Mua sắm Tết tăng nhiệt; 'Xả lỗ' pháo hoa Z121; 'Hết cửa' lướt sóng BĐS; Sốt đất khắp nơi, người nghèo khó mua nhà

MUA SẮM TẾT TĂNG NHIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Các hệ thống bán lẻ và doanh nghiệp đang "chạy" hết công suất để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân những ngày cận Tết

Theo ghi nhận của các hệ thống bán lẻ, thời điểm này, người dân chủ yếu mua nhu yếu phẩm và những món không thể thiếu trong dịp Tết như bánh, nước ngọt, nước yến, bia, các loại hạt khô…

Chợ, siêu thị Hà Nội nhộn nhịp từ sớm

Những ngày cận Tết Quý Mão, người dân Hà Nội tấp nập mua sắm tại nhiều siêu thị. Hoạt động mua bán ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống cũng nhộn nhịp. Từ sáng sớm 17-1 (26 tháng chạp), chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) đã rất sôi động với chủ yếu là hàng thực phẩm, rau củ. Đặc biệt, chợ đầu mối Minh Khai gần làng trồng hoa truyền thống Tây Tựu nên nhiều thương lái đã nhập các loại hoa phổ biến trong dịp Tết miền Bắc như lily, lay ơn. Theo ghi nhận của phóng viên, giá hoa lily dao động 350.000 - 500.000 đồng/bó 10 cành, tùy loại nhiều bông hay ít bông. Nhiều thương lái ở các tỉnh lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh cũng về đây nhập hoa để bán trong những ngày giáp Tết.

Tại siêu thị Big C (quận Cầu Giấy), lượng người và xe đẩy hàng hóa mua sắm chật kín các lối đi. Tuy không đông như 2 ngày cuối tuần vừa rồi nhưng người dân đổ về mua sắm cũng rất đông. Trong đó, khách hàng tập trung đông nhất tại các quầy bán bánh kẹo Tết. Siêu thị phải chuẩn bị nhiều bàn cân tại nhiều điểm khác nhau nhưng lưu lượng người mua sắm vẫn rất lớn. Các quầy hàng quần áo, đồ gia dụng với nhiều chương trình khuyến mãi cũng rất hút khách dịp này. Nhân viên siêu thị phải bổ sung hàng hóa lên kệ liên tục để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân.

Cũng tại Hà Nội, đại diện Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội cho biết siêu thị đã xây dựng kế hoạch đặt hàng, dự trữ nguồn hàng, cụ thể lượng hàng dự trữ tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chủ lực kinh doanh trong giai đoạn cao điểm Tết này là bánh kẹo, trái cây, bia, nước giải khát, mì, trà… tăng 10% so với Tết năm ngoái. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm nguồn hàng hóa với giá cả ổn định, an toàn thực phẩm luôn được quan tâm. Trong dịp này, hệ thống siêu thị sẽ tổ chức những chương trình khuyến mãi, giảm giá kích cầu tiêu dùng; mở thêm các quầy thanh toán, đa dạng hóa các hình thức thanh toán để phục vụ khách.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho biết cơ quan này vừa phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát việc phục vụ Tết tại các siêu thị. Theo bà Lan, các siêu thị trên địa bàn đều bảo đảm lượng hàng hóa dồi dào, đầy đủ, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã; chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý với người tiêu dùng.

Các siêu thị báo cáo lượng khách mua hàng trực tuyến cũng tăng khá mạnh trong dịp cận Tết năm nay, với nhiều đơn hàng giá trị cao.

Người dân TP HCM sắm Tết trễ

Trong khi đó, tại TP HCM, đến ngày 26 tháng chạp, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn mới bước vào cao điểm mua sắm Tết. Bởi người dân TP HCM có xu hướng sắm Tết trễ.

Ghi nhận tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức), khu vực quầy thu ngân tập trung khá nhiều khách xếp hàng chờ thanh toán. Bên trong, khu vực thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô đông kín người. Lối đi bình thường khá rộng rãi nay trở nên chật chội, khách phải để xe ở chỗ xa, lách qua nhau để đến các kệ lấy hàng. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm tăng cao, hệ thống MM Mega Market đã mở thêm các quầy thanh toán, đồng thời tăng cường nhân viên bộ phận văn phòng chính xuống hỗ trợ các siêu thị.

Đại diện Co.opXtra Linh Trung (TP Thủ Đức) cho hay năm nay Tết đến sớm trong khi một bộ phận người dân nhận thưởng Tết muộn nên có xu hướng sắm Tết trễ. Do đó, khả năng sức mua sẽ dồn vào những ngày sát Tết.

Bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc AEON Tân Phú, cho biết năm nay khách hàng có xu hướng mua nhiều trong một lần. Giá trị giỏ hàng tăng, sức mua nhìn chung tăng 2-3 lần so với ngày thường. "Bên cạnh các sản phẩm thực phẩm, giỏ quà Tết, nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn này cũng tăng mạnh đối với các sản phẩm thời trang, đồ bếp, đồ dùng trang trí nhà cửa... Ai cũng mong muốn sắm sửa đầy đủ để có một cái Tết sung túc cùng gia đình, đặc biệt là sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch" - bà Thanh thông tin.

Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing hệ thống MM Mega Market, chỉ ra thị hiếu tiêu dùng đã thay đổi rõ rệt. Theo đó, các mặt hàng bán chạy thời gian qua đa phần là thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, nước trái cây… Bia, nước ngọt mọi năm thuộc tốp đầu tiêu thụ mạnh nhưng năm nay tiêu thụ giảm hẳn dù giá bia tại siêu thị luôn rẻ hơn bên ngoài 5.000 - 10.000 đồng/thùng.

Thông tin nhanh của ban quản lý một số chợ truyền thống tại TP HCM cũng cho thấy chợ Tết đã bắt đầu xôm tụ. Ngoài thực phẩm tiêu dùng hằng ngày, các mặt hàng quần áo, đồ thờ cúng, hoa tươi, trái cây, thực phẩm khô, tôm khô, củ kiệu ngâm sẵn, bánh mứt… đang bán chạy. "Điều đáng mừng là Tết này không có hiện tượng tiểu thương làm giá, nâng giá hàng hóa bất hợp lý. Đa số khách đi chợ là khách quen, thị trường tiêu thụ trước đó cũng chậm so với mọi năm nên tiểu thương không dám nói thách, tăng giá sốc vì sợ ế hàng, dội chợ" - ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban Quản lý chợ Tân Định (quận 1), thông tin.

Khuyến mãi đậm

Để thúc đẩy sức mua trong những ngày cuối năm và khuyến khích người tiêu dùng sắm Tết sớm nhất có thể, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và phân phối đã bổ sung nhiều chương trình khuyến mãi cho tuần lễ sát Tết với mức khuyến mãi giảm giá lên đến 50%. Đơn cử, hệ thống Lotte Mart đang "chạy" khuyến mãi đậm cho nhóm mặt hàng tươi sống, bao gồm rau củ quả và trái cây. Trong đó, một số loại trái cây ngoại nhập đang được Lotte Mart bán với giá rất rẻ, chỉ hơn 700.000 đồng/hộp 2 kg.

Đặc biệt, lần đầu tiên, các doanh nghiệp bình ổn thị trường tổ chức chương trình khuyến mãi sâu các mặt hàng thịt heo, trứng gia cầm từ sớm thay vì chỉ áp dụng trong 2 ngày cuối cùng của năm âm lịch như thông lệ.

Nhiều siêu thị mở cửa xuyên Tết

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân, hầu hết siêu thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đều chủ động tăng giờ hoạt động. Một số siêu thị mở cửa 24/24 giờ mỗi ngày. Như hệ thống AEON trên toàn quốc tăng thời gian hoạt động mở cửa - sớm lúc 7 giờ và đóng cửa muộn lúc 23 giờ từ ngày 27 đến 29 tháng chạp. Ngày 30 Tết, AEON hoạt động tới 19 giờ và mùng 1 mở cửa lúc 11 giờ. Từ mùng 2 Tết, siêu thị này hoạt động bình thường.

Hệ thống siêu thị MM Mega Market chỉ nghỉ mùng 1, còn lại hoạt động bình thường. Đặc biệt, MM Mega Market là hệ thống siêu thị duy nhất đang mở cửa 24/24 giờ và ưu tiên khung giờ ban ngày để phục vụ khách hàng lẻ, khung giờ ban đêm phục vụ nhóm khách hàng chuyên nghiệp mua sỉ (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn...).

Các siêu thị của Saigon Co.op cũng tăng giờ mở cửa phục vụ Tết. Cụ thể, từ ngày 17 đến 20-1 (26 đến 28 tháng chạp), các siêu thị phục vụ từ 6 giờ - 22 giờ; ngày 30 Tết mở cửa từ 6 giờ - 12 giờ. Mùng 1 Tết, hệ thống của Saigon Co.op tạm dừng phục vụ; từ mùng 2 đến mùng 5, mở cửa buổi sáng; mùng 6 hoạt động bình thường.

Hệ thống WinMart sẽ đóng cửa từ 12 giờ ngày 30 Tết và mở cửa bán hàng từ mùng 4, đối với các siêu thị trong trung tâm thương mại thì đóng/mở theo giờ của trung tâm. Bách hóa Xanh tăng giờ phục vụ Tết, từ 6 giờ 30 phút - 22 giờ đến ngày 29 Tết, sau đó đóng cửa tới mùng 7 tháng giêng (ngày 28-1).

Hệ thống siêu thị Satra, cửa hàng Satra Foods mở cửa đến 23 giờ, 24 giờ tùy theo khu vực.

(Nguồn: Người Lao Động)

QUA MÙA LOẠN GIÁ, PHÁO HOA Z121 GIẢM GIÁ MẠNH, DÂN BUÔN ĐỒNG LOẠT HÔ BÁN "XẢ LỖ" CHẠY ĐUA VỚI TẾT

Qua thời hét giá cao gấp đôi, gấp 3, người bán đang giảm giá mạnh với sản phẩm pháo hoa không nổ gần với giá niêm yết.

Pháo hoa của Bộ Quốc Phòng đã được bán trong 2 năm trở lại đây và càng gần Tết, mặt hàng này càng được săn lùng hơn bao giờ hết. Ngay từ thời điểm mở bán từ tháng 11 vừa qua tại nhà máy Z121, nhiều người đã đến xếp hàng để mua pháo hoa từ sớm, tránh tình trạng khan hiếm cũng như loạn giá khi cận Tết.

Những mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất phải kể đến giàn phun viên và giàn phun hoa, đồng thời là mặt hàng khiến người dùng “hoa mắt, chóng mặt” vì không biết đâu là giá đúng.

Nếu như ở thời điểm 1 tháng trước đây, pháo hoa Z121 của Bộ Quốc Phòng được bán với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 với giá niêm yết thì nay các “tay buôn” đang rầm rộ xả lỗ, giảm giá mạnh.

Khảo sát ở thời điểm đầu tháng 12 âm lịch, giàn phun viên được rao bán rầm rộ trên các trang mạng với giá từ 480.000 – 700.000 đồng, giàn phun hoa 500.000 – 900.000 đồng, cao gấp đôi thậm chí gấp 3 khiến người mua “không biết đường nào mà lần”. Tuy nhiên những ngày gần đây, do gần Tết, lượng người tìm mua đã bắt đầu giảm nên người bán bắt đầu xả hàng, bán lỗ bởi mặt hàng này mang tính chất thời vụ, chỉ “được mùa” vào dịp gần Tết.

Trên Facebook, trong 2 ngày gần đây, hầu hết người bán đã giảm giá các mặt hàng pháo hoa, gần sát với giá niêm yết của nhà máy. Mặt hàng giàn phun viên 25 ống hiện có giá từ 340.000 – 450.000 đồng/giàn và chiết khấu thêm nếu mua cả thùng. Giàn phun viên nhấp nháy 420.000 – 480.000 đồng/giàn.

Riêng mặt hàng giàn phun hoa gần như đã cháy hàng chỉ còn rất ít người bán nên giá không dưới 700.000 đồng/giàn. Với các mặt hàng còn lại, gười bán đang tích cực đẩy hàng, xả lỗ, thậm chí hô “giá nào cũng bán” vì chỉ còn rất ít ngày nữa thôi là đến Tết nguyên đán.

Tuy nhiên, các cơ quan thuộc Bộ Công Thương cũng liên tục đưa ra các cảnh báo về tình trạng mua bán pháo hoa Z121 trên mạng xã hội và các website, trang thương mại điện tử. Người dân cần mua pháo hoa tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh, an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Trước đó, bảng giá niêm yết các loại pháo được nhà máy đưa ra như sau: ống phun nước bạc trong nhà 26.000 đồng/ống, ống phun nước bạc ngoài trời 25.000 đồng/ống, cây hoa lửa giá 13.000 đồng/túi 10 cây, cánh hoa xoay giá 55.000 đồng/cái. Giàn phun viên có giá 308.000 đồng/giàn, giàn phun hoa và giàn nhấp nháy đều có giá 330.000 đồng/giàn.

(Nguồn: Soha)

SẼ ÁP THUẾ CAO, LƯỚT SÓNG BẤT ĐỘNG SẢN “HẾT CỬA”?

(Ảnh minh hoạ).

Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ áp dụng thuế suất cao hơn đối với giao dịch lướt sóng bất động sản.

Đó là một trong những nội dung tại dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ đang được Bộ Tư pháp xây dựng và hoàn thiện

Trong đó, dự thảo đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo này là quy định "nghiên cứu bổ sung quy định về thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ". Hướng đánh thuế được đưa ra là áp dụng thuế suất cao hơn với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn (lướt sóng) - nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ dẫn đến bong bóng bất động sản.

Dự thảo này nhấn mạnh vấn đề lướt sóng bất động sản là hành vi mua và bán tài sản trong ngắn hạn. Khi thị trường địa ốc nóng sốt, người lướt sóng có thể mua vào bán ra trong vài ngày đến vài tuần hoặc một vài tháng để chốt lời. Khi thị trường trầm lắng, thời gian lướt sóng có thể kéo dài nhiều quý. Trong năm 2022, thanh khoản thị trường xuống thấp ở tất cả phân khúc, hoạt động lướt sóng bất động sản gần như đóng băng do đa số tài sản rao bán không có khách mua trong 12 tháng.

Hiện nay, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, quyền thuê đất, thuê mặt nước và các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

Thời gian qua, các cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản thường kê khai mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế dẫn đến ngân sách nhà nước thất thu khoản thuế. Một số ý kiến cho rằng nên nghiên cứu đánh thuế cao hơn khi chuyển nhượng đối với các trường hợp đầu cơ sở hữu 3, 4... bất động sản trong thời gian ngắn gây bất ổn cho thị trường.

Dự thảo cũng đề cập đến một số quốc gia đã sử dụng công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ, giảm sức hấp dẫn của việc lướt sóng bất động sản, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, một số nơi trên thế giới còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại bất động sản. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, còn diễn ra chậm hơn, thuế suất thấp hơn.

Tại Việt Nam, mức thuế suất áp dụng với người nắm bất động sản trong thời gian ngắn, theo các chuyên gia, cần được xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, theo dự thảo, việc áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như sự đồng bộ, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản. Việc hoàn thiện các chính sách và hạ tầng công nghệ tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và pháp lý để thực thi.

Đồng thời, dự thảo cũng đề cập việc sửa đổi quy định về giá chuyển nhượng bất động sản để tính thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới.

Theo thống kê, năm 2022, số thu từ thuế chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản dự kiến đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với năm trước đó.

(Nguồn: CafeF)

SỐT ĐẤT KHẮP NƠI, NGƯỜI NGHÈO CÀNG KHÓ MUA NHÀ

Mỗi lần sốt đất sẽ làm giá tăng cao hơn khiến những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp càng khó mua nhà. Từ năm 2019 đã xuất hiện căn hộ “siêu sang” với giá rao bán trên dưới 500 triệu đồng/m2, cá biệt có mức giá đến 1 tỷ đồng/m2.

Sốt đất "điên đảo" từ Bắc chí Nam, nhà đất vọt giá chóng mặt

Tháng 3/2022, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Dù mới chỉ “nằm trên giấy” nhưng quy hoạch đã có tác động tới thị trường bất động sản khu vực. Nhiều nhà đầu tư và môi giới đổ tìm xem đất đã đẩy giá đất tăng lên. Nhiều mảnh đất chỉ sau thời gian ngắn đã tăng 30-50%.

Thời điểm đó, ghi nhận tại các xã thuộc phân khu đô thị sông Hồng như Võng La, Hải Bối, Xuân Canh (huyện Đông Anh) giá rao bán 35 - 50 triệu đồng/m2, tăng 20-30% so với một năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, khi công bố quy hoạch phân khu sông Hồng, giá đất ở Đông Anh đã chứng kiến đà tăng phi mã, thậm chí là tăng một cách bất hợp lý.

"Có khu vực chúng tôi đi khảo sát ở Đông Anh, nhiều dự án cỏ mọc xanh um, xung quanh quây hàng rào, không được đầu tư hạ tầng nhưng giá đất đã được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m2, đắt ngang với khu vực Mỹ Đình đã được đầu tư bài bản. Rõ ràng, quy hoạch có tác động rất mạnh đến giá cả của thị trường bất động sản, ngay cả khi đang được nghiên cứu và chưa được công bố”, ông Đính dẫn chứng.

Đây chỉ là một trong những lần đất Đông Anh “sốt nóng” trong vài năm qua. Từ năm 2020, thị trường bất động sản đã chứng kiến cơn sốt đất “điên đảo” từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất nền, đất ở tới cả đất dự án treo… đều đua nhau tăng giá. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất.

Trao đổi tại diễn đàn bất động sản gần đây, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, mỗi lần sốt đất sẽ làm giá nhà đất tăng cao. Lần sốt đất tiếp theo sẽ làm giá tăng cao hơn. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là nhóm những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ngày càng khó khăn trong tìm mua nhà bằng đồng lương của mình.

Cũng theo GS. Võ, sốt đất tạo ra nghịch lý những người có nhu cầu nhà ở thật không thể mua nhà, trong khi nhà để đầu cơ chiếm tỷ trọng cao hơn. Bây giờ phân khúc nhà bình dân gần như không có. Giá đất quá cao, nhà đầu tư không thể làm nhà thu nhập thấp mà phải chọn phân khúc cao cấp. Nhưng phân khúc này thì hầu hết chỉ những người đầu cơ mua. Cơn sốt đất đã lấy đi cơ hội mua nhà của nhiều người thu nhập thấp.

Ghi nhận thực tế hiện nay cho thấy, dù cơn sốt đất đã đi qua, thị trường rơi vào trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và tùy theo khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn còn neo mức cao và cơ bản đã thiết lập mặt bằng giá mới. Thậm chí, giá bất động sản một số quận vùng ven vốn được coi là “dễ thở” thì nay tăng nhanh, vượt cả khu trung tâm.

Khảo sát tại một số dự án khu vực ngoài trung tâm Hà Nội, như dự án Matrix One (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) giá khoảng 60-70 triệu đồng/m2, Vinhomes Ocean Park (Long Biên) giá 42-45 triệu đồng/m2. Thậm chí, khu vực ngoài trung tâm còn xuất hiện nhiều dự án chung cư có giá lên tới 80 triệu đồng/m2.

Theo chuyên gia bất động sản, thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới và khó thay đổi trong ngắn hạn. Tác nhân giúp duy trì giá đất chính là mật độ dân cư đông đúc. Những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, hình thành cộng đồng dân cư hoàn chỉnh, hạ tầng đồng bộ, thường khó bị sụt giảm giá sau những cơn sốt đất đỉnh điểm.

Thêm một nguyên nhân nữa khiến thị trường khó giảm giá sâu là chi phí liên quan đến đất đai ngày càng tăng cao. Hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, tiền sử dụng đất, chi phí thủ tục pháp lý, nhân công, vật tư leo thang, chi phí mặt bằng ngày càng đắt đỏ cũng được cộng dồn vào giá đất. Do đó, chuyên gia dự báo, giá bất động sản thời gian tới tuy không tăng mạnh nhưng cũng khó giảm sâu.

Loại bỏ đầu cơ

Theo GS. Đặng Hùng Võ, mấu chốt là cầu về nhà ở luôn cao, cả để đầu cơ chờ tăng giá bán kiếm lời và cả để phục vụ nhu cầu ở của người dân… Khi thị trường tăng trưởng nóng, nhiều người lao vào kinh doanh bất động sản do lợi nhuận ngày càng cao khiến bong bóng tích tụ và đến một thời điểm nhất định, bong bóng sẽ nổ. Khi đó thị trường sẽ gây tác động mạnh lên các ngân hàng làm mất thanh khoản, thị trường tiền tệ rối loạn và có thể gây khủng hoảng tài chính, thậm chí khủng hoảng kinh tế.

GS. Võ nhấn mạnh, tình trạng sốt giá bất động sản có thể xảy ra tại bất kỳ đâu. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là tìm cách để loại bỏ tình trạng đầu cơ bất động sản để sao cho nhu cầu nhà ở luôn là nhu cầu thật.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với "quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu" và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản. Đây cũng có thể trở thành "dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư vì nếu đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận có thể làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn.

Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, giải pháp lâu dài là phải loại bỏ được tình trạng đầu cơ bất động sản và khuyến khích đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần nghiên cứu kỹ chính sách thuế bất động sản phù hợp.

“Cần có giải pháp kiểm soát lượng vốn đầu tư vào bất động sản so với đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Chuyển đổi số cũng là một giải pháp thực sự cần thiết để công khai, minh bạch nhằm thực hiện đúng và đủ sắc thuế bất động sản…’’, GS. Đặng Hùng Võ đề xuất.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Khách mua hoa đâu rồi; 'Săn' giúp việc mùa Tết; Vụ 'lò' dạy môi giới; 'Vỡ òa' vì có giao dịch BĐS vào 'phút chót' ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang