Lạm phát lương thực; Phân cực kinh tế; Thái Lan tổng tuyển cử; Cuộc thư hùng quyền lực; Nga tăng XK khí đốt

Lạm phát lương thực tăng do El Nino

(Ảnh minh họa).

Hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino nhiều khả năng gây hạn hán nghiêm trọng, đe dọa nguồn cung lương thực trên toàn cầu

Hiện tượng El Nino góp phần gây ra nắng nóng gay gắt ở Đông Nam Á trong những tuần gần đây. El Nino là hiện tượng gia tăng nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực Xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương, thường gây thiệt hại mùa màng, lũ quét hoặc cháy rừng.

Tổ chức Khí tượng thế giới hồi đầu tháng 5 cảnh báo kiểu thời tiết này có thể góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

Chính phủ Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang kêu gọi nông dân chỉ trồng một vụ mùa trong năm nay thay vì hai vụ như thường lệ vì El Nino có thể làm giảm lượng mưa. Sản lượng gạo giảm có khả năng đẩy giá lương thực thiết yếu của hơn 1/2 dân số thế giới lên cao.

Đó là dấu hiệu ban đầu cho thấy điều kiện thời tiết phức tạp đang đe dọa sản lượng lương thực toàn cầu thế nào. Không chỉ đối với gạo, El Nino còn đặt ra rủi ro đối với sản lượng của các loại cây trồng gồm dầu cọ, cacao và đường, những mặt hàng mà Thái Lan cũng là nhà sản xuất chính.

Theo báo Bangkok Post, mùa mưa ở Thái Lan thường bắt đầu vào tuần thứ 3 của tháng 5 nhưng năm nay sẽ bắt đầu muộn hơn một chút với một đợt mưa ngắt quãng vào tháng 6.

Cơ quan cấp nước quốc gia Thái Lan đã lên kế hoạch quản lý các đập để giúp lưu trữ nước, điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của tất cả người dân, đặc biệt là nông dân.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hôm 12-5 cho biết có 80% khả năng El Nino sẽ diễn ra vào mùa hè ở Bắc bán cầu. Theo Reuters, Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ hôm 11-5 dự báo hiện tượng El Nino có thể kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7, với hơn 90% khả năng hiện tượng này kéo dài sang mùa Đông ở Bắc bán cầu.

Úc có thể chứng kiến một mùa Đông khô hơn và ấm hơn sau 3 năm thời tiết ẩm ướt và khó lường, trong khi Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì, gạo và đường lớn thứ hai thế giới, sẽ có lượng mưa dưới mức trung bình do El Nino.

Do thời tiết khô và nóng bất thường, hơn 100 vụ cháy rừng đã bùng phát khắp tỉnh Alberta - Canada trong tuần trước. Canada đã triển khai quân đội để hỗ trợ các nỗ lực chữa cháy và khôi phục ở Alberta hôm 11-5 sau khi cháy rừng buộc hàng ngàn người sơ tán và khiến một số nhà sản xuất dầu khí phải đóng cửa hoạt động tại tỉnh sản xuất dầu thô chính của Canada.

Trong những năm gần đây, miền Tây Canada liên tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, nhiệt độ cao và tần suất tăng lên do sự nóng lên toàn cầu.

Ứng phó điều kiện thời tiết cực đoan, chính phủ Tây Ban Nha có kế hoạch chi 2,4 tỉ USD cho nguồn cung cấp nước mới, trợ cấp cho nông dân để giảm bớt tác động của tình trạng hạn hán kéo dài đã khiến sản lượng gạo, ngũ cốc và ô liu giảm.

Hiệp hội Nông dân Tây Ban Nha (COAG) cho biết tình trạng thiếu mưa đang ảnh hưởng đến 80% vụ mùa và gây thiệt hại không thể khắc phục đối với hơn 5 triệu ha diện tích cây trồng ngũ cốc.

Hành động trước khi quá muộn!

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa cho biết các đợt nắng nóng có xu hướng chủ yếu hoành hành tại châu Âu nhưng nay đã xảy ra ở châu Á. Nhiệt độ cực cao trong năm nay nhấn mạnh mối lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng tăng và thúc đẩy nhận thức về sự cần thiết phải giảm rác thải nhựa và các chất thải công nghiệp gây ô nhiễm không khí càng trở nên quan trọng hơn.

Bộ trưởng Varawut Silpa-archa cho rằng do con người đã hủy hoại môi trường trong nhiều thập kỷ nên sẽ mất nhiều năm nỗ lực để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông cho biết vẫn có đủ lượng nước dự trữ trong các con đập cho mùa khô năm nay nhưng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2024 và năm 2025. Do đó, các công trình dự trữ nước đầy đủ và hệ thống tưới tiêu hiệu quả là những bước chuẩn bị quan trọng.

(Nguồn: CafeF)

Phân cực kinh tế Nga - Trung với phương Tây ngày một rõ?

Nga đang thúc đẩy một hành lang trên bộ ở vùng Viễn Đông nhằm xuất khẩu thêm ngũ cốc sang Nội Mông ở đông bắc Trung Quốc, tờ Asia Times ngày 13.5 đưa tin.

Cụ thể, vào giữa tuần này, hãng thông tấn TASS dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết Nga sẽ tăng cường xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc thông qua một hành lang ngũ cốc trên bộ mới. Theo bài báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị nội các và ngân hàng trung ương xây dựng một thỏa thuận liên chính phủ và hoàn thiện mọi công việc cần thiết trước ngày 1.10 tới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết, sau khi các vấn đề về thuế quan, hạn ngạch và hậu cần được giải quyết, nước này sẽ nhập khẩu thêm lúa mì và lúa mạch từ Nga, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu từ phương Tây bao gồm Úc, Mỹ, Canada và Pháp.

Các nhà bình luận cho rằng, trong khi Nga và Trung Quốc có thể hợp tác để vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây, thì đồng thời diễn biến này sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tách rời nền kinh tế toàn cầu thành các phần nhỏ hơn, phương Tây (gồm Mỹ) và Trung Quốc - Nga.

Dự án ấp ủ từ lâu

Ý tưởng xây dựng hành lang ngũ cốc trên đất liền, kết nối Trung Quốc với các nước thuộc Liên minh Á - Âu, lần đầu tiên được Bắc Kinh đề xuất vào năm 2012, và nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Putin vào năm 2016.

Việc xây dựng nhà ga ngũ cốc Zabaikalsk (GTZ) thuộc lãnh thổ Viễn Đông Zabaikalsk của Nga, một cơ sở trung chuyển đường sắt ở biên giới Nga với Nội Mông, được tiến hành vào tháng 7.2020. Tính đến tháng 4.2022, dự án đã hoàn thiện 75%, theo truyền thông Nga. Trong thời gian chờ nhà ga khánh thành, hiện hầu hết ngũ cốc của Nga bán cho Trung Quốc vẫn đang được vận chuyển từ Biển Đen.

Ngoài ra, những năm gần đây, Nga cũng đã chi mạnh tay cho vùng Viễn Đông. Theo đó, Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev ngày 16.3 cho biết hơn 700 tỉ rúp (211 nghìn tỉ đồng) đã được đầu tư vào Viễn Đông vào năm ngoái và 140 doanh nghiệp đã được thành lập tại đây. Trong khi đó, ông Karen Ovsepian, giám đốc điều hành GTZ, cho biết tổng vốn đầu tư theo chương trình hành lang ngũ cốc mới sẽ lên tới 500 tỉ rúp.

Mới đây, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21.3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin một lần nữa nhấn mạnh rằng Moscow sẽ "xem xét việc ký kết một thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga và Trung Quốc" trước ngày 1.10, TASS đưa tin.

Giúp 2 bên tự chủ hơn

Theo chuyên gia Trương Hồng, nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, hành lang mới trên bộ sẽ cho phép Nga xuất khẩu nhiều lúa mì và lúa mạch hơn, những mặt hàng mà nước này có lợi thế cả về giá cả và chất lượng. Trên tờ Global Times, chuyên gia này cũng nói thêm rằng thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Nga “hiện không lớn lắm”.

Theo truyền thông tỉnh Phúc Kiến, việc Nga muốn đẩy nhanh dự án với Trung Quốc dù đã ký kết sáng kiến Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen với Ukraine vào tháng 7.2022, là vì Moscow vẫn gặp khó trong bối cảnh phương Tây ngày càng siết trừng phạt.

Hiện không công ty bảo hiểm nào có thể cung cấp dịch vụ cho các hãng vận chuyển ngũ cốc của Nga trong khi các nhà xuất khẩu Moscow cũng không thể xử lý giao dịch nếu không có hệ thống trao đổi thông tin thanh toán toàn cầu SWIFT. Một vấn đề khác là thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine sẽ kết thúc sau ngày 18-5, sau 2 lần gia hạn. Tuy nhiên, hiện không có điều gì đảm bảo rằng thỏa thuận sẽ được gia hạn lần thứ 3, và Trung Quốc hiện là lựa chọn tốt nhất của Nga.

Trong khi đó, theo truyền thông tỉnh Hà Bắc, do lệnh trừng phạt, Nga bị loại khỏi thị trường phương Tây và phải chuyển hướng sang phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Bởi vì Trung Quốc cũng đang tìm cách phát triển kinh tế để cạnh tranh với Mỹ, nên đây sẽ là một tình huống đôi bên cùng có lợi nếu cả Trung Quốc và Nga có thể hợp tác để vượt qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát của phương Tây.

Ngoài ra, với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế trong những năm gần đây, tính ổn định của chuỗi cung ứng ngũ cốc ở nước ngoài của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Theo đó, rủi ro từ việc Trung Quốc nhập khẩu ngũ cốc từ các nước ở khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ sẽ được giảm thiểu nếu nước này gia tăng mua hàng của Nga.

Theo Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nước này sẽ chỉ có thể tự cung cấp 65% lượng thực phẩm tiêu thụ vào năm 2035, so với khoảng 76% hiện nay. Ước tính, quốc gia này sẽ phải nhập khẩu 83% lượng đậu nành cần thiết vào năm 2035.

(Nguồn: Thanh Niên)

Thái Lan tổ chức tổng tuyển cử

(Ảnh minh họa).

Hàng triệu cử tri Thái Lan bỏ phiếu bầu chính phủ mới, trong bối cảnh đảng UTN được quân đội hậu thuẫn đối mặt nguy cơ thất bại.

Gần 95.000 điểm bỏ phiếu tại Thái Lan sẽ hoạt động từ 8-17h hôm nay, kết quả kiểm phiếu sơ bộ có thể được công bố từ 18h30. Hơn 52,4 triệu người dân Thái Lan đã đăng ký tham gia bầu cử, trong đó khoảng 2,3 triệu cử tri bỏ phiếu sớm từ hôm 7/5.

Mỗi cử tri được cung cấp hai phiếu bầu, phiếu màu tím để chọn ứng viên nghị sĩ quốc hội tại địa phương và màu xanh để chọn đảng lãnh đạo đất nước. Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) ước tính 85% cử tri đăng ký sẽ đi bỏ phiếu.

Tổng cộng 70 đảng với hàng nghìn ứng viên nghị sĩ đã đăng ký tham gia chạy đua, trong đó 63 người thuộc 43 đảng được công bố là ứng viên thủ tướng.

"Cuộc tổng tuyển cử này được coi là mục tiêu quốc gia nhằm thể hiện sức mạnh của bầu cử trong sạch. Sẽ không có mua bán phiếu bầu", chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong cho hay.

Giám đốc cảnh sát quốc gia Thái Lan Damrongsak Kittiprapas thông báo điều động gần 148.000 sĩ quan để bảo đảm an ninh tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, cũng như sẵn sàng triển khai nhanh để ứng phó với tình huống đặc biệt.

Những khảo sát tiến hành trước bầu cử cho thấy các đảng đối lập đang chiếm lợi thế lớn so với đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lãnh đạo và được quân đội hậu thuẫn.

Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, của đảng Move Forward gần đây nổi lên là ứng viên thủ tướng sáng giá.

Đảng Pheu Thai, có liên hệ với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, được dự báo giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện. Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, con gái ông Thaksin, là một trong ba ứng viên đại diện Pheu Thai. Cô tuyên bố Pheu Thai sẽ không lập liên minh cầm quyền với các nhóm được quân đội hậu thuẫn.

Tuy nhiên, giành đa số ghế tại hạ viện không đồng nghĩa với việc Pheu Thai và Move Forward có thể nắm quyền tại Thái Lan, do vị trí thủ tướng sẽ được lựa chọn bởi 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ. Các thành viên thượng viện vốn do chính quyền ông Prayuth chỉ định.

Đảng Pheu Thai đang kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu để mang tới chiến thắng áp đảo và ngăn quân đội giữ quyền lực, điều từng xảy ra khi ông Prayuth giữ chức thủ tướng nhờ sự ủng hộ của thượng viện hồi năm 2019.

(Nguồn: Vnexpress)

Cuộc thư hùng quyền lực

Phán quyết của Tòa án Tối cao Pakistan ngày 11-5 - coi việc bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan là bất hợp pháp - được gắn với yêu cầu ông kêu gọi người ủng hộ mình chấm dứt mọi hành động biểu tình bạo lực khiến đất nước này rung chuyển những ngày qua.

Một ngày sau đó, Tòa án Cấp cao Islamabad cho phép ông Khan được tại ngoại trong 2 tuần. Đấy là những diễn biến mới nhất trong cuộc thư hùng quyền lực giữa ba bên hiện tại ở Pakistan, gồm: chính phủ được giới quân sự hậu thuẫn, phía tư pháp và lực lượng ủng hộ ông Khan.

Từ một ngôi sao thể thao môn cricket, ông Khan trở thành thủ tướng Pakistan vào năm 2018 thông qua bầu cử dân chủ nhưng bị quốc hội phế truất bằng bỏ phiếu bất tín nhiệm năm 2022. Ông bị các tòa án truy cứu trong gần 140 vụ việc với những cáo buộc từ tham nhũng đến khủng bố. Chính phủ, quân đội và phía tư pháp có cùng chủ ý là ngăn cản ông Khan trở lại cầm quyền.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo người dân với ông Khan, đặc biệt là của giới trẻ và mức độ bạo lực của hành động phản đối đã buộc Tòa án Tối cao Pakistan phải ra tay để giảm xung khắc và xoa dịu tình hình.

Động thái này còn nhằm ngăn chặn nguy cơ làn sóng biểu tình phản đối lan rộng và leo thang, từ đó trở thành chính biến chính trị, xã hội và an ninh thực sự chứ không chỉ là cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh, xã hội và tư pháp thuần túy như hiện nay.

Biểu tình phản đối việc "truy sát tư pháp" ông Khan chỉ là biểu hiện bên ngoài của cơn sóng ngầm bên trong đất nước này.

Bên ngoài sôi sục như thế bởi thực chất bên trong là những mâu thuẫn và đối kháng giữa giới thống trị đã trở thành cố hữu ở đất nước này - gồm giới quân sự, phe tư pháp và các dòng tộc chính trị thay phiên nhau cầm quyền - với giới trẻ và người dân nghèo.

Giới quân sự vẫn là nhân tố có quyền lực quyết định nhất ở Pakistan. Phía tư pháp luôn có mặt trong cuộc đua tranh quyền lực nhà nước. Phe cánh chính trị nào lên cầm quyền cũng đều chỉ coi trọng hàng đầu việc duy trì quyền lực.

Ông Khan được đông đảo dân chúng và giới trẻ hậu thuẫn mạnh mẽ, trở thành thách thức thật sự đối với tầng lớp thống trị Pakistan lâu nay vì chủ trương và quyết tâm hạ bệ quyền lực của tầng lớp ấy.

"Cuộc đấu" này hiện không cân sức theo hướng bất lợi cho ông Khan và những người ủng hộ. Phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao Pakistan hoàn toàn không có nghĩa là tòa án này ngả hẳn sang phía ông.

Tòa này mới chỉ "rút củi đáy nồi" để làn sóng biểu tình phản đối không tiếp tục lan rộng, không thêm bạo lực và cực đoan hóa. Chỉ như thế thì cuộc khủng hoảng hiện tại không trở nên nghiêm trọng đến mức giới quân sự phải rời doanh trại để lại nhảy vào chính trường.

Đối với những bên đang nắm quyền ở Pakistan, việc giới quân sự chỉ ở phía sau buông mành nhiếp chính sẽ có lợi hơn và an toàn hơn rất nhiều.

Nhưng sôi sục ngầm trong xã hội và trên chính trường chưa chấm dứt thì bạo loạn và bạo lực vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Điềm bất lành cho Pakistan là trong tương lai luôn có thể lại xảy ra những gì đang diễn ra.

Nếu cứ để sôi sục bên ngoài và sóng ngầm bên trong thì đất nước sẽ khó thể bảo đảm được ổn định chính trị và an ninh xã hội - càng phải bận rộn với chính mình, càng thêm khó xử về đối ngoại và khó có thể giải quyết được mọi vấn đề cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội.

(Nguồn: Soha)

Nga chạy đua thay thế công nghệ phương Tây, thúc đẩy xuất khẩu khí đốt

(Ảnh minh họa).

Nga đang phát triển công nghệ khí hóa lỏng nội địa nhằm mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới trong bối cảnh Moscow không thể tiếp cận công nghệ hiện đại của phương Tây

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, vai trò của Nga trên thị trường khí hóa lỏng (LNG) đã sụt giảm trong thời gian qua, thậm chí còn diễn ra trước khi cuộc chiến với Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong thời gian qua đã khiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực LNG của Nga lao dốc; đồng thời khiến nước này không thể mua các mô-đun hóa lỏng cho phép chuyển đổi khí đốt tự nhiên thành LNG. Việc tăng công suất LNG của Nga trong thập niên tới sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.

Chính vì vậy, Nga đang tham vọng tìm kiếm thị trường mới cho lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ từng được vận chuyển sang châu Âu, đặc biệt là chuyển đổi khí đốt tự nhiên thành LNG để vận chuyển đến các thị trường mới qua đường biển. Vấn đề đặt ra hiện nay là Moscow phải làm thế nào để có thể nhanh chóng phát triển công nghệ hóa lỏng nội địa nhằm đẩy nhanh quá trình này vì không thể sử dụng công nghệ hóa lỏng của phương Tây do vướng các lệnh trừng phạt.

Mục tiêu xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga

Trước khi xung đột với Ukraine xảy ra, Nga hầu như chỉ tập trung phát triển mạng lưới đường ống khí tự nhiên trải dài từ Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ và tụt hậu rất xa so với thế giới về công nghệ LNG. Dự án Sakhalin-2 do các công ty nước ngoài hợp tác phát triển bắt đầu hoạt động từ năm 2009, trong khi nhà máy Yamal sản xuất LNG của Nga mới chỉ bắt đầu sản xuất từ năm 2017. Đến năm 2021, LNG chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Moscow.

Mục tiêu đầy tham vọng của Nga hiện nay là tăng gấp ba lần xuất khẩu LNG vào cuối thập niên này nhằm trở thành nhà cung cấp chính trên thị trường, đồng thời cho phép nước này có thể mở rộng sang các thị trường mới nổi quan trọng khác ở châu Á và châu Phi. Hiện nay, Nga tăng tốc phát triển các công nghệ hóa lỏng nội địa nhằm cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất thiết bị LNG mạnh nhất như Pháp, Mỹ, vốn đã rời bỏ thị trường Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, khí đốt không mang lại nguồn doanh thu nhiều tương đương với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, hiện nay Moscow có rất ít giải pháp để tăng cường xuất khẩu lượng khí đốt này, nhất là khi không còn khả năng phụ thuộc vào châu Âu và những nỗ lực vận chuyển nhiều lượng khí đốt hơn nữa sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc sẽ mất nhiều năm mới thành hiện thực.

Các động thái thúc đẩy xuất khẩu LNG

Hồi tháng 4, Novatek PJSC, nhà xuất khẩu LNG tư nhân của Nga đã nhận được bằng sáng chế cho quy trình Arctic Cascade Modified (ACM). Đây là công nghệ hóa lỏng khí được phát triển trên quy trình khí hóa lỏng độc quyền Nguồn Bắc Cực (Arctic Cascade) của công ty, trong đó cho phép sản xuất LNG với các thiết bị gọn nhẹ hơn và hiệu quả hơn. Hơn nữa, thiết kế của quy trình này tương thích với các thiết bị nội địa của Nga - một điều rất quan trọng trong bối cảnh Nga bị phương Tây cấm vận về công nghệ.

Dự án mới của Novatek, được gọi là Arctic LNG 2, dự kiến sẽ xây dựng Trung tâm LNG mới ở Belokamenka, gần cảng Murmansk ở Bắc Cực. Dự án này được triển khai sau khi các nhà thầu nước ngoài gồm Technip Energies NV của Pháp, Linde của Đức và Baker Hughes Co. của Mỹ rời đi vào năm 2022 sau xung đột ở Ukraine. Dự kiến chuyến tàu xuất khẩu LNG đầu tiên sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023, sau đó là chuyến tàu thứ 2 và thứ 3 lần lượt vào năm 2024 và 2026.

Ông Claudio Steuer, Giám đốc Công ty Tư vấn năng lượng SyEnergy có trụ sở tại Anh, nói rằng: "Chúng ta sẽ chỉ biết tiềm năng thực sự của công nghệ ACM của Novatek sau khi các đoàn tàu đi vào hoạt động một thời gian".

Sắp tới, Nga cũng tiến hành một thử nghiệm khác là Dự án Sakhalin-2 LNG ở vùng Viễn Đông của Nga. Dự án này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Nga tiến hành bảo dưỡng tua-bin định kỳ hàng năm mà không có bất kỳ nhà thầu nước ngoài nào. Dự kiến công việc sẽ bắt đầu từ tháng 7, kéo dài khoảng 40 ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, việc này có thể dẫn đến nguy cơ thắt chặt nguồn cung LNG toàn cầu và dẫn đến giá cả leo thang.

Giảng viên Morena Skalamera, chuyên nghiên cứu về Nga và các vấn đề quốc tế tại Đại học Leiden, Hà Lan đánh giá, công nghệ LNG nội địa của Nga đã trở thành một ưu tiên tuyệt đối của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin. Mặc dù hiện tại, nó chưa thể thay thế công nghệ phương Tây nhưng Nga có động lực để tiếp tục cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu trong nền kinh tế thời chiến.

Công nghệ LNG được xem là biểu tượng của việc đầu tư nghiên cứu và phát triển đi cùng với mục tiêu tiến tới độc lập với công nghệ nước ngoài của Nga. Tuy nhiên, công nghệ khí hóa lỏng rất phức tạp, cần mất nhiều thời gian để xây dựng được cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như hệ thống đường ống vận chuyển, xử lý, làm mát đủ tiêu chuẩn trước khi được đưa lên các tàu được thiết kế đặc biệt để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang