Kinh tế toàn cầu đình trệ; Trộm bí mật kinh doanh; Sóng thần ẩm thực TQ; Châu Á đảo ngược tỉ lệ sinh; Đêm kinh hoàng ở Kiev

Kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ đình trệ

(Ảnh minh họa).

Nền kinh tế thế giới đang xuất hiện những dấu hiệu trì trệ, thể hiện trên nhiều khu vực.

Tại châu Âu, lĩnh vực công nghiệp gặp khó khăn, gây nguy cơ kéo Đức - đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu - rơi vào suy thoái. Mới đây, chỉ số niềm tin của các nhà đầu tư Đức đã suy giảm tháng thứ ba liên tiếp và chỉ số tâm lý kinh tế ZEW giảm mạnh trong tháng 5/2023, giảm xuống -10,7 điểm, từ mức 4,1 điểm vào tháng 4/2023, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày 16/5, cảnh báo chính sách tiền tệ thắt chặt và việc tăng giá năng lượng đang đè nặng lên nền kinh tế Đức. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước này duy trì ở mức gần bằng 0 và sẽ dần tăng lên 3% trong năm tiếp theo.

Trong khi đó, cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ đang chịu áp lực từ hàng loạt sự cố ngân hàng tồi tệ nhất, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và sự bế tắc trong các cuộc đàm phán nâng trần nợ.

Ngày 16/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo những hậu quả "thảm khốc" có thể xảy ra, nếu Mỹ cạn tiền mặt để trang trải các nghĩa vụ tài chính, trong đó có việc không trả được lương cho các nhân viên liên bang, kéo theo khả năng tăng lãi suất tác động mạnh đến các doanh nghiệp.

Sự vụ một loạt các ngân hàng khu vực của Mỹ bị “đổ vỡ” đã khiến việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình trở nên khó khăn hơn. Các cuộc khảo sát của các nhà kinh tế vừa qua cho thấy 65% khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới.

Tuy nhiên, những số liệu kinh tế phát hành trong tháng 4/2023 cũng đem lại một vài tín hiệu tốt cho nền kinh tế Mỹ. Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng trong tháng 4/2023 cho thấy chỉ tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên.

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc, công bố ngày 16/5, cho thấy trong tháng 4/2023 sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư cố định tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng lên mức cao kỷ lục 20,4%.

Theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Moody's Analytics, các ngân hàng trung ương đang chuẩn bị một số biện pháp cứu trợ, để đối phó với trường hợp nền kinh tế thế giới suy yếu.

(Nguồn: Soha)

Vụ trộm bí mật kinh doanh chấn động: Coca Cola bị mất công thức trị giá 2.800 tỉ đồng, nữ thiên tài Trung Quốc suýt xây dựng trót lọt dây chuyền 'phake' ở quê hương

Coca Cola để lọt công thức bí mật vào tay người phụ nữ Trung Quốc như thế nào?

Tối ngày 8/8/2017, Shannon You rời trụ sở Atlanta của Coca-Cola. Kế hoạch tái cơ cấu của giám đốc điều hành khiến một số nhân viên bị sa thải, trong đó có You, nhà hóa học đã ngoài 50.

Thông thường, một công ty khi ra quyết định sa thải nhân sự sẽ lo lắng việc tài liệu nội bộ bị rò rỉ. Coke, thương hiệu nước giải khát nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ, cũng quan tâm điều tương tự. Nó có sơ đồ phân loại kiểu tình báo, thậm chí cài đặt cả phần mềm theo dõi việc sử dụng dữ liệu của nhân viên.

Mùa hè năm đó, khi thông báo sa thải được ban bố, hệ thống ngăn ngừa mất dữ liệu bắt đầu xuất hiện các cảnh báo. Phần lớn là do nhân viên lấy lại các tệp thông tin cá nhân lưu trữ trên máy tính làm việc, từ tờ khai thuế đến các khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đơn giản lấy lại những thông tin vô hại đó.

Shannon You có quyền truy cập vào một số dữ liệu mật, trong đó có bộ công thức hóa học chi tiết cho lớp lót nhựa dày 2 micron bên trong lon nước Coke. Được kỳ công nghiên cứu, chúng có tác dụng ngăn thứ chất lỏng chứa đầy ga ‘nuốt chửng’ lớp kim loại bao quanh.

6:02 chiều hôm ấy, You cắm ổ đĩa cứng Western Digital vào cổng USB, sau đó cố gắng kéo một thư mục có tên BPANI—viết tắt của lớp lót lon. Tuy nhiên, do đang trong diện bị sa thải, người phụ nữ này không thể trót lọt thực hiện hành vi. Một thông báo hiện lên trên màn hình, nhắc nhở rằng bất kỳ tệp tin nào chuyển từ máy tính làm việc của You đều phải đi qua tài khoản lưu trữ đám mây đã được công ty cài đặt từ trước.

You không quan tâm. 6:08, bà tiếp tục cắm một ổ cứng khác, cố gắng di chuyển các tệp và một lần nữa không thành. Lưu chúng vào ổ đĩa ngoài thông qua Microsoft Excel cũng không hiệu quả.

Trót lọt

Cuối cùng, You tìm ra giải pháp. Vào ngày 25/8, You sử dụng điện thoại chụp một loạt ảnh màn hình máy tính, hết tệp tin này đến tệp tin khác. Tối muộn ngày 29, bà tiếp tục tải một số tệp được mã hóa từ máy tính của mình lên tài khoản Google Drive cá nhân. Hệ thống bảo mật thông tin của Coke, được thiết lập để chặn các thiết bị USB, đã không nghi ngờ gì.

Coca Cola không hề hay biết rằng vào ngày 17/8 trước đó, You đã đến thành phố Uy Hải của Trung Quốc để gặp gỡ các doanh nhân giúp bà thành lập công ty sơn phủ. Để tài trợ cho dự án, You nộp đơn xin hàng triệu USD, đồng thời tham gia phỏng vấn cho một chương trình tài trợ cấp tỉnh có tên Yishi-Yiyi.

Một tháng sau, You bay đến Bắc Kinh và tiếp tục đăng ký một chương trình tài trợ vốn khác. Bà viết trong đơn rằng số tiền quý giá này sẽ giúp mình “xây dựng dây chuyền sản xuất lớp phủ BPANI đầu tiên tại Trung Quốc”, đồng thời phá vỡ được “thế độc quyền quốc tế” trong ngành công nghiệp sơn hộp đựng thực phẩm toàn cầu. Giây phút You ‘ăn trộm’ công thức từ Coca Cola, bà đã nhận thức được mối nguy hiểm pháp lý đang rình rập.

“Cuối cùng, tôi là người gánh chịu mọi rủi ro. Nếu có chuyện gì xảy ra, số tiền tôi kiếm được thậm chí còn không đủ trả phí luật sư”, bà You tâm sự với bạn trên WeChat.

Ba năm sau, You hầu tòa vì tội lừa đảo, âm mưu đánh cắp và sở hữu bí mật thương mại. Các công tố viên liên bang lập luận rằng nạn nhân của bà là 7 công ty chuyên phát triển lớp sơn phủ.

Quan chức phương Tây từ lâu đã cảnh báo về các chương trình tài trợ của Trung Quốc. Mục đích chính là khai thác các nhà khoa học và kỹ sư rời quê hương tìm kiếm các cơ hội giáo dục và nghề nghiệp, sau đó thuyết phục họ quay về khởi nghiệp với lời hứa hỗ trợ tài chính hào phóng. Jay Tabb, cựu trợ lý giám đốc điều hành FBI, người đứng đầu chi nhánh an ninh quốc gia, cho biết: “Đó là một vỏ bọc hoàn chỉnh”.

Hầu hết mọi đồ vật xung quanh chúng ta đều có lớp phủ, từ bàn phím máy tính đến màn hình cảm ứng. Chúng được phát triển và bán bởi các công ty trong ngành như Akzo Nobel, Dow Chemical, PPG Industries và Sherwin Williams.

Tuy nhiên, lớp phủ bên trong lon nước giải khát bằng nhôm có cấu trúc đặc biệt phức tạp. Các nhà máy lớn sản xuất 16 triệu lon mỗi ngày; mỗi lon đều yêu cầu một lớp phủ đồng nhất, được phun chỉ trong vài giây. Công thức được điều chỉnh tùy theo công thức pha chế đồ uống và phụ thuộc vào mức độ axit, đường, caffeine, dầu và cồn. Polyme, sau khi được sấy khô, sẽ không thể phản ứng với đồ uống ngay cả sau nhiều tháng được bày bán trên kệ siêu thị.

Quay trở lại với câu chuyện của You. Bà đến với Coca Cola vào đúng thời điểm khó khăn nhất, khi BPA, thành phần phổ biến trong lớp lót, bị nghi có thể xâm nhập vào cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc một loạt các bệnh như tiểu đường Loại 2 và dậy thì sớm. Năm 2010, Pháp cấm BPA chứa trong bình sữa trẻ em, sau đó mở rộng sắc lệnh lên mọi bao bì thực phẩm được bán trong nước. California, Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng có động thái tương tự một năm sau đó, trong khi California thêm BPA vào danh sách các chất bị “thổi còi”.

Lệnh cấm đã tạo ra một cuộc chiến giữa các công ty sản xuất lớp lót, song tìm ra chất thay thế BPA là một thách thức không hề nhỏ. Nguyên nhân là bởi nó đặc biệt tốt trong việc liên kết các phân tử monome với nhau thành nhựa epoxy bền, nhẹ.

Coke mua lon từ các nhà sản xuất toàn cầu như Ball Corp. Thương hiệu này không sản xuất lớp phủ, song với tư cách là nhà sản xuất nước ngọt có ga lớn nhất thế giới , các quyết định của Coke về cơ bản sẽ xác định rõ hãng sơn phủ nào sẽ dẫn đầu thị trường.

You biết mình có thể hỗ trợ quá trình tìm ra hợp chất mới thay thế BPA. Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Đại học bang Kent ở Ohio cùng bằng tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật polymer tại Đại học Lehigh ở Pennsylvania, You trở thành công dân Mỹ vào năm 1999, sau đó định cư cùng con gái và chồng là một kỹ sư cơ khí ở Delaware.

Những công thức trị giá hàng triệu USD

Vào tháng 12/2012, Coca-Cola thuê You làm kỹ sư cho bộ phận nghiên cứu toàn cầu và chịu trách nhiệm tìm ra công thức lớp lót không chứa BPA. Người phụ nữ này vô hình chung trở thành cầu nối giữa Coke và các công ty sơn phủ.

“Bà ấy thường xuyên nói với chúng tôi rằng công ty chúng tôi đang bị tụt lại phía sau các đối thủ cạnh tranh. Bà ấy nói sẽ có thể giúp chúng tôi”, Tiến sĩ Dan Leschnik, giám đốc dịch vụ kỹ thuật toàn cầu của Akzo Nobel NV, nói trước tòa. “Bà ấy thường xuyên hỏi rất nhiều thông tin, từ thành phần đến lượng chất cụ thể”.

Không chỉ Akzo, các công ty khác cũng nhận được hồi đáp tương tự vậy từ You. “Bà ấy nói mình hiểu rõ về polyme hơn chúng tôi”, Tom Mallen, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị công nghệ bộ phận đóng gói của Sherwin-Williams, nói.

Cứ như vậy, trong 2 năm, You tích lũy được cơ số các dữ liệu công thức cho lớp lót trị giá hàng chục triệu USD. Máy tính của bà tại trụ sở chính là nơi duy nhất trên thế giới có tất cả những bí mật thương mại này.

Đến năm 2016, Coke dường như đã nhận ra vấn đề xoay quanh You. Dana Breed được thuê vào năm đó, chuyên phụ trách việc giám sát phê duyệt các thành phần mới mà công ty sử dụng. Tại trụ sở chính tại Atlanta, Breed, giống như những nhân viên khác ngồi gần You, đã nghe thấy một số cuộc hội thoại giữa nhà hóa học này với các nhà cung ứng. “Trong các cuộc điện thoại, Shannon rất hoạt bát và tranh luận với các bên cung cấp”, Breed nhớ lại.

Chưa đầy 1 năm sau khi Breed vào làm, You bị sa thải. Trước khi rời khỏi công ty giải khát nổi tiếng nhất nước Mỹ, You đã tìm được một công việc ở Tennessee với thu nhập khoảng 157.000 USD/năm, sau đó quyết định tham gia chương trình cấp vốn của nhà nước. You ước tính thị trường sơn phủ BPANI ở Trung Quốc trị giá khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ USD) hàng năm nên đã tự mở ra cho mình cơ hội.

Trong PowerPoint chuẩn bị cho bài thuyết trình kêu gọi vốn, You tự nhận mình “từng là giám đốc công nghệ, giám đốc kỹ thuật tại 6 công ty khác nhau trong danh sách Fortune 500”. Bà còn tuyên bố rằng chính mình là người đã “tạo ra công nghệ sản xuất và chuẩn bị lớp phủ BPANI thế hệ thứ hai tiên tiến nhất thế giới”.

Fan, dì của You, sau đó giới thiệu cháu gái với Liu Xiangchen, tổng giám đốc của một công ty hóa chất có tên Weihai Jinhong Group, có trụ sở tại Uy Hải, tỉnh Sơn Đông để hợp tác. Trong một tin nhắn WeChat vào tháng 9, dì Fan cho biết Liu đã hối lộ 10.000 nhân dân tệ giúp You đăng ký nhận trợ cấp thuận lợi.

Các điều tra viên sau đó tìm thấy biên bản Coke cho phép Weihai Jinhong Group sử dụng các kỹ thuật sản xuất lớp phủ BPANI. Tờ giấy đó, được trích dẫn nhiều lần trong đơn đăng ký gọi vốn của You, là giả mạo.

You dự tính giúp công ty con Weihai Jinhong hình thành quan hệ đối tác với một nhà cung cấp nước ngoài là công ty Metlac Spa của Ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công thức lớp lót hiện có. Sau đó, You lặng lẽ tận dụng các công thức BPANI lấy cắp từ Coke vào sản phẩm của mình để tiết kiệm thời gian thử nghiệm. Sản phẩm thu được không hoàn toàn giống với sản phẩm của Akzo Nobel hay Sherwin-Williams.

Vào ngày 14/2/2019, You bị bắt ngay tại căn hộ. Ngôi nhà có người ở trong nhiều tháng nhưng hầu như không được trang bị nội thất và chỉ có độc một tấm nệm trên sàn. Trong phòng khách, một chiếc hộp ngân hàng chứa ổ cứng Western Digital lưu trữ công thức lớp lót của Coke. Ước tính, bí mật thương mại này trị giá gần 120 triệu USD (tương đương 2.800 tỷ đồng).

You sau đó bị thẩm vấn trong hơn 2 giờ đồng hồ. Trong một đoạn video ghi lại, bà, mặc một chiếc áo len màu hồng, đang ngồi đối diện Bill Leckrone, điều tra viên chính của vụ án. Câu chuyện người phụ nữ ăn cắp công thức lớp lót của thương hiệu nước giải khát lớn nhất thế giới dần được hé lộ.

Tháng 5/2022, You bị kết án 14 năm tù. Phía Trung Quốc từ chối bình luận trực tiếp về vụ việc song khẳng định chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và đạo đức quốc tế khi tham gia các chương trình xin cấp vốn.

(Nguồn: CafeF)

Cơn "sóng thần ẩm thực" ở Trung Quốc khiến khách sạn cháy phòng, đường sắt cháy vé: Nguyên nhân chỉ từ món ăn mà ở Việt Nam cũng có

(Ảnh minh họa).

Làn sóng du khách đổ bộ tới Truy Bác tăng đột biến vào tháng 3 và tháng 4 đang mang lại nguồn lợi khổng lồ cho người dân nơi đây.

Lượng khách tăng vọt

Truy Bác, một thành phố công nghiệp bình lặng với 4,7 triệu dân ở miền đông Trung Quốc, từ trước đến nay không được biết đến như một điểm du lịch đáng chú ý ở Trung Quốc.

Nhưng khi anh Zhang, người dân bản địa ở Truy Bác, về quê dự đám cưới vào tháng trước, anh đã choáng váng trước lượng khách du lịch "khủng khiếp" mà anh bắt gặp.

Quay trở lại thành phố chưa bao giờ là một vấn đề đáng kể, anh Zhang cho biết. "Nhưng lần này, tôi không thể đảm bảo với khách của mình rằng tôi có thể mua vé tàu cao tốc cho họ, hoặc đảm bảo đặt phòng khách sạn, chứ đừng nói đến việc tìm một nơi có sẵn để tổ chức tiệc nướng," anh nói với BBC.

Truy Bác đã trở thành tâm điểm của "cơn sóng thần ẩm thực" trên mạng xã hội kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 vào hồi tháng 1 vừa qua. Hàng triệu du khách trong nước đã đổ về thành phố trước đây ít được biết đến ở tỉnh Sơn Đông. Một phần sức hút đến từ video của những người nổi tiếng và cơ hội giải tỏa sở thích du lịch sau những đợt phong tỏa làm tê liệt mọi hoạt động.

Điểm thu hút lớn nhất ở Truy Bác là đồ nướng giá rẻ, với những xiên thịt được bán với giá chỉ 2 nhân dân tệ (0,3 USD) cho mỗi xiên. Đây cũng là món ăn phổ biến ở rất nhiều nước châu Á, bao gồm Việt Nam.

Đoạn phim được đăng từ Truy Bác cho thấy bầu không khí nhộn nhịp khi đám đông ăn uống no nê. Một video trên nền tảng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc cho thấy những người vui chơi nhảy múa và ca hát quanh bàn ăn của họ, trong khi những người khác vẫy que phát sáng xung quanh.

"Có một buổi karaoke ngoài trời đang diễn ra, mọi người đều say sưa ăn uống và hát hết mình", người đăng video viết.

Là một trong những món ăn yêu thích trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là ở phía bắc và phía tây đất nước, thịt xiên nướng thường bao gồm những miếng thịt nhỏ ướp, kèm rau xiên và được nướng trên than.

Người dân địa phương ở Zibo đặc biệt thích cuộn xiên nướng trong bánh kẹp mỏng với hành lá.

Một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hiện đang gọi Truy Bác là "thủ đô thịt nướng ngoài trời của Trung Quốc". Theo chủ tịch Hiệp hội thịt nướng Truy Bác, có hơn 1.270 cửa hàng thịt nướng trong thành phố.

"Thịt nướng Truy Bác" đã trở thành một chủ đề thịnh hành trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc như Xiaohongshu và Weibo kể từ đầu tháng 3.

Trong tháng đó, dân số Truy Bác được cho là tăng hơn gấp đôi. Vào ngày 29/4, nhà ga xe lửa Truy Bác đã chứng kiến kỷ lục 87.000 chuyến tàu đến và đi từ nhà ga, theo trang tin Caixin của Trung Quốc.

Thành phố cũng chứng kiến một trong những tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn cao nhất Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng vào tuần đầu tiên của tháng 5.

Du lịch nội địa ở Trung Quốc đã phục hồi trên mức trước đại dịch trong Tuần lễ vàng, với 274 triệu chuyến đi được thực hiện trong nước. Theo Bộ Du lịch Trung Quốc, con số này cao hơn gần 20% so với năm 2019.

Chính quyền địa phương ở Truy Bác đã nhanh chóng tận dụng lượng du khách tăng đột biến. Một khu tiệc nướng có sức chứa 10.000 người, với các buổi biểu diễn nhạc trực tiếp đã được xây dựng nhanh chóng.

Chính sách kích cầu

Các tình nguyện viên, bao gồm cả trẻ nhỏ, đã được cử đến nhà ga để đưa ra lời khuyên và khuyến nghị cho khách du lịch, trong khi các bảo tàng đã kéo dài thời gian mở cửa. Xe buýt và xe lửa được chỉ định đưa khách du lịch đến và đi từ các điểm nướng thịt hấp dẫn nhất.

Chính quyền thậm chí còn ra chính sách phạt những khách sạn trục lợi và tăng giá phòng hơn 50%.

Nhiều người nói rằng những động thái như vậy đã thu hút rất nhiều khách du lịch. Một sinh viên đại học năm 3 mô tả các phương pháp nướng thịt rất ngon và độc đáo. "Chính quyền cũng phản ứng nhanh chóng và bắt kịp xu hướng. Người dân ở đó chân chất, thân thiện với khách du lịch, giá cả cũng rẻ. Sự chân thành luôn là điều mang lại lợi ích lớn nhất", sinh viên này cho biết.

Một số giả thuyết đã xuất hiện về sự nổi tiếng bất ngờ của thành phố này.

Gần một năm trước, hơn 10.000 sinh viên đại học từ các thành phố khác được chuyển đến Truy Bác để cách ly.

Sau khi nhóm này kết thúc cách ly, chính quyền đã chiêu đãi một bữa tiệc nướng và mời sinh viên quay lại thăm "trong thời tiết ấm áp của mùa xuân khi muôn hoa đua nở". Một số sinh viên đã nhớ lại lời mời và các thẻ tag nội dung về chuyến đi của họ bắt đầu trở thành xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội như Douyin, phiên bản nội địa của TikTok ở Trung Quốc.

Giá rẻ khi du lịch Truy Bác là điều rất hấp dẫn đối với các bạn sinh viên có mong muốn áp dụng "chiến thuật" đi ngắn ngày với hành trình dày đặc và chi phí tối thiểu.

"Chúng tôi không có nhiều tiền, nhưng chúng tôi có rất nhiều thời gian rảnh", một sinh viên đại học năm 3 cho biết. "Sau 3 năm đại dịch, mọi người đều cảm thấy ngột ngạt nên muốn đi du lịch xả hơi".

Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng đã lan truyền thông tin này. Trong một video Douyin được chia sẻ rộng rãi, SpecialWulala, một vlogger ẩm thực với hơn 15 triệu người theo dõi, đã đến Truy Bác vào tháng 3 sau khi được những người bạn kêu gọi anh đến du lịch.

Một tháng sau, một người có ảnh hưởng nổi tiếng chuyên "lật tẩy" các nhà hàng không trung thực đã đến Truy Bác và nói rằng anh ta không tìm thấy bất kỳ gian hàng nào có hành vi gian lận tại đây.

Một nhân viên của nhà hàng cho biết nhân viên chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, theo South China Morning Post.

Vào ngày 26/4, các quan chức của Cục Văn hóa và Du lịch Truy Bác thậm chí đã đăng lời kêu gọi khuyên mọi người nên tránh thành phố trong kỳ nghỉ tháng 5.

"'Sự yêu thích đối với thịt nướng Truy Bác đã vượt tầm kiểm soát. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để đáp ứng lượng khách du lịch gần đây, nhưng nó đã gây rắc rối và bất tiện cho mọi người", chính quyền viết.

Anh Zhang đồng ý rằng việc có quá nhiều khách du lịch là không bền vững, đặc biệt khi tiệc nướng là một sự kiện mùa hè.

"Về lâu dài, nó thực sự phụ thuộc vào khả năng của thành phố. Thành phố có chưa đến năm triệu người, vì vậy thật khó để tiếp nhận một dòng người tới 200.000 du khách".

Tuy nhiên, hầu hết người dân địa phương dường như đều vui vẻ với lượng du khách mới và tránh xa các điểm nóng để nhường chỗ cho người từ các vùng khác tới. Anh Zhang cho biết anh "tự hào" rằng quê hương mình đã nổi tiếng trên toàn quốc.

(Nguồn: Kenh14)

Châu Á chi lớn để đảo ngược tỷ lệ sinh

Châu Á đang chi mạnh tay để đối phó với tình trạng tỷ lệ sinh thấp, song điều đó vẫn chưa thể mang đến nhiều tác động tích cực cho khu vực.

Tỷ lệ sinh giảm là mối lo ngại lớn đối với một số nền kinh tế lớn nhất châu Á. Chính phủ các nước trong khu vực đang chi hàng trăm tỷ USD để cố gắng đảo ngược xu hướng này, nhưng liệu điều đó có hiệu quả, BBC đặt câu hỏi.

Nhật Bản bắt đầu đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con từ những năm 1990. Hàn Quốc bắt đầu làm điều tương tự từ những năm 2000, trong khi chính sách khuyến khích sinh đẻ của Singapore lần đầu được đưa ra từ năm 1987.

Giữa lúc chứng kiến dân số lần đầu giảm sau 60 năm, Trung Quốc đã gia nhập đội ngũ các quốc gia khuyến khích sinh đẻ - vốn ngày càng tăng.

Hàng trăm tỷ USD tiêu tan

Mặc dù rất khó để tính toán chính xác chi phí dành cho các chính sách khuyến khích sinh đẻ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gần đây cho biết nước này đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua để cố gắng tăng dân số. Tuy nhiên, năm ngoái, Hàn Quốc vẫn phá vỡ kỷ lục của chính mình về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Ở nước láng giềng Nhật Bản - quốc gia ghi nhận số ca sinh thấp kỷ lục vào năm ngoái - Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết tăng gấp đôi ngân sách cho các chính sách liên quan đến trẻ em.

Cố vấn thủ tướng Masako Mori hồi đầu tháng 3 cảnh báo việc không chặn đà trượt dốc sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm không chỉ cản trở tăng trưởng kinh tế, mà còn dẫn tới hệ thống lương hưu sụp đổ, gây áp lực tới các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và quốc phòng.

“Nếu tiếp tục đà này, đất nước sẽ biến mất. Chính những người phải sống trong quá trình biến mất đó sẽ phải đối mặt với tác hại to lớn”, Bloomberg dẫn phát biểu của bà Mori trong một cuộc phỏng vấn.

Trên toàn cầu, trong khi ngày càng có nhiều quốc gia cố gắng giảm tỷ lệ sinh, số quốc gia muốn tăng mức sinh đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 1976, theo báo cáo gần đây nhất của Liên Hợp Quốc. Vậy tại sao chính phủ các nước này lại muốn tăng dân số, BBC đặt câu hỏi.

Nói một cách đơn giản, số lượng người có thể làm việc và sản xuất nhiều hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù dân số đông hơn có thể đồng nghĩa với việc chính phủ phải tăng chi tiêu, điều đó cũng có thể mang lại nguồn thu thuế lớn hơn.

Ngoài ra, dân số nhiều nước châu Á đang già đi nhanh chóng. Nhật Bản dẫn đầu với gần 30% dân số hiện ở độ tuổi trên 65, trong khi một số quốc gia khác trong khu vực cũng không khá hơn là bao.

Bên cạnh đó, khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, chi phí và gánh nặng chăm sóc những người không lao động sẽ tăng lên.

“Dân số tăng trưởng âm có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và kết hợp với tình trạng dân số già, người dân sẽ không đủ khả năng để chăm sóc những người già”, tiến sĩ Xiujian Peng, thuộc Đại học Victoria, nhận định.

Hầu hết biện pháp trong khu vực nhằm tăng tỷ lệ sinh đều giống nhau: Hỗ trợ tài chính cho cha mẹ mới sinh con, trợ cấp hoặc miễn phí giáo dục, xây dựng thêm nhà trẻ, ưu đãi thuế và mở rộng thời gian nghỉ phép của cha mẹ. Tuy nhiên, liệu những biện pháp này có hiệu quả, BBC đặt câu hỏi.

Dữ liệu trong vài thập kỷ qua từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cho thấy nỗ lực tăng dân số của họ mang lại rất ít tác động tích cực. Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu cho biết các chính sách đó đã thất bại.

Chuyên gia Alanna Armitage của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, nhận định nhìn từ lịch sử, những chính sách được gọi là “kỹ thuật nhân khẩu học” (demographic engineering), trong đó chính phủ cố gắng khuyến khích phụ nữ sinh nhiều con hơn, không mang đến hiệu quả.

“Chúng ta cần hiểu những yếu tố cơ bản quyết định tại sao phụ nữ không có con. Đó thường là do phụ nữ không có khả năng cân bằng công việc với cuộc sống gia đình”, bà nói thêm.

Không còn lựa chọn nào khác

Trong khi đó, Jung Chang Lyul, phó giáo sư về phúc lợi xã hội tại Đại học Dankook, nhận định biện pháp khuyến khích sinh đẻ bằng tiền mặt là “hoàn toàn không hiệu quả”. Theo ông Jung, vấn đề thực sự là việc chi phí cao để nuôi dạy một đứa trẻ và giá bất động sản tăng cao - đặc biệt là ở Seoul, Guardian đưa tin.

Ngoài ra, BBC cho biết còn có những câu hỏi lớn về cách thức tài trợ cho các biện pháp tốn kém này, đặc biệt là ở Nhật Bản, nền kinh tế phát triển nợ nhiều nhất thế giới.

Nhật Bản đang xem xét nhiều biện pháp, bao gồm bán thêm trái phiếu chính phủ (đồng nghĩa với việc tăng nợ), tăng thuế bán hàng hoặc tăng phí bảo hiểm xã hội.

Việc bán thêm trái phiếu chính phủ sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho các thế hệ tương lai, trong khi hai lựa chọn còn lại sẽ ảnh hưởng đến những người lao động vốn đang gặp khó khăn, và điều có thể thuyết phục họ sinh ít con hơn.

Tuy nhiên, giáo sư kinh tế Antonio Fatás tại INSEAD nhận định bất kể những chính sách này có hiệu quả hay không, các chính phủ vẫn phải đầu tư vào chúng. "Tỷ lệ sinh không tăng nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự hỗ trợ giảm đi. Điều đó có thể khiến tỷ lệ sinh còn thấp hơn nữa”, ông nói.

Chính phủ các nước cũng đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác để giúp nền kinh tế chuẩn bị đối phó với tình trạng dân số ngày càng giảm.

“Trung Quốc đầu tư vào công nghệ và đổi mới để bù đắp cho lực lượng lao động đang suy giảm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc thu hẹp dân số”, bà Peng nói. Ngoài ra, các nhà lập pháp một số nước đang thảo luận về việc thay đổi các quy định nhập cư để cố gắng lôi kéo lao động trẻ từ nước ngoài.

“Trên toàn cầu, tỷ lệ sinh đang giảm nên đây sẽ là cuộc đua thu hút những người trẻ tuổi đến và làm việc tại đất nước của các bạn”, bà Peng nói thêm.

Cho dù việc đổ tiền vào các chính sách sinh sản có giúp ích hay không, chính phủ nhiều nước trong khu vực dường như không có lựa chọn nào khác.

(Nguồn: Zing News)

Đêm kinh hoàng của người Kiev dưới mưa hỏa lực Nga

(Ảnh minh họa).

Tên lửa dồn dập dội xuống lúc rạng sáng 16/5 khiến nhiều người dân ở thủ đô Kiev của Ukraine không kịp tìm nơi trú ẩn.

Lần lượt từng chớp sáng rạch ngang bầu trời Kiev cùng những tiếng nổ lớn rạng sáng 16/5. Hầu hết người dân ở đây không có cách nào để biết chắc chắn rằng những tiếng nổ lớn kinh hoàng và bất ngờ đó là do các hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ tên lửa Nga chứ không phải tên lửa tấn công thành phố của họ.

Liudmyla Kravchenko cùng với chồng và hai con trú ẩn ở hành lang gần như suốt đêm. "Không có hầm trú ẩn nào gần nhà, ga tàu cũng ở rất xa. Tôi nghĩ việc đến đó lúc cuộc tập kích đang diễn ra thậm chí còn nguy hiểm hơn", cô chia sẻ.

Kravchenko cho biết, không phải lúc nào gia đình cô cũng tìm chỗ trú ẩn khi còi báo động vang lên, nhưng đêm qua thì khác. "Nó rất đáng sợ, do vậy, khi nghe thấy những tiếng nổ đầu tiên, chúng tôi vội chạy ra hành lang. Tất nhiên, nếu không may tên lửa rơi trúng nhà, thì chúng tôi cũng khó sống sót, kể cả 2 hay 3 hay 5 lớp tường", Kravchenko nói.

Cô cho biết cậu con trai 1 tuổi Artem đã ngủ trong vòng tay cô khi họ chờ cuộc tấn công kết thúc, trong khi cô con gái 9 tuổi đã quá quen với các cuộc không kích đến nỗi cô bé biết "bỏ mọi thứ và tìm chỗ nấp".

"Vợ tôi đã đếm được hơn 30 vụ nổ, và từ ban công, chúng tôi thấy hàng chục vụ đánh chặn của lực lượng phòng không Ukraine. Nó quá nhanh, chúng tôi thậm chí không có thời gian để đến nơi trú ẩn", Tymofiy Mylovanov, cố vấn tổng thống và là người đứng đầu Trường Kinh tế Ukraine, cho biết trên Twitter.

Theo Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi, cuộc tập kích bắt đầu khoảng 3h30, các tên lửa nhắm vào Kiev từ 3 hướng đông, bắc, nam.

"Sáu tên lửa Kh-47M2 Kinzhal phóng đi từ 6 máy bay MiG-31K, 9 tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ở Biển Đen và 3 tên lửa mặt đất (có thể từ tổ hợp S-400, Iskander-M), ông Zaluzhnyi nói. Tướng Zaluzhnyi cho biết thêm, Moscow còn sử dụng máy bay không người lái để tập kích, song tất cả đều bị phá hủy, trong đó có 6 tên lửa siêu vượt âm.

Đây là vụ tập kích thứ 8 của Nga nhằm vào Kiev kể từ đầu tháng này và có mức độ "dữ dội bất thường".

Oleksandr Kravets, một cư dân 50 tuổi ở Kiev, cho hay ông nhìn thấy hệ thống phòng không của quân đội Ukraine kích hoạt. "Tôi sống ở tầng 13. Tôi nhìn thấy mảnh tên lửa rơi xuống. Lực lượng phòng không của chúng ta là những người hùng thực sự. Tôi cho rằng, năng lực phòng không của chúng ta đang cải thiện từng ngày, tỷ lệ đánh chặn thành công ngày càng tăng. Theo tôi đó là nhờ cả kinh nghiệm của chúng ta và hệ thống phòng không mới (do phương Tây viện trợ)", ông Kravets nói.

Ukraine không tiết lộ dùng hệ thống phòng không nào để đối phó, song Moscow tuyên bố cuộc tập kích hôm qua đã phá hủy tổ hợp phòng không Patriot của Kiev. Giới chức quân đội Mỹ đánh giá, một trong hai tổ hợp Patriot mà Ukraine được viện trợ có thể đã bị hư hại.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang