Lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai; Giá trị của các đường vành đai; Để Huế không chỉ có trầm tư; Kế hoạch lớn của Thủ Đức

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đúng đối tượng, thực chất, trọng tâm

"Việc tổ chức lấy ý kiến cần xác định đúng đối tượng, nội dung trọng tâm, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, đề xuất hướng tiếp thu, chỉnh lý để dự thảo luật có tính thực tiễn, khả thi, dự báo được tác động chính sách, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, vật lực khi triển khai thực hiện", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 27/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Việc tổ chức lấy ý kiến cần xác định đúng đối tượng, nội dung trọng tâm, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, đề xuất hướng tiếp thu, chỉnh lý để dự thảo luật có tính thực tiễn, khả thi, dự báo được tác động chính sách, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, vật lực khi triển khai thực hiện.

Đại diện Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) cho biết, đến nay mới có 2 Bộ và 10 tỉnh ban hành bản kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật. Ngoài ra, Ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp qua trang web tập trung vào một số nội dung bồi thường, tái định cư, quy định chung, thu hồi đất, đăng ký đất đai, tài chính đất đai…

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đoàn công tác đôn đốc bộ, ngành, cơ quan, địa phương về lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề lấy ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội doanh nghiệp…

Tại cuộc họp, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị có sự phối hợp giữa cơ quan thẩm định và cơ quan soạn thảo khi lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa phương cũng như tổ chức các hội thảo chuyên đề, chuyên sâu về chính sách đất đai như: Tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất lấn biển, đất sử dụng đa mục đích; quản lý, sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế; rà soát tính đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật khác liên quan (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…).

Bên cạnh những nội dung trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng gợi mở thêm một số nội dung trọng tâm khác như cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển hạ tầng; chính sách tiếp cận đất đai, thu hút đầu tư ở Việt Nam…

"Việc lấy ý kiến phải đúng đối tượng, thực chất. Trong quá trình tiếp thu cần chú ý những ý kiến xác đáng, cụ thể đến từng điều khoản, nội dung trong dự thảo luật, góp phần hoàn thiện chính sách; đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định", Phó Thủ tướng nói.

Để bảo đảm đúng kế hoạch tiếp thu ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất, thay vì chờ tổng hợp xong ý kiến mới thực hiện tiếp thu, chỉnh lý thì có thể thực hiện đồng thời.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành thực hiện rà soát, có phương án phù hợp để sửa đổi các luật liên quan đang có hiệu lực hoặc trong quá trình soạn thảo, bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ rà soát, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để nhắc nhở, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cụ thể là xác định đối tượng, nội dung trọng tâm, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, đề xuất hướng tiếp thu, chỉnh lý để dự thảo luật có tính thực tiễn, khả thi, dự báo được tác động chính sách, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, vật lực khi triển khai thực hiện.

Trong quá trình lấy ý kiến tại địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý đến sự khác nhau trong chính sách đất đai ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía bắc. Vì vậy, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định cần trực tiếp lắng nghe ý kiến từ địa phương, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, từ đó, đưa ra chính sách có tính đặc thù, phù hợp cho từng vùng, từng địa phương.

Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, tiến hành rà soát các nội dung; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, chuyên sâu về chính sách đất đai; có kế hoạch cụ thể, đánh giá khối lượng thực hiện theo ngày, theo tuần.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về kế hoạch đôn đốc, kiểm tra công tác lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa phương, nhất là những vướng mắc chưa giải quyết được; kiện toàn thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)…/.

(Nguồn: CafeF)

Giá trị của các tuyến đường vành đai đối với Hà Nội

Các dự án đường Vành đai 4, Vành đai 3,5 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho nội đô Hà Nội, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực và là đòn bẩy phát triển kinh tế.

Giảm tải cho nội đô

Sớm hoàn thiện các tuyến đường vành đai trong đó có Vành đai 4 - tuyến đường được xem “lá chắn” giảm xe đi vào khu vực nội đô, là một trong những giải pháp cốt lõi, lâu dài mà Hà Nội hướng đến để giải bài toán ùn tắc giao thông của Thủ đô.

Theo đó, đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. Bởi hiện nay, tuyến Vành đai 3 hiện đã quá tải. Toàn bộ lưu lượng giao thông ở các trục hướng tâm hướng về đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, hướng về khu vực lõi sẽ được giải tỏa ở vành đai kề cận nhất với vùng đô thị trung tâm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, nội dung giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh là nhiệm vụ quan trọng của thành phố được đặt ra từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, để thực hiện cần đồng bộ về chính sách nhằm hạn chế di dân vào nội đô, đồng thời tập trung đầu tư phát triển khu vực đô thị mở rộng, thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh để giãn dân, việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô là trách nhiệm không chỉ riêng Hà Nội mà cũng là sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp, giám sát của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Cụ thể, Hà Nội đang tính đến xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại các huyện phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai). Dọc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ thiết lập trục đô thị vùng ven. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội.

Bao giờ hoàn thành?

Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).

Các tuyến vành đai không chỉ giảm tải áp lực giao thông nội đô, mà còn là đòn bẩy tạo nên những hành lang góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.

Trong đó, tuyến Vành đai 4, được yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công đồng loạt ở cả 3 tỉnh, thành phố vào tháng 6.2023; cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km. Đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Tiếp đó, đường Vành đai 3,5 kết nối khu vực phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng, dài 45,64km sau đó cũng được triển khai để giảm tải cho áp lực cho những tuyến đường hiện hữu.

Một số đoạn trên tuyến Vành đai 3,5 được Hà Nội dự kiến rót thêm hàng nghìn tỉ đồng. Dự kiến, hết năm 2025, gần 90% tuyến đường (tương đương 40,1km trong tổng số 45,64km) sẽ được đầu tư theo quy hoạch và khép kín khi cầu Ngọc Hồi hoàn thành, tạo sự kết nối hai bờ Bắc - Nam sông Hồng. Đây sẽ là động lực cho sự phát triển hơn nữa của những khu dân cư, đô thị, hoạt động thương mại, dịch vụ... ngày càng sầm uất dọc hai tuyến đường.

TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng, bộ đôi vành đai 3,5 và Vành đai 4 là giải pháp hoàn thiện hệ thống đường bộ của Vùng Thủ đô, kết nối xuyên suốt đến cả 10 địa phương phía Bắc.

Theo ông Tạo, các dự án hạ tầng nghìn tỉ còn là bàn đạp tiếp cận các khu vực kinh tế, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh. Đây cũng là động lực cho sự hình thành các đô thị vệ tinh, "kéo" cư dân từ nội đô ra các khu vực xung quanh, giúp giảm áp lực cho lõi đô thị.

(Nguồn: Lao Động)

Để Huế không chỉ có… trầm tư

Huế hội tụ những “đặc sản” văn hóa, lịch sử không lẫn với bất cứ nơi nào. Bên dòng Hương Giang yên ả và ngôi chùa Thiên Mụ cổ kính, Huế hiện lên như “cô gái quê”, vừa dịu dàng, e ấp, vừa mộc mạc, đôn hậu. Nhưng, bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa, Huế cũng cần bắt kịp xu thế phát triển để không đánh mất vị thế.

Bảo tồn và phát huy giá trị

Cùng với Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) được xem là “trái tim” trên “con đường di sản miền Trung”.

TS - kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá: “Huế là nơi đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng đồ sộ, phong phú của Việt Nam. Xét về quy mô, tính độc đáo, kho tàng di sản ấy luôn được xếp hàng đầu, không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn ở cấp độ châu lục và thế giới”. Còn theo TS - kiến trúc sư Trần Minh Tùng (Trường đại học Xây dựng Hà Nội), “Huế gắn liền với dòng Hương Giang, được xem như yếu tố phong thủy tạo nên vượng khí cho Kinh thành của triều Nguyễn”.

Ông Amadou Mahtar M’Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO cho rằng, những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý “đóng khung” Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang và Cầu Hai. Nhờ thế, họ sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó, mỗi nhân tố bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi. Di sản Kinh đô Huế thế kỷ XIX đã trở thành di sản văn hóa thế giới với đa dạng các thể loại: vật thể, phi vật thể, ký ức…

Các dự án tu bổ, phục hồi di tích Cố đô Huế dự kiến khởi công trong giai đoạn 2022 – 2025

- Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu (giai đoạn I) - đợt 1
- Chiếu sáng mỹ thuật di tích Ngọ Môn (tầng 1, tầng 2 và sửa chữa, thay thế tầng 3)
- Bảo tồn, tu bổ, phục hồi thích nghi di tích Đàn Âm Hồn
- Bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao (phần còn lại)
- Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hưng Miếu
- Bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng Vua Thiệu Trị (giai đoạn III)
- Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng Vua Tự Đức (phần còn lại)
- Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu - giai đoạn I
- Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc tử giám - Kinh thành Huế
- Phục hồi, tu bổ và tôn tạo vườn Cơ Hạ
- Trụ sở làm việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
- Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh
- Phục hồi di tích Đại Cung Môn
- Tu bổ hệ thống mái Khải Tường Lâu - Cung An Định
- Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế

Thời gian qua, bên cạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, như Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình…, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn xem công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích là nhiệm vụ thường xuyên. Tuy nhiên, những thủ tục pháp lý liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có nhiều thay đổi, nên quy trình chuẩn bị đầu tư phải tiến hành rất nhiều thủ tục pháp lý, qua nhiều công đoạn và tốn nhiều thời gian hơn.

Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 15 dự án dự kiến khởi công trong giai đoạn 2022 - 2025. Đặc biệt, trong đó, Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế đã mở ra một tương lai mới cho bao thân phận con người “sống bám di tích” ở Kinh thành Huế nói chung và khu phố Trần Huy Liệu nói riêng.

Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn triển khai thực hiện và chuyển tiếp 13 dự án, gồm: Tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng Vua Gia Long (phần còn lại); Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Kiến Trung; Bảo tồn, tu bổ hệ thống tường và cổng Tử Cấm Thành (giai đoạn I); Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hoà; Bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao (giai đoạn I); Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng Vua Thiệu Trị (giai đoạn II); Bảo tồn, tu bổ tổng thể khu di tích lăng Vua Đồng Khánh (phần còn lại); Bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục: khu Tẩm điện, khu lăng mộ); Bảo quản, tu bổ, phục hồi lăng Minh Mạng (hạng mục: khu vực Tẩm điện và sân Bái Đình); Tu bổ, phục hồi các lăng mộ và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật cảnh quan thuộc quần thể di tích lăng Vua Gia Long; chiếu sáng mỹ thuật xung quanh Hoàng thành; hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực Hoàng thành.

Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

“Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh, không chỉ của riêng Thừa Thiên Huế, mà còn của cả vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước”, TS - kiến trúc sư Trương Văn Quảng chia sẻ.

Ngẫm về hai “thái cực”

Dù lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng đồ sộ, phong phú, nhưng bao năm qua, Huế vẫn trầm mặc, chậm rãi như ly cà phê “không cần vội” vào mỗi sáng bên bờ Hương Giang.

TS - kiến trúc sư Trần Minh Tùng nhìn nhận, việc quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993 đã trở thành yếu tố tăng trưởng kinh tế quan trọng của địa phương thông qua việc thu hút khách du lịch. Festival Huế qua 11 kỳ tổ chức đã tạo nên một thương hiệu du lịch hấp dẫn với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài muốn tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa hoàng gia của một triều đại phong kiến. Như vậy, trong những năm qua, Huế đã dần xác lập được vị trí là đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Tuy nhiên, theo TS - kiến trúc sư Trần Minh Tùng, đô thị Huế đang phát triển chậm, thậm chí có nguy cơ mất vị thế trong vùng. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là do mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Các dự án mở rộng đô thị luôn phải “loay hoay” giữa 2 đối cực: giữ gìn lịch sử và bứt phá tương lai.

Như vậy, di sản từ điểm mạnh lại có thể là điểm yếu của đô thị này. Huế cũng cho thấy những động thái ứng xử mới khi sử dụng các điểm đô thị nhỏ kế cận để chia sẻ trọng trách phát triển, mà việc hình thành cảng nước sâu Chân Mây cùng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là một ví dụ điển hình.

Khác với Đà Nẵng, Huế sở hữu tính chất di sản khá rõ và đậm nét. Đó là nhìn nhận của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Gần đây, biển Thuận An ở thị trấn Thuận An mới sáp nhập vào TP. Huế sau khi thành phố này mở rộng địa giới hành chính. Do đó, TP. Huế có tính chất phát triển mới về phía giáp biển, song vẫn cần nhấn mạnh, khu trung tâm của Huế hiện nay chủ yếu là phần di sản.

“Với quỹ đất còn rộng, Huế muốn phát triển thì tập trung vào bảo tồn cái mình đang có và phát triển các đô thị mới về hướng An Vân Dương, về hướng Thuận An, hay về phía Phú Bài… Vậy nên, khi phát triển, thì Huế nên phát triển những khu vực mới, chứ không nên phát triển đan xen nhà cao tầng vào các khu di sản hiện nay, để rồi phá vỡ di sản thì rất uổng”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị.

Vị kiến trúc sư này đánh giá, Huế đang đi đúng hướng. Theo đó, khu trung tâm hiện hữu của Huế đang được giữ gìn, không cao tầng hóa nhiều, mà chỉ chỉnh trang một số, chỉ cao tầng hóa phát triển về hướng An Dương Vương, phía Đông, sắp tới là phát triển về phía Thuận An…

Nên chăng, Huế không thể nhìn mình để so sánh… với mình, mà cần hòa nhập vào sự phát triển của cả vùng, khu vực?

(Nguồn: Báo Đầu Tư)

Kế hoạch lớn của TP Thủ Đức trong năm 2023

Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp đã chia sẻ với Báo Người Lao Động về cơ hội và thách thức trong phát triển TP Thủ Đức - cực tăng trưởng mới của TP HCM.

Phóng viên: Sau 2 năm thành lập, TP Thủ Đức bước vào năm 2023 với nhiều thách thức và cơ hội phát triển khi được thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM, trong đó, TP Thủ Đức được thêm quyền trên một số lĩnh vực. TP Thủ Đức đã chuẩn bị gì để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn?

- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 3229/QĐ-UBND và Quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 23-9-2022 về ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cho UBND TP Thủ Đức ở 4 lĩnh vực cụ thể về Xây dựng – Môi trường – Đô thị; Kinh tế - Ngân sách – Dự án; Tư pháp và Văn hóa – Giáo dục – Thông tin – Xã hội – Khoa học; và ủy quyền thẩm quyền riêng cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức ở 3 lĩnh vực cụ thể về Đối ngoại, Nội vụ và Văn hóa – Thông tin – Xã hội – Khoa học.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức, chia sẻ về TP Thủ Đức sau 2 năm thành lập.

Liên quan đến việc ủy quyền này, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã chỉ đạo HĐND và UBND TP Thủ Đức khẩn trương phối hợp các các Ban HĐND, các Sở, ban, ngành TP HCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung ủy quyền theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND và số 3230/QĐ-UBND trên địa bàn TP Thủ Đức.

Tôi cho rằng việc ủy quyền này, ngoài bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ cho các phòng, ban, cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức thì còn là cơ hội để cán bộ, công chức TP Thủ Đức tự nâng cao năng lực của mình nhằm đáp ứng những ủy quyền của cấp trên.

Cũng có thể nói, đây là đợt "tập dợt" để khi TP Thủ Đức có cơ chế chính sách cao hơn sẽ nhanh chóng thích ứng. Khi các quyết định ủy quyền có hiệu lực (ngày 23-12-2022), bộ phận nào, cá nhân nào không đáp ứng được thì sẽ xem xét thay đổi theo tinh thần "ai không làm được thì đứng sang một bên". TP Thủ Đức mà không làm hiệu quả việc này thì không thể nói gì về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức. Muốn làm được điều đó, ở ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động TP Thủ Đức phải thực sự nỗ lực, vượt qua những trắc ẩn đời sống, chung tay thực hiện nhiệm vụ.

TP Thủ Đức có diện tích rộng, quy mô dân số lớn, với mô hình chưa có tiền lệ - thành phố trực thuộc thành phố - nhưng cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện. Phải chăng "chiếc áo chính sách" chật sẽ khó xoay xở và TP Thủ Đức cần cơ chế, chính sách gì để khơi thông nguồn lực, phát triển đột phá?

- Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM và Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM tiếp tục nghiên cứu tham mưu, đề xuất Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách phù hợp phát triển TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM. Đồng thời, kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM quan tâm chỉ đạo việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị, định hình mô hình thành phố trực thuộc TP HCM tại TP Thủ Đức theo hướng chính quyền một cấp và hành chính hai cấp.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị TP Thủ Đức tiếp tục thông tin, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp cho 52 chương trình, đề án, kế hoạch và huy động toàn hệ thống chính trị tham gia triển khai thực hiện nghị quyết đã được thông qua. TP Thủ Đức đến nay đã có 33/52 chương trình, đề án, kế hoạch cơ bản đã hoàn thành (14/52 đã ký ban hành, 11/52 đã hoàn chỉnh dự thảo, đang phối hợp Sở, ngành trình Ban Cán sự Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, 8/52 đã thông qua Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy). Còn lại 19 đề án, chương trình chúng tôi sẽ tập trung phấn đấu hoàn tất trong quý 1 năm 2023.

Đây là những nỗ lực của TP Thủ Đức để làm cơ sở để xin chủ trương Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cho phép Thành ủy Thủ Đức tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ 2020-2025, làm dấu mốc thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng bộ (hơn 24.000 đảng viên) có được nghị quyết chính thức của tập thể, phấn đấu đến năm 2025 với nhiều sự kiện trọng đại, nhiều mục tiêu chiến lược cùng TP HCM và cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Dự kiến bức tranh kinh tế - xã hội TP Thủ Đức trong năm 2023 như thế nào và "mũi nhọn" nào sẽ được làm đòn bẩy đưa kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, thưa ông?

- Tại Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM vừa qua, đồng chí Bí thư Thành ủy TP HCM đã nhấn mạnh: "Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc và tạo đà phát triển cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ. Dự báo tình hình trong năm 2023 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường".

Với tinh thần đó, Hội nghị lần thứ 12 (phiên họp cuối năm 2022) Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức đã xác định cần tập trung triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả tiếp tục tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế xã hội TP Thủ Đức trong năm 2023. Hội nghị đã thông qua 9 nhiệm vụ trọng tâm và 38 chỉ tiêu, mục tiêu chính trị quan trọng; trong đó, có 29 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, tôi nghĩ rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Đức cần phải chủ động, thích ứng hơn nữa, phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại; tập trung tháo gỡ vướng mắc, chia sẻ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Trước mắt là: (1) Hoàn thành việc lập Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TP HCM đến năm 2040 theo nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Quyết định số 1538/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2021. (2) Hoàn tất và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM. (3) Tổ chức thực hiện tốt và có đánh giá rút kinh nghiệm các nội dung ủy quyền theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND và Quyết định số 3230/QĐ-UBND của UBND TP HCM. (4) Tập trung thực hiện chủ đề năm 2023 của TP HCM với trọng tâm là xây dựng nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chăm lo an sinh; chấn chỉnh và tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao đạo đức công vụ và hành chính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước; áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin để giảm thủ tục hành chính và thời gian đi lại cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hế thống chính trị, TP Thủ Đức luôn đặt mình trong tư thế lãnh đạo "từ sớm – từ xa"; trong điều hành "Nói đi đôi với làm"; trong vận động nhân dân với tinh thần "lấy cái đẹp – dẹp cái xấu"; chăm chút cho từng kết quả dù nhỏ nhất. Cá nhân tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ thành công trong tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua thử thách năm 2023 để tăng tốc xây dựng TP Thủ Đức thống nhất phát triển toàn đô thị đúng như kỳ vọng của nhân dân.

Thu ngân sách hơn 20.000 tỉ đồng

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho hay, sau 2 năm, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố được giữ vững, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực, tiêu biểu như: tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 là 10.675 tỉ đồng và năm 2022 là 20.071 tỉ đồng với kết quả tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là 97% và 2022 là 93%.

TP Thủ Đức quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đã khởi công xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân với gần 3.000 căn hộ; đẩy nhanh tiến độ trồng cây xanh, trong 2 năm đã trồng mới hơn 747.956 cây xanh các loại; đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo diện mạo đô thị ngày càng hiện đại.

"Các thành quả sau 2 năm đạt được là sự kế thừa thành quả của 3 quận trước đây và là sự kết tinh của sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp thành phố, góp phần cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức theo đúng mục tiêu lâu dài là xây dựng TP Thủ Đức trở thành "Đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững" – ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.

(Nguồn: Người Lao Động)

(Xem thêm:

=> Giám sát cung ứng xăng dầu 5 tỉnh; Đóng cửa sân bay Điện Biên; Đột phá hạ tầng giao thông; TQ đặt trạm tên lửa ở Hoàng Sa ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang