Muôn kiểu ‘dằn mặt’ chủ xe; Bé trai bán vé số nghi bị sát hại; Mua sổ đỏ giả để lừa đảo; Mối nguy từ camera giấu kín

MUÔN KIỂU DẰN MẶT CHỦ XE: BẺ GƯƠNG, XỊT LỐP, CÀO XƯỚC SƠN

Từ chuyện đỗ ô tô chắn cửa nhà, cửa hàng, nhiều chủ xe đã nhận lại các kiểu thông điệp từ dán giấy nhắc nhở, dùng bút viết lên kính... Thậm chí bẻ gương, đổ sơn, cào xước xe.

Việc đỗ ô tô chắn cửa hàng, lối ra vào nhà  của người khác luôn là chủ đề tranh cãi không có hồi kết. Luôn có 2 luồng ý kiến, một là lên án hành vi đỗ ô tô thiếu ý thức, chiều ngược lại cho rằng nếu không có biển cấm dừng, đỗ thì sao phải tránh cửa hàng, lối ra? Từ việc này, đã nảy sinh nhiều tình huống "dằn mặt" ô tô đỗ chắn cửa khiến tài xế "méo mặt".

Nhẹ thì dán giấy nhắc nhở...

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một ô tô đỗ chắn cửa nhà, lối đi của một khu dân cư khiến các phương tiện khác không thể lưu thông.

Theo người đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, một tài xế ô tô mang biển kiểm soát Hà Nội đã cố tình đỗ xe ngược chiều tại điểm hẹp nhất của một con ngõ, khiến các phương tiện khác không thể di chuyển. Tài xế này cũng không để lại số điện thoại liên lạc.

Cũng theo người đăng tải hình ảnh, bức xúc vì ý thức đỗ xe của tài xế, ai đó đã đặt tấm giấy "trách móc" lên kính lái.

Một cách ứng xử với tài xế đỗ ô tô chắn lối khác được chia sẻ trên mạng xã hội, chủ nhà đã viết "tâm thư" rồi để lại số điện thoại để người đỗ xe "kém duyên" kia liên hệ để xin đỗ nhờ nếu có nhu cầu.

Trong thư viết: "Em là chủ nhà... Số điện thoại: 09378... Em mong anh chị hãy gọi cho em nếu có nhu cầu đậu xe qua 1 đêm. Em sẽ cho anh chị vô sân đậu qua 1 đêm hoàn toàn miễn phí..."

Người viết "tâm thư" cũng nêu ra các tình huống ảnh hưởng do ô tô đỗ chắn cửa nhà như: Không thể di chuyển nếu có người bị đi cấp cứu hay nửa đêm phải đi làm thì không thể đưa xe và đồ đạc ra ngoài.

Sau bức "tâm thư", chủ nhà đã nhận được lời xin lỗi của chủ phương tiện.

Xịt lốp, đổ sơn, bẻ gương, cào xước xe

Chuyện đỗ ô tô chắn cửa nhà, cửa hàng đã gây ra bức xúc đỉnh điểm và nảy sinh ra những hành vi "trả đũa" như phá hoại tài sản, tạt sơn, kẻ vẽ lên ô tô, bẻ gương...

Trên một diễn đàn về ô tô, không ít hình ảnh và tình huống xe đỗ chắn cửa hàng, lối đi bị bẻ gương, kẻ vẽ hoặc xịt lốp...

Chủ nhà còn cố tình gắn đinh dưới đường hoặc đinh, ốc nhô ra khỏi tường để tài xế va quệt phải.

Hành vi "dằn mặt" tới mức cố ý hủy hoại tài sản của người khác là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 - 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp tái phạm; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trường hợp tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, người huỷ hoại tài sản cũng bị phạt nặng.

Nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị áp mức phạt tù từ 2 - 7 năm.

 

 

HOÀN CẢNH BI ĐÁT CỦA BÉ TRAI BÁN VÉ SỐ NGHI BỊ ĐÁNH CHẾT Ở ĐỒNG NAI: KHÔNG CÓ CHA, BÁN VÉ SỐ PHỤ MẸ NUÔI EM

Từ năm học lớp 7, cháu Phạm Quang H. đã bắt đầu đi kiếm tiền để trang trải chi phí gia đình.

Phạm Quang H. (14 tuổi, học sinh lớp 8/4, Trường THCS Xuân Tân) là con trai cả trong gia đình có 4 mẹ con. Chị Phạm Thị Ph. (42 tuổi, mẹ cháu H., ngụ ở phường Xuân Tân, Thành phố Long Khánh) cho biết H. không có ba. Chị còn một đứa con 6 tuổi đamg sống cùng nhà nội và một bé mới 2 tháng tuổi.

Từ khi học lớp 7, H. đã bắt đầu giúp mẹ bằng cách bán vé số để có thêm tiền trang trải học phí và chi phí sinh hoạt. Đây cũng là nghề tạo nguồn thu nhập chính của chị Ph. và mẹ chị.

Người mẹ 42 tuổi chia sẻ, H. cũng thích chơi game và có lúc nghỉ học để đi chơi cùng đám bạn. Tuy nhiên, việc học của em vẫn được đảm bảo.

Tuần trước, do đứa con gái nhỏ bị sốt nên chị PH. phải đưa vào viện khám. Chị cho biết đến hôm thứ Năm vừa qua (24/10) thì không thấy H. về nhà. Đến thứ Bảy thì cả nhà nghe tin em đã mất.

Trước đó, do bỏ học đi chơi sợ bị mẹ mắng nên H. đã bỏ nhà đi chơi với đám bạn ở trong xóm rồi gặp tai nạn sau đó.

Bà Nguyễn Thị Xuân (trưởng khu phố Tân Phong, phường Xuân Tân) cho biết, gia đình nhà bé H. khá khó khăn, thuộc hộ cận nghèo ở địa phương. Khu phố đang vận động bà con quyên góp tiền và ứng tiền trước để làm ma chay cho bé.

“Tiền hỗ trợ và vận động hơn 100 triệu đồng”, bà Xuân chia sẻ trên Tuổi trẻ. “Mọi người quyết định làm mộ đá hoa cương đẹp đẹp và khung che cho cháu”.

Ngoài ra, thành phố và các phòng ban, đoàn thể… cũng đã tổ chức đoàn viếng, động viên, trao tiền hỗ trợ cho gia đình. Tổng số tiền ban đầu cũng được khoảng 65 triệu đồng.

Trước đó, Công an xã Hàng Gòn (Thành phố Long Khánh) nhận được tin báo cháu Phạm Quang H. (14 tuổi, ngụ phường Xuân Tân), nằm chết ở bên đường gần nhà Ngô Sơn Duy (33 tuổi, xã Hàng Gòn), trên người có nhiều vết máu.

Lực lượng chức năng thấy Duy có nhiều nghi vấn nên đã mời lên làm việc. Tuy nhiên, Duy có biểu hiện tâm thần nên chưa thể lấy lời khai.

Một số nhân chứng kể lại đã thấy Duy cầm cây gỗ đánh cháu H.. Trong nhà người đàn ông này cũng đã tìm thấy thanh gỗ có vết máu nghi là hung khí gây án.

Năm 2013, Duy từng bị xử phạt 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Năm 2020 khi vừa ra tù, Duy bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại tài sản.

Cũng từ năm 2020, Duy có nhiều biểu hiện bất thường nên được người nhà đưa đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương II (Thành phố Biên Hòa).

 

 

KẾT ĐẮNG CHO KẺ ĐẶT MUA SỔ ĐỎ GIẢ TRÊN MẠNG ĐỂ LỪA ĐẢO

Đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác đi cầm cố, sau đó làm giả giấy chứng nhận khác trả cho khổ chủ, Tú bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Ngày 29/10, Công an tỉnh Bình Thuận thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Phan Thiết đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phan Văn Tú (sinh năm 1981; trú phường Mũi Né, Tp.Phan Thiết) để điều tra về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, vợ chồng bà V.T.Th. (trú TP.Phan Thiết) thỏa thuận bán thửa đất diện tích 116,3 m2 tại khu phố 15, phường Mũi Né, TP.Phan Thiết cho Phan Văn Tú với giá 1 tỷ đồng; bên bán yêu cầu Tú phải đặt cọc trước 150 triệu đồng và thanh toán hết số tiền còn lại trong vòng 2 tháng; đổi lại, Tú yêu cầu vợ chồng bà Th. phải làm hợp đồng ủy quyền toàn quyền và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tú.

Sau 2 tháng, ngày 21/8/2023, bà Th. liên hệ để chuyển nhượng đất nhưng Tú nhiều lần thất hẹn. Đến ngày 20/11/2023, Tú nhờ vợ mình đến gặp bà Th. để đưa lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó. Nghi vấn đó là giấy giả nên bà Th. đã đến cơ quan công an trình báo.

Tiếp nhận thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Phan Thiết nhanh chóng vào cuộc và xác định: Sau khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng bà Th., Tú đã đem đi cầm cố cho bà T. (trú huyện Hàm Thuận Nam) với số tiền 600 triệu đồng. Kết quả trưng cầu giám định cho thấy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà Th. nhận từ vợ Tú là giả; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà T. nhận cầm thế từ Tú chính là giấy thật.

Tại cơ quan điều tra, Tú khai nhận đã lên mạng xã hội Facebook để đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả với giá 2,5 triệu đồng để thực hiện hành vi phạm tội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Phan Thiết đang tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm trước pháp luật.

 

 

CẢNH BÁO HIỂM HỌA TỪ CAMERA GIẤU KÍN

Việc đặt camera quay lén phụ nữ không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Mới đây, nhiều nhóm kín trên mạng xã hội lan truyền thông tin nam sinh Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP HCM) đặt camera quay lén ở các vòi xịt nhà vệ sinh nữ.

Bán và sử dụng tràn lan

Vào cuộc xác minh, Công an huyện Bình Chánh xác định thông tin trên là sai sự thật. Sự việc được kết luận là chiều 23-10, nam sinh N.Q.H lớp 12 dùng điện thoại quay lén bạn nữ lớp 11 khi đi xuống căng-tin trường. Dù người bị quay yêu cầu xóa clip nhưng H. tỏ ra không quan tâm. H. sau đó phải viết tường trình nhận lỗi vì quay lén. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, mạng xã hội lại xuất hiện thông tin sai sự thật như đã nêu trên khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh hoang mang.

Dù vụ việc trên không có thật nhưng liên tiếp những vụ quay lén bị phát giác gần đây khiến dư luận bức xúc. Đơn cử như ngày 23-6, nữ người mẫu Châu Bùi có buổi chụp ảnh cho một nhãn hàng tại studio ở quận 3, TP HCM. Khi thay trang phục trong nhà vệ sinh, nữ người mẫu nhìn thấy cây sắt trong góc có gắn vật thể hình tròn màu đen dưới lớp khăn trắng. Kiểm tra, Châu Bùi và ê-kíp phát hiện chiếc camera quay lén, vụ việc nhanh chóng được báo công an.

Mấy ngày sau, dư luận cũng xôn xao vụ đặt camera quay lén tại phòng trọ ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Theo đó, chị Y. (20 tuổi, quê tỉnh Bắc Giang) phát hiện trong nhà tắm phòng trọ có lắp một camera giấu dưới đèn nhà vệ sinh.

Công an vào cuộc xác định người gắn camera là ông L.V.N (chủ phòng trọ). Ông N. khai nhận xuất phát từ việc muốn xem lén phụ nữ tắm nên đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bộ camera về lắp vào phòng tắm tại tầng 5.

Điều đáng lo ngại là hiện nhiều loại camera quay lén được ngụy trang tinh vi đang được mua bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm của Facebook, TikTok, Google... lập tức hiện ra vô số camera quay lén gắn ở đầu bút bi, đồng hồ, cục sạc điện thoại, bật lửa... với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng.

Phóng viên thử liên hệ một số trang web chuyên kinh doanh camera, thiết bị giám sát thì được biết các loại camera quay lén được ngụy trang dưới nhiều hình dạng khác nhau, có khả năng quay hình và ghi âm chất lượng cao, một số loại có chức năng kết nối WiFi để chuyển trực tiếp hình ảnh ra bên ngoài. "Camera quay lén đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chúng tôi luôn có sẵn để bán cho khách" - một chủ cửa hàng nói. Chủ cửa hàng này còn cho hay sẽ tích hợp camera vào bất cứ vật dụng nào theo yêu cầu của khách.

Xử nghiêm để răn đe

Đến nay, chị N.T.M.D (28 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn còn bức xúc việc bản thân từng bị quay lén tại một cây xăng.

"Hôm đó tôi cùng nhóm bạn đi xe khách về miền Trung. Giữa đường, xe dừng ở một cây xăng để khách đi vệ sinh thì tôi phát hiện camera gắn ở bóng đèn. Ngay lập tức, tôi gọi hỗ trợ và lực lượng chức năng sau đó đã xử phạt, yêu cầu người đàn ông gắn camera quay lén gỡ bỏ video, hình ảnh" - chị D. kể.

Theo ThS Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, việc thu thập trái phép hình ảnh nhạy cảm của người khác là vi phạm pháp luật, gây tổn thương nặng nề về sức khỏe tinh thần cho nạn nhân, nhất là khi hình ảnh bị phát tán trên mạng.

Một số phụ nữ, trẻ em sẽ luôn thấy bất an ở bất cứ đâu. Điều này cũng dẫn đến sự khủng hoảng, trầm cảm và gây ảnh hưởng tới công việc, gia đình. Có người sau khi bị quay lén đã thu mình, thường xuyên phải đến bệnh viện, sử dụng thuốc để ổn định tâm lý. Chưa kể họ có ý định tự sát vì hoảng loạn.

Hiện nay, mỗi người cần chuẩn bị các kỹ năng để bảo vệ bản thân trước các thiết bị quay lén. Theo đó cần phải kiểm tra kỹ khi vào nhà vệ sinh công cộng, phòng trọ, khách sạn... bởi các thiết bị quay lén được ngụy trang rất tinh vi.

Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, nhìn nhận hiện việc kinh doanh, buôn bán các loại thiết bị ghi hình, ghi âm bí mật đã được pháp luật quy định chặt chẽ tại Nghị định 66/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, chỉ các cơ sở được cấp phép bởi Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh được cấp phép chỉ được bán các thiết bị này cho một số cơ quan chuyên trách mà không được phép bán cho cá nhân thông thường. Việc kinh doanh các loại camera quay lén, thiết bị ghi hình, ghi âm bí mật mà chưa được cấp phép có thể bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, 20 đến 40 triệu đồng đối với tổ chức.

Hành vi quay lén người khác có thể bị xử lý hành chính về hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật với mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng theo điểm e khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Trường hợp người quay lén phát tán, sử dụng các video quay lén vào mục đích xấu thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hình sự về các tội như cưỡng đoạt tài sản, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, làm nhục người khác... theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

"Một khi video quay lén đã bị phát tán, sử dụng sẽ gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho nạn nhân, đặc biệt là những tổn thương về mặt tâm lý. Vì vậy, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quay, chụp lén và xem xét bổ sung các quy định để có thể xử lý hình sự về hành vi quấy rối tình dục đối với các trường hợp quay lén, chụp lén những nơi nhạy cảm…" - luật sư Phùng Huyền nói.

 

Nguồn: Vietnamnet; Kenh14; Người Đưa Tin; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang