.png)
LÀN SÓNG COVID-19 MỚI BÙNG PHÁT Ở CHÂU Á
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đang ghi nhận làn sóng gia tăng số ca nhiễm Covid-19, chủ yếu có triệu chứng nhẹ.
Diễn biến dịch bệnh
Thái Lan là một trong những quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng ca mắc Covid-19 sau lễ hội Songkran thường niên vào tháng 4, theo Bloomberg. Phát ngôn viên Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho biết từ ngày 1.1 - 14.5, Thái Lan ghi nhận hơn 71.000 ca mắc và 19 ca tử vong vì Covid-19. Trong đó, thủ đô Bangkok nhiều nhất với hơn 16.700 ca dương tính, đỉnh điểm từ ngày 27.4 - 3.5 với hơn 14.000 ca, tuy nhiên số ca nhiễm đã giảm xuống khoảng 12.500 từ ngày 4 - 10.5. Các tỉnh như Chon Buri, Nonthaburi và Rayong cũng có số ca nhiễm cao. Tại Singapore, Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý bệnh truyền nhiễm Singapore cho biết số ca nhiễm tăng hơn 3.000 ca trong một tuần, lên mức 14.200 ca trong tuần từ ngày 27.4 - 3.5. Số ca nhập viện trung bình hằng ngày tăng từ 102 lên 133, theo The Strait Times. Hiện tại, 2 biến thể chính lưu hành là LF.7 và NB.1.8, chiếm hơn 2/3 số ca mắc tại Singapore, đều đã có vắc xin phòng ngừa.
Giới chức y tế cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng nhẹ trong 2 tháng qua ở Trung Quốc, song trấn an người dân rằng Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát. Từ ngày 31.3 - 4.5, tại các khoa ngoại trú và cấp cứu, tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong tổng số ca bệnh triệu chứng giống cúm đã tăng từ 7,5% lên 16,2%, theo Hoàn cầu thời báo ngày 13.5 dẫn dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc. Trong khi đó, vùng lãnh thổ Đài Loan ghi nhận số lượt khám và cấp cứu liên quan Covid-19 gần chạm mốc 10.000 từ ngày 4 - 10.5, tăng 66% so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp ghi nhận xu hướng tăng ca mắc Covid-19 ở Đài Loan. Từ ngày 6 - 11.5, Đài Loan có 6 ca tử vong và 34 ca bệnh nặng mới do Covid-19.
"Không nên hoảng sợ"
Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin cho biết sự gia tăng các ca bệnh ở nước này là do biến thể phụ Omicron XEC vốn được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh nhưng ít gây bệnh nặng. Ông Thepsutin kêu gọi người dân không nên hoảng sợ về sự bùng phát trở lại của dịch, đồng thời nhấn mạnh Covid-19 hiện được phân loại là bệnh lưu hành. PGS-TS Thira Woratanarat tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) khuyên người dân thường xuyên kiểm tra sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ những người xung quanh, theo The Nation.
Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này ngày 14.5 khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan, theo Khmer Times.
Trong khi đó, giới chức y tế Singapore cho hay sự gia tăng các ca bệnh có thể là do một số yếu tố, bao gồm khả năng miễn dịch của cộng đồng đang suy yếu. Chính phủ Singapore cũng khuyến khích người dân, đặc biệt là nhóm người từ 60 tuổi trở lên, nhân viên y tế và trẻ em, tiêm thêm liều vắc xin nhắc lại. Tại Trung Quốc, mặc dù số ca bệnh có tăng nhẹ, các bác sĩ nhấn mạnh rằng đây chỉ đơn giản là sự biến động bình thường, theo Health Times ngày 13.5. Tiến sĩ Cai Weiping, chuyên gia tại Bệnh viện Nhân dân số 8 Quảng Châu, nhận định không có sự khác biệt giữa đợt nhiễm Covid-19 này và các đợt trước. Tuy nhiên, ông Zhao Lei, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện liên hợp Vũ Hán, cảnh báo người dân vẫn nên thận trọng.
BUỒN CỦA NỀN KINH TẾ NHẬT BẢN: CHỊU SỨC ÉP LỚN TỪ THUẾ QUAN, TĂNG TRƯỞNG BẤT NGỜ SỤT GIẢM MẠNH DO VỚI DỰ BÁO
Giới chuyên gia giải thích, do kinh tế Nhật Bản thiếu động lực tăng trưởng cả từ xuất khẩu lẫn tiêu dùng, nên dễ chịu tác động mạnh bởi các yếu tố bên ngoài.
Kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận sự suy giảm trong quý I/2024, đánh dấu lần đầu tiên trong vòng một năm nền kinh tế này thu hẹp. Theo dữ liệu mới công bố, GDP thực tế của Nhật giảm 0,7% so với năm trước trong quý I, vượt xa mức dự báo giảm 0,2%. So với quý trước, kinh tế Nhật giảm 0,2%.
Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn mong manh, đặc biệt khi phải đối mặt với các chính sách thuế quan từ phía Washington - một yếu tố có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng xuất khẩu sụt giảm.
Trong quý I/2024, tiêu dùng cá nhân – chiếm hơn 50% GDP nước này, gần như không tăng trưởng, trái với kỳ vọng tăng 0,1%. Xuất khẩu giảm 0,6% trong khi nhập khẩu tăng 2,9%. Ngược lại, đầu tư doanh nghiệp tăng 1,4%, vượt xa dự đoán 0,8%, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp mạnh tay chi tiêu trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực.
Chuyên gia kinh tế Yoshiki Shinke từ Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định: “Kinh tế Nhật thiếu động lực tăng trưởng cả từ xuất khẩu lẫn tiêu dùng, do đó dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài như chính sách thuế của Mỹ”.
Trong bối cảnh hiện tại, nguy cơ kinh tế Nhật Bản tiếp tục sụt giảm trong quý II đang hiện hữu, phụ thuộc vào thời điểm và mức độ ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan từ Mỹ. Điều này làm tăng áp lực buộc chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba phải xem xét các biện pháp kích thích tài khóa mới, thậm chí giảm thuế.
Về phía Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), mặc dù đã nâng lãi suất lên 0,5% từ tháng 1 sau khi chấm dứt chính sách nới lỏng kéo dài cả thập kỷ, nhưng sự bất ổn toàn cầu khiến BOJ phải hạ dự báo tăng trưởng tại cuộc họp chính sách gần nhất. Mọi kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo có thể bị trì hoãn nếu xuất khẩu và đầu tư suy yếu nghiêm trọng do ảnh hưởng của thuế quan.
Tuy việc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hạ nhiệt giúp thị trường lạc quan đôi chút, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể được miễn trừ khỏi các rào cản thuế từ Mỹ hay không. Các cuộc đàm phán song phương Nhật – Mỹ sẽ mang tính quyết định, trong khi dữ liệu GDP yếu kém có thể làm giảm thế đàm phán của Tokyo.
APEC CẢNH BÁO XUẤT KHẨU ĐÌNH TRỆ TRONG NĂM 2025 DO THUẾ QUAN MỸ
.png)
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hôm 15/5 cảnh báo rằng xuất khẩu từ khu vực chiếm khoảng một nửa thương mại thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm nay, và hầu như không tăng trưởng, sau các thông báo về thuế quan của Mỹ, theo hãng thông tấn Reuters.
Khối 21 thành viên đã triệu tập một phiên họp thường niên của các đại diện thương mại trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trong năm nay, khi các đặc phái viên thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau bên lề sau các cuộc đàm phán cấp cao hồi đầu tháng ở Geneva nhằm giảm leo thang một cuộc chiến thương mại gay gắt.
APEC dự báo xuất khẩu trong khu vực sẽ chỉ tăng 0,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 5,7% của năm ngoái, trong một báo cáo phân tích được công bố tại cuộc họp bộ trưởng thương mại năm 2025 của tổ chức này ở đảo Jeju, Hàn Quốc.
Khối này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm nay xuống 2,6% từ mức 3,3% trước đó.
APEC cho biết trong một thông cáo: "Tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ giảm mạnh trên toàn APEC do nhu cầu bên ngoài thấp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và hàng tiêu dùng, trong khi sự bất ổn gia tăng đối với các biện pháp liên quan đến hàng hóa gây áp lực lên thương mại dịch vụ."
Các mức thuế quan rộng rãi của chính quyền Trump đã nhắm vào hơn một nửa số thành viên APEC, nơi mức thuế quan trung bình khu vực đã giảm xuống 5,3% vào năm 2021, từ mức 17% vào năm 1989, khi diễn đàn kinh tế không ràng buộc này được thành lập.
Đây là giai đoạn chứng kiến thương mại hàng hóa tăng hơn chín lần.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy tiềm năng đạt được tiến bộ hơn nữa trong việc giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã gặp đặc phái viên thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương bên lề cuộc họp, Bộ Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cho biết, nhưng không nói rõ chi tiết.
Bộ này xác nhận cuộc họp sau khi làm rõ bình luận trước đó của Bộ trưởng Thương mại Cheong In-kyo, người cho biết các cuộc đàm phán đã diễn ra vài giờ trước đó.
Các cuộc đàm phán diễn ra sau khi ông Greer và ông Lý đồng ý cắt giảm mạnh thuế quan tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ ở Geneva vào ngày 10-11/5.
Trong hai ngày, các đại diện thương mại của các nền kinh tế thành viên dự kiến sẽ thảo luận về thương mại đa phương và các chương trình hợp tác khác, bao gồm cả cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong bối cảnh những thách thức hiện tại.
Chính quyền Trump coi WTO là một tổ chức đã cho phép Trung Quốc giành được lợi thế xuất khẩu không công bằng và gần đây đã có động thái tạm dừng việc Mỹ tài trợ cho tổ chức này.
Ảnh hưởng rộng khắp của thuế quan Mỹ
Phát biểu khai mạc hội nghị thường niên với tư cách chủ nhà, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong nhấn mạnh nền kinh tế và thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với những căng thẳng gia tăng từ nhiều bất ổn và kêu gọi khối này thúc đẩy đối thoại để giải quyết các thách thức chính trị và kinh tế.
Trước các phiên họp chính, Giám đốc chính sách của APEC, Carlos Kuriyama, cho rằng việc hạ thấp triển vọng xuất khẩu khu vực là do tác động của thuế quan Mỹ và cảnh báo rằng phạm vi ảnh hưởng lan tỏa của chúng còn lớn hơn.
Ông Kuriyama nói với các phóng viên: "Chúng tôi nhận thấy thuế quan của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ và thị trường tài chính. Đó là lý do tại sao các chính phủ đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại, nhưng tình hình vẫn chưa trở lại như trước đầu tháng Tư."
Ông Greer cũng dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Hàn Quốc, ba tuần sau vòng đàm phán thương mại đầu tiên của họ ở thủ đô Washington D.C. Ông cũng sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với New Zealand và gặp gỡ các đại diện từ các nước châu Á khác.
Ông Greer nói với đài CNBC trước khi lên đường đến Jeju hôm 13/5: "Chúng tôi đang tiến hành nhanh nhất có thể với những người muốn có những mục tiêu đầy tham vọng."
Ông Greer cũng dự kiến sẽ gặp gỡ lãnh đạo các công ty đóng tàu lớn của Hàn Quốc là HD Hyundai Heavy Industries và Hanwha Ocean trong khuôn khổ các cuộc đàm phán đang diễn ra về hợp tác tiềm năng giữa Mỹ và Hàn Quốc trong lĩnh vực này, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.
Hội nghị APEC có sự tham dự của các bộ trưởng thương mại và đặc phái viên từ các quốc gia thành viên bao gồm Nhật Bản, Canada, Mexico và Nga.
Ông Cheong cho biết ông đã có cuộc gặp với ông Lý Thành Cương, người đã giải thích cam kết của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuộc họp bộ trưởng thương mại diễn ra trong khuôn khổ vòng họp thứ hai của các quan chức cấp cao trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC năm nay tại thành phố Gyeongju, Hàn Quốc.
APEC chiếm khoảng một nửa thương mại toàn cầu và 60% GDP toàn cầu.
Việt Nam chính thức gia nhập diễn đàn này vào tháng 11/1998.
TƯƠNG LAI ĐẠO ĐỨC SỐ BỊ ĐẶT DẤU HỎI
Deepfake – công nghệ giả mạo hình ảnh, giọng nói ngày càng tinh vi, khiến chúng ta phải tự hỏi: đâu là ranh giới giữa sáng tạo và lạm dụng?
Nếu vài năm trước, bạn chỉ có thể thấy Tom Cruise nhảy múa trong "Mission: Impossible", thì giờ đây, với công nghệ deepfake, Tom Cruise có thể… nấu ăn trên TikTok, học nói giọng miền Tây hay thậm chí tranh cử hội trưởng lớp ở một trường cấp ba tại Cà Mau – tất nhiên là chỉ trong video được tạo ra bằng AI.
Deepfake – ghép từ "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo) – là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra video, hình ảnh hoặc âm thanh giả nhưng giống thật đến mức đánh lừa cả mắt thường lẫn tai nghe. Tưởng chỉ dừng lại ở việc "tấu hài mạng xã hội", nhưng deepfake đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho đời sống chính trị, pháp luật, giáo dục và thậm chí cả đời tư của bạn.
Không thể phủ nhận rằng AI và deepfake đang mở ra cánh cửa mới cho ngành công nghiệp giải trí, quảng cáo và đào tạo. Các nhà làm phim Hollywood có thể "hồi sinh" diễn viên đã khuất để hoàn tất dự án dang dở; thương hiệu có thể tạo ra KOL ảo vừa xinh đẹp vừa biết rap; thậm chí các trường đại học đã bắt đầu thử nghiệm mô hình "giảng viên ảo" nói 5 thứ tiếng không cần thông dịch viên.
Việc sử dụng deepfake trong điện ảnh, bảo tồn văn hóa hay truyền thông tương tác được đánh giá là một bước tiến đáng giá, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng trải nghiệm người dùng.
Google Trends gần đây cũng ghi nhận sự bùng nổ của các từ khóa như "deepfake là gì", "ứng dụng deepfake trong giáo dục", "video AI ảo" – cho thấy mức độ quan tâm tăng mạnh của cộng đồng công nghệ cũng như người dùng phổ thông. Nhưng không phải ai cũng dùng deepfake để "làm content vui vẻ". Theo báo cáo mới nhất từ Cyber Security Ventures, số vụ tội phạm mạng sử dụng công nghệ deepfake đã tăng gấp 20 lần chỉ trong vòng 3 năm qua. Những video giả mạo lãnh đạo chính trị phát ngôn nhạy cảm, doanh nhân nổi tiếng livestream "kêu gọi đầu tư" hay thậm chí là nạn nhân bị lồng mặt vào các video khiêu dâm – đều khiến deepfake trở thành ác mộng mới trong kỷ nguyên số.
Thử tưởng tượng một ngày, bạn thấy chính mình – hoặc người thân – xuất hiện trong một clip "nóng" mà chưa từng quay, giọng nói giống, nét mặt khớp từng cử động, đến mức không một AI nào cũng có thể phân biệt thật-giả nếu không truy xuất dữ liệu gốc. Lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm? Bạn? Người tạo ra video? Hay chính công nghệ?
Ở Mỹ, một số bang đã cấm sử dụng deepfake trong bầu cử và khiêu dâm không đồng thuận. Trong khi đó, EU đang đẩy mạnh các quy định về AI Act – đạo luật đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý công nghệ AI một cách toàn diện.
Các "đại gia công nghệ" như Meta, Google hay OpenAI cũng bị gây áp lực phải dán nhãn cho nội dung deepfake, nhưng việc kiểm soát toàn cầu vẫn là bài toán nan giải. Một vấn đề gây tranh cãi lớn là: liệu deepfake có thể được sử dụng như một dạng biểu đạt cá nhân trong nghệ thuật? Nhiều người sáng tạo nội dung lập luận rằng "AI chỉ là công cụ", còn vấn đề đạo đức nằm ở cách chúng ta sử dụng nó.
Tuy nhiên, nếu người xem không thể phân biệt đâu là sự thật, thì "sự sáng tạo" đó có thể nhanh chóng bị lợi dụng để thao túng nhận thức cộng đồng. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh tin giả, thao túng truyền thông và định hướng dư luận đang ngày càng tinh vi.
May mắn là cuộc chiến không phải không có lời giải. Nhiều startup và tổ chức phi lợi nhuận đã và đang phát triển các công cụ nhận diện deepfake dựa trên dấu hiệu vi mô như chớp mắt, chuyển động da mặt hoặc độ rung giọng. Các thuật toán kiểm chứng nguồn gốc dữ liệu, blockchain xác minh nội dung gốc và hệ thống dán nhãn AI-generated đang được tích hợp vào nhiều nền tảng mạng xã hội. Google, TikTok và Meta đều đang thử nghiệm gắn "nhãn AI" hoặc "synthetic content" cho video bị nghi giả mạo, nhưng tính hiệu quả còn phụ thuộc vào độ nhanh nhạy của cả con người lẫn máy móc.
Với người dùng mạng xã hội, deepfake từng là nguồn giải trí bất tận. Ai mà không cười lăn khi thấy ông chủ tiệm tạp hóa ở đầu ngõ được gắn mặt vào thân hình siêu mẫu rồi múa cột với điệu nhạc K-pop? Hay video gương mặt người yêu cũ ghép vào… nhân vật phản diện trong phim Marvel? Tuy nhiên, chính những trò đùa vô hại ban đầu lại đang khiến người dùng "chai lì" với sự giả mạo. Việc mọi thứ đều có thể là deepfake khiến công chúng ngày càng hoang mang, dẫn đến trạng thái "hoài nghi mặc định" – tức là không tin vào bất kỳ nội dung nào trên mạng, dù là tin tức chính thống.
Điều này vô hình trung gây ra hệ quả nguy hiểm: tin thật bị nghi ngờ, tin giả được chia sẻ vô tội vạ. Mạng xã hội giờ không còn là nơi lan tỏa thông tin, mà dần trở thành chiến trường của niềm tin.
Với các nhà sáng tạo nội dung, deepfake là "cây đũa thần" giúp họ vẽ nên những câu chuyện khó tin – từ "chuyển sinh ở thế giới AI" đến "kết hôn với người nổi tiếng bằng công nghệ". Tuy nhiên, khi deepfake bị siết chặt bởi luật pháp, chính họ cũng lo ngại về nguy cơ mất tự do sáng tạo. "Chúng tôi không làm nội dung để lừa đảo, mà để giải trí và thử nghiệm công nghệ," một YouTuber nổi tiếng chia sẻ. "Nhưng bây giờ chỉ cần dùng AI ghép mặt là bị nghi ngờ ngay."
Ranh giới giữa sáng tạo và đạo đức ngày càng mỏng manh, và nếu không có bộ tiêu chuẩn rõ ràng – chẳng hạn như minh bạch nguồn dữ liệu, có sự đồng thuận của người bị lồng mặt – thì khả năng "chết oan" vì bị quy chụp sẽ rất cao. Một số trường học tại châu Âu và Hàn Quốc đã bắt đầu lồng ghép giáo dục đạo đức số và kỹ năng nhận diện deepfake vào chương trình học phổ thông. Các học sinh được học cách phân biệt nội dung thật – giả, truy vết thông tin, và hiểu rõ về quyền hình ảnh cá nhân.
Tại Việt Nam, vấn đề này vẫn còn mới mẻ, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ, thế hệ Gen Alpha – vốn lớn lên cùng TikTok, Reels và AI – sẽ trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm của chính những sản phẩm deepfake do chúng tạo ra… chỉ để "câu view cho vui". Một tương lai không quá xa là khi mọi thứ đều có thể giả lập, thì liệu thật – giả còn quan trọng? Hay xã hội sẽ dần "sống chung với deepfake", giống như cách chúng ta từng học cách sống chung với mạng xã hội, tin giả và lừa đảo công nghệ?
Một số chuyên gia gọi đây là thời kỳ "Hậu sự thật 2.0" – nơi cảm xúc, định kiến và tốc độ chia sẻ thông tin được đặt cao hơn sự xác minh.
Nguồn: Thanh Niên; CafeF; BBC; VTV
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá