
BẮT GIAM NGƯỜI PHỤ NỮ LẬP 116 CÔNG TY ĐỂ RỬA TIỀN XUYÊN QUỐC GIA
Chỉ trong vài tháng, một cá nhân đã đứng ra thành lập 116 doanh nghiệp tại TPHCM. Kết quả điều tra cho thấy cá nhân này thuộc đường dây tội phạm xuyên quốc gia hoạt động rửa tiền.
Liên quan đến vụ việc một cá nhân thành lập 116 doanh nghiệp tại TPHCM, sáng nay (28/6), nguồn tin của PV VietNamNet cho hay, đây là một trong những đối tượng thuộc đường dây tội phạm xuyên quốc gia hoạt động rửa tiền vừa được Công an TPHCM triệt phá.
Cá nhân này là Nguyễn Thị Hương (SN 1990, thường trú huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Hương cùng 12 đối tượng khác đã bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố để điều tra về hành vi “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” vào cuối tháng 4/2024.
Trước đó, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Dũng - Cục phó Cục thuế TPHCM - cho biết cơ quan này đã chuyển hồ sơ vụ việc một cá nhân thành lập 116 công ty chỉ trong vài tháng cho Công an TPHCM để xác minh, làm rõ.
Theo ông Dũng, 116 công ty đều do Nguyễn Thị Hương làm đại diện pháp luật, được thành lập trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024. Địa chỉ đăng ký các doanh nghiệp trải đều các quận, huyện trong thành phố.
“Khi thấy có dấu hiệu bất thường, các chi cục thuế đã mời đại diện doanh nghiệp lên để tuyên truyền quy định pháp luật về thuế. Tuy nhiên, người này không đến. Qua kiểm tra, các cơ quan thuế địa phương phát hiện 116 doanh nghiệp này đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, một số địa chỉ đăng ký không có thật” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho hay, thời gian tới, Cục thuế TPHCM sẽ mở rộng rà soát đối với những cá nhân sở hữu nhiều doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của PV, Nguyễn Thị Hương đã đăng ký thành lập 116 doanh nghiệp có tên bằng tiếng Anh và địa chỉ đăng ký kinh doanh trải khắp các quận, huyện của TPHCM. Ví dụ như tại quận Tân Bình có 22 doanh nghiệp, quận Tân Phú có 15 doanh nghiệp, TP Thủ Đức có 11 doanh nghiệp, quận 10 có 10 doanh nghiệp, quận 5 có 5 doanh nghiệp…
Còn thông tin từ Công an TPHCM cho biết, đầu tháng 4/2024, đơn vị này nhận được tin báo về việc một doanh nghiệp có trụ sở tại Ukraine bị một số đối tượng chưa rõ lai lịch lừa đảo.
Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là sử dụng địa chỉ email tương tự địa chỉ email của đối tác tại Hàn Quốc để liên hệ, trao đổi về các nội dung liên quan đến giao dịch hợp đồng kinh tế đang thực hiện. Điều này khiến doanh nghiệp tại ở Ukraine lầm tưởng, từ đó chuyển tiền vào một tài khoản tại ngân hàng Việt Nam. Sau đó, số tiền này nhanh chóng bị chuyển tiếp qua nhiều tài khoản khác rồi chiếm đoạt.
Nhận thấy đây là nhóm tội phạm có các đối tượng nước ngoài móc nối với người Việt trong nước để hoạt động phạm pháp, Công an TPHCM đã vào cuộc điều tra và xác định Nguyễn Thị Hương là một trong những mắt xích quan trọng.
VÌ SAO LÃI VAY MUA NHÀ THẤP KỶ LỤC VẪN Ế?
Lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng dao động ở mức 5-6%/năm trong thời gian ưu đãi và được nhận xét là thấp kỷ lục so với nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, người mua nhà vẫn thờ ơ vì giá nhà cao, người dân khó xoay xở trả tiền mua nhà.
Lãi vay mới xuống đáy
Khảo sát thực tế, nhóm ngân hàng quốc doanh áp dụng mức lãi suất cho vay phục vụ mua nhà ở mức 5-7%/ năm, tùy theo kỳ hạn.
Trong đó, Agribank có lãi suất từ 4,0%/năm với khoản vay đến 3 tháng; 4,5%/năm với khoản vay trên 3-6 tháng; từ 5,0%/năm với khoản vay trên 6-12 tháng; từ 5,5%/năm với khoản vay trung và dài hạn. Bước sang năm thứ 3, mức lãi suất cho vay sẽ thả nổi (ước tính theo gói vay khoảng 8-9%/năm).
Với VietinBank, lãi suất vay ngắn hạn từ 5%/năm, vay trung, dài hạn từ 5,6%/năm.
Ở BIDV, riêng với chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM, lãi suất cho vay tối thiểu 5%/năm trong 6 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu 36 tháng, hoặc tối thiểu 5,5%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu 60 tháng.
Ở Vietcombank, đối với khách hàng cá nhân vay mua nhà lãi suất ưu đãi từ 6%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); hoặc 6,3%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay trung, dài hạn. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi khoảng 9%/năm và thay đổi 3 tháng/lần.
Với nhóm các ngân hàng nước ngoài như Wooribank, Shinhanbank, Hong Leong Bank, UOB, Standard Chartered cũng có sự điều chỉnh lãi suất cho vay. Trong đó, lãi suất dao động trong khoảng 5,5 - 6,8%/năm đầu, tùy kỳ hạn.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà dao động trong khoảng 4,99 - 7,9%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Trong bối cảnh nhiều gói vay mới lãi suất thấp được tung ra, giám đốc khối cho vay cá nhân của một nhà băng cho biết, có sự dịch chuyển khách hàng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Những khách vay đang chịu lãi suất thả nổi cao chuyển sang vay tại nhà băng mới để được hưởng lãi suất ưu đãi tốt hơn 2-4%/năm.
Với các khoản vay cũ với lãi suất thả nổi thấp hơn khoảng 2-3% so với trước đây, dẫu vậy vẫn cao hơn nhiều so với mặt bằng huy động. Ngoài ra, lãi suất cho vay thả nổi của một số ngân hàng tư nhân đang cao hơn nhiều so với nhóm quốc doanh.
Hiện, lãi suất thả nổi sau ưu đãi cho các khách vay cũ của nhóm ngân hàng quốc doanh quanh 9-10%/năm, trong khi một số nhà băng tư nhân vẫn neo cao trên 12%/năm.
Người dân không dám vay vì sao?
Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi - cho biết, hiện lãi suất vay mua nhà tuy có giảm nhưng ở bình diện chung, các ngân hàng cố định 1-2 năm đầu ở mức dưới 10%/năm, sau đó sẽ thả nổi với lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng cộng biên 4-5%.
Ông Huy cho rằng, dù lãi vay thấp nhưng người dân không mặn mà bởi giá nhà vẫn đang ở ngưỡng cao, sản phẩm có tổng tiền dưới 3 tỷ đồng ít, phần lớn đều từ 5-8 tỷ/đồng. Nếu họ cố gồng mình vay thì rất khó xoay sở để có tiền đối ứng và nguồn thu nhập trả gốc lãi sau này.
Thời điểm này, những nhà đầu tư, nhóm các nhà bất động có quy mô lớn về số lượng, giá trị thì nhiều người lại đang kẹt hàng, chưa thanh khoản được ở những dự án lớn đã đầu tư từ trước.
"Với những người có thu nhập, có nhu cầu mua nhà nhưng chưa dám mạnh dạn vay ngân hàng do lo ngại thời gian tới lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay bất động sản tăng mạnh thường sẽ từ 10-15%/ năm (tùy vào từng ngân hàng ở mỗi thời điểm), dẫn tới rủi ro không trả được nợ gốc lãi", ông Huy nói.
Theo báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 của công ty PropertyGuru Việt Nam, hồi quý II, so với mức giá bán cùng kỳ năm 2023, giá bất động sản tại Hà Nội tăng trung bình 31% với chung cư , 19% với đất nền, 32% với nhà riêng và 18% với biệt thự.
Ngay cả thị trường TPHCM, dù thanh khoản còn yếu, nhưng giá bất động sản chỉ có xu hướng đi ngang. Các loại hình đất nền, nhà riêng, nhà mặt phố đều không còn xuất hiện tình trạng giảm giá, riêng căn hộ còn ghi nhận tăng thêm 6% so với cùng kỳ.
Trước tình trạng giá nhà vẫn có xu hướng tăng, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc PropertyGuru Việt Nam khu vực miền Nam - khuyến nghị người mua : “Chỉ nên cân nhắc mua nhà tại Hà Nội và TPHCM khi có thu nhập từ 30 triệu đồng".
Ông Tuấn phân tích, một căn nhà riêng hay chung cư ở 2 thành phố lớn hiện nay có giá ít nhất 2-2,5 tỷ đồng, nếu vay từ 50-70% giá trị bất động sản - rơi vào khoảng 1,4 - 1,5 tỷ, chủ nhà phải trả cả gốc và lãi 12 triệu đồng/tháng.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ ĐƯA VỐN RA THỊ TRƯỜNG

Đã gần nửa chặng đường của năm 2024, tăng trưởng tín dụng chưa bằng 1/3 mục tiêu cả năm
Số liệu thống kê của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy tính đến giữa tháng 6-2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng mới đạt 3,79%. Con số này còn cách rất xa so với mục tiêu cả năm là 15%.
Tại Nghị quyết 82/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng yêu cầu NH Nhà nước chỉ đạo các NH thương mại thực hiện hiệu quả giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp (DN), hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh…
Lãi suất không phải vấn đề chính
Theo NH Nhà nước, tổng cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Ghi nhận của phóng viên, nhu cầu vay vốn của cả khách hàng cá nhân lẫn DN ở thời điểm hiện tại đều chưa cao. Tại hội nghị đối thoại giữa chính quyền và DN trong lĩnh vực NH vừa diễn ra ở TP HCM, ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm CLB DN thép TP HCM, nhận định bức tranh hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN trong những tháng đầu năm còn khó khăn.
DN có nhu cầu vay mới thì không đủ điều kiện về tài sản thế chấp, DN đang có dư nợ cũng khó khăn về dòng tiền trả nợ… "Lãi suất cho vay hiện không phải là vấn đề. Từ cuối năm 2023, lãi suất khoản vay của công ty tôi khoảng 10%, nay giảm còn khoảng 6%/năm là mức hợp lý" - ông Khương nói.
Khảo sát gần đây của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) đối với các hội viên cho thấy 16% DN đang thiếu vốn kinh doanh, trong khi 50% DN khó khăn vì không có đơn hàng mới. Theo HUBA, đây chính là khó khăn lớn nhất của DN hiện nay. Bởi không có đơn hàng thì DN không có nhu cầu vay vốn, dù lãi suất vay đã giảm đáng kể so với trước.
Đáng chú ý, rất nhiều DN đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền. Riêng các DN bất động sản đang đối diện với khối nợ trái phiếu khổng lồ lên đến 350.876 tỉ đồng, trong đó ước tính giá trị cần xử lý năm 2024 là 99.700 tỉ đồng.
"DN đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo. Cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để những khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng NH và trái phiếu DN, nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, bảo đảm vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...) hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài)" - HUBA kiến nghị.
Nhiều NH thương mại cũng thừa nhận lãi suất cho vay hiện tại không phải vướng mắc trong đẩy vốn tín dụng, mấu chốt là khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế vẫn thấp. Cán bộ một NH thương mại nói NH đã tìm đủ cách để đẩy tín dụng cá nhân, nhất là cho vay mua nhà, mua xe… nhưng không dễ vì nhu cầu thấp. Thậm chí, một số NH còn triển khai cho vay ân hạn nợ gốc 2, 3 hoặc tới 5 năm nếu vay mua nhà trong thời gian 20 - 30 năm nhưng tốc độ tăng tín dụng vẫn không đạt như kỳ vọng.
Cạnh tranh để cho vay
Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc ABBANK, cho biết để thúc đẩy tín dụng, NH đã rà soát các khách hàng. Khách hàng nào tốt, NH chủ động tăng hạn mức; những khách hàng có cơ hội hồi phục, NH cũng mạnh dạn cơ cấu lại theo quy định; chỉ nhóm khách hàng không thể cơ cấu lại mới tập trung thu hồi nợ.
"Chúng tôi rất mong muốn tăng trưởng tín dụng. Việc chọn lựa đúng, chấm điểm khách hàng góp phần vào tăng trưởng tín dụng của NH. Dự kiến khoảng tháng 7-2024, NH sẽ tăng trưởng dương trở lại và cam kết đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mức NH Nhà nước cho phép" - ông Hiếu nói.
Là một trong không nhiều NH thương mại có tốc độ tăng tín dụng khả quan từ đầu năm đến nay, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB), cho hay tính đến gần cuối tháng 5-2024, tín dụng của ACB tăng khoảng 9,5% - cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Để đạt được mức tăng trên, ACB đã thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất cạnh tranh. Trong đó, lãi suất cho vay khách hàng DN chỉ 6%-8%/năm, khách hàng cá nhân khoảng 7%-8%/năm. Trong quý II/2024, tín dụng tại ACB tăng gấp đôi so với quý đầu năm và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới.
"Chưa bao giờ cạnh tranh cho vay khốc liệt như hiện nay, nên để mở rộng được tín dụng thì lãi suất khó tăng cao. Bởi nếu một NH nâng lãi suất cho vay, ngay lập tức dòng tiền tín dụng có thể chảy sang NH khác.
Chưa kể, các NH đang phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân theo yêu cầu của Chính phủ, NH Nhà nước để người dân, DN thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng… Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp ít nhất từ nay đến cuối năm" - ông Phát nhận định.
Ở góc độ quản lý, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm theo yêu cầu của Chính phủ, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết NH Nhà nước sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành luật từ ngày 1-7; đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH.
Cũng theo NH Nhà nước, các chương trình, chính sách tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được quyết liệt đẩy mạnh.
HẾT THỜI “BỎ PHỐ VỀ QUÊ”, NHÀ ĐẦU TƯ “GỒNG MÌNH” CẮT LỖ NHÀ VƯỜN VẪN KHÔNG CÓ KHÁCH
Trào lưu nổ ra, giá đã bị đẩy lên rất cao, minh chứng thời gian qua những lô nhà vườn 500 - 1.000m2 được bán với giá 4 - 5 tỷ đồng. Đến nay giá giảm khoảng 30% nhưng người mua vẫn nghe ngóng xem giá còn giảm tiếp không.
Cách đây 3 - 5 năm, trào lưu “bỏ phố về quê” đầu tư homestay bùng nổ rầm rộ. Theo đó, không ít nhà đầu tư đua nhau về vùng ven để tậu hàng nghìn m2 đất xây ngôi nhà thứ hai, homestay. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản chung gặp khó khăn, dòng sản phẩm ngách này lập tức bị giảm giá sâu nhưng vẫn khó bán.
Trong chương trình Land Show với chủ đề “Trào lưu bỏ phố về vườn hết thời”, ông Trần Khánh Quang - Giám đốc Công ty đầu tư Bất động sản Việt An Hòa chia sẻ, trào lưu bỏ phố về vườn nổ ra đúng với tình hình phát triển bất động sản cũng như nhu cầu thay đổi môi trường sống của người dân. Nhất là sau khi đại dịch Covid - 19 diễn ra đã tác động lớn đến nhu cầu về thay đổi môi trường sống, về chất lượng cuộc sống của con người. Theo đó, mọi người càng ngày càng có xu hướng sống xanh hơn, hoà hợp với thiên nhiên hơn. Trào lưu này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trở thành trào lưu của toàn cầu vì thế bất động sản xanh cũng theo đó trở thành xu hướng.
Theo ông Quang, khoảng 4 - 5 năm trước, nhu cầu về nhà ở xanh rất lớn, ai cũng muốn sở hữu một lô đất vườn, second home. Tuy nhiên, ở thời điểm đó nền kinh tế ổn định, thu nhập của người dân cao cho nên nhu cầu về nhà ở xanh khá lớn. Còn ở thời điểm hiện tại, kinh tế khó khăn, bất động sản trì trệ và thu nhập của người dân cũng giảm mạnh, vì thế trào lưu này cũng không còn quá lớn, người mua cân nhắc nhiều hơn.
“Rõ ràng, trào lưu này đang gặp khó, nhu cầu của người mua đang giảm. Người mua họ phải bỏ một số tiền lớn để mua đất xây dựng, rồi bỏ thêm chi phí duy trì chăm sóc nhà vườn. Tiếp đó, những sản phẩm này thường ở khu vực xa trung tâm nên khi gặp kinh tế khó khăn như hiện tại, tính thanh khoản sẽ giảm, hoặc việc vay vốn khó khăn khiến cho việc mua các nhà vườn này không còn là sự lựa chọn hàng đầu”, ông Quang nói.
Vì vậy, theo ông Quang, thời gian qua, tuy xu hướng vẫn còn, nhu cầu vẫn có nhưng giá của những sản phẩm này đã giảm mạnh so với trước đây. Điển hình, những sản phẩm nhà vườn ở khu vực xa thành phố từ 200-300 km hầu như đã giảm đến 30%. Đối với những người gặp khó khăn họ sẽ ngay lập tức rao bán, còn lại những người có thu nhập tốt, họ vẫn sẽ có nhu cầu tìm kiếm các mảnh đất đẹp để đầu tư xây dựng.
“Hiện nay có rất nhiều sản phẩm có vị trí đẹp, giá tốt để mua trong thời điểm hiện tại.
Mức giá nhà vườn hiện nay theo tôi đánh giá có thể chấp nhận được là khoảng 1,5 - 2,5 tỷ/sản phẩm. Như vậy sẽ phù hợp với mô hình nhà vườn khoảng 500m2 trở lên”, ông Quang nói.
Nói về rủi ro khi đầu tư vào nhà đất vườn, ông Quang cho rằng, đây là dòng sản phẩm ngách của thị trường. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm này không phổ biến và khá xa trung tâm và pháp lý… Theo ông Quang mỗi địa phương có một quy hoạch khác nhau nên nhà đầu tư cần hiểu rõ nếu không rất dễ rủi ro.
“Ngoài ra còn có rủi ro về thời gian. Trước khi mua, ai cũng nghĩ 1 tháng sẽ tới 4 - 5 ngày để ở, nhưng thực tế 3 tháng mới tới một lần. Đây là rủi ro mà nhà đầu tư chưa nhìn ra được hết”, ông Quang nói.
Cũng chia sẻ ý kiến về trào lưu bỏ phố về vườn, anh Tạ Trung Kiên - môi giới Bất động sản cho rằng, khi con người có cuộc sống tốt hơn, thu nhập cao hơn thì sẽ có xu hướng muốn sở hữu căn nhà thứ 2. Xu hướng này đã rất phát triển ở các nước, tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ ở bước sơ khai.
Theo anh Kiên, tại Việt Nam, chúng ta có điều kiện khá thuận lợi về mặt khoảng cách địa lý cho xu hướng bỏ phố về quê. Ví dụ như tính từ TP. HCM để đi đến các vùng biển lân cận hay Đà Lạt chỉ mất khoảng vài giờ đồng hồ di chuyển. Vì thế, sau đợt đại dịch vừa qua đã hình thành một trào lưu bỏ phố về biển hoặc bỏ phố về rừng phát triển rất mạnh mẽ ở các thành phố lớn, đặc biệt ở TP HCM. Tuy nhiêm trào lưu này phát triển quá mạnh, dẫn đến tình trạng sao chép, chồng chéo lên nhau, không có một quy chuẩn nào được đặt ra. Vì vậy xu hướng này cũng ít nhiều gây ra sự biến động trong thị trường bất động sản vừa qua.
Theo người môi giới này, thời gian qua, có 2 thị trường phát triển nóng sốt là gần biển và lên núi. Trong đó 2 thị trường này đều phát triển mô hình nhà vườn rất mạnh mẽ, nhà vườn bên biển và nhà vườn trên núi. Bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư lớn họ chi mạnh tay cho các bất động sản có view đẹp.
“Ví dụ, chúng ta có thể thấy tại Đà Lạt và các vùng cao nguyên nổi tiếng có view ngắm mây, mưa đẹp, không khí mát lành nên những địa điểm này rất hot. Tuy nhiên do có sự phát triển quá ồ ạt, không có quy chuẩn cho từng vùng nên dẫn đến sự sao chép các sản phẩm tạo ra sự nhàm chán ở các khu vực nay. Thực tế, nhiều nhà đầu tư lớn đã bỏ nhiều tiền để đầu tư vào trào lưu này, như khi xu hướng thoái trào ngay lập tức hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng do ít khách trở lại”, anh Kiên nói.
Về vấn đề chăm sóc nhà vườn, người môi giới này cho rằng, nếu chủ đầu tư không đầu tư cho việc chăm sóc nhà vườn kỹ lưỡng sẽ dẫn đến việc căn nhà theo năm tháng và trong quá trình sử dụng sẽ xuống cấp dần, không còn đẹp như ban đầu. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định của người mua/người thuê.
Theo anh Kiên, cuối năm 2023, lượng rao bán nhà vườn giá cắt lỗ khoảng 30 - 40% rất nhiều. Tuy nhiên, sang đầu năm nay, thị trường có những thay đổi, giá đã bớt giảm, chỉ còn cắt lỗ khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, để biết sản phẩm có thực sự cắt lỗ, nhà đầu tư cần nắm bắt thông tin rõ ràng, lựa chọn thông minh.
“Trào lưu nổ ra, giá đã bị đẩy lên rất cao, minh chứng thời gian qua những lô nhà vườn 500 - 1.000m2 được bán với giá 4 - 5 tỷ đồng. Đến nay giá giảm chỉ còn 1,5 - 2 tỷ nhưng người mua vẫn nghe ngóng xem giá còn giảm tiếp không. Bời khi bỏ tiền vào vùng ven nhà đầu tư đều mong muốn đất phải rộng nhưng giá phải rẻ. Các sàn môi giới thời gian qua khi đưa khách đi xem đất ở tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn”, anh Kiên nói.
Nguồn: Vietnamnet; Soha; Người Lao Động; CafeF
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá