Mở cao tốc, mở tương lai; Hồi sinh dự án 41.799 tỷ; Trung tâm TP.HCM 'thay áo mới'; Sắp xử thêm nhiều vụ tham nhũng

Mở cao tốc, mở tương lai

Những cung đường cao tốc xuyên núi, xuyên rừng, dọc bờ biển hay băng qua những vùng đất khô cằn của đất nước đang dần hiện ra là sự hồi đáp rõ ràng nhất cho lời hứa của Đảng, của Chính phủ, mang đến niềm tin và hi vọng về tương lai tương sáng cho nhân dân nơi các tuyến đường đi qua…

Ngày 29/4, Bộ GTVT chính thức đưa vào khai thác 2 tuyến thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (QL45) và Phan Thiết - Dầu Giây, với chiều dài hơn 162km. Như vậy, đến thời điểm này, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đã có 4 đoạn tuyến được hoàn thành, với tổng chiều dài gần 280km trên tổng số 654km.

Với tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45, thời gian di chuyển giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa sẽ được rút ngắn chỉ còn 2 giờ chạy xe so với 3 giờ như hiện nay. Còn với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, thời gian di chuyển từ TPHCM đi TP Phan Thiết (Bình Thuận) được rút ngắn từ 5-6 giờ xuống còn 2 giờ.

Chưa dừng ở đó, dự kiến vào ngày 19/5, sẽ có thêm 2 tuyến cao tốc mới được thông xe, gồm đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 157km.

Tiếp theo đó, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hoàn thành tháng 7/2023; đoạn tuyến QL45 - Nghi Sơn dự kiến hoàn thành tháng 8/2023; dự án cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành tháng 12-2023.

Với kế hoạch trên, đến hết năm 2023, sẽ có 9/11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đưa vào khai thác.

Có thể thấy, tuyến đường bộ cao tốc hiện đại từ Bắc chí Nam chạy dọc theo chiều dài đất nước đã đang dần dần hình thành không còn quá xa vời.

Ngoài cung đường cao tốc xương sống, hàng loạt các tuyến cao tốc kết nối mọi vùng miền đang đồng thời được triển khai, hướng tới mục tiêu đạt 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra.

Khó khăn trùng trùng điệp điệp

Nói về giai đoạn triển khai tuyến cao tốc này, đại diện Bộ GTVT cho biết, quá trình thi công các dự án thành phần Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có cao tốc Mai Sơn - QL45 và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên đó là thời điểm thi công dự án cũng là thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ. Giai đoạn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động các cán bộ, công nhân đến làm việc, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu khiến các công trường phải dừng thi công từ 4 - 6 tháng.

Chưa kể thời tiết năm 2021 - 2022 diễn biến bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Tiếp theo là những biến động của giá nguyên, vật liệu xây dựng do ảnh hưởng bối cảnh chung trên thế giới ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Khó khăn chồng khó khăn khi ngoài vấn đề giá cả thì các dự án cao tốc thi công trong thời gian này gặp vấn đề về thiếu hụt vật liệu (đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp). Bộ GTVT cho biết, mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của các dự án. Ngoài ra còn một số nhà thầu còn hạn chế về năng lực, chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công công trình.

Bám công trường cao tốc Mai Sơn-QL45, Kỹ sư Nguyễn Mậu Tâm, Chỉ huy gói thầu 14-XL thuộc Công ty Trung Nam E&C bồi hồi khi nhớ về những khó khăn gặp phải sau hơn hai năm bám công trường.

“Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc huy động vật tư, vật liệu về công trường bị chững lại, việc đưa kỹ sư, công nhân cũng gặp nhiều rào cản từ quy định giãn cách xã hội giữa các địa phương. Khi dịch bệnh giảm nhiệt, “bão giá” lại nổi lên. Từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, vật liệu thép tăng từ 20 - 60%; cát, đá tăng khoảng 40 - 55%, xi măng tăng khoảng 30%, dầu diezel tăng tới 143% so với giá dự thầu", kỹ sư Tâm chia sẻ.

Để đảm bảo tiến độ thi công, trong suốt thời gian ấy, khối lượng sắt, thép Công ty Trung Nam huy động về công trường với giá vượt dự toán chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu. Tại gói thầu 14-XL, biến động giá vật liệu, nhiên liệu đã khiến giá trị của gói thầu tăng trên 25%.

"Mặc dù vậy, với nguồn lực và kinh nghiệm, sự làm chủ công nghệ thi công, Trung Nam E&C vẫn bám công địa, duy trì thi công liên tục, không kể ngày, đêm, hoàn thành các công trình cầu trên tuyến theo đúng thời gian Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu”, đại diện Trung Nam E&C chia sẻ.

Chính phủ sát sao, người dân ủng hộ

“Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó”, quán triệt tinh thần đó của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chia sẻ: Trong suốt quá trình triển khai Dự án, đặc biệt là Dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ; sự đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, chính quyền các cấp; sự ủng hộ của người dân vùng dự án đi qua.

“Chúng tôi được động viên, được ‘lên dây cót tinh thần’ rất nhiều sau chuyến kiểm tra hiện trường xuyên Tết, xuyên Việt năm 2022, 2023 với quãng đường hàng nghìn km bằng đường bộ của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, qua các kỳ họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, nhiều khó khăn vướng mắc đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt xử lý với tinh thần “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Có thể nói, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn, tạo ra khí thế tích cực, quyết tâm đối với các Ban QLDA, các đơn vị thi công”, đại diện Bộ GTVT cho hay.

Song song với công tác chỉ đạo điều hành, ngày 10/9/2022, với mục tiêu “không còn đường lùi”, phải vượt qua mọi khó khăn để “tăng tốc, về đích”, Bộ GTVT đã phát động “phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng vào dịp 30/4/2023. Đây cũng là “thước đo” để kiên quyết loại trừ những nhà thầu không đủ năng lực tham gia các Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2.

Thực hiện phong trào thi đua do Bộ GTVT phát động, Các Ban QLDA đã tập trung chỉ đạo các Nhà thầu tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị, huy động mọi nguồn tài chính để tổ chức triển khai thi công. Một không khí thi đua, quyết tâm lan tỏa trên khắp các công trường vì chính “danh dự” của các nhà thầu, của ngành giao thông.

“Đến thời điểm hiện tại, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, sự cố gắng nỗ lực của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, 2 dự án thành phần đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến; làm việc với Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để đảm bảo đủ điều kiện đưa Dự án vào khai thác sử dụng trước ngày 30/4/2023”, Bộ GTVT cho biết.

Sau khi đưa 2 dự án vào khai thác sử dụng, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện khối lượng công việc còn lại đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình, dự án theo đúng hồ sơ thiết kế, đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Quê hương gần lại, kinh tế mở ra

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”, với gần 500km cao tốc dự kiến được thông suốt trong năm 2023, không chỉ có quãng đường về quê thêm gần lại mà còn mở ra bức tranh kinh tế tăng trưởng tươi sáng hơn cho các địa phương có cao tốc đi qua.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, anh Phan Đức Chung (lái xe) chia sẻ, trước đây, đoạn từ cầu Cao Bồ đến TP Ninh Bình chỉ có hai làn xe, lòng đường hẹp, ô tô đi chung với xe máy rất dễ va chạm, chưa kể đến “điểm đen” ùn tắc ở nút giao từ đường dẫn nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ra QL1. Việc thông xe hai đoạn tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45 đã giúp phương tiện tránh được những cung đường ùn tắc này.

“Nếu trước đó, đi Hà Nội - Nghệ An mất khoảng 5,5 tiếng, dịp lễ, Tết có thể đến 7 - 8 tiếng vì tắc đường thì giờ có thể tiết kiệm được khoảng 1,5 tiếng. Còn cung đường từ Hà Nội đi Thanh Hóa, nếu trước đây mất từ 2,5- 3 tiếng, khi có cao tốc Mai Sơn- QL45, thời gian chỉ còn chưa đầy 2 tiếng”, anh Chung cho biết.

Không chỉ có những tài xế vui mừng, bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa cho biết, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5 kéo dài, thời tiết thuận lợi, kết hợp với thông tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45, dự báo Thanh Hóa sẽ đón lượng khách tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, ước đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế khoảng 5.000 lượt), tăng 11,3% so với năm 2022.

Với chiều dài 99km cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa thông xe đi qua những cánh đồng lúa, vườn thanh long, rừng cao su xanh mát thì nay những chuyến xe, hàng hóa từ TPHCM đến Phan Thiết và ngược lại chỉ mất gần 2 giờ, ngắn hơn một nửa so với hành trình cũ phải mất 4 - 5 giờ, các tài xế không còn phải đi qua QL1 chen chúc, ùn tắc nữa.

Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe là dấu mốc sự kiện quan trọng của tỉnh nhà.

Thời gian từ TPHCM đến Phan Thiết chỉ còn khoảng 2 giờ thay vì phải đi QL1 mất gấp đôi thời gian. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Bình Thuận đăng cai Năm du lịch Quốc gia, với việc tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, dự báo khách du lịch đến địa phương sẽ tăng mạnh.

Đồng thời, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực cho QL1 đã quá tải nhiều năm qua, trở thành mắt xích quan trọng kết nối sân bay Long Thành, các khu công nghiệp khu vực TP Long Khánh, Dầu Giây, Xuân Lộc… tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Không thể phủ nhận rằng, giao thông đi đến đâu mở ra tiềm năng kinh tế đến đó, hiệu quả đầu tư các dự án cao tốc chỉ có thể đạt được ở mức tối đa khi các dự án trên toàn tuyến đưa vào khai thác đồng bộ.

Do đó, trong thời gian tới, Bộ GTVT cần quyết liệt chỉ đạo các ban quản lý dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, kịp thời xử lý việc chậm trễ trong thi công để đưa các dự án vào khai thác đúng kế hoạch, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 vào giữa năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần xử lý những vướng mắc của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) để sớm hoàn chỉnh toàn bộ tuyến đường cao tốc huyết mạch của đất nước theo đúng mục tiêu đã đặt ra.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).

Tính đến cuối tháng 4/2023, Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) và Cam Lộ - La Sơn (98,3 km) đã đưa vào khai thác. Các Dự án thành phần Mai Sơn - QL45 dài 63,37km (đã hoàn thành 53,67km, còn khoảng hơn 9km và các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thành trước 30/6/2023) và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km sẽ chính thức đưa vào khai thác ngày 29/4/2023.

Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP, dài 49,1 km) dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023.

Dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km), Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km) và Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (dài 6,01 km) dự kiến hoàn thành quý III và IV năm 2023.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49,3 km) và Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự án PPP, dài 78,5 km) sẽ hoàn thành trong năm 2024.

(Nguồn: Soha)

Dự án được đầu tư 41.799 tỷ đồng hồi sinh ngoạn mục sau 12 năm

Đến nay, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của Tập đoàn, mà ngược lại, có thể tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án trọng điểm với quy mô lớn của ngành điện do Petrovietnam làm chủ đầu tư, được khởi công từ đầu năm 2011, tổng vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200 MW.

Đã trải qua 12 năm đầu tư xây dựng với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân có giai đoạn dự án phải dừng triển khai trong thời gian dài; dự án này đã "hồi sinh".

Ngày 27/4 vừa qua, nhà máy đã chính thức được khánh thành. Đến nay, 2 tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 1 tỷ kWh.

Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.

Được biết, khoảng 75% nhân lực của nhà máy trong quá trình xây dựng và vận hành là người địa phương. Dự án này đóng góp ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm khi chạy hết công suất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là sự kiện rất đáng mừng, bởi nhà máy có tổng đầu tư và công suất lớn, dự án đã kéo dài 12 năm, người dân có nhiều băn khoăn, trăn trở, lo lắng về dự án. Việc hồi sinh nhà máy được thực hiện trong điều kiện khó khăn, các quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo, vướng mắc và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Ngày 15/7/2021, khi Thủ tướng triệu tập lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh Thái Bình và các chủ thể liên quan để bàn về phương hướng hồi sinh nhà máy cũng là thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam.

Khi đó, các đại biểu đề nghị phải tăng thêm 4.800 tỷ đồng từ ngân sách cho dự án và cuối cùng, Thủ tướng kết luận, không dùng thêm ngân sách, mà phải cơ cấu lại trong tổng vốn đầu tư, vận dụng sáng tạo các quy định hiện hành, sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam nếu còn thiếu vốn.

"Đến nay, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của Tập đoàn, mà ngược lại, có thể tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, năm 2011, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được khởi công và dự kiến khánh thành toàn bộ các tổ máy vào năm 2018. Tuy nhiên, khúc mắc về nguồn vốn, kỹ thuật, cũng như những sai phạm cá nhân của một số cán bộ trong tập đoàn PVN/dự án dẫn tới tiến độ bị đình hoãn nhiều lần.

Năm 2018, một mặt vừa xử lý những tồn đọng, PVN thay "tướng" công trường, hỗ trợ tối đa cho việc thi công dự án. Đến thời điểm đó, tiến độ tổng thể dự án đạt hơn 83% trong đó công tác thiết kế đạt 99,54%; công tác mua sắm thiết bị, vật tư đạt 91,5%; công tác gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,56% và công tác thi công xây dựng đạt 78,45%.

Tuy nhiên, đang trong thời kỳ thuận lợi thì dịch Covid-19 diễn ra đã gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Cùng với đó giá cả vật liệu, vật tư tăng đột biến ảnh hưởng tiến độ nhiều hạng mục, phát sinh các chi phí. Một số hạng mục đã xây dựng, lắp đặt được hơn 90%, nhưng không thể hoàn thiện, do thiếu kinh phí, thiết bị.

Trước tình hình này, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra.

Cùng với những nỗ lực, vào cuộc của Chính phủ, các ban ngành, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, cũng là dự án đánh dấu sự trưởng thành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

(Nguồn: CafeF)

Trung tâm TP.HCM 'thay áo mới'

8.000 m2 mặt bằng khu vực công viên 23 Tháng 9, ngay trước chợ Bến Thành (Q.1) vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM hoàn thành công tác tái lập mặt bằng.

Tháng 10 tới, toàn bộ phần rào chắn cuối cùng của tuyến metro số 1 tại trung tâm TP cũng sẽ được tháo dỡ. Khu "đất vàng" của TP.HCM sắp được "giải phóng" sau cả thập niên ngập trong lô cốt.

Lô cốt gỡ đến đâu, đường phố "lột xác" tới đó

Phần mặt bằng 8.000 m2 sẽ được bàn giao cho Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM trực thuộc Sở Xây dựng tái lập cảnh quan chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch đăng ký trước đó.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 1, cho biết theo quy định hợp đồng, phía nhà thầu sử dụng phần diện tích công viên này từ cuối năm 2016 để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) cho đến khi hoàn thành công trình.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của UBND TP, phía nhà thầu đã nỗ lực hoàn trả trước 50% phần diện tích công trường chiếm dụng của công viên 23 Tháng 9. Thời gian tới, phần hàng rào còn lại sẽ được tháo dỡ sau khi nhà ga Bến Thành hoàn thành công tác thi công xây dựng, dự kiến vào quý 4 năm nay.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cũng yêu cầu nhà thầu tổ chức lối thông băng ngang khu vực công trường hiện hữu từ 6 - 18 giờ hằng ngày để người dân có thể khôi phục sinh hoạt thường ngày như tập thể dục, đi dạo dọc công viên...

Theo Sở QH-KT TP.HCM, hiện nay có 3 phương án tái lập khoảng không gian phía trước cửa Nam chợ Bến Thành, trong đó, phương án khả thi nhất đang được nghiên cứu lựa chọn là thiết kế vòng xoay thành quảng trường nhằm giữ được không gian văn hóa đặc trưng của TP.

Cụ thể, sẽ ưu tiên về vị trí đặt tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang với xung quanh khu vực đặt tượng sẽ có cây xanh tán lớn tạo bóng mát. Ngoài ra, phương án này còn chú ý đến hình dáng các đảo giao thông, thiết kế lại cảnh quan phù hợp, điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông... Trước khi khu vực vòng xoay Quách Thị Trang được phục dựng, một kiến trúc biểu tượng mới của TP.HCM đã được lộ diện sau khi những tấm lô cốt cuối cùng được tháo dỡ.

Đó là hạng mục giếng trời lấy sáng (toplight) của ga Bến Thành. Hệ thống mái lấy sáng này không chỉ có chức năng lấy sáng, thông gió, thông khí cho nhà ga mà còn là điểm nhấn kiến trúc nổi bật đặc biệt, mang ý nghĩa biểu tượng cho nhà ga Bến Thành nói riêng và tuyến metro số 1 nói chung.

Toplight được thiết kế với hình ảnh hoa sen cách điệu, với thiết kế tường kính bao bọc xung quanh tạo nên không gian mở cho công trình, giúp cho hành khách đi metro có thể nhìn trực diện qua chợ Bến Thành. Du khách bên trên cũng có thể nhìn ngắm tàu chạy và các hoạt động nhà ga bên dưới.

Từ trên cao nhìn xuống, giếng trời như một bông sen khổng lồ, nằm giữa khuôn viên được tạo hình hoa cỏ xanh mướt. Toplight của nhà ga Bến Thành được dự báo sẽ trở thành điểm "check-in" cực "hot" cho người dân và du khách ngay giữa trung tâm TP.HCM.

Trước đó, con đường Lê Lợi cũng chứng kiến màn "lột xác" ngoạn mục sau khi lần lượt được tháo dỡ rào chắn lô cốt metro. Tròn 1 năm sau khi MAUR dọn những mảnh vật liệu xây dựng cuối cùng, đường Lê Lợi nhập cùng tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành điểm vui chơi, "check-in" quen thuộc của người dân và du khách khi đến TP.HCM.

Các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm diễn ra tới tận tối muộn, đặc biệt vào các ngày cuối tuần đã được tái lập, cách khu vực cửa Nam chợ Bến Thành gần 800 m. Vòng xoay giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (trước đây còn gọi là bùng binh Cây liễu) cũng đã được tái lập.

Bó vỉa được làm mới toàn bộ bằng đá granit xám, xếp lên nền hiện trạng tạo thành vòng xoay hình tròn. Phần diện tích giữa bó vỉa và đài phun nước hiện hữu trồng cây xanh có cùng chủng loại và màu sắc, đan xen cách trang trí màu hoa thay đổi liên tục, phù hợp khi có các sự kiện, ngày lễ.

Vậy là sau gần 10 năm bị bủa vây bởi các hàng rào chắn bụi mù mịt từ công trường, những tuyến đường đẹp nhất trung tâm TP.HCM đang dần tái hiện với diện mạo mới đẹp hơn, khang trang hơn rất nhiều.

Bài học cho những tuyến sau

Việc bàn giao những đoạn mặt bằng, hoàn trả công viên 23 Tháng 9, vòng xoay Quách Thị Trang, khu vực giếng trời lấy sáng… đánh dấu những tín hiệu xây dựng cuối cùng của nhà ga trung tâm Bến Thành. Hiện nay, MAUR đang tổ chức chạy thử từng phần tuyến metro đầu tiên dài gần 20 km từ trung tâm TP.HCM tới TP.Thủ Đức. Theo kế hoạch, vào dịp 30.4 này, metro số 1 sẽ chạy thử đoạn từ Suối Tiên đến nhà ga An Phú, phấn đấu đến ngày 2.9 chạy thử toàn tuyến, chuyển sang giai đoạn khai thác thử vào tháng 12 năm nay.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá tuyến metro số 1 có ý nghĩa quan trọng đối với TP.HCM, là công trình được người dân TP trông ngóng. Sau nhiều năm thi công, đối mặt nhiều thách thức, từng cột mốc của công trình trong giai đoạn nước rút về đích lại càng có ý nghĩa hơn. Metro số 1 là công trình vừa làm, vừa mang tính thử nghiệm, là bước đầu tiên trong quá trình tăng cường hệ thống giao thông công cộng (GTCC) trên địa bàn TP. Đây cũng là trục giao thông sầm uất, quan trọng, nối các khu đô thị đã hình thành và khá đông dân.

Sau khi hoàn thành, tuyến metro số 1 có thể giúp nhiều người không phải đi làm bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân. Ngoài ra, suốt nhiều năm qua người dân TP đã quá ngán ngẩm những hàng rào lô cốt bụi bặm, chiếm dụng mặt đường. Tuyến metro hoàn thành, rào chắn được gỡ bỏ không chỉ trả lại môi trường thông thoáng, đường phố sạch sẽ mà còn được chỉnh trang lại đẹp đẽ hơn.

Tuy nhiên, cũng vì do mới có một tuyến đơn độc nên TS Võ Kim Cương nhận định công trình có thể chưa phát huy được hết hiệu quả. Để metro thực sự trở thành hệ thống GTCC sức chở lớn, giảm ùn tắc thì người dân sẽ phải chuẩn bị sẵn tinh thần khi TP bước tiếp vào quá trình xây dựng những tuyến metro tiếp theo. Đây là quá trình được gọi là "trạng thái công trường" - đô thị "ngập" trong những công trường xây dựng lộn xộn vật tư, vật liệu, dang dở.

Đây là biểu hiện và cũng là quá trình tất yếu của một đô thị, một đất nước đang phát triển. Người dân sẽ thông cảm bởi sau khi trải qua giai đoạn này thì sẽ được hưởng một hạ tầng phát triển hơn, điều kiện cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, người dân chấp nhận trạng thái không có nghĩa là đủ kiên nhẫn để chịu đựng trong thời gian quá dài.

Hiện nay, tình trạng các dự án kéo dài, công trường dang dở nhiều năm, dự án thi công rồi "đắp chiếu" diễn ra khá phổ biến. Công trình dù lớn dù nhỏ cũng bị kéo dài. Nguyên nhân do cách tổ chức, thực hiện công việc, hợp đồng, khâu chuẩn bị không chu đáo ngay từ đầu. Dự án khởi công rồi mới giải quyết những trục trặc về kỹ thuật, về mặt bằng, giải ngân... nên cứ vừa làm vừa lo gỡ vướng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, ảnh hưởng bộ mặt đô thị mà ngay cả chủ đầu tư cũng khốn khổ vì càng để lâu càng đội vốn. Vì thế, cần có nghiên cữu kỹ về vấn đề này.

(Nguồn: Thanh Niên)

Ông Võ Văn Thưởng: sắp xử thêm nhiều vụ án tham nhũng

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng nói với các cử tri tại Đà Nẵng vào chiều ngày 27/4 rằng chính quyền sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh với tham nhũng một cách toàn diện và sắp tới ‘sẽ có thêm nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử’.
Ông Thưởng, vốn cũng là đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà để chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm của Quốc hội, trang mạng VOV cho biết.
“Còn nhiều vụ việc đang tiếp tục làm, sẽ sớm có thông báo và sớm đưa ra xét xử,” ông Thưởng được tờ Pháp luật dẫn lời nói.
Chủ tịch nước Thưởng khẳng định Đảng sẽ chống tham nhũng ở cả Trung ương tới các địa phương, cả tham nhũng lớn và tham nhũng vặt, cả cán bộ đương chức lẫn những người đã về hưu theo tinh thần ‘không có vùng cấm’, theo tường thuật của tờ Pháp luật.
Ông nói ‘sẽ không có chuyện hạ cánh an toàn’ và nếu trong thời gian đương chức, cán bộ đã có hành vi thanh nhũng thì sẽ bị truy ra để xử lý.
Thời gian qua, Đảng Cộng sản đã kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo là bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thứ trưởng sau khi những vị này đã về hưu.
Bên cạnh xử lý các cán bộ tham nhũng thì các cán bộ lãnh đạo để xảy ra tham nhũng ở cấp dưới của mình cũng sẽ bị xử lý, ông Thưởng được dẫn lời nói, vì họ ‘không làm hết trách nhiệm, lãnh đạo chưa sâu sắc’.
Đảng Cộng sản Việt Nam gần đây đã bắt đầu xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan của mình, điển hình như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đã phải từ chức khi xảy ra tham nhũng trong nhiệm kỳ chính phủ do các ông lãnh đạo.
Trả lời câu hỏi của các cử tri rằng tại sao Đảng càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, ông Thưởng lý giải rằng đó là do Đảng’ quyết tâm làm mạnh thì phát hiện nhiều’ và các vụ việc tham nhũng ‘đều được công khai cho toàn dân biết’, theo trang mạng VOV.
Trước câu hỏi xử lý cán bộ tham nhũng nhiều sẽ dẫn đến thiếu cán bộ, ông Thưởng được VOV dẫn lời nói ông ‘không sợ thiếu’ vì ‘từ bài học một số địa phương, bộ, ngành sau khi xử lý cán bộ vi phạm và thay thế cán bộ mới thì đều đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ’.
Ông nhấn mạnh chính quyền ‘sẽ cố gắng làm tốt hơn việc thu hút người tài, tâm huyết, trách nhiệm vào bộ máy nhà nước’.
“Cần thay thế thế kịp thời cán bộ không đủ năng lực, uy tín thấp, không chờ hết thời hạn bổ nhiệm,” ông Thưởng được dẫn lời nói.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang