Lần đầu kỷ luật 2 nguyên cán bộ chủ chốt; Kỷ luật cựu Bộ trưởng Công thương; Năm của các dự án lịch sử; Tái khởi động dự án ở Ninh Thuận

LẦN ĐẦU TIÊN 2 NGUYÊN LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT BỊ KỶ LUẬT

Năm 2024, lần đầu tiên Bộ Chính trị kỷ luật 2 nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước do vi phạm quy định trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ngày 31/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp Phiên thứ 27 để thảo luận, cho ý kiến về Kết quả hoạt động năm 2024 và Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo và Kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo năm 2024 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Chiều cùng ngày, Ban Nội chính Trung ương thông báo kết quả phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo.

Kỷ luật 709 tổ chức đảng và 24.097 đảng viên

Theo thông cáo của Ban Nội chính Trung ương, năm 2024, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ; xử lý kiên quyết, nghiêm minh các sai phạm, nhưng cũng rất nhân văn, chú trọng phân hóa trong xử lý đối tượng vi phạm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Trong năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 709 tổ chức đảng và 24.097 đảng viên vi phạm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý.

" Trong đó, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật 2 nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước do vi phạm quy định trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; khẳng định rõ sự nghiêm minh, quyết tâm cao của đồng chí Tổng Bí thư, của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ", thông cáo nêu rõ.

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 104.042 tỷ đồng và 40 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.065 tập thể và 7.836 cá nhân. Các cơ quan chức năng qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển 344 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 4.732 vụ án/10.430 bị can, truy tố 4.074 vụ/10.698 bị can, xét xử sơ thẩm 4.052 vụ/9.664 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó, khởi tố mới 906 vụ án/2.068 bị can về các tội tham nhũng.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 8 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 174 bị can trong 13 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án/449 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 6 vụ án/32 bị can; truy tố 12 vụ án/440 bị can; xét xử sơ thẩm 14 vụ án/536 bị cáo, xét xử phúc thẩm 16 vụ án/118 bị cáo, được dư luận, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt nhiều kết quả; riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 19.000 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, tạo chuyển biến mới về nhận thức, quyết tâm, gắn phòng, chống lãng phí với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo cả phòng, chống lãng phí.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có nhiều thông điệp chỉ đạo mạnh mẽ về phòng, chống lãng phí; các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về công tác phòng, chống lãng phí. Nhất là, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý các tồn tại kéo dài liên quan đến các công trình, dự án chậm tiến độ, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn; khởi tố một số vụ án gây lãng phí lớn ngân sách Nhà nước để điều tra, xử lý.

Ban Chỉ đạo cũng quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nhất là công tác cán bộ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bộ Chính trị đã ban hành và chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ gốc...

Trong năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 155 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 848 vụ án/1.884 bị can phạm tội về tham nhũng.

Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý; xử lý kỷ luật 130 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu do thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, phụ trách, trong đó có 45 trường hợp bị xử lý hình sự.

Sớm xét xử vụ Phúc Sơn, Thuận An

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để phục vụ tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, cấp bách của đất nước.

Trong đó, cần tập trung khẩn trương hoàn thiện thể chế về phòng, chống lãng phí; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, tinh gọn; sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được chỉ ra qua rà soát; xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Ban Chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện, tạo chuyển biến mới, đột phá trong công tác phòng, chống lãng phí cả ở Trung ương và địa phương. Khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc rà soát và có giải pháp giải quyết dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn. Báo cáo Ban Chỉ đạo kết quả rà soát trong Quý I/2025.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

" Phấn đấu trong năm 2025, kết thúc điều tra, xử lý 26 vụ án, 9 vụ việc. Nhất là tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thái Dương và Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng), sân bay Nha Trang ", thông cáo nêu.

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nhất là tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phòng, chống lãng phí, tiêu cực trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan, tổ chức sau sắp xếp, tinh gọn...

Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế để Nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cũng tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 3 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

NGUYÊN BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG BỊ KIẾN NGHỊ KỶ LUẬT

Trong vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính, xử lý kỷ luật về Đảng đối với ông Trần Tuấn Anh.

Trong bản kết luận điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã xem xét trách nhiệm ông Trần Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo kết luận, căn cứ hồ sơ xây dựng dự thảo Quyết định số 13 được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo điều chỉnh, mở rộng diện đối tượng được hưởng chính sách giá điện ưu đãi trái quy định, cùng với đó là sự đề xuất của ông Vượng, ông Trần Tuấn Anh, với vai trò là Bộ trưởng, đã ký 6 tờ trình, báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành Quyết định số 13.

Khi ký các tờ trình, báo cáo này, ông Tuấn Anh không biết việc ông Vượng chỉ đạo điều chỉnh mở rộng đối tượng trái quy định. Kết quả điều tra cũng không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Tuấn Anh có động cơ vụ lợi. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự đối với ông Trần Tuấn Anh.

Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính, xử lý kỷ luật về Đảng đối với ông Trần Tuấn Anh.

Tương tự, Bộ Công an cũng kiến nghị xử lý về mặt Đảng, hành chính với ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ông Dũng được xác định là người chịu trách nhiệm xây dựng và ký ban hành Quyết định số 13, quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam

"Do tin tưởng vào kết quả xây dựng, thẩm định, thẩm tra dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nên khi ký ban hành, ông Trịnh Đình Dũng không biết nội dung khoản 3 Điều 5 trái với Nghị quyết số 15/NQ-CP và kết quả điều tra không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Trịnh Đình Dũng nhận tiền, lợi ích vật chất khác để tạo lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp", kết luận điều tra bổ sung nêu.

Do đó, ông Trịnh Đình Dũng không bị xem xét xử lý hình sự.

Cơ quan An ninh điều tra cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính, kỷ luật về Đảng với các thành viên Tổ soạn thảo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; các cá nhân có liên quan đến việc thẩm định, tham gia ý kiến đối với dự thảo Quyết định số 13; các cá nhân liên quan đến việc thẩm tra dự thảo của Văn phòng Chính phủ; các cá nhân có trách nhiệm liên quan trong việc cấp giấy phép hoạt động điện lực cho Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3.

Theo kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định nguyên nhân dẫn đến tội phạm là một số cá nhân bị tha hóa, biến chất trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Một số trường hợp vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân khác làm trái quy định để tạo lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cho rằng quy định của pháp luật theo các lĩnh vực còn chưa chặt chẽ, chưa phân biệt rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị theo từng khâu, dẫn đến các đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ gây thiệt hại cho Nhà nước và tổ chức.

Trong vụ án này, Bộ Công an đề nghị truy tố 13 bị can, với 9 người về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 3 người tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

2025 LÀ NĂM CỦA CÁC DỰ ÁN LỊCH SỬ

2025 là năm về đích quan trọng của kế hoạch 2021 - 2025 khi loạt đại dự án hạ tầng như 3.000 km cao tốc, sân bay Long Thành tăng tốc về đích.

Đây cũng là năm khởi động của những dự án được kỳ vọng sẽ đưa đất nước cất cánh vào kỷ nguyên mới như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế xã hội đất nước nhanh và bền vững. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao vào năm 20230 và thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN phải đạt 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phải tạo ra đột phá về hạ tầng với những công trình mang tính chiến lược, chuyển đổi trạng thái. Theo đó, năm 2025 phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành.

Thông 3.000 km cao tốc từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau

Trong hơn 20 năm, cả nước mới chỉ có khoảng hơn 1.000 km đường bộ cao tốc (tính đến cuối 2021 mới 1.163 km cao tốc được khai thác). Tới đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết 44/2022 của Quốc hội với quyết tâm nâng tổng số đường bộ cao tốc cả nước lên 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030. Mục tiêu đặt ra phải hoàn thành thêm 2.000 km cao tốc trong hơn 3 năm.

Sau 3 năm, câu trả lời đã có khi mục tiêu tham vọng này sắp thành hiện thực nhờ quyết tâm chính trị cao độ, các cơ chế chính sách đặc thù và tinh thần quyết liệt từ Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương và nhà thầu thi công "3 ca 4 kíp, vượt nắng thắng mưa"... Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), cho biết theo kế hoạch dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc thuộc 28 dự án do Bộ GTVT và các địa phương làm chủ đầu tư. Dù vậy, tính đến cuối tháng 12.2024, nhiều dự án vẫn đang gặp khó về mặt bằng, nguồn vật liệu, cần sự vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn của các cơ quan liên quan mới có thể về đích đúng tiến độ.

Theo Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh, "cả 3.000 km cao tốc từ Bắc đến Nam không thể để bị tắc ở một điểm". Ông yêu cầu tất cả các đơn vị tập trung vật liệu, thi công để hoàn thành đúng tiến độ, song cũng tránh tâm lý nóng vội, tiến độ phải đi đôi với chất lượng. Với 3.000 km cao tốc và hơn 1.000 km đường bộ ven biển nếu được hoàn thành trong năm 2025, mạng lưới đường bộ của VN sẽ cơ bản hoàn thiện, không còn các "vùng trắng", vùng trũng thiếu đường, thiếu cao tốc như trước đây, giảm thời gian đi lại giữa các địa phương chỉ còn một nửa, tăng tính kết nối, giúp khơi thông tiềm năng kinh tế, du lịch.

Sân bay Long Thành về đích sớm

Khởi động rất chậm so với tiến độ yêu cầu, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (công suất 25 triệu khách/năm) tới nay đã có những bước tiến tích cực. Tính đến đầu tháng 12, nhà ga hành khách đã hoàn thành 100% phần xây dựng, đang thi công hoàn thiện phần mái khung chính và lắp đặt. Đường cất hạ cánh đã thi công đạt hơn 71%, vượt 3 tháng so với tiến độ trong hợp đồng; đường cất hạ cánh thứ 2 sẽ được khởi công vào tháng 1.2025... Để đẩy nhanh tiến độ, các nhà thầu, đơn vị tư vấn đã huy động hơn 6.000 kỹ sư, công nhân lao động với hơn 2.000 thiết bị trên công trường.

Dành quan tâm đặc biệt tới dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã 5 lần trực tiếp kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ. Trong chỉ đạo mới nhất đầu tháng 12, Thủ tướng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án vào 31.12.2025 (sớm hơn so với kế hoạch trước đó là trong năm 2026) để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần XIV. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Đồng Nai sớm có phương án quy hoạch, xây dựng "đô thị sân bay" Long Thành, phát huy hệ sinh thái quanh sân bay đồng bộ. Bên cạnh đó, Bộ GTVT chủ trì phối hợp triển khai các dự án giao thông kết nối từ sân bay Long Thành đến Tân Sơn Nhất, TP.Biên Hòa bằng metro, đường sắt tốc độ cao. Chính phủ thống nhất chủ trương mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe, xây hầm vượt sông Đồng Nai qua phà Cát Lái... để tạo tính đồng bộ kết nối.

Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động không chỉ san sẻ cho Tân Sơn Nhất (TP.HCM), mà còn được kỳ vọng đưa VN thành hub trung chuyển hàng không khu vực và quốc tế trong tương lai.

Bên cạnh đó, 2 sân bay lớn nhất cả nước hiện nay là Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) cũng đang được thúc đẩy mở rộng. Tháng 4.2025, dự kiến nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất (quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2) sẽ hoàn thành về đích vận hành đúng dịp lễ 30.4 - "giải cứu" cho Tân Sơn Nhất thoát khỏi tình trạng ùn tắc hiện nay. Trong khi đó, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành chậm nhất cuối tháng 12.2025, nâng công suất khai thác từ 10 triệu hành khách lên 15 triệu hành khách/năm.

Tại các địa phương, dự án BOT sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2026. Dự án BOT sân bay Quảng Trị đã khởi công đầu năm 2024 cũng được kỳ vọng sẽ khai thác vận hành vào năm 2026. Theo quy hoạch đến năm 2030 cả nước sẽ có 28 sân bay, cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới sân bay cả nước, tạo động lực lớn cho giao thương và du lịch.

Công trình thế kỷ: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ngày 30.11.2024, Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, quyết định lịch sử biến giấc mơ 17 năm thành hiện thực. Là một trong những dự án có số phận trắc trở nhất, đường sắt cao tốc được Bộ GTVT, ngành đường sắt ấp ủ từ những năm 2000. Năm 2007, Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Song tới năm 2010, dù hoàn tất các kịch bản về tốc độ 350 km/giờ, phân đoạn và vốn, dự án đã vấp phải những phản đối quyết liệt và không được trình ra Quốc hội.

Sau 17 năm, quy mô GDP đất nước đã tăng từ 147,2 tỉ USD (năm 2010) lên gần 450 tỉ USD (năm 2024), đây là thời điểm chín muồi để khởi động dự án vốn đầu tư lớn nhất lịch sử (1,7 triệu tỉ đồng, tương ứng 67,3 tỉ USD). Với mục tiêu hoàn thành vào năm 2035, dự án dài 1.541 km từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) tới ga Thủ Thiêm (TP.HCM) sẽ không chỉ thay đổi cơ bản phương thức di chuyển, hiện đại hóa ngành đường sắt mà còn tạo nguồn lực lớn kích thích kinh tế các địa phương dọc tuyến, tạo nền công nghiệp đường sắt với cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp nội địa. Hiện Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án, gồm lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng… để tới tháng 12.2027 khởi công dự án.

Có thể nói nếu giai đoạn 2025 trở về trước là thời của đường bộ và cao tốc thì từ 2025 về sau là giai đoạn vàng của đường sắt với nguồn lực đầu tư rất lớn. Những ngày cuối tháng 12 khi khảo sát dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc, Thủ tướng đã yêu cầu trong tháng 1.2025 phải trình Chính phủ để tháng 2 trình Quốc hội chủ trương đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc thù. Chậm nhất trong tháng 12.2025 phải khởi công tuyến đường sắt dài 417 km kết nối cảng biển quốc tế Hải Phòng liên vận quốc tế với Trung Quốc.

Các dự án đường sắt đô thị (metro) của Hà Nội và TP.HCM cũng đang được tăng tốc với việc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động cuối tháng 12.2024. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 598,5 km đường sắt đô thị và TP.HCM là gần 513 km.

VÌ SAO VIỆT NAM TÁI KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN Ở NINH THUẬN?

Nguyên nhân Việt Nam quyết tâm phát triển và ứng dụng năng lượng điện hạt nhân hóa ra rất thực tế.

Điện hạt nhân là nguồn điện không phát thải. Đây cũng là nguồn điện ổn định và không phụ thuộc vào những biến động chính trị, giá dầu, giá than... Theo các chuyên gia, nếu điện hạt nhân dần thay thế những nguồn điện có phát thải như than, khí... thì đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có thể đạt được lộ trình Net Zero đã cam kết với quốc tế.

Ngoài ra, năng lượng hạt nhân còn là cơ hội lớn giúp nước ta phát triển cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam vào chiều 27/12. Theo Bộ trưởng, hiện nay, năng lượng hạt nhân đang được coi là xu hướng toàn cầu. Đây là nguồn năng lượng sạch và gần như không phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, thông qua việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân, Việt Nam hướng đến sử dụng nguồn năng lượng này. Việc này được coi là cơ hội cho Việt Nam để phát triển ngành năng lượng hạt nhân, từ đó góp phần đảm bảo năng lượng, đồng thời phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Mặt khác, nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng 10 – 13% hàng năm. Để đáp ứng được mục tiêu GDP từ 6,5 – 7% thì việc phát triển năng lượng hạt nhân được coi là giải pháp chiến lược cho "mục tiêu kép" là bảo đảm an ninh năng lượng cũng như đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Điện hạt nhân là xu thế toàn cầu hiện nay

Mặt khác, theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung năng lượng bền vững. Do đó, phát triển điện hạt nhân được coi là nguồn điện nền ổn định, từ đó góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi năng lượng sạch.

Theo kế hoạch, hai nhà máy điện hạt nhân mới sẽ được xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận. Hai nhà máy này sẽ được xây dựng với yêu cầu khắt khe về an toàn và công nghệ hiện đại, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thúc đẩy các chương trình như Net Zero bằng năng lượng hạt nhân và coi đây thành giải pháp cốt lõi trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Thực tế tại Việt Nam, công nghệ hạt nhân đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường. Cụ thể, trong năm 2024, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã nghiên cứu thuốc phóng xạ sử dụng trong điều trị ung thư.

Trong nông nghiệp, Viện Nghiên cứu hạt nhân cũng đã chế tạo sản phẩm nano phòng bệnh nấm và nghiên cứu tăng sinh khối rễ sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, Trung tâm Vinagamma đã phát triển nano bạc - đồng để giúp bảo quản thực phẩm. Theo TS Trần Chí Thành, những ứng dụng này góp phần mang lại doanh thu hơn 400 tỷ đồng cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Theo TS Trần Chí Thành, trước mắt, việc nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân và an toàn hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam để có thể tư vấn và hỗ trợ cho Chính phủ cũng như các chủ đầu tư quay lại với chương trình điện hạt nhân, lựa chọn công nghệ phù hợp khi tái khởi động lại dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng việc triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi nước ta phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi gồm nhiều lĩnh vực. Đội ngũ chuyên gia này sẽ giúp xây dựng một chương trình quốc gia phát triển nghiên cứu, hỗ trợ cho đảm bảo an toàn trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực nội địa hoá và sản xuất các thiết bị điện hạt nhân.

Nguồn: Soha; Dân Trí; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang