Mặt tối dịch vụ máy bay riêng; Taliban cấm nữ sinh thi ĐH; Xả súng ở Jerusalem; Ngành chip TQ gặp khó; Nga sắp cạn tên lửa

MẶT TỐI CỦA DỊCH VỤ MÁY BAY RIÊNG

(Ảnh minh hoạ).

Các máy bay riêng đem lại sự tiện lợi khó có thể so sánh cho người dùng, nhưng cũng phát thải lượng khí nhà kính lớn và chỉ phục vụ được số ít khách hàng giàu có.

Giữa tháng 1/2022, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ba lần di chuyển bằng máy bay riêng chỉ trong 10 ngày, Guardian cho biết. Các điểm đến của ông Sunak bao gồm Blackpool, nơi ông có thể tới trong ba giờ bằng tàu hỏa, và Leeds, nơi chỉ cách London hai giờ rưỡi ngồi tàu.

Hành động của ông Sunak đã nhận về nhiều chỉ trích, bao gồm cả trong chính Công đảng cầm quyền. Ông ấy cư xử “như một ngôi sao hạng A” khi “bay quanh đất nước bằng tiền của người nộp thuế”, một người phát ngôn của Công đảng nói, theo Evening Standard.

Dịch vụ máy bay riêng đã đem lại sự thuận tiện cho các hành khách cần di chuyển nhanh chóng và riêng tư. Dù vậy, ngành công nghiệp này cũng bị chỉ trích do lượng phát thải carbon lớn gấp nhiều lần các hình thức giao thông vận tải khác.

Tiện lợi, nhưng kèm theo cái giá về môi trường

Xét theo đầu người, di chuyển bằng máy bay riêng gây phát thải gấp 14 lần máy bay thương mại và gấp 50 lần tàu hỏa, theo một báo cáo của tổ chức vận động Transport & Environment có trụ sở ở Brussels, Bỉ.

Đây không phải điều khó lý giải: Máy bay riêng thường chở được ít người hơn. Bên cạnh đó, khoảng 40% chuyến bay không chở theo khách - thường chỉ là để đưa máy bay tới địa điểm cần đến. Ngoài ra, các chuyến bay ngắn cũng sử dụng nhiên liệu kém hiệu quả hơn bay dài.

“Máy bay riêng là hình thức di chuyển gây ô nhiễm lớn nhất mà bạn có thể thực hiện”, ông Matt Finch, Giám đốc chính sách quốc gia Anh của Transport & Environment, nói.

“Một chiếc máy bay riêng phát thải trung bình hai tấn carbon mỗi giờ. Mỗi người dân châu Âu phát thải trung bình 8 tấn carbon mỗi năm. Khi bạn bay đến miền nam nước Pháp và quay trở lại, bạn đã phát thải bằng nửa năm chỉ trong một chuyến đi”, ông Finch nói thêm.

Transport & Environment cho biết Anh là nước châu Âu phát thải nhiều khí nhà kính từ máy bay riêng nhất - chiếm gần 20% con số của cả châu lục. Quốc gia xếp thứ hai là Pháp. Dù vậy, Mỹ mới là nước dẫn đầu thế giới về ngành dịch vụ béo bở này.

Đại dịch Covid-19 là cơ hội tuyệt vời với các công ty cung cấp dịch vụ bay tư nhân. Khi các chuyến bay thương mại tạm ngừng hoạt động, giới nhà giàu chuyển sang sử dụng máy bay tư nhân để di chuyển. Tuy thị trường máy bay riêng đã hạ nhiệt, tần suất bay vẫn cao hơn so với trước đại dịch.

“Tính từ tháng 9/2022, chúng ta nhận thấy mức giảm 10-15% so với năm trước đó”, ông Richard Koe, Giám đốc điều hành hãng phân tích dữ liệu hàng không WINGX, nói. “Tuy nhiên, số liệu tháng 1/2023 vẫn cao hơn tháng 1/2019 trên 10%. Đây là sự tăng trưởng ổn định”.

Theo một báo cáo được Airbus đặt hàng năm 2022, 65% số công ty lớn được hỏi tại Mỹ cho biết họ thường xuyên sử dụng máy bay riêng, một phần ba bắt đầu thói quen này trong đại dịch, trong khi ba phần tư cho biết họ có kế hoạch sử dụng máy bay riêng thường xuyên hơn trong hai năm tới.

Nhóm khách hàng của dịch vụ này cũng đang được mở rộng. Một số hãng bay đã mở dịch vụ cho thuê ghế trên các “chuyến bay trống” - khi máy bay cần chuyển vị trí hay trở về sân bay sau hành trình một chiều - với giá rẻ hơn nhiều.

“Một khi bạn có chuyến bay trên máy bay riêng đầu tiên, bạn không còn muốn làm điều gì khác nữa”, ông Kenny Dichter, Giám đốc công ty máy bay riêng Mỹ Wheels Up, nói. “Sự tiện lợi, dễ dàng và mức độ dịch vụ khó có thể bị vượt qua”.

“Việc bay trên máy bay riêng giúp (các doanh nhân) có thể làm nhiều việc hơn, gặp nhiều khách hàng và nhân viên hơn, cũng như phát triển doanh nghiệp”, ông Dichter nói thêm.

Cơ hội trong thách thức

Giới siêu giàu thường miễn nhiễm với những lời chỉ trích liên quan đến việc sử dụng máy bay riêng, nhưng họ đặc biệt quan tâm tới sự riêng tư. Đây là điều đang bị đe dọa khi một số người dùng mạng xã hội sử dụng dữ liệu hàng không để theo dõi lịch trình di chuyển của những người nổi tiếng.

Trong các phương tiện được tài khoản “CelebJets” theo dõi, máy bay của Taylor Swift thực hiện nhiều chuyến bay nhất và phải thải hơn 8.000 tấn carbon. Một đại diện của Taylor Swift sau đó cho biết chiếc máy bay không chỉ phục vụ ca sĩ này, mà còn được cho thuê.

Theo Transport & Environment, thời gian hoạt động cao điểm của các máy bay riêng là vào mùa hè, với các điểm đến phổ biến nhất bao gồm Nice và Ibiza - hai địa điểm du lịch nổi tiếng tại Pháp và Tây Ban Nha.

“Khó có thể nói họ đến Ibiza với mục đích công việc”, ông Finch nói. Theo nhà hoạt động môi trường này, thuế có thể là biện pháp hữu hiệu để kiềm chế sự tăng trưởng của ngành dịch vụ máy bay riêng.

“Tôi cho rằng nhiên liệu cho máy bay riêng cần được đánh thuế từ ngày mai. Chủ sở hữu máy bay hoàn toàn có thể chi trả: Họ trung bình đều là tỷ phú. Họ cần phải trả thuế khi bơm nhiên liệu vào máy bay”, ông Finch nhận định.

Trong khi đó, bà Alice Ridley, người phát ngôn của nhóm vận động Campaign for Better Transport, (Anh) cho rằng đánh thuế lên hành khách là một ý tưởng hay. Theo nhóm vận động trên, sáng kiến này có thể đem lại khoảng 1,4 tỷ bảng Anh (1,74 tỷ USD) mỗi năm.

“Chúng tôi muốn số tiền thu thuế được sử dụng cho giao thông cộng cộng, giúp nhiều người được hưởng lợi hơn”, bà Ridney nói.

Dù vậy, máy bay riêng không chỉ hoàn toàn có những mặt trái. Đây có thể sẽ là nơi thử nghiệm những công nghệ mới xanh hơn và sạch hơn. Những người sử dụng máy bay riêng “là những người có khả năng chi trả cho đổi mới sáng tạo”, ông Finch cho biết.

Ông chỉ ra các máy bay chạy bằng năng lượng điện và năng lượng hydro đã được thử nghiệm. Với kích thước nhỏ và khoảng cách bay ngắn, các máy bay riêng đặc biệt phù hợp với các công nghệ mới.

Kể từ tháng 6/2022, Victor, một công ty cho thuê máy bay tại Anh, đã đưa ra đề nghị sử dụng nhiên liệu máy bay bền vững (SAF) với mọi chuyến bay. SAF là một loại nhiên liệu sinh học, thường được làm từ các phế phẩm như dầu ăn.

“Tôi quan tâm đến môi trường. Do đó, tôi sử dụng vị trí của mình để làm những gì có thể”, ông Toby Edwards, Giám đốc điều hành của Victor, nói. “Có những nhóm khách hàng của chúng tôi muốn làm mọi điều trong khả năng để giảm phát thải carbon khi đặt một chuyến bay”.

Theo ông Edwards, khoảng một phần năm khách hàng của Victor lựa chọn SAF khi đặt vé. Mục tiêu của công ty là nâng tỷ lệ này lên một phần tư. Dù vậy, các nhà hoạt động môi trường không mấy ấn tượng.

“Chúng ta có thể mất hàng thập kỷ để hiện thực hóa các công nghệ có thể giải quyết vấn đề khí hậu”, bà Ridley nhận định. “Ngay lúc này, bay ít đi là cách duy nhất để giảm phát thải trong ngành hàng không”.

(Nguồn: Zing News)

NỮ SINH AFGHANISTAN KHÔNG ĐƯỢC DỰ THI ĐẠI HỌC

Bộ Giáo dục Đại học do Taliban điều hành đã ra lệnh cho các trường đại học tư nhân ở Afghanistan không cho phép học sinh nữ tham gia các kì thi tuyển sinh đại học vào tháng sau, nhấn mạnh chính sách hạn chế phụ nữ học đại học.

Một bức thư từ bộ được gửi tới các cơ sở giáo dục ở các tỉnh phía bắc của Afghanistan, bao gồm cả thủ đô Kabul, nơi các kì thi sẽ diễn ra từ cuối tháng 2. Bức thư cho biết những tổ chức không tuân thủ các quy định sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý.

Bộ Giáo dục Đại học vào tháng 12 đã nói với các trường đại học không cho phép sinh viên nữ đến học "cho đến khi có thông báo mới." Vài ngày sau, chính quyền ngăn hầu hết các nữ nhân viên của các tổ chức phi chính phủ đi làm. Hầu hết các trường trung học dành cho nữ sinh cũng đã bị nhà chức trách đóng cửa.

Những hạn chế đối với việc làm và giáo dục của phụ nữ đã bị quốc tế lên án. Các nhà ngoại giao Phương Tây đã báo hiệu rằng Taliban cần phải thay đổi chính sách đối với phụ nữ để có cơ hội được quốc tế công nhận chính thức và giảm bớt sự cô lập về kinh tế.

Nước này đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế, một phần do các chế tài ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng và việc cắt giảm tài trợ phát triển, với các cơ quan viện trợ cảnh báo hàng chục triệu người đang cần viện trợ khẩn cấp.

Tuy nhiên, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới trong tuần này cũng cho biết chính quyền Taliban, vốn tuyên bố tập trung vào khả năng tự cung tự cấp về kinh tế nhiều hơn, đã duy trì thu ngân sách mạnh mẽ vào năm ngoái và xuất khẩu đã được cải thiện.

(Nguồn: VOA)

XẢ SÚNG LIÊN TIẾP Ở JERUSALEM, NHIỀU NƯỚC KÊU GỌI ISRAEL KIỀM CHẾ

(Ảnh minh hoạ).

Hai vụ xả súng liên tiếp làm 7 người chết ở Jerusalem khiến Israel - Palestine thêm căng thẳng, buộc nhiều nước kêu gọi Tel Aviv kiềm chế.

Căng thẳng leo thang ở Jerusalem sau khi hai vụ xả súng diễn ra liên tiếp ở khu vực này. Vụ xả súng đầu tiên xảy ra đêm 27/1, khi một nghi phạm 21 tuổi người Palestine nã đạn vào nhà nguyện Do Thái ở khu định cư Neve Yaakov của Jerusalem, khiến ít nhất 7 người chết và ba người bị thương.

Vụ tấn công xảy ra lúc buổi cầu nguyện đêm đang diễn ra và trùng với ngày tưởng nhớ các nạn nhân của Nạn Diệt chủng Do Thái trong Thế chiến II. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhắm vào người Israel trong những năm gần đây, có nguy cơ thổi bùng xung đột giữa nước này với Palestin.

Nghi phạm tiếp tục nổ súng vào người đi đường trong quá trình tẩu thoát, trước khi bị lực lượng an ninh Israel bắn hạ.

Lực lượng an ninh Israel đã bắt ít nhất 42 người với cáo buộc liên quan vụ xả súng. Thủ tướng Benjamin Neytayahu đã kêu gọi người Israel không "tự đòi công lý" bằng các hành động cực đoan nhắm vào người Arab.

Vài tiếng sau, một thiếu niên 13 tuổi người Palestine tiếp tục nổ súng ở khu Silwan, ngay bên ngoài khu vực Israel kiểm soát ở Đông Jerusalem, khiến hai người bị thương.

Các vụ xả súng xảy ra giữa giai đoạn căng thẳng Palestine - Israel leo thang nghiêm trọng vì quân đội Israel mở chiến dịch truy quét "phần tử khủng bố" ở Bờ Tây và không kích đáp trả dân quân Palestine ở Dải Gaza.

Một ngày trước vụ xả súng Neve Yaakov, quân đội Israel mở cuộc truy quét ở trại tị nạn Jenin trong khu vực Bờ Tây khiến 9 người thiệt mạng. Giới quan sát mô tả đây là một trong những chiến dịch "chống khủng bố" gây thương vong dân thường lớn nhất tại khu vực kể từ làn sóng Intifada, phong trào của người Palestin chống lại lực lượng Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza trong những năm 2000-2005.

Kobi Shabtai, lãnh đạo cảnh sát Israel, gọi vụ xả súng trong nhà nguyện Jerusalem là "một trong những vụ tấn công kinh hoàng nhất mà Israel từng chứng kiến trong vài năm gần đây".

Lãnh đạo một số quốc gia Arab có quan hệ ngoại giao với Israel, trong đó có Ai Cập, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã lên án vụ xả súng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói ông rất bàng hoàng về các vụ tấn công ở Jerusalem và khẳng định Đức sẽ sát cánh với Israel.

Trong khi đó, một số lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lo ngại xung đột Israel - Palestine có thể bùng phát trở lại vì làn sóng bạo lực hiện nay.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các bên kiềm chế và đảm bảo "bằng mọi giá phải ngăn vòng xoáy bạo lực vượt khỏi tầm kiểm soát". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến công du đến khu vực vào tuần tới sẽ thảo luận với các bên để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Arab Saudi cảnh báo căng thẳng Palestine - Israel bên bờ vực leo thang bạo lực nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Israel và các lực lượng Palestine "kiềm chế tối đa", tránh đẩy căng thẳng leo thang hơn nữa. Moskva đồng thời nhận định các bên cần nhanh chóng khởi động lại đối thoại Palestine - Israel, phản đối mọi hành động đơn phương.

Jesep Borrell, nhà ngoại giao cao nhất của Liên minh châu Âu (EU), kêu gọi chính phủ Israel kiềm chế tối đa trong sử dụng vũ lực với người Palestine.

Ông nói EU mạnh mẽ lên án các vụ xả súng tại Jerusalem, xem đây là "hành động bạo lực và thù địch điên rồ", song lưu ý lực lượng Israel đang lạm dụng vũ lực khi các chiến dịch truy quét của họ trong tháng đầu năm nay đã khiến ít nhất 30 người Palestine thiệt mạng. Tính từ năm 2022, các chiến dịch của Israel ở Bờ Tây đã khiến hơn 150 người thiệt mạng, trong đó có 30 trẻ em.

"EU ghi nhận những lo ngại an ninh chính đáng của Israel, nhưng cũng nhấn mạnh rằng vũ lực gây sát thương phải được coi là giải pháp cuối cùng, tránh tối đa lựa chọn này nhằm bảo vệ mạng sống", ông nói.

(Nguồn: Vnexpress)

NGÀNH CHIP TRUNG QUỐC ĐỐI MẶT NGUY CƠ TỪ LIÊN MINH MỸ - NHẬT - HÀ LAN

Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản để cùng nhau áp đặt các hạn chế đối với lĩnh vực chip của Trung Quốc.

Thông tin trên được tờ The Japan Times tiết lộ và cho biết thêm rằng thoả thuận đạt được trong cuộc họp ba bên tại Washington – Mỹ hôm 27-1 (giờ Mỹ).

Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn tham vọng xây dựng năng lực chip nội địa của Bắc Kinh. Theo đó, họ sẽ mở rộng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ đã thông qua vào tháng 10 năm ngoái, đối với các công ty, bao gồm ASML Holding NV, Nikon Corp. và Tokyo Electron Ltd, có trụ sở tại Hà Lan và Nhật Bản.

"Chi tiết về thoả thuận vẫn chưa được công bố và việc triển khai thoả thuận có thể mất vài tháng để Nhật Bản cũng như Hà Lan hoàn tất các thủ tục pháp lý" – tờ The Japan Times dẫn nguồn thạo tin.

Washington không chỉ hạn chế xuất khẩu máy móc do Mỹ sản xuất mà còn cấm công dân Mỹ làm việc với các nhà sản xuất chip Trung Quốc . Các biện pháp của The Hague và Tokyo không cứng rắn như vậy.

Nhật Bản và Hà Lan là nơi đặt trụ sở của các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn chính. Hà Lan có Công ty ASML Holding kiểm soát thị trường công nghệ quang khắc, một trong những bước quan trọng nhất trong sản xuất linh kiện điện tử. Trong khi đó, Mỹ là nơi đặt trụ sở các nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất.

Các nhà phân tích cho biết nếu không tiếp cận được sản phẩm của những công ty Mỹ như Applied Materials, Lam Research hay KLA, các công ty Trung Quốc sẽ gần như không thể xây dựng dây chuyền sản xuất có khả năng sản xuất chip tiên tiến.

Thoả thuận được thông qua, Hà Lan sẽ ngăn ASML Holding bán cho Trung Quốc một số thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là thiết bị rất quan trọng để tạo ra những con chip tiên tiến. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ đặt ra các hạn chế tương tự đối với Nikon.

Hiện tại, cả giới chức Hà Lan lẫn Nhật Bản đều từ chối bình luận về thông tin "đạt được thoả thuận với Mỹ" về ngăn Trung Quốc phát triển chip nội địa.

Người phát ngôn của Nikon cũng từ chối phát biểu "trước khi điều gì đó được công bố chính thức", trong khi lãnh đạo Tokyo Electron cũng không bình luận về thông tin vì "ngoài giờ làm việc theo qui định".

Các nhà phân tích nhận định thoả thuận cùng Hà Lan và Nhật Bản ngăn công nghệ bán dẫn Trung Quốc phát triển là chiến thắng cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Đáp lại, Giám đốc điều hành của ASML Holding Peter Wennink đã cảnh báo rằng hành động của Mỹ có thể gây ra những hậu quả không lường trước được, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tự phát triển công nghệ chip thay vì nhập khẩu.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực chất bán dẫn. Trung Quốc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu sau khi Mỹ siết chặt hạn chế trong lĩnh vực chip vào tháng 10-2022.

(Nguồn: CafeF)

GIAO TRANH KHỐC LIỆT Ở UKRAINE, NGA CÓ THỂ SẮP CẠN KIỆT TÊN LỬA

(Ảnh minh hoạ).

Quan chức tình báo Estonia nhận định Nga có thể không còn đủ tên lửa để tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine trong hơn 3 tháng tới.

Đài truyền hình ERR của Estonia hôm 27/1 đưa tin, Giám đốc Tình báo Estonia Margo Grosberg cho biết, dựa trên khả năng sản xuất vũ khí dẫn đường chính xác hiện tại của Nga, nước này có thể tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công tên lửa vào Ukraine trong 3-4 tháng nữa, và đây là triển vọng "lạc quan nhất" về thời gian các cuộc tập kích của Nga có thể tiếp tục.

Ông Grosberg nhận định, các cuộc tập kích kéo dài bao lâu tùy thuộc vào số lượng vũ khí dẫn đường chính xác mà Nga sở hữu trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, ước tính khoảng 2.500 tên lửa, và việc Nga tiếp tục sản xuất tên lửa.

Ông Grosberg không phải là quan chức duy nhất dự đoán khả năng Nga phải dừng các cuộc tập kích do nguồn cung tên lửa hạn chế. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nói với hãng tin Pravda của Ukraine vào tháng trước rằng, Nga chỉ có đủ tên lửa để thực hiện thêm 3-4 cuộc tấn công nữa.

Người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov ngày 1/1 nhận định, Nga chỉ còn đủ tên lửa cho 2 cuộc tập kích quy mô lớn nữa. Theo ông, gần đây, Nga đã bắt đầu giảm số lượng tên lửa trong mỗi đợt tập kích, từ hơn 100 quả còn 50-60 quả/lần, để duy trì tần suất tấn công.

Nga bắt đầu tập kích tên lửa diện rộng nhằm vào hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine từ tháng 10/2022. Một báo cáo của cơ quan tình báo quốc phòng Anh cho biết, kể từ đó đến nay, Nga đã hình thành chiến thuật cứ sau 7-10 ngày sẽ tiến hành một cuộc tập kích lớn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ước tính, Nga đã tiến hành hơn 4.500 cuộc tấn công bằng tên lửa vào Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự. Theo Kiev, chiến thuật của Moscow nhằm biến các thành phố lớn của Ukraine thành những nơi "không thể sống được", buộc Ukraine phải đồng ý ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện của Nga.

Bộ Quốc phòng Anh dự đoán, Nga có thể tiến hành thêm một số đợt tấn công quy mô lớn nữa trong những ngày tới. Tuy nhiên, họ cho rằng, Nga khó duy trì xu hướng này lâu dài bởi kho vũ khí cạn kiệt.

Ông Budanov nói rằng, Moscow có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng vào khoảng tháng 3. Trong khi đó, để khôi phục kho tên lửa, Nga phải mất vài tháng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đầu tháng này cho biết, lực lượng Nga chỉ còn 90 máy bay không người lái để sử dụng cho các cuộc tấn công ở Ukraine. Về phía Nga, giới chức nước này bác nhận định của Ukraine và phương Tây về nguy cơ cạn kiệt vũ khí.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố nước này sẽ "không bao giờ" cạn kiệt tên lửa hành trình Kalibr. Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng trước hối thúc các lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng đẩy nhanh tốc độ sản xuất để cung cấp trang thiết bị cho quân đội nhanh nhất có thể. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cũng khẳng định, Nga đang tăng cường tốc độ sản xuất vũ khí và kho khí tài sẽ được cải thiện đáng kể.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> 'Bước đi' mới của TQ; Nhật đang mắc kẹt; Ukraine chống tham nhũng, miền Đông giao tranh ác liệt; Đụng độ Ấn-Trung ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang