- Thời sự
- Việt Nam
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Lê Minh Khái.
Ngày 7 - 8/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 45 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:
Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; để nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự do có vi phạm, khuyết điểm trong vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Dự án Khu đô thị Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng và các địa phương, đơn vị có liên quan.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về các ông: Trần Đức Quận, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và Trần Văn Hiệp, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh (đã bị Khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý hình sự); các cá nhân: Huỳnh Đức Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Văn Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Ngọc Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Trí Dũng, Nguyễn Văn Yên; các Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Ngọc Phúc, Phạm S; các cá nhân Huỳnh Ngọc Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lâm Hà; Bùi Sơn Điền, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng, nguyên Bí thư Chi bộ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Lê Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng; Trần Phương, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng.
Liên quan đến những vi phạm trên còn có trách nhiệm của Đảng đoàn HĐND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021; Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025; ông Lê Minh Khái, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ và một số tổ chức đảng, đảng viên khác.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:
Cảnh cáo: Ban cán sự đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021, 2021 - 2026; Đảng đoàn HĐND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các cá nhân: Huỳnh Đức Hòa, Trần Đình Văn, Đoàn Văn Việt, Đặng Trí Dũng, Nguyễn Văn Yên, Phạm S, Huỳnh Ngọc Hải, Bùi Sơn Điền, Lê Quang Trung.
Khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các cá nhân: Võ Ngọc Hiệp, Nguyễn Ngọc Phúc, Nguyễn Văn Sơn, Trần Phương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025; Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Lê Minh Khái.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra; thi hành kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục kiểm tra xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền.
Xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại các Đảng bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cà Mau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Các cá nhân: Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hồ Đại Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; Thái Hồng Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn; Hồ Đức Hợp, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Yên Bái; Nguyễn Kim Thoại, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Ngọc, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Lê Quang Vinh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Quốc Định, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các cá nhân: Nguyễn Linh Ngọc, Hồ Đại Dũng, Thái Hồng Công, Hồ Đức Hợp, Nguyễn Kim Thoại, Nguyễn Ngọc, Lê Quang Vinh, Nguyễn Quốc Định.
Xem xét kết quả giám sát Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và các đảng viên được giám sát tiếp tục phát huy ưu điểm; kiểm điểm trách nhiệm, khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác cán bộ; trong quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước và kê khai tài sản, thu nhập.
Cũng tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 2 trường hợp và xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng khác.
Trong phần đối đáp, đại diện VKS cho rằng, việc truy tố bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về 2 tội danh là có căn cứ, không oan, sai.
VKS đối đáp với nhóm 28 bị cáo
Ngày 8/8, TAND Tp.Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử đối với 254 bị cáo liên quan các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Đại diện VKSND tp.Hồ Chí Minh tiếp tục đối đáp đối với 28 bị cáo thuộc nhóm cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo, các đăng kiểm viên Phòng VAR; các bị cáo tại các trung tâm đăng kiểm do bị cáo Trần Lập Nghĩa làm chủ và nhóm bị cáo liên quan đến các công ty thiết kế.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình 18-19 năm tù về tội Nhận hối lộ, từ 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng mức đề nghị đối với bị cáo Hình là từ 23 - 25 năm tù. Đề nghị tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà 20 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Bào chữa cho bị cáo Trần Kỳ Hình, luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn diện thiệt hại và xem xét bị cáo không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trần Kỳ Hình nói trong thời gian còn giữ chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, ủy quyền cho cục phó thực hiện nhiệm vụ.
"Bản thân không buông lỏng quản lý, biết mà không xử lý vi phạm như cáo trạng quy kết", bị cáo Hình trình bày và khẳng định bản thân không chỉ đạo việc nhận tiền hối lộ, chỉ nhận 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD.
Bị cáo này cũng cho biết không biện minh cho tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng kiến nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh khách quan của hành vi phạm tội, vì bị cáo hoàn toàn không cố ý phạm tội.
Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng, việc truy tố bị cáo Hình phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.
Bị cáo Hình nói mình chỉ vô tình ký sai chứ không lợi dụng chức vụ là không có căn cứ. Lập luận về nhận định này, VKS xác định, tất cả những nội dung sai phạm của các cơ sở đóng tàu, hoán cải đều được các bị cáo liên quan xác nhận, chính bị cáo Hình cũng thừa nhận có sai phạm.
Cơ quan điều tra cũng đã thu thập được nhiều tài liệu làm chứng cứ, thể hiện việc chủ các xưởng đóng tàu phải chung chi một khoản tiền rất lớn mới được cấp năng lực cho xưởng hoạt động.
"Bị cáo Hình biết việc cấp thông báo năng lực xưởng, Nhà nước không thu phí. Việc bị cáo cho rằng mình không biết sai, việc cấp thông báo không sai mà chỉ là những sai sót nhỏ, là cố tình chối bỏ trách nhiệm", VKS khẳng định.
Cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện
Cũng theo VKS, mặc dù 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp năng lực nhưng bị cáo Hình và các bị cáo khác trong nhóm đường thủy, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, đã đề xuất, soát xét, ký cấp thông báo năng lực cho các xưởng không đủ điều kiện. Điều này không những nguy cơ gây nguy hiểm cho các phương tiện đường thủy, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cơ quan Nhà nước, trong đó, bản thân bị cáo phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.
Từ các nhận định trên, VKS bác bỏ quan điểm của luật sư và của bị cáo Trần Kỳ Hình về việc bị cáo này không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. VKS khẳng định việc truy tố, xét xử bị cáo hình về tội danh vừa nêu là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Về hành vi nhận hối lộ, theo VKS, thời gian đầu sau khi bị khởi tố, bị cáo Hình đã không thừa nhận hành vi phạm tội. Sau đó trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhận được rất nhiều đơn tố cáo của giám đốc các trung tâm đăng kiểm, tố cáo việc Hình và Đặng Việt Hà nhận hối lộ. Từ đó, bị cáo Hình mới thừa nhận một phần hành vi phạm tội, nhưng bị cáo chỉ khai báo nhỏ giọt.
VKS cho rằng, lời khai không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội các bị cáo, nhưng nhiều người, ở nhiều địa phương, cùng khai nhận nội dung giống nhau, về việc phải chung chi tiền cho bị cáo thì những lời khai đó lại trở thành chứng cứ.
Đối với bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và 26 bị cáo khác thuộc nhóm cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo, các đăng kiểm viên Phòng VAR; các bị cáo tại các trung tâm đăng kiểm do bị cáo Trần Lập Nghĩa làm chủ và nhóm bị cáo liên quan đến các công ty thiết kế, VKS bảo lưu quan điểm truy tố, giữ nguyên mức án đề nghị đối với nhóm bị cáo này.
Đây đều là những dự án huyết mạch góp phần kết nối 2 tỉnh cũng như tạo động lực, điều kiện phát triển kinh tế cho Nam Định và Ninh Bình.
Ba dự án đầu tư trọng điểm nối Nam Định với Ninh Bình đang được triển khai là Cầu Bến Mới, cầu vượt sông Đáy và đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2). Đây đều là những dự án huyết mạch góp phần kết nối 2 tỉnh cũng như tạo động lực, điều kiện phát triển kinh tế cho Nam Định và Ninh Bình.
Dự án cầu Bến Mới
Cầu Bến Mới có tổng chiều dài 3,21 km, với quy mô phần cầu dài 0,648 km và đường dẫn dài 2,562 km, được khởi công từ tháng 5/2022 và dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024. Cầu bắc qua sông Đáy trên Quốc lộ 38B kết nối giữa huyện Ý Yên (Nam Định) và huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
Đây là cây cầu lớn nhất trong 6 cầu thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1. Dự án cầu Bến Mới vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Ở thời điểm hiện tại, phần cầu đã hoàn thành; phần đường dẫn phía tỉnh Nam Định đã thi công hạng mục mương Quỹ Độ được 250 m, có 4/4 cống hộp bê tông đổ tại chỗ (đã đổ bê tông bản đáy, thân, bản lắp, tường đầu, tường cánh; chưa thi công sân cống).
Dự án đã thi công K98 xong nhánh N1, N2 (đang thi công đắp đất K98 đoạn từ Km110+600 đến Km110+780), thi công cấp phối đá dăm lớp dưới, lớp trên các đoạn, đang thi công gia cố mái đê và đúc viên ốp mái. Dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình và thông xe trong tháng 10/2024.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy
Công trình này thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được khởi công từ tháng 8/2023 với tổng chiều dài tuyến chính khoảng 2 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Phần cầu vượt sông có chiều dài khoảng 1,36 km, đường dẫn dài khoảng 0,64 km.
Cầu gồm 29 nhịp, trong đó, cầu chính gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, sơ đồ (80+130+80)m; cầu dẫn vượt đê hữu sông Đáy phía Ninh Bình gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực sơ đồ (46+70+46)m, các nhịp dẫn còn lại dùng kết cấu dầm Super T bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.450 tỷ đồng.
Về công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành (hiện chỉ còn hạng mục di dời đường điện 0,4 kV phía Ninh Bình). UBND 2 tỉnh Ninh Bình, Nam Định đã ban hành quyết định giao đất cho dự án.
Giá trị khối lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 70%. Trong đó phần cầu đã hoàn thành 100% cọc khoan nhồi mố; 2 trụ chính dưới sông (T12, T13) đã hoàn thành các khối K0 cả 2 trụ; cơ bản hoàn thành lắp dựng xe đúc và thử tải; đã đổ bê tông khối K1 trụ T12, dự kiến hợp long cầu chính trong tháng 11/2024; 2 trụ chính trên cạn (T7, T8) vượt đê hữu Đáy đã hoàn thành dầm hộp đúc hẫng trụ T8, hợp long biên với trụ T9, trụ T7 hoàn thành khối K0…
Dự án đã lao lắp được 6/8 nhịp dầm Super T phía Ninh Bình; 10/15 nhịp dầm Super T phía Nam Định. Đường hai đầu cầu phía Nam Định đã hoàn thành đào hữu cơ, xử lý nền yếu; đoạn cắm bấc thấm đã hoàn thành đắp cát K95 và đắp gia tải, đang đắp cát K95, vật liệu hạt sau mố đoạn cọc xi măng đất đầu cầu, đang thi công các hạng mục thoát nước và công trình phòng hộ, phụ trợ.
Dự án kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Với tổng mức vốn đầu tư trên 5.326 tỷ đồng, dự án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 2.839 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.487,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.
Dự án có tổng chiều dài 46 km, đi qua 16 xã thuộc địa bàn hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng; trong đó, huyện Ý Yên là 10 km và Nghĩa Hưng là 36 km. Dự án này đang triển khai giai đoạn 2, đã được khởi công từ tháng 4/2022, đã hoàn thành bàn giao mặt bằng 12,6/12,6 km.
Giá trị khối lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 75% giá trị hợp đồng. Trong đó gói thầu số 1 có giá trị khối lượng thực hiện đến nay khoảng 839,27/1.099,65 tỷ đồng (đạt 76,32%); phần đường thảm bê tông nhựa C19 được 11/14,35 km, bê tông nhựa C12,5 được 11/14,35 km; hạng mục cầu Đống Cao đã lao lắp 12/14 nhịp, bản mặt cầu xong 12/14 nhịp, hoàn thành thi công xong 16/16 trụ và 2 mố cầu; thi công đúc hẫng xong đốt K7/11 trụ T9 và đốt K5/11 trụ T8, dự kiến hợp long trong tháng 9/2024.
Gói thầu số 2 giá trị khối lượng thực hiện đến nay khoảng 434/617,98 tỷ đồng (đạt 70,2%); đã hoàn thành toàn bộ phần nền đường, thoát nước, bó vỉa, thảm bê tông nhựa R25 và C19 trong phạm vi nền đường mở rộng trên toàn bộ các đoạn tuyến đạt 30/30 km; đang thi công lớp thảm mặt đường bê tông nhựa C12,5 đạt 22,2/30 km, thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 3cm được 11,75/30 km.
Hệ thống khai báo hải quan điện tử đã được khôi phục sau gần 1 ngày gặp sự cố gián đoạn. Tuy vậy, theo nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, để trở lại hoạt động bình thường phải cần thêm thời gian…
Bỏ khai báo hải quan bằng giấy, đối chiếu thông tin, rà soát, xử lý...
Chiều 7.8, Tổng cục Hải quan phát công văn số 3755 đóng dấu "hỏa tốc" gửi các cục hải quan về việc ngưng thực hiện hướng dẫn của Tổng cục tại công văn "hỏa tốc" số 3748 đã được ban hành vào tối 6.8; nghĩa là dừng thực hiện các nội dung được hướng dẫn tại công văn 3748.
Cụ thể là dừng thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu mở tờ khai hải quan thủ công trên giấy. Đồng thời, Tổng cục yêu cầu các đơn vị hải quan cập nhật bổ sung thông tin hàng hóa qua khu vực giám sát trên hệ thống. Tại khu vực cảng, kho bãi, địa điểm có kết nối với hệ thống VASSCM, yêu cầu DN kinh doanh cảng, kho, bãi, địa điểm kiểm tra đối chiếu thông tin hàng hóa đã đưa qua khu vực giám sát theo hướng dẫn tại công văn 3748 với thông tin hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát do cơ quan hải quan truyền đến; nếu thông tin phù hợp thì cập nhật bổ sung thông tin hàng hóa xuất, nhập đưa vào (get in), đưa ra (get out) vào hệ thống theo quy định.
Trường hợp không có thông tin thì thông báo cho chi cục hải quan quản lý địa điểm lưu giữ để phối hợp kiểm tra, xác minh. Với chi cục hải quan nơi quản lý cảng, kho, bãi, địa điểm, kiểm tra đối chiếu thông tin DN kinh doanh cảng, kho, bãi, địa điểm, cập nhật với thông tin tờ khai hải quan bản giấy với thông tin trên hệ thống; kiểm tra, đối chiếu thông tin khi đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát với thông tin tờ khai trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trường hợp thông tin không phù hợp, cập nhật vào hệ thống theo quy định; chuyển cho lực lượng kiểm soát để tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Trong công văn chỉ đạo, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tổng hợp, thống kê danh sách các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào khu vực giám sát hải quan để xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh; các lô hàng nhập khẩu đã đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan theo hướng dẫn tại công văn 3748 ngày 6.8 và báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan để rà soát, phân tích và xử lý theo quy định.
Ngay sau khi có hướng dẫn mới từ Tổng cục Hải quan, trao đổi với Thanh Niên, các DN làm thủ tục xuất nhập khẩu cho biết đã vào được hệ thống VNACCS/VCIS để mở tờ khai. Thế nhưng việc đính kèm chứng từ điện tử V5 (hệ thống quản lý dữ liệu hải quan) để hải quan lưu lại và lấy mã định danh vẫn chưa thực hiện được. Chị Nguyễn K.V (TP.HCM) cho biết từ sáng đến chiều ngồi trước máy, "bấm đến mòn chuột" cũng không lấy được số định danh lô hàng.
"Hàng xuất mà không lấy được định danh thì coi như bỏ, nên phải canh để lấy cho bằng được", chị K.V chia sẻ. Tương tự, chị Mai Hương (TP.HCM) cho biết khách thì giục lấy hàng, nhưng mạng lỗi nên hồ sơ thủ công nộp rồi, lại ngồi chờ tiếp. "Thay vì ngồi than thì đọc hướng dẫn của hải quan, mang hồ sơ giấy đi chờ nộp, rồi thực hiện các bước tiếp theo... Khi gặp sự cố, ngồi than thở chẳng giải quyết được gì", anh Vũ Bình chia sẻ kinh nghiệm trên diễn đàn giải đáp các thủ tục hải quan.
Chiều 7.8, Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM cũng gửi thông báo đến các DN với nội dung: Toàn bộ hệ thống của Tổng cục Hải quan đã bị lỗi toàn bộ, do vậy hệ thống VNSW do Tổng cục Hải quan vận hành cũng không hoạt động. Việc gửi form D, VK, AK điện tử hiện gián đoạn từ 17 giờ ngày 6.8.2024. Sau khi hệ thống VNSW hoạt động trở lại, đội ngũ kỹ thuật sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan, gửi lại các C/O trong khoảng thời gian gián đoạn nói trên.
Tập trung xử lý để hàng hóa được thông quan nhanh nhất
Theo Tổng cục hải quan, tối 6.8, Hệ thống công nghệ thông tin hải quan và Một cửa quốc gia gặp sự cố kỹ thuật phải khắc phục. Để đảm bảo hoạt động thông quan được liên tục, thông suốt tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN, Tổng cục Hải quan đã có công văn hỏa tốc số 3748 chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai thực hiện thủ tục hải quan thủ công, đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa buôn lậu, gian lận thương mại và hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hải quan. "Từ thời điểm hệ thống gặp sự cố đến đầu giờ sáng ngày 7.8, mọi thủ tục hải quan đều được cơ quan hải quan giải quyết kịp thời và các DN đã phối hợp, chia sẻ với cơ quan hải quan", thông cáo báo chí nêu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cho biết với các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, đến 8 giờ 35 sáng qua (7.8), hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đã được khôi phục và hoạt động trở lại từng bước ổn định. Trong thời gian này, DN có vướng mắc sẽ được toàn ngành hải quan bố trí lực lượng để trực tiếp hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan. "Đến nay những vướng mắc cơ quan hải quan nhận được đã tập trung nghiên cứu xử lý để hàng hóa của DN được thông quan nhanh nhất", Tổng cục Hải quan cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên, một số DN, chuyên gia trong ngành logistics, xuất nhập khẩu đánh giá sự cố xảy ra đột ngột trên toàn hệ thống mà ngành hải quan vào cuộc và xử lý xong, trong buổi sáng đã có thể mở tờ khai được là tương đối nhanh. Chuyên gia về xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An dự đoán với DN chuyên nhập khẩu, sự cố này có thể gây ảnh hưởng không nhiều. Hàng nhập bằng đường biển không bị thiệt hại bằng nhập bằng đường hàng không, do phí lưu kho bãi tại cảng biển thấp hơn cảng hàng không. Riêng với hàng xuất, chỉ với những DN cần xuất hàng nhanh nhưng không nhanh được, phải thêm nhân sự đi đến tận chi cục hải quan, quãng đường xa để nộp tờ khai, rồi chờ để nộp... sẽ có thiệt hại nhưng khó đong đếm, tính toán được là bao nhiêu.
"Tuy vậy, theo đánh giá cá nhân tôi thì hệ thống được khắc phục khá nhanh và hải quan rất nỗ lực hướng dẫn DN. Riêng việc DN đến chiều 7.8 vẫn chưa gửi được chứng từ điện tử đính kèm V5 và nhận mã vạch, theo tôi từng chi cục hải quan có thể linh động và giải quyết cho các lô hàng được, bởi đây là sự cố bất khả kháng", ông Trường An đề xuất.
Nguồn: Soha; Người Đưa Tin; CafeF; Thanh Niên
Chiếc xe 'tự bỏ chạy', để chủ nhân bơ vơ; Khẩn cấp cảnh báo siêu bão; Lũ cát ở Mũi Né lại tràn xuống đường; Nhành cây rơi đè 1 người tử vong
Loạt bị cáo lộ tài sản 'khủng' sau khi bị bắt; Đại án Xuyên Việt Oil; Bài toán phủ sóng metro; Đà Nẵng tan nát dự án công viên rồng
345 người chết & mất tích vì bão lũ; Phía sau 12.000 trang sao kê 'lòng tốt'; Hơn 500 hộ dân khốn khổ vì… nước sạch
Tiền tỷ 'bay' theo siêu bão; Dư địa mới cho gạo Việt; Làn sóng 'găm hàng' BĐS rồi để 'hoang' chờ tăng giá; 'Choáng' giá nhà chung cư
Mang phim đi chiếu xứ người; Trà Ngọc Hằng bị tuyên phạt; Khánh Vy giữa những tranh cãi; Loạt sinh viên nhập viện bất thường
Phẫn nộ clip 'Quả báo Làng Nủ'; Vụ học sinh bị ô tô cán chết; Chuyện muôn thuở mỗi mùa từ thiện; Sập hầm cầu chui đang thi công
Kỳ Duyên trợn mắt, mua may quay cuồng; Trấn Thành thắng lớn; Lũ miền Bắc liên tiếp phá kỷ lục; Giao thông tê liệt vì lũ dữ
Ngọc Trinh đã biết sợ; Kỳ Duyên nổi giận; Nghịch lý Cánh Diều Vàng 2024; Loạt chương trình bị hủy vì siêu bão
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá