố Wall rung chuyển vì bán tháo

Vừa thở phào sau vụ giải cứu ngân hàng First Republic Bank (FRB), Phố Wall tiếp tục đối diện nỗi lo mới. Các ngân hàng khu vực của Mỹ đang khiến các nhà đầu tư bất an về sự ổn định của hệ thống tài chính. Điều này khiến nhiều cổ phiếu lao dốc và thúc đẩy làn sóng tháo chạy tìm nơi trú ẩn an toàn trên thị trường.

Đối với nhiều trader, chưa bao giờ tệ bằng lúc này.

Ngay trước khi FED đưa quyết định, cổ phiếu của 2 ngân hàng PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorp đã nhiều lần bị tạm ngừng giao dịch vì biến động quá mạnh. Đây được cho là một điều đáng lo ngại. Cổ phiếu của cả hai nhà băng này đều giảm ít nhất 15% trong phiên giao dịch hôm 2/5. Ngành tài chính đang đè nặng lên chỉ số S&P 500. Có thời điểm, chỉ số KBW Regional Banking gồm cổ phiếu của các ngân hàng khu vực đã giảm gần 2%.

Rộng hơn, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1%. S&P 500 sụt 1,2% và Nasdaq cũng giảm 1,1%.

Theo chuyên gia John Flood tại Goldman Sachs Group Inc., các nhà đầu tư quỹ phòng hộ giá xuống đã bán ra khiến các nhà đầu tư dài hạn cũng bán theo.

Nhà phân tích thị trường Ed Moya tại sàn môi giới Oanda cho biết: “Phố Wall đang nhanh chóng nhấn nút bán khi tình trạng hỗn loạn ngành ngân hàng chưa dừng lại. Khẩu vị rủi ro không cao vì các trader vẫn còn nghi ngờ về các ngân hàng khu vực, xác suất xảy ra suy thoái gia tăng và nguy cơ Mỹ vỡ nợ vào tháng tới”.

Tất cả những yếu tố này kết hợp lại với nhau và càng khiến các nhà đầu tư thêm bất an trước bài toán hóc búa của FED.

Ngoài những căng thẳng tài chính bắt nguồn từ sự sụp đổ của ngân hàng, các quan chức vẫn bị mắc kẹt giữa lạm phát cao và dữ liệu chỉ ra một cuộc suy thoái kinh tế. Chẳng hạn, dữ liệu cơ hội việc làm từ JOLTS đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua.

Trần nợ càng làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng và gây khó khăn cho cuộc họp của FED. Cơ quan này sẽ phải cân nhắc có nên tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 5 để ngăn chặn suy thoái kinh tế hay không.

Trong khi diễn biến của thị trường phái sinh cho thấy nhà đầu tư vẫn đang dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong tuần này, các trader lại giảm đặt cược vào việc tăng lãi suất và tin rằng cơ quan này sẽ bắt đầu cắt giảm trong năm nay.

Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi trái phiếu được mua vào mạnh trong ngày 2/5, đặc biệt là sau đợt bán tháo của phiên trước. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm nhạy cảm hơn với các động thái sắp đưa ra của FED và đã giảm tới 21 điểm cơ bản xuống dưới 4%.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 6 tháng đạt 5% sau cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen rằng chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ ngay từ đầu tháng 6 tới.

(Nguồn: CafeF)

Gần 90 ô tô đâm liên hoàn do bão bụi ở Mỹ, ít nhất 6 người chết

(Ảnh minh họa).

Cảnh sát bang Illinois, Mỹ xác nhận, ít nhất 6 người thiệt mạng, 30 người phải nhập viện sau khi một cơn bão bụi nguy hiểm làm cho gần 90 chiếc ô tô đâm vào nhau liên tiếp ở xa lộ Liên tiểu bang 55.

Trang USA Today và Daily Mail dẫn tin từ cảnh sát bang Illinois cho biết, vụ tai nạn xảy ra hôm qua (1/5). Những người bị thương ở nhiều độ tuổi, từ 2 tới 80, có người bị thương nặng nguy hiểm đến tính mạng, có người bị thương nhẹ.

Giao thông trên xa lộ Liên tiểu bang 55 bị đóng ở cả hai hướng trong khoảng gần 50km. Dự kiến, tới chiều nay (2/5), xa lộ mới mở trở lại. Video và ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy những cột khói và nhiều phương tiện bị cháy rụi. Các nhân chứng nói, đã có một số vụ nổ xảy ra.

Thiếu tá Ryan Starrick thuộc Sở Cảnh sát Illinois nói: "Tai nạn xảy ra do gió mạnh thổi đất từ các cánh đồng mới canh tác lên xa lộ, tạo thành một đống bụi khiến cho tầm nhìn bị hạn chế một cách nguy hiểm".

Evan Anderson, 25 tuổi, đang trên đường từ Chicago về nhà ở St.Louis kể, tầm nhìn trên đường bị giảm thấp khiến anh không thể nhìn thấy gì. "Có người cố giảm tốc độ, có người không, còn tôi lao vào đó".

Bão bụi hiếm khi xảy ra ở Illinois. Năm 2014, bụi thổi ra từ những cánh đồng khô cằn gần Carlinville, cách Springfield khoảng 72km về phía nam, đã dẫn tới nhiều vụ đâm nhau ở quốc lộ 108 của Illinois.

(Nguồn: Vietnamnet)

Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 tới - Thảm họa kinh tế được cảnh báo

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo, nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1/6 tới, nếu Quốc hội nước này không nâng trần được nợ công. Điều này có thể gây ra thảm họa kinh tế và tài chính sâu rộng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen hôm qua (1/5) cảnh báo, Mỹ có thể hết tiền để thanh toán các nghĩa vụ nợ của mình trước ngày 1/6, sớm hơn dự kiến trước đó ​​của chính phủ và Phố Wall, là vào cuối tháng 7.

Trong 1 bức thư gửi cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen cho rằng, dữ liệu mới về biên lai thuế đã buộc Bộ Tài chính phải đánh giá lại thời điểm đáp ứng tất cả các nghĩa vụ nợ của chính phủ. Theo đó, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua việc tăng giới hạn nợ sớm, nước Mỹ có thể tiến tới tình trạng vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1/6.

“Tôi đã yêu cầu Quốc hội tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Kể từ năm 1789, Mỹ luôn thanh toán các hóa đơn đúng hạn và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy. Theo đánh giá của tôi và của các nhà kinh tế, việc vỡ nợ đối với khoản nợ của chúng ta sẽ gây ra một thảm họa kinh tế và tài chính”, bà Yellen nói.

Nếu nước Mỹ không trả được nợ, hàng loạt người sẽ mất việc làm, đẩy các khoản thanh toán hộ gia đình rơi vào bế tắc... Các DN Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có thể sẽ không còn có thể cấp các khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao niên sống dựa vào an sinh xã hội.

Trước đó vài ngày, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ - động thái vấp phải sự phản đối từ Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ - hiện đang kiểm soát Thượng viện.

Dù Tổng thống Joe Biden khẳng định sự cần thiết phải tăng giới hạn nợ của quốc gia, tuy nhiên ông tuyên bố sẽ không đàm phán với phe Cộng hòa về biện pháp cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.

“Trong hơn 200 năm qua, nước Mỹ chưa bao giờ không trả được nợ. Nói một cách dễ hiểu, Mỹ không phải là một quốc gia bế tắc. Chúng ta cần thanh toán các hóa đơn của mình và chúng ta nên làm như vậy mà không “bắt giữ con tin một cách liều lĩnh” từ một số đảng viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội.

Nợ quốc gia của chúng ta đã mất hơn 200 năm để tích lũy. Đó là những gì chúng ta đang trả. Chúng ta không trả cho những gì chúng ta đang chi tiêu ngay bây giờ. 200 năm qua là 200 năm nợ. Việc đe dọa vỡ nợ bây giờ là sự vô trách nhiệm hoàn toàn, sẽ dẫn đến lãi suất cao hơn, lãi suất thẻ tín dụng cao hơn, lãi suất thế chấp sẽ tăng vọt. Người lao động, tầng lớp trung lưu và người già sẽ phải trả giá”, Tổng thống Mỹ Joe Biden giải thích.

Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã triệu tập 4 nhà lãnh đạo hàng đầu Nghị viện, bao gồm nhà lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Lãnh đạo Đảng Dân chủ Hạ viện Hakeem Jeffries, tới Nhà Trắng để tham dự cuộc họp ngày 9/5 tới đây về giới hạn nợ.

Trước đó, vào năm 2011, một cuộc chiến trần nợ tương tự đã đưa nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ và khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước bị hạ bậc. Lần này, các cuộc đàm phán có thể còn khó khăn hơn.

Đảng Cộng hòa, hiện kiểm soát Hạ viện Mỹ, cho biết sẽ sử dụng trần nợ công để buộc đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Joe Bieden phải nhượng bộ và cắt giảm các khoản chi của chính phủ. Theo Chủ tịch Hạ viện, ông Kevin McCarthy đã đến lúc chính phủ Mỹ phải thay đổi cách thức chi tiêu.

(Nguồn: Soha)

Mỹ tính tạm thời điều 1.500 binh sĩ tới biên giới với Mexico

(Ảnh minh họa).

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tạm thời điều thêm 1.500 binh sĩ để hỗ trợ công tác bảo vệ biên giới Hoa Kỳ-Mexico, một quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters hôm thứ Ba 2/5, đó là một phần trong quá trình chuẩn bị trước khả năng lượng di dân bất hợp pháp sẽ gia tăng khi các biện pháp hạn chế biên giới vì COVID sẽ được bãi bỏ trong những ngày tới của tháng này.

Các biện pháp hạn chế, có tên là Quy định số 42, sẽ được bãi bỏ vào ngày 11/5. Quy định này cho phép chính quyền Hoa Kỳ nhanh chóng trục xuất những di dân không phải là người Mexico tới Mexico và họ sẽ không có cơ hội xin tị nạn.

Ông Biden, đảng viên Dân chủ có kế hoạch tranh cử vào năm 2024, đã chật vật với số lượng di dân kỷ lục bị bắt khi vượt biên trái phép qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021. Đảng Cộng hòa đã chỉ trích ông Biden vì đã bỏ bớt các các chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa. Ông Trump hiện là nhân vật dẫn đầu bên đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua để được đề cử là ứng cử viên chính thức.

Các binh sĩ tại ngũ sẽ đóng vai trò bổ sung trong công việc của Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ nhưng họ không thực hiện bất kỳ hoạt động thực thi pháp luật nào, quan chức giấu tên cho biết. Thay vào đó, họ sẽ thực hiện các hoạt động giám sát và nhập dữ liệu trên mặt đất để các sĩ quan Tuần tra Biên giới rảnh tay hoạt động, quan chức này nói thêm.

Lực lượng này sẽ tăng cường cho việc triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang diễn ra.

Các binh sĩ quân đội Hoa Kỳ đã được điều động để giúp bảo vệ biên giới trong các chính quyền của các tổng thống trước đây, bao gồm thời các ông George W. Bush của đảng Cộng hòa, Barack Obama của đảng Dân chủ và Trump, họ đã triển khai hàng nghìn binh sĩ tại ngũ và Vệ binh Quốc gia.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns hôm thứ Ba 2/5 nói rằng Washington rất quan ngại về hành động "trừng phạt" gần đây của Trung Quốc đối với một số công ty Hoa Kỳ và rằng các hãng nước ngoài đang trì hoãn việc đầu tư vào nước này do họ thấy không chắc chắn về độ mở của nền kinh tế.

Các nhóm doanh nghiệp đã cảnh báo về việc Trung Quốc áp dụng lệnh cấm xuất cảnh thường xuyên hơn, tăng cường soi mói các công ty thẩm định và những quy định mơ hồ trong luật phản gián mới của Trung Quốc, cấm chuyển giao bất kỳ thông tin nào liên quan đến an ninh quốc gia và mở rộng định nghĩa về gián điệp.

Ông Burns, phát biểu qua đường truyền video với tổ chức tư vấn mang tên Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết rằng luật này có thể "gây nguy hiểm" cho các nhà nghiên cứu học thuật, giáo sư và nhà báo, đồng thời làm cho các hoạt động thông thường và công tác thẩm định trở thành những việc bất hợp pháp, trong khi các công ty cần các việc đó trước khi có thể đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý.

“Khi kết hợp những điều đó với một số hành động trừng phạt mà chính phủ ở Bắc Kinh đã thực hiện đối với một số công ty Mỹ gần đây, chúng tôi rất quan ngại về điều này”, ông Burns phát biểu và nói thêm: “Chúng tôi dự định sẽ thảo luận đầy đủ với chính phủ Trung Quốc về chuyện này".

“Chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Mỹ ở đây không nên bị chính phủ đe dọa và họ không nên bị nhắm mục tiêu chủ yếu chỉ vì có những khác biệt chính trị và khác biệt cạnh tranh trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc”, ông Burns nói.

Hãng thẩm định doanh nghiệp Mintz Group của Hoa Kỳ cho biết rằng vào cuối tháng 3, chính quyền Trung Quốc đã đột kích văn phòng của họ ở Bắc Kinh và bắt giữ 5 nhân viên địa phương. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Mintz bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Tuần trước, công ty tư vấn quản lý Bain & Co của Mỹ cho hay cảnh sát đã đến văn phòng của họ ở Thượng Hải và thẩm vấn nhân viên.

Trung Quốc cũng nói rằng họ sẽ tiến hành đánh giá an ninh mạng đối với các sản phẩm do nhà sản xuất chip nhớ Micron Technology Inc của Hoa Kỳ bán ở nước này, trong bối cảnh Hoa Kỳ có động thái cấm Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến.

Ông Burns cho biết nhiều công ty nước ngoài đang trì hoãn các khoản đầu tư lớn cho đến khi họ có thể thấy được sự nhất quán trong thông điệp từ Trung Quốc.

Ông nói rằng ông đã cảnh báo các công ty Mỹ hãy cẩn thận tuân thủ luật của Mỹ cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì quan ngại về việc người Duy Ngô Nhĩ và những người dân tộc thiểu số Hồi giáo khác bị lao động cưỡng bức.

Nhưng ông Burns cũng cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần sự ổn định hơn trong quan hệ. "Chúng ta đã có sự chia tách giữa hai xã hội trong 3 năm qua. Điều đó không lành mạnh, không sáng suốt", ông Burns nói.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang