Làn sóng sa thải lao động; Kinh doanh cầm đồ; 'Cơn sốt' đất nông thôn; Rầm rộ rao bán đất 'siêu rẻ'

Làn sóng sa thải lao động: Doanh nghiệp chật vật, công nhân điêu đứng

Tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ cuối năm 2022 vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều doanh nghiệp phía Nam liên tục thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải lao động, giảm giờ làm...

Làn sóng cắt giảm lao động

Kể từ 31/3 này, xưởng gia công đế giày Công ty TW MTC tại KCN Biên Hòa 2 (Đồng Nai) với 800 lao động sẽ ngừng sản xuất vì thiếu đơn hàng.

Doanh nghiệp (DN) khuyến khích người lao động nghỉ việc và có chính sách hỗ trợ nửa tháng lương/năm đối với lao động làm việc dưới 20 năm và 1 tháng lương/năm đối với lao động làm việc từ 20 năm trở lên. Trường hợp người lao động muốn tiếp tục làm việc thì chuyển về làm ở nhà máy tại Cần Thơ.

“Hơn 20 năm làm việc cho công ty, tuổi đã khá cao, không thể di chuyển đến nơi làm việc xa nhà nên tôi và nhiều lao động khác chấp nhận nghỉ việc” - chị N.T.T nói.

Tại Đồng Nai, nhiều tháng qua, nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm vì thiếu đơn hàng. Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2) là một trong số đó; công nhân chỉ làm việc 5 ngày/tuần.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina, cho biết: “Công ty không có nhiều đơn hàng. Để duy trì sản xuất, công ty phải cho lao động nghỉ thêm ngày thứ Bảy trong tuần và được hưởng lương nghỉ việc. Công ty đang cố gắng duy trì sản xuất, còn sắp đến như thế nào thì tùy vào tình hình đơn hàng”.

Trước khó khăn về đơn hàng, DN ứng biến để không tái diễn làn sóng sa thải lao động, cố gắng giữ việc cho công nhân. Trong buổi triển lãm sản phẩm ngành gỗ mới đây tại TPHCM, ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Bảo Hưng (chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất), cho biết, dù đã tránh được tình trạng sụt giảm đơn hàng những tháng cuối năm 2022 nhưng bước sang năm 2023, DN này không thể duy trì được lực lượng nhân công và thời gian làm việc, tăng ca của người lao động.

“Đơn hàng giảm từ 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Mỹ - thị trường chiếm khoảng 50% lượng đơn hàng của công ty. Điều này buộc DN phải giảm giờ làm với người lao động” - ông Cường nói.

Theo ông, ngay từ đầu năm 2023, DN đã áp dụng chính sách giảm giá để giữ khách hàng nhưng do nguồn hàng nhập khẩu từ năm trước với giá cao vẫn chưa tiêu thụ được nên đối tác chưa thể đặt hàng.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, những DN khó khăn về đơn hàng đã áp dụng hình thức chỉ làm đủ 48 giờ/tuần và không còn tăng ca như trước. Tại nhiều công ty, công nhân chỉ đi làm 4-5 ngày/tuần.

Ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.000 lao động mất việc làm do DN khó khăn về đơn hàng. Tình trạng giảm giờ làm, cắt giảm lao động chủ yếu rơi vào ngành sản xuất gỗ, da giày và các DN quy mô nhỏ.

“Chúng tôi vừa nhận thông tin một DN gia công đế giày có kế hoạch cắt giảm khoảng 800 lao động, đóng cửa một xưởng sản xuất tại TP Biên Hòa để chuyển sang tỉnh khác”, ông Dũng cho hay.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) với hơn 100 DN trên địa bàn thành phố mới đây cho thấy, nhiều đơn vị đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. HUBA đánh giá đây là điều bất thường so với các năm trước. Bên cạnh đó, số DN có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% của quý này.

“Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới”- ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, đánh giá.

Thay đổi để tồn tại

Dù khó khăn về đơn hàng nhưng Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức) vẫn cố gắng giữ lao động. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty, cho biết, ngoài việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, DN còn tích cực chuyển hướng thị trường.

Thay vì chỉ tập trung và chờ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU phục hồi, từ nửa cuối năm 2022, Việt Thắng Jean đã xúc tiến các thị trường khác như Canada, Hàn Quốc… Công ty còn đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

“Với thị trường 100 triệu dân trong nước, chúng tôi tự tin sản phẩm công ty có lợi thế để đáp ứng yêu cầu khách hàng. Nếu khai thác hiệu quả thị trường trong nước, sẽ giúp DN cải thiện được một phần doanh số bán hàng, duy trì được việc làm cho công nhân trong giai đoạn hiện nay” - ông Việt chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Thiên Nam (Bình Dương), thừa nhận, đang thiếu đơn hàng sản xuất nên thu gọn một nhà máy. “Công ty có 5 nhà máy sản xuất sợi với 1.100 lao động, nay đóng cửa một nhà máy, dồn công nhân về 4 nhà máy còn lại. Chúng tôi thu gọn một phần dây chuyền sản xuất nhưng vẫn bảo đảm được việc làm, thu nhập cho toàn bộ lao động” - ông Vinh nói.

“Ngoài câu chuyện thiếu đơn hàng, một lý do khác khiến DN ít tuyển dụng lao động phổ thông là đã thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại” - ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc kỹ thuật Công ty Takakao Việt Nam (Bình Dương) chuyên sản xuất, kinh doanh bơm, mô tơ pít-tông thủy lực, cho biết.

Theo ông Luân, trải qua đợt dịch bệnh COVID-19, cần phải thay đổi để tồn tại. Nếu như trước đây phải cần 4 nhân công vận hành dây chuyền sản xuất, thì hiện nay sau khi ứng dụng công nghệ hiện đại, chỉ cần một kỹ sư nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm được giá thành. Đối với lao động phổ thông, thay vì cần khoảng 1.000 công nhân như trước thì nay chỉ cần vài trăm người.

Bà Đinh Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Đức Kim Tinh (chuyên sản xuất sắt, thép, gang ở tỉnh Bình Dương), nói rằng, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, công ty đã mạnh dạn đầu tư vào khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị mới, hiện đại.

Khi chưa có máy móc hiện đại, công ty chỉ sản xuất 600kg/ngày, còn nay tăng lên 2 tấn/ngày, đồng thời giảm đáng kể phôi lỗi so với việc tạo phôi chỉ bằng sức người.

“Kể từ khi đầu tư máy móc, công ty chủ động trong sản xuất. Nếu như trước đây cần khoảng 500 công nhân mới đáp ứng yêu cầu thì nay chỉ cần khoảng 100 người” - bà Nhung nói.

Đỏ mắt tìm việc

Từ sau Tết nguyên đán 2023 đến nay, mỗi ngày ở các khu công nghiệp tại Bình Dương như VSIP, Đại Đăng, Sóng Thần, Kim Huy… có nhiều người cầm hồ sơ đến xin việc. “Tôi từng làm việc tại Công ty TNHH APRo Technology (TX Tân Uyên, Bình Dương). Cuối năm 2022, do công ty thiếu đơn hàng, tôi thuộc diện cắt giảm biên chế nên trở về quê. Sau Tết, tôi trở lại Bình Dương tìm việc nhưng hơn một tháng nay chưa nơi nào nhận” - anh Trần Hữu Duật (quê Đồng Tháp) chia sẻ.

Hiện tại, các DN thường đưa ra tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn trước, yêu cầu người lao động phải có trình độ học vấn 12/12, kèm theo tay nghề để vào làm việc ngay mà không cần đào tạo lại.

Sau một thời gian xin nghỉ về quê Cà Mau giải quyết chuyện gia đình, anh Lê Minh Nhí (trước đây làm việc tại Công ty Wanek (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) trở lại Bình Dương tìm việc. Anh cho biết: “Tôi trở lại Bình Dương gần một tháng qua, đã gửi hồ sơ ở hai công ty nhưng họ trả lời phải có tay nghề, trình độ học vấn 12/12. Thời điểm này những năm trước, DN tìm không ra lao động nhưng nay thì ngược lại”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, nhìn nhận, nhiều DN trong ngành gặp khó về đơn hàng nên cần phải thay đổi kế hoạch sản xuất, linh động xoay chuyển để giữ nhịp sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. “Để duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, DN cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh theo từng quý, thay đổi kế hoạch dài hạn sang ngắn hạn, giảm tối đa hàng tồn kho… Đồng thời DN phải vừa làm vừa cập nhật thông tin thị trường, các xu hướng mới để ứng biến kịp thời, hạn chế thấp nhất các rủi ro” - ông Hồng nói.

Đứng trước cổng Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), chị Nguyễn Thị Tuyết (quê Sóc Trăng) cho hay, nghe tin công ty tuyển lao động phổ thông không cần bằng cấp, chị đến rất sớm để nộp hồ sơ nhưng bảo vệ nói đã nhận đủ.

“Thời gian này đi tìm việc không hề dễ dàng như trước. Mấy ngày nay, tôi vừa đi xin việc vừa lượm ve chai để trang trải cuộc sống” - chị Tuyết thở dài.

Tại các buổi kết nối việc làm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM) diễn ra gần đây, số người đến tìm việc khá nhiều nhưng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu khá khiêm tốn.

Ông Phạm Thành Hải, bộ phận tuyển dụng Công ty CP Thực phẩm Cholimex, cho biết, đơn vị cần tuyển hơn 500 lao động phổ thông, lao động có chuyên môn, tuy nhiên việc tuyển dụng hiện nay gặp tương đối nhiều khó khăn, nhất là đối với lao động phổ thông do đa số không có tay nghề, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Khi tuyển dụng lao động không có tay nghề, chúng tôi phải mất từ 1-2 năm để đào tạo, nhưng sau khi ra nghề, chưa chắc họ đã tiếp tục gắn bó với công ty. Vì vậy, việc tuyển dụng lao động không có tay nghề khá rủi ro” - ông Hải nói.

Hỗ trợ lao động mất việc

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương), cho biết, năm nay số DN kết nối tuyển dụng lao động với trung tâm khá ít, trong khi số lao động cần việc làm rất đông.

“Trung tâm vừa kết nối tìm việc trực tiếp, gián tiếp; dù DN chỉ cần một lao động, trung tâm vẫn ghi nhận, đăng tải tìm việc. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao” - ông Phương nói.

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, cho biết, Sở đã chỉ đạo cho các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp để có đội ngũ công nhân trình độ cao, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của DN. “Bình Dương cũng có chính sách tiếp nhận đào tạo nghề đối với công nhân thất nghiệp do DN sa thải” - ông Tài nói.

Nhằm hỗ trợ công nhân, giúp DN ổn định thị trường lao động, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho 2 đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh và người lao động bị tạm hoãn công việc từ 30 ngày trở lên. Các địa phương đã giải ngân tiền trợ cấp này cho khoảng 1.000 lao động.

(Nguồn: Soha)

Kinh doanh cầm đồ: Địa phương dẫn đầu cao gấp đôi TP.HCM, gấp 7 Hải Phòng

Là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng dịch vụ cầm đồ vẫn thu hút hàng vạn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (chưa kể hộ kinh doanh cá thể).

Theo số liệu được VietNamNet tổng hợp từ dữ liệu thông tin đăng ký doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp có kinh doanh cầm đồ trên cả nước là 12.691 doanh nghiệp. Số liệu này chưa bao gồm các hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động cầm đồ.

62/63 địa phương có doanh nghiệp có kinh doanh cầm đồ. Địa phương duy nhất không có doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh cầm đồ là Trà Vinh.

Số lượng doanh nghiệp có kinh doanh cầm đồ ở Hà Nội cao gấp đôi địa phương xếp thứ hai là TP. Hồ Chí Minh, gấp hơn 7 lần địa phương xếp thứ ba là Hải Phòng, gấp 10 lần địa phương xếp thứ 4 là Vĩnh Phúc.

Trong số 10 địa phương có nhiều doanh nghiệp đăng ký ngành nghề cầm đồ nhất, có 5 địa phương ở miền Bắc (TP. Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương), 3 địa phương ở phía Nam là TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ; còn lại là ở Bắc Trung Bộ gồm Nghệ An và Thanh Hóa.

Ngoài Trà Vinh không có doanh nghiệp nào đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, thì nhiều tỉnh thành khác cũng chỉ có từ 1-5 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề này.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Cơ sở kinh doanh cần đăng ký thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể.

Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.

Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam, cầm đồ được xếp vào nhóm các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Hoạt động kinh doanh cầm đồ thường được đăng ký theo mã ngành nghề cấp 4 với mã là: 6492 (Hoạt động cung cấp tín dụng khác).

Cũng theo quyết định 27/2018/QĐ-TTg, hoạt động cung cấp tín dụng khác (6492) bao gồm:

- Các hoạt động dịch vụ tài chính chủ yếu liên quan đến việc hình thành các khoản cho vay của các thể chế không liên quan đến các trung gian tiền tệ (như là các công ty đầu tư vốn mạo hiểm, các ngân hàng chuyên doanh, các câu lạc bộ đầu tư). Các tổ chức này cung cấp các dịch vụ sau đây:

- Cấp tín dụng tiêu dùng;

- Tài trợ thương mại quốc tế;

- Cấp tài chính dài hạn bởi các ngân hàng chuyên doanh;

- Cho vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng;

- Cấp tín dụng cho mua nhà do các tổ chức không nhận tiền gửi thực hiện;

- Dịch vụ cầm đồ.

(Nguồn: Vietnamnet)

Đất nông thôn rầm rộ rao bán, chỉ hơn 100 triệu đồng/lô: Có nên mua để tích sản?

Trên trang diễn đàn mua bán bất động sản, môi giới chào bán những lô đất hơn 100 triệu đồng/lô với diện tích từ 100-250m2. Theo môi giới quảng cáo, đầu tư những lô đất này, sau 1-3 năm, khả năng tăng gấp 2, gấp 3 là hoàn toàn khả thi.

“99 triệu đồng/lô đất, sổ đỏ chính chủ, đường to, gần trường và chợ. Không thể có mức giá rẻ hơn”, đó là lời quảng cáo của môi giới bất động sản. Theo thông tin mà môi giới này cung cấp, lô đất có diện tích hơn 240m2, trong đó 120m2 là đất thổ cư và phần diện tích còn lại là đất trồng cây lâu năm. Ô tô có thể vào tận lô đất. Môi giới quảng cáo thêm thông tin, lô đất này có vị trí Ngọc Lặc, Thanh Hoá.

“Thanh Hoá đang là cực tăng trưởng mới. Hạ tầng giao thông được đầu tư rất đồng bộ, hiện đại. Các khu công nghiệp xung quanh phát triển. Đây là cơ hội tốt để “tích sản”, môi giới này còn quảng cáo thêm: "Chỉ cần mua ở thời điểm hiện tại, để 1-3 năm hoặc dài hạn 3-5 năm, chắc chắn lô đất sẽ tăng giá. Khả năng tăng giá gấp 2-3 lần là hoàn toàn khả thi do giá vốn thấp".

Khi liên hệ hỏi thêm thông tin về lô đất, môi giới này hỏi: “Chị có muốn cọc đất luôn?”. Trước thắc mắc về việc chưa đến tận nơi khảo sát, không biết lô đất trông như thế nào, rất khó để đặt cọc, môi giới này cho hay: “Em sẽ gửi vị trí google map. Thông số trên sổ đỏ hoàn toàn chính xác. Nếu không đặt cọc sớm, sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư rất tốt. Các khách trước đó đặt cọc chẳng cần tới tận nơi xem trực tiếp”.

Trong diễn đàn mua bán bất động sản khác, môi giới tên N. H cũng chào bán nhiều lô đất nông thôn với mức giá chỉ 100-200 triệu đồng/lô, diện tích 100-150m2 tại Thạch Thành, Triệu Sơn, Ngọc Lặc (Thanh Hoá).

Theo đó, với những lô đất chưa tách sổ đỏ, mức giá dao động từ 120-140 triệu đồng. Giá lô đất đã tách sổ chỉ từ 145 triệu đồng-250 triệu đồng, tương đương khoảng 1 triệu-2 triệu đồng/m2.

Môi giới tên N.H so sánh, Sóc Sơn, Hoà Lạc của 5 năm trước, “giá đất rẻ như cho”, giờ đã tăng gấp 3, gấp 5 lần. “Đất nông thôn tại Thanh Hoá như Sóc Sơn, Hoà Lạc cách đây 5 năm. Chắc chắn giá đất sẽ tăng khi khu vực này đang được đầu tư phát triển”.

Tại nhóm mua bán trao đổi đất nền tại Tây Nguyên, một số môi giới chào bán đất nông thôn với mức giá 160-400 triệu đồng/lô, cho diện tích từ 100-200m2. Những lô đất này đều được tách từ lô lớn. “Các nhà đầu tư bỏ ra mua 500-1000m2 đất với giá bán theo mét ngang. Sau đó, họ tự tách thửa, làm đường và rao bán”.

“Giai đoạn này, nếu có “tiền thịt”, đây là cơ hội rất tốt để tích sản. Với mức giá rẻ 100-200 triệu đồng, bỏ tiền xong, hãy quên đi và kiếm tiền, làm việc khác. Vài năm sau quay trở lại, giá đất sẽ tăng”, môi giới tên T.M (Đắk Lắk) cho hay.

Anh Trần Ngọc (Hà Nội), nhà đầu tư có 4 năm kinh nghiệm cho rằng, thời điểm này phải xác định đầu tư từ trung hạn và dài hạn mới có thể đạt được biên độ lãi vốn bởi giai đoạn hiện tại không có sóng lướt. Theo anh Ngọc, hàng giá rẻ sẽ không thể kỳ vọng tăng nhanh trong ngắn hạn mà cần thời gian đo lường bằng vài năm. Khi các dự án đổ bộ, chính sách thu hút vốn của tỉnh tốt hơn, hạ tầng, giao thông mở rộng thì người mua sẽ chỉ cần hưởng giá chênh.

Ở góc độ đánh giá thận trọng hơn, anh Nguyễn Thắng (lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội) cho rằng: Người mua nên cẩn trọng với đất nông thôn. Thời gian trước đó, giá đất nông thôn tăng theo lần và hiện tại đã chững lại. “Mua một lô đất nông thôn, nằm giữa vùng hẻo lánh, liệu rằng đến khi nào hạ tầng mới được đầu tư, giá đất mới tăng. 5-10 năm hay tận 20 năm. Cần phải nhắc lại, Sóc Sơn khác hoàn toàn với một số huyện Thanh Hoá. Sóc Sơn thuộc Thủ đô Hà Nội, Bỏ 100-200 triệu đồng cho nơi xa xôi như huyện của Thanh Hoá, liệu đó có phương án an toàn hay số tiền lời chỉ bằng mức trượt giá”, anh Thắng cho hay.

Trong khi đó, ông Ngô Phương, CEO Bảo An Group cho rằng, những vùng đất nông thôn từng tăng giá mạnh sẽ còn “đóng băng” lâu dài khi cơ sở hạ tầng đầu tư và thay đổi chậm. Ngay cả Đà Nẵng, phải mất 5 năm mới sốt đất trở lại. Và đến hiện tại, giá đất Đà Nẵng cũng hạ.

(Nguồn: CafeF)

Rầm rộ rao bán đất giá “siêu rẻ”, giá chỉ vài nghìn đồng/m2

Nhiều mảnh đất rừng có diện tích rộng vài hecta (ha) được rao bán rầm rộ tại các trang tin mua bán về bất động sản. Song, sau khi mua phải sử dụng đúng công năng của đất, trong trường hợp xây dựng các công trình khác như homestay, farmstay theo trào lưu nghỉ dưỡng sẽ vi phạm pháp luật.

Đất “siêu rẻ” chỉ vài chục nghìn đồng/m2

Đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm tại nhiều khu vực như Hòa Bình, Khánh Hòa, Bình thuận,... hiện đang được rao bán rầm rộ tại các trang tin mua bán bất động sản. Loại đất này thường có giá rất rẻ chỉ từ vài chục nghìn đồng/m2, trong trường hợp, mảnh đất có một phần nhỏ là đất thổ cư giá bán có thể lên tới vài triệu đồng/m2.

Đơn cử, một mảnh đất rừng sản xuất bám đường liên xã tại Lạc Thủy (Hòa Bình) có diện tích 23ha, đang được rao bán với giá 9,2 tỷ đồng, tương đương 40.000 đồng/m2, chỉ bằng giá một gói kẹo, bánh mua tại cửa hàng tạp hóa.

Cũng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, một mảnh đất rừng sản xuất tại Kim Bôi có diện tích 2,3ha đang được rao bán với giá 950 triệu đồng, tương đương hơn 41.000 đồng/m2. Người bán cho biết: “Mảnh đất nằm tại vị trí cạnh đường Tỉnh lộ 21B. Thích hợp để làm trang trại, xây dựng nhà hàng hoặc làm homestay. Về mức giá, người mua có thể đàm phán thêm”.

Hay tại Khánh Hòa, một mảnh đất có diện tích 7,5ha đang được rao bán với giá 4,9 tỷ đồng, tương đương 65.000 đồng/m2. Người bán cho biết: “Do kẹt tiền nên cần bán mảnh đất này đi, diện tích trên sổ hồng là 7,5ha. Trên mảnh đất đã trồng xoài được 5 năm tuổi và một số loại cây khác chuối, cây keo,...”. Ngoài ra, người bán cho biết thêm, mảnh đất rất phù hợp cho những ai muốn xa thành phố về quê làm vườn nghỉ dưỡng, trang trại, cùng đó có thể đào ao nuôi cá hoặc chăn nuôi khác.

Một mảnh đất khác tại xã Ea Bar, huyện sông Hinh (Phú Yên) có diện tích 3,4ha, trong đó có 1,4ha là đất trồng cây lâu năm khác còn 2ha là đất rừng sản xuất đang được rao bán với giá 1,03 tỷ đồng, tương đương 30.000 đồng/m2.

Một mảnh đất vườn có diện tích 8ha tại đường Hoàng Văn Thái (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang được rao bán với giá 370 triệu đồng, tương đương chỉ 4.600 đồng/m2. Theo người bán, đất nằm ở vị thế cao, phù hợp trồng các loại cây ăn quả, rau, xây dựng nhà vườn hoặc các dự án farmstay, du lịch.

Nhà đầu tư có thể “mất trắng” nếu không sử dụng đúng mục đích

Thực tế, hiện nay rất nhiều mảnh đất rừng sản xuất, đất trồng cây được rao bán với mức giá “siêu rẻ”. Tuy nhiên, sẽ có nhiều rủi cho cho nhà đầu tư khi mua loại đất này.

Theo Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP. Hà Nội), đất rừng được giao cho các hộ dân tại khu vực sử dụng để trồng rừng. Đất rừng sản xuất phục vụ mục đích phát triển kinh tế nên không bị hạn chế về quyền chuyển nhượng. Chủ sở hữu có thể bán lại cho người mua khác.

“Tuy nhiên, người sở hữu phải sử dụng đúng mục đích của công năng đất. Nếu người bán quảng cáo là xây dựng được homestay hay các công trình khác là hoàn toàn sai sự thật. Người mua cần tỉnh táo”, Luật sư Nghiêm Quang Vinh nói.

Ông Vinh cho rằng, trong trường hợp cố tình xây dựng lên sẽ bị phá dỡ, thậm chí có thể bị “mất trắng” nếu Nhà nước thu hồi lại đất và bàn giao cho người khác sử dụng.

Thực tế, có một số người mua các loại đất khác như đất nông nghiệp, đất rừng,...với mục đích chuyển đổi sang thổ cư. Tuy nhiên, Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng, muốn chuyển đổi mục đích sang thổ cư phải phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương.

“Nếu đất rừng chưa được chuyển đổi mà xây dựng các công trình khác lên sẽ rất rủi ro. Tuy nhiên, thời gian để chuyển đổi được sang thổ cư cũng rất dài, ít nhất phải 5 - 10 năm, thậm chí lâu hơn”, ông Vinh nói.

Ngoài ra, vị này khuyên, các nhà đầu tư cần chú ý tới loại đất khi mua và sử dụng đúng công năng của đất. Bên cạnh đó, rủi ro cho nhà đầu tư cũng rất lớn nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

(Nguồn: Markettimes)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang