Loạn chiến xe điện TQ; 'Mỏ vàng' nhấp nháy; Công nghệ 'chắn mặt trời'; Ukraine-Nga trao đổi tù binh; NATO mở rộng sang Á

Loạn chiến xe điện Trung Quốc: “Cuộc đại thanh tẩy” khiến 200 thương hiệu biến mất, khách hàng không dám mua vì sợ mất giá

(Ảnh minh họa).

Cuộc chiến quá khốc liệt khiến 200 hãng xe điện tại Trung Quốc hiện nay sẽ chỉ còn 5 thương hiệu sống sót.

Theo tờ Nikkei Asian Review, cô Amy Liu, một người mua xe tại Trung Quốc khá lưỡng lự không biết có nên bán chiếc xe xăng đã dùng 5 năm của mình để lấy một chiếc ô tô điện hay không.

“Nếu bây giờ tôi mua thì sợ rằng giá sẽ còn xuống thấp hơn trong tháng tới”, cô Liu lo lắng.

Câu chuyện của cô Liu không phải cá biệt khi rất nhiều người mua xe cũng đang “ngơ ngác” nhìn các thương hiệu dìm giá lẫn nhau.

Tờ Nikkei nhận định thị trường ô tô điện Trung Quốc hiện đang cực kỳ gay cấn khi các hãng xe đua nhau giảm giá trong năm ngoái khi nhu cầu hạ nhiệt và chính phủ thì dừng các khoản trợ cấp cho ngành.

Tệ hơn, trong khi 9/10 dòng xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc là thương hiệu nội địa thì ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế như Volkswagen, BMW hay Nissan đã lên kế hoạch ra mắt sản phẩm mới mới tại đây, qua đó càng làm cuộc chiến “loạn” hơn.

Tình hình khó khăn này khiến nhiều hãng xe điện lớn dự đoán số thương hiệu trong ngành sẽ giảm mạnh từ 200 hiện nay xuống còn 5-10 hãng trong những năm tới.

Xin được nhắc là nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ mà 2/3 số doanh nghiệp làm xe điện hiện nay ở Trung Quốc đã đăng ký thành lập trong khoảng 2018-2020. Vô số những startup như Nio, Xpeng hay Li Auto đã thách thức ông lớn Tesla nhà Elon Musk, trong khi tập đoàn khổng lồ BYD cũng vươn lên số 1 thị trường Trung Quốc nhờ các chính sách ưu đãi này.

Miếng bánh khó nhằn

Tờ Nikkei nhận định Trung Quốc đang phổ cập xe điện với tốc độ nhanh nhất thế giới. Trong năm qua, khoảng ¼ số ô tô mới bán ra là xe điện. Thế nhưng nhiều chuyên gia nhận định chỉ những thương hiệu lớn có vốn khủng và hệ sinh thái chắc chắn mới có thể sống tiếp trong những năm tới qua cuộc loạn chiến dìm giá hiện nay.

“Những thương hiệu không có tiềm lực tài chính mạnh sẽ chịu áp lực nặng nhất, đặc biệt là doanh nghiệp nào chưa kịp niêm yết trên sàn chứng khoán”, giám đốc Jing Yang của Fitch Ratings chi nhánh Thượng Hải cảnh báo.

Thật vậy, hãng Zhejiang Leapmotor Technology là một trong những startup ngành xe điện Trung Quốc mới được thành lập 4 năm qua. Thế nhưng doanh nghiệp này đã có khoản lỗ ròng lũy kế lên đến 5,1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 742 triệu USD vào năm 2022.

“Chúng tôi sẽ cố cân bằng lợi nhuận nhưng nhiệm vụ chủ yếu hiện nay vẫn là giành thị phần trước tiên”, CEO Zhu Jiangming cho biết.

Kết quả kinh doanh tệ như vậy nhưng doanh số của Leapmotor lại khá đáng nể. Với mục tiêu cạnh tranh cùng Tesla, hãng xe điện này đã bán được đến 111.168 chiếc xe điện trong năm 2022, tương đương mức tăng trưởng 118%. Để so sánh, Tesla bán được 711.000 ô tô điện trong năm ngoái.

Vào tháng trước, Leapmotor đã quyết định giảm giá 1/5 cho dòng xe chủ lực C01 của mình nhằm cạnh tranh với Tesla.

Thậm chí trong cả phân khúc giá siêu rẻ, mảng xe điện cũng đang cực kỳ khốc liệt. Hãng Ballet Cat, một công ty trước đây vốn chỉ lắp ráp xe cho Volkswagen và hiện đang bán ô tô điện giá rẻ, cũng đã hạ giá xuống còn 149.800 Nhân dân tệ để phù hợp với tình hình cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm của Ballet Cat được chào bán dưới thương hiệu Ora, một tên tuổi thuộc hãng quốc doanh Great Wall Motor.

Trớ trêu thay, doanh số của Ora năm 2022 đã giảm 23% xuống chỉ còn 135.028 chiếc.

Đại thanh tẩy

Số liệu chính thức cho thấy doanh số bán xe mới tại Trung Quốc chỉ tăng 2% trong năm ngoái nhưng doanh số bán ô tô điện mới lại tăng tới 93%, đạt 6,88 triệu chiếc xe và chiếm 27% tổng xe mới bán ra. Nguyên nhân chủ yếu là do người mua cố gắng tậu xe trước khi các chính sách hỗ trợ mua ô tô điện hết hiệu lực.

Ngoài ra, giá sản xuất ắc quy giảm cũng kích thích các hãng xe như Tesla quyết định giảm giá để giành thị phần. Trong khi nhiều hãng xe theo đuôi Tesla vào cuộc chiến dìm giá thì một số hãng bán ô tô xăng cũng hạ giá để dọn kho trước khi quy định mới về khí thải có hiệu lực tại Trung Quốc vào tháng 7/2023.

Hàng loạt những yếu tố trên đã tác động rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng.

“Những động thái trên đã khiến người mua xe lưỡng lự và làm xói mòn doanh số”, nhà sáng lập Phate Zhang của tạp chí xe hơi CNEV Post nhận định.

Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh số bán xe đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù doanh số bán ô tô điện tăng 26% cùng kỳ nhưng con số này là quá thấp so với mức tăng trưởng 138% của cùng kỳ năm ngoái.

“Cuộc thanh tẩy người chơi trên thị trường xe điện đã bắt đầu. Chỉ những hãng xe nào có doanh số thường niên 3 triệu chiếc trở lên mới có cơ hội sống sót...Tôi dự đoán rằng chỉ có 8 thương hiệu lớn trên thị trường hiện nay là có thể tồn tại trong 10 năm tới”, CEO He Xiaopeng của Xpeng thừa nhận.

Trong năm 2022, Xpeng mới chỉ bán được 120.757 chiếc xe điện.

Theo Nikkei, cho dù thị trường có khốc liệt đến đâu thì việc loại bỏ những công ty yếu kém cũng là điều cần thiết cho chính quyền Bắc Kinh nhằm củng cố ngành xe điện đang phình to.

Hiện nhiều startup ô tô điện đã đầu hàng khi chấp nhận bán mình cho các thương hiệu lớn hơn. Năm 2020, một số startup xe điện như Byton đã buộc phải ngừng hoạt động.

Trong khi đó những tên tuổi lớn hơn như Nio thì đang sống lay lắt sau khi vay được 1,4 tỷ USD tiền hỗ trợ từ tỉnh Anhui vào năm 2020.

Quay trở lại câu chuyện của cô Liu, vị nữ môi giới bất động sản này ngày càng lưỡng lự khi chiếc xe điện mà cô nhắm đến mất 2/3 giá trị trong thời gian ngắn.

“Tôi sẽ chờ thêm xem có lấy được mức giá hời hơn không”, cô Liu quyết định.

(Nguồn: CafeF)

"Mỏ vàng" khổng lồ nhấp nháy: Báo động cuộc khủng hoảng toàn cầu

Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh rất cần tới kim loại đồng.

Các giám đốc điều hành của Tập đoàn Rio Tinto và các quan chức Mông Cổ đã tập trung dưới sa mạc Gobi vào đầu năm nay để mở một trong những mỏ đồng ngầm lớn nhất thế giới. Đó là một lễ kỷ niệm 4 thập kỷ hình thành tập đoàn Rio Tinto.

"Không có cách nào để đủ nguồn cung trong 10 năm tới"

Mỏ Oyu Tolgoi, ở miền nam Mông Cổ, ngay phía bắc biên giới Trung Quốc, là chìa khóa cho những nỗ lực của Rio nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào quặng sắt và mở rộng khai thác đồng - kim loại làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Khi nhu cầu về đồng tăng lên, nguồn cung ngày càng có khả năng tới từ các mỏ trên thảo nguyên. Đồng ở những khu vực này có giá đắt đỏ, khó khai thác và nằm ngoài pháp lý về đồng truyền thống. Chúng còn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của những quốc gia muốn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho riêng mình.

Nhà địa chất Doug Kirwin làm việc tại mỏ Oyu Tolgoi nhận định: “Một cuộc khủng hoảng lớn đang xuất hiện”.

"Không có cách nào để có thể cung cấp lượng đồng trong 10 năm tới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu khí carbon. Điều này sẽ không xảy ra. Không có đủ các mỏ đồng được phát hiện", ông Kirwin cho biết.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie ước tính, để chuyển đổi năng lượng xanh, sẽ cần khoảng 6 triệu tấn đồng vào thập kỷ tới, có nghĩa là cần tới 12 mỏ Oyu Tolgois được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, Bloomberg chỉ ra, tình hình hiện tại không đơn giản như vậy bởi không có đủ mỏ mới và lớn để khai thác.

Nhu cầu tăng nhưng việc khai thác nhiều khó khăn

BloombergNEF ước tính, nhu cầu đối với đồng tinh chế sẽ tăng 53% vào năm 2040 nhưng nguồn cung từ các mỏ sẽ chỉ tăng 16%. Những nhà khai thác lớn nhất thế giới sẽ không ngồi yên. Đồng hiện đang nằm trong tầm ngắm của nhiều người mua. Nhiều công ty khai thác đã bổ sung đồng vào danh sách nghiên cứu.

Nhưng việc xây dựng các mỏ khai thác vẫn là một vấn đề đau đầu. Giá cả không đủ hấp dẫn để trang trải chi phí và rủi ro. Ví dụ như mỏ Oyu Tolgoi, việc xây dựng mỏ này bao gồm bổ sung một đường hầm bê tông dài 200 km vào mỏ lộ thiên, đường xá, sân bay, cơ sở hạ tầng cung cấp điện và nước. Ngoài ra, người ta còn cần xây dựng nơi ăn nghỉ cho 20.000 công nhân và có thể là một nhà máy điện trong tương lai.

David Radclyffe, giám đốc điều hành của Global Mining Research cho biết: “Các mỏ ngày càng cũ, sâu và chất lượng mỏ ngày càng thấp, cùng với đó là những ảnh hưởng về chính trị."

Oyu Tolgoi, được Rio dự đoán sẽ là mỏ đồng lớn thứ tư thế giới khi khai thác hết công suất. Việc khai thác mỏ này sử dụng một phương pháp phức tạp cho phép tiếp cận các mỏ sâu hơn gọi là “khoan khối”, bao gồm việc đào dưới thân quặng, thổi các khoảng trống bên dưới đó. cho phép quặng sụp đổ và rơi xuống phễu xuống mức thấp hơn. Tại đây nó được tập hợp lại, nghiền nát và được đưa lên bề mặt bằng băng chuyền.

Doanh nhân Robert Friedland từ công ty khai thác Ivanhoe Mines cho biết: “Oyu Tolgoi hiện đã 20 tuổi và mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Không quan trọng giá đồng là 3 đô la một pound hay 30 đô la một pound, bạn không thể đẩy nhanh quá trình.”

Công ty Rio, tất nhiên, hy vọng sẽ là một trong những người được hưởng lợi dù bất cứ điều gì xảy ra, với nhu cầu tăng đẩy giá cao hơn khi sản lượng đồng tại Oyu Tolgoi đạt sản lượng cao nhất. Khi đó, công ty dự án, nó sẽ lên ngang hàng với những "người khổng lồ".

Tuy nhiên, việc xanh hóa nền kinh tế, mở rộng lưới điện và sản xuất năng lượng tái tạo để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu đòi hỏi nhiều Oyu Tolgois hơn nữa. “Mông Cổ là một địa điểm mạo hiểm,” Robert Friedland nói. “Nhưng điều này phải được thực hiện. Không có nỗ lực này, hoàn toàn không có cơ hội chuyển đổi năng lượng."

(Nguồn: Soha)

Công nghệ 'chặn Mặt Trời' khiến giới tình báo lo ngại

(Ảnh minh họa).

Biện pháp địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời hứa hẹn sẽ giảm nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra xung đột khi thiếu sự kiểm soát quốc tế.

Một quốc gia bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, lũ lụt hoặc mất mùa quyết định tự điều đội máy bay để phun lớp sương mù mịn, ngăn chặn một phần bức xạ Mặt Trời tới bầu khí quyển Trái Đất, giúp làm giảm nhiệt độ.

Tuy nhiên, các quốc gia khác coi đó là mối đe dọa và sẵn sàng đáp trả bằng động thái quân sự.

Thoạt đầu, kịch bản này nghe có vẻ giống một câu chuyện khoa học viễn tưởng.

Thế nhưng, cộng đồng tình báo Mỹ và các quan chức an ninh quốc gia khác lo ngại về điều này đến mức vào năm ngoái, họ đã vạch ra cách ngăn chặn một cuộc chiến do loại kỹ thuật khí hậu trên gây ra, theo Washington Post.

Kỹ thuật trên, được gọi là địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời, về mặt lý thuyết có thể xảy ra.

Khi các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới phải chịu đựng nhiều hơn do nhiệt độ tăng cao, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu có thể sẽ chịu áp lực nặng nề trong việc triển khai công nghệ này, theo một số nhà khoa học.

So với các phương pháp khác để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, biện pháp này dường như rẻ hơn và có ảnh hưởng nhanh hơn.

Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể làm suy yếu năng lượng Mặt Trời trên toàn cầu, không chỉ ở quốc gia quyết định triển khai nó. Do đó, các quan chức an ninh lo ngại về khả năng gây ra xung đột khi một nước có thể đưa ra quyết định định hình số phận của toàn thế giới.

“Một quốc gia có thể triển khai kỹ thuật đó để cải thiện khí hậu và giảm nhiệt độ ở khu vực địa phương, hoặc vũ khí hóa nó để chống lại kẻ thù”, Sherri Goodman, thành viên cấp cao tại Trung tâm Wilson, nhận định.

“Nó có thể trở thành mối đe dọa theo cách gây sợ hãi hoặc hoảng loạn trong dân chúng”, bà nhấn mạnh.

Vấn đề địa chính trị

Cho đến nay, Mỹ đang dẫn đầu về nghiên cứu, nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác cũng đang tìm hiểu về kỹ thuật này.

Việc thiếu sự phối hợp toàn cầu về địa kỹ thuật dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về rủi ro đến từ bất đồng.

Đánh giá Tình báo Quốc gia Mỹ từ năm 2021 cảnh báo việc thiếu quy định đồng nghĩa “các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước sẽ độc lập phát triển hoặc triển khai công nghệ, có thể ngấm ngầm,… dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột nếu những quốc gia khác đổ lỗi cho họ về thảm họa thời tiết được cho là do địa kỹ thuật gây ra”.

“Đó là một thùng thuốc súng”, Janos Pasztor, quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc, nhận định.

Địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời có thể dẫn đến “các vấn đề đạo đức cùng xã hội tiềm ẩn xoay quanh sự chấp thuận của công chúng và có khả năng gây ra xung đột quốc tế”, Ajay K. Sood, cố vấn khoa học chính của chính phủ Ấn Độ, phát biểu tại hội nghị tập trung vào khí hậu ở New Delhi trong tháng 2.

Theo ông, công nghệ này có thể sẽ tập trung quyền lực vào các nước giàu hoặc các chủ thể phi nhà nước ở phía bắc toàn cầu.

Ông cũng nhận định ở phía nam toàn cầu, địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời “có vẻ hấp dẫn trong bối cảnh hậu quả khí hậu thảm khốc mà chúng ta phải đối mặt”.

Dù vậy, một số người cho rằng ngay cả những nghiên cứu cơ bản như thử nghiệm quy mô nhỏ ngoài trời cũng có thể gây tranh cãi ở một số khu vực, chưa nói đến việc triển khai toàn diện.

“Ở những khu vực nhiều vấn đề như của chúng tôi, các quy định thử nghiệm sẽ cần phải được phối hợp và giám sát chung. Điều này trở thành bất khả thi trong điều kiện hoàn cảnh bị chia rẽ và phân cực cao như môi trường giữa Pakistan và Ấn Độ”, Malik Amin Aslam, cựu bộ trưởng Pakistan về biến đổi khí hậu, cho biết.

Cách thức hoạt động

Các nhà khoa học cho biết công nghệ cần thiết để xâm nhập bầu khí quyển không phức tạp. Máy bay sẽ phun sulfur lên bầu trời ở độ cao lớn.

Nếu thực hiện đúng, nó sẽ ngưng tụ lại, phản xạ một phần tia Mặt Trời và che chắn Trái Đất.

Kế hoạch này bắt chước hiệu ứng làm mát xảy ra sau vụ phun trào núi lửa Pinatubo ở Philippines năm 1991.

Khi bay tới tầng bình lưu của khí quyển, tro bụi có thể gây nên tác động ngắn hạn đối với khí hậu Trái Đất vì nó chặn một phần ánh sáng Mặt Trời khiến nhiệt độ trên mặt đất giảm. Theo BBC, hoạt động của núi lửa Pinatubo khiến nhiệt độ trung bình Trái Đất giảm từ 0,4 tới 0,5 độ C.

“Ngày càng thấy rõ việc đưa nhiều sol khí (aerosols) vào tầng bình lưu có thể làm giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu”, Chris Field, Giám đốc Viện Môi trường Stanford Woods, cho biết.

“Chúng ta cần cởi mở để nhận ra rằng một số phương pháp tiếp cận đầy nhược điểm vẫn có thể đáng được xem xét”, ông nói.

Trong trường hợp không có sự đồng thuận toàn cầu, một số nhóm tư nhân đang tự giải quyết vấn đề.

Công ty Making Sunsets tuyên bố vào cuối năm ngoái, họ đã thả một số quả bóng bay chứa đầy hợp chất có thể phản chiếu ánh sáng Mặt Trời vào bầu khí quyển.

Hành động này được thực hiện ở Mexico, gây ra phản ứng dữ dội và chính phủ Mexico đã cấm thử nghiệm vào tháng trước.

Hầu hết hoạt động địa kỹ thuật cho đến nay vẫn chỉ diễn ra bên trong các mô hình máy tính hoặc phòng thí nghiệm.

Trung Quốc đã phát triển một chương trình địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh trong phần lớn thập kỷ qua, nhưng dường như chương trình này chưa được thử nghiệm ngoài trời.

Rủi ro

Một số nhà khoa học nhận định việc triển khai địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời có thể dẫn đến những rủi ro đáng kể.

Sự thay đổi đối với bầu khí quyển sẽ làm thay đổi mô hình thời tiết và tạo ra hạn hán. Mặt Trời ít gay gắt hơn có thể làm giảm năng suất cây trồng và dẫn đến nạn đói.

Ngoài ra, một số người lo ngại nhiệt độ có thể tích tụ bên ngoài lớp sulfur dioxide. Do đó, nếu ngừng phun, nó có thể gây ra một đợt nắng nóng thảm khốc trên toàn thế giới.

Một số chuyên gia về khí hậu cũng lo lắng các quốc gia, tổ chức có thể sử dụng kỹ thuật này để trì hoãn việc cắt giảm lượng khí thải cần thiết nhằm khắc phục gốc rễ của vấn đề.

Đặc biệt, kỹ thuật này có thể trở nên phức tạp hơn về mặt ngoại giao bởi phạm vi không chỉ dừng trên một quốc gia. Thay vào đó, nó lan rộng trên toàn cầu. Chẳng hạn, các quyết định của Bắc Kinh có thể gây ra hậu quả về khí hậu ở Mỹ, và ngược lại.

“Tôi có thể thấy điều này sẽ dẫn đến sai lầm vào một thời điểm nào đó”, Elizabeth Chalecki, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nebraska Omaha, người đã nghiên cứu về sự giao thoa giữa các vấn đề khí hậu và an ninh, cho biết.

“Bạn thậm chí không thể quản lý lượng khí thải carbon. Làm thế nào bạn sẽ quản lý một công nghệ có thể thay đổi điều kiện sống của cả hành tinh?”, bà nói.

Các nhà nghiên cứu ở Nam Á cho hay có thể dễ dàng hình dung ra bất đồng xuyên biên giới về địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời, đặc biệt là khi sự hợp tác về một số vấn đề rất mong manh.

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh có chung hệ thống sông nhưng không phải lúc nào họ cũng cung cấp cho nhau dữ liệu về lượng mưa và mực nước sông cần thiết để dự đoán, chuẩn bị cho lũ lụt.

Vì địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời có thể thay đổi các kiểu thời tiết, nó có thể khiến việc dự đoán lượng mưa trở nên khó khăn hơn, Mohammed Abu Syed, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp Bangladesh, cho biết.

Theo ông, có rất ít sự tin tưởng xuyên biên giới.

Ông cho hay việc một quốc gia triển khai chương trình địa kỹ thuật “sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chế độ thủy văn của Nam Á”, các vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn của Bangladesh có thể phải chịu ảnh hưởng của thời tiết mới và khó lường.

Nếu địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời để lại những hậu quả tiêu cực, “chúng tôi sẽ là người phải chịu đựng điều này nhiều nhất”, ông nói.

(Nguồn: Zing News)

Ukraine - Nga trao đổi tù binh: 45 đổi 3?

Ngày 6-5, Ukraine và Nga đã trao đổi tù binh, song không bên nào công bố số lượng cụ thể tổng số tù binh được trao đổi.

Theo báo South China Morning Post, Ukraine cho biết có 45 quân nhân thuộc tiểu đoàn Azov bị bắt trong trận chiến ở Mariupol được thả. Trong khi đó, Nga cho biết có ba phi công bị bắt làm tù binh được Kiev trả tự do.

Ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết trong số 45 tù binh thuộc tiểu đoàn Azov được trả tự do có 42 nam và 3 nữ.

Các quân nhân của tiểu đoàn Azov là những người tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố cảng Mariupol của Ukraine nhưng thất bại vào năm ngoái. Người Ukraine tôn vinh họ là anh hùng.

Ông Yermak viết trên ứng dụng Telegram: "Tin tuyệt vời trong ngày nắng đẹp hôm nay. 45 quân nhân của chúng ta đang trở về nhà. Trong số họ, 35 người là binh nhì và trung sĩ, 10 người là sĩ quan".

Bộ Quốc phòng Nga cho biết có ba phi công được trao trả và đang được hỗ trợ về y tế và tâm lý. "Sau quá trình đàm phán khó khăn, ba phi công Nga của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, những người đã cận kề cái chết khi bị bắt làm tù binh, đã được trả về từ lãnh thổ do Kiev kiểm soát".

Báo chí Nga không thông tin thêm về việc có thêm tù binh Nga nào khác được thả trong đợt này hay không.

Nga và Ukraine đã triển khai một số đợt trao đổi tù binh từ năm ngoái đến nay.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

NATO đang mở rộng sang châu Á?

(Ảnh minh họa).

Trung Quốc mới đây đã cảnh báo về sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang khu vực châu Á.

Sau khi Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO, nhiều quốc gia đã dự đoán rằng làn sóng mở rộng lãnh thổ của NATO sẽ không dừng lại, thậm chí tầm ảnh hưởng của liên minh quân sự này sẽ vươn tới cả khu vực châu Á.

Trung Quốc là quốc gia từng nhiều lần đề cập việc NATO tiếp tục vượt khỏi các khu vực phòng thủ truyền thống, không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Mới đây nhất, ngày 4-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh một lần nữa nhấn mạnh, các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần “cảnh giác cao độ” trước sự mở rộng của NATO.

“Châu Á là miền đất hứa cho sự hợp tác và phát triển, không nên trở thành nơi diễn ra các cuộc đối đầu địa chính trị. Việc NATO liên tục mở rộng ảnh hưởng về phía Đông ở châu Á-Thái Bình Dương, can thiệp vào các vấn đề khu vực, gây mất ổn định tình hình, thúc đẩy đối đầu đòi hỏi các nước trong khu vực phải cảnh giác cao độ”, Reuters dẫn lời bà Mao Ninh cho biết.

Có nhiều lý do để Trung Quốc lo ngại về việc NATO “bành trướng” về phía Đông, theo cách gọi của họ. Trong “khái niệm chiến lược” được công bố vào năm ngoái, NATO lập luận rằng Trung Quốc đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương mặc dù Nga vẫn là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh”. NATO cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện có ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để giải quyết các thách thức xuyên khu vực và chia sẻ lợi ích an ninh.

Tháng 2 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo giới quan sát, chuyến công du châu Á của ông Stoltenberg thể hiện rõ nét mong muốn của NATO về tăng cường quan hệ đối tác với châu Á trong giai đoạn hiện nay. Trong các cuộc gặp xuyên suốt chuyến đi, người đứng đầu NATO từng nhiều lần nêu rõ, các sự kiện ở châu Âu và Bắc Mỹ có mối liên hệ với các khu vực khác, nhấn mạnh NATO muốn kiểm soát các mối đe dọa toàn cầu bằng cách tăng cường quan hệ đối tác ở châu Á.

Và một trong những sự kiện gần đây nhất chứng minh bước đi rút ngắn khoảng cách giữa NATO và các đối tác châu Á là kế hoạch mở văn phòng liên lạc đầu tiên của NATO ở khu vực này, mà cụ thể là ở Nhật Bản. Nikkei Asia cho biết văn phòng sẽ được mở vào năm tới tại Tokyo, tạo điều kiện thuận lợi cho NATO tiến hành các cuộc tham vấn định kỳ với những đối tác trong khu vực như Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Một số ý kiến cũng cho rằng, sự hiện diện của văn phòng liên lạc tại Tokyo là bước đi quan trọng mang ý nghĩa “trấn an” các đối tác châu Á, trong bối cảnh sự gắn kết giữa Trung Quốc với Nga ngày càng sâu sắc.

Cũng cần biết rằng, Liên minh châu Âu (EU) và cả NATO đều lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa đến một loạt vấn đề an ninh và lợi ích của phương Tây tại khu vực. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng năng lực quân sự, củng cố tầm ảnh hưởng và tiếp tục kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thậm chí xung đột Nga-Ukraine cùng sự đối đầu giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc đã trở thành động lực thúc đẩy Bắc Kinh và Moscow thiết lập những mối liên kết địa chính trị mới, về lâu dài có khả năng sẽ tác động tới trật tự chiến lược toàn cầu. Nói một cách cụ thể hơn, cái "bắt tay" ngày càng chặt giữa hai cường quốc sẽ trở thành đối trọng của Mỹ và các đồng minh trong cuộc tranh giành ảnh hưởng cũng như sắp đặt trật tự thế giới. Bởi thế, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng bày tỏ lo ngại quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc có thể “làm tổn hại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đi ngược lại các giá trị và lợi ích của NATO”.

Để kiềm chế Trung Quốc cũng như mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, việc lôi kéo các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc bằng lời hứa sẵn sàng phối hợp cùng giải quyết những vấn đề “nóng” tại khu vực là điều cần thiết. Vai trò của từng mắt xích trong khu vực được gia tăng có thể giúp NATO thực hiện mục tiêu mà không cần sự hiện diện trực tiếp tại khu vực.

NATO là một cơ chế an ninh tập thể, theo đó cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là cuộc tấn công vào tất cả. Đây cũng là lý do một số chuyên gia cho rằng ít có khả năng NATO sẽ kết nạp thêm thành viên ở khu vực châu Á. Một cơ cấu hợp tác an ninh mới ở châu Á mà không có sự ràng buộc của cơ chế an ninh tập thể sẽ là lựa chọn được NATO ưu tiên.

(Nguồn: Quân Đội Nhân Dân)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang