Kỳ họp thứ 5 QH; 'Khủng hoảng' thiếu nhà ở xã hội; Chờ hồi kết vụ siêu máy bơm chống ngập; Xử đại án AIC

Trực tiếp: Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao

(Ảnh minh họa).

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành theo hình thức họp tập trung, dự kiến diễn ra trong 22 ngày làm việc và chia làm 2 đợt: Đợt 1 trong 17 ngày (22/5-10/6/2023) và đợt 2 là 5 ngày (từ 19/6- 23/6/2023).

Sáng nay 22/5, sau khi các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.

Phiên khai mạc chính thức Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào 9h tại Nhà Quốc hội và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV:

Kính thưa Quốc hội,

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành. Theo đó, Kỳ họp thứ 5 được chia làm 02 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội: đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6 (dành một tuần giữa 02 đợt để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp). Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau đây:

Thứ nhất, về công tác lập pháp

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 08 dự án luật, trong đó có 06 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự); 02 dự án luật(Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp trên cơ sở quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị của Chính phủ, để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Quốc hội cũng xem xét, ban hành 03 nghị quyết quy phạm pháp luật: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác, bao gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (trong trường hợp Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, đối với 06 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình dự án, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 3 (tháng 4/2023); tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia. Các dự thảo luật được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua cơ bản đã có sự thống nhất cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Dự án đã được tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và hơn 12 triệu lượt góp ý của các tầng lớp Nhân dân. Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đối tượng được lấy ý kiến rất đa dạng, bao gồm: các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học…

Thông qua nhiều hình thức phong phú, các ý kiến đã tham gia sôi nổi vào việc hoàn chỉnh nhiều vấn đề của dự thảo Luật, trong đó tập trung vào 04 vấn đề quan trọng: (i) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (ii) giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (iii) tài chính đất đai, giá đất; (iv) quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lấy ý kiến Nhân dân thực sự đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy sâu sắc quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần tạo nên bước tiến quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật. Quốc hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm, những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở hồ sơ dự án Luật, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TWngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; hoàn thiện dự thảo Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và bảo đảm chất lượng để có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này là những nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Với số lượng lên đến 20 dự án, dự thảo được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp này, trong đó, có nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đại đa số người dân và doanh nghiệp, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất; đặc biệt lưu ý bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong các quy định của từng dự án, dự thảo và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, thúc đẩy, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ hai, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về: (1) Giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; (3) Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; (4) Chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; (5) Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Những tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân cơ bản ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính giảm mạnh do lạm phát, căng thẳng địa chính trị, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ… đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra; một số địa phương có mức tăng trưởng âm hoặc thấp so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp; một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực tỷ giá, lãi suất tăng cao; nguy cơ nợ xấu gia tăng; tình hình dịch bệnh, thiên tai dự báo sẽ diễn biến phức tạp…

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

Đối với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, quán triệt yêu cầu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, đánh giá kỹ tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục hậu quả qua nhiều năm như: ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp; phân bổ, giao dự toán chậm; chi chuyển nguồn ngân sách lớn; việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều sai phạm, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, cơ quan chức năng khác chưa nghiêm…; từ đó, đóng góp giải pháp, đề xuất cách làm để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng công tác xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng". Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đặc biệt là báo cáo về kết quả giám sát, đề nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện và quy định của pháp luật, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; kiến nghị các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc còn tồn đọng trong quản lý và sử dụng các nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian tới. Căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nghị quyết về vấn đề này.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét toàn diện, cân đối giữa các lĩnh vực và bám sát tình hình thực tiễn, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến, lựa chọn nội dung cụ thể để bảo đảm giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mấu chốt còn vướng mắc, bất cập nhằm tạo được chuyển biến tích cực đối với các nội dung được giám sát, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề bức xúc, nổi lên được cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm; qua đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực chất của hoạt động giám sát.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước… Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, xem xét toàn diện, thống nhất và cẩn trọng, dự báo những vấn đề lớn, mới có thể phát sinh, đề xuất giải pháp phù hợp để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thứ tư, về công tác nhân sự

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: (1) Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; (2) Xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.

Kính thưa Quốc hội,

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri, Nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục thu được kết quả toàn diện và tốt đẹp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Sau phần Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Báo cáo thẩm tra cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày sau đó.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đáng chú ý, Quốc hội dành phần thời gian còn lại của buổi sáng và cả buổi chiều nay để họp riêng về công tác nhân sự.

Thông tin tại cuộc họp báo về chương trình kỳ họp thứ 5 vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và biểu quyết đề nghị của UBTVQH về việc miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội với ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khoá XV; đồng thời tiến hành bầu nhân sự thay thế vào vị trí này.

Quốc hội cũng xem xét phê chuẩn đề nghị về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026. Hiện nay, chức vụ này đang do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiêm nhiệm.

Dự kiến thông qua 8 luật, giám sát tối cao về nguồn lực phòng chống dịch

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

3 dự thảo Nghị quyết cũng được xem xét thông qua, gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

9 dự án luật khác sẽ được cho ý kiến tại kỳ này: Cho ý kiến lần 2 với Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ngoài ra, Quốc hội xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Quốc hội giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; chất vấn và trả lời chất vấn và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.

(Nguồn: Soha)

'Khủng hoảng' thiếu nhà ở xã hội: 'Công thức' né nghĩa vụ xây nhà cho người nghèo

Doanh nghiệp muốn né xây nhà ở xã hội sẽ đề xuất lên các sở, ngành cấp tỉnh để được "chiều theo ý"; cấp tỉnh kiến nghị lên các cấp T.Ư xem xét… được nộp tiền sử dụng đất thay vì xây nhà ở xã hội để đẩy mạnh an sinh xã hội.

Đất quy hoạch nhà ở xã hội thành đất xây nhà liền kề

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp không muốn dành quỹ đất 20% trong dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội mà chỉ muốn thực hiện nghĩa vụ bằng cách nộp tiền cho nhanh gọn.

Có lẽ, giới làm doanh nghiệp bất động sản không còn lạ gì quy trình né xây dựng nhà ở xã hội. "Công thức" này như sau: doanh nghiệp chủ đầu tư dự án đề xuất lên cơ quan chức năng địa phương là các sở, ngành, UBND cấp tỉnh; sau đó địa phương gửi văn bản đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành…; sau cùng là nộp tiền thay vì dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội. An sinh cho người nghèo, nhất là người dân ở các đô thị lớn cứ thế bị bỏ ngỏ.

Đơn cử, ngay tại Hà Nội, dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai (Louis City Hoàng Mai) ở 54 Tân Mai (Q.Hoàng Mai) do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (gọi tắt là Công ty Hoàng Mai) làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 22 ha thuộc diện phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhưng đến đầu tháng 5 vừa qua, dự án này vẫn chưa có công trình nhà ở xã hội nào được triển khai.

Theo tìm hiểu, từ tháng 4 - 6.2020, Công ty Hoàng Mai có đề xuất xin thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội tại dự án Louis City Hoàng Mai bằng hình thức nộp tiền.

Sau khi Sở KH-ĐT Hà Nội có ý kiến, tháng 8.2020, UBND TP.Hà Nội có văn bản do Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư dự án Louis City Hoàng Mai được thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền.

Văn bản nêu, theo quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào tháng 7.2007, dự án phải bàn giao lại cho thành phố hơn 22.000 m2 đất tại 12 ô có ký hiệu: LK5, LK7, LK17, LK20, LK21, LK22, LK35, LK36, LK37, LK38, LK39, LK40 có diện tích từ 879 m2 - 3.482 m2 để phát triển nhà ở xã hội sau khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Lấy lý do diện tích các ô đất kể trên không lớn, không phù hợp xây dựng nhà ở xã hội dạng nhà chung cư cao tầng, làm tăng dân số nếu phát triển nhà ở xã hội… UBND TP.Hà Nội đã đề nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền sử dụng đất theo sát giá thị trường, đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Phần diện tích của 12 ô đất nêu trên sẽ được xây dựng thành nhà ở liền kề thấp tầng.

"Việc này sẽ không làm ảnh hưởng tới nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố…", văn bản của UBND TP.Hà Nội nêu.

Sau khi nhận được báo cáo của UBND TP.Hà Nội, ngay trong tháng 8.2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi đến các bộ: Xây dựng, Tài chính, TN-MT… đề nghị cho ý kiến về việc cho xây dựng nhà ở liền kề thấp tầng trên đất quy hoạch phát triển nhà ở xã hội tại dự án Louis City Hoàng Mai và chủ đầu tư được thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền.

Tháng 9.2020, Bộ Xây dựng có ý kiến bày tỏ nếu được Thủ tướng chấp thuận, UBND TP.Hà Nội cần căn cứ nhu cầu của thành phố, xác định rõ vị trí, diện tích ô đất trên địa bàn thay thế bố trí làm nhà ở xã hội tương ứng với diện tích đất 20% tại dự án Louis City Hoàng Mai; đồng thời, xác định đúng số tiền phải nộp thay thế nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội tại dự án theo quy định.

Cũng trong tháng 9.2020, Chính phủ có văn bản đồng ý với kiến nghị của UBND TP.Hà Nội cho phép chủ đầu tư dự án Louis City Hoàng Mai thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền.

Dự án đô thị ở ngoại thành cũng không muốn xây nhà ở xã hội

Tại Hà Nội, một dự án khác không ở vùng trung tâm cũng khước từ phát triển nhà ở xã hội, xin nộp tiền là khu chức năng đô thị Noble Vân Trì (khu đô thị Noble Vân Trì) tại xã Kim Nỗ, H.Đông Anh.

Cụ thể, tháng 6.2020, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến về việc chủ đầu tư dự án khu đô thị Noble Vân Trì là Công ty TNHH Noble Việt Nam muốn thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền thay vì bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

"Căn cứ quy định pháp luật và điều kiện cụ thể của dự án, Bộ Xây dựng nhận thấy có thể xem xét cho phép dự án không bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội…", văn bản của Bộ Xây dựng nêu. Đồng thời, kèm theo một số nội dung: bố trí quỹ đất khác tương ứng với 20% diện tích đất tại dự án khu đô thị Noble Vân Trì trên địa bàn H.Đông Anh; thực hiện giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với diện tích 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án khu đô thị Noble Vân Trì đúng quy định pháp luật…

Báo cáo Chính phủ trong Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà phát triển nhà ở xã hội như: bị khống chế mức trần lãi suất, thủ tục thực hiện dự án phức tạp, ưu đãi chưa đủ hấp dẫn… Do vậy, phần lớn doanh nghiệp lựa chọn thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền thay thế xây nhà.

Bên cạnh đó, từ khi gói 30.000 tỉ đồng giải ngân hết, Nhà nước không có thêm gói hỗ trợ tương tự nên thị trường nhà ở xã hội thiếu nguồn vốn rẻ hỗ trợ phát triển. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể đi vay với lãi suất thương mại để xây nhà ở xã hội.

Đồng thời, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cũng không nhiều do các địa phương ít chú trọng, trong đó có TP.Hà Nội, nhất là quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại không được ưu tiên xây dựng nhà ở xã hội.

(Nguồn: Thanh Niên)

Chờ hồi kết vụ siêu máy bơm chống ngập tại TPHCM

(Ảnh minh họa).

Sự việc xảy ra vào ngày 5/5/2023, khi Sở Xây dựng TP. HCM thông báo chấm dứt Hợp đồng thuê siêu máy bơm có giá thuê 14 tỷ/năm.

Xung quan vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có trao đổi với chủ siêu máy bơm chống ngập - ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung).

- Thưa ông, được biết ngày 5/5/2023, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản số 6325/SXD-HTKT cảm ơn sự đóng góp của Công ty Quang Trung vào lĩnh vực chống ngập của Thành phố nói chung và đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng kèm theo thông báo chấm dứt Hợp đồng siêu máy bơm. Ông có thể chia sẻ thêm chủ trương của TP về dự án này?

TP.HCM đã chọn điểm ngập nặng nhất để thử nghiệm chống ngập tại khu vực 7,5 ha đường Nguyễn Hữu Cảnh thuộc quận Bình Thạnh, TP. HCM trong 2 năm 2017-2018. Nếu thành công đạt hiệu quả tốt thì Thành phố sẽ cho phép áp dụng rộng rãi tại các điểm ngập khác của thành phố. Đây là lời hứa của Thành ủy và UBND TP. HCM.

Dự án đã được Thành phố giao cho Liên Hiệp Hội Khoa học của Thành phố chủ trì cùng với các Sở, ngành, UBND quận Bình Thạnh và Trung tâm chống ngập của Thành phố đánh giá hiệu quả của “siêu máy bơm”. Kết quả đánh giá của Hội đồng là: Siêu máy bơm có tính năng vượt trội, hoạt động chống ngập hiệu quả, giao thông tại khu vực đi lại tuận tiện và được đông đảo người dân trong khu vực đồng tình, ủng hộ. Và dự án siêu máy bơm đã tiết kiệm cho Thành phố 68% chi phí chống ngập so với giải pháp truyền thống mà Thành phố đang áp dụng (đây là đánh giá của hội đồng).

- Ông có thể phân tích rõ hơn về mặt kỹ thuật cũng như hiệu quả kinh tế khi sử dụng siêu máy bơm chống ngập tại TP.HCM?

Theo số liệu khảo sát và đánh giá của các tổ chức Ngân hàng thế giới, TP. HCM có gần 60% diện tích đất có cốt nền thấp từ +0.9m đến +1,3m, trong khi mực nước thủy triều dâng cao +1.86m chưa kể biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên khiến mực nước biển dâng cao trung bình mỗi năm từ 2cm-5cm. Như vậy, không cần đến mưa, khi nước thủy triều dâng lên thì các điểm có cốt nền thấp dưới +1.3m đã bị ngập 0.6m.

Do đó, Thành phố phải lắp rất nhiều van 1 chiều ở tất cả các cống thoát ra sông có tác dụng để ngăn không cho nước sông tràn vào các vùng có cốt nền thấp. Đối với các tỉnh khu vực phía Nam, mùa con nước lại trùng với mùa mưa, có những năm kéo dài tới tận 6 tháng. Như vậy, khi nước lên thì van 1 chiều tự động đóng lại, mưa lớn trút xuống thì nước chảy đi lối nào…?

Theo vật lí, nguyên tắc 2 bình thông nhau thì nước bao giờ cũng chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Muốn từ chỗ thấp chảy ngược ra sông, từ sông chảy ra biển chỉ còn 1 cách duy nhất là phải dùng bơm. Nếu không, TP. HCM phải nâng toàn bộ 60% diện tích có cốt nền thấp lên độ cao +3m. Giải pháp này tốn kém hàng trăm tỷ USD (không khả thi).

- Vậy, lý do gì, dự án siêu máy bơm không được Trung tâm Quản lý hạ tầng, cũng như Sở Xây dựng đề nghị Thành phố cho phép nhân rộng mà lại thay thế bằng một dự án khác, thưa ông?

Hiện nay, TP có chủ trương thay cống to và nâng đường mà không có độ dốc thủy lực thì chỉ có tác dụng như là các bể chứa nước, không có tác dụng thoát nước, vì thế sẽ không có hiệu quả gây lãng phí và tốn kém tiền bạc của người dân.

Nếu nâng cao đường thì chỉ giải quyết về mặt giao thông không bị ùn tắc. Tuy nhiên các khu vực xung quanh vẫn bị ngập. Nếu thành phố cho áp dụng dùng máy bơm sẽ có giá thành cực rẻ, nếu tính theo m2 chỉ có giá 500đ/m2/ngày. Trên địa bàn thành phố chỉ cần sử dụng khoảng 50 máy bơm theo hình thức xã hội hóa chỉ mất tối đa tiền thuê dịch vụ khoảng 700 tỷ/ năm, sẽ tiết kiệm cho TP trên 90.000 tỷ. Đây là con số tiết kiệm chống lãng phí rất đáng quan tâm. Nhưng hiện nay, Thành phố đã lập 1 đề án “ GIẢM NGẬP” chứ không phải là “ CHỐNG NGẬP” với số tiền là 97.000 tỉ chủ yếu dùng để nâng đường và thay cống (tương đương gần 5 tỷ USD tính tại thời điểm).

Chỉ cần Trung tâm Quản lý hạ tầng Thành phố có tâm và có trách nhiệm với người dân, mạnh dạn đề xuất với Thành phố, xã hội hóa công tác chống ngập để kêu gọi mọi thành phần kinh tế cùng tham gia chung tay với thành phố thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt và đáp ứng những mong mỏi bấy lâu nay của người dân Thành phố.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Xử đại án AIC: Toà bác đơn kháng cáo của 8 bị cáo đang bỏ trốn

Tại phiên xét xử phúc thẩm đại án AIC, HĐXX không chấp nhận những đơn kháng cáo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị cáo đang bỏ trốn gửi từ Mỹ về.

Ngày 22/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại công ty AIC, bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan.

Đáng chú ý, trong phiên xử phúc thẩm gồm 14 bị cáo kháng cáo thì có đến 8 bị cáo đang bỏ trốn. Trong số đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch AIC đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị cấp sơ thẩm xác định là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Nhàn và 7 đồng phạm đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Bà Nhàn nhận mức án cao nhất, 30 năm tù. 7 người cùng bỏ trốn bị phạt 30 tháng đến 25 năm tù. Sau phiên sơ thẩm, luật sư của 8 người đều kháng cáo thay thân chủ. Trong đó, luật sư Dương Văn Nghị, bào chữa cho bà Nhàn, kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị hủy án để điều tra lại.

Ngoài bà Nhàn, các bị cáo khác đang bỏ trốn gồm: Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc AIC); Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC); Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường); Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty MOPHA); Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên).

8 bị cáo bỏ trốn được các luật sư thay mặt kháng cáo. Về vấn đề này, HĐXX phiên phúc thẩm cho biết, dư luận có ý kiến về việc xét xử vắng mặt 8 bị cáo đang bị truy nã, luật sư kháng cáo thay các bị cáo. Đến phiên phúc thẩm cũng không có mặt 8 bị cáo, việc truy nã chưa có kết quả. Do đó, HĐXX xin ý kiến Viện kiểm sát nội dung này và tiến hành hội ý.

Sau thời gian hội ý, HĐXX phiên phúc thẩm quyết định không chấp nhận việc "kháng cáo thay" của các luật sư.

"Việc các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, đến nay chưa có kết quả thể hiện các bị cáo tự từ bỏ quyền của bị can, bị cáo theo quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm theo quy định trong Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự”, HĐXX cho biết.

Căn cứ vào quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm nêu trong Bộ luật Tố tụng hình sự, HĐXX phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận việc luật sư có đơn kháng cáo cho các bị cáo nêu trên.

Các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đối với các bị cáo nêu trên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, theo HĐXX cấp phúc thẩm, Tòa án có tiếp nhận lưu trong hồ sơ thể hiện có đơn kháng cáo, người gửi Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, phong bì đựng đơn được gửi từ nước Mỹ.

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm xét thấy những đơn này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Cục lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...).

Mặt khác, đến nay các bị cáo chưa ra trình diện trước pháp luật, không có tài liệu nào chứng minh các bị cáo đã nhập cảnh về Việt Nam, cũng như không có căn cứ chứng minh về nhân thân của các bị cáo. Do đó, HĐXX không chấp nhận những "Đơn kháng cáo" gửi từ Mỹ về.

Đối với 6 bị cáo không bỏ trốn và có đơn kháng cáo theo đúng trình tự pháp luật, HĐXX cấp phúc thẩm cho biết vẫn tiến hành xét xử bình thường với các bị cáo này. Trong số đó, có cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Phan Huy Anh Vũ. Ông Vũ có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt trong vụ án này

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang