Lịch sử Liên hiệp Người Việt Liên bang Đức - Phần III:  Sau Đại hội thành lập - Nổi bật hình ảnh và phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Ảnh trên trang Web của Liên hiệp: Ghép ảnh Chủ tịch Thoại với Thủ tướng Merkel có mặt tại hội nghị Intergrationsgipfel lần thứ 8)

LTS:

Sau gần tròn 3 tháng kể từ ngày thành lập, ngày 20.01.2012, đúng dịp Tết Nguyên đán, báo Nhân dân đã đăng tin nổi bật bài phỏng vấn Chủ tịch Liên hiệp Người Việt Liên bang Đức, GS, TS Nguyễn Văn Thoại, với tiêu đề trích chính lời Chủ tịch “Cộng đồng người Việt tại Đức - đoàn kết mới phát triển mạnh” kèm lời giới thiệu: Tháng 10-2011, Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức đã được thành lập, đại diện cho quyền lợi của 125.000 người Việt hiện đang sinh sống tại Đức. Người trúng cử chức Chủ tịch của tổ chức này là TSKH Nguyễn Văn Thoại, Giáo sư trường ĐH Trier. Phóng viên NDĐT đã có dịp được trò chuyện cùng ông trong chuyến ông trở về thăm quê hương.

Toà soạn dành phần III cuốn Lịch sử này đăng lại nguyên văn bài phỏng vấn dưới đây, để bạn đọc hình dung lịch sử Liên hiệp người Việt Liên bang Đức sẽ gắn liền với Chủ tịch Liên hiệp như thế nào?

Hỏi: Thưa GS Nguyễn Văn Thoại, xin ông cho chúng tôi một hình dung về cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Đức?

Trả lời: Theo thống kê sơ bộ, hiện có 125.000 người Việt sống ở Đức. Đó là thống kê về thế hệ thứ nhất và thứ hai, còn thế hệ thứ ba thì không thể xác định gốc gác nữa. Người Việt sống ở Đức có rất nhiều thành phần. Hiện có khoảng hơn 200 hội nhỏ của người Việt rải rác tại các vùng miền khắp toàn nước Đức, mà chưa có một tổ chức thống nhất đại diện cho tiếng nói của cả cộng đồng.

Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, thế hệ con cháu người Việt ở đây học khá giỏi. Vừa rồi, cuộc thi học sinh giỏi Toán ở Đức tổ chức ngay tại trường tôi. Trong số rất đông thí sinh dự thi đã được tuyển chọn từ các vùng của nước Đức, có chín học sinh người Việt. Chỉ riêng việc được chọn đi thi đã cho thấy là các cháu rất khá. Cuộc thi diễn ra ba vòng, đến vòng cuối cùng vẫn còn hai cháu lọt vào. Có thể nói, thế hệ thứ nhất có nhiều người không có điều kiện học hành, chỉ là công nhân lam lũ, hoặc buôn bán qua ngày, nhưng truyền thống của người Việt Nam là hiếu học, nên họ quyết tâm cho con học. Thành tích học tập của các cháu trong thế hệ thứ hai của Việt kiều tại Đức được khen ngợi nhiều trong những cộng đồng người nước ngoài ở Đức.

Một điểm nữa thể hiện sự ham học của học sinh người Việt ở đây. Đó là tỷ lệ đỗ vào "trường chuyên" ở Đức của người Việt tương đối cao. Hệ thống giáo dục của Đức khác Việt Nam, từ lớp 5, học sinh đã được phân làm ba loại: Loại thứ nhất là những học sinh chỉ học đến lớp 10 là đi học nghề. Nhân đây, tôi muốn nói một điều, sở dĩ ngành công nghiệp ở Đức phát triển là nhờ một phần vào đội ngũ thợ lành nghề được đào tạo bài bản. Loại thứ hai là những người chỉ học đến lớp 12 để tốt nghiệp tú tài chuyên ngành và vào học tại các trường CĐ, còn gọi là các trường ĐH thực hành. Loại thứ ba là những học sinh sẽ làm tú tài toàn phần và được vào học ĐH. Những trường loại này có thể so sánh với các "trường chuyên" ở Việt Nam. Con em người Việt tại Đức thường cố gắng theo học trường loại này, đó là quyết tâm không chỉ của chính các học sinh mà còn cả của các bậc phụ huynh. Tỷ lệ học sinh Việt Nam tốt nghiệp tú tài toàn phần cao không chỉ so với HS nước ngoài tại Đức, mà có nơi, cả với những HS người bản địa.

Hỏi: Cách đây ba tháng, ông đã tranh cử chức Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn LB Đức và đã trở thành Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp nhờ những “tuyên ngôn” đúng với tâm nguyện của phần đông những người Việt Nam xa xứ. Xin GS kể lại ấn tượng của mình về lần tranh cử lịch sử này?

Trả lời: Tại Đại hội thành lập Liên hiệp người Việt toàn LB Đức diễn ra vào tháng 10-2011, ngoài tôi ra, còn một vài người ứng cử vào cương vị Chủ tịch. Mỗi ứng cử viên đều phải trình bày quan điểm của mình nếu được bầu vào vị trí này. Thời điểm đó, tôi đã nói rằng, điều tôi mong muốn và tôi nghĩ có thể làm được là xây dựng và phát triển đoàn kết giữa kiều bào ở hai miền đông và tây nước Đức, vì cho đến giờ, người Việt sống ở hai miền vẫn còn khoảng cách. Tôi cũng mong muốn đoàn kết được các thành phần trong cộng đồng, từ trí thức, doanh nhân cho đến người lao động. Tóm lại, mong muốn của tôi là đoàn kết người Việt tại Đức cả về địa lý và về tầng lớp trong cộng đồng. Hầu hết những người khi tham gia Liên hiệp đều xuất phát từ tâm nguyện làm điều gì đó cho cộng đồng, cho đất nước, vì chúng tôi đều là người Việt Nam. Và chúng ta chỉ có thể làm được điều đó khi có một tổ chức càng lớn mạnh càng tốt, còn những hội đơn lẻ thì sẽ không có được tác động rộng lớn này. Vì thế, có nhiều người tham dự đại hội đã bỏ phiếu cho tôi.

Hỏi: Thưa ông, lý do gì mà một Liên hiệp quan trọng như thế mà đến bây giờ mới được thành lập?

Trả lời: Sự phát triển của cộng đồng người Việt ở Đức có một quá trình dài. Trong quá trình đó, rất nhiều người muốn có một Liên hiệp nhưng chưa làm được vì quá phức tạp vì những lý do chính trị, kinh tế, lịch sử để lại. Thêm nữa là, mặc dù ý tưởng này đưa ra đã từ lâu rồi, nhưng chưa có đủ lực lượng nào dám đứng ra quyết tâm thực hiện. Thành ra, kéo dài đến tận bây giờ mới thành lập được Liên hiệp.

Việc thành lập được Liên hiệp là nhờ quyết tâm của cộng đồng, nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ toàn diện của các nhiệm kỳ Đại sứ ở Berlin và Tổng lãnh sự ở Frankfurt. Qua báo NDĐT, tôi xin cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và TLS Frankfurt đã song hành cùng chúng tôi. Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến những người đã tích cực tham gia tổ chức chuẩn bị cho Đại hội này trong hai năm qua như TS Nguyễn Sĩ Phương, anh Lê Hồng Cường, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh,... Tôi cũng xin cảm ơn các nhà tài trợ đầu tiên của chúng tôi, đặc biệt là Ngân hàng Vietinbank.

Hỏi: Việc thành lập Liên hiệp là một thành công của cộng đồng người Việt ở Đức. Việc gì ông đã làm ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp?

Trả lời: Sau khi trực tiếp bầu ra Chủ tịch, Đại hội thành lập còn bầu thêm 24 đại biểu xuất sắc vào Ban chấp hành gồm 25 thành viên thông qua hình thức bỏ phiếu kín và bầu 7 ủy viên Ban thường vụ Hội đồng thành viên thông qua hình thức biểu quyết. Trong cuộc họp thứ nhất của BCH diễn ra sau đại hội, chúng tôi đã bầu 5 Phó chủ tịch, người phụ trách tài vụ của LH và thành lập chín ban gồm: Ban đối ngoại, thông tin, Ban Phát triển cộng đồng, Ban Tài chính, Ban Dự án, Ban Khuyến học, Ban Văn hóa, Ban Phụ nữ - thanh thiếu niên, Ban Tư vấn pháp luật và Văn phòng tổng hợp.

Như vậy, sau khi thành lập, Liên hiệp người Việt toàn LB Đức có điều lệ rõ ràng và tổ chức khá chặt chẽ, với mục tiêu hướng đến “xây dựng một cộng đồng người Việt vững mạnh, đoàn kết, phát triển, hướng về Đất nước, hòa nhập, có vai trò và vị thế nhất định đối với hai quê hương Đức và Việt". Nhưng chúng tôi mới chỉ làm được bộ khung, muốn ra ngôi nhà hoàn thiện còn cần bao nhiêu thứ nữa.

Hỏi: Sau ba tháng hoạt động, việc lớn nhất mà Liên hiệp làm được là gì? Và những công việc nào bộn bề sau đó, thưa ông?

Trả lời: Việc lớn nhất mà chúng tôi đã làm là xác định được mục tiêu nhiệm vụ, thông qua việc thành lập ra chín ban của LH. Chúng tôi cũng đã làm được một trang Web riêng để đăng các thông tin của hội đoàn. Việc lớn tiếp theo chúng tôi đang làm là đăng ký với Tòa án Đức xin công nhận tư cách pháp nhân. Thủ tục đăng ký thành lập hội đoàn ở Đức cần những chi tiết chính xác và đầy đủ. Mục tiêu của chúng tôi là trong thời gian tới sẽ được công nhận về mặt pháp lý ở Đức. Lúc đó, Liên hiệp sẽ có con dấu riêng để hoạt động một cách chính danh.

Chúng tôi cũng đang chuẩn bị để tổ chức các buổi họp từng vùng. Đó là cách để từng người Việt đang sống ở các vùng miền của Đức biết đến hoạt động của Liên hiệp đại diện cho quyền lợi của họ. Trong số hơn 200 hội đoàn của người Việt tại Đức, hiện mới có hơn 70 hội đoàn gia nhập Liên hiệp.

Chủ trương của chúng tôi là sẽ xây dựng quỹ từ những dự án để lấy kinh phí cho các hoạt động của Liên hiệp. Trong quá trình người nước ngoài hội nhập vào Đức, Chính phủ có những quỹ hỗ trợ cho các tổ chức đại diện cho các cộng đồng này để giúp họ hội nhập tốt và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước Đức. Từ một phần của những dự án đó, cùng với tiền ủng hộ của các doanh nghiệp, của các hội viên và bà con trong toàn cộng đồng, chúng tôi sẽ có điều kiện về Việt Nam trực tiếp tham gia thực hiện những hoạt động trợ giúp người nghèo, chứ không chỉ gửi một ít tiền về là xong. Chẳng hạn mới đây, chúng tôi đọc báo thấy có những vùng không có cầu, trẻ em phải bơi qua sông để đi học, chúng tôi rất mong muốn có điều kiện để về giúp đỡ cho những địa phương này.

Đối với cộng đồng Việt kiều ở Đức, chúng tôi sẽ tổ chức những chuyến trại hè cho thế hệ con em thứ hai, thứ ba về Việt Nam tìm hiểu về đất nước. Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho họ những kiến thức cơ bản về vùng đất họ được trở về để chuyến đi có ích hơn. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức những lớp dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều, đồng thời dạy tiếng Đức cho những người chưa biết...

Chúng tôi hiện mới có những chương trình nhỏ như thế thôi, chứ chưa làm được việc gì to tát. Tóm lại, thành lập được Liên hiệp đã khó khăn, nhưng để nó hoạt động tốt còn khó khăn hơn nhiều, nhưng chúng tôi vẫn sẽ làm. Chúng tôi tin rằng sẽ vượt qua khó khăn, vì chúng tôi không vụ lợi mà làm việc chỉ vì cộng đồng.

Hỏi: Là một nhà khoa học, một GS đại học, giờ lại kiêm nhiệm thêm một nhiệm vụ mới, ông làm thế nào để kết hợp và làm việc một cách hài hòa? Và với cương vị mới, ông có dự định đóng góp gì cho việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và khoa học giữa hai nước Việt Nam và Đức trong thời gian tới?

Trả lời: Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức đã được lãnh đạo hai nước thống nhất đẩy lên ở tầm vóc hợp tác chiến lược. Cả hai nước đang cụ thể hóa những gì được ký kết giữa hai nước mới đây để thực hiện chủ trương này. Nhưng điều đó cần có thời gian. Còn những điều tôi có thể thực hiện ngay chẳng hạn là tham gia hướng dẫn, giúp đỡ trong việc đưa sinh viên VN sang học tại các trường ĐH của Đức và nếu có yêu cầu, tôi có thể tham gia vận động các giáo sư Đức sang giảng dạy tại trường ĐH quốc tế Việt - Đức ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Đây là trường ĐH được thành lập do sự hợp tác của Chính phủ hai nước. Bản thân tôi, hằng năm trong những tháng không có lịch dạy ở Đức, tôi có thể về Việt Nam cùng tham gia.

Hỏi: Ông có hy vọng sẽ đưa những thế hệ thứ hai, ba của cộng đồng người Việt tại Đức tham gia vào Liên hiệp để khẳng định tiếng nói của mình?

Trả lời: Nhiệm kỳ của tôi và các thành viên Ban chấp hành chỉ có ba năm. Mục tiêu của chúng tôi là trong các nhiệm kỳ tới sẽ dần dần đưa những người trẻ lên nắm giữ hoạt động của Liên hiệp. Ba năm là thời gian để những người ở thế hệ thứ nhất như chúng tôi khởi dựng những bước đầu tiên.

Phóng viên phát biểu: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư. Nhân dịp năm mới, chúc ông sẽ gặt hái được nhiều thành công trong các hoạt động của Liên hiệp người Việt toàn LB Đức.

Phóng viên giới thiệu về TSKH Nguyễn Văn Thoại: Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Thoại là Giáo sư ngành Toán Kinh tế tại ĐH tổng hợp Trier, CHLB Đức. Ông đã học ĐH tại Đông Đức cũ và trong thời gian từ 1972 đến 1990 từng là cán bộ nghiên cứu tại Bộ Vật tư, nay thuộc Bộ Công thương và tại Viện Khoa học Viêt Nam, nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài công tác nghiên cứu và giảng dạy tai ĐH Trier, hàng năm, GS Thoại còn tham gia hợp tác nghiên cứu và giảng dạy taị các trường ĐH và cơ sở nghiên cứu trong nước như tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các nước và vùng lãnh thổ khác như Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hồng Công …

Phóng viên trích lời Nhà văn Việt kiều Đức Nguyễn Văn Thoại với tựa đề: “Tôi đã khóc khi nghe tuyên ngôn nhậm chức của GS Nguyễn Văn Thoại”

“Thế hệ người Việt Nam sang Đức đầu tiên là năm 1956, khi Việt Nam cử người sang Đức học. Nhưng thời điểm di dân đông nhất là sau chiến tranh năm 1975. Thời điểm thứ ba là sau khi có hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và CHDC Đức (trước đây), cao điểm là năm 1989 ước tính có 8 vạn người Việt Nam sang Đức. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, CHLB Đức và Việt Nam đã ký hiệp định hiệp thương cho những người Việt Nam ở lại. Đến nay, đã có 125.000 người Việt Nam ở Đức. Do quá trình lịch sử với thể chế chính trị khác nhau, nên người Việt sang Đức cũng theo hai thể chế chính trị khác nhau, để lại một khoảng cách và khác biệt lớn, kéo dài khá lâu trong cộng đồng người Việt ở Đức. Cho nên, khi GS Nguyễn Văn Thoại đưa ra tuyên bố cố gắng nỗ lực hàn gắn sự khác biệt và chia rẽ khiến cả hai phía trong cộng đồng người Việt đều đồng tình. Tuyên ngôn nhậm chức ấy đã giúp ông thắng cử. Riêng tôi, khi nghe chuyện này tôi đã khóc vì cảm động.”

(Còn tiếp)

(Xem thêm:

=> Lịch sử Liên hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức - Phần II: Sau đại hội thành lập 22.10.2011 - Dư âm và trăn trở)

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang