- Thời sự
- Thế giới
Một cơn 'bão bom' mạnh do ảnh hưởng từ dòng sông khí quyển cấp 5 dự kiến sẽ tấn công khắp Bờ Tây nước Mỹ trong tuần này, gây gió mạnh, lũ lụt nghiêm trọng và tuyết rơi dày ở vùng núi.
Theo tạp chí Newsweek, "bão bom" dự kiến sẽ đổ bộ từ ngày 19 đến 21-11 (giờ địa phương), ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ ở bang Washington, Oregon và phía bắc bang California.
Một số khu vực dọc theo bờ biển California có thể chịu tác động cấp độ 4, thuộc mức "cực đoan", Weather Nation TV đưa tin.
Một số khu vực ở phía bắc California có thể hứng chịu lượng mưa lên tới 533mm trong tuần này. Trong khi đó mưa lớn, gió mạnh và sóng lớn sẽ tác động đến khu vực tây bắc và bắc California.
Người dân ở khu vực trũng thấp tại Bờ Tây được khuyến cáo nên chuẩn bị di dời nếu xuất hiện cảnh báo lũ quét. Theo Weather Nation TV, gió mạnh tại các khu vực dọc theo bờ biển có thể quật ngã cây cối và ảnh hưởng đến đường dây điện, nhất là trong hai ngày 19 và 20-11.
"Bão bom" hình thành khi khối không khí lạnh va chạm với khối khí ấm làm tăng cường độ của bão, khiến gió mạnh hơn và làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt ở ven biển.
Các chuyên gia cho biết "bão bom" lần này là do ảnh hưởng của một dòng sông khí quyển cấp 5.
Sông khí quyển là những kênh hẹp trong khí quyển có thể mang theo một lượng lớn hơi ẩm. Chúng hình thành khi không khí lạnh từ Bắc Cực gặp không khí ấm, ẩm từ vùng nhiệt đới, làm lạnh không khí và tạo thành lượng mưa lớn.
Sông khí quyển cấp 5 là tên gọi cho các hiện tượng mưa cực đoan nhất, sẽ đưa một lượng lớn hơi nước vào khu vực và có thể gây lũ lụt, sạt lở trên diện rộng.
Bản chất cực đoan của loại bão này làm dấy lên những câu hỏi về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các kiểu thời tiết. Đại dương ấm hơn được cho là đã làm tăng cường sự xuất hiện của các dòng sông khí quyển, khiến các sự kiện như "bão bom" xảy ra ngày càng thường xuyên với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ đang làm phức tạp thêm triển vọng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ.
Một số nhà kinh tế hiện cho rằng kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với sự gia tăng của lạm phát nếu ông Trump thực hiện đầy đủ các cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trả lời phỏng vấn Yahoo Finance, ông Joseph Stiglitz, nhà kinh tế đoạt giải Nobel kiêm Giáo sư tại Đại học Columbia, cho rằng kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn "hạ cánh mềm", song giai đoạn này có thể sẽ kết thúc vào ngày 20/1/2025, khi ông Trump chính thức nhậm chức.
Ông Trump và các chính sách mà ông đề xuất có khả năng gây lạm phát cao hơn, do các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông bao gồm việc áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và hạn chế nhập cư. Các chính sách này có thể tạo áp lực lớn lên thâm hụt ngân sách liên bang vốn đang ở mức cao và khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải xem xét lại đường hướng lãi suất.
Nhà kinh tế Jan Hatzius của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định rủi ro lớn nhất hiện nay là việc áp thuế toàn diện, điều có thể tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế.
Bà Jennifer McKeown, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics, thừa nhận lạm phát có nguy cơ tăng, chủ yếu do các chính sách thuế quan và hạn chế nhập cư mà ông Trump đề xuất.
Thuế quan là một trong những cam kết được ông Trump nhắc đến nhiều nhất trong chiến dịch tranh cử. Tổng thống đắc cử Mỹ đã cam kết sẽ áp thuế ít nhất 10% đối với tất cả các đối tác thương mại và 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Stiglitz nhấn mạnh mức thuế này chắc chắn sẽ gây lạm phát.
Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, lưu ý khả năng các quốc gia khác trả đũa như một cuộc chiến thương mại sẽ duy trì lạm phát ở mức cao trong dài hạn.
Theo ông Stiglitz, nếu lạm phát gia tăng, Fed sẽ phải tăng lãi suất. Ông cho rằng khi kết hợp lãi suất cao hơn với sự trả đũa từ các quốc gia khác, kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tồi tệ nhất: kinh tế vừa gánh lạm phát, vừa đình trệ hoặc tăng trưởng chậm.
Các nhà đầu tư đã bắt đầu điều chỉnh dự đoán về việc cắt giảm lãi suất của Fed. Theo công cụ FedWatch của CME, từ lần cắt giảm đầu tiên vào ngày 18/9 vừa qua, thị trường kỳ vọng Fed sẽ có ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Hiện nay, kinh tế Mỹ vẫn duy trì sự ổn định bất chấp các đợt tăng lãi suất. Doanh thu bán lẻ trong tháng Mười đã vượt qua dự báo, GDP tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp dao động ở mức khoảng 4%, và lạm phát xuống 2%.
Một yếu tố khác cần lưu ý là hiện vẫn chưa rõ chính sách nào sẽ được ưu tiên khi ông Trump chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025. Điều này khiến cho các dự đoán về nền kinh tế Mỹ trong tương lai trở nên khó khăn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dường như rất hối hả và vội vã với việc tuyển chọn cộng sự cho bộ máy chính quyền của mình trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sắp tới.
Trong vòng 10 ngày đầu tiên sau khi biết chắc là sẽ trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 5.11 vừa qua ở nước Mỹ, ông Trump về cơ bản đã chọn được nhân sự cho những vị trí quyền lực chủ chốt trong chính quyền của mình.
Những quyết định nhân sự của ông Trump vừa không khó hiểu lại vừa gây bất ngờ. Ngay từ thời nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước, ông Trump đã kiên định nguyên tắc là chỉ tin tưởng những người thân trong gia đình và những ai trung thành tuyệt đối với mình. Cho nên những ai không đồng hành với ông Trump trong thời gian 4 năm vừa qua đều không có cơ hội tham gia vào chính quyền mới của ông Trump.
Bên cạnh nguyên tắc "Trung thành trước hết và trên hết", ông Trump đương nhiên còn sẽ dùng việc bổ nhiệm đảm trách những cương vị quyền lực trong chính quyền mới để "trả ơn và khen thưởng" những ai đã đóng góp công sức, danh tiếng và tiền của vào sự trở lại Nhà Trắng cho ông Trump.
Nguyên tắc thứ ba chi phối mọi sự lựa chọn cộng sự của ông Trump cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai sắp tới là cùng quan điểm và ý thức hệ với ông Trump về đối nội cũng như đối ngoại, về chính trị cũng như xã hội, về kinh tế cũng như thương mại.
Ông Trump chọn họ để họ thực thi những gì ông Trump chủ định chứ không phải để được họ tư vấn chính sách, càng không phải để nghe họ phản biện chính sách và chứng kiến họ phản đối.
Những nguyên tắc này làm cho bên ngoài không ngỡ ngàng khi ông Trump chọn người này hay đề cử người kia.
Nhưng thiên hạ bị bất ngờ bởi một khi đã đề cao 3 nguyên tắc trên và nâng chúng lên thành bất di bất dịch thì trình độ chuyên môn và mức độ dạn dày kinh nghiệm của các cộng sự được ông Trump bổ nhiệm trên các lĩnh vực chính sách họ rồi đây phụ trách sẽ không thể được coi trọng đúng mức.
Chẳng hạn như cả ông Marco Rubio trên cương vị bộ trưởng ngoại giao lẫn ông Pete Hegseth trên cương vị bộ trưởng quốc phòng, ông Mike Waltz trên cương vị cố vấn an ninh quốc gia hay bà Elise Stefanik trên cương vị đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đều là những người vốn không lừng danh ở Mỹ và trên thế giới về đối ngoại, an ninh, quốc phòng, chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Họ giống nhau ở một điểm là đều có quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc và điều này xem ra được ông Trump đặc biệt coi trọng.
Hai người ly khai Đảng Dân chủ để chuyển sang ủng hộ ông Trump tranh cử tổng thống cũng được ông Trump trọng dụng trong chính quyền mới bất kể họ bị hoài nghi về năng lực trên lĩnh vực họ phụ trách là y tế và tình báo.
Hai người bỏ tiền túi ra nhiều nhất để tài trợ cho cuộc vận động tranh cử của ông Trump cũng được ông Trump mở lối cho tham gia chính sự hành pháp ở nước Mỹ. Người kịch liệt phản đối tiêm chủng và y tế dự phòng được giao phụ trách Bộ Y tế. Người kiên quyết phủ nhận có chuyện biến đổi khí hậu trái đất giờ được giao phụ trách cơ quan bảo vệ môi trường. Người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề hạn chế người tỵ nạn, di cư và nhập cư vào Mỹ được giao cho nhiệm vụ kiểm soát biên giới. Hai người nhiệt thành ủng hộ Israel và phản đối việc thành lập nhà nước Palestine độc lập được cử là đặc phái viên về Trung Đông và đại sứ Mỹ ở Israel...
Từ những bổ nhiệm và bố trí nhân sự này của ông Trump có thể nhận diện không chỉ những nguyên tắc chi phối các quyết định nhân sự của ông Trump mà còn thấy cả những định hướng chính sách cầm quyền của ông Trump về đối nội và đối ngoại. Chúng cho thấy ông Trump đã hạ quyết tâm thực thi ngay sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ những cam kết vận động tranh cử có hiệu ứng đối nội mạnh mẽ nhất, gây dựng hình ảnh về người đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện để củng cố sự ủng hộ của diện cử tri đã bầu mình. Đội ngũ cộng sự này rồi đây thi triển năng lực ra sao lại là chuyện khác và hiện chỉ là thứ yếu.
Sự trở lại ngoạn mục của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay đang làm dấy lên những tia hi vọng rằng chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ giải quyết được tình trạng bất ổn ở Trung Đông.
Ngay sau khi nước Mỹ gọi tên người chiến thắng sau ngày bỏ phiếu 5/11, nhiều lời chúc mừng từ khắp nơi trên thế giới liên tục được gửi tới Tổng thống đắc cử Donald Trump. Các nhà lãnh đạo Trung Đông như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Quốc vương Qatar Sheikh Al-Thani, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi,... cũng không bỏ qua cơ hội này để khẳng định sự ủng hộ với chính quyền mới trước thềm một cuộc chuyển giao quyền lực lớn. Lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột Gaza nổ ra, Morocco cũng đã tái khẳng định mối quan hệ với Israel.
Cây viết Sabrina Soffer của tờ The Hill nhận định, dù đó là những thủ tục chính trị hay sự hài lòng thực sự với kết quả bầu cử Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Đông đều lo ngại về phong cách lãnh đạo ngẫu hứng và khó đoán của ông Trump trong nhiệm kỳ tới có thể tác động nhiều đến các chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.
Nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên đã cho thấy ông Trump là “không ngại hành động”. Điều này được thể hiện qua việc mở rộng Hiệp định Abraham nhằm bình thường hóa quan hệ giữa 3 nước Israel, UAE, Bahrain và quyết định ra lệnh ám sát Tướng Iran Qassem Soleimani cùng trong năm 2020.
Sự trở lại ngoạn mục của ông Trump
Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 chứng kiến một sự đảo ngược trong tỷ lệ ủng hộ trong số các cử tri gốc Ả Rập dành cho ứng viên lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa. Khác với năm 2020 khi tỷ lệ ủng hộ của người Mỹ gốc Ả Rập dành cho Tổng thống Biden gần như áp đảo, ông Trump lại thành công giành được lòng tin của nhóm cử tri này từ đối thủ đến từ đảng đối lập Kamala Harris.
Thành phố Dearborn thuộc bang Michigan từng được gọi là "Thủ đô Jihad của Mỹ" nhờ phần đông dân cư có gốc Trung Đông đã chuyển “đỏ” trong cuộc bầu cử năm nay. Trong một bước ngoặt đáng chú ý, những cử tri này đã bỏ phiếu cho ông Trump vì tìm thấy tiếng nói chung với một ứng cử viên có lập trường ủng hộ Israel và là người đã ban hành Lệnh cấm người Hồi giáo tồn tại trong thời gian ngắn vào năm 2017. Ông Trump cam kết sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế trong cung cấp khí tài quân sự cho Israel ngay sau khi nhậm chức và nhiều lần thúc giục Tổng thống Netanyahu nhanh chóng kết thúc chiến sự ở Gaza trong suốt chiến dịch tranh cử.
Thị trưởng Michigan Amer Ghalib – một người Mỹ gốc Ả Rập đến từ đảng “xanh” đã công khai ủng hộ ông Trump và đặt hi vọng vào chính quyền mới trong việc lập lại hòa bình ở Trung Đông, sau khi cảm thấy "bị bỏ rơi" bởi "phía bên kia", ám chỉ đảng Dân chủ.
"Ưu tiên của cộng đồng chúng tôi tại thời điểm này là đạt được lệnh ngừng bắn và mang lại hòa bình cho Trung Đông. Thế nhưng trong suốt thời gian tại vị vừa qua, bà Kamala Harris đã không thế làm được điều đó", ông Ghalib nói.
Theo bà Soffer, chính quyền Biden-Harris đã thất bại trong việc mang lại sự ổn định cho khu vực sau sự kiện 7/10/2022, do chính sách đối ngoại thiếu đồng nhất và không rõ ràng. Tuyên bố ngừng viện trợ cho Israel nếu nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Rafah (Gaza) dường như chỉ là một tuyên bố suông. Việc xóa Houthi khỏi danh sách Tổ chức Khủng bố Nước ngoài vào năm 2021, sau đó lại tái chỉ định lực lượng này là một nhóm khủng bố vào đầu năm 2024 cũng cho thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm.
Cuối cùng, nỗ lực kêu ủng hộ từ đa dạng thành phần cử tri của bà Harris, bao gồm cả việc chạy các quảng cáo đồng thời cho các nhóm cử tri “đối địch” là người Mỹ gốc Ả Rập và gốc Do Thái ở Michigan và Pennsylvania, đã đến tác dụng ngược và góp phần tạo đà cho sự trở lại của ông Trump.
Hòa bình thông qua sức mạnh
“Rõ ràng, vấn đề Trung Đông là một bài toán khó mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giải sai cách. Mỹ có tiếng nói lớn trên trường quốc tế và nếu tiếng nói này được sử dụng đúng cách thì Washington sẽ có lời giải cho mọi cuộc xung đột”, bà Soffer nói.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel. Tổng thống đắc cử cũng ký một sắc lệnh hành pháp năm 2019 về chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, mở rộng các biện pháp bảo vệ theo Đạo luật VI đối với các hành vi bài Do Thái theo định nghĩa của Liên minh Tưởng niệm Holocaust Quốc tế.
Trong nhiệm kỳ tiếp theo, ông Trump cam kết xóa bỏ quyền công nhận các trường đại học không giải quyết được vấn đề bài Do Thái và tuyên bố sẽ trục xuất những người không phải công dân tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Hamas bất hợp pháp. Tổng thống đắc cử cũng nhắc đến khả năng cắt giảm tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và công trình của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) tại Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh một số nhân viên của cơ quan này bị Israel cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10.
Về phía Iran, Tờ Wall Street Journal trước đó đưa tin, bất chấp “thù địch lẫn nhau”, Washington và Tehran vẫn có thể đạt được thỏa thuận ngoại giao trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump. Tuy nhiên, các nguồn tin của tờ báo này không loại trừ khả năng ông Trump sẽ tăng cường đáng kể áp lực trừng phạt đối với Iran, hạn chế xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Mỹ cũng có thể tranh thủ xu hướng hợp tác đang lên, điển hình là việc UAE và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao để khuyến khích thêm nhiều quốc gia Ả Rập hòa giải với Israel. Thực tế là sau thỏa thuận lịch sử mà UAE và Israel đạt được và với những động thái thúc đẩy tích cực của Mỹ, Bahrain là quốc gia tiếp theo đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Với tư cách là nhà lãnh đạo của một trong những cường quốc trên thế giới, ông Trump đang đứng trước cơ hội lớn để chứng minh rằng, sự lựa chọn của các cử tri Mỹ sẽ mang lại cho cả Trung Đông và Washington. Vẫn tồn tại nhiều khúc mắc mà người Mỹ chưa hẳn đã đồng tình với ông Trump; tuy nhiên, chính sách đối ngoại phải là ưu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo để đảm bảo trật tự toàn cầu.
“Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Do Thái, phải nhận ra rằng "hòa bình thông qua sức mạnh" là cách tốt nhất để tiến về phía trước. Nếu đi theo hướng này, chính sách đối ngoại của ông Trump rất có thể sẽ phát huy hiệu quả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay”, bà Soffer nói.
Ngày 17-11, trước thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ quy định hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nêu rõ quan điểm của Moscow trong vấn đề này.
Theo bà Zakharova, vào tháng 9 năm nay, Tổng thống Putin đã nói rằng nếu các nước phương Tây đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do các nước này viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, điều này đồng nghĩa Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo đó, Nga sẽ buộc phải tiến hành điều mà Tổng thống Putin gọi là "những quyết định tương xứng" để ứng phó với những mối đe dọa mới.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cảnh báo việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tấn công vào lãnh thổ Nga, nếu được xác nhận, đồng nghĩa với việc Washington tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine và do đó sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất từ phía Moscow.
Trước đó, hàng loạt hãng truyền thông phương Tây đã đưa tin Tổng thống Biden “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Quyết định này đồng nghĩa với sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với xung đột Nga-Ukraine.
Theo ABC News, quyết định được chính quyền Tổng thống Biden đưa ra trong bối cảnh còn khoảng hai tháng nữa là ông Biden rời nhiệm sở. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa lên tiếng bình luận nhưng cũng không phủ nhận thông tin truyền thông Mỹ đăng tải. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng Mỹ đang thách thức lằn ranh đỏ của Nga?
The New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, ATACMS có khả năng sẽ được Ukraine sử dụng trước tiên để chặn đà cuộc phản công quy mô lớn của Nga nhằm bảo vệ lực lượng của Kiev tại tỉnh Kursk, phía Tây nước Nga. Tên lửa ATACMS, do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, là loại tên lửa đạn đạo có thể tấn công mục tiêu cách xa 305km với đầu đạn chứa khoảng 170kg thuốc nổ. Quyết định về việc có nên trang bị ATACMS cho Ukraine hay không đã trở thành một chủ đề nhạy cảm kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022. Kiev từng nhiều lần đề nghị Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với nước này trong việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, phương Tây ban đầu tỏ ra khá dè dặt với yêu cầu này. Mỹ lo ngại nếu Ukraine sử dụng tên lửa này để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, Moscow có thể đáp trả bằng cách leo thang cuộc xung đột.
Nhưng có vẻ gió đã đảo chiều sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng này. Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ sớm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine ngay khi lên cầm quyền. Do vậy, giới phân tích cho rằng, trong khoảng thời gian trước khi chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ đổi chủ, chính quyền Tổng thống Biden buộc phải có hành động để củng cố di sản trước khi rời nhiệm sở. “Tôi nghĩ ông Biden và các cố vấn đang cố gắng làm những gì có thể khi vẫn còn đang nắm quyền ở Nhà Trắng, trước khi chuyển giao quyền lực cho ông Donald Trump vào tháng 1-2025”, George Barros, nhà phân tích hàng đầu về Nga và Ukraine tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), cho hay. Chuyên gia này cho rằng các chính sách của ông Biden đối với Ukraine sẽ trở thành một phần di sản sau khi ông rời Nhà Trắng và động thái này là một phần trong quyết định củng cố di sản đó. Dù rằng tác động của nó sẽ không thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc xung đột, nhưng các quan chức Mỹ kỳ vọng động thái này có thể làm suy yếu chiến dịch tấn công của Nga.
Sau khi thông tin về việc Chính quyền Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa lan rộng, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên tránh những bước đi làm leo thang xung đột tại Ukraine. “Lập trường của Liên hợp quốc rất rõ ràng. Đó là cần tránh leo thang xung đột tại Ukraine. Chúng ta muốn có hòa bình, nhưng đó là nền hòa bình dựa trên công lý, phù hợp với các nghị quyết của Đại hội đồng, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”, ông Guterres nhấn mạnh.
Nguồn: Tuổi Trẻ; CafeF; Lao Động; Soha; Quân Đội Nhân Dân
Các tập đoàn lớn cắt giảm lao động; Thảm họa rượu độc ở Lào; Truy nã ông Netanyahu; Israel chiếm toàn bộ Bờ Tây; Putin làm gì tiếp theo?
Mỹ: Người nhập cư ‘nháo nhào’; Nợ quốc gia phá kỷ lục; ‘Đế chế’ Trump & ảnh hưởng; Trump hoàn tất nội các; Chính sách TQ thời Trump 2.0
Mỹ: Lý giải hiện tượng ‘bão bom’; Thế hệ 1 con nở rộ; Musk & kế hoạch giảm biên chế; Tour du lịch ‘trốn’ Trump; Sự tương phản với TQ
Ngành sữa TQ gặp rủi ro; Nga giáng đòn vào Mỹ; Bộ trưởng ngoại giao họp G7; Ukraine ‘khó chồng khó’ ở Kursk; Trận chiến giành Kurakhovo
Mỹ: Nội các mới bị đe dọa; Thỏa thuận chuyển giao Nhà Trắng; Tương lai thời Trump; Chính sách thuế mới; ‘Chiến tranh tiền tệ’ tái diễn
Chính trường Philippines dậy sóng; Nội chiến Syria bùng phát; Kiev gặp khó vì ATACMS, vũ khí ồ ạt đổ về; Putin tăng ngân sách quốc phòng
Mỹ: Bão tuyết tấn công; Chi 10,8 tỷ đô cho Black Friday; Tham vọng siêu cường bitcoin; Bán vũ khí cho Đài Loan; Trump đe dọa BRICS
Mỹ: ‘Ngày thứ Ba trao tặng’; Di sản Biden bị hoen ố; Trump ‘giải cứu’ các nhà bán lẻ; ‘Vương quốc’ Elon Musk; Trump muốn gì từ Canada?
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá