Lời cảnh báo khẩn; Liều chết đi tìm nước ở Khartoum; Làn sóng Covid-19 mới ở TQ; NATO tìm lãnh đạo mới; Bầu cử ở Thổ

Lời cảnh báo khẩn

Châu Á đang trải qua một trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất lịch sử dù chỉ mới đầu hè.

Mức nhiệt cao, nhiều ngày lên tới hơn 45 độ C tại khu vực Nam Á kéo dài từ tháng 4 tới nay đã khiến ít nhất 13 người ở Ấn Độ tử vong do sốc nhiệt, trong khi hàng triệu người dân nước láng giềng Bangladesh phải chịu cảnh mất điện giữa những ngày nóng nhất trong gần 60 năm. Thành phố Tak ở miền Tây Thái Lan có lúc đo được mức nhiệt cao chưa từng thấy là 45,4 độ C. Thái Lan, Malaysia đã ghi nhận những nạn nhân tử vong do nắng nóng. Myanmar, Lào, Nepal, Trung Quốc liên tiếp trải qua những ngày nắng nóng 42 - 43 độ C.

Trong tuần này, nhiệt độ đã tăng vọt trên 32 độ C tại các vùng thuộc bang Oregon, Washington và British Columbia của Mỹ, cao hơn gần 10 độ C so với mức trung bình tháng 5 hằng năm. Tại quốc gia láng giềng Canada, cháy rừng diễn biến nghiêm trọng nhiều tuần dù đang là mùa xuân và chưa bước vào giai đoạn cao điểm nắng hè. Hàng chục nghìn người phải sơ tán, hơn 945.000 ha rừng và đồng cỏ bị thiêu rụi.

Tại châu Âu, vùng Gimenells ở Catalonia, Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán tồi tệ nhất trong 100 năm qua. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng nắng nóng như thiêu đốt có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong năm nay do tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino.

Thực tế những năm gần đây, nắng nóng cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng lớn. Theo tổ chức World Weather Attribution (WWA), biến đổi khí hậu đã làm tăng tối thiểu 30 lần khả năng xảy ra sóng nhiệt, một trong những hình thái thời tiết cực đoan gây hậu quả nghiêm trọng nhất. WWA cảnh báo nếu như trước đây những đợt thời tiết khắc nghiệt mà Ấn Độ và Bangladesh mới trải qua thường chỉ xảy ra 1 lần trong 1 thế kỷ thì với tác động của biến đổi khí hậu, tần suất này rút ngắn còn 5 năm 1 lần.

Biến đổi khí hậu cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện "El Nino - Dao động phương Nam" (ENSO), xảy ra khi nhiệt độ lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương cao hơn so với nhiệt độ trung bình nhiều năm. Hiện tượng này thường kéo dài từ 8 - 12 tháng với tần suất lặp lại khoảng 3 - 4 lần/năm, và có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhiệt độ, lượng mưa trên toàn thế giới.

Năm 2018, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhấn mạnh thách thức lớn chưa từng có của việc cần giới hạn mức tăng nhiệt trên Trái Đất ở 1,5 độ C như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để tránh những thảm họa khôn lường. 5 năm sau, thách thức đó thậm chí còn lớn hơn do khí thải nhà kính không ngừng tăng. Hiện nhiệt độ hành tinh đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo toàn cầu đang trên đà nóng lên vượt mức 1,5 độ C trong 5 năm tới. Với mỗi 0,1 độ C tăng lên, nắng nóng cực đoan và các hình thái thời tiết bất thường càng nghiêm trọng hơn, gây nhiều thảm họa hơn. Tuy nhiên, tốc độ và quy mô của các kế hoạch cùng những biện pháp được thực hiện cho đến nay được đánh giá là không đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Thậm chí, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo với những chính sách như hiện tại, nhiệt độ Trái Đất có thể sẽ tăng hơn 2,8 độ C.

Ứng phó với nắng nóng, tại Mỹ, thành phố Los Angeles phát động chiến dịch xây dựng thêm “các trung tâm phục hồi” cung cấp bóng râm và làm mát bằng năng lượng tái tạo trong các cộng đồng có nguy cơ cao. Đến nay, thành phố này đã có mạng lưới các trung tâm làm mát, chủ yếu ở các thư viện, nơi mọi người có thể đến để tránh nắng nóng. Phoenix, thành phố giữa sa mạc Sonoran, đang thực hiện một số cải cách trong đó có việc xây dựng vỉa hè làm mát bằng chất liệu đặc biệt phản chiếu ánh nắng Mặt Trời. Thành phố Miami đang lên kế hoạch triển khai các chiến dịch trồng cây ở đô thị lớn, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp trang trải hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình thu nhập thấp.

Tại Trung Quốc, một số công ty chuẩn bị thuốc và nước khoáng mát, điều chỉnh ca làm, giảm thời gian làm việc cho công nhân làm việc ngoài trời (như vệ sinh, bảo trì lưới điện…). Trong khi đó, để đảm bảo lưới điện hoạt động an toàn và ổn định trong thời gian cao điểm nắng nóng, một số công ty cấp điện đã tăng tần suất kiểm tra lưới điện, đồng thời sử dụng các thiết bị thông minh như máy bay không người lái, nhiệt kế hồng ngoại và thiết bị dò lỗi cáp để đảm bảo mạng lưới điện hoạt động ổn định.

Một sáng kiến ý nghĩa khác đó là bảo hiểm thời tiết dựa trên tham số, trong đó có bảo hiểm nắng nóng được coi là “phao cứu sinh” cho lao động nghèo. Trung tâm phục hồi thuộc quỹ từ thiện Arsht-Rock của Mỹ đã hợp tác với công ty bảo hiểm vi mô Blue Marble và Hiệp hội phụ nữ tự doanh (SEWA) bang Gujarat của Ấn Độ triển khai chương trình này kể từ tháng 5, theo đó chi trả phí bảo hiểm tối đa không quá 85 USD cho mỗi người tham gia để giúp họ bù đắp thu nhập mất đi do nắng nóng cũng như mua các vật dụng để bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ những biện pháp đối phó với nắng nóng chỉ mang tính chất cấp bách, tạm thời. Bởi thời tiết cực đoan chính là bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra. WMO cảnh báo diễn biến El Nino sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có trong giai đoạn từ 2023 đến 2027, tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.

Theo tính toán của các nhà khoa học Anh và Trung Quốc, khoảng 2 tỷ người, chiếm 23% dân số toàn cầu, sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này nếu các chính sách khí hậu tiếp tục theo quỹ đạo hiện nay. Trong kịch bản lạc quan hơn, dù đảm bảo được mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 1,5 độ C, tới thời điểm đó, vẫn có tới 400 triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm.

Có thể thấy các hiện tượng cực đoan dồn dập do biến đổi khí hậu, đặc biệt là nắng nóng kỷ lục, là lời cảnh báo khẩn cấp, đòi hỏi các quốc gia, các chính phủ và người dân phải có bước đột phá trong mọi hành động để gỡ "quả bom hẹn giờ" khí hậu, bảo vệ “Mẹ Trái Đất” và cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

(Nguồn: CafeF)

Liều chết đi tìm nước ở thủ đô Sudan

Giao tranh ở Sudan khiến hàng trăm nghìn người dân Khartoum không có nước sinh hoạt, buộc họ phải ra ngoài tìm nước bất chấp rủi ro trúng bom đạn.

Ngày 15/4, khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), trạm cung cấp nước ở một số quận phía bắc thủ đô Khartoum bị hư hại. Kể từ đó, khoảng 300.000 người không được tiếp cận nước qua đường ống. Một số người phải dùng nước giếng hoặc xách nước từ sông Nile.

Giao tranh đã kéo dài đến tuần thứ 6 giữa thời tiết thường xuyên lên tới 40 độ C, nhiều người dân ở vùng ngoại ô phía bắc Khartoum đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

"Khi giao tranh mới nổ ra, chúng tôi lấy nước giếng từ các nhà máy trong khu công nghiệp nhưng sau một tuần, RSF đã chiếm giữ các khu vực này", Adel Mohammed, cư dân trong vùng, nói.

Bởi đụng độ bao trùm khu vực, giao tranh diễn ra trong các tòa nhà dân cư và bệnh viện, Mohammed phải đợi nhiều ngày mới có thể mạo hiểm ra ngoài lấy nước. Anh và hàng xóm chờ đụng độ lắng xuống trong thời gian ngắn ngủi để mang xoong nồi, xô chậu, bình đựng tới bờ sông Nile. Họ chất đầy nước lên xe tải, quay lại phân phối cho mỗi gia đình trong phố vài lít.

Tuy nhiên, nhiều người đã rời đi. "Thiếu nước chứ không phải bom đạn và giao tranh là nguyên nhân buộc tôi phải rời đi", Rashed Hussein, người cùng gia đình chạy tới Madani, cách Khartoum khoảng 200 km về phía nam, nói.

Hussein là một trong số hơn một triệu người Sudan phải di dời trong cuộc xung đột. Anh cho hay không thể chịu nổi cảnh con cái không có nước sạch để ăn uống, tắm rửa.

Ngay cả trước nội chiến, 17,3 triệu người Sudan cũng không được tiếp cận với nước uống an toàn, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Các bệnh lây nhiễm qua đường nước và vệ sinh kém là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Salah Mohammed, cư dân Bắc Khartoum, vẫn ở lại bất chấp giao tranh. Anh tìm được nguồn nước là giếng trong bệnh viện gần đó, nơi xử lý nước cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Nhưng sau một tuần, RSF chiếm được bệnh viện và anh không thể vào đây lấy nước nữa.

Rashida al-Tijani sống gần một bệnh viện khác, nơi có thể tìm được nước. Cô đợi tới khi tiếng súng ngừng lại để đến bệnh viện càng nhanh càng tốt, mang về nhiều nước nhất có thể cho gia đình. "Tôi không thể giặt bất kỳ món đồ nào từ khi giao tranh nổ ra", cô nói.

Cuộc sống thường nhật và nền kinh tế đình trệ do xung đột, ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng và dịch vụ công vốn đã yếu kém của Sudan. Công chức nghỉ làm vô thời hạn. Các tay súng RSF chiếm bệnh viện, nhà máy, tòa nhà công cộng.

Người dân đã thành lập mạng lưới giữa các khu phố gọi là Ủy ban Kháng cự để mở bệnh viện dã chiến, trạm phân phối thực phẩm và nước uống. "Từ khi cuộc chiến nổ ra, chúng tôi bắt đầu cung cấp nước cho người dân", một thành viên cho hay.

"Trong một lần đi tìm nước, người bạn Yassine của chúng tôi đã trúng đạn tử vong", anh nói. "Chúng tôi buộc phải chôn cất anh ấy mà không thể tắm rửa vì không có nước".

(Nguồn: Vnexpress)

Làn sóng Covid-19 mới có thể lây nhiễm 65 triệu người Trung Quốc một tuần

Nhà chức trách Trung Quốc đang gấp rút đưa ra vắc xin để chống lại làn sóng Covid-19 mới đang diễn ra, dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 6 và lây nhiễm cho 65 triệu người một tuần.

Hiện nay, các biến thể XBB mới của virus corona đang tiến hóa để vượt qua khả năng miễn dịch mà người dân Trung Quốc có được sau khi nước này từ bỏ chính sách "Không Covid-19" hồi năm ngoái.

Tờ The Washington Post dẫn lời nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc - ông Zhong Nanshan hồi đầu tuần này cho biết, hai loại vắc xin mới để chống lại các biến thể phụ XBB Omicron (bao gồm XBB 1.5 và XBB 1.16) đã được chấp thuận sơ bộ.

Phát biểu tại diễn đàn công nghệ sinh học tại Quảng Châu, ông Zhong Nanshan nói, có 3 tới 4 loại vắc xin khác sẽ sớm được phê duyệt song không nêu thông tin chi tiết.

Đợt bùng phát mới có thể là làn sóng lây nhiễm mới nhất kể từ khi Trung Quốc bỏ chính sách "Không Covid", khiến 85% dân số nước này mắc Covid-19 vào thời điểm đó.

Dù các quan chức Trung Quốc cho hay, làn sóng Covid-19 mới sẽ ít nghiêm trọng song các chuyên gia y tế vẫn cho rằng cần có một chương trình tăng cường vắc xin và phải sẵn sàng cung cấp thuốc kháng virus tại các bệnh viện để ngăn chặn số ca tử vong gia tăng ở nhóm dân số già.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh, các biến thể đã làm tăng số ca mắc bệnh kể từ tháng trước và Covid-19 đã vượt qua cúm để trở thành bệnh lây nhiễm phổ biến nhất trong hai tuần cuối của tháng 4.

Các quan chức y tế Trung Quốc đã trấn an công chúng rằng các ca tái nhiễm Covid-19 sẽ thấy triệu chứng nhẹ hơn và các bệnh viện sẽ không bị quá tải như mùa đông năm ngoái. Một số bệnh viện đã khuyến cao người dân đeo khẩu trang và những người già, người suy giảm miễn dịch nên tránh nơi đông người.

(Nguồn: Vietnamnet)

NATO đang dốc sức tìm lãnh đạo mới

Cuộc đua trở thành người lãnh đạo kế tiếp của NATO đang tăng nhiệt dù phần lớn diễn ra âm thầm và chưa có dấu hiệu của người chiến thắng.

Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký người Na Uy của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, sẽ từ chức vào cuối tháng 9 năm nay sau 9 năm đảm nhiệm vị trí này.

Nhiều thành viên NATO muốn việc kế nhiệm ông Stoltenberg được hoàn tất trước hoặc trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào giữa tháng 7. Việc này khiến NATO không còn nhiều thời gian đạt được sự đồng thuận cần thiết để chọn một nhà lãnh đạo mới. Họ cũng có thể yêu cầu ông Stoltenberg đảm nhận nhiệm kỳ thứ tư.

NATO gồm 31 nước thành viên trải dài từ Hoa Kỳ qua Phần Lan tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ai lên ghế Tổng thư ký NATO lúc này cũng sẽ đối mặt với thách thức kép là giữ cho NATO đoàn kết chặt chẽ trong việc hỗ trợ Ukraine và đề phòng bất kỳ sự leo thang nào có thể kéo NATO trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.

Một người có đủ khả năng để phán đoán những gì đang rủi ro là cựu lãnh đạo liên minh Anders Fogh Rasmussen, người đã phát biểu tại một cuộc họp báo trong tháng này rằng các đồng minh NATO chớ vội vàng đưa ra quyết định.

“Tương lai, tân tổng thư ký của NATO phải đáp ứng hai yêu cầu: thứ nhất là có thể duy trì sự đoàn kết trong liên minh và thứ hai là có thể mạnh miệng đanh thép với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin và các nhà độc tài khác đang đe dọa liên minh” ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuần trước tuyên bố rằng ông thích công việc này. Tuy nhiên, khi một số chính phủ thúc đẩy việc có một nữ tổng thư ký NATO đầu tiên thì Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký.

Ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO, người đã phục vụ trong liên minh trong 38 năm, nói ông nghĩ có khả năng liên minh sẽ chọn một nhà lãnh đạo hiện tại vì mối liên lạc của họ và khả năng nói chuyện với các đồng nghiệp.

Mặc dù có vai trò rất công khai, nhưng cuộc cạnh tranh cực kỳ không rõ ràng, chủ yếu diễn ra trong các cuộc tham vấn giữa các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao. Những cuộc tham vấn đó tiếp tục cho đến khi tất cả các thành viên NATO đồng ý rằng họ đã đạt được sự đồng thuận.

“Giống như ở Vatican khi tân Giáo hoàng được chọn,” ông Shea nói.

Nhiều nhà ngoại giao coi ông Wallace ít có cơ may cho công việc này, mặc dù ông được tôn trọng rộng rãi trong liên minh. Một số thành viên mong muốn chọn một nữ lãnh đạo thì phản đối ông.

Và một số nước, đặc biệt là Pháp, muốn một người nào đó đến từ một quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, với hy vọng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO và EU.

Bà Frederiksen đáp ứng tất cả các tiêu chí trên. Mặc dù bà nói rằng bà không phải là một ứng cử viên, nhưng bà không nói bà không quan tâm đến chức vụ này. Các nhà ngoại giao NATO nói rằng đằng sau hậu trường, bà đang được xem xét nghiêm túc.

Tên bà Frederiksen lần đầu tiên xuất hiện công khai trong một bản tin của tờ báo VG của Na Uy vào tháng trước và truyền thông tuần này đồng loạt quan tâm tới bà Frederiksen khi Toà Bạch Ốc thông báo rằng bà sẽ đến thăm Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào đầu tháng 6.

Bà nói với các phóng viên ở Copenhagen hôm 24/5 rằng: “Tôi không nạp đơn vào bất kỳ công việc nào,” bác bỏ suy đoán rằng chuyến thăm có thể dẫn đến một cuộc phỏng vấn xin việc cho vai trò của NATO.

Theo truyền thống, vị trí này thuộc về một người châu Âu, nhưng bất kỳ ứng cử viên nghiêm túc nào cũng cần có sự ủng hộ từ Washington, cường quốc thống trị NATO.

Một nguồn thạo tin cho hay chính quyền Biden vẫn chưa có ứng cử viên ưa chuộng và một “cuộc tranh luận sôi nổi” giữa các phụ tá hàng đầu đang diễn ra.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói “còn quá sớm trong quá trình này để suy đoán xem Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ai”.

Bà Frederiksen, 45 tuổi, thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, trở thành thủ tướng trẻ nhất Đan Mạch năm 2019. Bà được ca ngợi về khả năng quản lý khủng hoảng trong đại dịch COVID-19 và đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm ngoái.

Bà sẽ phải từ bỏ chức vụ thủ tướng nếu nhận công việc ở NATO, điều mà các nhà bình luận chính trị cho rằng sẽ đẩy chính phủ mong manh của bà đến bờ vực sụp đổ.

Và một chiến dịch vận động cho chiếc ghế tại NATO sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Đất nước của bà không đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng. Đan Mạch ở mức 1,38%, mặc dù bà Frederiksen đã cam kết tăng tốc các nỗ lực để đạt được mục tiêu.

Một số đồng minh cũng cho rằng lần đầu tiên công việc này nên được giao cho một nước Đông Âu, đặc biệt là khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến khu vực này trở nên quan trọng hơn đối với NATO.

Nếu bà Frederiksen được chọn, bà sẽ là người đứng đầu NATO thứ ba liên tiếp đến từ một quốc gia Bắc Âu.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen của Đức và Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng có tên trong các cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao và báo chí.

Nhưng các nhà ngoại giao nói rằng đối với một số thành viên NATO, bà Kallas được coi là quá hiếu chiến với Nga. Berlin muốn bà von der Leyen ở lại Ủy ban. Còn bà Freeland phải đối mặt với những trở ngại lớn khi là một nhân vật không phải gốc châu Âu đến từ một quốc gia bị coi là chậm chạp trong chi tiêu quốc phòng.

Những cái tên khác thường xuất hiện là cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.

Nhưng ông Rutte khẳng định ông không muốn công việc đó. Và ông Sanchez có một cuộc tổng tuyển cử để vận động vào cuối năm nay.

Một số nhà ngoại giao cũng nghi ngờ nhiều ứng cử viên có thể không được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chấp nhận, người vốn không hề tỏ ra e ngại về việc ngăn chặn sự đồng thuận của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Hungary, đang kìm giữ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Thiếu ứng viên được đa số ủng hộ làm tăng khả năng nhiệm kỳ của ông Stoltenberg sẽ được gia hạn một lần nữa, có lẽ cho đến một hội nghị thượng đỉnh NATO khác vào năm 2024.

Nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2 vừa qua, ông Stoltenberg không suy đoán về tương lai của mình và khẳng định rằng nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào mùa thu.

(Nguồn: VOA)

Yếu tố chi phối kết quả vòng nước rút bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu ông Erdogan có thể nối dài thời gian cầm quyền của mình – vốn đã kéo dài 20 năm – hay không, với nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm lần thứ 3.

Người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 28/5 trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai (runoff) giữa Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan và ứng cử viên Kemal Kilicdaroglu của phe đối lập.

Cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu ông Erdogan có thể nối dài thời gian cầm quyền của mình – vốn đã kéo dài 20 năm – hay không, với nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm lần thứ 3.

Cử tri cực hữu

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 14/5, ông Erdogan đã nhận được 49,5% số phiếu ủng hộ, chỉ thiếu một chút là giành đủ đa số cần thiết (hơn 50%) để tránh vòng bỏ phiếu thứ hai được coi là một cuộc trưng cầu dân ý về cách ông lãnh đạo quốc gia liên lục địa Á-Âu này.

Ông Kilicdaroglu, ứng cử viên của liên minh 6 đảng đối lập, nhận được 44,9% số phiếu ủng hộ.

Về thứ 3 là ông Sinan Ogan – ứng cử viên đại diện cho Liên minh những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan (ATA) với 5,2% số phiếu.

Mặc dù bị loại, ứng cử viên cực hữu này có khả năng trở thành một kingmaker – người nắm vai trò quyết định thắng thua cho 2 đối thủ trong vòng runoff sắp tới.

Nhiệm vụ của ông Erdogan và ông Kilicdaroglu bây giờ là làm thế nào thu hút được 2,8 triệu cử tri cực hữu, những người có thể tạo ra sự khác biệt.

Kể từ đó, ông Kilicdaroglu đã nhân lên nhiều lời kêu gọi ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc chọn phe, đồng thời thay đổi lập trường của mình về vấn đề nhập cư, đặc biệt là đối với 3,7 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù trước đó tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền.

“Đó là một sự mâu thuẫn”, ông Sinan Ciddi, một nhà khoa học chính trị chuyên về Thổ Nhĩ Kỳ và là nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Foundation for the Defense of Democracies (FDD), nói với Euronews.

“Trong nhiều tháng, họ đã nói về sự hòa nhập, sự khác biệt… Và bây giờ, trong khoảng thời gian khoảng 10 ngày, ứng cử viên của Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) trung tả đã chuyển hẳn sang cánh hữu”.

Nhưng nỗ lực của ông Kilicdaroglu đã không mấy thành công. Hôm 22/5, ông Ogan đã tuyên bố ủng hộ ông Erdogan, mặc dù không rõ có bao nhiêu người trong số 5,2% cử tri đã bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu này ở vòng đầu tiên sẽ đi theo sự dẫn dắt của ông trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 sắp tới.

Việc Liên minh ATA tan rã sau thất bại bầu cử vừa qua cũng khiến việc dự đoán các cử tri cực hữu sẽ bỏ phiếu như thế nào vào ngày 28/5 tới trở nên khó khăn hơn.

Đối nội, đối ngoại

Cuộc bỏ phiếu sẽ quyết định không chỉ ai là người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO với 85 triệu dân, với nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí, mà còn định hình chính sách đối ngoại của nước này.

Những người chỉ trích ông Erdogan nói rằng chính phủ của ông đã bịt miệng những người bất đồng chính kiến, làm xói mòn các quyền và kiểm soát hệ thống tư pháp. Các quan chức đã bác bỏ những cáo buộc trên.

Kinh tế là một khía cạnh quan trọng trong cuộc đua giành ghế Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà kinh tế cho rằng chính chính sách lãi suất thấp bất thường của ông Erdogan bất chấp giá cả tăng cao đã đẩy lạm phát lên 85% vào năm ngoái và khiến đồng Lira giảm xuống còn 1/10 giá trị so với đồng USD trong thập kỷ qua. Ông Kilicdaroglu đã cam kết quay trở lại chính sách kinh tế chính thống hơn và khôi phục sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.

Về đối ngoại, dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sức mạnh quân sự ở Trung Đông và hơn thế nữa, củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, đồng thời chứng kiến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng. Ankara cho đến nay vẫn chặn tư cách thành viên của Thụy Điển trong liên minh quân sự NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Moscow và Kiev về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, và ông Erdogan tuần trước cho biết thỏa thuận đã được gia hạn thêm 2 tháng.

Không rõ nếu ông Erdogan thua cuộc thì người kế nhiệm ông có thể đạt được thành tích tương tự mà ông đã tạo ra cho Thổ Nhĩ Kỳ trên trường thế giới hay không.

Theo quy định bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ, các tin tức, dự báo và bình luận về cuộc bỏ phiếu bị cấm cho đến 18h giờ địa phương ngày 28/5, và các phương tiện truyền thông chỉ được tự do đưa tin về kết quả bầu cử từ 21h trở đi. (Giờ Việt Nam trước giờ Thổ Nhĩ Kỳ 4 tiếng).

Tuy nhiên, Hội đồng Bầu cử Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YSK) có thể cho phép các phương tiện truyền thông đưa tin về kết quả sớm hơn và thường là như vậy. Kết quả cuộc bầu cử nước rút Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/5 tới có thể sẽ xuất hiện sớm hơn so với kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 do lá phiếu vòng 2 tương đối đơn giản.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang