Loạt cây xăng 'nghỉ Tết'; Bãi thải thành nhung lụa; Những doanh nghiệp lãi tỷ USD; Hết thời 'ai rồi cũng đi buôn đất'

SỞ CÔNG THƯƠNG TP.HCM LÊN TIẾNG VIỆC LOẠT CÂY XĂNG BẤT NGỜ "NGHỈ TẾT"

(Ảnh minh hoạ).

Sở Công Thương TPHCM cho biết, hôm nay (25/1) lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra những cây xăng đóng cửa vì lý do “nghỉ Tết”.

Như Tiền Phong đã phản ánh, ngày 24/1 (mùng 3 Tết), trên địa bàn TPHCM có một số cây xăng đóng cửa với lý do "nghỉ Tết".

Các cây xăng nói trên, gồm: Cây xăng Hoàng Phong tại số 611, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), cửa hàng xăng dầu Bình Thuận (thuộc DNTN Hiệp Quế) trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), cây xăng Quang Liêm trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) và một số cây xăng trên Quốc lộ 50…

Lý giải nguyên nhân một số cây xăng đóng cửa "nghỉ Tết", Sở Công Thương TPHCM cho biết, trước Tết, các đơn vị này có báo cáo và xin phép Sở Công Thương được nghỉ bán trong vài ngày vì nhân viên về quê đón Tết.

Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, đã chỉ đạo Đội QLTT số 3 kiểm tra các cây xăng đang đóng cửa tại Quận 7 và sẽ có thông tin sớm trong ngày 25/1.

Theo Cục QLTT TPHCM, trong thời gian qua, lực lượng này thường xuyên giám sát tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố. Đến nay, tình hình cung ứng xăng dầu vẫn ổn định. Thành phố có hơn 550 cửa hàng xăng dầu, số đóng cửa hiện chỉ vài cửa hàng, chỉ là cá biệt, đóng cửa do nhân viên nghỉ Tết là chính, không phải do thiếu nguồn cung.

Trong quá trình giám sát, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Cục QLTT sẽ chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tiến hành kiểm tra, làm việc ngay với các đơn vị kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm.

Liên quan đến tình hình kiểm tra việc cung ứng xăng dầu trên cả nước, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT - cho biết, ngay khi nắm thông tin về một số cây xăng đóng cửa "nghỉ Tết", đơn vị này đã chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh hiện tượng đóng cửa "nghỉ Tết" nếu có; khắc phục ngay hiện tượng thiếu nhân viên do nghỉ Tết, bảo đảm việc cung ứng xăng để phục vụ người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Tổng cục QLTT cũng yêu cầu hệ thống kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo và công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hôm nay (25/1), lãnh đạo Tổng cục QLTT sẽ kiểm tra tình hình cung ứng xăng dầu ở một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước.

(Nguồn: Kenh14)

KHI BÃ THẢI TRỞ THÀNH NHUNG LỤA

Bột sắn, bột bắp trở thành túi phân hủy sinh học. Bã cà phê, chai nhựa có thể kết hợp tạo thành sợi vải may quần áo với tính năng không ngờ.

‘Tôi muốn thấy con mình được lớn lên khỏe mạnh’

6 năm. Đây là quãng thời gian mà Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ HRK, bà Thái Như Hằng, cùng các cộng sự nghiên cứu, phát triển sản phẩm túi phân hủy sinh học hoàn toàn bằng vi sinh vật.

Khoảng thời gian trên, tài chính của công ty gặp khó khi chỉ bỏ tiền đầu tư mà không sinh lời. Khách hàng doanh nghiệp B2B chưa sẵn sàng trả tiền cho túi thân thiện với môi trường có giá cao hơn túi nilon truyền thống. “Cơ hội đến quá lâu. Nhiều khoản chi phí để nuôi quân, nuôi ước mơ. Chúng tôi từng nghĩ sẽ từ bỏ. Nhưng khi trở thành phụ huynh, tôi chỉ muốn nhìn ngắm con mình được lớn lên, sống, phát triển trong môi trường trong lành. Chính mỗi chiếc túi ‘xanh’ góp phần thực hiện điều đó”, bà Hằng nói.

Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng dần thay đổi nhận thức, quan tâm đến các sản phẩm “xanh”, túi đựng hàng hóa trung gian cũng cần yếu tố thân thiện môi trường. Từ đó, lượng đơn đặt sản phẩm túi của HRK dần tăng.

Hiện doanh nghiệp là đối tác B2B của N Kid Group, Biti's, Trung tâm mua sắm Takashimaya, MM Mega Market, Wink Hotel Saigon Centre, Movenpick Resort Waverly Phú Quốc... Đơn vị cung cấp ra thị trường trung bình khoảng 40-50 tấn/tháng dòng túi phân hủy sinh học hoàn toàn bằng vi sinh vật, đồng thời, cung cấp hạt nhựa sinh học cho các nhà máy sản xuất khác.

HRK đang có hai dòng túi gồm: Biodegradable Bag (sản xuất từ bột sắn, bột bắp hoặc khoai tây kết hợp với PE); Compostable Bag (sản xuất từ tinh bột, PLA, PBAT). Hai dòng túi đều phân hủy trong điều kiện chôn lấp ngoài môi trường tự nhiên dưới tác động của vi sinh vật, tạo thành CO2, H2O và mùn.

Đáng chú ý, thời gian phân hủy của Biodegradable Bag là 24-36 tháng, Compostable Bag là 9-12 tháng. Trong khi đó, túi nilon thông thường sẽ tốn vài trăm năm mới có thể phân hủy, còn dòng túi nhựa tự hủy OXO (99% nhựa + 1% OXO) lại phân rã thành hàng tỷ vi nhựa, không biến mất hoàn toàn trong môi trường.

Cà phê, vỏ hàu, sen làm quần áo

Ở một bước tiến xa hơn, đối tác tại Đài Loan của Công ty Thời trang Faslink đã sớm sản xuất dòng sợi bền vững từ cà phê, bạc hà, vỏ hàu, sen...

Chẳng hạn, bã cà phê đã qua sử dụng được doanh nghiệp Đài Loan thu gom từ các cửa hàng cà phê, đem về sấy khô, nghiền mịn ở kích thước phân tử nano, sau đó trộn với polyester được làm từ nhựa tái chế (loại chai nhựa trong, phần thân chai nước suối như Lavie, Aquafina,... ). Polyester đóng vai trò kết nối tinh chất cà phê, sự pha trộn đó tạo thành các hạt chủ, dùng để kéo thành sợi, dệt vải.

Trưởng phòng Phát triển sản phẩm của Faslink, ông Võ Thành Phước, cho hay, một áo thun trơn cơ bản cần khoảng 3 tách bã cà phê (tương đương 75g) và 5 chai nhựa để tạo thành, tùy trọng lượng vải. Công ty này nhập sợi từ đối tác Đài Loan để dệt vải, cung cấp tới khách hàng B2B trong nước. Vải có khả năng khử mùi hôi cơ thể. Ví dụ, sau 24 tiếng người mặc, vải cà phê trên quần jean đã đo được mức độ khử mùi tới 95%.

Trong khi đó, sợi vải làm từ vò hàu có tính năng chống tĩnh điện, hạn chế vải dính vào người trong mùa đông, giảm bám bụi, phù hợp người có da nhạy cảm mùa lạnh; vải sợi sen thì có axit amin, nồng độ ion âm trong sợi được đo ở mức khoảng 800, khiến người mặc có cảm giác tương đương như hít thở khí trời ở công viên...

Tương tự câu chuyện thuyết phục mua túi của Công ty HRK, Faslink cũng mất nhiều thời gian để thay đổi tư duy thị trường. “12 năm trước, khi chuyển hướng sang nguyên liệu bền vững, chúng tôi chào hàng mất cả năm trời mới được đối tác đồng ý. Còn nay, mỗi nguyên liệu mới cần từ 1-2 tháng thuyết phục khách hàng”, ông Phước chia sẻ.

Theo ông, sau dịch Covid-19, tâm thế mua hàng của người tiêu dùng đã khác. Gen Z là đối tượng chủ động, tìm hiểu thông tin, hướng tới các sản phẩm xanh hiện nay. Nhờ vậy, Faslink có thể cung cấp nguyên liệu cho nhiều khách hàng B2B, các thương hiệu thời trang như Owen, Yody... Áo làm từ sợi cà phê được bán tại Owen có giá 500.000-600.000 đồng/chiếc.

Tuy nhiên, giá cả không hẳn yếu tố hàng đầu. Khách hàng Việt quan tâm nhất tới cảm giác tay khi sờ sản phẩm. Vải thô, cứng hay mềm, mượt ra sao, điều này chiếm 70% quyết định việc dòng hàng có được chấp nhận hay không. 30% còn lại thuộc về yếu tố màu sắc, họa tiết của vải bền vững.

Cũng theo ông Phước, công ty Đài Loan quan niệm, toàn bộ phụ phẩm của các ngành cần được tận dụng tối đa để tái chế, tạo thành sợi vải. Trái ngược, nhiều nguyên liệu thô trong nước đang bị lãng phí. Faslink mong muốn trong tương lai gần có thể tự sản xuất các dòng sản phẩm sợi từ bã trà, tạo nên chuỗi cung ứng khép kín từ nguyên liệu tới sản phẩm thời trang “Made in Việt Nam”.

(Nguồn: Vietnamnet)

NHỮNG DOANH NGHIỆP VIỆT LÃI TỶ USD

(Ảnh minh hoạ).

Danh sách những doanh nghiệp lãi tỷ USD tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của PVN, Viettel, Vietcombank và đón thêm một số tên tuổi mới.

Năm 2022, phần lớn doanh nghiệp đều phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn bủa vây như ảnh hưởng từ chiến sự Nga – Ukraine, giá cả, lãi suất tăng, khó tiếp cận nguồn vốn... Tuy nhiên, một số tập đoàn kinh tế nhà nước, ngân hàng top đầu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh và đạt lợi nhuận tỷ USD hoặc tiệm cận mức này.

Những biến động trên thị trường mang đến cơ hội cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thiết lập nhiều kỷ lục, trong đó có mức lợi nhuận cao nhất 61 năm phát triển ngành dầu khí. Năm ngoái, doanh thu và lãi hợp nhất của ông lớn ngành dầu khí này lần lượt đạt 931.200 tỷ đồng (gần 40 tỷ USD) và 82.200 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD).

Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, PVN đạt được các kỷ lục này nhờ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính tăng 3-26%. Cùng đó, giá dầu tăng cao trong năm 2022 (bình quân giá dầu Brent là 101 USD một thùng), việc tận dụng tốt cơ hội kinh doanh và đổi mới quản trị, nỗ lực của hơn 60.000 người lao động... cũng là những lý do giúp tập đoàn lãi đột biến.

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng lãi cao nhất từ năm 2017 đến nay với lợi nhuận trước thuế 43.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8 tỷ USD. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp quân đội khoảng 38.000 tỷ đồng, tương đương mức trước dịch năm 2019.

Năm ngoái, Viettel ghi nhận tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực như viễn thông, đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển đổi số và sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Doanh thu hợp nhất của tập đoàn này tăng 6,1% lên khoảng 163.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Viettel hoạt động dưới sự điều hành của thế hệ lãnh đạo mới như Chủ tịch Tào Đức Thắng và nhiều cán bộ trẻ được bổ sung.

Hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên ghi nhận doanh thu dịch vụ đạt hơn 70.000 tỷ đồng, gần 3 tỷ USD – tương đương với nguồn thu từ lĩnh vực viễn thông trong nước. Nhờ đó, nguồn ngoại tệ chuyển về Việt Nam trong năm 2022 lên tới gần 500 triệu USD - cao nhất trong 5 năm vừa qua. Lũy kế đến hết năm ngoái, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài.

Với ngành ngân hàng, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận khi lãi riêng lẻ tăng gần 40% lên 36.770 tỷ đồng, trên 1,5 tỷ USD. Ba đơn vị còn trong nhóm "Big 4" cũng tăng trưởng mạnh năm vừa qua giúp lợi nhuận xấp xỉ ngưỡng một tỷ USD. Trong đó, BIDV bứt phá nhất với mức lợi nhuận riêng lẻ tăng trưởng gần 80%, lên hơn 22.500 tỷ đồng. Vietinbank và Agribank cũng ghi nhận mức lãi từ 20.000 tỷ đồng trở lên.

Dù chưa công bố kết quả kinh doanh 2022, một số nhà băng tư nhân cũng "sáng cửa" đạt mức lợi nhuận tỷ USD như Techcombank, VPBank. Bởi hai ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm ngoái lần lượt 27.000 tỷ và gần 30.000 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm ngoái, Techcombank đã lãi 20.800 tỷ, còn VPBank lãi khoảng 19.800 tỷ đồng. Techcombank năm ngoái cũng đã trở thành ngân hàng thứ hai sau Vietcombank đạt mức lợi nhuận tỷ USD khi lãi gần 23.240 tỷ đồng. Nhìn chung, lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng tốt nhờ nhờ tín dụng tăng cao nhất nhiều năm qua và nguồn thu ngoài lãi.

Năm ngoái, danh sách những doanh nghiệp lãi tỷ USD mất đi Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Năm 2021, doanh nghiệp của "vua thép" Trần Đình Long lãi ròng kỷ lục hơn 34.500 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD). Tuy nhiên, sóng gió ập đến với Hoà Phát từ giữa năm và khiến tập đoàn này lỗ 1.800 tỷ đồng trong quý III/2022. Trong quý cuối năm, Hoà Phát tiếp tục lỗ thêm gần 2.000 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận cả năm ngoái của họ chỉ hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

(Nguồn: Vnexpress)

HẾT THỜI “AI RỒI CŨNG ĐI BUÔN ĐẤT”

Người người, nhà nhà đi buôn đất đã chỉ là câu chuyện của một năm trước. Trong cuộc trò chuyện ngày Tết năm nay, khi thị trường địa ốc đang trầm lắng, "lướt sóng lãi bao nhiêu" đã không còn được những nhà đầu tư tay ngang kể lại. Thay vào đó là nỗi lo toan khi lô đất ế ẩm, không người mua.

Tôi nhớ một năm trước khi về quê, tới thăm từng nhà người thân trong họ hàng để hỏi thăm sức khỏe và có cơ hội trò chuyện. Tôi đã từng “sửng sốt” và đầy “bất ngờ” khi 10 người mình gặp gỡ trò chuyện có tới 7 người đang buôn đất.

Anh họ tôi, một người chuyên lái xe ô tô chở khách hơn 6 năm đã bén duyên trở thành môi giới bất động sản từ năm 2020. Ngoài môi giới, anh còn kể về thương vụ đầu tư chớp nhoáng ở khu vực vùng ven khu đô thị, khu công nghiệp. Doanh thu một tháng lái xe ngoài ước tính 10-12 triệu đồng/tháng và vào dịp lễ Tết, tổng thu nhập từng lên tới 40 triệu đồng. Nhưng, anh bảo rằng, doanh thu chạy xe không bằng buôn đất.

Một người anh họ xa khác, chủ hãng sữa nội ở Việt Nam. Doanh thu từ sữa khá tốt nhưng khi nói chuyện, anh vẫn nhấn mạnh: “Nhờ buôn đất mà anh mới có thêm khoản tích lũy hời”.

Hay một người bạn của chồng tôi năm ngoái đến nhà chúc Tết bằng chiếc xe ô tô gần 500 triệu sáng loáng. Anh bảo, đây là xe của vợ còn anh tính mua cho bản thân một con xe khác. Anh thật thà kể: Nhờ buôn lãi vài lô đất nên mới đổi đời. Mấy năm trước làm kĩ sư xây dựng trong công ty, vừa nợ lương, vừa lương thấp, vợ chồng anh cũng chật vật khó khăn. Kể từ ngày anh chuyển việc, làm cho công ty chuyên về kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Cứ khi nào có công ty xin được chủ trương, anh và vài người đồng nghiệp đã mua sẵn mấy lô đất ven khu công nghiệp. 2-3 tháng, đất tăng 100%, anh lại bán. Nhờ thế mà anh mới kiếm được khoản tiền lớn để mua xe, mua nhà mới.

Và chỉ một năm trước, hàng xóm đến chúc Tết nhau lại pha thêm câu chuyện đầy “sửng sốt”: Người này mới bán lời vài trăm triệu, tiền tỷ chỉ nhờ cơn sốt đất, đất nhà ông A. có người trả tận 1,5 tỷ đồng... Ngoảnh đi ngoảnh lại, người ta đều làm thêm nghề tay trái bằng việc buôn đất. Người chưa từng đi đầu tư cũng sốt sắng nghĩ: "Phải nhanh mua lấy miếng đất không thì 1-3 năm sau, giá đất đã tăng gấp 3 lên". Hay không mua bây giờ thì biết đến bao giờ mới có thể mua, mới đổi đời.

Thế nhưng, tất cả đã thay đổi chỉ chưa đầy một năm. Những câu chuyện buôn đất lời lớn đã không còn là chủ đề chính của cuộc trao đổi ngày Tết. Người anh họ tôi năm nay bận rộn với những cuốc xe, từ sáng đến đêm khuya Anh cười bảo: “Không nhận chạy xe thì đói”. Hỏi chuyện buôn đất, anh tâm sự: “Đất khó bán lắm”. Ngay cả khi lô đất đã cắt lỗ tới 25% nhưng người mua cũng không có. Anh giờ phải chạy xe để trả tiền lãi ngân hàng vì 3 lô đất đang nằm ế ẩm.

Hay người bạn của chồng tôi, Tết này đến hỏi thăm, nhắc đến đầu tư đất, anh lại lắc đầu cười: “Hết thời buôn đất rồi! Thị trường trầm lắm!”. Anh kể, anh vẫn may mắn vì thoát hàng kịp ngay sau Tết Nguyên đán năm 2022. Chỉ còn lại 2 lô đất, anh dự tính để thêm vài năm vì nhu cầu không dùng tới. Giờ anh chỉ cần nhận lương đúng hạn, đủ để lo sinh hoạt gia đình và nuôi con. Còn những người bạn anh, vay tiền ngân hàng đầu tư đất, đang đau đầu khi “không có Tết” vì khoản nợ lớn. Có người bạn của anh còn chẳng về quê vì nợ nần đầu tư.

Những câu chuyện của thôn quê đã quay trở lại, xoay quanh cuộc sống của họ hàng, của những người hàng xóm. Suy nghĩ “nhất định phải mua lô đất để đổi đời” đã không còn bủa vây trong mọi câu chuyện ngày Tết. Thị trường bất động sản đã thực sự chững lại. Ngay cả lô đất quê ở vùng nông thôn cũng im lìm về giá, thậm chí còn cắt lỗ 100-200 triệu đồng. Môi giới, nhà đầu tư cũng vắng bóng, không còn hiện diện trong câu chuyện của bác hàng xóm, hay những nhà kinh doanh tay ngang.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Nghìn tấn rau củ đổ về chợ đầu mối; Hoa quả ùn ùn xuất sang TQ; Hàng quán chật kín ngày Tết; Đất đang rẻ, tích sản tăng ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang