- Thời sự
- Thế giới
Nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á đang gặp tình trạng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng.
Bangladesh, từ lâu đã được coi là hình mẫu phát triển để xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, ghi nhận tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm 6,5% trong thập niên qua. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên tại nước này lại tăng lên 16%, cao nhất trong ít nhất ba thập kỷ, theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Trung Quốc và Ấn Độ ghi nhận tỷ lệ tương tự. Tại Indonesia và Malaysia, con số này lần lượt là 14% và 12,5%. Tổng cộng, khoảng 30 triệu người trong độ tuổi 15-24 tại các quốc gia đông dân nêu trên không tìm được công việc phù hợp, chiếm gần một nửa trong tổng số 65 triệu người thất nghiệp trong cùng độ tuổi trên thế giới.
Trên thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên cũng có xu hướng cao hơn so với trong toàn bộ lực lượng lao động. Nhưng với các nền kinh tế châu Á muốn thúc đẩy tăng trưởng dựa trên lao động, sản xuất, tình trạng thất nghiệp này gây ra thách thức lớn hơn, thậm chí được ví như "quả bom hẹn giờ".
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Ấn Độ đã giảm trong những năm gần đây, con số vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng cơ hội việc làm kém là nguyên nhân chính.
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu tình trạng thất nghiệp ở thanh niên. Thống kê gần nhất họ công bố cho thấy 1/5 người trẻ không tìm được việc làm - con số cao kỷ lục.
Mức tăng trưởng kinh tế 5% của Indonesia phần lớn đến từ sự mở rộng lĩnh vực khai khoáng và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, những ngành này sử dụng nhiều máy móc hạng nặng chứ không nhiều nhân công.
Năm ngoái, 71% số người 25-29 tuổi có việc làm ở Nam Á có công việc không ổn định, nghĩa là họ làm công việc tự do hoặc tạm thời, không giảm nhiều so với con số 77% được ghi nhận cách đây hai thập kỷ.
Bangladesh đã thoát khỏi đói nghèo bằng cách trở thành công xưởng dệt may của thế giới, sản xuất quần jean, áo thun và áo len cho các thương hiệu lớn của phương Tây. Hàng triệu người dân nước này đã rời bỏ ruộng đồng để làm việc trong nhà máy.
Nhưng quốc gia Nam Á này đã mắc kẹt. Bangladesh không thể hướng đến sản xuất những mặt hàng phức tạp, giá trị cao như đồ điện tử, máy hạng nặng hay bán dẫn, thường giúp tạo ra việc làm có thu nhập tốt hơn. Đây chính là sự chuyển đổi giúp Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc bứt phá.
Bậc thang đến sự thịnh vượng giờ đây khó bước hơn nhiều. Những quốc gia muốn thành công sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc, đất nước có năng suất rất cao. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Mỹ đang tìm cách đưa sản xuất trở lại quê nhà. Tự động hóa cũng là yếu tố thay đổi tình hình. Ngay cả động lực tăng trưởng kinh tế chính của Bangladesh là ngành dệt may, hoạt động sản xuất cũng dần sử dụng nhiều máy móc hơn là nhân công.
Châu Á còn xuất hiện tình trạng mất cân bằng trong lực lượng lao động. Ngày càng nhiều người ở các nước đang phát triển theo đuổi bậc học cao hơn. Họ mong muốn làm việc trong những lĩnh vực như thiết kế, marketing, công nghệ và tài chính. Nhưng những vị trí này tại quốc gia của họ lại không có nhiều.
Ấn Độ đã phát triển ngành công nghệ thông tin nhưng cũng chỉ tuyển dụng được số lượng nhân sự nhất định, trong khi trí tuệ nhân tạo đang phát triển và có thể thay thế một phần.
Hơn 40% số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Ấn Độ dưới 25 tuổi thất nghiệp, tỷ lệ này chỉ là 11% trong nhóm cùng độ tuổi nhưng học vấn thấp hơn, theo báo cáo năm 2023 của Đại học Azin Premji, bang Bengaluru.
"Giờ đây, bạn học cao hơn so với bố mẹ và sẽ không muốn mắc kẹt trong những công việc như của họ", Kunal Sen, giám đốc Viện Thế giới về Nghiên cứu phát triển kinh tế Đại học Liên Hợp Quốc, Phần Lan, nói. "Đây là vấn đề tôi nghĩ các lãnh đạo chính trị chưa hiểu thấu đáo".
Tâm lý phẫn nộ trước triển vọng việc làm ngày càng đi xuống là yếu tố dẫn đến bất ổn ở Bangladesh trong tháng 8. Xuất khẩu dệt may ở Bangladesh tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, nhưng tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực này lại chậm hơn nhiều.
Những người có bằng đại học ở Bangladesh có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn ba lần so với mặt bằng chung, theo kết quả khảo sát năm 2022 của giới chức. Thư viện tại Đại học Dhaka, một trong những cơ sở giáo dục danh giá nhất Bangladesh, chật kín cựu sinh viên đang trau dồi thêm kiến thức để vượt qua kỳ thi tuyển viên chức lần đầu, lần thứ hai thậm chí là lần thứ ba của họ. Nhiều người vẫn phải sống bằng tiền bố mẹ trợ cấp, dù đã sắp sang tuổi 30.
Aktaruzzaman Firoz, 28 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ ngành xã hội học năm 2021, đã nộp đơn ứng tuyển vào 50 vị trí nhưng vẫn chưa tìm được việc. Anh tham gia thi tuyển viên chức năm nay, là một trong số 500 ứng viên cho hai vị trí tuyển dụng, theo Firoz. Anh vào được đến vòng cuối và thất bại.
Để trang trải cuộc sống, Firoz mượn tiền từ bố, một viên chức cấp thấp tại quê nhà vừa phải trải qua phẫu thuật hở tim. Anh đã gạt bỏ ý định tìm kiếm bạn đời. "Sao tôi có thể kết hôn khi không thể chăm lo cho gia đình mình?", Firoz nói.
Tại Bangladesh, viên chức được coi là công việc ổn định và có thu nhập cao hơn nhiều ngành nghề khác. Tìm được vị trí trong chính quyền là mơ ước của nhiều người trẻ. Do đó, các cuộc biểu tình đã bùng phát khi tòa án Bangladesh quyết định phân bổ 30% chỉ tiêu tuyển viên chức mỗi năm cho con em của quân nhân đã tham gia đấu tranh giúp Bangladesh độc lập năm 1971.
Tình trạng biểu tình dẫn tới bạo lực và buộc bà Sheikh Hasina phải từ bỏ quyền lực, rời đất nước sau hơn 15 năm trên cương vị thủ tướng.
Asif Mahmud, thủ lĩnh sinh viên biểu tình 26 tuổi, hiện là cố vấn Bộ Lao động và Việc làm cho chính quyền lâm thời Bangladesh.
"Một trong những nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình là khủng hoảng việc làm gia tăng. Tổng cơ hội việc làm hiện chưa đủ cho Bangladesh, nếu xét theo quy mô dân số", Mahmud nói. Anh đang đặt mục tiêu giải quyết vấn đề bằng cách cho các trường đại học phối hợp với ngành công nghiệp để đào tạo sinh viên đủ năng lực làm việc ngay khi tốt nghiệp.
Từng người một, các sinh viên, luật sư và những người khác xếp hàng vào một lớp học tại một đại học trung tâm Tokyo để nghe một nhà báo Trung Quốc thuyết trình về Đài Loan và nền dân chủ — những chủ đề cấm kỵ không được thảo luận công khai ở quê nhà Trung Quốc.
“Nền dân chủ hiện đại của Đài Loan đã trải qua đấu tranh và đổ máu, không còn nghi ngờ gì nữa,” ông Jia Jia, diễn giả khách mời tại Đại học Tokyo, cho biết. Ông đã bị giam giữ một thời gian ngắn tại Trung Quốc cách đây tám năm vì bị tình nghi viết lời kêu gọi nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc từ chức.
Ông là một trong số hàng chục nghìn trí thức, nhà đầu tư và các công dân Trung Quốc khác đã chuyển đến Nhật Bản trong những năm gần đây, một phần trong làn sóng di cư của người dân Trung Quốc.
Hoàn cảnh của họ rất khác nhau và họ rời đi vì đủ mọi lý do. Một số rất nghèo, những người khác rất giàu. Một số người rời đi vì lý do kinh tế với các cơ hội cạn kiệt khi sự bùng nổ của Trung Quốc kết thúc. Một số người chạy trốn vì lý do cá nhân, khi ngay cả các quyền tự do hạn chế cũng bị xói mòn.
Di dân Trung Quốc đang đổ xô đến mọi ngóc ngách trên thế giới, từ những công nhân tìm cách khởi nghiệp kinh doanh riêng ở Mexico cho đến những học sinh kiệt sức khiến phụ huynh phải tìm cách đưa sang Thái Lan để học tập. Những người chọn Nhật Bản có xu hướng khá giả hoặc có trình độ học vấn cao, bị thu hút bởi cuộc sống dễ chịu, nền văn hóa phong phú và chính sách di trú ưu tiên cho các chuyên gia có trình độ cao của đất nước này, với ít phản ứng chống di dân như thường thấy ở các nước phương Tây.
Ban đầu, ông Jia định di cư đến Hoa Kỳ chứ không phải Nhật Bản. Nhưng sau khi trải qua đợt bùng phát của virus corona ở Trung Quốc, ông rất muốn rời đi và đơn xin thị thực Hoa Kỳ của ông bị kẹt trong quá trình xử lý. Vì vậy, ông đã chọn Nhật Bản thay thế.
“Ở Hoa Kỳ, vấn đề di trú bất hợp pháp đặc biệt gây tranh cãi. Khi tôi đến Nhật Bản, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi thấy rằng chính sách di trú của họ thực sự thoải mái hơn tôi nghĩ”, ông Jia nói với hãng tin AP. “Tôi thấy rằng Nhật Bản tốt hơn Hoa Kỳ”.
Ngày nay, việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ rất khó khăn. Hàng chục nghìn người Trung Quốc đã bị bắt tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong năm qua và sinh viên Trung Quốc đã bị thẩm vấn tại hải quan khi căng thẳng thương mại làm dấy lên nghi ngờ về hoạt động gián điệp công nghiệp có thể xảy ra. Một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã thông qua luật hạn chế công dân Trung Quốc sở hữu tài sản.
“Hoa Kỳ đang đóng cửa với những người Trung Quốc thân thiện nhất với họ, những người chia sẻ nhiều giá trị nhất”, ông Li Jinxing, một luật sư nhân quyền theo đạo Thiên chúa đã chuyển đến Nhật Bản vào năm 2022, nói.
Ông Li thấy sự tương đồng với khoảng một thế kỷ trước, khi các nhà trí thức Trung Quốc như Tôn Dật Tiên, người sáng lập ra Trung Quốc hiện đại, chuyển đến Nhật Bản để nghiên cứu cách đất nước này hiện đại hóa nhanh chóng như thế nào.
“Một mặt, chúng tôi hy vọng tìm thấy cảm hứng và định hướng trong lịch sử”, ông Li nói về bản thân và những người Trung Quốc có cùng chí hướng ở Nhật Bản. “Mặt khác, chúng tôi cũng muốn quan sát một quốc gia dân chủ có pháp quyền như thế nào. Chúng tôi đang nghiên cứu Nhật Bản. Nền kinh tế của họ hoạt động như thế nào, chính phủ của họ hoạt động ra sao?”
Trong thập niên qua, Tokyo đã nới lỏng lập trường cứng rắn trước đây của mình đối với vấn đề di trú, do tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa. Người nước ngoài hiện chiếm khoảng 2% trong tổng số 125 triệu dân của họ. Theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia có trụ sở tại Tokyo, con số này dự kiến sẽ tăng lên 12% vào năm 2070.
Người Trung Quốc là nhóm người mới đến đông đảo nhất, với 822.000 người vào năm ngoái trong số hơn 3 triệu người nước ngoài đang sống tại Nhật Bản, theo dữ liệu của chính phủ. Con số này tăng so với 762.000 người một năm trước và 649.000 người một thập niên trước.
Vào năm 2022, lệnh phong tỏa theo chính sách “zero COVID” của Trung Quốc đã khiến nhiều thanh niên hoặc công dân giàu có nhất của đất nước này phải ra đi. Thậm chí đã xuất hiện cụm từ “runxue” ý nói “chạy trốn” đến những nơi được coi là an toàn hơn và thịnh vượng hơn.
Đối với những trí thức như Li và Jia, Nhật Bản cung cấp nhiều quyền tự do hơn so với dưới sự cai trị ngày càng hà khắc của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng đối với những người khác, chẳng hạn như các nhà đầu tư giàu có và các doanh nhân, Nhật Bản còn cung cấp một thứ khác: bảo vệ tài sản.
Một phúc trình của công ty di cư đầu tư Henley & Partners cho biết gần 14.000 triệu phú đã rời Trung Quốc vào năm ngoái, nhiều nhất trên thế giới và Nhật Bản là điểm đến phổ biến. Một động lực chính là lo ngại về sự an toàn cho tài sản của họ ở Trung Quốc hoặc Hong Kong, theo Q. Edward Wang, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Rowan ở Glassboro, New Jersey.
“Bảo vệ tài sản tư nhân, vốn là nền tảng của một xã hội tư bản, lại không có ở Trung Quốc”, ông Wang nói.
Đồng yên yếu khiến việc mua bất động sản và các tài sản địa phương khác ở Nhật Bản trở nên hời.
Và trong khi nền kinh tế Nhật Bản trì trệ, nền kinh tế từng phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc cũng đang trong tình trạng trì trệ, với lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng và giá cổ phiếu vẫn ở mức như cuối những năm 2000.
Ông Du lần đầu đến Nhật Bản khi mới 26 tuổi. Vào thời điểm đó, ông không có ý định di cư, nhưng cánh cửa đã mở ra khi ông được mời tham gia đoàn ba lê Tetsuya Kumakawa cùng với vợ.
“Nếu bạn chỉ đến Nhật Bản để tiết kiệm tiền,” ông Wang nói, “thì chắc chắn bạn sẽ tận hưởng khoảng thời gian ở Nhật Bản.”
Các doanh nhân Dot.com nằm trong số những người rời khỏi Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản đàn áp ngành công nghệ, bao gồm tỷ phú Jack Ma, người sáng lập công ty khổng lồ thương mại điện tử Alibaba vốn nhận chức giáo sư tại Cao đẳng Tokyo, một phần của Đại học Tokyo danh tiếng.
Rất nhiều người Trung Quốc giàu có đã mua căn hộ tại các tòa nhà cao tầng sang trọng của Tokyo đến nỗi một số khu vực được mệnh danh là “Phố Tàu” hoặc “Phố Tàu kỹ thuật số.”
“Cuộc sống ở Nhật Bản rất tốt,” ông Guo Yu, một kỹ sư đã nghỉ hưu sớm sau khi làm việc tại ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cho biết.
Ông Guo không quan tâm đến chính trị. Ông thích tuyết bột của Nhật Bản vào mùa đông và là một “fan cuồng” của các suối nước nóng tuyệt đẹp tại nơi này. Ông sở hữu những ngôi nhà ở Tokyo, cũng như gần một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và một suối nước nóng. Ông sở hữu một số ô tô, bao gồm một chiếc Porsche, một chiếc Mercedes, một chiếc Tesla và một chiếc Toyota.
Ông Guo bận rộn với một công ty khởi nghiệp truyền thông xã hội mới ở Tokyo và một công ty lữ hành chuyên về “onsen”, suối nước nóng của Nhật Bản. Ông cho biết hầu hết nhân viên của ông là người Trung Quốc.
Giống như ông Guo, nhiều người Trung Quốc chuyển đến Nhật Bản đều giàu có và có học thức. Có lý do chính đáng: Nhật Bản vẫn không chào đón người tị nạn và nhiều loại người nước ngoài khác. Chính phủ đã có chiến lược về việc cho phép ai ở lại, thường tập trung vào những người giúp lấp đầy tình trạng thiếu hụt lao động cho các nhà máy, xây dựng và chăm sóc người già.
“Điều quan trọng là Nhật Bản phải trở thành một quốc gia hấp dẫn đối với nhân tài nước ngoài để họ sẽ chọn làm việc tại đây”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói vào đầu năm nay, khi công bố những nỗ lực nới lỏng các hạn chế di trú nghiêm ngặt của Nhật Bản.
Cơ hội đó chính xác là những gì vũ công ba lê người Trung Quốc Du Hai cho biết ông đã tìm thấy. Dẫn đầu một lớp học gồm một chục học viên người Nhật tại một studio ngoại ô Tokyo vào một cuối tuần gần đây, ông Du đã trình diễn các tư thế và động tác xoay người cho những người phụ nữ mặc quần áo bó và giày mũi nhọn.
Ông Du cho biết ông bị thu hút bởi bối cảnh ba lê rộng lớn của Nhật Bản, nơi có nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và các vũ công tài năng, nhưng ông lo lắng về những cảnh báo mà ông nhận được về người Nhật không thân thiện.
Hóa ra là sai, ông cười và nói. Bây giờ, ông Du đang cân nhắc việc xin quốc tịch Nhật Bản.
“Tất nhiên, tôi rất thích sống ở Nhật Bản bây giờ,” ông nói.
Tình trạng giáo viên bỏ việc đã đặt ra "báo động đỏ" cho ngành giáo dục xứ Hàn.
Báo động đỏ cho ngành giáo dục Hàn Quốc
Hàn Quốc đã chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại là việc ngày càng nhiều giáo viên rời bỏ vị trí của mình trước tuổi nghỉ hưu, với 32.704 nhà giáo ở tất cả các cấp học nghỉ việc từ năm 2019 - 2023. Xu hướng này vẫn tiếp diễn với hơn 3.300 giáo viên đã rời bỏ vị trí của mình kể từ đầu năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ nghỉ việc tăng là do một số yếu tố, bao gồm sự tôn trọng đối với nghề giáo ngày càng giảm, khó khăn trong việc quản lý học sinh và chế độ đãi ngộ không thỏa đáng... Ngoài ra, số giáo viên trẻ có ít hơn 10 năm kinh nghiệm cũng có xu hướng rời bỏ nghề.
Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) tiến hành vào tháng 8 vừa qua cho thấy 86% giáo viên trong độ tuổi 20 và 30 đã cân nhắc việc rời bỏ nghề giáo vì không hài lòng với mức lương của mình.
Gia tăng tình trạng ngược đãi giáo viên
Vào tháng 7/2023, một vụ việc tại trường Tiểu học Seoul Seoi đã gây ra làn sóng chỉ trích từ dư luận. Một giáo viên đã tự tử, được cho là do căng thẳng từ nhiều khiếu nại có phần ác ý của phụ huynh. Cảnh sát đã kết thúc cuộc điều tra vào tháng 11 nhưng không tìm thấy căn cứ để buộc tội hình sự đối với những người liên quan.
Cô giáo 26 tuổi này đã qua đời sau khi bắt đầu công việc giảng dạy được 1 năm. Cô là một trong số nhiều giáo viên tự tử tại Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là giáo viên tiểu học.
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, khoảng 100 giáo viên trường công đã tự tử trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023.
Cái chết của nữ giáo viên đã châm ngòi cho 9 tuần biểu tình của hàng chục nghìn nhà giáo dục trên toàn quốc, kêu gọi các biện pháp bảo vệ quyền và sự an toàn cho giáo viên.
Dự luật phục hồi quyền của giáo viên
Vào tháng 9, Hàn Quốc đã thực hiện những thay đổi quan trọng để đảm bảo cho giáo viên được bảo vệ và có điều kiện làm việc tốt hơn. Theo luật mới, các nhà giáo dục không còn bị đình chỉ tự động nếu họ bị buộc tội ngược đãi trẻ em, trong khi chờ điều tra và có thêm bằng chứng.
Giáo viên hiện được phép buộc những học sinh gây rối ra khỏi lớp học. Các trường tiểu học sẽ ghi lại các cuộc gọi điện thoại từ phụ huynh, trong khi các phòng họp giữa giáo viên và phụ huynh sẽ được lắp đặt hệ thống giám sát video.
Các khiếu nại và vụ kiện của phụ huynh cũng không còn là trách nhiệm của giáo viên nữa mà là của Hiệu trưởng. Những người đấu tranh cho các vụ kiện sẽ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính.
Phụ huynh cũng không được cung cấp dữ liệu cá nhân của giáo viên, chẳng hạn như số điện thoại di động của họ.
Vẫn là bài toán khó
Tháng 4/2023, một cuộc khảo sát của liên đoàn giáo viên cho thấy 26,5% giáo viên đã được tư vấn hoặc điều trị các vấn đề tâm lý liên quan đến công việc, trong khi có tới 87% đã cân nhắc đến việc nghỉ việc.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này một phần xuất phát từ hệ tư tưởng của xã hội Hàn Quốc.
"Xã hội Hàn Quốc có một khía cạnh độc đáo, có thể được mô tả là thái độ coi trọng gia đình hoặc lợi ích cá nhân của gia đình" - Giáo sư phúc lợi xã hội Jung Jae-hoon từ Đại học Phụ nữ Seoul giải thích - "Cha mẹ đầu tư rất nhiều vào con cái và không thể chịu đựng được cảm giác rằng con mình bị đối xử bất công. Cảm giác sai lệch về đặc quyền của cha mẹ, kết hợp với việc coi trọng việc giáo dục con cái, là động cơ dẫn đến vi phạm quyền của giáo viên".
Tuy nhiên, giới quan sát nghi ngờ rằng vấn đề này sẽ khó được giải quyết triệt để. Họ chỉ ra rằng tỷ lệ sinh của Hàn Quốc hiện đang thấp nhất thế giới, có nghĩa là cha mẹ có khả năng sẽ vẫn bảo vệ con cái quá mức, bởi mỗi đứa trẻ sẽ vô cùng quý giá đối với họ.
Nga nỗ lực giành thế chủ động, đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi vùng biên giới và gây thiệt hại lớn cho đối phương.
Trang tin quân sự Avia Pro cho biết, theo dữ liệu mới nhất từ mặt trận ở tỉnh Kursk của Nga, tính đến ngày 9/9, tình hình chỉ ra rằng thế chủ động đang chuyển sang quân đội Nga.
Nhà phân tích quân sự Yuri Podolyaka cho biết các hoạt động tích cực của lực lượng vũ trang Nga đang được ghi nhận tại khu vực Korenevo, nơi các đơn vị không quân có thể đã đẩy lùi lực lượng Ukraine 1km khỏi khu định cư dọc theo đường cao tốc đến Sudzha.
Theo ông Podolyaka, cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine đã bị dập tắt ở giai đoạn chuẩn bị. Nhóm tấn công của Ukraine đã bị đẩy lùi với sự trợ giúp của các kíp vận hành máy bay không người lái (UAV). Sự kiện này đã trở thành chìa khóa để giữ vững các vị trí của Nga tại khu vực này của mặt trận.
Ở những khu vực khác, lực lượng Moscow cũng gia tăng hoạt động. Sau khi phòng thủ thành công trước các cuộc tấn công gần đây của lực lượng vũ trang Ukraine trên tuyến Nechayev - Berdin, quân đội Nga bắt đầu tiến vào các khu vực Russkoye và Cherkasskoye Porechny, cũng như Martynovka. Bộ chỉ huy Nga đang cố gắng dàn xếp mặt trận theo hướng có lợi, cải thiện vị trí cho các hoạt động tiếp theo.
Theo các nhà phân tích, nỗ lực tiến công của quân đội Nga tại các khu vực này khiến lực lượng vũ trang Ukraine mất dần khả năng phản công hiệu quả. Việc Nga tích cực sử dụng máy bay không người lái tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine và phá hủy thiết bị của Kiev trên tiền tuyến.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/9 thông báo, thương vong của Ukraine đã lên tới khoảng 11.400 quân kể từ khi tiến hành cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga hồi tháng trước.
Quân đội Nga cũng đã phá hủy hơn 1.000 đơn vị thiết bị quân sự của Ukraine, bao gồm 89 xe tăng, 42 xe chiến đấu bộ binh, 74 xe bọc thép chở quân, 635 xe chiến đấu bọc thép, 371 xe ô tô, 85 khẩu pháo và 24 bệ phóng pháo phóng loạt nhiều nòng.
Chỉ riêng trong 24 giờ qua, Ukraine đã mất tới 240 quân nhân và 13 thiết bị, theo Bộ Quốc phòng Nga.
Trong ngày qua, lực lượng bộ binh của Nga, được hỗ trợ của pháo binh và không quân, đã đẩy lùi ba cuộc tấn công của Ukraine gần các khu định cư Mikhailovka, Cherkasskaya Konopelka và Desyatoye Octyabrya. Lực lượng Kiev cũng đã cố gắng tiến về các làng Malaya Loknya, Korenevo, Kremyanoye và Martynovka, nhưng đã bị đẩy lùi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/9 tuyên bố "nhiệm vụ thiêng liêng" của lực lượng vũ trang Nga là làm mọi cách để đẩy lùi đối phương khỏi Kursk, nơi Kiev phát động cuộc xâm nhập lớn nhất của lực lượng nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến 2. Ông Putin cho biết lực lượng Nga đang đẩy lùi binh lính Ukraine khỏi mặt trận này.
Theo Tổng thống Putin, bằng cách điều động một số lượng lớn đơn vị được huấn luyện tốt vào khu vực biên giới của Nga, Ukraine đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính nước này và cho phép Moscow đẩy nhanh tốc độ tiến công ở miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng cuộc tấn công vào tỉnh Kursk là một nỗ lực nhằm đưa chiến tranh đến lãnh thổ Nga, buộc Nga phải đàm phán hòa bình và tạo ra vùng đệm để ngăn chặn các cuộc tấn công của Moscow vào khu vực Sumy lân cận ở Ukraine.
Sức ép trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng đối với Thủ tướng Isael Netanyahu đòi ông phải sớm đạt được thoả thuận với Hamas.
Nhiều tháng qua, với sự trung gian hòa giải của Qatar, Ai Cập và Mỹ đã diễn ra nhiều phiên đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả.
Việc quân đội Israel phát hiện 6 thi thể con tin trong một đường hầm tại miền nam Dải Gaza vừa qua tiếp tục phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán. Trong khi đó, sức ép trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng đối với Thủ tướng Isael Benjamin Netanyahu đòi ông phải sớm đạt được thỏa thuận với Hamas để đưa các con tin trở về nhà.
Sức ép trong nước
Từ tối 1/9, tại Tel Aviv, Jerusalem, Haifa và nhiều thành phố khác đã nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham gia của khoảng 500 -700 nghìn người.
Ngày 2/9, công đoàn lớn nhất Histadrut cũng tuyên bố tổng đình công trên toàn quốc làm tê liệt mọi hoạt động ở Israel. Sân bay Quốc tế Ben Gurion, các lĩnh vực giáo dục, giao thông công cộng và y tế, cũng như các cơ quan chính phủ đều ngừng hoạt động.
Đây là phong trào phản đối chính phủ lớn nhất từ trước tới nay nhằm gây áp lực buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao đổi con tin và tù nhân với Hamas. Người đứng đầu Histadrut Arnon Bar-David tuyên bố sẽ không tha thứ cho việc bỏ rơi các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza.
Những người biểu tình đã giương cao các biểu ngữ phản đối chính phủ và Thủ tướng Netanyahu cố tình trì hoãn thỏa thuận trao trả con tin, đồng thời đổ lỗi cho ông Netanyahu về cái chết của 6 con tin.
Họ cho rằng, ông Netanyahu không quan tâm đến số phận của các con tin mà chỉ tìm cách duy trì quyền lực của mình, bởi vì việc chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza có thể sẽ kéo theo một cuộc điều tra về các tình huống dẫn đến cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 và chính phủ sẽ sụp đổ, các đảng đối lập sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới, và bản thân ông Netanyahu, người đang bị tố cáo về các tội nhận hối lộ, tham nhũng có thể sẽ phải đối mặt với án tù.
Nội bộ mâu thuẫn
Ngoài các cuộc biểu tình rầm rộ và cuộc đình công trên toàn quốc đòi Thủ tướng Netanyahu chấp nhận thỏa thuận với Hamas để lấy lại con tin, nội bộ chính quyền Israel cũng đang xuất hiện nhiều bất đồng, đặc biệt giữa một bên là Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng An ninh quốc gia Ben Gavir và Bộ trưởng Tài chính Smotrich, một bên là Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant, Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Herzi Halevi và các thành viên của đoàn đàm phán gồm Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad Barnea, Giám đốc Cơ quan An ninh nội địa Ronen Bar.
Cái chết của 6 con tin vừa qua đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn trong chính phủ Israel. Theo báo Times of Israel, tại cuộc họp chính phủ tối 1/9, ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant đã xung đột gay gắt với nhau xung quanh việc Thủ tướng đòi duy trì quyền kiểm soát của quân đội (IDF) đối với hành lang Philadelphia.
Ông Netanyahu nói: "Hành lang Phiadelphia dài 14 km là "ống thở oxy" cho Hamas. chúng ta phải kiểm soát vì nó quyết định toàn bộ tương lai của chúng ta. Nếu rút khỏi hành lang này trong 6 tuần như các nhà hòa giải đề xuất, IDF sẽ không thể quay trở lại và sẽ cho phép Hamas tái vũ trang và tiến hành các cuộc tấn công mới. Đồng thời, các nhóm Palestine cũng có thể sử dụng hành lang Philadelphia để đưa các con tin Israel đến Sinai và từ đó đến Iran hoặc Yemen".
Ông Netanyahu thề sẽ khiến Hamas "phải trả giá đắt" cho cái chết của các con tin.
Trong khi đó, ông Galant mô tả yêu cầu duy trì quyền kiểm soát hành lang Philadelphia ở biên giới giữa Ai Cập và Gaza là "không cần thiết". Ông nói: "Việc chúng ta ưu tiên hành lang Philadelphia mà phải trả giá bằng mạng sống của các con tin là một điều đáng xấu hổ".
Mặ khác, phe đối lập do cựu Thủ tướng Yair Lapid đứng đầu đã yêu cầu ông Netanyahu từ chức và tiến hành bầu cử thành lập chính phủ mới.
Áp lực quốc tế gia tăng
Cùng với áp lực bên trong Israel, áp lực từ bên ngoài lên chính quyền của Thủ tướng Netanyahu ngày càng lớn. Ngày 2/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, ông Netanyahu đã không cố gắng đầy đủ để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. Ông Biden đã phản ứng rất gay gắt sau khi con tin người Mỹ Goldberg-Paulin 23 tuổi bị sát hại.
Theo The Washington Post, Tổng thống Biden có kế hoạch đưa ra tối hậu thư cho Israel và Hamas trong tương lai rất gần. Một nguồn tin của Washington Post cho biết việc các bên cố tình không đạt được thỏa thuận có thể đánh dấu sự kết thúc của các cuộc đàm phán quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Ông Biden dọa sẽ rút khỏi nhóm trung gian hòa giải nếu các cuộc đàm phán không đạt được tiến bộ.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng hối thúc Israel có ý chí chính trị để sớm đạt được thỏa thuận với Hamas.
Đồng minh khác của Israel là Anh cũng đang gây áp lực lên ông Netanyahu. Ngày 2/9, Bộ Ngoại giao Anh cho biết, chính phủ Công đảng của Thủ tướng Keir Starmer đã quyết định đình chỉ 30 trong số 350 giấy phép bán vũ khí cho Israel, bao gồm cả các bộ phận của máy bay chiến đấu F-35. Lý do là Israel đã sử dụng vũ khí của Anh tại Gaza vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Theo báo Haaretz của Israel, trong vài ngày hoặc vài tuần tới Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sẽ công bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Galant, cũng như lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar.
Người phát ngôn Abu Obaida của Lữ đoàn Al-Qassam (cánh vũ trang của Hamas) đe dọa: "Việc ông Netanyahu nhất quyết lấy lại con tin thông qua hành động quân sự thay vì thỏa thuận có nghĩa là các con tin sẽ được trả về cho gia đình trong quan tài".
Ai Cập đã phản đối mạnh mẽ việc Thủ tướng Israel đòi duy trì một lực lượng của IDF trên hành lang Philadelphia giữa Gaza và Sinai. Điều này vi phạm Hiệp định hòa bình giữa Israel và Ai Cập năm 1979. Bộ Ngoại giao Ai Cập nói, ông Netanyahu "đang tìm cách sử dụng tên tuổi của Ai Cập để đánh lạc hướng dư luận Israel, cản trở việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi con tin và người bị giam giữ cũng như cản trở các nỗ lực hòa giải".
Ả Rập Saudi bày tỏ tình đoàn kết với Ai Cập, đồng thời lên án mạnh mẽ các tuyên bố của Israel liên quan đến hành lang Philadelphia và những nỗ lực vô lý nhằm biện minh cho việc tiếp tục vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi đã cảnh báo hậu quả của các tuyên bố khiêu khích của Tel Aviv, làm suy yếu các nỗ lực hòa giải của Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn và ngăn chặn sự leo thang nguy hiểm ở khu vực.
10% gai góc
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các bên đã đạt được thỏa thuận 90% trong kế hoạch 18 điểm. Washington cho biết tuần tới sẽ đưa ra một số ý tưởng mới và tỏ ra lạc quan về khả năng sớm đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, những vấn đề còn lại là hết sức gai góc, không dễ gì giải quyết.
Hamas cho rằng, cơ sở cho thỏa thuận là kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ngày 31/5 đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ trong nghị quyết 2735 ngày 10/6 và các bên, trong đó có Israel chấp thuận ngày 2/7.
Ngày 5/9 vừa qua, Hamas tuyên bố không cần có đề xuất mới và việc cần làm bây giờ là gây áp lực buộc Thủ tướng Israel Netanyahu và chính phủ của ông phải tuân theo những gì đã thỏa thuận.
Quan điểm của Israel và Hamas còn rất xa nhau. Israel không muốn chấm dứt chiến tranh khi chưa tiêu diệt được Hamas. Trong khi đó, Hamas đòi Israel rút toàn bộ quân đội và ngừng bắn vĩnh viễn tại Gaza. Đặc biệt, thái độ của Thủ tướng Netanyahu hết sức cứng rắn, không thỏa hiệp trong vấn đề Philadelphia.
Hãng CNN cho hay, những đòi hỏi mới của ông Netanyahu về hành lang Philadelphia đang làm suy yếu cơ hội đạt được thỏa thuận.
Việc kéo dài các cuộc thương lượng và trì hoãn việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi những người bị giam giữ sẽ làm giảm cơ hội sống sót của các con tin bị Hamas giam giữ ở Gaza. Việc lấy lại các con tin Israel và người nước ngoài còn lại bằng biện pháp quân sự là không thể và không có giải pháp nào thay thế cho các cuộc đàm phán.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, chính quyền của Thủ tướng Netanyahu chủ trương kéo dài các cuộc đàm phán và xung đột ở Dải Gaza là để chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ của Israel, đặc biệt trong bối cảnh ông Netanyahu đang vướng vào vòng lao lý do các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ và những sai lầm nghiêm trọng về phòng vệ để xảy ra vụ Hamas tấn công vào Israel ngày 7/10/2023. Quyết định đạt được thỏa thuận hay không hiện đang nằm trong tay Thủ tướng Netanyahu.
Nguồn: Vnexpress; VOA; CafeF; Dân Trí; Soha
Mỹ: Chấn động vụ án Diddy; Biden lộ ‘phát ngôn kín’; Thất bại của Mật vụ; Trump & trò lừa tiền mã hóa; ‘Lá bài’ kinh tế của Trump
Áp lực lên chuỗi cung ứng; Chương mới lịch sử Nhật; Tai nạn kinh hoàng ở Thái Lan; TQ tăng áp lực lên biển Đông; Cuộc chiến Israel-Iran
Kinh tế Israel oằn mình; Địa ngục đã chuẩn bị; Thủ lĩnh Hezbollah bị ám sát; Khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS; 2.000 lính Ukraine bị vây
Mỹ: Xả súng kinh hoàng; Công nhân cảng sắp đình công; Điều bất ngờ với FED; Trump bị nghi dàn xếp vụ ám sát; Cạnh tranh xe điện với TQ
Dấu ấn năng lượng của BRICS; Khó chồng khó cho Nga; Cuộc chiến ở Sudan; Tình hình kiểm soát Ukrainsk; Ngăn cuộc chiến ở Liban
Mỹ: Cuộc biểu tình kỳ quặc; Đổ xô tích trữ giấy vệ sinh; Thiếu nước sạch; Cục diện bầu cử chưa thay đổi; Obama-Musk ‘xuất chiến’
Kinh tế ‘đầu bạc’ ở TQ; Tập lo về kinh tế; Chính sách của tân Thủ tướng Nhật; Trục liên minh Iran hoảng loạn; Ukraine mất thị trấn chiến lược
Mỹ: Bão Helene càn quét; Giáng đòn lên ô tô TQ; Tình hình các bang chiến địa; Trừng phạt Venezuela; Điều chỉnh lực lượng ở Trung Đông
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá