Lỗ hổng luật Nhà ở 2014; Quy hoạch tuần qua; Vụ 'tòa nhà đẹp nhất' Cà Mau; Mong lắm chấn hưng văn hóa!

Những 'lỗ hổng' của luật Nhà ở 2014

(Ảnh minh họa).

Trong tờ trình về dự thảo luật Nhà ở sửa đổi do Chính phủ trình Quốc hội, đã nêu rõ nhiều "lỗ hổng" cần lấp của luật Nhà ở 2014.

Luật Nhà ở 2014 thiếu đồng bộ với pháp luật khác

Theo tờ trình của Chính phủ, vấn đề phát triển nhà ở trong luật Nhà ở 2014 còn các tồn tại: một số quy định về dự án đầu tư xây dựng nhà ở hiện nay đã được điều chỉnh trong hệ thống pháp luật đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở...

Về xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã xuất hiện các tồn tại, hạn chế: một là, quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở còn phân tán tại nhiều các điều khoản của luật, nghị định và thông tư dẫn đến việc áp dụng thực hiện chưa thống nhất tại các địa phương.

Hai là, chưa quy định cụ thể mối liên hệ, tương tác của chương trình phát triển nhà ở với hệ thống các quy hoạch khác có liên quan như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để làm căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Ba là, việc quy định phải xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm làm giảm tính chủ động, thiếu linh hoạt trong công tác phát triển nhà của địa phương, gây khó khăn trong thực hiện, quản lý, giám sát. Đồng thời chưa có quy định về việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở nên các địa phương còn lúng túng và thực hiện chưa đúng quy định.

Bốn là, chưa quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở từ cấp T.Ư đến địa phương, dẫn đến việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương chưa đạt được hiệu quả cao.

Bất cập quy định phát triển nhà tái định cư và nhà công vụ

Về phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư trong luật Nhà ở 2014 còn có một số tồn tại, bất cập như: các nguyên tắc phát triển nhà ở tái định cư và hình thức bố trí tái định cư chưa cụ thể nên các địa phương vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Nhiều dự án nhà ở tái định cư được xây dựng trước năm 2014 không đáp ứng yêu cầu của người dân về tái định cư, gây lãng phí tài sản Nhà nước nhưng chưa có cơ chế chuyển đổi quỹ nhà này sang mục đích khác.

Dù quy định của luật Nhà ở đã cho phép hình thức mua hoặc đặt hàng nhà ở thương mại hoặc sử dụng nhà ở xã hội để bố trí tái định cư nhưng cơ chế thực hiện vẫn chưa được quy định cụ thể, do đó một số địa phương chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai.

Về phát triển nhà ở công vụ có một số tồn tại: nhiều cán bộ thuộc diện được điều động, luân chuyển về T.Ư nhưng do quy định về đối tượng thuê nhà ở công vụ của luật Nhà ở còn hạn chế nên chưa được bố trí cho thuê nhà ở công vụ, phải đi thuê nhà ở thương mại. Quỹ nhà ở công vụ bị dôi dư, dẫn tới lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Luật Nhà ở 2014 thiếu quy định thúc đẩy cải tạo nhà chung cư cũ

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có một số tồn tại: một là, chưa thống nhất giữa quy định của pháp luật về nhà ở và quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, tại điều 99, điều 110 luật Nhà ở thì chỉ phá dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng để cải tạo, xây dựng lại nhưng pháp luật về nhà ở cũng chưa xác định thế nào là nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, trong khi đó pháp luật về xây dựng lại có quy định về xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng, công trình có dấu hiệu nguy hiểm nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Hai là, quy định về các trường hợp phải thực hiện cải tạo, phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư còn chưa rõ ràng nên trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Ba là, theo quy định tại Điều 113 luật Nhà ở có 2 hình thức thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư gồm: doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư vốn hoặc góp vốn cùng chủ sở hữu nhà chung cư thực hiện dự án. Hoặc nhà nước đầu tư từ ngân sách hoặc thông qua hình thức hợp đồng chuyển giao.

Theo đó, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sẽ phụ thuộc vào việc chủ sở hữu nhà chung cư có đồng thuận, lựa chọn và đề xuất được doanh nghiệp làm chủ đầu tư hay không, hoặc phải thực hiện dự án theo hình thức đầu tư từ ngân sách hay hình thức hợp đồng chuyển giao.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng cần cải tạo, xây dựng lại nhưng chủ sở hữu không thể thống nhất lựa chọn được doanh nghiệp làm chủ đầu tư và cũng chưa có quy định nhà nước có trách nhiệm xử lý các trường hợp này.

Trong khi đó, số lượng nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại nhiều, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước rất hạn chế. Luật PPP đã bỏ hình thức BT dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nên không thể thực hiện được các dự án, làm chậm quá trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Bốn là, luật Nhà ở 2014 chưa quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí chỗ ở tạm thời, điều kiện, chất lượng chỗ ở tạm thời… nên không thể di dời người dân để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, luật Nhà ở 2014 chỉ quy định việc bồi thường được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu mà chưa có quy định các nguyên tắc, nội dung của việc bồi thường, khung hệ số bồi thường, việc bồi thường các phần diện tích thuộc sở hữu chung (hành lang, cầu thang…), diện tích thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt quy định về thời gian hoàn thành dự án để bàn giao nhà ở cho người dân tái định cư nên trên thực tế người dân không đồng thuận di dời, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

(Nguồn: Thanh Niên)

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/3 - 26/3): TP HCM và Bình Dương dự chi 5.500 tỷ đồng cho hai dự án giao thông cửa ngõ; Quảng Ninh quy hoạch mới ba đường sắt đô thị

TP HCM và Bình Dương dự chi 5.500 tỷ đồng cho hai dự án giao thông cửa ngõ; Quảng Ninh quy hoạch mới ba đường sắt đô thị; Quảng Trị muốn làm đường quốc lộ nối cửa khẩu La Ray - cảng Mỹ Thủy... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

TP HCM và Bình Dương dự chi 5.500 tỷ đồng cho hai dự án giao thông cửa ngõ

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã đi khảo sát một số dự án trên địa bàn TP Dĩ An bao gồm nút giao Sóng Thần và dự án nâng cấp mở rộng đường An Bình.

Nút giao Sóng Thần (phường An Bình, TP Dĩ An) dự kiến có tổng vốn đầu tư theo đề xuất hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.408 tỷ đồng (TP HCM 471 tỷ đồng, Bình Dương 1.937 tỷ đồng).

Dự án nâng cấp, mở rộng đường An Bình có chiều dài khoảng 1,4 km (bao gồm tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh), trong đó phần đường thuộc tỉnh Bình Dương có chiều dài khoảng 1,1 km, tổng mức đầu tư đề xuất là 1.693 tỷ đồng, trong đó phần mức đầu tư của tỉnh Bình Dương là 1.501 tỷ đồng.

Quảng Ninh quy hoạch mới ba đường sắt đô thị

Theo quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua, có ba tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch mới ở tỉnh này.

Tuyến thứ nhất có lộ trình Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long, có kết nối với Hải Dương và Hải Phòng. Trên địa bàn Quảng Ninh, tuyến này có điểm đầu trên tại thị xã Đông Triều, điểm cuối là TP Hạ Long.

Tuyến thứ hai có lộ trình Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn. Tuyến này bắt đầu ở TP Hạ Long, điểm cuối là huyện Vân Đồn.

Tuyến thứ ba có lộ trình Hải Hà - Móng Cái, điểm đầu ở khu công nghiệp Hải Hà, điểm cuối là phường Hải Hòa, TP Móng Cái.

Theo báo cáo quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh và bản đồ định hướng phát triển giao thông của tỉnh, cả ba tuyến đường sắt nói trên có tổng chiều dài 294 km.

Bổ sung hai cao tốc vào danh mục công trình trọng điểm ngành giao thông

Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình số 2891/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục dự án và thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Nội dung tờ trình nêu rõ: Tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung các dự án đường bộ cao tốc: Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và Chơn Thành - Gia Nghĩa vào danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Quảng Trị muốn làm đường quốc lộ nối cửa khẩu La Ray - cảng Mỹ Thủy

Ngày 22/3, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Liên danh CTCP Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Nhà máy điện Xekong để nghe báo cáo nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng quốc lộ 15D (QL15D) từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy và đầu tư xây dựng cụm cảng Mỹ Thủy cùng khu dịch vụ hậu cần cảng.

Trong đó, QL15D đi qua hai huyện Hải Lăng và Đakrông với tổng mức đầu tư trên 3.433 tỷ đồng. Dự án chia làm ba đoạn gồm đoạn 1 từ QL1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài gần 8 km; đoạn 2 từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34 km; đoạn 3 từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài hơn 11 km.

Bình Dương sẽ quy hoạch 10.000 ha đất công nghiệp dọc vành đai 4 và các tuyến cao tốc

Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) tổ chức Hội thảo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đặt ra cho tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 phải tập trung phát triển được 10.000 ha công nghiệp tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng, trên địa bàn các huyện, thị phía bắc.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển công nghiệp vừa là nơi dịch chuyển các doanh nghiệp phía nam (khoảng 2.888 doanh nghiệp cần phải di dời lên phía bắc) hoặc tái cấu trúc lại và dư ra khoảng 2.000 ha để phát triển đô thị, dịch vụ của Thuận An và Dĩ An trở thành trung tâm đô thị tầm cỡ khu vực.

Chuẩn bị khởi công dự án cải tạo 7 ga đường sắt phía bắc

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía bắc đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công vào tháng 4 năm nay.

Theo đó, dự án gồm hai gói thầu xây lắp, đến nay Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã hoàn thành thẩm định thiết kế, dự toán hai gói thầu này. Chủ đầu tư cũng đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu XL01 ngày 6/3 vừa qua, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công trước ngày 10/4 và khởi công dự án trong tháng 4/2023.

Dự án thực hiện cải tạo nâng cấp ba ga hành khách gồm ga Gia Lâm (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Cẩm Giàng và ga Hải Dương (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng); 4 ga hàng hóa gồm: ga Vật Cách, cảng Vật Cách (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng), ga Đồng Đăng và ga Lạng Sơn (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên - Lào Cai). Bao gồm các hạng mục cải tạo nhà ga, ke ga, xây mới mái che ke ga; làm mới, sửa chữa đường sắt; làm mới, sửa chữa nhà kho; các công trình phụ trợ đồng bộ...

Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch khu vực Bãi Sau thành trung tâm du lịch

Vừa qua, UBND TP Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu.

Theo Quyết định được UBND tỉnh phê duyệt, đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu có tính chất là khu trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại; khu dân cư và công trình công cộng khác thuộc đô thị Vũng Tàu.

Đồ án xây dựng các phân khu chức năng chính gồm khu dân cư đô thị; khu vực cải tạo chỉnh trang; khu vực xây mới; khu công trình công cộng; khu dịch vụ du lịch; khu công viên cây xanh, công viên, TDTT, quảng trường thương mại; các loại hình không gian mở công cộng...

Cùng với đó, xây dựng các tuyến, điểm tạo cảnh quan kiến trúc gồm tổ chức tuyến cảnh quan chính ven biển - đường Thuỳ Vân chạy dọc từ bắc xuống nam bao quát toàn khu và đường Lê Hồng Phong thành trục cảnh quan chính đông tây lấy hình ảnh vòng xoay tượng đài Liệt sĩ là kiến trúc điểm nhấn chính cho trục cảnh quan và kết thúc bởi quảng trường trung tâm ven biển.

(Nguồn: Vietnammoi)

Vụ ‘toà nhà đẹp nhất’ Cà Mau: Báo cáo kết quả kiểm điểm cán bộ trong tháng 3

(Ảnh minh họa).

Liên quan đến vụ “tòa nhà đẹp nhất Cà Mau” xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau yêu cầu báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân UBND xã Tân Thành và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tháng 3/2023.

Ngày 25/3, nguồn tin của Tiền Phong , Chủ tịch UBND TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vừa có công văn gửi Phòng Nội vụ; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Quản lý đô thị và UBND xã Tân Thành về việc xử lý trách nhiệm tập thể , cá nhân có liên quan đối với công trình xây dựng không đúng quy định.

Theo UBND TP. Cà Mau, công trình xây dựng không đúng quy định trên phần đất nuôi trồng thủy sản của ông Hồ An Tập tại xã Tân Thành đã được Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định xử phạt vào ngày 9/1/2023. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện các bước tiếp theo để đảm bảo việc xử lý đúng quy định pháp luật.

Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước của đơn vị, Chủ tịch UBND thành phố giao Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân UBND xã Tân Thành và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thiếu kiểm tra, chậm xử lý công trình xây dựng không đúng quy định trên phần đất nuôi trồng thủy sản của ông Tập; hoàn thành báo cáo kết quả trong tháng 3/2023.

Trước đó, Sở TN&MT Cà Mau cũng có công văn phúc đáp Sở Xây dựng nêu quan điểm rằng ông Hồ An Tập phải có trách nhiệm thực hiện đúng theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND TP. Cà Mau (quyết định đã có hiệu lực pháp luật).

Theo quyết định, ông Tập thực hiện hành vi vi phạm hành chính “chuyển đổi đất nuôi trồng thuỷ sản sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.

Cụ thể, ông Tập bị xử phạt 22,5 triệu đồng quy định tại khoản 2, Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ. Biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Như Tiền Phong đã thông tin, trước đó, tài khoản Facebook Ho Tap liên tục đăng tải hình ảnh, livestream quá trình xây dựng tòa nhà được giới thiệu là "đẹp nhất tỉnh Cà Mau". Trong các buổi livestream, chủ tài khoản này giới thiệu quá trình xây dựng cũng như vật tư cho căn nhà của mình.

Công trình được xây dựng trên đất tại thửa số 441, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.659m2, mục đích sử dụng đất nuôi trồng thủy sản cấp cho ông Hồ An Tập và thửa số 442, tờ bản đồ số 01, diện tích 1.650,1m2, mục đích sử dụng đất nuôi trồng thủy sản cấp cho bà Kiều Trang (vợ ông Hồ An Tập).

Qua kiểm tra, vị trí công trình xây dựng vi phạm, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nuôi trồng thủy sản. Cả 2 thửa đất này không đủ điều kiện để chuyển mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở tại nông thôn, do không phù hợp với quy hoạch xây dựng.

Từ đó, UBND TP. Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ trì, phối hợp UBND xã Tân Thành buộc chủ đầu tư công trình dừng việc thi công công trình; đồng thời thực hiện việc xử lý vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật.

(Nguồn: Soha)

Chấn hưng văn hóa: Mong lắm thay

“Chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Tháng 6/2014, Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đưa ra những đánh giá đáng báo động về hiện trạng văn hóa nước nhà như dưới đây.

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”; “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”; “Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn”.

Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết 33, môi trường văn hóa dường như vẫn chưa được cải thiện. Cho đến nay, những đánh giá nói trên của Nghị quyết 33 vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.

Trước thực tế đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức "Hội nghị Diên Hồng về văn hóa", khai mạc ngày 24/11/2021 tại phòng họp Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội, với quan điểm xuyên suốt của Đảng: "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất”.

Tổng Bí thư nhận xét, “Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”, “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao… Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”.

Một sự kiện đáng chú ý khác, diễn ra cuối năm 2022. Đó là Hội thảo Văn hóa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương và nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Hội thảo Văn hóa 2022 là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Thực trạng môi trường văn hóa hiện nay

Mỗi ngày mở trang báo ra, dù là báo giấy hay báo mạng, bên cạnh các tin tức tích cực, đập vào mắt người đọc không ít những tin tức buồn. Nhiều người tự hỏi, điều gì đang xảy ra trong cuộc sống xung quanh mình?

Trước hết là chuyện ứng xử hằng ngày. Thói gian dối, lươn lẹo đang ngày càng phổ biến, chi phối mọi hoạt động trong đời sống thường nhật. Gian dối lan sang cả ngành giáo dục, thành trì cuối cùng nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn Việt. Vụ gian lận thi chấn động cả nước 2018, sự xuống cấp của văn hóa học đường, cùng nhiều vấn đề tiêu cực khác trong môi trường giáo dục là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục bị vấn nạn gian dối lũng đoạn.

Bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng. Theo Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, gần 3.500 ca cấp cứu vì đánh nhau, 43% trong số đó phải nhập viện và 11 trường hợp đã tử vong.

Điều đáng lo ngại là bạo lực không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội mà còn cả trong ngành giáo dục, không chỉ đối với học sinh mà cả trong hàng ngũ thầy cô giáo và cán bộ công chức giáo dục.

Hàng loạt vụ án ma túy bị bóc gỡ gần đây với số lượng ma túy lên đến hàng tấn đã cho thấy sự thách thức nghiêm trọng của loại tội phạm đầu độc giống nòi này. Đã qua rồi thời buôn bán ma túy cò con, tính bằng lạng, bằng cân.

Các di sản văn hóa tiếp tục bị đe dọa, mai một. Gần đây, báo chí lên tiếng mạnh mẽ về việc nhiều di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, danh thắng quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, cảnh quan môi trường tự nhiên bị phá hủy. Một nàng Tô Thị có tuổi đời hàng vạn năm bị biến mất chưa đủ để cảnh báo các nhà quản lý, các doanh nghiệp khi “bắt tay nhau” thực hiện những dự án kinh tế. Chủ trương “Không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt” vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Chùa chiền đua nhau mọc lên như nấm, đồ sộ, hoành tráng với những cái nhất châu lục hay thế giới. Mê tín dị đoan núp bóng Phật giáo ngày càng nở rộ mà điển hình vụ “thỉnh vong báo oán” diễn ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) bị báo chí nêu hồi tháng 3/2019.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là một số doanh nghiệp đua nhau lập các dự án “du lịch tâm linh” – một khái niệm “tự sướng”, chữ dùng của Giáo sư Trần Ngọc Vương – để thâu tóm hàng trăm héc ta đất rừng đặc dụng, vùng đệm, thậm chí cả vùng lõi di sản để xây khu nghỉ dưỡng, chùa chiền vì lợi ích nhóm.

Đây thực chất là một hình thức kinh doanh mới, một vốn hàng trăm lời, bỏ xa các dịch vụ truyền thống, khiến những giá trị văn hóa tốt đẹp được xây dựng từ hàng ngàn năm nay của Phật giáo nước nhà đứng trước nguy cơ bị biến dạng.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp. Điều này có thể thấy rõ qua cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động. Từ đầu nhiệm kỳ khoá XI (tháng 1/2011) đến nay, đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Những con số nêu trên "Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Hiện trạng nêu trên tác động xấu đến môi trường văn hóa nước nhà. Sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, nền văn hóa đất nước tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn đó những nguy cơ làm băng hoại đạo đức lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nhìn thẳng vào sự thật để có quyết sách đúng

Dạo qua một lượt các hội nghị sơ kết, các báo cáo sơ kết được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhân dịp sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW hồi tháng 6/2019 có thể thấy tinh thần chung trong đánh giá của nhiều nơi được gói gọn trong mấy chữ: “nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ”; khi nói về kết quả: “đạt được những thành tựu quan trọng, chuyển biến tích cực, tiếp tục hoàn thiện, kết quả sơ bộ”; và khi nói về phương hướng những năm tiếp theo: “tiếp tục đẩy mạnh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết, nâng cao vai trò, phát huy vai trò tích cực chủ động, tăng cường quản lý nhà nước”.

Nếu không nhìn thẳng vào sự thật, nếu không dám thừa nhận yếu kém, nếu không mạnh dạn chỉ ra những tử huyệt của hiện trạng văn hóa mà cứ đánh giá một cách chung chung, bằng thứ ngôn từ bay bướm, khuôn sáo thì thật khó để có được những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Nền văn hóa Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, như Tổng Bí thư đã nói.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang