Lưu Bình Nhưỡng hối hận vì nhận 300.000 USD; Lời khai đại án Đăng kiểm; QH chuẩn bị họp bất thường; Điện thoát lỗ, vẫn lo tăng giá

ÔNG LƯU BÌNH NHƯỠNG HỐI HẬN VÌ NHẬN 300.000 USD

Liên quan việc bị cáo buộc nhận 300.000USD của doanh nghiệp, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khai trước toà rằng đã nhận thức đầy đủ sai lầm của mình.

Chiều 7/1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên toà sơ thẩm, xét xử các bị cáo Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", Thái Thụy, Thái Bình), bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản"); Vũ Đăng Phương (Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do), bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản"; ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội "Cưỡng đoạt tài sản"; cựu Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước, cũng bị xét xử tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Cường "quắt" được bị cáo Lưu Bình Nhưỡng dặn xóa ghi âm

Bắt đầu phần xét hỏi, HĐXX đề nghị cách ly 3 bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương để xét hỏi 2 bị cáo Phạm Minh Cường và Vũ Đăng Phương và những người có liên quan.

Trước HĐXX, các bị cáo Cường và Phương thừa nhận những việc đã làm đúng như cáo trạng nêu. Theo đó, từ năm 2016, Cường và Phương tự ý cắm cọc, khai thác 180 ha bãi triều, trùng phần lớn với mỏ cát của Công ty Sao đỏ được cấp phép. Cả hai sau đó đã khẳng định khu vực thuộc quyền quản lý, mục đích để ép Công ty Sao Đỏ phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác.

Đến năm 2020, nhân viên Công ty Sao Đỏ gặp Cường thỏa thuận trả tiền một lần để Cường trả mặt bằng cho công ty đi vào mỏ khai thác. Cường không đồng ý, yêu cầu phải "cắt phế" 1.500 đồng/m3 cát và được Công ty Sao đỏ đồng ý. Sau đó, Cường, Phương ký hợp đồng làm bảo vệ cho công ty để che giấu hành vi cưỡng đoạt tài sản. Cường trả lương cho Phương để hằng ngày Phương ra đếm tàu của Công ty Sao Đỏ, còn Cường quy ra tiền. Trong suốt quá trình, Công ty Sao đỏ đã trả cho Cường 4,9 tỷ, số tiền này đã được Cường nộp lại cho Công ty Sao đỏ. Tại tòa, đại diện Công ty Sao đỏ cho biết đúng như cáo trạng nêu.

Trước HĐXX, Cường thừa nhận, quá trình đi lại khai thác cát, các tàu chở cát của chi nhánh Công ty Sao Đỏ đã va chạm làm đổ cọc, vây tại vị trí bãi triều được xác lập trái phép nằm trên địa phận biển của TP.Hải Phòng, do Trần Văn Dũng (Dũng "chiến") quản lý, đối diện bãi triều 45 ha của Cường. Việc này dẫn đến nhóm của Cường, Phương đã nhiều lần xô xát, đánh nhau với nhóm của Dũng. Vì vậy, Công ty Sao Đỏ tạm dừng việc khai thác cát và không trả tiền cho Cường.

Lúc này, Cường đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp. Để được ông Nhưỡng giúp, Cường rủ vợ chồng ông Nhưỡng đầu tư mua bãi triều cắm cọc trái phép. Cuối tháng 7/2021, vợ chồng ông Nhưỡng đồng ý mua 30 ha bãi triều cắm trái phép, thuộc phần Cường lấn chiếm từ trước với giá 900 triệu đồng.

Sau đó, tháng 9/2021, ông Nhưỡng đã gọi điện cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình nhờ giải quyết, xử lý giúp nhóm đối thủ của Cường. Ông Nhưỡng ghi âm nội dung cuộc gọi này gửi cho Cường và nói "nghe xong, xóa đi" qua mạng xã hội Telegram nhưng Cường không biết dùng và được ông Nhưỡng hướng dẫn cài.

Tại tòa, file ghi âm này thể hiện nội dung cuộc điện thoại của ông Nhưỡng gọi cho một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình. Sau khi nghe xong, Cường không xóa ghi âm mà tiếp tục mở cho đàn em mình nghe. Những ngày sau đó, Cường không bị nhóm của Dũng “chiến” gây sự.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói bản thân sai lầm khi nhận 300.000USD

Sau khi xét hỏi Cường và Phương, HĐXX hỏi đến những người có liên quan trong 2 vụ khác của ông Lưu Bình Nhưỡng.

Liên quan việc bị cáo buộc nhận 300.000USD của doanh nghiệp, bị cáo Nhưỡng khai trước toà rằng đã nhận thức đầy đủ sai lầm của mình. Bị cáo Nhưỡng nói đã không đấu tranh mạnh mẽ để trả lại doanh nghiệp, đây là 1 sai lầm lớn trong cuộc đời.

"Tôi chưa bao giờ nói bất cứ một lời nào gợi ý về tiền bạc, đây là phong cách của cả cuộc đời tôi", bị cáo Nhưỡng nói trước toà sơ thẩm.

Về cáo buộc anh Bùi Văn Thao (Hải Phòng) nhờ ông Nhưỡng can thiệp vào sự việc ở TP.Hải Phòng, bị cáo Nhưỡng trình bày dùng từ can thiệp với ông là hơi nặng. Theo bị cáo Nhưỡng, đó là một công việc rất bình thường của bất kỳ một đại biểu Quốc hội nào, và việc bị cáo buộc "can thiệp" khiến ông "rất suy nghĩ".

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khai, Cường "quắt" và anh Thao bàn với nhau thế nào ông không biết. Về cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng (bị cáo buộc hưởng lợi khi giúp anh Thao) được lắp ở nhà thờ của ông Nhưỡng, bị cáo cho rằng cánh cổng gỗ là Cường có ý định tặng ông khi ông khen cánh cổng nhà Cường đẹp.

Đáng chú ý, khi được HĐXX hỏi về vụ việc gửi kiến nghị đến các lãnh đạo ở Hải Phòng để giải quyết theo hướng có lợi cho ông Bùi Văn Thao, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khẳng định đó là một việc làm bình thường của một đại biểu Quốc hội.

Bị cáo Nhưỡng cho rằng, việc này không nhằm tư lợi bởi chiếc cổng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng được Cường lắp tại nhà thờ tổ của ông Nhưỡng ở Thái Bình "là tặng cho nhà thờ chứ không tặng cho cá nhân tôi".

MÂU THUẪN LỜI KHAI TRONG ĐẠI ÁN ĐĂNG KIỂM

Tại phiên phúc thẩm, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà nói không chỉ đạo thuộc cấp nhận hối lộ. Trong khi đó, cựu quyền Trưởng phòng VAR khai, bị cáo Hà nói phải nâng mức hưởng lợi của Cục trưởng lên mức cao nhất.

Ngày 7/1, TAND Cấp cao tại Tp.HCM tiếp tục phần xét hỏi đối với 139 bị cáo trong vụ án xảy ra Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Tp.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Theo án sơ thẩm, Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.

Trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, VAR có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.

Các đăng kiểm viên Phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.

Từ tháng 3/2019, bị cáo Trần Anh Quân, cựu quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới được các đăng kiểm viên báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Lợi dụng điều này, Quân thống nhất với các đăng kiểm viên việc sẽ chia cho Quân 700.000 đồng/hồ sơ. Quân sẽ dùng một phần chia lại cho bị cáo Trần Kỳ Hình. Các Phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ, phần còn lại các đăng kiểm viên được hưởng.

Đến tháng 8/2021, bị cáo Trần Kỳ Hình nghỉ hưu. Ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong cuộc họp với lãnh đạo Phòng VAR, bị cáo Hà yêu cầu phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.

Sau khi thống nhất, lãnh đạo Phòng VAR và các đăng kiểm viên đưa cho bị cáo Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ. Đến tháng 10/2022, khi cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm, nên các bị cáo không nhận tiền hối lộ trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế nữa.

Với hành vi trên, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 19 năm tù về tội Nhận hối lộ và 6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.

Bị cáo Hình ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền đã nhận từ Phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm, còn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD là tiền nhận hối lộ từ 63 cơ sở đóng tàu, để bỏ qua các sai phạm trong quá trình kiểm định, duyệt cấp đủ năng lực hoạt động.

Còn bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 19 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Ngoài ra, bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng.

Bị tuyên phạm tội Nhận hối lộ, bị cáo Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới) bị tuyên phạt 14 năm tù.

Sau đó, cả ba bị cáo vừa nêu trên đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin xem xét lại số tiền bị tuyên buộc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khai tại tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Trần Kỳ Hình nói bị cáo không chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền nhận hối lộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, mà chỉ chịu trách nhiệm về số tiền hơn 7,1 tỷ đồng mà cá nhân bị cáo được hưởng lợi.

Tương tự, bị cáo Đặng Việt Hà tiếp tục chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu và phủ nhận việc bị cáo chỉ đạo thuộc cấp nhận hối lộ.

Bên cạnh đó, bị cáo Hà còn cho biết bản thân không đồng ý với án sơ thẩm khi tuyên buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về số tiền 40 tỷ đồng nhận hối lộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trong khi đó, bị cáo Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng VAR) thừa nhận hành vi phạm tội tái khẳng định, việc đã nhận hối lộ từ 1 – 3 triệu đồng/hồ sơ để bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định.

Cũng theo bị cáo Quân, khi cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà lên chức Cục trưởng, ông Hà đã họp với Phòng VAR và được yêu cầu "phải nâng mức hưởng lợi của Cục trưởng lên mức cao nhất".

QUỐC HỘI LÊN KẾ HOẠCH HỌP BẤT THƯỜNG

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội dự kiến diễn ra trong 4 ngày rưỡi với nhiều nội dung quan trọng.

Sáng 7-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 9 QH khóa XV.

Trình bày báo cáo về chuẩn bị kỳ họp bất thường, Tổng Thư ký QH Lê Quang Tùng cho biết theo kế hoạch, QH sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của QH, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ QH và Văn phòng QH. Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp này đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH và các luật khác có liên quan tổ chức và hoạt động của QH.

Ông Lê Quang Tùng đề nghị tập trung trình QH xem xét, thông qua đối với 7 nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Cụ thể là các dự thảo: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH và các luật khác có liên quan; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của QH về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết của QH về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XVI; Nghị quyết của QH giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).

Theo Tổng Thư ký QH, việc sắp xếp tổ chức bộ máy là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do đó đề nghị các đoàn đại biểu QH chủ động tổ chức tiếp xúc cử tri theo cách thức phù hợp để thông tin đầy đủ đến cử tri, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương.

Về tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Tổng Thư ký QH đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về tiến độ hoàn thiện hồ sơ, tài liệu; đồng thời đề nghị Ủy ban Kinh tế, theo lĩnh vực phụ trách, báo cáo ý kiến về vấn đề này.

l Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 1-2025, thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết chuẩn bị trình QH - trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan việc thực hiện sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Nhấn mạnh thể chế là "đột phá của đột phá", là "động lực, nguồn lực cho sự phát triển" song vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo sát sao công tác xây dựng pháp luật, thể chế. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình QH tại kỳ họp bất thường lần thứ 9. Theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ rất nặng nề trong khi thời gian rất ngắn nên các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

ĐIỆN THOÁT LỖ, VẪN LO TĂNG GIÁ

Tổng kết hết năm 2024, ngành điện hân hoan báo tin đã thoát lỗ và có lợi nhuận. Tuy vậy, giá điện cũng được dự báo sẽ tăng trong năm nay khiến người dân và doanh nghiệp lại phập phồng, thấp thỏm.

Có thể tăng 5%?

Thông tin tại Hội nghị tổng kết ngành điện năm 2024 mới đây, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết doanh thu của tập đoàn trong năm qua đã tăng hơn 14% so với năm 2023, đạt 480.662 tỉ đồng, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 575.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý, báo cáo cho thấy năm 2024 EVN đã chính thức thoát lỗ.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, EVN báo cáo khoản lỗ hơn 13.000 tỉ đồng. Thế nhưng, sau khi được điều chỉnh giá điện tăng 4,8% từ tháng 10, doanh thu của tập đoàn đã cân đối được, hết lỗ. Cụ thể, ngày 11.10.2024, EVN thực hiện đợt tăng giá điện lên mức 2.103,1159 đồng/kWh, tăng 4,8% so với trước đó. Đây là lần tăng giá thứ ba sau 2 đợt tăng vào tháng 5 và tháng 11.2023. Năm 2023, EVN lỗ đến 34.245 tỉ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, số lỗ sau khi trừ thu nhập tài chính khác ở mức 21.822 tỉ đồng. Năm 2022, EVN cũng báo lỗ gần 36.300 tỉ đồng.

Báo cáo của EVN cũng đề cập đến việc có lợi nhuận trong năm 2024, song chưa nêu chi tiết. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là dù đã cân bằng được tài chính và có lợi nhuận, tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long lên dây cót "tinh thần chung là có thể giá điện phải tăng để bù đắp chi phí".

Phân tích về cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành điện, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng việc tăng 4,8% giá điện bình quân vào tháng 10 năm ngoái chỉ góp giảm lỗ phần nào. Bên cạnh đó, còn có thêm nhiều yếu tố như nguồn điện giá rẻ nhờ thủy điện tăng tốt nhờ nước về dồi dào, giá than đá thế giới không tăng mạnh…

Nói rõ hơn về "tinh thần tăng giá điện", theo ông Đình, là để có thể tăng tiếp vì ngoài việc bù chi phí, ngành điện còn thu hút đầu tư các dự án nguồn mới.

"Trong tương lai khó có nguồn điện giá rẻ, nhất là khi nguồn điện mới theo Quy hoạch điện 8 nêu là các nguồn điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng… rất khó có chi phí sản xuất giá rẻ", ông Đình nói rõ.

Dẫn chỉ đạo của Thủ tướng, để GDP tăng trưởng 8%, nhu cầu về điện sẽ tăng khoảng 12%, ông Đào Nhật Đình nhấn mạnh đó là thách thức lớn khi cả năm 2024 tổng công suất đặt chỉ tăng có 1.500 MW. Do đó, EVN đã, đang đẩy nhanh tiến độ các nhà máy điện đang xây dựng của mình và phối hợp với Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Than và Khoáng sản VN, các nhà đầu tư tư nhân thúc đẩy tiến độ xây dựng các nhà máy điện, nhằm bổ sung thêm nguồn điện mới.

Trong bối cảnh Quy hoạch điện 8 đã được ban hành gần 2 năm, nhưng không có nguồn điện lớn nào được khởi công xây dựng, EVN sẽ phải thúc đẩy khởi công các dự án như thủy điện tích năng Bác Ái, nhiệt điện Quảng Trạch 2 và điện gió ngoài khơi… Đặc biệt, tới đây, EVN sẽ đảm nhận làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN tại tỉnh Ninh Thuận. Với các nguồn điện mới, giá điện tăng mới có thể hấp dẫn nhà đầu tư.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán BSC cũng dự báo năm 2025 EVN có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân 4 - 8% trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân hiện hành vẫn thấp hơn giá thành sản xuất điện năm 2023 (2.088,90 đồng/kWh) do nguồn cung điện giá rẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Báo cáo nêu rõ, giá điện tăng 4,8% năm ngoái làm CPI tăng 0,16% và giá điện tăng tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất cũng như sinh hoạt trong toàn nền kinh tế, do đó sẽ kéo theo mặt bằng giá cả hàng hóa chung tăng lên, làm tăng tốc độ lạm phát. Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo EVN sẽ cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2025 ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) để có thể hòa vốn.

Không phải tăng giá mới thu hút được đầu tư

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế lại không ủng hộ việc tăng giá điện sớm. Ngay sau khi lãnh đạo Bộ Công thương "bật đèn xanh" cho tăng giá điện sớm trong năm nay, trên một số diễn đàn năng lượng tái tạo, một số ý kiến thắc mắc ngành điện đã thoát lỗ rồi, sao lại "nhăm nhe" cho tăng giá điện tiếp? Đây cũng là ý kiến của nhiều người dân, doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, giải thích: "Ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng có vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng bền vững, xanh hóa nền kinh tế VN năm 2025. Trách nhiệm khá nặng nề, phải đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng công suất chuyển tải điện; cân đối các nguồn năng lượng phù hợp, tăng nguồn năng lượng sạch nhưng phải phù hợp phụ tải… Bên cạnh đó phải ứng phó với sự bất ổn về giá của thị trường, sự bất định khí hậu trong thời gian tới. Đó là những áp lực lên giá điện".

Tuy nhiên, ông Việt nhấn mạnh rằng tăng giá điện để ứng phó với các khó khăn, bất ổn nói trên không phải là giải pháp của ngành điện. "Trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới năm nay được dự báo có thể đi ngang, thậm chí giảm nhẹ, cộng với chính sách mới từ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ giữ giá cả năng lượng ổn định hơn, xung đột được hạ nhiệt, tăng khai thác năng lượng hóa thạch… Thế nên, việc cho rằng tăng giá điện để bù đắp đầu tư, bù lỗ cho những khoản lỗ cũ từ mấy năm trước không khả thi trong tình hình hiện nay. Lý do, năm nay áp lực lạm phát còn rất lớn, tích lũy của người dân chưa cao, nhu cầu tiêu dùng trong nước còn thấp, áp lực chi phí hàng hóa, dịch vụ cơ bản vẫn chiếm phần lớn trong rổ chi tiêu, lạm phát có nguy cơ tăng. Chính vì vậy, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu lạm phát với mức "sát sao" 4,5% chứ không cho khung dao động nữa. Như vậy, tăng giá điện đồng nghĩa với chi phí đầu vào của DN tăng sẽ tạo áp lực lớn cho nền kinh tế", TS Nguyễn Quốc Việt phân tích và khuyến cáo: "Giữ mặt bằng giá bằng việc bảo đảm chi phí đầu vào ổn định là cần thiết".

Về thu hút đầu tư vào ngành điện, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng không nên lạm dụng nguồn lực nhà nước đổ vào ngành điện mà phải tăng nguồn đầu tư khác, gồm nước ngoài, quỹ đầu tư, tư nhân… Việc khơi thông nguồn vốn tư nhân không chỉ có giải pháp tăng giá bán điện mà nên có nhiều cơ chế khác như cơ chế giá điện 2 thành phần, cơ chế mua bán điện trực tiếp một cách hiệu quả.

"Cơ chế bán lẻ điện trực tiếp, tách bạch nguồn điện sản xuất trong khu công nghiệp với nguồn bán cho người dân, bỏ bù chéo giá bán điện… đã là khuyến khích nhà đầu tư rồi", ông Việt nói thẳng.

"Khi thị trường có cơ chế giá bán điện sạch, doanh nghiệp có nhu cầu sẵn sàng trả giá cao hơn, thay vì phải dùng điện không sạch rồi phải trả thêm các chi phí phát thải, chi phí môi trường. Thứ 2, tách bạch giá điện bán cho sản xuất và tiêu dùng, không nên kéo dài cơ chế bù chéo. Có cơ chế mua bán điện trực tiếp trong các khu công nghiệp, không qua lưới sẽ có nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư hệ thống hạ tầng riêng để phân phối điện trong các khu công nghiệp, khu lân cận. Cho mua bán điện trực tiếp từ bán lẻ đến bán buôn, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm theo giờ; giảm chi phí trung gian… sẽ tạo động lực lớn mở rộng thu hút đầu tư tư nhân rất lớn", chuyên gia này nói.

Nguồn: Đời sống & Pháp luật; Người Đưa Tin; Soha; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang