Kinh tế châu Á hồi phục chậm; Vận may của Adani cạn dần; Tranh giành 'vàng trắng'; Thượng đỉnh EU-Kyiv; NATO hướng đông

HỒI PHỤC KINH TẾ Ở CHÂU Á VẪN MONG MANH

(Ảnh minh họa).

Hoạt động sản xuất tại nhiều nước châu Á sụt giảm trong tháng 1 qua bất chấp Trung Quốc mở cửa lại, qua đó nêu bật sự hồi phục kinh tế của khu vực vẫn còn mong manh.

Theo Reuters, việc Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt vẫn chưa bù đắp được tác động tiêu cực từ sự tăng trưởng chậm lại của Mỹ và châu Âu.

Theo khảo sát của Caixin/S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Trung Quốc trong tháng 1-2023 tăng lên 49,2, so với mức 49 của tháng trước. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp con số này dưới 50. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.

Tại Nhật Bản, chỉ số PMI của Ngân hàng au Jibun trong tháng 1-2023 là 48,9. Con số này không thay đổi so với tháng trước đó, qua đó cho thấy các nhà sản xuất tiếp tục gặp khó vì nhu cầu toàn cầu thấp.

Trong khi đó, PMI tại Hàn Quốc trong tháng 1 là 48,5, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp con số này dưới 50. Sự thu hẹp sản xuất cũng được ghi nhận ở Malaysia nhưng Indonesia và Philippines lại chứng kiến hoạt động sản xuất mở rộng.

Một số nhà phân tích nhận định hiện chưa rõ kinh tế châu Á có chống chọi được những ảnh hưởng từ nhu cầu toàn cầu suy giảm và lạm phát cao kéo dài hay không.

Ông Toru Nishiama, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life (Nhật Bản), cho rằng dù giai đoạn suy giảm tồi tệ nhất ở châu Á đã qua nhưng triển vọng lại bị che mờ bởi những vấn đề ở các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu. "Với sự phục hồi từ đại dịch COVID-19 đang diễn ra, các nền kinh tế châu Á cần một động lực tăng trưởng mới nhưng đến nay vẫn chưa có" - ông Nishiama nhận định.

(Nguồn: CafeF)

VẬN MAY CỦA TỶ PHÚ ADANI ĐANG CẠN DẦN

Tài sản của ông Adani, người từng là tỷ phú giàu nhất châu Á, đang giảm chóng mặt sau khi công ty bán khống Mỹ Hindenburg đưa ra cáo buộc chống lại tập đoàn của ông.

Gautam Adani là nhà tài phiệt được biết đến khắp Ấn Độ. Tên tuổi của ông có mặt trên các biển quảng cáo bên đường, ở sân bay và cả bến tàu mà tập đoàn ông điều hành.

Nhà máy điện của ông thắp sáng những tòa nhà văn phòng ở Mumbai và tưới tiêu cho các cánh đồng nông thôn. Gần đây, tỷ phú này còn mở rộng đế chế kinh doanh sang cả lĩnh vực quốc phòng và truyền thông.

Vì vậy, tuần trước khi công ty bán khống Mỹ Hindenburg Research cáo buộc Adani Group - tập đoàn năng lượng và hạ tầng do ông Adani nắm quyền kiểm soát - có hành vi gian lận quy mô lớn, nó đã giáng đòn nghiêm trọng vào vị tỷ phú Ấn Độ cùng đế chế của ông, theo Wall Street Journal.

Cổ phiếu và trái phiếu của các công ty con thuộc Adani Group lao dốc, khiến nhà đầu tư thua lỗ hàng tỷ USD.

Vào hôm 1/2, công ty hàng đầu của ông Adani, Adani Enterprises, đã hủy bỏ việc bán cổ phiếu lên tới 2,5 tỷ USD.

Tài sản giảm dần

Vào tháng 9/2022, vị tỷ phú 60 tuổi đã soán ngôi người sáng lập Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới, với tài sản ròng trị giá 147 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.

Sự trỗi dậy của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc kinh tế thế giới đã mang lại vận may cho ông Adani.

Trong thập kỷ qua, khi hàng chục triệu người Ấn Độ tiến vào tầng lớp trung lưu, các công ty của Adani đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ Thủ tướng Narendra Modi để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trong khi nhập khẩu nhiên liệu giúp duy trì quỹ đạo đi lên của nền kinh tế tại đất nước 1,4 tỷ dân.

Tuy nhiên, vận may đó của ông Adani đang giảm dần.

Báo cáo dài 104 trang do Hindenburg Research công bố mới đây cáo buộc Adani Group "thao túng cổ phiếu trắng trợn" và gian lận kế toán trong nhiều thập kỷ, đồng thời nhận định cổ phiếu của đế chế này được định giá quá cao.

Phản ứng lại, tập đoàn đã công bố tài liệu dài 413 trang và gọi báo cáo của công ty bán khống trên là “không có gì ngoài sự dối trá”.

Reuters đưa tin cổ phiếu của tập đoàn Adani đã giảm vào ngày 2/2 sau khi tình trạng hỗn loạn trên thị trường buộc tập đoàn này phải hủy bỏ đợt chào bán cổ phiếu quan trọng trị giá 2,5 tỷ USD.

Động thái mới đã khiến khoản lỗ thị trường của tập đoàn Adani tăng lên hơn 100 tỷ USD và làm dấy lên lo ngại về những tác động tiềm tàng

Sự sụt giảm giá cổ phiếu tính khiến vị tỷ phú Ấn Độ tụt xuống vị trí thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes.

Những cáo buộc của Hindenburg làm lung lay cả điều mà nhiều người Ấn Độ gọi là “mô hình tăng trưởng kinh tế Gujarat” - chỉ quê hương của ông Adani và Thủ tướng Modi.

Mô hình này liên quan đến việc sử dụng các khoản trợ cấp lớn của chính phủ để tài trợ cho các công ty tư nhân như của ông Adani xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hợp tác chặt chẽ với chính phủ

Theo Bloomberg, việc phát triển các mảng kinh doanh phù hợp với định hướng của đất nước là một trong những yếu tố giúp đế chế của ông Adani ăn nên làm ra.

Ông Adani đã tham gia vào các kế hoạch của chính phủ Modi nhằm xoay chuyển nền kinh tế từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch hơn, như gió và mặt trời.

Ông cam kết xây dựng 3 nhà máy để sản xuất module năng lượng mặt trời, tua bin gió và máy điện phân hydro. Ông cũng đang phát triển một trang trại năng lượng mặt trời rộng lớn ở sa mạc phía tây bắc Ấn Độ.

Theo Wall Street Journal, sự “cộng sinh” của ông Adani với nền kinh tế Ấn Độ đang được thử nghiệm qua vụ việc trên.

Đế chế của ông Adani bắt đầu ở Gujarat, một bang trên bờ biển phía tây bắc Ấn Độ.

Là con út trong gia đình có 5 người con, Adani lớn lên ở thành phố Ahmedabad. Ông bỏ học khi còn là một thiếu niên và chuyển đến Mumbai làm việc trong ngành buôn bán kim cương.

Vào đầu những năm 1980, ông Adani trở lại Ahmedabad để làm việc với anh trai mình, Mahasukh, người đã mua lại một công ty sản xuất nhựa. Gia đình ông sau đó thành lập Adani Exports, chuyên xuất khẩu mặt hàng như kem đánh răng và xi đánh giày ra thị trường toàn cầu.

Vào đầu những năm 1990, Ấn Độ rơi vào khủng hoảng kinh tế một phần do sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Chính phủ nước này đã thỏa thuận khoản vay khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và bắt tay vào công cuộc tư nhân hóa sâu rộng.

Chớp lấy thời cơ, Adani Exports bắt đầu mua đất tại cảng Mundra, thuộc sở hữu của bang Gujarat. Vùng nước sâu bất thường của Mundra khiến nơi này trở thành địa điểm lý tưởng cho việc neo đậu những con tàu khổng lồ. Vị trí dọc theo Biển Arab cũng khiến nó trở thành cửa ngõ quan trọng để dòng hàng hóa châu Á chảy về phương Tây.

Ông Adani tiếp tục đề xuất thành lập một liên doanh với bang Gujarat để phát triển cảng và nhận được sự chấp thuận.

Chính quyền bang sau đó đã bán cổ phần trong liên doanh cảng cho Adani Exports với giá hai tỷ rupee (khoảng 24 triệu USD theo tỷ giá hiện nay).

Sau khi nắm quyền, ông Adani xây dựng một tuyến đường sắt đến cảng, đưa nó trở thành tuyến đường sắt đầu tiên ở Ấn Độ được kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia.

Việc này giúp tăng cường hàng hóa lưu thông qua cảng Mundra. Chính phủ Ấn Độ sau đó chỉ định cảng này là một đặc khu kinh tế, cung cấp ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây.

Ấn Độ thiếu nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch dồi dào nên ông Adani nhập khẩu than từ Indonesia và Australia. Ông đã xây dựng một băng chuyền khổng lồ ở Mundra để vận chuyển than từ bến tàu tới nhà máy điện Adani gần đó. Điện được tạo ra tại nhà máy rồi được truyền qua đường dây truyền tải Adani đến các thành phố và thị trấn cách đó hàng trăm dặm.

Mundra trở thành cảng tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Điều này cũng giúp ông Modi huy động được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp khi tranh cử ghế thủ tướng sau đó.

Sau khi ông Modi giành chiến thắng, chính phủ tiếp tục tìm cách đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều đó bao gồm kế hoạch tư nhân hóa hoạt động của 6 sân bay. Ông Adani đã giành được tất cả 6 hợp đồng, biến tập đoàn của ông trở thành nhà điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ.

Rủi ro cao

Việc Adani mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới như trung tâm dữ liệu, tinh chế đồng và hydro đã kéo tập đoàn vào lĩnh vực thâm dụng vốn. Các nhà phân tích dự đoán nhiều dự án sẽ không mang lại lợi nhuận trong vài năm tới.

Vào tháng 8/2022, công ty nghiên cứu nợ CreditSights cảnh báo nếu một trong những công ty trên của tập đoàn kiệt quệ về tài chính, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu hoặc định giá của những công ty khác.

Tới tháng 11/2022, Adani Enterprises - một phần của Tập đoàn Adani - đã công bố kế hoạch bán cổ phiếu lớn, nhằm huy động tới 2,5 tỷ USD.

Công ty cho biết số tiền huy động được sẽ được sử dụng để trả nợ và tài trợ cho các dự án năng lượng xanh, xây dựng đường cao tốc và cải thiện sân bay.

Thế nhưng, 3 ngày trước khi đợt chào bán công khai bắt đầu, báo cáo của Hindenburg được công bố, khiến cổ phiếu của các công ty Adani lao dốc.

(Nguồn: Zing News)

CUỘC CHIẾN GIÀNH 'VÀNG TRẮNG' GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC TRÊN THẾ GIỚI

(Ảnh minh họa).

Các cường quốc trên thế giới đang giành giật lithium, mặt hàng được mệnh danh là 'vàng trắng' và có mức giá tăng hơn 500% trong vòng 2 năm qua.

Lithium đang là nguyên liệu chính sản xuất pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại di động đến ô tô điện.

Quan trọng hơn, lithium còn được Liên Hợp Quốc coi là “trụ cột cho nền kinh tế không sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, và là phương thức lưu trữ năng lượng quan trọng của mạng lưới điện sạch tương lai. Do đó, lithium đã trở thành một trong những mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới với giá bán tăng hơn 500% trong vòng hai năm qua.

RT đưa tin, theo nhà phân tích chính trị Timur Fomenko, do tầm quan trọng của lithium, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt Trung Quốc vào trọng tâm cạnh tranh để giành vị trí đứng đầu. Cuộc chiến giữa hai nước được phân định bởi việc ai có thể xác định vị trí và khai thác các mỏ lithium trên khắp hành tinh. Ai kiểm soát được chuỗi cung ứng lithium sẽ giành vị trí số 1 trong ngành công nghiệp quan trọng này.

Trên thực tế, Trung Quốc đang chiếm ưu thế sở hữu cả số lượng lithium và khả năng khai thác. Cụ thể, Trung Quốc hiện đứng thứ 6 thế giới về tổng tài nguyên lithium (5,1 triệu tấn), và thứ 4 về trữ lượng khai thác (1,5 triệu tấn). Mỹ có nhiều tài nguyên lithium hơn (9,1 triệu tấn), nhưng trữ lượng khai thác lại chỉ ở mức 750.000 tấn. Hay như Australia cũng có trữ lượng lithium là 5,7 triệu tấn.

Đáng nói, Mỹ đang mất dần sự kiểm soát đối với khu vực giàu trữ lượng lithium là Trung và Nam Mỹ. Trái lại, Trung Quốc đang giành được nhiều ưu thế ở những khu vực này.

Riêng khu vực Mỹ Latinh sở hữu 56% trữ lượng lithium trên thế giới và tập trung ở Bolivia, Argentina, Chile hay còn gọi là "tam giác lithium" và Brazil. Trong đó, Bolivia hiện có 21 triệu tấn lithium chưa được khai thác, Argentina đã khai thác 2,2 triệu tấn trong tổng số 19 triệu tấn tài nguyên sở hữu. Mexico cũng nắm trong tay 1,7 triệu tấn lithium. Giờ đây, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để tiếp cận nguồn cung lithium khổng lồ tại đây.

Khi cuộc chiến địa chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên, Bắc Kinh đã tìm cách đầu tư vào nhiều công ty liên doanh khai thác lithium ở khắp châu Mỹ. Đáp lại, Mỹ sử dụng Học thuyết Monroe để tác động quyền lực chính trị. Cụ thể, Mỹ đã ngăn chặn một công ty Trung Quốc khai thác lithium ở Mexico. Hay gần đây Canada đã ra lệnh cho ba công ty Trung Quốc thoái vốn khỏi các công ty khoáng sản với lý do an ninh quốc gia. Cả Mexico và Canada đều là các bên tham gia Thỏa thuận thương mại USMCA với Mỹ. Điều này đồng nghĩa Mỹ sẽ dễ dàng đầu tư nhiều hơn vào các mỏ khai thác lithium của hai nước đối tác.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Washington không phải trong trường hợp nào cũng thành công. Bởi quốc gia số 1 sở hữu trữ lượng lithium là Bolivia lại vừa mới ký kết thỏa thuận với một tập đoàn Trung Quốc cách đây vài tuần để phát triển hai nhà máy lithium. Theo đó, công ty Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào giai đoạn đầu của dự án.

Mỹ cũng phải đối mặt với những thách thức ở Argentina và Brazil, do hai nước này đều từ chối Học thuyết Monroe và tìm cách đảm bảo lợi ích quốc gia trong một môi trường đa cực hơn. Một năm trước, Argentina đã tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tới tháng 7/2022, một công ty Trung Quốc đã hoàn tất thỏa thuận trị giá gần 1 tỷ USD để tiếp quản một công ty lithium của Argentina, điều mà Hoa Kỳ không thể ngăn cản.

Trong bối cảnh Mỹ đang bị Trung Quốc vượt lên trước trong ngành lithium, điều này đang tạo ra một cuộc đối đầu mới giữa hai cường quốc kinh tế ở khu vực châu Mỹ.

(Nguồn: Vietnamnet)

EU-UKRAINE HỌP THƯỢNG ĐỈNH TRONG KHI KYIV NÓI NGA 'CHUẨN BỊ TẤN CÔNG TỪ 24/02'

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine vừa nói quân đội Nga đang chuẩn bị tung ra một chiến dịch mới đánh vào nước ông đúng dịp một năm ngày 24/02/2022.

Ông Oleksii Reznikov nói Moscow đã tập trung hàng nghìn quân và "có thể làm gì đó" để đánh dấu một năm ngày họ mở cuộc xâm lăng Ukraine.

Đó còn là dịp kỷ niệm Ngày Bảo vệ Tổ quốc của Nga, 23/02, tức là ngày thành lập quân đội liên bang.

Hai tuần trước, Nga và Belarus tập trận chung, gây quan ngại rằng một chiến dịch mới đánh vào Ukraine có thể được Nga thực hiện từ phía Bắc.

Thăm Hàn Quốc, Tổng thư ký khối Nato, ông Jens Stoltenberg nói ông tin là "mục tiêu của Putin không dừng lại ở vùng miền Đông Ukraine".

Hôm 30/01, phát biểu tại một viện nghiên cứu ở Seoul, ông Stoltenberg kêu gọi chính phủ Hàn Quốc cho phép các công ty vũ khí cung cấp hàng cho Ukraine.

Hiện nay, Hàn Quốc mới chỉ ký các hợp đồng lớn bán xe tăng, phi cơ, pháo tự hành cho Ba Lan, nước láng giềng Ukraine.

CẦN XE TĂNG, CHIẾN ĐẤU CƠ VÀ HỎA TIỄN TẦM XA

Một vụ bắn phá mới nhất của Nga làm ba người thiệt mạng ở thành phố Kramatorsk.

Vẫn vụ tên lửa Nga bắn trúng vào một chung cư làm bảy người khác bị thương tại thành phố này, thuộc vùng Donets.

Thế nhưng giới chức nói số nạn nhân có thể còn tăng vì họ vẫn đang tìm kiếm trong đống nổ nát của tòa nhà.

Viết trên mạng xã hội Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bình luận về vụ tấn công này của Nga: "Để chống khủng bố Nga thì chỉ có cách đánh bại nó. Bằng xe tăng, bằng chiến đấu cơ, bằng hỏa tiễn tầm xa."

Không thuộc khối quân sự Nato nhưng Ukraine tiếp tục kêu gọi Nato và các đồng minh ủng hộ phi cơ chiến đấu, sau khi đá được hứa trao xe tăng hạng nặng.

Có tin chưa được xác minh rằng Hoa Kỳ sẽ cho Ukraine tên lửa có tầm bắn tới 150 km.

Phía Nga, qua lời của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, bác bỏ tính hiệu quả của loại tên lửa này, cho rằng chúng "không thể nào ngăn được Nga".

CHƯA THỂ VÀO EU NGAY

Trước một hội nghị thượng đỉnh tuần này với lãnh đạo EU, còn gọi là "tuần liên kết, hội nhập châu Âu", chính quyền Ukraine mong đợi có quyết định về tiến trình gia nhập khối.

Thế nhưng tin tức từ Brussels nói lịch trình "vào EU sau hai năm" mà Kyiv mong muốn, sẽ trở thành "lời hứa không mang tính hiện thực", một nguồn tin cho BBC biết.

Một nhà ngoại giao EU nói "đó không phải là thứ Ukraine hiện đang cần".

Thế nhưng một nhà ngoại giao khác cho hay có sức ép từ các nước như Ba Lan, muốn EU đẩy nhanh tiến trình để Ukraine gia nhập, bất chấp tình trạng chiến tranh với Nga.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ sang Kyiv dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 03/02 này với Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Denys Shmyhal nói nước ông "đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành thành viên EU sau hai năm nữa".

(nguồn: Bbc)

TÌM KIẾM VÕ KHÍ CHO UKRAINE, NATO HƯỚNG ĐÔNG

(Ảnh minh họa).

Cho đến năm ngoái, nhiều quốc gia ở Tây Âu đã có chính sách lâu dài chống lại việc đưa vũ khí vào các vùng chiến sự. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã nhanh chóng thay đổi tất cả.

Những quốc gia đó - đáng chú ý nhất là Đức, Thụy Điển và Na Uy - đã thay đổi hướng đi, cuối cùng hiến tặng vài đợt vũ khí để giúp Ukraine chiến đấu trong một trận chiến mà họ coi là quyết định đối với tương lai của châu Âu.

Nhưng sau gần một năm giao tranh, và với việc châu Âu hiện đang phải vật lộn để sản xuất đủ đạn dược cho Ukraine và chính mình, việc tìm kiếm các nguồn vũ khí khác đang được tiến hành.

Một số đang tìm đến Đông Bắc Á để được giúp đỡ. Trong chuyến công du tuần này bao gồm các điểm dừng ở Seoul và Tokyo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine, nêu gương của các nước châu Âu.

“Sau cuộc xâm lược tàn bạo vào Ukraine, những quốc gia này đã thay đổi chính sách,” ông Stoltenberg nói trong một bài phát biểu tại Seoul. “Nếu bạn không muốn chế độ chuyên quyền và bạo ngược chiến thắng, thì họ cần có vũ khí. Đó là thực tế.”

Hàn Quốc và Nhật Bản đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự phi sát thương, chẳng hạn như áo chống đạn và mũ sắt. Nhưng cả hai quốc gia đều không gửi vũ khí trực tiếp đến Ukraine, một phần là do các quy định pháp lý tương tự đã hạn chế nhiều nước châu Âu.

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thay đổi chính sách đối với Ukraine, nhưng những bình luận của ông Stoltenberg cho thấy cả hai nước có thể chịu nhiều áp lực hơn từ phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự, đặc biệt là khi chiến tranh tiếp diễn.

Cách tiếp cận ngoằn ngoèo của Hàn Quốc

Cho đến nay, Hàn Quốc chỉ gián tiếp hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Thay vì trao tặng vũ khí, chính phủ Hàn Quốc đã chấp thuận việc bán vũ khí do Hàn Quốc sản xuất cho các quốc gia đang cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine.

Ba Lan, nhà cung cấp vũ khí chính cho Ukraine, năm ngoái đã đồng ý mua vũ khí trị giá 5,8 tỷ đô la của Hàn Quốc, bao gồm xe tăng, pháo howitzer và đạn dược. Các công ty Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận nhỏ hơn với Estonia và Na Uy, cũng như đang đàm phán tương tự với Hoa Kỳ và Canada.

Ông Ramon Pacheco Pardo, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học King ở London, nói: “Những vũ khí này đang được sử dụng để thay thế các vũ khí cũ hơn được các quốc gia này gửi tới Ukraine và có những báo cáo đáng tin cậy rằng một số sẽ đến Ukraine hoặc đã đến đó”.

Các quan chức Hàn Quốc đã không công bố bất kỳ chính sách nào cho phép cung cấp vũ khí trực tiếp, mặc dù ngôn ngữ của họ về vấn đề này dường như đang dịu đi.

Ngày 31/1, khi được hỏi liệu Seoul có đang xem xét xuất khẩu vũ khí sang Ukraine hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup cho biết ông và người đứng đầu NATO “có chung quan điểm về sự cần thiết của nỗ lực quốc tế” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trong cuộc gặp với ông Stoltenberg, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đề cập đến “vai trò có thể có trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để giúp đỡ người dân Ukraine,” nhưng không nói chi tiết, theo một tuyên bố do văn phòng tổng thống Hàn Quốc đưa ra.

Một số bản tin nước ngoài coi những bình luận đó là một dấu hiệu cho thấy Seoul sẵn sàng thay đổi quyết định.

Nhưng một nhà ngoại giao ở Seoul từ một quốc gia NATO nói với VOA rằng ông không mong đợi một sự thay đổi lớn từ Hàn Quốc sớm, do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Seoul với Nga, cũng như ảnh hưởng của Moscow với Triều Tiên.

“Tôi hy vọng là mình sai,” nhà ngoại giao này nói.

Ngay cả với sự hỗ trợ gián tiếp của Hàn Quốc cho Ukraine, Nga vẫn không hài lòng. Hồi tháng 3, Moscow đưa Seoul vào danh sách các nước “không thân thiện.” Vào tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine “sẽ phá hủy mối quan hệ của chúng ta”.

Hạn chế của Nhật

Khả năng Nhật Bản gửi vũ khí cho Ukraine thậm chí còn ít hơn.

Mặc dù Nhật Bản đang dần nới lỏng các hạn chế theo chủ nghĩa hòa bình, nhưng các hạn chế pháp lý của nước này đối với việc xuất khẩu vũ khí có vẻ kém linh hoạt hơn so với ở Hàn Quốc.

Bất chấp những rào cản đó, Nhật Bản đã trở thành một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Ukraine. Nước này đã nhanh chóng tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, gửi hơn một tỷ đô la viện trợ tài chính và nhân đạo cho Ukraine và các nước láng giềng, thậm chí còn cung cấp thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine - một bước đi mà cho đến gần đây là không thể tưởng tượng được.

Ông Jeffrey J. Hall, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda của Nhật Bản, nói: “Bây giờ chúng ta có một tình huống là những người lính Ukraine ở tiền tuyến đang đội mũ sắt Type 88 của Nhật Bản và sử dụng máy bay không người lái của Nhật Bản khi họ chiến đấu và giết chết những người lính từ một quốc gia láng giềng Nhật Bản.”

Cuộc xâm lược của Nga xảy ra như một cú sốc lớn ở Nhật Bản, quốc gia giống như Ukraine đã bị các nước láng giềng đe dọa bằng vũ khí hạt nhân. Kết quả là, công chúng Nhật Bản ủng hộ rộng rãi cách tiếp cận của chính phủ đối với Ukraine, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy.

Ông Hall nói: “Nhưng việc trao cho người Ukraine những công cụ để trực tiếp giết người Nga, chẳng hạn như đạn dược, sẽ gây tranh cãi hơn nhiều.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng có thể có những ưu tiên khác. Có lẽ điều đáng chú ý nhất là ông ấy phải tìm cách chi trả cho kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới mà không phụ thuộc quá nhiều vào việc tăng thuế không được lòng dân.

Ông Hall nói thêm: “Điều này đặt ông Kishida vào một tình huống dao động về mặt chính trị, nơi ông muốn tránh đưa ra bất kỳ thay đổi chính sách nào nữa có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ chấp thuận ông.

Ngay cả khi Nhật Bản cuối cùng cung cấp vũ khí cho Ukraine, tác động tiềm năng của nó có thể ít hơn so với Hàn Quốc, quốc gia có ngành xuất khẩu quốc phòng lớn hơn nhiều.

Tiếp tục gây sức ép?

Chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn - và tiếp tục làm hao mòn kho dự trữ đạn dược của các nước phương Tây - thì Hàn Quốc và Nhật Bản có thể phải đối mặt với áp lực tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.

Đó là trường hợp đặc biệt vì cả hai quốc gia đều được lãnh đạo bởi các chính phủ bảo thủ đã cố gắng liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với NATO.

Trong chuyến thăm tuần này, ông Stoltenberg tuyên bố sẽ có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi tỏ ra miễn cưỡng đưa ra lời khuyên chính sách cụ thể, ông cảnh báo rằng an ninh của châu Âu và châu Á có mối liên hệ với nhau.

Ông nói: “Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến chừng nào còn có thể.” “Bởi vì nếu Tổng thống Putin chiến thắng, thông điệp gửi tới ông ấy và các nhà lãnh đạo độc tài khác là họ có thể đạt được những gì họ muốn thông qua việc sử dụng vũ lực.”

(Nguồn: VOA)

(Xem thêm:

=> Giải mã ChatGPT; 'Đình công sinh đẻ' ở Hàn Quốc; 'Phù phép' dầu Nga; Belarus hỗ trợ Nga; Nước cờ có tính toán ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang