- Thời sự
- Việt Nam
Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:
1. Ông Võ Văn Thưởng, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010 - 2015, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
2. Ông Vương Đình Huệ, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
3. Ông Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, nguyên: Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước.
4. Ông Phạm Văn Vọng, trong thời gian giữ chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (từ tháng 5/2010 - tháng 02/2015) đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách nhà nước, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
5. Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Giao thông vận tải và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong tổ chức thực hiện một số dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của Bộ vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026 gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước.
6. Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2021 - 2026 đã có vi phạm, khuyết điểm gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và VCCI.
7. Các ông: Phùng Quang Hùng, nguyên: Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; Hà Hoà Bình, nguyên: Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; Trần Văn Vẹn, nguyên: Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên nêu trên, theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo các ông: Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể; chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Văn Vọng.
Ban Bí thư quyết định Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông: Phùng Quang Hùng, Hà Hoà Bình, Trần Văn Vẹn; Cảnh cáo: Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng đoàn VCCI nhiệm kỳ 2015 - 2020; Khiển trách Đảng đoàn VCCI nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil thừa nhận hành vi phạm tội với vai trò cầm đầu và mong muốn được khắc phục hậu quả.
Ngày 20/11, TAND Tp.HCM đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt là Công ty Xuyên Việt Oil).
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil, bị xét xử về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.
Cấp phó của bị cáo Hạnh là Nguyễn Thị Như Phương bị xét xử tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngoài ra, 13 bị cáo là cựu quan chức thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM và nhiều thuộc cấp của bị cáo Hạnh cũng bị truy tố, xét xử chung trong vụ án này.
Bị cáo Hạnh được biết đến là "bà trùm" trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong quá trình điều hành Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh có vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền là 1.463 tỷ đồng.
Cụ thể, bị cáo Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ Bình ổn giá và tiền bảo vệ môi trường, trực tiếp gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ Quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng.
Bị cáo Hạnh đã không chỉ đạo nhân viên thực hiện quy định về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định mà chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương chuyển tiền từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân để dùng vào mục đích cá nhân.
Tại thời điểm tháng 5/2023, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Xuyên Việt Oil là hơn 219 tỷ, tuy nhiên khi báo cáo liên Bộ Tài chính - Công Thương, Hạnh và thuộc cấp chỉ báo cáo quỹ này chỉ có hơn 2 tỷ đồng. Với hành vi này, bị cáo Hạnh và nhiều thuộc cấp bị cáo buộc vi phạm quy định trong việc được Nhà nước giao quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát 219 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil đã thu hộ 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường nhưng Hạnh lại không nộp vào ngân sách Nhà nước là 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.
Tính đến khi bị phát hiện, khởi tố, trong 36 tài khoản của Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil chỉ còn lại hơn 4 tỷ đồng. Bị cáo Hạnh không còn khả năng tài chính để nộp số tiền đã thu hộ này, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng.
Về số tiền thất thoát, Hạnh sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân, trong đó Hạnh mua nhiều bất động sản, cho mượn và dùng hàng chục tỷ đồng để đưa hối lộ cho nhiều cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế Tp.HCM,…
Là người được gọi xét hỏi đầu tiên, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh nói cáo trạng truy tố mình là đúng. Đồng thời, Hạnh thừa nhận mình là người điều hành toàn bộ Công ty Xuyên Việt Oil và cũng là người đưa ra các chỉ đạo cho thuộc cấp thực hiện.
Về việc tuyển nhân viên, Hạnh khai những người làm việc ở Xuyên Việt Oil đều là những người ở quê vào, ít hiểu biết và không biết bị cáo đang làm sai quy định.
Như trường hợp của Nguyễn Thị Như Phương, bị cáo Hạnh nói Phương là em con chú, được bị cáo cho làm Phó giám đốc để quản lý công ty, chịu trách nhiệm ký tá nhiều giấy tờ thay bị cáo vì bị cáo thường phải đi công tác xa.
Hay như bị cáo Đinh Tiến Dũng được bổ nhiệm làm kế toán trưởng của Công ty Xuyên Việt Oil, nhưng thực tế Dũng chỉ đến công ty vài lần trong một tháng khi có việc cần. Ngoài ra, cựu Trưởng phòng Kinh doanh Xuyên Việt Oil - Nguyễn Tấn Long cũng được nhận vào làm vì là người quen, tin tưởng và chỉ có nhiệm vụ ở công ty để bán hàng.
Liên quan đến hành vi gây thất thoát hơn 219 tỷ đồng của Quỹ bình ổn giá (Quỹ BOG), chủ tọa hỏi bị cáo Hạnh vì sao trong 2 tài khoản chỉ còn 2 triệu đồng nhưng lại báo cáo gửi liên bộ số dư còn 219 tỷ?. Bị cáo Hạnh cho biết 219 tỷ là sao kê và Bộ Tài chính viết số tiền này còn thiếu.
"Bộ Tài chính có yêu cầu công ty nộp lại số tiền này, nhưng điều này là bất khả kháng vì năm 2022 công ty không hoạt động được", bị cáo Hạnh trình bày.
Về việc khắc phục 219 tỷ đồng, bị cáo Hạnh nói có thể vì công ty còn có tài sản, cộng với tài sản của bị cáo hiện đang nhờ người khác đứng tên.
Về hành vi chiếm đoạt số tiền 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, bị cáo Hạnh nói việc làm của mình là sai trái và rất hối hận về điều này. Bị cáo mong được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả đã gây ra.
Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi…
Tình trạng hàng nghìn căn nhà tái định cư bị bỏ hoang, không có người ở trong nhiều năm tại tại Hà Nội và TP.HCM - nơi có nhu cầu nhà ở rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, tạo ra nghịch lý rất lãng phí. Làm thế nào để giải quyết tình trạng nhà tái định cư “vô chủ” đã và đang là bài toán khó.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 174 dự án nhà chung cư tái định cư. Trong đó, có 9 dự án với khoảng 2.500 căn hộ trong tình trạng chưa đưa vào sử dụng; Hàng chục dự án nhà tái định cư đang trong tình trạng xây dang dở, các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn lực đất đai và ngân sách.
Theo Luật Nhà ở 2013, người dân bị Nhà nước thu hồi đất ở sẽ được nhận bồi thường bằng đất ở, nhà xây sẵn hoặc tiền. Thế nhưng cơ chế bồi thường tái định cư bất cập trong nhiều năm, quy hoạch chưa bám sát nhu cầu người dân, chất lượng xây dựng kém, nhanh xuống cấp, thiếu tiện ích cơ bản… đã khiến nhiều người dân thờ ơ với nhà tái định cư.
Nhiều dự án sau khi vận hành chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại thiếu nguồn kinh phí để bảo trì. Vấn đề này ảnh hưởng đến an toàn của cư dân, làm giảm giá trị của các căn hộ.
Đơn cử như khu nhà ở A6 của khu tái định cư nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội). Nằm tại vị trí được coi là khu đất vàng của quận Cầu Giấy, thế nhưng hiện nay, hơn 400 hộ dân sinh sống tại đây luôn thấp thỏm lo lắng bởi căn hộ đang xuống cấp từng ngày. Nước dột tứ phía quanh căn nhà, tường ẩm mốc, bong tróc, chẳng cần chạm tay vữa cũng tự rơi ra, để lại những mảng xi măng xám xịt.
Bà Vũ Thị Nguyệt, tổ trưởng Tổ dân phố số 51 (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) cho biết, khu nhà A6 được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đến năm 2016, khi nghiệm thu, công trình này đã xuất hiện hiện tượng thấm dột nhiều chỗ, phía bên ngoài tòa nhà cũng bị bong tróc từng mảng sơn lớn, khiến cả khu nhà trở nên nhếch nhác, cũ kỹ và xuống cấp nghiêm trọng.
Do không có kinh phí nên người dân chỉ biết sống trong lo âu và chờ đợi mà chưa biết đến khi nào tòa nhà mới được sửa chữa, họ luôn cảm thấy bất an khi sống trong chính tòa nhà của mình.
Giải cứu nhà chung cư tái định cư bỏ hoang
Các chuyên gia về quản lý đô thị cho rằng, rất nhiều dự án nhà chung cư tái định cư được tọa lạc ở vị trí “đất vàng” của Thủ đô nhưng khi xây dựng lại không đáp ứng được những vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng xây dựng như sử dụng vật liệu kém, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn nên đã không nhận được sự quan tâm của người dân thuộc diện tái định cư, dẫn đến tình trạng thất thoát ngân sách, lãng phí nguồn lực đất đai.
Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp cho công chức, viên chức, người lao động khan hiếm, giá nhà lại tăng cao, gây khó khăn cho người mua nhà thì việc hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ trống đặt ra những câu hỏi về giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn cung nhà ở này.
Chuyển đổi công năng sử dụng và đưa ra bán đấu giá nhằm sớm thu hồi ngân sách cho Nhà nước là giải pháp được nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ.
Theo Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản, bố trí tái định cư là một phần của công tác “thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư”. Khi Nhà nước quyết định thu hồi đất trong những trường hợp cần thiết, chẳng hạn vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế - xã hội thì phải bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng, nếu thu hồi đất ở thì bố trí tái định cư cho người dân có nơi ở mới, tránh xáo trộn đời sống.
Tuy nhiên, hiện nay công tác bố trí tái định cư thực hiện chưa tốt, vị trí dự án tái định cư thường triển khai cách xa khu vực có đất bị thu hồi và thường có hạ tầng kết nối chưa tốt, thiếu dịch vụ tiện ích, chất lượng xây dựng công trình kém nên người dân không mặn mà.
Ông Đỉnh đề xuất, chuyển dự án nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội, nhà ở thương mại là giải pháp thích hợp, cần thiết, như một “giải pháp tình thế” để khắc phục tình trạng các dự án tái định cư đã xây dựng xong nhưng bỏ hoang, không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là các khu nhà tái định cư sau nhiều năm bỏ hoang đã xuống cấp, hư hỏng và thường có thiết kế căn hộ, công năng thiếu tiện nghi, đa số không có hầm để xe, không có thang máy, nên rất khó thu hút người mua. Một giải pháp “mạnh tay” là lập quy hoạch chi tiết khu nhà ở thương mại và đấu giá lựa chọn nhà đầu tư; nhà đầu tư được chọn sẽ phá dỡ để xây dựng dự án mới khang trang, hiện đại hơn.
“Trong tương lai, việc bố trí tái định cư không nên thực hiện theo dự án riêng biệt, thay vào đó, tái định cư nên gắn với dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Các giải pháp khác là bố trí tái định cư bằng căn hộ nhà ở xã hội, đặt hàng mua nhà ở thương mại bố trí tái định cư. Với phương án này, người dân được quyền chọn mua căn hộ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trong các dự án trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Đỉnh nói.
Một giải pháp khác là cho phép chuyển đổi công năng, mục tiêu thành nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Với phương án này, người dân được quyền chọn mua căn hộ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trong các dự án trên địa bàn và được sử dụng các công trình hạ tầng, tiện ích, dịch vụ sẵn có trong dự án.
Ông Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất, nhà tái định cư nếu không sử dụng được thì có 2 phương án, phương án thứ nhất, có thể làm nhà ở xã hội, thứ 2 là cải tạo, sửa chữa trở thành công trình nhà ở cao cấp hơn. Nhà tái định cư thường là vốn ngân sách nhà nước, khi làm nhà tái định cư thì không nghĩ đến người ở mà chỉ nghĩ đến việc di dân cho nhanh, những nơi đang trong diện giải phóng mặt bằng, người dân phải chuyển đến nơi ở mới thì cảm thấy “sốc”, không phù hợp. Do đó, vấn đề hạ tầng văn hóa, hạ tầng kỹ thuật cần phải được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng. Nếu không làm được việc này thì việc di dân sẽ rất khó vì không thể xây dựng một công trình chơ vơ giữa “đồng không mông quạnh”, một công trình không kết nối với giao thông, kết nối với trường học, kết nối với bệnh viện, kết nối các điều kiện của con người. Do đó, nơi tái định cư cho dân phải tốt hơn chỗ ở cũ.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc chuyển đổi nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội được đánh giá là "một mũi tên trúng hai đích" khi vừa giúp tránh lãng phí nhà tái định cư bỏ hoang vừa giúp giải quyết bài toán thiếu nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, trước khi tiến hành đầu tư xây dựng các dự án chung cư tái định cư thì phía cơ quan quản lý cần làm tốt hơn nữa công tác tham vấn cộng đồng dân cư. Cùng với đó, vấn đề về đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng công trình và việc lựa chọn vị trí xây dựng đảm bảo dự án có sự kết nối hạ tầng dịch vụ, tiện ích... cũng cần được nghiên cứu kỹ, tránh trường hợp rơi vào “vết xe đổ” như đã xảy ra.
Dịch COVID-19 khiến dự án ngừng thi công từ năm 2020, làm cho giai đoạn 1 đã chậm hoàn thành để đưa vào hoạt động hơn 58 tháng.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực hỗ trợ cho nhiều dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bị "đóng băng".
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp (KKT-CN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau 18 năm thành lập, đến nay trên địa bàn Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 54 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 83.690 tỉ đồng. Đến nay có 28 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, 22 dự án đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; 4 dự án chậm thực hiện, ngừng hoạt động.
Nhiều siêu dự án "đóng băng"
Vào năm 2008, Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép đầu tư lần đầu cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô, điều chỉnh đầu tư lần thứ ba vào năm 2017 với tiến độ thực hiện hoàn thành vào quý IV/2020.
Năm 2008, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô triển khai dự án rầm rộ nên người dân ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc vui mừng bởi quê nhà có "siêu dự án" với tổng mức đầu tư lên tới 5.230 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng 292 ha. Người dân nơi này hy vọng có thêm nhiều việc làm, có thu nhập, quê hương đổi thay.
Vậy nhưng, giờ đây, sau 15 năm triển khai, vị trí xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô vẫn chỉ là những bãi cát. Nhiều hộ dân nằm trong diện di dời, giải phóng mặt bằng (GPMB) phải sống cảnh bị "treo".
Ông Ngô Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết nhà đầu tư đã triển khai hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư như quy hoạch, đất đai, đối với phần diện tích đất đã được cho thuê 8,37 ha. Hiện đã bàn giao cho nhà đầu tư 26,1 ha đất, phần diện tích còn lại do vướng công tác bồi thường, GPMB và thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu... nên đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.
Trong khi đó, dự án Khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, do Công ty CP Quốc tế Minh Viễn làm chủ đầu tư, giờ đây chỉ có những khối nhà xây dựng dở dang, bỏ hoang. Theo hồ sơ, dự án này được cấp phép đầu tư lần đầu năm 2015, điều chỉnh lần thứ hai năm 2018 với tiến độ dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động dự án năm 2024 (giai đoạn 1 là quý IV/2019).
Với tổng vốn đầu tư khoảng 7.728 tỉ đồng, chủ đầu tư mong muốn biến khu đất rộng 102 ha ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành một khu du lịch nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.
Ông Tuấn cho biết nhà đầu tư đã được thuê đất giai đoạn 1 năm 2018, diện tích khoảng 20 ha và đã triển khai xây dựng một số hạng mục công trình như khu khách sạn và các công trình phụ trợ. Khối lượng giai đoạn 1 đạt khoảng 40%; vốn đầu tư thực hiện dự án đến nay khoảng 240 tỉ đồng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến dự án ngừng thi công từ năm 2020, làm cho giai đoạn 1 đã chậm hoàn thành để đưa vào hoạt động hơn 58 tháng.
Tương tự, dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải được cấp phép đầu tư lần đầu năm 2009, tiến độ thực hiện dự án hoàn thành đưa vào hoạt động quý IV/2018 với vốn đầu tư đăng ký 838,5 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 6,9 ha. Đến nay khối lượng thi công dự án đạt khoảng 80%; phần thô các hạng mục như khách sạn, nhà hàng, biệt thự... đã thi công; vốn đầu tư giải ngân khoảng 800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 dự án thi công cầm chừng và từ tháng 1-2020 đến nay ngừng hoạt động do khó khăn về thị trường, tài chính. Đến nay, dự án chậm tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động hơn 60 tháng.
Đôn đốc, gỡ khó cho nhà đầu tư
Ông Tuấn cho biết thời gian qua, để đôn đốc tiến độ thực hiện dự án, Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có các công văn đề nghị nhà đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất, kiến nghị.
Đồng thời, Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư. "Dự án đã được chúng tôi gia hạn tiến độ sử dụng đất theo quy định. Trường hợp hết thời hạn được gia hạn mà nhà đầu tư không hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động thì chúng tôi sẽ rà soát, chấm dứt hoạt động theo quy định" - ông Tuấn nói thêm.
Đối với dự án Khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, theo ông Tuấn, hiện nay nhà đầu tư đang xây dựng kế hoạch tái khởi động lại dự án, sắp xếp các nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án, báo cáo Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quý IV/2024.
Còn chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô, hiện đang lập hồ sơ đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện, quy mô đầu tư dự án và các nội dung liên quan khác để tiếp tục triển khai. Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản báo cáo, trình UBND tỉnh thống nhất về chủ trương điều chỉnh dự án theo quy định, nhằm gỡ khó cho các chủ đầu tư dự án.
Nguồn: VOV; Người Đưa Tin; CafeF; Soha
Thanh Lam gây tranh cãi; Khi tai tiếng đè bẹp nổi tiếng; Phát hiện thêm 250 bộ tiểu sành ở Tây Sơn; Gia đình 3 người tử vong dưới mương
Nở rộ lừa đảo vé máy bay; Cuộc đua robot của các ‘ông lớn’; Phố café đường tàu lại đông đúc; ‘Khóc ròng’ vì ôm đất nền suốt 4 năm
Nhập lậu hàng nghìn tấn khí cười; Trộm tiền đám cưới, bị lột đồ kiểm tra; Trộm xe mang sang Campuchia bán; Lừa đảo bệnh nhân suy thận
Vừa massage vừa kích dục cho khách; Đưa bạn gái nhí vào nhà nghỉ; Nghịch tử đánh bố đẻ tử vong; 2 vợ chồng tử vong bất thường
Lai lịch 150 bộ hài cốt được phát hiện; Tông chết người rồi về nhà nhậu; Xe chở rác rơi xuống sông; Bé gái bị chó becgie cắn tử vong
Các cán bộ bị kỷ luật tuần qua; ‘Choáng’ khối tài sản của Lê Đức Thọ; Tin quy hoạch nổi bật; Miếng bánh đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Y án tử hình Trương Mỹ Lan; Bác kháng cáo của Đỗ Thị Nhàn; Chuyện lót tay ở dự án Đại Ninh; Liên tiếp dừng các vụ đấu giá đất
Cái giá của các ngôi sao ‘phông bạt’; Thảm họa mới của nhạc Việt; Cá chết hàng loạt, nghi bị đầu độc
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá