.jpg)
KINH HOÀNG 2 NGƯỜI CHẾT CHÁY SAU TAI NẠN
Sau khi 2 xe máy gặp tai nạn, đám cháy bùng phát dữ dội khiến 1 người tử vong tại chỗ, 1 người tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu.
Đêm 9-3, Công an xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người tử vong.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 18 giờ cùng ngày, 2 xe máy lưu thông trên đường liên xã nối liền giữa làng Chan với trung tâm xã Ia Pnôn đã xảy ra vụ tai nạn giao thông.
Tại hiện trường, sau vụ tai nạn hai xe máy bốc cháy dữ dội. Rất nhiều người dân hiếu kì đi ngang qua đã dừng lại chứng kiến vụ việc.
Lực lượng chức năng ngay khi có mặt đã nhanh chóng dập tắt đám cháy, huy động lực lượng đưa những người bị nạn tới các cơ sở y tế cấp cứu.
Tuy nhiên, vụ tai nạn khiến ông Siu U. (trú làng Chan, xã Ia Pnôn) tử vong tại chỗ, một nam nạn nhân khác được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
XỬ 8 NGƯỜI LÀM CHÁY TRONG VỤ CHÁY CHUNG CƯ MINI LÀM CHẾT 56 CƯ DÂN
Chủ chung cư mini xây trái phép cùng 6 cựu cán bộ phường và quận Thanh Xuân bị xét xử hôm nay với cáo buộc liên quan sai phạm dẫn đến vụ cháy 56 người chết.
Ngày 10/3, Nghiêm Quang Minh (45 tuổi, chủ chung cư mini ở phố Khương Hạ) bị truy tố tại TAND Hà Nội về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, theo Điều 313 Bộ luật Hình sự, với tình tiết làm chết 3 người trở lên và gây thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng.
7 cựu cán bộ thuộc quận Thanh Xuân và phường Khương Đình bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: ông Trần Trọng Khang (cựu đội trưởng Thanh tra Xây dựng quận Thanh Xuân, giai đoạn 2013-2016); Phạm Tần Anh (nguyên phó chủ tịch UBND phường từ năm 2018); Chu Xuân Sơn (nguyên phó chủ tịch UBND phường, giai đoạn 2015-2020); Nguyễn Thị Kim Trang (nguyên cán bộ địa chính - xây dựng phường, giai đoạn 2010-2018); Nguyễn Tuấn Anh (nguyên phó Công an phường Khương Đình); Nguyễn Đình Quân (nguyên tổ trưởng Thanh tra Xây dựng phường, giai đoạn 2014-2016), Phạm Thanh Tùng (cựu nhân viên hợp đồng phụ trách lĩnh vực môi trường đô thị).
Trong 84 bị hại và người đại diện được triệu tập, 72 người có mặt. 10 trong số 12 người liên quan có mặt.
Phiên tòa dự kiến xét xử 3 ngày.
Chung cư mini xây vượt 3 tầng
Chung cư mini ở phố Khương Hạ trước đêm hỏa hoạn có 147 cư dân đang sinh sống.
Theo cáo trạng đang được VKS công bố, năm 2015, ông Minh, chủ sở hữu thửa đất 240 m2 ở phố Khương Hạ, được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Diện tích xây dựng tầng một 167,4 m2 nhưng gia chủ đã tự ý thay đổi thiết kế, xây sàn tầng một tới 240 m2; giấy phép cho xây 6 tầng, 33 phòng nhưng đã bị xây thành 9 tầng, 45 phòng - vượt 3 tầng và 12 phòng.
Ông Minh không lập hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu, quản lý về phòng cháy chữa cháy.
Tháng 7/2015, khi đang xây dựng tại tầng 7, Tổ thanh tra xây dựng phường Khương Đình lập biên bản yêu cầu ngừng thi công. Chủ nhà sau đó bị quận Thanh Xuân phạt 15 triệu đồng, buộc phá dỡ phần xây dựng sai phép; cưỡng chế thi hành.
Nhà chức trách cáo buộc, khi nhận được quyết định cưỡng chế, bị cáo Quân (Tổ trưởng Thanh tra xây dựng phường Khương Đình), Trang (cán bộ địa chính) và Tùng (nhân viên lĩnh vực môi trường đô thị của phường) lại lập biên bản và ký xác nhận Minh "tự tháo dỡ phần công trình xây dựng sai phép tại tầng 7". Phần xây dựng sai mật độ so với giấy phép thì 3 cán bộ này không yêu cầu phá dỡ. Sau khi lập biên bản, họ cũng không báo cáo về đường lối tiếp tục xử lý công trình xây dựng sai phép của Minh.
Cáo trạng xác định ông Sơn khi đương chức Phó chủ tịch UBND phường Khương Đình đã không kiểm tra đôn đốc 3 cấp dưới việc cưỡng chế.
Bị cáo Khang, Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân khi đó biết sự việc "cưỡng chế nửa vời" nhưng không tiếp tục yêu cầu Tổ thanh tra xây dựng và UBND phường Khương Đình phải thực hiện quyết định cưỡng chế.
Theo VKS, Quân, Trang, Tùng, Sơn và Khang đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bỏ mặc công trình của Minh tiếp tục xây dựng từ tầng 7 lên đến tầng 9 mà không bị bất kỳ một cơ quan, đơn vị nào của UBND phường Khương Đình và UBND quận Thanh Xuân kiểm tra, xử lý.
Nhiều lần bị cảnh báo nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng
Tháng 4/2016, bị cáo Minh bán xong 45 căn hộ cho các cá nhân và hộ gia đình. Đến cuối năm đó, toàn bộ 45 căn hộ đều đã có người ở.
Ông này bị cáo buộc "không có trách nhiệm đối với việc cư dân sinh sống và sự vận hành của tòa nhà". Toàn bộ 70-80 xe máy, xe máy điện, xe đạp điện của các cư dân đều để ở tầng một.
Từ năm 2018 đến 2020, Công an quận Thanh Xuân phát hiện nhiều vi phạm về PCCC tại đây, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể dẫn đến nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy nổ và có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngày 24/6/2020, quận Thanh Xuân ra quyết định đình chỉ hoạt động tầng một của tòa nhà. Minh và các hộ dân sinh sống tại đây, theo đó, phải thực hiện các yêu cầu về đảm bảo an toàn PCCC nhưng không thực hiện. Công an quận Thanh Xuân tiếp tục gửi công văn cho họ và cả Công an phường Khương Đình nhưng không có chuyển biến.
Ông Phạm Tần Anh, Phó chủ tịch UBND phường và Nguyễn Tuấn Anh, Phó Công an phường Khương Đình, khi đó phụ trách lĩnh vực phòng cháy chữa cháy nhưng không báo cáo, đề xuất tháo gỡ vấn đề khi bị cáo Minh và cư dân không chấp hành quy định, cáo trạng nêu.
Đêm 12/9/2023, mạch điện trên đường dây dẫn tại khu vực bình ắc quy đặt ở giáp tường bị chập, gây cháy. Lửa lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường tầng một rồi cháy lan ra xung quanh. Hỏa hoạn đã làm 56 người tử vong, 44 người bị thương ở các mức độ khác nhau và thiệt hại về tài sản là 3,2 tỷ đồng.
Đại diện hợp pháp gia đình 56 nạn nhân yêu cầu bồi thường tổng cộng 19,7 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí khám chữa bệnh của 44 người bị thương đã được nhà nước chi trả. Họ tiếp tục yêu cầu bồi thường tổng cộng 2,7 tỷ đồng.
Đối với thiệt hại về tài sản, các cư dân đã yêu cầu bồi thường tổng 56,7 tỷ đồng, gồm toàn bộ giá trị căn nhà, toàn bộ số tài sản có trong căn hộ, tiền, vàng...
44 GIÂY KINH HOÀNG VỤ Ô TÔ LAO NGƯỢC CHIỀU TRÊN ĐƯỜNG DẪN CAO TỐC PHAN THIẾT - DẦU GIÂY
.jpg)
Chiếc ô tô màu đen bất ngờ chạy ngược chiều trên đường dẫn cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây khiến tài xế các phương tiện khác một phen kinh hãi
Ngày 9-3, đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 6 Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã nắm được vụ việc tài xế ô tô đi ngược chiều trên đường dẫn cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Hiện lực lượng chức năng đang xác định được danh tính tài xế, liên hệ để mời người này lên làm việc, xử lý.
Cùng ngày, mạng xã hội facebook lan truyền đoạn clip ghi cảnh ô tô màu đen chạy ngược chiều trên cao tốc.
Bước đầu xác định, sự việc xảy ra vào gần 10 giờ ngày 8-3, được camera hành trình trên xe của người dân đi trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hướng từ tỉnh Bình Thuận đi Đồng Nai ghi lại.
Cụ thể, khi gần hết cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), họ bất ngờ thấy tài xế cầm lái ô tô chạy ngược chiều trên đường dẫn cao tốc, hướng về tỉnh Bình Thuận. Thời điểm này, tài xế này còn nháy đèn ra hiệu cho các xe đi đúng chiều để cảnh báo.
Sự việc khiến các tài xế lưu thông trên đường một phen giật mình vì các xe đang di chuyển vận tốc cao trên cao tốc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi đi ngược chiều.
NHỮNG CỤ BÀ U.90 BẠC ĐẦU MƯU SINH Ở TP.HCM
Ở TP.HCM, chuyện người nghèo xoay xở mưu sinh muôn hình vạn trạng. Và chúng tôi chạnh lòng, đứng tần ngần hồi lâu trước hình ảnh những cụ bà ngoài 80 tuổi che vội mấy tấm ni lông lên quang gánh, lọm khọm tìm một bóng cây trú mưa. Họ không sợ ướt mình, chỉ sợ bánh trái ướt không bán được, phải 'gồng lỗ'...
Những cụ bà U.90 dưới đây là điển hình cho người già "ba không" ở những đô thị lớn như TP.HCM: không lương hưu, không trợ cấp xã hội và cũng không còn sức khỏe…
Phố thị lên đèn, những ngày đầu tháng 2, bà Tư ngồi nép gọn vào góc đường ở 148 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Để cho dễ nhớ, người ta chỉ nhau tới bà Tư "ngay trước khách sạn Pullman". Dòng xe tấp nập qua lại, mình bà ngồi lui cui xếp mấy chiếc bánh ngọt miền Tây ngay ngắn trên mâm bánh đã cũ kỹ nhưng sạch sẽ và tươm tất.
Mâm bánh "ngoại Tư"
"Khổ cực, âu cũng là số phận rồi, có việc làm để kiếm sống qua ngày, không phải ăn xin là mừng. Cứ vậy rồi một ngày cũng qua, có gì đâu", bà Tư giọng bình thản.
Chuyện đời bà Tư bán bánh cơ hàn, dáng người nhỏ, lưng đã còng vì buôn gánh bán bưng. Nhưng điều tôi ấn tượng chính là nụ cười nồng hậu, hiếu khách của bà.
Gọi là bà Tư bán bánh, vì bà nói: "Cứ gọi ngoại Tư là được rồi, khách quen gọi vậy. Tui nay 88 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời".
Từ hơn 30 năm trước, bà từ Bến Tre lên TP.HCM mưu sinh. Rồi dường như hạnh phúc là một chiếc chăn hẹp, không còn chỗ cho bà. Đến nay, bà Tư tá túc nhà người quen bên Q.4.
Đằng đẵng 3 năm nay, từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, mâm bánh của bà cứ "tồn tại" như thế ở một góc nhỏ bên đường. Hỏi về gia đình, bà khẽ chỉ tay xuống đất, nói ông xã "nằm" dưới đó lâu rồi. Con cháu đủ hết nhưng đứa nào cũng khổ, nên bà Tư "thích đi bán kiếm tiền, tự nuôi cái thân mình".
Tôi thử hỏi: "Ngoại dự tính đi bán tới khi nào?". Bà Tư tặc lưỡi: "Còn sức khỏe thì cứ đi bán thôi, để mai kia có mất đi, thì có tiền lo an táng. Có như vậy, bà về quê hương xứ sở mới thanh thản".
Đúng như lời bà "quảng cáo", vị bánh ngọt vừa phải, dễ ăn, khách khứa tới kể mỗi lần mua mấy bịch bánh để dành ăn dần. Rau câu, bánh da lợn có vị béo của nước cốt dừa, "nịnh" vị giác những ai mê quà vặt dân dã.
"Lần nào mình đi ngang qua cũng mua 3 hộp về ăn dần, mà đưa thêm tiền cho bà là nhất quyết không lấy đâu. Hoặc là bà toàn nhét thêm bánh vô cho đủ mới chịu. Hôm bữa cố tình đưa dư tiền mà bà trả lại, còn nhanh hơn mình mở khóa xe máy nữa", một bạn trẻ qua đường cười bộc bạch.
Thấy khách tới mua, bà Tư xởi lởi, thao tác nhanh gọn, sợ bụi đường nên lật đật lấy bịch ni lông cho bánh vào, rồi liền phủ ni lông phía trên mâm bánh lại ngay.
Vậy là cứ mỗi chiều, bà đi xe ôm, cùng với mớ rổ, mâm và bánh cột cẩn thận từng bao, loại. Bà nói: "Giờ đi bộ hết nổi rồi. Lúc trước còn khỏe, còn gánh được chớ dạo này yếu…"
Thấy một chiếc hộp nhựa có cơm và ít cá kho, tôi hỏi thăm chuyện ăn uống, bà liền giấu nhẹm chiếc hộp đi. "Bà hay tự mang cơm theo, bỏ cơm với ít đồ ăn bậy bạ thôi hà, hổng có đáng bao nhiêu con", bà Tư bộc bạch.
Hình ảnh bữa cơm đạm bạc và có phần… qua loa đó, cứ bồng bềnh trong trí nhớ, khiến chúng tôi nghẹn ngào.
Cuộc đời chưa cho phép dừng lại
Dưới ánh đèn đường leo lắt trong con hẻm số 86/9 Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, chiếc xe đẩy cọc cạch, không mái che của bà Nguyễn Thị Sớm vẫn đứng đó, lọt thỏm giữa dòng đời tấp nập. Bà đã 86 tuổi, suốt hơn 35 năm nay vẫn bám trụ với nghề bán chuối và khoai lang chiên, ngày ngày mưu sinh bằng đôi tay gầy guộc nhưng đầy nghị lực.
Sinh ra ở Quảng Ngãi, năm 13 tuổi bà đã một mình vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Đời người mưu sinh nơi đất khách không dễ dàng, bà đã làm đủ nghề để nuôi 4 người con khôn lớn.
Nay các con của bà Sớm cũng chỉ đủ lo cho gia đình nhỏ. Bà cụ cười hiền, giọng nói chất phác: "Ngày nào tui cũng bán, chỉ có đau bệnh mới nghỉ thôi. Con cái tụi nó thỉnh thoảng có về thăm, nhưng cũng nghèo. Mình còn tự lo được thì cứ làm, nhiều khi chỉ để khuây khỏa".
Hỏi về nơi ở, bà nheo mắt nhìn xa xăm, rồi bật cười: "Giờ tui ở biệt thự… 5 sao, là mấy tấm tôn che phía trên, đỡ nắng mưa thôi à".
Mỗi ngày, bà thức dậy từ 4 giờ sáng, lo sửa soạn cho đủ chuối, khoai, pha bột… Tay bà thoăn thoắt trở từng miếng chuối chiên, khoai lang chiên trong chảo dầu sôi, thoảng mùi thơm ngậy. "Dầu chiên của tui cũng là loại dầu xịn đó nghen", bà nói vui, mắt ánh lên niềm tự hào vì vẫn cố gắng mang đến những món ăn sạch sẽ, thơm ngon cho khách.
Bà từng có lần đau đầu gối, đẩy xe không nổi, rồi ngã nhào cả xe, cả người. Nhớ lại, bà chỉ thở dài, giọng trầm xuống: "Nhưng không nổi cũng phải nổi thôi, đâu có ai để tâm sự hay giúp mình hoài đâu".
Vậy là hôm sau, bà lại lầm lũi đẩy xe ra hẻm, vẫn tiếp tục ngày mưu sinh. Ngoài bán bánh, bà còn tranh thủ nhặt ve chai, kiếm thêm chút tiền lẻ, đủ để có hôm "tự thưởng" cho mình một tô phở nóng.
Chiếc nón lá sờn cũ che đi phần nào gương mặt hằn sâu dấu vết thời gian. Lộ ra bên dưới là mái tóc bạc trắng, tự cắt lỉa chỉa, như chính cuộc đời lam lũ của bà, chẳng cần chỉn chu, miễn sao vẫn gọn gàng mà tiếp tục bươn chải.
Bà Sớm vẫn giữ thói quen chào hàng bằng nụ cười hiền hậu: "Mười ngàn một cái, muốn ăn bao nhiêu tự gắp, mấy cái tui cũng bán". Xe bánh được đẩy ra từ 2 giờ chiều, có hôm bán đến 7 giờ tối mới về, miễn sao hết hàng là bà vui.
Nhưng không phải ngày nào cũng thuận lợi. Đến tối muộn, bà chỉ tay vào bịch hủ tiếu nguội ngắt bên cạnh, thở dài: "Mấy hôm bán không được, bà rầu lắm, có lúc không muốn ăn gì hết". Lời nói nhẹ nhàng, như chẳng than trách ai, nhưng nghe đến quặn lòng.
Tay bà Sớm chầm chậm dọn dẹp, từng động tác nặng nề dưới bóng tối đổ dài. Cái xe đẩy vẫn lăn đi, nhưng từng bước chân ngày càng thêm chậm chạp. Người già, sức yếu, nhưng cuộc đời chưa cho phép bà dừng lại…
Nguồn: Soha; Vnexpress; Kenh14; Thanh Niên
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá